Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Chiến tranh nhìn từ nhiều phía

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38246 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiến tranh nhìn từ nhiều phía
nhiều tác giả

Tôi không nói tiếng Ma-rốc [khi trả lời phỏng vấn của Trần Văn Thuỷ]
Gần 30 năm sau cuộc chiến, một trong những di sản lớn nhất của nó: sự ngăn cách giữa người Việt trong nước với cộng đồng người Việt hải ngoại hình thành từ gần 1 triệu người Việt rời bỏ đất nước sau năm 1975, đến tị nạn tại các nước phương Tây mà tập trung nhất là ở Mĩ, vẫn là một di sản không dễ tiếp cận cho cả hai phía. Những giao lưu, hoà nhập, cộng tác và đối thoại giữa Việt Nam và thế giới ngày càng và sẽ không ngừng phát triển. Những sum họp và hoà giải trong các gia đình và giữa những cá nhân người Việt trong và ngoài nước ngày càng và sẽ không ngừng diễn ra mạnh mẽ. Nhưng tiến trình tự nhiên ấy vẫn không ngừng vấp phải những cản trở lớn của di sản lịch sử. Không hiếm khi, khả năng đối thoại dường như đã bị triệt tiêu ngay từ đầu bởi bức tường kiên cố của thành kiến, sức ỳ, tham vọng và thái độ thù địch từ cả hai phía. Và cũng không hiếm khi, những cố gắng đối thoại bước đầu cũng trở thành vô vọng bởi sự nửa vời và tránh né trước những cấm kị quá giới hạn chịu đựng, bởi ảo tưởng về sự đã lành của những vết thương vẫn còn đau nhức, hay đơn giản bởi sự bất lực trước một hiện thực với quá nhiều chiều cạm bẫy.
Gần đây, tác phẩm Nếu đi hết biển của Trần Văn Thủy trở thành một trường hợp tiêu biểu cho những khó khăn của việc tiếp cận với di sản nói trên. Là kết quả nghiên cứu của một trí thức, nghệ sĩ trong nước, thuộc chương trình Rockefeller Nghiên Cứu Về Tiến Trình “(Tái) Xây Dựng Diện Mạo và Quê Hương Của Người Việt Ở Nước Ngoài” 2000-2003 do Trung tâm William Joiner Nghiên Cứu Về Chiến Tranh và Hậu Quả Chiến Tranh, Đại Học Massachusetts Boston tổ chức và tài trợ, tác phẩm này một mặt không hề được công luận chính thức tại Việt Nam ghi nhận, mặt khác nó gây xung đột trong dư luận tại hải ngoại. Nhiều tháng qua, những tác giả như Phan Nhật Nam, Hoàng Hải Thủy, Irina Zisman, Trần Nghi Hoàng... đã phê phán dữ dội công trình này cũng như những người tham gia và tổ chức nó.
Chiến tranh nhìn từ nhiều phía, song các góc nhìn ấy sẽ có ích gì với người Việt, “những người còn tồn tại sau một loạt những cuộc chiến tranh do ngoại bang áp đặt đã chia cắt đất nước họ thành ba, thành hai trong gần một thế kỉ, và để lại cho họ một dân tộc cuốn lốc trong những bong bóng của chân lí và những điều giả dối”, như lời của Kewin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner, trong phần giới thiệu tác phẩm Nếu đi hết biển?

talawas


Sau khi tập Nếu đi hết biển của Trần Văn Thuỷ được in ra, trong đó có một bài phỏng vấn tôi, liên tiếp tôi bị "mang ra hành xử" hầu hết trên các báo địa phương ở Mỹ. Tôi không có cơ hội đọc được hết những bài loại này, nên chỉ may rủi nghe đuợc chuyện gì thì nói chuyện đó, mong bạn đọc thông cảm. Trần Văn Thuỷ phỏng vấn tôi không hên, nên lần này tôi tự phỏng vấn tôi.

Có bài báo nói, chị phải nịnh bợ Trần Văn Thuỷ dữ lắm, thậm chí còn dâng cả "bánh dầy kẹp chả thì là" cho chàng để được chàng phỏng vấn?
Vâng, đó là văn chương của ông nhà báo già lão thành vị thành niên [1] đang ở cùng tiểu bang tôi. Cũng là thói thường thôi, văn hoá bình dân Việt nam hải ngoại thương ca [2] mà, hễ cứ muốn bôi nhọ một người khác ý kiến với mình thì chụp cho nó cái nón cối [dù ở Việt Nam ngày nay không thấy có ai đội nón cối], để làm chi, để biến nó thành địch [ảo] và do đó có ta [ảo], bôi nhọ một phụ nữ thì thêm món đánh phủ đầu cha tiên nhân cái con đĩ, cái con giật chồng người là cầm chắc thắng lợi. Tôi nhớ nhà văn Dương Thu Hương [3] có lần sợ quá đã phải từng cáo bạch với quần hùng là chị ấy đã bất lực rồi! Khi nào gặp Hoàng lão thành vị thành niên này, tôi sẽ nhắc ổng tưởng tượng [phong phú, nghèo nàn] xem mấy vị Khánh Tuyết, Cao Xuân Huy, Nhật Tiến, Wayne Karlin, Trương Vũ, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong... dâng gì cho ông Thuỷ để được phỏng vấn? Và lần này tôi phải dâng gì [cho tôi]?
Lần đạo diễn Trần Văn Thuỷ trong nước ra nói chuyện chơi, rồi nhân đề cập đến cái grant của anh đang làm cho William Joiner Center, anh đề nghị, và cá nhân tôi thì nghĩ, ừ, thì anh muốn biết một di dân Việt kiều cù lần ở Mỹ như tôi suy nghĩ [linh tinh] gì về đất nước hắn đang sống, về cộng đồng hắn đang cùng sinh hoạt, và về những gì đã và đang xảy ra đối với tổ quốc gốc gác [mối bận tâm hàng đầu, hàng nhì...nhưng canh cánh bên lòng] của hắn...Tôi thì nghĩ, trả lời cũng vui, và nhân thể cũng giúp một người bạn mà mình chưa có dịp quen thân [nhưng mến mộ nhau vì xem phim, vì tấm lòng anh gửi gắm qua Chuyện tử tế] tôi ừ, để tôi trả lời phỏng vấn cho, về sau gom lại cùng nhiều người trả lời nữa, thành tập sách mỏng Nếu đi hết biển của Trần Văn Thuỷ [4] .
Chị có tiên liệu khi một lần nói phăng ra hết những suy nghĩ của mình về một người, một nhóm, và đòi "đổi mới" nếp nghĩ của một cộng đồng... sẽ gây những phản ứng ngược không?

Bùi Văn Phú trong một bài viết trên talawas [5] đã tiên đoán tập sách nhỏ Nếu đi hết biển [NÐHB] rồi sẽ gây tranh cãi. Kevin Bowen, giám đốc trung tâm W.J. thì cho là nhiều người trả lời đã đụng đến ta-bu của cộng đồng. Và như thế theo tôi là tuyệt hay, là tự do, là dân chủ. Tất nhiên phải chờ đợi những thảo luận trao đổi và [có thể] những chỉ dạy của các cao nhân [du côn tất hữu du côn trị] giữa những người Việt di dân thế hệ thứ nhất, xem chúng ta [chúng mình dăm đứa bô lão] đang nghĩ gì, làm gì, có thể sẽ vui, mới, lạ, trái ngoe nhau, đâu có sao, và chân thành góp ý và [sôi nổi lên, đời tị nạn buồn thảm của ta!]
Và bây giờ kết quả ra sao?
Và bây giờ thì vui thiệt, sôi nổi thiệt. Vì thiên hạ đồn đãi tùm lum rằng các báo chợ, báo biếu, lá cải [lá cải, chữ nghĩa này xin được giải thích như sau, lá cải là mấy tờ báo chuyên dựng chuyện vô căn cứ, thí dụ như Ma Vú Dài hay Tiếng Khóc Dưới Ðáy Mồ để các bác xích lô và các cô bán hàng buổi trưa thay vì ngồi ngủ gục thì giải trí chút đỉnh chớ không phải vì các báo khác ganh ghét bà Bút Trà mà gọi báo bà là lá cải, bớ các bác trai, bác gái làm báo, dù là báo biếu lấy quảng cáo cũng không sao, không dựng đứng, không chửi để bán thì há sợ gì tiếng lá cải?] các báo biếu cũng có, lá cải cũng có xúm nhau chửi bới tưng bừng, phân tích này nọ mấy câu giả nhời của tôi, bênh và chống [tôi suông miệng nói thôi, hic hic, không có ai bênh tôi trong mấy tờ lá cải, bây giờ thì cơn dịch lại lây lan sang mạng lưới, chỉ có ta ảo và địch ảo, quyền lực ảo và bút lực ảo tự đấm vào bóng mình...] Tôi đang nói tới mấy bài viết về NÐHB trên www.gio-o.com [hai bạn Lê Thị Huệ và Trần Diệu Hằng chủ trương] là một thí dụ và có thể là một thí dụ duy nhất. Tôi hiểu. Chí Phèo [sau] ăn vạ văn chương để bỗng thấy mình có quyền lực hẳn ra, oai ra, hơn là cứ suốt đời yên phận làm anh cùng đinh vô danh Chí Phèo [trước]. Ðấm vào...cối xay gió rồi xênh xang xiêm áo [giấy] nói là ta đã trừ gian diệt bạo. Tôi cũng hiểu.
Bây giờ chị đang vui hay buồn vì những bài viết loại này?

Là tác giả của mấy câu giả nhời được mang ra đấu đá, trước hết tôi cực lực biết ơn quý vị lá cải cũng đã đọc tôi [mình viết ra mà không ai đọc thì buồn chết, ai cũng được, lá cải cũng tốt] để quy cho tôi nhiều thứ tội, xẻ từng lời từng chữ của tôi để xét nét, diễn dịch ý này ý nọ. Và đi xa, quá xa, những gì tôi nói. Cái này dui thiệt, thiệt dui dì dẽ dỏi. [vui vì vẽ giỏi] Ðời tị nạn của tôi từ nay lên hương nhờ mấy câu nói [linh tinh] của tôi. Quà tặng vĩ đại và bất ngờ. Có bác còn cất công điều tra và dựng lên những gia cảnh tào lao về ba má tôi, cứ như rận trong chăn nhà tôi, cứ như chuyện ngồi lê, truyện ngắn, truyện dài, hoặc tiểu thuyết hoang tưởng chí rận.
[Nhưng sẽ không phải nếu tôi quên không cám ơn những người đọc nghiêm túc và yên lặng đã trao đổi nghiêm túc với tôi...]
Dui rồi, chị có còn được dui tiếp không?

Hết cơn ham vui, tôi lại giật mình. Thiệt sao, chuyện này chuyện nọ của tôi, tôi đâu có nói vậy [i do not mean that] ủa, sao quý cụ lại chặt đầu chặt đuôi, ủa, sao các bác lại lái [heo] lái [sách] lái [xe] lái lạc [văn chương] một lèo ra xa lộ? Ðể đạt đúng yêu cầu tấp vào lá cải dựng đứng chửi để bán hả?
Nguy hiểm. Chữ với nghĩa. Chữ đi đằng chữ, nghĩa đi đằng nghĩa, hầm bà lằng, tả pí lù, thập cẩm, một nồi cháo heo nấu bằng nước cơm heo chua lè cho heo ăn. Tôi nói tiếng Việt mà cứ như nói tiếng Ma-rốc không bằng. Ðấy là những người ở cùng thời với tôi [năm 2004], cùng Huê kỳ xứ, có người ở cùng thành phố với tôi, cùng tiểu bang [Virginia], cùng đọc, viết, nói tiếng An-na-mít, tam tứ ngũ lục cùng [nhưng không thể tòng tam tụ ngũ] với tôi. Nên tôi rỡn tóc gáy. Thôi chết, nếu vậy làm sao tôi đọc đúng được những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, họ sống, hít thở cách xa tôi hàng ngàn năm tít tè. Ðọc Lý Ðợi, Bùi Chát...ở La Hán Phòng, thơ jác, thơ nghĩa địa, Sáo Chộn Chong Ngày [6] ngữ nghĩa thơ ca tùm lum lại càng thấy hoảng vì sự Vô Cùng của ngôn ngữ [tiếng Việt]. Quyền của người đọc lớn lắm. Tất nhiên tôi phải tôn trọng. Ngôn ngữ Mít lại vốn không thuần khiết, viết một câu đã phải vận dụng tới hàng năm bảy chục chữ Hớn Việt rồi. Xin hải nội chư quân tử lượng tình thứ lỗi cho nữ nhân nan hoá này vì văn chương thì vô cùng, chữ tác đánh thành chữ tộ, hải ngoại chư quân tử lại đánh chữ tộ thành chữ tô, thế là khổ lắm nói mãi [chôm của Vũ Trọng Phụng] nói gì cũng không thông, nói lắm xa lắm, nói nhiều sai nhiều, chân lý bỏ chạy, chân cẳng thì nằm lại thẳng cẳng. Trân trọng kính chào.

Tôi đã không nói tiếng Ma-rốc [khi tôi trả lời phỏng vấn Trần Văn Thuỷ]. Nhưng khi bất cứ người đọc nào [cũng có quyền] thêm một chữ [đã có sẵn trong cái đầu của hắn] hay bớt đi một chữ [đã không có trong cái đầu của hắn] là tiếng Việt tôi lập tức biến thành tiếng Ma-rốc.
Nghe nói một tiên sinh [7] [tự phong] thuật lại, khi được Trần văn Thuỷ gọi chị là nhà văn, chị lấy làm vinh dự và "vui lên", tớn lên lắm. Nhiều người thích được gọi là nhà văn, chị cũng thích à?

Văn chương hậu hiện đại thì tác giả nói một chút, tự điển độc giả nói hai chút là đúng rồi. Nhưng Phượng cầu kỳ hoàng [khổ quá, lại sino-viet!] chim phượng không có con hoàng hót qua hót lại thì không thể thành khúc phượng hoàng. Gà thì gáy, chó thì sủa, chim thì hót, rồng thì bay, rắn thì bò, rận thì chui vào chăn bẩn, người mạnh thì chạy, kẻ yếu thì lết, người sang đi xe, người nghèo đi bộ [đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi xe,] mỗi loài một việc thì mới trái đất đề huề. Tôi ước chi mình được gọi là Nhà văn...không là ai [8] theo mấy định nghĩa của ông Nguyễn Hưng Quốc, nhưng tiếc quá, hôm nay tôi đang làm "nhà giả nhời phỏng vấn".
Một câu hỏi cuối: chị trả lời Trần Văn Thuỷ để được trả 300 đô la [9] và để được cấp hộ khẩu sống ở Việt Nam [10] hả? Tôi nghe họ nói, không phải, viết như thế trên mặt báo [chợ]...

[nhăn mặt và hả họng và giơ hai tay lên trời rồi cười sằng sặc như đười ươi.]
Cám ơn chị Hoàng Bắc. Chúc chị cứ được chịu khó xem phim hề [giễu dở] như thế dài dài, theo tôi, thế là nhà chị sẽ còn được...gân nhiều lắm đấy!

Thực hiện tại Virginia, tháng 6 năm 2004



[1]Nhà báo Hoàng Hải Thuỷ tuyên bố một câu xanh rờn: "Sau khi đi hết một vòng [sự nghiệp làm báo] thì về [làm] với [báo chợ] Sàigòn Nhỏ...mãi không thể lớn".
[2]Bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông
[3]Dương Thu Hương, Thực ra tôi là một người phụ nữ khá cổ hủ, talawas ngày 30.06.2002
[4]Nếu đi hết biển, Trần Văn Thuỷ do NXB Thời Văn, California xuất bản. Ðính chánh của người phỏng vấn: không phải do William Joiner Center xuất bản, như các bản tin thiếu thông tin của các hội đoàn ta.
[5]Bùi Văn Phú, Văn học có thể làm nhịp cầu hoà giải trong ngoài nước ngắn lại, talawas ngày 30.01.2004
[6]Bùi Chát, Sáo Chộn Chong Ngày, Giấy Vụn in photo 50 bản, TP Hồ Chí Minh. Thơ Nghĩa Ðịa, sẽ xuất bản.
[7]Người này [xưng là Thông Biện tiên sinh] cùng với nhà báo họ Hoàng phán đoán rằng Trần Trường là người tâm trí bình thường. Có lẽ họ không biết chuyện Trần Trường tự xưng là Ðức Cha Trời và bắt "đệ tử" chui qua háng hắn ở Canada (theo bản tin CNN). Chú thích của người phỏng vấn.
[8]Nguyễn Hưng Quốc, Nhà văn...không là ai?, Văn Hoá Văn Chương Việt Nam, NXB Văn Mới, 2002. Ðăng lại ở talawas ngày 17.05.2004
[9]Thông tin này của báo chợ Sàigòn Nhỏ, phát hành California, Mỹ.
[10]Thông tin này từ một bài viết về NĐHB ở www.gio-o.com

<< Phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng Bắc | Gạo đắng >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 199

Return to top