Một tuần trôi nhanh, ngày mai là cuối tuần rồi, Mai Ly sẽ cuốn gói ra đi, em nghĩ : Mình phải nói với Cúc, dù sao Cúc cũng là tri kỷ của mình. Tối thứ bảy, sau khi cơm nước xong, về nhà riêng, Mai Ly hỏi Cúc :
- Cúc ơi ! Tối nay Cúc ra salon đợi mình, sau khi cả nhà ngủ nhé !
- Được !
Lối hơn mười giờ đêm, cả nhà ngủ hết, Mai Ly tuột xuống gác, Cúc cũng theo sau, lên salon hai đứa kéo nhau vô góc gần tủ thờ, không dám bật đèn lên nên tối lờ mờ, Mai Ly mở lời :
- Cúc à ! Mình chia tay ngày mai rồi !
- Dạ, em biết, má có nói cho em nghe, em buồn lắm, nhưng em không dám hỏi chị, vì má căn dặn, là đừng đá động gì tới việc chị xin nghỉ, má nghĩ chị buồn gì đó nên chị nói thế, chớ chị không có đi đâu.
- Vậy à ! Chị biết bà thương chị lắm, nhưng chị đi thật !
- Chị đi đâu. Chị có xin làm ở đâu chưa ?
- Không. Chị không xin làm ở đâu cả, mà chị về với má chị ở bên Xóm-Đầm.
- Nếu chị đi, nhớ lâu lâu chị qua thăm má và tụi em nha !
- Chắc chắn rồi !
Đôi mắt Mai Ly ngước nhìn lên trần nhà rưng rưng đầy lệ. Cúc thấy vậy, vội ôm Mai Ly. Hai cô gái cùng khóc nức nỡ nửa đêm khuya. Mai Ly nói hết sự thật với Cúc...
Sáng hôm sau là chúa nhựt, Mai Ly thu gọn quần áo, đồ đạc vô va-li. Em xách đến tiệm để chào bà Nhung và cả nhà. Trong lúc ấy, bà Tấn vừa tới, bà không lấy làm ngạc nhiên, vì bà Nhung đã cho hay mấy ngày trước đó. Bà Tấn thấy Mai Ly, liền nói :
- Mai Ly à, chút nữa rồi đi. Hôm nay, anh có xe hơi sẽ chở tụi mình đi ăn nhà hàng, rồi sau đó về Xóm-Củi, chị sẽ tính tiền với em, và đưa em về nhà má em.
Mai Ly nhìn bà Tấn và nói :
- Dạ, thưa chị, tiền lương bà đã trả đủ cho em rồi.
- Nhưng chị sẽ tính lại, em bằng lòng chứ ?
- Dạ.
Đã hơn mười sáng, bà Tấn gọi Việt, Mỹ ra chào ngoại và cả nhà, bà Tấn cũng chào cả nhà xong, rồi cùng ra xe. Vì buổi sáng chợ Thị Nghè chưa dọn dẹp nên ông Tấn phải đậu xe ở đầu chợ. Họ kéo nhau lên chiếc xe hiệu Simca năm 1960 màu trắng ngà. Lần đầu tiên Mai Ly ngồi trong chiếc xe du lịch thật sang. Trong mấy năm ở Thị Nghè, em được bà Nhung chăm sóc và thương em như đứa con ruột. Bây giờ Mai Ly đến tuổi trăng tròn, dáng vóc em khoan thai trang nhã, máy tóc dài, tay chân chuốt nhọn, trông em có vẽ đài các như đứa con gái nhà giàu. Vì vậy mà đôi khi em quên em là đứa giữ em, ở đợ. Qua cách đối xử của bà Tấn cũng như bà Nhung, hai mẹ con họ thương Mai Ly như ruột thịt. Chỉ hơn ba năm ở đó, mà em đã quên hết sự khổ nhọc, đau thương của những năm bị đày đọa lòng vòng trong gia đình thân tộc. Rồi đây, em sẽ về với mẹ, làm tâm hồn em thấy vui vui, chắc mẹ em sẽ thương em hơn.
Xe đã tới đường Nguyễn Tri Phương, bà Tấn bảo :
- Tới rồi, còn Mai Ly, em đang nghĩ gì mà em buồn vậy ? Việt, Mỹ và Mai Ly nữa, xuống cho anh đi đậu xe.
Bà Tấn dẫn Mai Ly và Việt, Mỹ vào nhà hàng Vị-Hương chờ ông Tấn... Mọi người ngồi vào bàn, bà Tấn nói :
- Hôm nay mình ăn bồ câu quay và gà hấp cải bẹ xanh nha. Ăn cho đã miệng. Ngày mai mình đi Đà Lạt.
Mai Ly nghe chưng hửng, em không hiểu gì cả, rồi tự nhủ : Trời ơi ! Sao bà chủ mình nói vậy ?’Tuy nhiên, em chẳng dám mở lời.
Đồ ăn dọn ra, bà Tấn gắp cho Mai Ly, cho Việt, Mỹ và ông Tấn. Bà Tấn là một người đàn bà trẻ, chưa quá ba mươi tuổi mà bà rất chu đáo mọi mặt. Mai Ly hay để ý và khâm phục. Tuổi bà Tấn chỉ hơn Mai Ly một con giáp thôi. Mai Ly nghĩ : Nếu ngày sau, mình có chồng khá giả, mình sẽ bắt chước giữ gìn tư cách và tế nhị như bà Tấn vậy ! Bữa cơm Tàu thịnh soạn, ăn xong. Ông Tấn đi lấy xe rồi đưa tất cả về Xóm-Củi. Vô nhà, bà Tấn hỏi Mai Ly :
- Mai Ly à ! Em ở lại đây với anh chị và các em thêm vài ngày nữa. Ngày mai mình đi Đà Lạt.
- Dạ.
- Nè, em đi lên lầu với chị, để chị soạn cho em vài chiếc áo len. Vì ở Đà Lạt có khi lạnh lắm.
Mai Ly rất vui ở lại, mà lòng tự hỏi : - Lạ thật ! Bà Tấn muốn giữ mình lại chăng ? Nhưng Việt và Mỹ học ở Thị Nghè mà. Nếu ở đây luôn, mình sẽ ở lại. Còn phải trở qua Thị-Nghè thì mình phải cam đành bỏ ra đi rồi.
*
Sau khi đi Đà Lạt trở về. Bà Tấn cho Mai Ly thêm một số tiền và nói :
- Chị cho em chút tiền để em trở về với má. Em ráng làm tiếp với má em thêm, rồi đóng tiền trường đi học nha!
- Dạ, em cám ơn chị và nhớ đến chị mãi mãi.
Mai Ly xách chiếc va-li nhỏ thả bộ qua Xóm-Đầm lối về nhà mẹ em. Trời hè nắng chói chang và nóng bức. Tới nhà, Mai Ly nhìn thấy mẹ đang quạt lửa nấu cơm trưa, em gọi :
- Má ! Con về nè !
Bà Hùng ngơ ngác, đứng dậy nhìn Mai Ly, bà vọt miệng hỏi :
- Ủa, con mới về. Mà đi đâu xách va-li vậy ?
- Con về đây ở luôn với má.
- Vậy à ! Mà con không còn làm cho ông bà Tấn nữa sao ?
- Dạ, không má à ! Con về đây làm bánh với má và con sẽ đi học thêm Pháp văn.
- Ờ, rửa tay, rửa mặt rồi ăn cơm. Chút nữa má còn phải đổ năm trăm (500) cái bánh kẹp để giao cho người ta chiều nay.
Mai Ly để va-li qua một bên rồi phụ dọn cơm với mẹ. Ăn bữa cơm thanh đạm mà từ lâu em không được ăn chung với mẹ. Ăn cơm xong, Mai Ly nhìn trên bếp, lửa thang còn cháy đỏ rực. Em ra tay đổ bánh kẹp. Mấy cái đầu bị hư, vì chưa quen tay, nhưng sau đó em đổ rất khéo. Mồ hôi thấm ướt lưng áo, mặt đỏ gay, tai tía, em ráng đổ xong để chiều bà Hùng đi giao cho bạn hàng.
Hai mẹ con hì hụt làm bánh kẹp. Tuy cực, nhưng rất có lời. Xem như lấy công làm lời. Hằng ngày Mai Ly phụ mẹ, chiều em đi học Pháp văn trường Thủ-Khoa ở đường Trần Hưng Đạo.
Thời gian êm đềm trôi qua, được ba tháng. Mai Ly đã hết tiền riêng trong túi, em bèn xin mẹ :
- Má à ! Má cho con xin ba trăm đồng để con đóng tiền trường tháng tới này nha má !
Bà Hùng nín thinh không nói gì cả. Tối lại Mai Ly hỏi tiếp :
- Má nhớ cho con tiền, để mai con đóng ở trường nghe má ?
Trên gương mặt bà Hùng không được vui cho lắm, bà nói :
- Tiền ! Tiền gì ? Tiền đâu mà có. Học hành gì nữa. Bày đặt về đây ăn ở mà còn đòi tiền à !
Mai Ly cắn răng, mím chặt môi và nghe trong lòng đau quặn thắt, nhưng em nghĩ, dù sao cũng là mẹ của mình. Mai Ly tiếp tục hỏi:
- Má à ! Con ráng học Pháp văn khá. Sau đó, con sẽ đi xin bán thuốc Tây, vì con thích làm việc đó lắm.
Bà Hùng hơi cáu lên, bà gắt giọng :
- Về đây muốn báo tôi hả ? Ăn, ở đây, mà còn đòi tiền này, tiền nọ. Tôi không có. Đi ở mướn mà còn đòi học này học nọ. Sao không đi luôn đi mà còn về đây ăn hại ?
Mai Ly nhìn lên trần nhà, nước mắt ứa ra, lòng tự nhủ : - Lại là ăn hại ! Nhà này mình đưa tiền cho má mình mua mà. Mặc dù là một căn nhà lá lụp xụp, nhưng mình cũng mượn bà Tấn tới nửa năm tiền lương. Bởi mình nghe mẹ qua nói là, có cái nhà nhỏ người ta bán cỡ ba ngàn đồng. Mình liền mượn tiền đưa cho má. Sao hôm nay má mình nói, mình về đây ăn hại, và có ý đuổi mình... Ờ, hén ! Tuy tiền của mình, nhưng nhà này má đứng tên. Vậy đâu phải nhà của mình ! Thôi, bị đuổi thì mình đi. Suốt đêm đó, Mai Ly nằm trằn trọc suy nghĩ, em tính tới tính lui, rốt cuộc em quyết định ra đi. Mai Ly không sao ngủ được, ráng nằm chờ cho mau sáng.
Trời hừng sáng, bà Hùng đã xách giỏ đi chợ, Mai Ly lòm còm ngồi dậy, em bỏ gắp đồ đạc vô va-li, rồi êm đềm ra đi. Đi, mà em chưa tính trước sẽ đi đâu ? Trong người em không có một đồng để đi xe buýt. Em chợt nghĩ đến cô Ba Trầm hiện đang ở đường Hồng Thập Tự - Cao Thắng. Nhà của chị Tư Lương mới mua nơi đó. Mai Ly xách chiếc va-li nhỏ đi bộ từ Xóm-Đầm sang Xóm-Củi, bọc qua đường này đến đường kia, rồi băng ngang đường Nguyễn Hoàng tới Hồng Thập Tự - Cao Thắng. Mai Ly cố ý ra gặp cô Ba Trầm và chị Tư Lương. Em hy vọng họ quen biết nhiều người giàu có và sẽ nhờ họ tìm dùm việc làm.
Đến nơi, trời đã sang thu mà vẫn còn nắng và nóng bức. Mặt mày Mai Ly đỏ au, mồ hôi đổ ướt cả lưng áo. Vì không có tiền đi xe buýt, nên em phải cuốc bộ, rồi cũng tới nơi như lòng em muốn. Mai Ly nghĩ, chỉ có cô Ba Trầm là người duy nhứt cứu độ cho em.
Đứng rụt rè vài phút, Mai Ly nhận chuông biệt thự Ngọc-Yến, tường cao, cổng kín. Chị Tám giặt ủi nghe tiếng chuông ra mở cửa. Chị ngạc nhiên :
- Ủa, cô Mai Ly ! Trời trưa nắng quá mà đi đâu mồ hôi đổ dữ vậy ?
- Dạ, thưa chị Tám, có cô Ba em nhà không chị ?
- Có. Cô vô nhà đi.
- Dạ, cám ơn chị.
Mai Ly xách va-li đi thẳng vô nhà bếp, cô Ba Trầm vừa thấy Mai Ly, cô vội vàng hỏi :
- Con đi đâu mà xách va-li đùm đề vậy ?
- Dạ, thưa cô ! Con đi tìm việc làm cô à !
- Trời ơi ! Cô nghe con về với má con làm bánh kẹp và đi học Pháp văn gì đó mà.
- Dạ, đúng rồi. Nhưng có lẽ con với má con không hạp, nên con phải ra đi.
- Rồi má con có hay con đi không ?
- Dạ, không !
- Sao con làm kỳ vậy ? Con ăn cơm chưa ?
- Dạ, chưa. Con đi từ sáng đến giờ. Con đói bụng quá cô ơi !
- Con đi đâu mà từ sáng tới giờ ?
- Dạ, tại con đi bộ ra đây !
- Sao mà con đi bộ ? Từ Xóm-Củi có xe buýt ra đây mà !
- Dạ, con đâu có tiền !
- Có một đồng rưỡi chớ bao nhiêu !
- Nhưng con không có một cắc trong túi, huống hồ là một đồng rưỡi.
- Sao con không xin má con ?
- Dạ, con có xin, nhưng má con không cho, mà còn rầy la con, là về nhà báo đời, ăn hại... Nên con phải đi tìm việc làm cô à !
- Trời ơi ! Sao mà con khổ vậy ? Cô tưởng con ở với bà Tấn, bà Nhung êm rồi, sau đó nghỉ việc về nhà má con. Cô nghĩ con sẽ yên ổn hơn, chớ nào ngờ đâu như vầy. Thôi đi ăn cơm đi.
- Dạ, cám ơn cô.
Mai Ly đi rửa mặt, rồi lấy chén bới cơm, gắp mấy con tép kho và chan canh lua vào miệng cho đỡ đói lòng. Ăn xong, em thấy mệt đừ, vì đi bộ dưới trời nắng. Em ngả người trên cái đi-văn sau bếp, em ngủ một giấc đến chiều. Cô Ba Trầm thấy vậy để yên cho em ngủ.
Có tiếng còi xe inh ỏi, Mai Ly giựt mình thức dậy. Đã hơn sáu giờ chiều rồi, ông bà Lương về, Mai Ly đi ra sân để chào hỏi :
- Dạ, thưa anh Tư, thưa chị Tư !
Bà Lương vừa thấy Mai Ly, bà hỏi :
- Ủa ! Mai Ly mới ra chơi hả em ?
- Dạ, thưa, em ra hồi trưa này, và em muốn xin phép anh chị cho em ở tạm vài ba hôm để em dễ đi tìm việc làm.
- Ờ, được ! Ở đi không sao đâu. Để chị xem coi bên cô Sáu Quý có cần người làm không, chị giới thiệu cho nha !
- Dạ, em rất cám ơn chị.
Bà Lương nhìn ngắm Mai Ly, bà tiếp :
- Cha, chả. Bây giờ trổ mã con gái trông đẹp dữ à. Thôi, lấy chồng đi cô Nương!
- Dạ, em đi tìm việc làm, chớ em không có đi tìm chồng chị à !
- Chị nói chơi, mà năm nay em được mấy tuổi rồi ?
- Dạ, thưa chị, em được mười sáu tuổi.
- Ờ, em lớn hơn con Yến một tuổi, mà sao em cực khổ quá hà !
- Dạ, em đâu có biết !
Bà Lương, là bà con chú bác họ với cha của Mai Ly. Bà buôn bán ngành xuất nhập cảng và có vựa gạo ở bến Bình-Đông Xóm-Củi. Tuy giàu có, nhưng tâm tánh của bà rất vui vẻ bình dân, bà có sáu đứa con, năm trai và một gái, Yến là cô con gái duy nhứt, Yến rất thương mến Mai Ly, Yến học nội trú ở Đà Lạt, bốn tuần lễ mới về nhà một lần. Tuy Yến là con nhà giàu, có ăn học. Nhưng lúc nào Yến cũng xem Mai Ly như cô bạn của tuổi ấu thơ. Mặc dù, theo vai vế Yến phải gọi Mai Ly bằng dì, nhưng hai đứa gọi nhau mầy-tao từ lâu rồi. Mai Ly tự biết phận mình, nên hơi dè dặt, còn Yến rất tế nhị, cởi mở, thông cảm và chia xẻ những vui buồn của tuổi trẻ.
Qua một đêm, Mai Ly tá túc nhà bà Lương. Sáng hôm sau, bà Lương gọi điện thoại qua nhà cô Sáu Quý, cách đó ba bốn căn, hỏi thử xem họ có cần người làm không, nhưng họ trả lời là, đã có đủ người rồi. Mai Ly nghe lại, em thất vọng, rồi cố gắng đi lòng vòng nhận chuông hết biệt thự này sang biệt thự khác. Nhưng vẫn bị từ chối. Mãi đến ngày thứ ba, Mai Ly thức dậy sớm, gặp cô Ba Trầm, em nói :
- Cô Ba à, để chút chiều con đi qua xóm bên kia coi có được may mắn không ?
- Ờ, con ráng đi đi. Vì cô với chị Tám cũng dọ hỏi nhiều người mà ai cũng nói đã có đủ người làm rồi...