Từ sông Bạch Đằng, Nguyên Trừng lên thuyền, căng buồm men theo bờ biển vào Thanh Hoá, rồi ngược dòng sông Mã đến Tây Đô. Đến bến đò, ông lên yên nhằm thẳng núi Đún cho ngựa chạy. Suốt dọc hành trình, lòng ông đeo đẳng một nỗi buồn man mác. Tất cả đã ở sau lưng rồi. Tuy rằng chỉ tạm chia tay Thanh Mai, nhưng ông linh cảm thấy lần chia tay này sẽ là mãi mãi. Hình như Trừng chẳng muốn về Tây Đô, nhưng số phận buộc ông phải tới đó. Mới chỉ vài ngày, ông đã chuyển qua những cõi trời hoàn toàn khác biệt. Ở Yên Tử, đó là núi, suối, là hoa cỏ cây cối, là đi giữa mây trắng, vượt từ cõi ồn ào sang miền tịnh thổ; ở đó đất trời gặp nhau cho ta cảm giác dịu dàng, hiền hoà; ở đó chỉ có sự tốt lành, hết tranh giành, cắn xé. Chẳng ai nói, nhưng Trừng có cảm giác chua xót rằng tất cả hình như đang quay lưng lại với mình. Ông ngoại, Thanh Mai, ông già Lặc, cả con voi trắng nữa, tất cả đều muốn đi hướng khác. Họ muốn về với bình an...
Đứng ở cửa ngõ Tây Đô, dưới chân núi Đún, Nguyên Trừng đã hoàn toàn bước qua một thế giới khác. Đứng ở đỉnh Yên Tử, hòn núi cao nhất vùng, tâm hồn ta như được cởi mở nâng cao lên, khoáng đạt hơn, rộng lượng hơn; tầm mắt nhìn được xa hơn. Còn đứng ở chân núi Đún, trên con đường cát đá dài thẳng tắp, nhìn vào toà thành đá khổng lồ Tây Đô, Nguyên Trừng như thấy mình đang chui vào một cái hòm, một khuôn mẫu, ở đó tất cả là sự ngang bằng sổ thẳng, sự chỉn chu đúng phép của những Đông, Tây, Nam, Bắc, của lễ nghĩa, của quân thần phụ tử.
Hồ Quý Ly là một nhà nho uyên thâm. Kinh thành Thăng Long trải qua hai triều đại Lý Trần tôn sùng đạo Phật đã bị ảnh hưởng thứ tư tưởng khoan dung của đạo Thích trong kiến trúc. Nhiều chùa quá, nào Diên Hựu, Chân Giáo, nào Thần Quốc, Báo Thiên... ngóc ngách nào cũng thấy chùa chiền. Được mấy cái hồ đẹp như những tấm gương, thì chung quanh Hồ Tây cũng nhan nhản những chùa, còn bên Hồ Lục Thuỷ, lại sừng sững soi bóng ngọn tháp cao vút Đại Thắng Tư Thiên của chùa Báo Thiên. Quý Ly sai Nguyên Trừng vẽ bản đồ xây dựng Tây Đô. Ông bảo:
- Thật uyển chuyển, nhưng cái chính là phải cương nghị hùng tráng. Không có bóng dáng một ngôi chùa! Những ngôi chùa dễ làm mềm yếu lòng người. Kinh đô mới phải toát lên hùng khí trang nghiêm, kính cẩn, phép tắc...
Quê hương Quý Ly ở đó, thủa nhỏ ở đó, nên rành địa hình vùng động An Tôn. Ông góp ý, bắt Nguyên Trừng sửa chữa nhiều lần, cuối cùng tạm ưng. Đại thể, đó là một kinh đô quân sự. Quý Ly muốn xây dựng một toà thành khổng lồ, bằng đá, quy mô hùng tráng, to lớn nhất kể từ trước đến nay. Địa thế Tây Đô thực hiểm trở, có sông núi bao quanh. Phía Bắc dựa vào núi Voi, phía Nam có núi Đún che chắn. Phía Tây có dòng sông Mã, phía Đông có núi Hắc Khuyển cùng dòng sông Bái bao bọc.
Tây Đô chia ra làm hai: khu thành nội và khu thành ngoại.
Khu thành nội hình chữ nhật, dài khoảng 2.250 thước ta (900 mét), rộng khoảng 1.760 thước ta (700 mét). Chung quanh có tường thành cao 15 thước ta (6 mét), trên có đường đi rộng khoảng 10 thước ta (4 mét). Tường thành xây bằng những viên đá lớn 2 mét x 1mét x 0,7 mét). Những viên đá quá nặng, phải đắp đất, seo lên mới xây dựng được. Mặt trong thành lèn đất dày như đắp đê. Thành có bốn cửa đều cao to, nhưng to nhất là cửa Nam được gọi cửa Tiền, gồm ba vòm cổng, vòm giữa cao nhất (cao 9,5 mét, rộng 6 mét). Các cánh cổng đều làm bằng gỗ lim phiến dầy, dưới chân có lắp bánh xe bằng đá. Từ cửa nam một con đường lát đá thẳng tắp chạy đến tận chân núi Đún, khá dài (5 ki - lô - mét).
Bao quanh thành nội là khu thành ngoại. Đó là khu dân cư gồm các làng xã, phố phường, nơi mọc lên cả những dinh thự của các quan lại. Phía ngoài thành ngoại đắp một bức thành đất, dưới chân trồng tre dày ken thành luỹ, và ngoài cùng đào một lớp hào sâu như con sông nhỏ vây kín Tây Đô. Từ con sông này lại có lối ăn thông với sông Mã, sông Bái để tiện việc chuyên chở, giao thông cho kinh đô mới.
Kiến tạo một kinh thành vĩ đại đến như thế, đồng thời còn phải xây dựng các cung điện, đài, các trong nội thành thử mà thời gian vẻn vẹn chỉ có ba năm. Thật phi thường. Phải huy động hàng vạn nhân công, hàng vạn thợ giỏi; phải trưng tập hàng ngàn chiếc thuyền, chiếc xe; phải bỏ ra hàng chục kho lương, nhiều kho tiền. Người chết vì lao lực, vì bệnh tật kể tới số vài ngàn. Mất bao nhiêu là máu, nước mắt, mồ hôi? Đứng sững trên con đường đá Đốn Sơn, Nguyên Trừng miên man nghĩ tới những chuyện đó, ông chợt thở dài. Ở xa xa, có tiếng trống thì thùng và tiếng loa vọng lại. Nguyên Trừng lắng tai:
Bàn dân thiên hạ
Hãy nghe cho rõ
Đất nước thái bình
Thái sư lệnh truyền
Mở ngay ngày hội
Cho ngời Minh Đạo
Cho rạng nghĩa nhân
Cho khắp xóm thôn
Vui đời Nghiêu Thuấn...
Từ phía sau Đốn Sơn, ở lưng chừng núi, có một đoàn người Mường đi ra. Họ xếp hàng một. Dẫn đầu là một đoàn con gái váy đen, áo trắng, khăn trắng, tay môi người cầm một chiếc chiêng to nhỏ khác nhau. Các cô vừa đi vừa gõ. Bóng họ in bật trên nền xanh của núi. Tiếng chiêng theo một giai điệu lên bổng xuống trầm nghe rất lạ tai. Những người Mường từ vùng núi cao, nghe vua mở hội ở kinh đô mới, đã xuống núi, vừa dự vui vừa để ngắm một đô thành bỗng dưng lạc tới vùng đất hoang sơ này. Nghe tiếng chiêng của họ, tất cả muôn vật đều như bị thu hút; mọi người đều ngẩng nhìn, lắng nghe; cả đến tiếng trống, tiếng loa cũng đột nhiên im bặt. Tiếng chiêng vang vang trong thung, kéo dài đến tận ngôi thành đá, nó ngân nga như một giọng trầm trầm, thì thầm tâm sự. Tiếng chậm rãi bùng bung, bùng binh, bang bang... như từ chiều sâu thẳm của núi rừng, của thời gian, bị lạc hay bị nhốt hãm từ lâu, nay bỗng xổ lồng bung ra, tràn vào thung lũng. Nó chẳng ồn ào nhưng bỗng làm ta cảm thấy rung động. Đó là tiếng của rừng đại ngàn, tiếng của con suối ngầm rót rách gặp chỗ thoát bỗng ùa ra thành thác; tiếng của những con người trong rừng sâu đêm đêm vây quanh đống lửa, mắt họ ánh lên nôi u buồn của những đêm dài nguyên thuỷ; hay là tiếng của những hồn xưa, của tổ tiên thần linh trở về; cũng có thể đó là tiếng của những con thú bị nhốt trong rừng chập chùng, âm u, tầng tầng lớp lớp, nó phải luồn qua những tầng cây dưới vực thẳm sâu như âm ti, để trườn trên những vách đá cheo leo, cố trồi lên để húp lấy tí ánh sáng hiếm hoi, nó vang vang cất tiếng nhưng gió làm tan loãng, chỉ còn nghe thấy những tiếng u.. u... a...a... Tiếng chiêng buồn nhưng không nức nở, nó tưới đẫm hồn ta, để dần dần thấm sâu vào tận xương tận tuỷ con người, làm ta ớn lạnh.
Nguyên Trừng bứt rứt rời xa tiếng chiêng, cho ngựa bước lộp cộp trên con đường lát đá. Tiếng vó ngựa đẩy lùi tiếng chiêng lại phía sau. Nhưng dù cho ngựa chạy nhanh, dù cho tiếng vó ngựa vang giòn, những thứ đó cũng không thể xua tan tiếng chiêng, nó đeo bám riết ráo sau lưng đến tận toà thành đá.
Chỉ khi đóng sập cánh cửa lim to dầy ở phía sau lưng, Nguyên Trừng mới trút được sự ám ảnh của tiếng chiêng. Tiếng chiêng chỉ còn là một thanh âm mơ hồ, lãng đãng đâu đây trước khi lặng tắt.
Trừng vội vã đến thăm em gái trước tiên. Ông vua tí hon Trần An trong bộ quần áo vàng chóe, đang chơi thơ thẩn ở trước cửa cung điện, thấy Nguyên Trừng, giang tay chạy ùa đến. Nguyên Trừng ôm cháu, bế lên tay. Cậu bé nép đầu vào cổ ông bác. Nó nói nhỏ:
- Bác Trừng ơi? An sợ lắm!
- Nào, nào! Bây giờ cháu là vua rồi. Cháu sợ gì cơ chứ?
- Sợ mẫu hậu khóc.
- Mẹ cháu khóc ư?
- Mẹ khóc cả ngày. Mẹ không cười nữa. Đêm qua, mẫu hậu ôm An, rồi cũng khóc.
Nguyên Trừng lặng im. Chú bé vẫn bi bô:
- An dỗ mẹ, mẹ không nín. Mẹ khóc to hơn.
Rồi ông vua tí hon rón rén, không nói, dẫn ông bác vào trong toà cung điện nguy nga. Thánh Ngẫu ngồi ủ rũ trong chiếc ghế bành trải nệm gấm. Câu hỏi đầu tiên của nàng:
- Có phải huynh vừa từ Yên Sinh về không? Trừng gật đầu. Bà hoàng dồn dập hỏi tiếp:
- Nhà vua... người thế nào?
Trừng như lảng tránh câu hỏi:
- Ông ta đã là một đạo sĩ thật sự?
- Huynh nói thật đi Xin huynh đừng giấu điều gì.
- Sao huynh lại giấu?...
- Em nhìn mắt huynh, sao đôi mắt buồn rười rượi? Và bàn tay nữa? Sao bàn tay lại run run?...
- Em suy nghĩ quá nhiều nên thốt ra những lời mê sảng.
- Sao lại mê sảng? Nhưng, đúng là em mê sảng... Cách đây mươi ngày, đang đêm, bỗng nghe thấy một tiếng động... Mở mắt ra, bỗng thấy một bóng tráng... Đúng là một hồn ma. Hồn ma đứng cúi đầu trước giường, dòng dòng nước mắt... rồi giơ tay ra như muốn xoa mớ tóc của thang An. Môi cái bóng trắng mấp máy như muốn nói mà nói chẳng thành lời... Em choàng dậy... giơ tay ra... thì hồn ma biến mất...
- Em có bệnh rồi. Đúng là một cơn ác mộng mê sảng...
- Không phải mơ đâu... Mấy hôm nay, đêm nào hồn ma cũng hiện về. Em đã nhận ra, đó là hồn Thuận Tôn... Chồng em đã ra sao? Lòng em nóng như lửa đốt. Huynh nói thật đi.
- Thánh Ngẫu? Em đã ốm rồi?
- Tôi không ốm! Tôi cần biết sự thật. Tôi muốn gặp chồng tôi. Thằng An muốn gặp cha nó. Hay là... Phải. Hay là cha chúng ta đã có âm mưu gì?... Hay là cả huynh nữa... các người đã có âm mưu gì?...
Bà hoàng hậu như nổi cơn điên rồ. Nàng đứng lên, mắt long lanh, đôi mắt đau khổ hầu như đã cạn khô nước mắt. Ông vua con chạy tới, nắm lấy tay mẹ.
- Mẫu hậu ơi. Mẹ ơi! An sợ lắm.
Người mẹ cúi xuống, ôm lấy đứa con. Mẹ và con cùng oà lên khóc, dưới con mắt bối rối của Nguyên Trừng. Ông có cảm giác như chính mình đang phạm tội...
***
Điện Minh Đạo hiện ra trước mắt. Nó là bản sao của cung điện Hoạ Lư ở Thăng Long. Hay nói cho đúng hơn, điện Minh Đạo chính là cung Hoa Lư được phát triển đường bệ hơn, nguy nga hơn. Vẫn là kiểu hình chữ tam, nhưng khác với cung Hoạ Lư, toà tiền điện ở đây mới là Chính điện. Toà trung và hậu điện là nơi ở riêng và nơi thờ lại biến thành những kiến trúc phụ. Điện Minh Đạo lấy tên ngay cuốn sách Minh Đạo của thái sư, âu cũng là cách tỏ rõ cái chí. Một điều khác biệt nữa: cung Hoạ Lư chất liệu bằng gỗ, còn điện Minh Đạo chất liệu chủ yếu bằng đá, nhất là toà chính điện. Ở bậc thềm bước lên, ta đã gặp ngay đôi rồng đá to nhất từ trước đến nay. Đôi rồng, mỗi con dài mươi thước, uốn khúc uyển chuyển và hùng dũng như đang bay. Cái tráng khí hào hùng ấy do bàn tay tài ba của phường thợ đá làng Nhồi làm. Quý Ly đã ban thưởng tước cho người thợ cả, điều đó thật hiếm thấy. Hàng cột đỡ hiên là mười chiếc cột đá chạm rồng leo tinh xảo. Đặc biệt nhất là chiếc sập to làm bằng đá phiến nguyên khối đánh bóng lên mới thấy nổi những vân đá đen như rồng, như mây.
Cung Minh Đạo nằm ngay chính tâm toà thành đá Tây Đô. Chính nơi đây sẽ là trung tâm chính trị của đất nước trong những ngày sắp tới.
***
Viên quan cấm vệ to như ông hộ pháp đứng ngay bên cạnh con rồng đá, kính cẩn cúi chào. Nguyên Trừng dừng lại hỏi:
- Cha ta có trong điện không?
Viên lực sĩ thưa:
- Bẩm đức ông. Đại Vương đang ở bên trong.
Toà đại điện rộng mênh mông, với hai bức đại hoành “Nhật nhật tân” và “Vô dật, nãi dật” giống như ở cung Hoa Lư Thăng Long. Kích cỡ của hai bức đại hoành ở đây to rộng hơn. Hầu như nó choán kín cả vùng tường hậu. Mầu vàng óng của hai bức hoành phản chiếu ánh sáng của khoảng hở giữa hai đợt mái chồng lên nhau, ở trên cao dọi xuống, rồi rải khắp toà đại điện, làm cho không gian như mở rộng thêm, nó oai nghiêm và sáng sủa lạ thường. Tuy nhiên, đó là thứ ánh sáng lạnh, có lẽ lạnh vì ở đây chẳng thấy một bóng người. Nguyên Trừng nhìn quanh, rồi rảo bước đến cửa sau, ông hầu như nghe thấy cả tiếng chân của chính mình. Đến toà trung điện, vào phòng ngủ, sang nơi làm việc, lên lầu đọc sách, ở khắp nơi đều không thấy bóng Quý Ly. Sự lặng lẽ vắng bóng người đã kéo lũ chim sẻ đến đậu trên mái ngói. Chỉ nghe thấy tiếng chim rúc rích càng làm tăng thêm sự cô liêu cho khu cung điện nguy nga và bao la. Quý Ly vốn không thích những bóng người qua lại nhộn nhịp trước mắt mình. Tất cả những kẻ giúp việc: thư lại, vệ sĩ, thể nữ, ngự thiện đều phải ở những căn nhà nằm ngoài khu vực. Bên người ông, luôn đeo một quả chuông vàng; khi cần, ông lắc chuông, và một con người cực kỳ tin cẩn sẽ xuất hiện không biết từ đâu. Sau khi nghe lời ông sai bảo, cái bóng tin cẩn ấy biến ngay lập tức mất tăm, để cho sự vắng tanh lặng lẽ lại ngự trị.
Nhìn quang cảnh, Nguyên Trừng hiểu ngay cha mình đang ở đâu. Ông di đến toà hậu điện, nơi thờ cúng bà Huy Ninh công chúa. Thường thường, thái sư chỉ đến đây vào buổi tối, hôm nay ông lại đến vào giữa ban ngày.
Toà hậu điện được thái sư Quý Ly cho xây dựng trước nhất ông muốn khi ông đến ở, thì nơi thờ phụng bà Huy Ninh đã phải đẹp đẽ khang trang. Vì vậy, ở đây cây cối đã xum xuê. Vẫn có hai cây đại mọc trước nhà, hai cây đại non tơ nhưng đã nở hoa trắng xoá. Những bông hoa trắng ngà, những bông ngọc lan nhà Phật nức hương rải thảm lốm đốm trắng trên chiếc sân gạch đỏ au đã chớm rêu xanh. Trước kia, ở cung Hoa Lư, toà hậu điện gồm cả ban thờ Phật và ban thờ bà Huy Ninh. Nhưng, ở cung Minh Đạo, toà hậu điện chỉ riêng thờ bức tượng đá trắng của công chúa.
Nguyên Trừng mới đến giữa sân đã phải đứng sững lại ông trông thấy cha mình đang ngồi xệp dưới chân pho tượng ở gian giữa nhà, pho tượng ở đây được đặt thấp, từ ngoài nhìn vào cứ tưởng như bà Huy Ninh đang thật sự ngồi đó. Bà ngồi trên ghế bên một chiếc bàn sơn son có đặt bát hương nghi ngút khói. Còn Quý Ly, ông như gục vào lòng người vợ hiền hậu. Nhìn từ xa, không cảm giác thấy hai bàn tay trắng ngà đương đấy ra, mà hình như hai bàn tay ấy đương đặt lên mớ tóc bạc của thái sư để chở che, để vuốt ve an ủi. Còn Quý Ly thì... toàn thân đang rung lên. Hoá ra như vậy? Lần đầu tiên, Trừng bắt gặp cha mình đang khóc. Có lẽ ông già đang thì thầm kể lể cho vợ mình nghe những chuyện ông đã làm. Có thể ông đang nói về số phận của bà hoàng Thánh Ngẫu, đứa con gái cưng của ông bà, đứa con gái kiều diễm mà ông bà đã nâng niu như một nhành hoa quý. Cũng có thể là những lời tâm sự về ông vua bé nhỏ Trần An, đứa cháu ngoại run rẩy ngồi trên ngai vàng. Hay dó là những lời biện bạch về số phận của Thuận Tôn, ông vua của vương triều nhà Trần, đã vĩnh viễn bay về tiên cảnh... Hay có khi ông đang hé cho bà biết những điều vừa vĩ đại vừa khủng khiếp đã và đang xảy ra với núi sông...
Nguyên Trừng nhìn chiếc lưng còng của cha mình đang rung lên từng đợt, Trừng chợt nhớ tới vua Thái Tôn Trần Cảnh của nhà Trần ngày xưa. Ông vua uyên bác và nhân từ ấy đã chẳng từng viết bao nhiêu bài kinh sám hối trong cuốn Khoá Hư Lục: sám hối buổi sáng, sám hối ban trưa, cả sám hối khi đêm xuống. Kẻ mở đầu một vương triều bao giờ chẳng thế! Điều khác biệt đó là Trần Thái Tôn viết ra thành văn điều sám hối, còn Quý Ly, cha ông, lại quỳ dưới chân pho tượng trắng... để thổ lộ với một hòn đá vô tri.
Nguyên Trừng lập tức lùi lại, rồi rón rén quay về toà tiền điện. Ông hiểu, dù mình là con, cũng không nên có mặt trong những phút yếu đuối của một con người đầy khát vọng như cha mình.
***
Không lâu sau đó, Hồ Quý Ly đã đến nhà tiền điện. Ông chằm chằm nhìn vào mắt con trai. Lúc này, ông đã là một con người hoàn toàn khác hẳn. Hình như những tia nhìn của ông tỏ ra rằng ông đã biết mọi chuyện. Tia nhìn lạnh băng ấy như quở trách ngầm, Nguyên Trừng vội cúi xuống chào cha. Ông báo cáo tình hình bằng mấy câu nói ngắn gọn:
- Thưa cha, mọi việc cha giao, con đã hoàn thành. Tất cả đều diễn ra như ý định của cha.
Quý Ly gật đầu, rồi ông nhắm mắt lại như để sắp xếp những ý tưởng, trước khi cái giọng trầm trầm của ông cất lên:
- Anh về kịp lúc. Đúng ngày mai, ta cho mở hội mừng tân đô. Dân thèm ngày hội, ta cho ngày hội. Hãy cho người Mường, người Thái... xuống núi mà thi gõ chiêng, đánh trống. Hãy cho những người hát xẩm, những đào nương, những phường chèo đến mà khoe giọng hát. Hãy cho đánh đu, chọi gà, múa rối, đánh vật. Ban đêm cho đốt cây bông, thi đèn cù... Và, cũng có thể cuối cùng mở hội chọi voi cả một ngày ròng... Nói tóm lại, làm mọi cách cho thật tưng bừng trước lúc hội thề.
Ông già chợt cười khẽ:
- Tuy vui, nhưng no bụng vẫn là điều chủ yếu. Anh phải đứng ra thay ta đôn đốc việc mở kho, phát chẩn cho dân nghèo ở những nơi mất mùa. Riêng quanh vùng Đông Đô Thăng Long, và Tây Đô, không cho phép có người dân đói khát. Quan lại những địa phương này nếu không làm tròn trách vụ cần phạt thật nặng.
Bỗng nhiên, đang trò chuyện dân sinh Thái sư lại nhảy ngay sang vấn đề kẻ sĩ:
- Những sĩ phu ở xứ Đông, việc quan trọng tôi dặn anh, nay thế nào?
- Thưa cha, có lẽ khả quan. Con đã bảo phủ, lộ sức xuống các làng xã... đã cho mời các danh sĩ, các nhà khoa bảng... Trên đường đến đây, con nghe ngóng, họ đang lục tục kéo tới Tây Đô.
Thái sư nhắm mắt lại, trầm ngâm một hồi lâu mới lên tiếng:
- Ta đã suy nghĩ rất nhiều. Sang năm, dù thế nào cũng phải mở khoa thi. Nhưng trước mắt, nhân ngày hội, cũng nên mở một cuộc thi làm văn làm phú...
Ông nhắm mắt lại, tiếp tục suy nghĩ rồi mới nói:
Này Nguyên Trừng, con có nhớ Quách Ngỗi người nước Yên thời chiến quốc mua bộ xương con thiên lý mã bằng 500 lạng vàng không?
- Con nhớ. Quách Ngỗi có trả lời khi yên Chiêu Vương tức giận vì nghĩ đã phí vàng: “Ngựa chết còn mua 500 lạng vàng, huống chi ngựa sống”. Dùng ngựa chết để nhử ngựa sống. Dùng một người hiền loại trung để nhử các bậc đại hiền...
- Phải đấy? Chính là cái ý ấy. Vì vậy, nên ta ra đầu đề “Phú con ngựa lá”
- Bài phú về con bọ ngựa ư?
- Vậy sẽ thế này: con hãy viết cho cha một bài bố cáo chữ thật to, ngày mai dán ở lầu Quảng Văn trước cửa thành phía nam; bất cữ già trẻ, không phân biệt sang hèn chức tước, ai làm được bài phú thật hay ta sẽ thưởng trăm lạng bạc. Đích thân ta sẽ làm chánh chủ khảo chấm thi.