Phạm Sinh ở lại Thăng Long tìm cách trả hận. Nơi ở của anh là ngôi chùa đổ làng Già. Còn việc kiếm sống hàng ngày, anh làm nghề bán chữ tại tháp Báo Thiên.
Chùa Báo Thiên là danh thắng kinh đô. Ngôi chùa nằm giữa một vườn cây rộng chừng chục mẫu Những cây đại thụ, lá xum xuê có chỗ che kín không đế lọt ánh sáng mặt trời. Lại có những vạt đất trồng hoa thơm cỏ lạ như chào đón làm say lòng khách thập phương.
Đặc biệt nhất là ngọn tháp cổ Đại thắng tư thiên mà nhân dân vẫn gọi tháp Báo Thiên, xây ngay phía trước chùa. Ngôi tháp cao ngút trời, mềm tự hào của dân Thăng Long, được đánh giá là một trong An Nam tứ khí, một trong bốn vật quý của Đại Việt. Tháp xây bằng đá, xen lẫn gạch nung có in hoa, trên một gò đất. Đứng ở tầng cao cuối cùng của tháp, có thể nhìn quang cảnh khắp Thăng Long. Tháp mười hai tầng; tầng dưới cùng to rộng bằng một ngôi chùa quê. Tháp hình tứ giác, bốn mặt có bốn cửa ra vào. Cửa chính đông nhìn ra hồ Lục Thuỷ và xa xa nhìn thấy cả bãi dâu tít tắp trải đến tận bờ sông Cái. Hai cửa bắc, nam là hai cửa phụ, cửa tây là cửa giả. Chung quanh khu tháp có tường bao bằng đá chạm trổ tinh xảo, dưới chân tường đặt những chậu hoa quý. Điều đập mạnh vào mắt khách thập phương là tám pho tượng đá bát bộ kim cương kích thước cao gấp rưỡi người thường. Mỗi cửa có hai pho đứng gác. Cửa chính đông, một pho tay trái cầm ngược thanh kiếm giơ lên, tay phải như đang đi xuống; một pho tay phải cầm thanh long đao, tay trái để ngang lồng ngực. Những pho tượng dáng vẻ nghiêm khắc đến độ hung dữ như nhắc nhở con người phải nghiêm trang giữ cái tâm của mình khi vào cửa Phật.
Qua cửa chính vào trong tháp, ta gặp ngay tượng A Di Đà tạc bằng đá trắng ngồi trên toà sen hiền từ nhìn xuống. Trước tượng là chiếc giường đá, nơi khách thập phương vẫn đặt tay lên để được nhận linh khí của đức Phật, để được nhận sự hộ niệm, an ủi của Người.
Phạm Sinh hàng ngày đi từ ngôi chùa đổ đến tháp Báo Thiên hành nghề. Anh treo mấy tờ giấy đỏ lên cây đa cổ thụ mọc ở phía hữu khu tháp, trải chiếc chiếu, ngồi xếp bằng tròn ngay ngắn, bên cạnh người chiếc bút chiếc nghiên, chờ người viết mướn. Việc anh làm là viết sớ, viết văn tự bán nhà, văn tự bán người, cả viết câu đối, hoành phi... Ngòi bút lông của anh đã vẽ nên bao cảnh thương tâm, bao cảnh lên voi xuống chó của người dân Thăng Long: cô Trịnh Thị ả bán mình làm lẽ một ông già để lấy mấy quan tiền chữa bệnh cho cha. Ông Lê Văn Mỗ bán mẫu ruộng để lo lót cho con đi lính thú tận miền Hoá Châu giáp Chiêm Thành trở về; ông huyện quan Trần được thăng hàm tứ phẩm và được chuyển vào làm việc ở Đô hộ phủ nay làm lễ ăn khao, những người có máu mặt ở kinh đô đi mua chữ về khắc câu đối mừng...
Ngoài viết tại chỗ, anh còn nhận việc mang sách về nhà chép thuê. Thời đó, sách in bản ít lắm. Những cuốn sách hiếm, muốn có cần phải thuê chép... Như vậy, nhờ nghề viết mướn, Phạm Sinh đọc được rất nhiều sách. Lại biết được nhiều việc, quen được nhiều người. Bọn lính tráng, tôi tớ nhà quan, hễ có việc đến chữ lại phải ra gốc đa Báo Thiên nhờ cậy đến anh. Bọn chúng hay bép xép nên anh biết khá nhiều chuyện chung quanh những người tai to mặt lớn.
Phạm Sinh viết chữ rất đẹp. Sư cụ Vô Trụ là người cẩn thận. Cụ bảo: chữ thế nào, người thế ấy, rèn người việc đầu tiên phải rèn chữ. Vì vậy, hồi Phạm Sinh mới học viết, cụ rèn cho anh từng nét; có khi suốt một tháng ròng cụ bắt anh chỉ viết có ba chữ. Viết nhỏ, viết to, viết chân phương, viết bay bướm... Viết đi, viết lại, viết mãi bao giờ chữ nhập vào ngòi bút, vào khối óc, thậm chí nhắm mắt lại viết chữ vân có hồn... lúc đó mới tạm được. Nhờ viết nhiều đến như vậy, dần dần Phạm hiểu ra cái đậm cái nhạt, cái nhặt cái khoan. cái xa cái gần, cái chơi vơi bay bướm của nét chữ... Và thế là những nét hoạ đầu tiên của anh ra đời. Lúc rỗi rãi, anh vẽ những cánh chim, những con trâu, rồi khói núi ban chiều, cuối cùng là những bức hoạ Phật những bức tranh thiền... Sư Vô Trụ bảo: “Con hãy tập vẽ mây bay, nước chảy, bao giờ thấy như bay thật, chẩy thật mới vẽ sang thứ khác”. Một năm sau, sư cụ bảo: “Con vẽ cho ta một bức tranh mùa thu”. Phạm Sinh loay hoay vẽ mãi, vẽ xong lại xé, xé rồi lại vẽ. Cuối cùng anh vẽ một đôi chim sẻ xù đậu trên cành đang rỉa lông cho nhau, cạnh một hốc cây, nơi đó thò ra mấy cọng rơm được nắng hanh làm cho sáng bừng lên. Cành cây đang rụng lá. Những chiếc lá lóng lánh nửa muốn rời cành, mà cành còn cố níu lại...
Sư ngắm nghía bức tranh rất lâu, rồi nói “Con đã biết dùng mực đen để vẽ một chiếc lá vàng rồi. Thu đến hơi lạnh, nhưng vẫn còn sự nồng nàn ở đó. Con đã hiểu thế nào là cái hồn của tranh”. Từ đó, phạm Sinh nổi tiếng về hoạ, nhưng càng ngày anh càng vẽ ít đi. Thi thoảng mới vẽ, nhưng đã vẽ là tranh rất đẹp.
Phạm Sinh không vẽ tranh bán mà chỉ bán chữ, nhưng có một lần anh đã phá lệ vẽ tranh. Lần đó Phạm không vẽ tranh trên giấy mà vẽ tranh trên gốm. Hồi đó, anh vừa mới đi dự cuộc xử trảm cha anh, nhà sư nổi loạn Phạm Sư Ôn ở tháp Báo Thiên được chừng một tháng. Anh ngụ tại ngôi chùa đổ và bắt đầu làm nghề bán chữ. Hôm ấy, người dân Thăng Long nô nức ra bến Đông để đón người anh hùng Trần Khát Chân vừa mới chém được đầu Chế Bồng Nga, nay ca khúc khải hoàn, trở lại kinh sư.
Ông vua già Nghệ Tôn sai làm lễ đón mừng Trần Khát Chân cực kỳ long trọng. Người anh hùng cứu nước ngồi trên chiếc bành son đỏ, che lọng tía, trên lưng con voi tràng khổng lồ. Đoàn nhạc cung đình, chiêng trống tưng bừng mở lối cho voi đi. Từ bến Đông, voi trắng theo đại lộ đến tháp Báo Thiên để dâng hoa cúng Phật và tế cáo trời đất, mừng thanh bình thịnh trị từ nay lại trở về với dân Đại Việt. Dân Thăng Long trẻ già trai gái mặc quần áo đẹp, nô nức đi trảy hội thanh bình. Phạm Sinh đứng dưới gốc cây đa Báo Thiên và anh đã được chiêm ngưỡng vẻ uy nghi, tràn trề hùng khí của người anh hùng. Anh thầm nghĩ: Ông cũng giống như cha ta. Có thể, con người này sẽ là một cứu tinh chăng? Có thể, ông ta sẽ mở ra được một lối đi chăng? Với ý nghĩ ấy, Phạm Sinh có cảm tình với Khát Chân ngay. Anh nghĩ cách ra mắt quan thượng tướng. Phạm đến một lò gốm cạnh kinh đô, mua ba cái xương gốm, phóng bút vẽ ba chiếc chậu hoa. Lúc gốm ra lò, ba chiếc chậu: Một chiếc vẽ hoa sen, một chiếc hoa mai, một chiếc hoa cúc. Đáng lẽ phải tặng thượng tướng hoa mai mới đúng, vì đất phong hầu của ông là Trại Mai, nhưng hoa mai mong manh quá, Phạm không muốn Khát Chân như vậy. Tặng chậu hoa sen ư? Sự từ bi hiền hậu của đức Phật cũng không phải cái cần lúc này. Còn cúc? Lúc vẽ Phạm đã nghĩ tới một bài thơ mà anh rất khoái. Lập tức Phạm đập tan hai chiếc chậu vẽ hoa sen và hoa mai, rồi bọc kín chiếc chậu vẽ hoa cúc đem dâng thượng tướng. Lúc đó, trên gò đất định xây dinh thự còn hoang sơ. Khát Châu tiếp chàng nho sĩ cạnh đôi mai già. Chàng thư sinh gầy gò có đôi mắt sáng, dáng điệu kính cẩn:
- Để mừng tướng quân thắng trận, tiểu nhân định vẽ một bức hoạ, nhưng nghĩ rằng vẽ tranh trên gốm sẽ lâu bền hơn, nên đánh bạo dâng chiếc chậu tự tay vẽ này lên thượng tướng để tỏ lòng thành kính.
Nhìn chiếc chậu men hoa lam với nét vẽ lung linh thần tình, mặt tướng quân rạng rỡ:
- Chiếc chậu thật quý! Có lẽ độc nhất...
- Thưa vâng. Tôi không vẽ chiếc thứ hai. Trên đời này chỉ có một người như tướng quân, thì chiếc chậu cũng phải độc nhất vô nhị.
Thượng tướng ngắm nghía có vẻ hài lòng, nhưng nét mặt vẫn đọng lại những băn khoăn. Hình như chàng nho sinh hiểu ý vị tướng, anh nói:
- Tiểu sinh vẽ nó theo ý một bài thơ mà hai câu cuối ý tứ thật hào hùng..
Lúc đó có người tới, thượng tướng không tiện hỏi nữa, tuy nhiên chiếc chậu hoa cúc với ba bông hoa vừa nụ vừa hàm tiếu ấy cứ ám ảnh ông mãi. Thậm chí, cho tới đêm ông còn suy nghĩ. Bài thơ nào nhỉ? Hai câu hào hùng nào nhỉ? Trong giấc ngủ, ba bông hoa như vẫn chập chờn trong mơ. Và đến gần sáng, ông bỗng choàng tỉnh giấc vì bài thơ ấy bỗng hiện ra trong óc. Sao ta tối tăm thế? Hàng ngàn bài thơ Đường chỉ có độc nhất một bài hoa cúc. Người làm ra nó chính là Hoàng Sào, một nho sĩ đã nổi loạn ở cuối triều đại nhà Đường. Hàng chục vạn dân theo ông đã làm lung lay nền móng của một triều đại. Đang đêm, ông cũng dậy, pha một ấm trà rồi độc ẩm, miệng ngâm khe khẽ:
Táp táp tây phong mãn viên tài
Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai.
Tha niên ngã nhược vi thanh đế.
Báo dữ hoa đào nhất xứ khai
(ào ào gió tây vườn cúc hoa
Nhị tàn hương lạnh bướm khó qua
Nếu xuân năm tới ta làm chúa
Lệnh nở hoa đào khắp xứ gần xa)Ông cứ nghĩ mãi tới cái ý thơ hào hùng của hai câu cuối Nếu năm sau ta lên ngôi vua, ta sẽ truyền lệnh cho hoa đào khắp đất nước phải nở hoa cùng một lúc. Chà! Cái chữ “nhất xứ” dịch ra quốc âm mới khó làm sao. Rồi ông lại nhớ tới chàng thư sinh tặng chậu. Sao anh ta lại nhắc tới bài thơ Cúc của Hoàng Sào? Có ý gì đây? Từ một chậu hoa đẹp, đầu óc ông lại chuyển sang việc triều chính. Đêm ấy, ông mất ngủ.
Tới lúc Nghệ Hoàng ốm người muốn vẽ tranh tứ phụ để ban tặng và nhắc khéo thái sư Quý Ly, ông tiến cử Phạm Sinh.
Một tháng trời vẽ tranh tứ phụ tại nhà quan thượng tướng, Phạm Sinh được tiếp xúc với một số người trong trại Mai. Sinh vẽ trong một căn nhà nhỏ ở khu vườn rộng không ai lai vãng. Hàng ngày chỉ có một tráng sĩ râu rậm đến đưa cơm và chăm sóc. Anh ta trạc ngoại ba mươi, vạm vỡ, ít nói. Phạm Sinh cũng ít nói. Hình như thượng tướng cho anh ta đến thăm dò mình. Sinh nghĩ thầm. Đôi bên đối với nhau rất khách sáo.
- Đệ tên Phạm Sinh, từ miền Hải Đông tới Thăng Long, nghèo túng nên làm nghề bán chữ qua ngày.
- Tôi là Phạm Tổ Thu, vốn lưu lạc, trong trận đánh Chế Bồng Nga có chút công nhỏ, nên được thượng tướng thu nhận làm người giúp việc.
Một tối, hai người ngồi uống rượu, ngắm trăng trong vườn. Tổ Thu bảo:
- Mấy bức tranh vừa rồi thấy đã đẹp lắm, sao tiểu huynh lại xé đi?
- Hôm nọ, đệ ngồi ngắm mai với thượng tướng, ngài bảo:
- Mai đẹp cốt ở thưa, không cốt ở rậm; cốt ở gân guốc, xù xì, dãi dầu sương gió, không cất ở mập mạp trẻ tươi; cốt ở nụ, không cốt ở hoa...” Chơi hoa còn tìm đến cái thần của hoa, nữa là cầm bút vẽ. Vẽ, bao giờ tìm thấy cái thần của tranh mới được.
- Đệ nói hay lắm. Xưa kia học kiếm, thầy huynh cũng nói như vậy.
Tổ Thu hào hứng múa bài kiếm loang loáng, làm đám lá cây nhảy múa rung rinh. Phạm Sinh cũng nổi hứng theo, lấy giấy điều viết một chữ “thần” đẹp tựa rồng bay để tặng Tổ Thu. Người tráng sĩ ngắm bức hoạ, lấy làm khoái trá, anh cởi áo quần ra múa một bài quyền. Hai bàn tay Tổ Thu tựa như đang nâng niu một cái gì đó. Đường quyền mềm dẻo song tràn trề sát khí. Phạm Sinh đang ngồi bỗng ngạc nhiên đứng dậy ngắm người tráng sĩ, anh ta càng lúc múa càng nhanh. Rồi đột nhiên, chàng nho sĩ vô cùng cao hứng, chàng cũng vứt nhanh chiếc áo dài, rồi xắn tay áo nhảy vào cùng múa theo. Tổ Thu cười lên ha hả. Hai bóng người xoắn suýt với nhau. Bốn bàn tay như nâng niu một cái gì đó dâng lên trước mặt, rồi đặt vào nơi tim. Tổ Thu dừng lại mừng rỡ kêu lên:
- “Song Ngọc Trản”. Đã lâu lắm ta mới được một đêm thoả thích thế này. Té ra... ngươi là sư đệ của ta.
Nói rồi, người tráng sĩ rậm râu ôm chầm lấy chàng nho sĩ
Ngọc Trản (cái chén ngọc) là bài quyền đặc biệt của cụ Sư Tề. Trước khi chết, cụ dặn Phạm Sinh: “Ngọc Trản là bài võ riêng của ta. Chỉ có ai là học trò của ta mới biết. Con sẽ nhờ nó mà tìm gặp được các sư huynh. Bao giờ gặp họ, con nhắc đừng làm mai một ngọc trản. Hãy gìn giữ chén ngọc”.