Sau khi Chế Bồng Nga chết, sau khi chấm dứt những ngày lưu vong, ông vua trẻ thơ ngây tưởng rằng sóng gió đã chấm dứt, nào ngờ một cơn bão tố mới lại nổi lên.
Thái sư Quý Ly phát hiện được những bức thư của quan tư đồ Trần Nguyên Đĩnh và quan Thái bảo Trần Tôn gửi cho vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga, hẹn làm nội ứng để dẹp bỏ một triều đình hôn ám, quyền lực nằm trong tay lũ gian thần. Nguyên Đĩnh và Trần Tôn tự tử, thành ra mất hết dấu tích của những tên hàng giặc khác còn nằm trong triều đình. Nghệ Hoàng rất đau đến và tức giận vì một câu Nguyên Đĩnh viết trong thư: “Thái uý Ngạc và nhiều đại thần khác không dám nói ra, nhưng trong bụng đều ngầm đồng lòng với chúng tôi”. Nghệ Hoàng hôm ấy quẳng bức thư vào mạt Trang Định Vương Ngạc và nói:
- Thằng nghịch tử? Mày cũng theo giặc để định giết chết cha đẻ của mày sao?
Trang Định Vương quỳ xuống khóc và thề:
- Con mà có lòng phản nghịch, sẽ bị trời chu đất diệt. Thực ra, con bị hàm oan.
Ông vua con Thuận Tôn can:
- Cha còn lạ gì cung cách của bọn Trần Tôn, Nguyên Đĩnh. Chúng có ít cũng tố lên nhiều, thậm chí nêu cả tên những người quan trọng, cốt để tỏ ra vây cánh của mình rất mạnh. Con nghĩ ta không nên mắc kế ly gián của giặc. Vả lại thái uý là anh ruột của con, Ngạc là người như thế nào con biết. Con xin đảm bảo sự trong sạch của anh con.
Nhờ Thuận Tôn, Trang Định Vương không bị tội.
Nhưng Ngạc từ đó đâm ra sợ hãi. Vả lại trong bá quan vẫn có lời xì xào: “Không có lửa, sao có khói”. Lúc vào chầu, nhiều người nhìn ông bằng con mắt khác. Ngạc cáo ốm, nghỉ ở nhà. Lại có lời đồn đại đến tai Ngạc: “ông ta ở nhà, song vẫn ngấm ngầm...”. Thuận Tôn thương anh, sai người gọi Ngạc vào cung:
- Anh đừng lo nghĩ quá. Lúc giận cha mang thế thôi. Thực ra, cha thương anh lắm. Hôm qua cha hỏi em: “Nghe nói thằng Ngạc ốm phải không? Bảo thái y đến thăm bệnh cho nó chưa?” Thế là cha hết giận rồi.
Ngạc trầm ngâm:
- Cha hết giận, nhưng thái sư thì sao?
Thuận Tôn im lặng không biết nói gì nữa. Ngạc rầu rầu tiếp:
- Người thân tín của anh bảo thái sư Quý Ly nói với Nguyễn Cẩn rằng: “Cái thằng họ Mai đáng tội chết, may mà thoát nạn kỳ này...
Từ đấy, Quý Ly cho người bao vây và dò la quan thái uý..
Một đêm, vua Thuận Tôn đang mơ màng, bỗng có thái giám đến báo đức thượng hoàng mời nhà vua đến cung thượng hoàng ngay, có việc cơ mật. Khi Thuận Tôn tới nơi đã thấy thái sư Quý Ly ngồi đó, còn Nghệ Hoàng vẻ mặt đầy tức giận. Thái sư Quý Ly nói:
- Tâu bệ hạ, Trang Định Vương Ngạc đã bỏ trốn.
- Ta thực không ngờ thằng nghịch tử ấy lại có lòng phản phúc thật. Trước kia, ta tưởng nó chỉ có lòng ghen Lệ nhà Trần, tôn thất đầu hàng giặc phải đổi họ Trần sang họ Mai. ghét... - Thượng hoàng vừa nói vừa đau đớn lắc đầu - Sao lại thế. Đã là con ta, đã mang dòng máu quân vương, thì phải hiểu rõ điều này... dù là ghen tức, dù là bất mãn, dù là bất đồng, dù là... gì cháng nữa thì cũng không có quyền... theo giặc...
- Con xin cha bớt giận... Trước kia, con đã tâu trình với cha việc bức thư của Nguyên Đĩnh viết cho Chế Bồng Nga có nhác đến tên anh con. Lá thư đó cũng không đủ căn cứ xác thực... rằng anh con phản bội.
- Không phải chuyện đó... chuyện ấy đã qua rồi...
Thượng Hoàng khoát tay, ra hiệu cho Quý Ly tâu trình tiếp. Quý Ly nói:
- Tâu Thượng hoàng và bệ hạ. Tin mật báo nói rằng: chập tối, Trang Định Vương và lũ gia thần đã lên thuyền rời khỏi Thăng Long.
- Rời Thăng Long ư?... Đi hướng nào?
- Đi lên hướng Bắc. Ngạc đã đi theo sông Thiên Đức, tìm đến sông Lục Đầu.
- Có thể anh của ta đến Bình Than chăng? ít lâu nay, người hay phiền muộn, có thể người muốn đi du ngoạn cho khuây khoả.
- Thần cũng đã nghĩ đến chuyện đó. Nhưng có hai điều không giải thích được. Thứ nhất, tại sao lại phải đi vào ban đêm. khi không có công vụ, mà chẳng ai hay biết gì? Thứ hai, điều này quan trọng hơn, tin mật báo cho biết, trên thuyền có người của bọn Nguyễn Tông Đạo và Nguyễn Toán.
- Đạo và Toán là ai?
- Tông Đạo và Nguyễn Toán là lũ hoạn quan người Việt, trước đây ta đem cống vua Minh. Bọn chúng được nhà Minh tin dùng. Tên người nhà của Đạo vừa rồi về thăm quê, thần đã cho người theo dõi. Tên đó về quê, rồi bí mật lẻn vào tư dinh của Trang Định Vương, sau đó mất tích, tối nay lại đột nhiên xuất hiện trên thuyền cùng với đại vương Ngạc.
Vua Thuận Tôn im lặng, chẳng còn biết nói ra sao.
Thượng hoàng nói với Quý Ly:
- Khanh cứ tâu trình cho cặn kẽ mọi đường:
- Theo ý ngu thần, hướng đi như vậy chắc chắn Trang Định Vương sẽ ra châu Vạn Ninh, ở đó có hàng ngàn hòn đảo mà dân gian vẫn gọi là vùng Hạ Long. Điều hiện nay chúng ta phải hết sức quan tâm là phương Bắc. Sau khi Chế Bồng Nga bị ta đánh tan, nước Chiêm suy yếu. Bọn phản thần bây giờ không liên hệ với phương Nam nữa, chúng đã hướng về phương Bắc. Tôn Trần Khang là người tâm phúc của Nguyên Đĩnh, Trần Tôn, sau khi Đĩnh và Tôn bại lộ tự tử, đã trốn sang nước Lão qua, nay đã tìm đường đến với nhà Minh. Trần Khang cấu kết cùng Tông Đạo, Nguyễn Toán vẫn lén lút đưa người về nước. Hiện nay, đã manh nha một bè đảng dựa vào thế lực nhà Minh. Chúng vẫn giả làm lái buôn qua lại biên giới trên biển, và thường tụ tập trên một hòn đảo ở cửa Vân Đồn...
- Vậy ý khanh ra sao?
- Thưa, đây là một việc nghiêm trọng, vừa là việc quốc gia đại sự, lại vừa là việc trong gia đình tôn thất... Quả thật, thần không dám hồ đồ... Phải chính đích thân thượng hoàng quyết định.
Nghệ Tôn trù trừ một lát rồi hỏi:
- Có đúng nó ra châu Vạn Ninh không?
- Thần được tin hoàn toàn đính xác.
- Vậy, phải bắt nó về ngay. Không thể để cho tên nghịch tử ấy trốn sang với nhà Minh. Thằng Húc xưa kia đã làm việc điếm nhục đầu hàng giặc phương Nam, nay không thể để thằng Ngạc lại làm việc ấy với phương Bắc.
Quý Ly vòng tay nói:
- Vâng thần đã hiểu. Nhất thiết bằng giá nào cũng không thể để đại vương Ngạc sang với nhà Minh.
***
Trang Đức Vương Ngạc giả làm lái buôn, cùng mấy người tâm phúc đi thuyền nhẹ ba ngày ba đêm mới đến vùng biển đông bắc.
Người dẫn đường là người nhà của Nguyễn Tông Đạo đã từ Bắc Quốc trở về mang theo thư của một người Việt dấu tên, một bức thư nói về lòng cao thượng bao dung che chở của một đại quốc sẵn sàng giúp đỡ một nước nhỏ đang cơn nguy khốn, gặp kẻ quyền thần lộng hành làm ngả nghiêng xã tắc, làm bại hoại nhân nghĩa. Bức thư có đoạn đề ra cách ứng xử rất khôn khéo:
Đại vương hiện nay ở trong triều khác nào như cá nằm trên thớt. Sao chẳng như Thân Bao Tự, quan đại phu nước Sở, khi quân Ngô xâm chiếm, đã đứng khóc ròng bảy ngày đêm trước cung vua Tần, xin viện binh về cứu nước. Nếu chẳng được như Thân Bao Tư, sao chẳng tìm cách thoát ra khỏi vòng cương toả, tìm một chỗ chẳng Sở cũng chẳng Tần làm chôn dung thân. Tôi đã lưu lạc nhiều nơi, thấy đất Vạn Ninh cũng là đất khả dĩ, có thể tiến có thể thoái. Đó là nơi hải đảo dễ bề ẩn náu, dễ bề đi lại. Nếu cần, trong chớp nhoáng có thể nằm ra ngoài vùng cương giới, và cũng trong chớp nhoáng có thể dùng đường thuỷ dong buồm thẳng tới kinh sư. Đó là nơi có thể nằm gai nếm mật, chở thời cơ thu lại giang san...
Con thuyền buồm chạy trên mặt biển vào lúc trăng hạ huyền. Nửa đêm, trăng lưỡi liềm mới mọc. Biển đang đen kịt bỗng dần dần lấp lánh sáng. Đêm mùa hạ, hàng ngàn vạn ngôi sao tắm mình đùa dỡn trên biển bao la. Đã đủ sáng để nhận ra mờ mờ những hòn đảo như những con vật khổng lồ nằm xoài ngủ mơ màng trên sóng. Trang Định Vương tỉnh cơn suy tư, hỏi người dẫn đường:.
- Biển bao la thế này, ngươi có lạc đường không đấy?
- Bẩm đại vương, xưa kia, trước khi vào hầu hạ quan Tông Đạo, con vốn làm nghề buôn bán ở vùng này. Cả châu Vạn Ninh con thuộc như lòng bàn tay.
- Ta nghe nói Tông Đạo và ông là chỗ thân quen, tâm phúc.
- Dạ con vốn buôn trầm hương và ngà voi. Mà ông Tông Đạo lại làm thái giám trong cung, lại là người quảng giao có nhiều chỗ thân quen, nhất là quan sát hải sứ ở Vân Đồn. Hai bên dựa vào nhau thôi ạ.
- Còn ngày nay?
- Bây giờ, ông Đạo sang đất Bắc, được vua Minh tin cậy
- Ta hiểu... Ta hiểu... Nhưng này, trời hửng rồi. Sắp sáng rồi. Sắp tới nơi rồi nhỉ.
- Vâng, lúc chạng vạng ta sẽ tới nơi. Đại vương có nhìn thấy hòn đảo trước mặt không? Chỗ có hình lồi ra như cái ngà voi đó. Cứ nhằm mỏm ấy mà dong buồm... Đó là nơi ta đến...
- Một ngôi chùa trên biển ư?
- Vâng, một ngôi chùa cổ. Một đại danh lam vùng biển...
- Tên là gì nhỉ?
- Dạ... chùa Lấm!
- Chùa Lấm? Hình như ta có nghe quen cái tên đó...
Có phải, trước đây, cụ Trần Khánh Dư đánh thuyền lương quân Nguyên ở vùng này?
- Vâng, quãng này là quãng quân Nguyên chở thuyền đi qua. Nhưng đánh tan thuyền lương thì ở vùng cửa Lục gần mạn đất liền phía trong...
Mải nói chuyện, nên trời sáng lúc nào không rõ. Mặt trời đỏ chậm chạp từ dưới nước nhô lên, toả ánh sáng chan hoà trên mặt biển lặng. Từ mũi thuyền, ngẩng đầu đã thấy ngôi chùa hùng vĩ hiện ra bên đảo. Ngôi chùa nằm trong một lòng chảo, ba bề núi cao che chở. Chùa Lấm như nằm trong một cái ngai thiên nhiên màu xanh. Toàn bộ ngôi chùa trải dốc theo sườn núi, thành thử ta nhìn rõ thấy từng lớp chùa xếp thành hình chữ tam với những mái cong duyên dáng. Hai ngọn tháp, sau cơn mưa, gạch đỏ au như hai chiếc bút đỏ vẽ lên nền trời xanh. Toàn bộ ngôi chùa như một nét son hiện trên biển cả.
Vũng biển trước mặt chùa Lấm cũng đẹp vô cùng. Một bãi cát trải dài ra biển tới vài trăm thước. màu trắng phau óng ánh trong bình minh. Ngoài bãi cát, có khoảng chục hòn núi đá nhỏ màu xám xanh, hòn cao. hòn thấp, nhấp nhô nổi trên biển như một đàn cá nhô đầu trên sóng để chờ nghe một tiếng chuông chùa. Ba sư bác, mắt sáng quắc, đã đứng sẵn trên bãi biển chờ đón mọi người. Họ đã nhận ra vẻ tôn quý của Trang Định Vương Ngạc, vội vã đến trước mặt kính cẩn cúi chào:
- Bẩm đại vương, anh em chúng tôi đều là những nghĩa sĩ, hiện trụ trì tại đây, xin đặt mình dưới quyền đại vương, tuỳ người sai bảo.
Ba vị sư này đều là nghĩa quân trong cuộc nổi loạn đánh vào Thăng Long của Phạm Sư Ôn. Nghĩa quân tan rã. Họ trốn ra vùng đảo, đến chùa Lấm là nơi mà trước kia hai người trong số họ đã trụ trì. Ngạc vội vàng nâng ba người dậy, và hỏi:
- Tình hình vùng này ra sao?
- Bẩm đại vương, trong chùa còn mấy chú tiểu, họ cũng đều là người tâm phúc. Sau chùa, có một đường hẻm thông ra một vũng biển nhỏ kín đáo, ở đấy lúc nào cũng có sẵn một chiếc thuyền dấu trong hang. Tình hình quan quân chẳng có gì đáng ngại. Những người lính tuần biển thường qua lại cũng là chỗ thân quen. Đại vương sẽ ở trong một ngôi nhà nhỏ sau chùa... Ngôi nhà kín đáo người ngoài chùa không được vào khu đó...
Trang Định Vương yên tâm mỉm cười cùng dắt tay mọi người tiến vào chùa hộ. Vương càng vui lòng hơn khi biết rằng suốt dọc hải đảo sang đến biên hải Bắc Quốc còn có ba, bốn cơ sở khác để liên lạc, cũng vững chãi và đáng tin cậy như ở chùa Lấm này.
Trang Định Vương khoan khoái về nghỉ ở ngôi am cỏ cạnh con đường hẻm tháo lui. Nhưng nỗi khoan khoái của ông chẳng được bền. Ông nằm chợp mắt đến giờ ngọ thì có tiếng chân dồn dập chạy tới. Một sư bác mắt sáng đánh thức vương dậy:
- Xin đức ông mau theo con. Quan quân đã đến chùa ngoài, họ đang sục tìm.
Vương theo nhà sư chạy theo đường hẻm sau núi, lẻn đến hang dấu thuyền. Vương sắp sửa xuống thuyền bỗng nghe tiếng nói:
- Tôi chờ đợi các vị ở đây từ lâu lắm rồi.
Từ sau một tảng đá xuất hiện một tốp lính tay kiếm tay dao. Trang Định Vương quắc mắt nhìn lũ lính:
- Các ngươi muốn chết? Không biết ta là ai sao?
Lúc này một nho sinh mới từ một kẽ hang bước ra:
- Các ngươi chớ vô lễ - Rồi quay sang vương, nho sĩ kính cẩn thi lễ - Xin đại vương bớt giận. Hạ quan được lệnh vua ra đón đại vương cấp tốc về triều.
- Thế lệnh chỉ của cha ta đâu?
Nho sĩ giả cúi xuống tìm trong bọc. Trang Định Vương chàm chằm nhìn theo nho sĩ. Thừa lúc Ngạc bất ý không phòng bị phía sau, bọn lính xông ngay tới ôm chặt lấy Ngạc. Người sư trẻ chưa kịp rút gươm đã bị mấy tên lính khác đâm chết ngay. Mấy người hầu tâm phúc của Ngạc cũng bị một toán lính khác từ khe đá xông ra bắt sống. Bọn lính trói Ngạc đem vào nhà tổ. Ngạc hỏi nho sĩ.
- Anh là ai? Ta trông hơi quen.
- Tôi là Nguyễn Cẩn, làm chức quan nội tẩm học sinh.
- Ta nhớ ra rồi. Có phải anh làm trong phủ thái sư - ông thở dài - Thế thì ta hiểu rồi... Hiểu rồi... Ta đã thua chủ của anh.
Nguyễn Cẩn lặng lẽ, chẳng chút lên mặt, ông nói:
- Thua được là lẽ thường. Đại vương đã rõ, cũng dễ dàng đôi phần cho việc của hạ quan.
- Ta hỏi một câu. Cha ta ra lệnh, hay thái sư ra lệnh cho ngươi?
- Đích thân thượng hoàng ra lệnh.
Ngạc mỉm cười:
- Chắc cha ta chỉ ra lệnh dẫn ta về triều thôi chứ gì. Ha ha... Cha ta cũng bị mắc lừa nốt. Nhưng ta chỉ thắc mắc một điều: Sao các ngươi lại đuổi kịp ta nhanh đến thế?
- Chả có gì khó hiểu. Tôi và tướng quản lĩnh quân Ninh Vệ là Nguyễn Nhân Liệt được lệnh đem quân đi bắt đại vương. Chúng tôi tức tốc phi ngựa chạy suốt ngày đêm ra trấn Vân Đồn. Vần Đồn là nơi biên ải trên biển. Nơi đây trọng yếu nên bộ phận Liêm phóng rất đông. Họ đã chú ý đến ngôi chùa Lấm này từ rất lâu. Họ biết các nhà sư ở đây là quân của Phạm Sư Ôn trốn chạy. Sở dĩ chưa bắt họ ngay vì còn phải tìm hiểu những ai ở bên Bắc quốc về đây rồi chui vào đất liền liên lạc với ai...
Nói đến đoạn này, mặc dù Nguyễn Cẩn vốn là người điềm tĩnh cũng không che dấu được sự đắc ý hiện ra trong ánh mắt. Ngạc thở dài:
- Các ông nhầm rồi, hay chính các ông muốn vu cho ta đã liên lạc với nhà Minh. Ta ra đây cốt chỉ lánh nạn... Và muốn chiêu tập những nghĩa sĩ để chống lại chủ của các ngươi thôi.
- Chính đại vương mới lầm. Sự lầm lạc đáng thương! Bởi vì chính ở nơi đây tổ tiên của nhà Trần đã kiên quyết chống giặc, lập chiến công hiển hách. Nhưng nay nhà Trần đã lụi tàn. Các ông chẳng hiểu thiên thời. Chẳng biết tự mình lặng lẽ rút lui, mà lại cố sống cố chết bám víu, cố hết sức dùng quá khứ để bênh vực cho hiện tại, cứ tưởng như một thời mình đã giỏi là sẽ giỏi mãi. Thậm chí, dùng cả thủ đoạn hàng giặc để bám chặt vào ngai vàng. Chỉ có kẻ ngu xuẩn mới không nhận ra chân tướng các ông.
Nói rồi, Nguyễn Cẩn phẩy tay, bỏ xuống bãi biển, để mặc cho bọn lính dùng gậy tre đực đánh vào đầu Ngạc cho đến vỡ ra.
Chính lúc ấy, ở trong cung, vua Thuận Tôn cũng gào to ôm lấy đầu, ngã làn ra đất. Ông vua con lăn lộn và hét lên:
- Đau quá? Đau quá! Như có kẻ nào đang cầm dao đâm vào óc ta.