Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Hồ Quý Ly

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38481 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồ Quý Ly
Nguyễn Xuân Khánh

Chương 4

Những cơn đau đầu khủng khiếp bỗng dưng ập xuống làm Thuận Tôn choáng váng ngất đi. Ông vua già được tin, vội vã đến ngay. Ông ôm lấy con và nức nở:

- Ngung ơi! Hãy tỉnh lại đi! Con đừng làm cho cha sợ!

Quan thái y vội vã tìm hết mọi cách cấp cứu. Khi Thuận Tôn tỉnh lại, cứ khốc nấc lên. Ngung nói với thái thượng hoàng:

- Cha ơi! Con vừa gặp anh Ngạc trong cơn mê. Người anh con đầm đìa những máu. Anh giang tay ra lảo đảo đi về phía con như muốn cầu cứu, đằng sau có một bóng mờ mờ đuổi theo. Miệng anh cứ mấp máy như muốn nói điều gì, song con nghe không rõ. Chẳng biết đã xảy ra chuyện gì với anh ấy...

- Con hãy yên tâm. Thằng Ngạc có tội, nhưng cha chỉ sai Nguyễn Nhân Liệt đi thuyền ra Vạn Ninh bắt buộc phải về triều đình ngay thôi.

- Vậy tại sao anh con lại đầm đìa những máu?

- Con không nên tin vào chuyện mê sảng.

Hai ngày sau, Nhân Liệt đưa xác Trang Định Vương Ngạc về đến Thăng Long. Thuận Tôn biết tin, khóc rống lên, ngất đi, tỉnh lại mấy lần và cứ đòi vào gặp mặt anh trai. Thái thượng hoàng Nghệ Tôn không nghe vì sợ Thuận Tôn vốn yếu đuối. Nghệ Hoàng liền gọi Nhân Liệt đến hỏi tình hình. Liệt nói:

- Trang Định Vương ra đến Vạn Ninh bị quân lính canh giữ Vân Đồn ngăn không cho thuyền đi, định bắt lại xét hỏi. Trang Định Vương Ngạc vốn có thư của Bắc quốc lại có người của địch dẫn đường nên sợ không dám dừng thuyền, cứ dong buồm chạy. Hai bên giao chiến. Trong lúc hỗn loạn, quân lính không biết ông là ai nên lỡ tay đánh chết.

Thuận Tôn chỉ vào mặt Nhân Liệt:

- Ngươi nói láo. Chính ngươi đã giết anh ta. Đúng là ta đã trông thấy ngươi cầm gậy đuổi theo đại vương. Đúng, bóng ngươi mờ mờ, nhưng ta đã nhận ra ngươi.

Nhận ra thủ phạm giết người trong một cơn mê sảng, thật huyền hoặc. Nghệ Hoàng lưỡng lự. nhưng vì thương con nên phải ra lệnh cho bắt Liệt giam vào ngục tối. Nghệ Hoàng tiếp tục cho gọi Nguyễn Cẩn lên hỏi. Cẩn đáp:

- Hạ thần vâng lời thái sư, sau khi Liệt lên đường truy đuổi đã quá nửa ngày, phải cấp tốc ra ngay vùng đảo Thái sư sợ Nhân Liệt sơ suất, để xảy ra chuyện không hay. Không dè thần tới nơi thì chuyện đã xảy ra rồi. Đúng là bọn lính canh tuần đảo không biết nên đã lỡ tay giết chết Trang Định Vương.

Nghệ Hoàng càng bối rối khi Thuận Tôn xin thẳng tay trừng trị tên giết người. Nghệ Tôn định sẽ trao việc tra xét vụ án cho Thái bảo Trần Nguyên Hàng, nhưng sáng hôm ấy lại được tin Liệt sợ quá đã thắt cổ tự tử trong ngục.

- Sao lại chết nhanh thế? Nó tự tử bằng gì?

Tâu thượng hoàng, tên Liệt đã xé áo làm giây thừng treo lên xà nhà thắt cổ.

Vụ án qua đi. Nhưng hậu quả nó để lại đã làm cho triều đình đau đầu. Thuận Tôn đã mắc chúng điên. Cả ngày, Thuận Tôn chỉ chuyện trò với con vượn trắng của đạo sĩ Bình Than.

- Ngươi có đi với ta không?

Con vượn nhỏ kêu lên những tiếng chút chít. Đi đâu à? Ta lên rừng hay ta xuống biển. ứ, ta chẳng xuống biển đâu. Ở đó có bọn người hung ác. Chúng giết chết anh Ngạc của ta rồi. Chúng mình lên rừng thôi, ở đó có sư phụ, có bậc chân nhân, có suối, có hoa, có quả...

Con vật như hiểu được tiếng người, nó buồn bã giơ bàn tay xinh xắn như bàn tay trẻ nhỏ lên lau giọt nước mắt đương bò lăn trên gò má của ông vua con.

Thái y cho thuốc, suốt ngay chăm sóc, nhưng Thuận Tôn vẫn không ngừng nói lảm nhảm.

Thái sư dẫn cụ lang Phạm ông bố vợ Quý Ly vào thăm bệnh. Cụ lang tâu với thái thượng hoàng:

- Bệnh của đức vua do thất tình xáo trộn. Cần phải chữa bằng sự tĩnh lạng, tránh hết mọi xúc động. bên mình luôn chỉ thấy sự ân cần âu yếm. Thêm vào đó, thần sẽ cho uống những loại thuốc an thần.

Nghệ Hoàng hỏi:

- Chữa chừng bao lâu mới khỏi?

- Thần không thể biết rõ. Chỉ biết rằng phải mất thời gian dài.

Nghệ Hoàng nói với thái sư:

- Trẫm muốn quan gia phải khỏi trong thời gian ngắn.

Nguyễn Cẩn nói:

- Chỉ còn cách nhờ đến cha của hạ quan. Phụ thân hạ thần vốn ưa sự tốc chiến. Y đạo của ông là như vây. Quý Ly đồng ý. Nguyễn Cẩn đưa Nguyễn Điền vào bắt mạch cho Thuận Tôn. Sau đó, gặp thái thượng hoàng. Ông vua già hỏi:

- Có chữa được không?

- Dạ, có thể.

- Có nhanh không?

- Tâu, y châm của thần là tốc chiến tốc thắng. Từ xưa đến giờ, chữa cho ai, năm ngày không chuyển bệnh, thần sẽ thôi ngay.

- Vậy khanh thử chữa. Mười ngày sau phải có kết quả.

Nguyễn Điền vẫn quỳ mọp, chưa chịu đứng dậy.

- Khanh còn có điều gì?

- Dạ muôn tâu... cách chữa của thần... tuy nhiên có điều khác lạ, cần phải tâu trình cho rõ...

- Sao? Khác lạ thế nào? - Nghệ Hoàng nhíu mày.

- Thần sẽ cho uống... thuốc kích dương.

Ông vua già nẩy người lên:

- Sao lại kích dương?

- Dạ quan gia mới ở mức si ngốc, chưa đến mức điên rồ. Cái lý là uất hoả sinh đờm, đờm làm mê tâm khiếu. Phải giải uất. khai khiếu. Khí dương vượng lên và tụ lại. Tuy nhiên, nó chưa đủ mức. Vậy, phải kích cho nó mạnh hơn nữa... để rồi tìm chỗ thoát ra.

Nghệ Hoàng nhíu mày chưa hiểu. Nguyễn Điền ngẫm nghĩ, sau đó giải thích:

- Tâu, quan gia là người có thể tạng mảnh mai... Tuy đã đến tuổi... nhưng người yếu đuối, lại thêm đầu óc thông tuệ, chỉ chăm đọc sách.. Nay thần thúc thuốc cho quan gia mạnh mẽ lên... Dạ... thần trộm nghĩ... bệnh này chỉ lấy tình nhi nữ... mà an ủi, giải toả.

Ông vua già gật gù cười mỉm và hỏi:

- Ngươi có chắc không?

- Dạ, thần dám chắc đến bẩy tám phần. Nhà thần vốn gia truyền chuyên trị những chứng bệnh tương tự như vậy.

Thái giám mật báo chuyện trong cung với quan Thái bảo Trần Nguyên Hàng. Hàng bàn với thượng tướng Khát Chân. Chân bảo:

- Đây là cơ hội tốt và cấp bách. Thứ nhất: Phải cứu hoàng thượng đang mắc bệnh hiểm nghèo. Lý Huệ Tôn khi xưa cũng chỉ vì mắc bệnh điên rồ, nên đã tạo điều kiện thuận tiện cho ngôi vua rơi vào tay nhà Trần ta. Không thể để hoàng thượng cũng điên rồ, Quý Ly lại có thời cơ lợi dụng. Thứ hai: hoàng thượng tuy đã cưới Thánh Ngẫu làm hoàng hậu, nhưng chưa làm lễ hợp cẩn. Nếu lần này ta kiếm được một người con gái đẹp, thông minh, để gần gũi hoàng thượng... Nếu cô ta được sủng ái, thì chả cần làm hoàng hậu, cũng rất có lợi cho đại nghĩa.

Nguyên Hàng chợt sáng mắt lên:

Tôi đã nghĩ ra rồi. - Nói xong Hàng vuốt râu cười. Nguyên ở cung quan triều có cô cung nữ tên là Trần Ngọc Kiểm. hàng ngày làm việc hầu hạ Thuận Tôn. Tuổi đã đôi tám thông minh lanh lợi. Cô rất xinh đẹp, lại là con gái họ Trần. Gia đình nhà Kiểm thuộc chi họ xa. Bố Kiểm chỉ ở hàng lục phẩm, vốn chịu ơn giúp đỡ của Trần Nguyên Hàng. Hàng đưa Thị Kiểm vào hầu vua từ lúc cô mới mười ba, vốn có ý dành cho chuyện dài lâu.

Ngay tối hôm ấy, Hàng cho mời cô Kiểm đến phủ Thái bảo. Ông cung kính vái nàng và nói:

- Họ Trần nhà ta đến lúc này phải nhờ đến tay cháu. Hoàng thượng đang lâm bệnh hiểm nghèo. Cháu phải đem tấm thân ngàn vàng giúp cho hoàng thượng được trở về minh mẫn...

Cô Kiểm quỳ xuống vừa khóc, vừa nhận lệnh. Tiếp đó, quan Thái bảo sai một cung nữ già đến dạy cho nàng đủ các ngón nghề chăn gối. Kiểm ù tai, hai bàn tay ôm lấy mặt thẹn thùng. Bà già cau mày mắng:

- Có phải chuyện chơi đâu. Trăng gió đấy mà chẳng hề trăng gió - Bà thở dài rồi nghiêm nét mặt - Cả cơ đồ nhà Trần lúc này đều trông vào cái tài trăng gió của cô đấy

Sau đó, Hàng vội vã vào mật tấu với thượng hoàng. Ông vua già bằng lòng theo kế của quan Thái bảo. Ông lang Nguyễn Điền cắt thuốc cho ông vua con, toàn những vị đại bổ, những vị kích thích sự sống. Thêm vào đó, ông cắt vài lát thân cây leo đỏ quánh, thứ cây thuốc bí truyền của riêng gia đình ông. Điền nói với Nguyễn Cẩn:

- Cái thứ giây leo này đã một lần làm cho nhà ta vinh hiển, con có biết không?

Cẩn đăm chiêu:

- Xin cha nên cẩn trọng. Con nghe các vị thái y xì xào về cách chữa bệnh của cha.

- Ta biết chứ. Lần này thật khó khăn nhưng con hãy tin cha.

- Lần này, thượng hoàng cần vua khỏi bệnh. Thái sư cũng muốn thế... và cả Trần Khát Chân và Nguyên Hàng cũng vậy... Cha biết không... Cả triều đình đều chăm chú nhìn vào công việc của cha.

- Cha cũng biết cả điều đó...

Vì thế, ông Điền ở luôn trong cung, hàng ngày nấu thuốc. Cứ ba canh giờ lại cho vua con uống một lần. Hôm thứ nhất, ông vua con đã chợp mắt ngủ được một giấc. Hôm thứ hai, Thuận Tôn đòi ăn cơm nhưng vẫn nói lầm bầm. Hôm thứ ba, thứ tư, ngài đã nở nụ cười Hôm thứ năm, ngài ngủ được một giấc dài. Đang đêm bỗng mưa rào. ếch nhái kêu lên inh ỏi làm ngài tỉnh giấc, sau đó không tài nào ngủ lại được. Sáng sớm, thái sư vào thăm vua liền hỏi Điền:

- Sao trông thần sắc đức vua hôm nay không được như hôm trước?

- Bẩm, đêm qua mưa, ở hồ sen canh toà thuý đình, ếch nhái đua nhau kêu thâu đêm. Đức vua lúc này rất cần sự yên tĩnh. Mà trời sầm sịt thế này, chắc đêm nay cũng sẽ mưa - ông lang Điền vò đầu, thở dài, lo lắng - Kẻ tiểu dân này chưa biết làm thế nào với lũ ếch nhái.

Thái sư cười:

- Thì ông hãy bịt miệng chúng lại - Quý Ly an ủi - ông cứ yên tâm lo việc thuốc thang cho hoàng thượng. Còn lũ ếch nhái ta sẽ có cách...

Đêm hôm ấy, Thái sư sai Nguyễn Cẩn dẫn một trăm quân cấm vệ đến cung vua. Trời lại mưa to như đêm hôm trước. Ông lang Điền ngồi bên giường bệnh nghe tiếng mưa rả rích, lòng lo lắng, chỉ sợ tiếng lũ ếch nhái lại đột ngột cất lên. Ông vua con được uống thuốc ngủ đã yên giấc nồng. Không một tiếng ếch nhái chẫu chuộc... Chỉ có tiếng mưa rơi như một khúc đàn tí tách, nó làm vơi nhẹ, xoa dịu: nó kéo con người vào một giấc ngủ sâu, an lành, một giấc ngủ mà một tháng nay ông vua con chưa bao giờ gặp. Ông vua con nào đâu có biết, trong lúc ông cuộn tròn trong chăn ấm, thì trăm người lính phải cởi trần đứng giăng khắp ao sen; tay mỗi người lính cầm một chiếc roi tre nhỏ liên tục đập xuống mặt nước, để nhắc nhở loài ếch nhái phải im lặng, để bắt chúng phải lạn xuống đáy ao sâu. Ngâm mình suốt đêm lạnh lũ lính môi thâm sịt, run rẩy. Nhưng sáng hôm ấy vì ngủ được say suốt đêm Thuận Tôn tươi tỉnh hẳn lên. Bệnh đã khỏi được bảy tám phần. Thái sư thưởng cho lũ cấm quân mỗi người một quan tiền giấy. Ông vua con đã hết điên nhưng vẫn còn ngây. Ông hết nói lảm nhảm. nhưng thần trí như vẫn còn lạc ở đâu đâu. Tuy vậy, triều đình đã thở phào nhẹ nhõm. Và các bánh xe âm mưu lại bắt đầu xoay chuyển. Trong lúc thái sư Quý Ly còn đang bình thản, vì ông nghĩ mọi sự vẫn theo đúng dự tính của mình, thì viên thái giám của phe thủ cựu đã báo cho quan Thái bảo Nguyên Hàng:

- Bệnh tình của hoàng thượng đã ổn.

Ai đã nói vậy?

- Bắt đầu từ đêm nay, ông lang Điền thôi ngủ trong cung.

- Quan thái sư biết chưa?

- Chính thái sư đã cho phép ông ta về nhà ngủ. Mấy hôm nay, thấy bệnh nhà vua gần khỏi, quan thái sư mặt mày tươi tỉnh. Ngài thưởng cho ông Điền trăm lạng bạc.

Khát Chân bảo Nguyên Hàng.

- Chúng ta cần phải nhanh chân; đã đến lúc rồi đấy.

Hàng hỏi tiếp thái giám:

Vậy, ban đêm, ai trông nom hoàng thượng?

- Các cung nữ. Mỗi đêm hai người.

- Ông có thể cử hai người chuyên trách không?

- Dạ được. Quyền đó ở trong tay tiểu nhân.

- Từ nay, ông cắt Ngọc Kiểm và Ngọc Kỵ chuyên làm việc đó.

Tối hôm ấy, cô Kiểm sửa soạn chăn nệm và buông màn cho Trần Ngung đi ngủ. Ngung vẫn còn ngây ngây, cứ ngồi thõng chân xuống giường. Kiểm cởi áo ngoài cho đức vua, dùng nước nóng lau rửa, thay quần áo ngủ mới, rồi bắt đầu bóp vai, bóp tay, bóp chân. Ngung hỏi:

- Cô tên là gì? Sao không thấy mặt bao giờ?

Thần thiếp là Trần Ngọc Kiểm, trước đây vẫn hầu hạ đức vua nhưng làm việc ở phòng ngoài.

- Chị làm việc gì?

Thần thiếp đun nước thơm, pha nước thơm, chuẩn bị nước rửa mặt lúc sáng, nước tắm lúc chiều, và nước ngâm chân lúc sắp đi ngủ.

- Thảo nào, người chị thơm lắm. Đưa tay trẫm xem nào. ừ, ngón tay búp măng đẹp thật... mà cũng thơm nữa... khéo nữa.

Thị Kiểm đã được mụ cung nữ già dậy cho cách xoa bóp. Cô cởi áo cho ông vua con, rồi trùm chăn lên người ông, thò tay vào trong chăn xoa nhẹ lên lưng. véo nhẹ làn da non trẻ, rồi lúc vuốt ve, lúc mơn man truyền làn hơi dịu dàng ấm áp của mình cho Trần Ngung.

- Ôi! Tay chị Kiểm khéo thật!

- Thiếp chữa bệnh cho đức vua đấy...

- Thật sao? Ta thấy dễ chịu lắm...

- Thế thì bệ hạ hãy ngủ đi, ngủ đi... Thiếp sẽ xoa đầu, xoa làn da mạt... Bệ hạ nhắm mắt lại... Ngủ cho say vào... say vào... Sớm mai, lúc tỉnh dậy... ắt là sẽ khỏi bệnh... ắt là sẽ hoàn toàn mới mẻ...

Giọng Thị Kiểm ngọt ngào như một lời ru. Dưới ánh bạch lạp, Kiểm nhìn vào gương mặt đã mơ màng của ông vua con, vẫn thấy đôi môi nhếch xuống và phảng phất những nét u buồn trên vầng trán thông minh.

Ngung chợt nói trong mơ:

- Đừng bỏ ta! Các người đừng bỏ ta?...

Kiểm chợt thấy mủi lòng. Lòng thương xót của người đàn bà bỗng bùng dậy. Kiểm cúi xuống vô nhè nhẹ lên lưng ông vua con. Bao nhiêu ngón nghề của bà cung nữ già đã dầy công truyền cho, lúc này Kiểm bỗng quên sạch.

- Đừng giết ta! Ta van đấy? Các người đừng giết ta! Thế là Kiểm chẳng còn nề hà gì nữa.

Lúc này Kiểm bỗng hoàn toàn hiện thân như người mẹ khi thấy đứa con yếu đuối của mình đang cần sự che chở. Thị Kiểm ôm lấy Trần Ngung. bế lên lòng.

- Đừng sợ! Bệ hạ đừng sợ! Có thần thiếp đây.

Thuận Tôn mở mắt ra, nhìn thấy Thị Kiểm. Đôi mắt ngơ ngác, ngây dại của chàng bỗng như dịu đi.

- Chị Kiểm đấy ư? Ta sợ lắm.

- Có gì mà sợ? - Kiểm lấy chiếc khăn hồng thấm những giọt mồ hôi trên trán ông vua con.

- Ta vừa nằm mơ thấy có kẻ cầm dao đuổi theo ta...

Nào, bệ hạ nhắm mắt lại... Thiếp sẽ xoa bàn tay lên mặt bệ hạ. Nhà vua hãy cứ nhẩm đọc trong lòng, cứ như đọc thần chú ấy. Đọc rằng: “Bàn tay thơm, đôi bàn tay thơm... “ Vừa đọc vừa nhớ đến thiếp... Thế là hình bóng thiếp sẽ hiện ra... Thiếp sẽ xua đuổi tà ma, xua đuổi những cơn ác mộng...

Trần Ngung nhắm mắt lại, rồi dặn dò như đứa trẻ thơ. - Chị Kiểm đừng đi nhá... Hãy nam lấy tay ta... Có chị, ta không thấy sợ nữa... à, chị nằm xuống đi... Nằm sát bên ta ấy... Thế, như thế đấy...

Cô cung nữ nằm dài bên ông vua con. Cô vòng tay ôm lấy tấm thân trần trụi, đến lúc này vẫn còn run rẩy. Cô cố gắng xua đuổi những tàn dư của cơn mê sảng, lúc này đây còn đập rộn ràng trong trái tim của ông vua cô đơn. Cô vuốt ve mái tóc. Cô vỗ bàn tay nhè nhẹ vào lưng Thuận Tôn. Thị Kiểm chợt thấy muốn hát một bài hát thật buồn. Thế nào nhỉ? Cái bài hát cổ mênh mang như một con đò lênh đênh trên sông bao la... “Ai xui chớp bể mưa nguồn? Để cho con sáo dạ buồn ngẩn ngơ...” Chợt ông vua con thì thào bên tai:

- Chị Kiểm ơi! Chị khóc đấy ư?

- Thiếp có khóc đâu!

Bàn tay của Trần Ngung rụt rè, khẽ khàng sờ lên mi mắt cô, nó ngập ngừng đến đôi gò má, dừng lại ở đấy, để mơn man xoa khô những giọt nước tự nhiên nhưng cũng hữu tình. Rồi cũng chính bàn tay ấy đã dần dần trở nên tinh nghịch. Nó đùa với đôi môi không hề thoa son nhưng lúc nào cũng đỏ chót, đôi môi mọng đỏ, mềm tự hào, một nét son thắm tươi trên gương mặt cô gái. Đôi môi hé ra thơm nhẹ bàn tay. Đôi môi và những ngón tay quấn quýt với nhau, không nỡ rời nhau.

Nhưng đôi môi cũng biết khuyến khích, biết nhắc nhở bàn tay hãy tìm đến cái cổ trắng phau, cái cổ kiêu ba ngấn, ở đó sự nõn nà mời gọi di mau đến cái phập phồng ấm áp của đôi nhũ hoa, cái mềm mại nóng bỏng của người đàn bà... Ông vua con đã đọc bao nhiêu sách thánh hiền. Những quyển sách thâm thuý, đã làm Thuận Tôn trở thành khô héo, làm Ngung chẳng hiểu gì, chẳng để ý gì đến sự sống thực...

Hôm nay, cơn rồ dại, cơn mê sảng, đã làm Thuận Tôn chợt phút chốc quên mất sách thành hiền. Phút mê sảng sợ hãi đầy ơn phước đã hé lộ lần đầu tiên cho chàng biết thế nào là người đàn bà, nhất là một người đàn bà ở độ tràng tròn.

Còn Thị Kiểm cũng đã hoàn toàn quên phắt những thuyết lý của bà cung nữ già.

Đối với cả hai người, đều là bài học đầu tiên. Ông vua con hấp tấp, luống cuống, run rẩy đi vào lòng nàng. Và ngay lập tức, chợt thấy mênh mang, ràn rụa... Trần Ngung rùng mình, co rúm lại, sợ hãi.

Đến lúc này, cô Ngọc Kiểm mới chợt nhớ đến những lời dặn dò của người thầy trăng gió. Cô thì thầm vào tai Thuận Tôn:

- Bệ hạ đừng sợ?... Lần đầu tiên... nó thế thôi...

- Sau thì sao?... Sẽ khác ư?...

- Khác chứ? Lần sau chậm chạp hơn... ngọt ngào hơn...

Thị Kiểm chợt cười khúc khích... Cô đang đóng vai một người thầy, thầy mà cũng mù tịt như trò. Nhưng chẳng hề gì... Bản năng thương yêu sẽ dậy họ. Thị Kiểm nóng bỏng ôm chặt lấy tấm thân gảy gò, non tơ của Thuận Tôn. Còn Thuận Tôn thì đang bơi trên một dòng sông bao la, mà Thị Kiểm là một mảnh ván đôn hậu, biết an ủi, biết xoa dịu lòng chàng. Hai tấm thân non trẻ ấy bám vào nhau tìm về sự sống... Lần này, Trần Ngung đã bình tĩnh hơn, tự tin hơn, cuối cùng chàng trai cũng biết âu yếm hơn... Cùng với thân xác người đàn bà... chàng cũng hiểu mình hơn... ré ra trong con người yếu đuối ấy cũng vẫn có một sức mạnh... Đến lúc đó. cuối cùng hoàn toàn là hạnh phúc.

Cũng chính lúc đó Thuận Tôn đã bắt đầu đi vào hồi phục.

Được biết sự thành công của đêm mây mưa thứ nhất, bà cung nữ già liền truyền dạy cho Ngọc Kiểm những ngón nghề điêu luyện hơn. Người cung nữ già này vốn là thị tì của công chúa Thái Dương, vợ vua Trần Phế Đế. Khi Phế Đế bị Nghệ Hoàng giết, công chúa Thái Dương goá chồng, nàng tằng tịu với Phủ Quân Ty Nguyên Uyên, Chính người cung nữ ấy đã bầy ra trò hoan lạc trên Tây Hồ. Bầy thị nữ và công chúa Thái Dương trần truồng bơi thuyền. Dưới ánh bạch lạp, hồng lạp, Nguyên Uyên đánh trống, công chúa Thái Dương đánh đàn, người cung nữ kia cầm phách hát... Đêm hoan lạc trứ danh ấy, người ta đồn đại khắp Thăng Long và cả trong triều đình. Nghệ Hoàng nổi giận, liền gả Thái Dương công chúa cho Trần Nguyên Hàng. Hàng là em ruột Nguyên Uyên. Bà cung nữ già, gọi là già thực ra mới bốn mươi tuổi, lẽ dĩ nhiên phải theo công chúa về phủ Nguyên Hàng. Người thị tì của một bà hoàng thường cũng là thê thiếp của chồng bà hoàng đó. Như vậy, người cung nữ ấy đã trải qua ba người đàn ông: Phế Đế. Nguyên Uyên rồi Nguyên Hàng.

Ở cuối thời nhà Trần, sau khi ba lần đánh thang giặc Nguyên, nước Đại Việt được hưởng hơn một trăm năm thái bình. Nhờ chính sách đắp đê, khai khẩn ruộng bãi hoang nên thóc lúa ê hề trong thiên hạ. Được no ấm, các làng xã đua nhau mở hội, Quân Nguyên thích kịch, trong quân đội cũng có những người diễn trò đi theo. Giặc Nguyên thua, những nghệ sĩ xâm lăng ở lại cung đình và trong dân gian. Hát dân ca vào một tích trò tức là hát tuồng chèo cũng ra đời. Còn ở cung đình, gặp thời thái bình, các ông hoàng bà chúa cũng có điều kiện để sống xa hoa, rồi việc thông thương buôn bán ở cửa biển Vân Đồn, việc hàng năm phải cống sư sãi, gái đẹp, con trai tuấn tú, thái giám giỏi việc sang triều Minh, càng làm cho chuyện học tập cách sống xa hoa của các ông hoàng bà chúa thêm phần tinh xảo. Một trong những sản phẩm xa hoa ấy là người cung nữ đầy kinh nghiệm kia. Nàng đã học được ở người đàn ông thứ nhất cuộc sống mây mưa của bậc đế vương. Mây mưa trong hương thơm, trong yến tiệc, nhung lụa. Học được ở người đàn ông thứ hai: cuộc sống hoan lạc tinh tế. Hoan lạc trong một con đò được mênh mang vỗ sóng đu đưa. Hoan lạc sau một thoáng hương lan, một khúc đàn mưa rả rích, sau một bài thơ có sóng mát đưa tình. Học được ở người đàn ông thứ ba: sự yêu thương rồ dại. Yêu đương sau những cơn say tuý luý, trong những mưu mô cuồng nộ, đem những giọt mật chết người để làm đổ cả những toà lâu đài cao ngất.

Trần Nguyên Hàng rất yêu thích người cung nữ ấy, đãi nàng vào bậc hồng nhan tri kỷ. Người cung nữ bảo Ngọc Kiểm:

- Em đang độ xuân chín. Mỗi người chỉ có một độ xuân. Nhất là người đàn bà trong cung cấm, phải biết nắm lấy tình thế. Gặp thời, một cuộc mây mưa cũng có thể làm lung lay ngai vàng, tung chiếc váy hồng mà làm sáng cả một thời. Em đã gặp may. Hãy bám lấy cái may. Thứ nhất, là để cứu lấy nhà Trần. Thứ nhì, là để lập nghiệp. Người đàn bà trong cung cấm được vua yêu, việc cấp bách: phải nhanh chóng có một đứa con...

Nếu như những cuộc mây mưa đầu tiên là những cơn mưa xuân rả rích, ở đó chồi non bén nụ, ấm áp mát lành; ở đó hai con người chập chững những bước chân đầu tiên trong trường tình; ở đó có xen e ấp run sợ lẫn những khoan khoái còn chưa rõ nét; thì những cuộc mây mưa thứ hai lại là những cơn giông. Ở đợt mưa thứ hai này, người con gái đã nhanh chóng sành sỏi hơn người con trai. Cũng có thể, do bản tính, thể tạng, cô cung nữ Ngọc Kiểm chợt như thức giấc. Đằng sau cuộc mây mưa âm mưu cung đình ấy, cô con gái chợt tìm thấy những khoái cảm ở người đàn ông; cô không biết mệt mỏi khi tìm ra gương mặt lạ lùng của lạc thú. Không còn là những cơn mưa xuân, mà đã là những cơn mưa dầm dề làm chàng quân vương non tơ kia chợt thấy đắm say, nhưng cũng bồn chồn lo lắng. Trong đêm dài, chàng đã nhiều lúc giật mình ngơ ngác.

Người con trai thể tạng yếu ớt ấy, khi thân xác hao mòn đi, thì tinh thần cũng dần dần hồi tỉnh.

Bà cung nữ, người thầy trăng gió, ngoài việc truyền thụ những ngón nghề ân ái, hình như còn dùng những lời nói để khuyến khích, còn đem hết những ẩn ức của mình để truyền thụ, để dồn chuyền đầy ắp những đam mê vào tâm trí Ngọc Kiểm. Bà ngây ngất chiêm ngưỡng thân hình kỳ diệu của nàng.

- Ôi! Con gái của ta? Kẻ nào có thể cưỡng lại nổi sự quyến rũ của con - Đôi bàn tay của con... Con hiểu chưa? Đôi bàn tay búp măng mềm mại? Con hãy nhớ đôi bàn tay là kẻ dẫn đường khôn khéo nhất - Đôi môi mọng đỏ kia nữa! Cái hàm răng hạt na xinh xỉnh kia nữa!

Đó là khởi động của đợt ân ái thứ ba. Ở quãng tình này, đã hết nhưng cơn mưa phùn, đã tạnh những cơn mưa dầm, đã tiến sang bão tố ái ân. Cô cung nữ Ngọc Kiểm như một nữ thần hoan lạc; cô trần truồng, tóc xoã tung trong niềm đam mê. Cô rên rỉ, cô cầu xin, cô đòi hỏi. cô chiếm đoạt... Ở một động tác lạ lùng quái dị của Ngọc Kiểm, bỗng dưng Thuận Tôn giật mình ngạc nhiên nhìn cô gái rồi lại nhìn mình:

- Này... Sao thế này?... Ai thế này?... Và tôi làm gì thế này? - Sự cuồng si của cô gái bỗng làm ông vua con sợ hãi.

- Chàng ơi! Sao bỗng dưng...

- Nàng là ai?...

- Ô hay... Em là Ngọc Kiểm... Bệ hạ quên hay sao...

Từ sợ hãi đến chỗ sực tỉnh cũng rất nhanh.

Thuận Tôn vội vã choàng tấm áo vàng lên người đứng dậy, rời khỏi giường và nhíu mày ngồi trên chiếc đôn sứ. Ông vua con chợt nghe giọng nói run run của cô cung nữ.

- Bệ hạ quên rồi ư... Đã mười hôm nay... đêm nào... thiếp cũng hầu hạ bệ hạ... Thiếp là Ngọc Kiểm... Thiếp vâng lời... đến hầu hạ... đến chữa bệnh cho bệ hạ.

- Nàng nói gì?... chữa bệnh cho ta?

- Vâng... Bây giờ... bệ hạ đã tỉnh cơn mơ... Còn thiếp... lúc nào thiếp cũng xin tận tuỵ... vì bệ hạ...

Cô cung nữ đã choàng chiếc áo hồng lên người. Cô quỳ gục trước mặt Thuận Tôn và cô vẫn nói. Thuận Tôn liếc nhìn cô gái; một gương mặt rất lạ, cũng rất quen. Chợt bao hình ảnh diễn ra trong tâm tưởng. Những hình ảnh lạ lùng, kỳ diệu, nghĩ đến làm ông vua con chợt như đỏ mặt. Nó có thật không nhỉ? Ta đã mơ sao? Sao lại là mơ? Người đàn bà, mà tấm áo quấn hờ gần như loã lồ kia, chẳng ở trước mặt ta sao?... Ta sẽ làm những việc ấy ư?... Có lỗi hay là không có lỗi? Ta đã lỗi với nàng? Ta đã lỗi với ta? Hay ai đã có lỗi với ta?... Người cung nữ trẻ vẫn nói:

- Thần thiếp lúc nào cũng tận tuỵ... vì bệ hạ. Thần thiếp lúc nào cũng tận tuỵ... vì ngôi báu nhà Trần.

- Sao? Còn vì ngôi báu nhà Trần nữa sao?...

Thuận Tôn nhíu mày, ông vua con bỗng thở dài. Ông phẩy tay, nói nhẹ nhàng:

- Thôi... nàng hãy tạm lui ra.

<< Chương 3 | Phần VIII- Chương -1 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 394

Return to top