Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Hồ Quý Ly

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38463 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồ Quý Ly
Nguyễn Xuân Khánh

Chương 4

Sau khi đến lỵ sở ở Bình Than kiểm tra công việc và nhắc nhở các quan chức địa phương những việc cấp thời phải làm để bảo vệ miền biển và cương giới vùng đông bắc, Hồ Nguyên Trừng và Thanh Mai cưỡi voi trắng đến Côn Sơn.
Có nhiều thuyết phong thuỷ nói về địa lý Đại Việt. Một trong những thuyết ấy nói nước Việt có 72 phúc địa. Những dãy núi miền Đông Bắc có đủ hình long, ly, quy, phượng. Núi Yên Tử có con suối hình rồng gọi là Long Khê là một phúc địa. Núi Phượng Hoàng nơi Chu Văn An ở ẩn cũng là danh sơn. Núi hình rùa có nhiều, chưa hiểu nơi nào là đất vượng. Còn núi hình Kỳ Lân phúc địa chính là núi Côn Sơn.
Ngày xưa, núi Côn Sơn bị mờ chìm trong hàng vạn quả núi khác, ít ai biết tới. Người đầu tiên phát hiện ra linh khí của Côn Sơn là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Dưới chân núi Côn Soạn, xưa kia, có một ngôi chùa làng nhỏ bé gọi Chùa Hun. Đệ nhị Tổ Trúc Lâm, Pháp Loa thiền sư, qua đây thấy đất lành. cảnh đẹp, bèn cho mở rộng ngôi chùa, đặt tên là Thiên tư phúc tự. Khi Pháp Loa viên tịch, đệ tam tổ Trúc Lâm, thiền sư Huyền Quang về trụ trì và mất ở dây. Thời các cụ còn sống, chùa Hun là tổ đình của phái Trúc Lâm, các thiền khách và Phật tử lui tới tấp nập. Đó là thời kỳ toả sáng của Côn Sơn. Nhà Trần dần suy vong, đạo Phật cũng suy thoái. Khách thập phương không còn được đông đúc như xưa. Cả vùng đất Côn Sơn lại trở nên heo hút. Đại tư đồ Trần Nguyên Đán đến vãn cảnh chùa. Ông là người thứ hai tái phát hiện ra cái linh khí của Côn Sơn. Ông ưa chí tiêu dao của Trang Tử. lại vốn uyên thâm Lão học. Biết thời của nhà Trần đã hết, biết mình dù tài giỏi đến đâu cũng không dựng lại được cơ đồ, biết đất nước lại phải trải qua kiếp nạn mới lột xác nổi, nên ông xin về ở ẩn. Tư đồ tâu xin vua khu đất hoang ở Côn Sơn, sắp đặt một ngôi nhà để lui về nghỉ ngơi. Hai vua lúc đó là thượng hoàng Nghệ Tôn và vua Duệ Tôn biết không thể ép được cái chí của quan tư đồ. nên đã thể theo ý nguyện của ông. Vua sai thợ thuyền, binh lính và dân chúng phát hoang dọn cỏ: phạt bụi san đồi, xây đắp không nghỉ trong mấy tháng ròng. Căn nhà khang trang được dựng nên. cầu Thấu Ngọc được bắc ngang dòng suối trong vắt chảy giữa hai quả núi. Lại xếp đá, trồng cây. trồng hoa xen kẽ, tạo nên một cảnh thanh u kỳ thú ở chốn trần gian.
Côn Sơn có nhiều hoa mọc hoang. Mùa xuân những cây mai nở trắng khắp vùng. Mua hè, mùa thu, hoa mẫu đơn đỏ, hoa sim, mua tím, hoa cúc dại vàng, hoa bướm trắng, chen lẫn đá lẫn màu xanh của lá.
Khi làm xong toàn bộ khu ẩn cư, hai vua Trần từ Thăng Long về thăm. Quan tư đồ dẫn khách quý đến soi bóng trên cầu Thấu Ngọc, ngồi uống trà trên Thạch Bàn, dưới bóng những cây tùng reo vi vu, rồi lên đỉnh Vãn Thuý trên núi để vừa uống rượu vừa ngắm cảnh núi rừng như gấm biếc của toàn vùng. Hai vua tấm tắc ngợi khen quan tư đồ có con mắt tinh đời, biết chọn cảnh, lại khéo xây dựng, tô điểm, để tạo thành một chốn thần tiên ở nơi trần thế. Vua Duệ Tông sai lấy giấy bút tự tay viết ba chữ “Thanh Hư Động” chữ lớn để đặt tên cho toàn bộ khu vực.
Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh, con rể quan tư đồ, người nức tiếng hay chữ, được quan tư đồ rất yêu quý, vì ngoài tình cha con, còn có tình tri kỷ văn thơ, đã làm một bài ký “Thanh Hư động” để ca ngợi nơi ở thanh cao của quan tư đồ. Có đoạn viết:
“Sau khi quan tu đồ từ giã triều đình lui về nghỉ ở đây có khi rong ngựa chơi vùng Gia Lâm, có khi chèo thuyền dạo miền Bình Than. Hoặc có lúc... đầu bịt chiếc khăn lững thững bên đèo. Khói ngàn. ráng đỏ, như gấm uốn, như lụa giăng. Cỏ rừng. hoa suối, hoặc mầu biếc đung đưa, hoặc mầu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn. Phàm những cái gọi là hình trạng trong mát, tiếng vi vu, xa xa và vắng không, sâu thẳm mà lặng lẽ, hợp với sự mong mỏi của tai mắt và tinh thần, đều hầu như hoà với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật...”
Nguyên Trừng rất thích bài Thanh Hư Động ký của Phi Khanh. Trừng cứ nức nở khen câu “Cảnh mát dịu trong lành, thơm đến muốn nuốt xinh đến muốn ăn”. Kể về mối quan hệ họ hàng, Trần Nguyên Đán và Hồ Quy Ly là sui gia với nhau. Vả lại Trừng và Khanh còn mến tài học của nhau, cho nên hai người là đôi bạn khá thân thiết. Hôm cưới Trần Mộng Dữ, anh vợ Phi Khanh, lấy con gái bà Huy Ninh, Nguyên trừng đã đến Côn Sơn, Trừng và Khanh đưa nhau lên Vãn Thuý đình trên đỉnh núi ngắm cảnh uống rượu. Phi Khanh nói:
- Đám cưới này đã tỏ lộ cái ý của nhạc phụ tôi rồi đó. Tôi hiểu...
Huynh hiểu thế nào?
- Những bậc cao nhân đi ở ẩn vẫn lo cho đời sau. - Nhạc phụ tôi vốn thích cái chí của Lão Trang.
- Người ẩn sĩ khi lui về vẫn lo cho đời. Các vị biết cuộc biến thiên có lúc dài lâu. Nôn nóng chẳng được. Mình chẳng xoay chuyển nổi, thì lo đào luyện, truyền đạo cho đời sau, chuẩn bị cho đời sau, để thế hệ con cháu có đủ sức gánh vác...
Phi Khanh cười:
Huynh quả đã hiểu cái thâm ý của đại tư đồ. Nhạc phụ tôi bây giờ tháng ngày chỉ lo chơi bời với các cháu và dạy dỗ các cháu. Cháu Trãi nhà tôi may mắn được cụ dạy dỗ... Người nhồi nhét bắt cháu đọc sách. Nhạc phụ tôi yêu nó nhất. lắm khi quá khen nó.làm tôi lo lắng... Cháu Trãi thể tạng yếu ớt. Lắm lúc tôi muốn nói với người... song lại không dám, vì nghĩ thương cho người... Có lẽ
- Có lẽ sao?
- Có lẽ - Phi Khanh trầm giọng xuống - nhạc phụ tôi thấy năm tháng của mình còn ít quá... lại thấy thằng cháu thông minh, nên cụ hối hả... như con tằm cố nhả tơ cho hết... Để truyền lại những điều tâm đắc cho một đứa trẻ mới hơn mười tuổi.
Cuộc nói chuyện đó xảy ra thấm thoắt đã hơn mười năm rồi. Lúc này, Nguyễn Trãi, con trai của Phi Khanh đã chừng hai mươi tuổi. Ở kinh đô, người ta đồn rằng Trãi hiện nay là một nho sinh tài ba đang kỳ nở rộ. Được tin gia nhân báo đức ông Nguyên Trừng đến thăm Thanh Hư Động. Nguyễn Trãi tề chỉnh xuống Chân núi đón khách quý. Nguyên Trừng xuống voi mừng rỡ:
- Tiểu huynh đệ đã chững chạc thế này rồi ư?
Ông ngắm nghía chàng trai dong dỏng cao có đôi mắt sáng và đôi môi tựa thoa son trên khuôn mặt trái xoan thanh tú. Gương mặt như có ánh sáng, nó hơi gầy làm nổi lên đôi gò má, tạo ra những nét cương nghị, làm dịu bớt sự non tơ của dôi mắt sáng đa tình, làm chín chắn thêm sự thông minh mà toàn bộ con người chàng toát ra khi ta mới gặp. Nguyên Trừng đưa mắt nhìn quanh. Trãi hiểu ngay Trừng muốn tìm gì:
- Bẩm đức ông, cha tiểu sinh mấy hôm nay đến thăm bác Đoàn Xuân Lôi.
Nguyên Trừng gật đầu. Ông hiểu. Tháng trước, thái sư có gửi thư cho Phi Khanh, muốn nhờ ông thuyết phục những người đỗ đạt vùng Hải Đông. Tập hợp nhân tài ở Tây Đô. Càng nhiều người tài giỏi càng tốt. Đó là mối ưu tư của thái sư Quý Ly. Nhớ lại chuyện Đoàn Xuân Lôi viết thiên phi Minh Đạo để phản đối Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng lại chợt cười thầm. Hôm ấy, Nguyên trừng đến thăm cha, bắt gặp thái sư cứ đi đi lại lại mặt phừng phừng. Hầu như chưa bao giờ Trừng bắt gặp cha mình tức giận. Đôi mày ông già cau lại, mắt ông long lanh. Ông đưa cho Trừng đọc bài Phi Minh Đạo của Xuân Lôi.
- Anh xem. Thằng cha này có xược không? Có ngu không? Thế mà cũng đỗ thái học sinh đấy? Rặt một lũ tầm chương trích cú. Rặt một lũ đạo chính văn chương. Chỉ chăm chăm bước sao cho khỏi chệch bước các vị tiên hiền. Kẻ sĩ đấy ư?... Một lũ nô bộc sĩ? Đầu óc họ ở đâu? Không dám cả gan ra khỏi lối mòn. Không dám cả gan tạo lập... Cứ nhắc đến các vị tiên hiền là đầu óc tê liệt, mặt mày dúm dó... Cứ như thể mất mật bay hồn... Hỏi như thế làm sao có thể làm rạng rỡ văn hiến cho non sông. Đức Khổng Phu tử cũng phải có lúc sai chứ... Nếu không sai thì cũng có lúc, có nơi chẳng hợp thời...
Cơn giận của Thái sư Quý Ly hình như đến cực điểm. Lần đầu tiên, Trừng thấy cha mình văng tục:
- Chu Hy là cái đếch gì? Trình Di cũng là cái đếch gì! Thuần một lũ ăn cắp văn mà thôi...
Cả triều đình cứ tưởng thế nào Đoàn Xuân Lôi cũng phải chết. Động đến cái vẩy ngược của con rồng còn mong gì sống. Cuốn Minh Đạo là tâm huyết của Quý Ly Tất cả suy tư phục hưng đất nước của ông nằm ở đó. Cái vẩy rồng ngược của ông ai dám chạm... Thế nhưng Đoàn Xuân Lôi lại chỉ bị xử rất nhẹ, chỉ bị điều đi làm chức học quan ở trấn Hải Đông...
***
Nguyễn Trãi thu xếp chỗ ở để Nguyên Trừng và Thanh Mai nghỉ một ngày tại Thanh Hư Động. Hôm sau Trãi dẫn hai người đi vãn cảnh. Côn Sơn mùa xuân bừng lên đầy hoa. Khu rừng mai như có ức triệu con bướm trắng nhỏ đậu lốm đốm trên nền lá xanh cốm. Khu rừng trúc với muôn ngàn búp măng chĩa lên trời. Những ngọn tre non chưa mọc lá như những chiếc giáo tua tủa, hoặc như những chiếc cần câu cong cong làm chỗ đậu cho lũ chim rừng, khi thấy bóng người chúng bay túa cả lên bầu trời, biến thành một đám mây ríu rít, đám mây chim thoắt biến thành một giải lụa màu xanh, bay qua thung lũng, rồi biến mất ở khu rừng trên sườn núi Ngũ Nhạc.
Tiếng suối rót rách, rừng thông vi vu, ngàn tre xào xạc, nghe khúc nhạc rừng êm ả ấy, Thanh Mai như thấy thơ trẻ lại; cô gái luôn cười giòn; tiếng cười vang trong trẻo lạ thường khiến lũ khướu rừng hót hay đến thế cũng phải ngừng hót, không dám tranh hơn. Nguyễn Trãi nhìn gương mặt sung sướng và hào hứng của Nguyên Trừng, anh hỏi:
- Chắc phu nhân phải có giọng hát thật hay?
Nguyên Trừng nắm tay Trãi cười ngất:
- Quả là công tử có con mắt tinh đời. Nghe tiếng cười đã đoán biết ngay giọng hát.
Trãi ngẫm nghĩ:
- Nhìn đức ông và phu nhân, tiểu sinh lại chợt nhớ tới một đôi vợ chồng đi làm thuê ở chùa Hun. Năm ngoái, họ đến chùa. xin làm chân thợ gặt. Hai người ăn mặc, sạch sẽ, rất khôi ngô tuấn tú, không có vẻ người lam lũ. Nhà chùa mới đầu còn ngần ngừ, nhưng vì đang mùa gặt rộ nên nhận họ vào làm. Một hôm, tôi đến chùa Hun thấy họ, nhận ngay ra đó là một đôi tài tử ẩn đời, thích ngao du sơn thuỷ hơn là bị trói buộc. Tôi mời họ về nhà, rồi chuyện trò, thấy người con trai tỏ ra có tầm mắt rất xa rộng. Hết mùa gặt họ lại ra đi. Tôi hỏi tên tuổi. Họ chỉ cười chẳng nói. Và đến lúc ấy, tôi mới biết người con trai là một hoạ sĩ tuyệt vời. Để cảm ơn tấm lòng tri ngộ, anh vẽ tặng tôi cảnh một ngôi nhà tranh trên núi, ngôi nhà mà ông tôi mùa hè vẫn lên ở. Ngôi nhà nằm bên rừng trúc sau lưng lác đác mấy gốc thông già suốt ngày reo hát, những lúc trời trong đứng ở đó nhìn thấy cả dòng sông Lục Đầu như giải lụa ngoằn ngoèo trôi về phía xa xa, nhưng về mùa đông luôn luôn có những đàm mây bồng bềnh bay qua. Người hoạ sĩ gọi bức tranh đó là Hang Mây (Vân Oa).
Cả ba người quay trở về nhà khách. Bức tranh Vân Oa khổ lớn treo dài trên tường. Phía trên đỉnh là ngôi nhà cỏ nằm trong rừng trúc. Khoảng giữa. lấp ló ngôi chùa cổ đìu hiu dưới những hàng tùng. Phía dưới cùng uốn khúc một dòng sông. Đẹp nhất và vẽ khó nhất là những đám mây. Những đám mây xôm xốp giăng giăng khắp đỉnh núi và sườn núi khiến cho ngôi nhà mờ mờ tỏ tỏ. Chúng phân cách ngôi lều cỏ với chân núi, với trần thế. Tức là ngay cả ngôi chùa cũng nằm trong vùng trần thế... Nguyên Trừng nhìn bức tranh nhận ngay ra nét vẽ của Phạm Sinh, nhưng ông không nói gì, chỉ thở dài và mãi lúc sau mới bâng qươ:
- Chả trách gọi là hang mây!
Phía góc trống bên phải có bài thơ “Vân Oa” của Nguyễn Trãi:
Nửa rèm hoa chiếu, sách giường đầy
Khóm trúc ngoài sân reo gió lay
Ở chốn Vân Oa ngày rỗi trọn
Song trưa một gối giấc ngon say .
Nguyên Trừng cứ tấm tắc ngâm mãi hai câu thơ đầu của Trãi:
Bán liêm hoa ảnh mãn sàng thư
Đình ngoại tiêu tiêu thuỷ trúc cư...
Đêm hôm ấy ba người ngồi uống trà, Nguyên Trừng bảo:
- Nguyễn Trãi công tử có tài nhìn người nông phu đã nhận ngay ra tay thần hoạ. Sáng nay nghe tiếng cười lại bảo nàng cỏ giọng hát hay. Công tử lại cho chúng ta đọc thơ Vân Oa tuyệt tác. Vậy tôi đề nghị thế này: đêm nay công từ phải làm một bài thơ, nàng Thanh Mai phải nhân thơ mà hát; còn ta cũng nhân hát mà đàn...
Mọi người vui vẻ cười. Nguyễn Trãi có vẻ tần ngần:
- Thanh Hư Động gắn bó với vãn sinh từ thủa ấu thơ. Biết bao nhiêu cảnh vật, hình bóng, kỷ niệm. Nhưng tôi mới chỉ làm bài thơ Vân Oa. Nhất định tôi sẽ làm một bài thơ Côn Sơn... Có lẽ là đến lúc tuổi già chăng... còn bây giờ...
Hồ Nguyên Trừng gật đầu:
- Cũng phải! Cái gì thật thiêng liêng ta hãy dành cho tuổi già. Còn nàng; một tài tử du khách, lẽ nào lại không thể có một khúc ngẫu hứng nhẹ nhàng để đánh dấu cuộc kỳ ngộ của chúng ta.
Thanh Mai nói:
- Được đọc thơ Hang mây của công tử. Lại được hưởng bao nhiêu cảnh kỳ thú. Tôi đánh bạo làm một khúc ca dân dã:
“Vân Oa” chót vót non cao
Bông bềnh mây trắng bay vào Bồng lai
Suối khuya rót rách bên tai
Dưới khe nước chảy ngỡ ai đàn cầm...
Nguyên Trừng sảng khoái cầm ngay chiếc đàn nguyệt dạo một khúc lưu không. Thanh Mai lấy chiếc ống trúc đựng bút đặt nằm ngang, rồi gõ bằng hai chiếc đũa. Nàng nói:
- Điệu hát này tôi học từ thủa bé. Xưa kia mẹ tôi vẫn gõ vào thanh tre xua cá mà hát. Còn cha tôi thì ngẫu hứng trên chiếc đàn. Đã lâu rồi, cũng có chỗ quên. Điệu hát này cốt ở thanh thản ngân nga. Và lòng không vướng bụi...
Nói rồi nàng bắt đầu gõ. Tiếng lách cách lúc khoan, lúc nhặt, lúc ngập ngừng, lúc lãng đãng phiêu du. Nguyên Trừng nhắm mắt lại nghe tiếng gõ, để dần dần hồn và xác nhập vào tiếng phách. Và những ngón tay cũng nhân đó mà ngân nga, dặt dìu tuỳ hứng. Giọng Thanh Mai chậm rãi vút lên trong vắt hát khúc Côn Sơn:
Chót vót non cao...
Bồng bềnh chót vót non cao.
Ta theo mây trắng bay vào Bồng Lai.
Chợt nghe rót rách bên tai
Suối khuya nước chảy ngỡ ai đàn cầm...
Bàu đá xám rêu phong phô biếc
Ngả lưng nằm ngỡ chiếc nệm êm
...Thông mọc như nêm...
Rừng xanh thông mọc như nêm
Như muôn chiếc lọng che trên mái đầu
Cầu Thấu Ngọc, tiêu sầu vạn cổ.
Động Thanh Hư, thoát luỵ trần gian

Non tiên, chép một chữ nhàn...

Thanh Mai hát theo một đường. Tiếng đàn Nguyên Trừng lại lãng đãng đi theo một nẻo. Mới đầu cứ tưởng tiếng hát và tiếng đàn đã lạc lối nhau. Thậm chí có lúc cứ tưởng như chúng đối nghịch lẫn nhau, xa cách hẳn nhau. Nhưng điều kỳ lạ, tiếng đàn tiếng hát càng đi xa càng chẳng nỡ; và người nghe càng nghe thật kỹ, mới thấy sự ngỡ ngàng xa cách ấy chỉ là bề ngoài, thực chất chúng càng khác nhau lại càng xoắn xuýt lấy nhau, tựa như mối tơ vò không sao tách khỏi. Cảm giác như chúng văng ra khỏi nhau từng khúc rồi lại nhập lại với nhau từng khúc, để rồi cuối cùng là một sự đại hoà hợp. Tiếng hát, tiếng phách, tiếng đàn đã hoàn toàn chập lại với nhau, tròn đầy, hài hoà...
Nguyễn Trãi tán thưởng:
- Nghe nói đây là khúc hát chầu trong cung được nhặt ra từ chốn quê dân dã, tôi đã được nghe qua vài lần. Nhưng chỉ lần này mới hiểu được cái thần của nó. âm thanh rất động, nhưng cái thể lại là tĩnh lặng. Tưởng như chẳng nhịp nhàng, mỗi người mỗi ngả, hoá ra lại chung một nẻo đường. Không vội vã, không xáo xác, không âu lo, ngân nga, thoát tục... Xin lỗi phu nhân: “Non tiên chép một chữ nhàn”, hay là “Non tiên chép một chữ thiền”?
Thanh Mai cúi mình cảm tạ. Gia nhân bưng rượu lên. Ba người ngồi uống; bỗng nhiên chẳng ai nói một câu. Trong chiếu rượu của các bậc tài tử thường có chuyện như vậy. Người ta hay nói nhiều, để rồi đột nhiên tất cả ngồi lạnh ngắt, như thể mỗi người theo đuổi một dòng tâm tư riêng rẽ. Nguyễn Trãi là người đầu tiên phá sự im lặng.
- “Non tiên, chép một chữ nhàn!” Trước kia tôi không hiểu, tại sao tôi rất muốn làm một khúc Côn Sơn, mà hình như trong lòng lại có điều gì ngăn cản lại. Bây giờ thì tôi hiểu, chỉ những người từng trải như phu nhân mới nên làm khúc tụng ca về những chuyện sơn khê. Tôi còn trẻ quá. Chưa thể đem lời ước hẹn với núi rừng được...
Câu chuyện dần dần đi vào chỗ tâm đắc. Nó đã chuyển sang hướng khác, cuối cùng đi vào những vấn đề thiết yếu của non sông. Nguyên Trừng hỏi:
- Công tử thấy đất nước ta đang... vận hội ra sao?
- Một thời biến động!
- Công tử cô tiếc rằng mình đã sinh lỡ thời... không được gặp thời đại trị hay không?
- Lỡ thời ư? Thực ra, tôi rất thích dù mình được sinh ra ở thời nào. Đại trị ư? Thì nhân lúc trời sáng, sao ta chẳng như con gà vươn cổ mà cất cao tiếng gáy. Chẳng sảng khoái lắm sao? Đại loạn ư? Sao ta chẳng nhân lúc sấm ran chớp giật, để biến thành cơn mưa rào giăng giăng trên cánh đồng, rồi biến thành dòng nước, hoà cùng muôn vật chảy, để rồi, sau cơn giông bão trời sẽ tạnh, nước lại tì tũm cùng muôn loài vươn lên xanh tươi Vẫn chẳng sảng khoái lắm sao.
Nguyên Trừng cười to:
- Đại loạn ư? Tại sao lại sợ? Nếu không có nó hỏi đất trời làm cách nào thay da đổi thịt.
Lúc này, Trãi đã ngà ngà. Chàng công tử mắt sáng lên, nói chuyện với người mà như nói với mình:
- Chỉ cốt cái tâm ta sáng... Cái trí ta sáng... lúc này đây lột xác là chính hay lòng dân là chính?... Dân theo, nhưng không lột xác... cả bầu trời vẫn là tăm tối. Lột xác, nhưng dân thờ ơ... Cái hoạ lật đắm thuyền của bao đời vẫn sờ sờ trước mắt. Nhưng biết làm sao được! Người ta vẫn phải đi vào mưa to gió lớn mới có thể tìm được lối ra... Chỉ miễn là cái tâm ta sáng... Nguyễn Trãi lại lặp lại câu nói của mình. Còn Nguyên Trừng, ông cười to sảng khoái:
- Cái chí của công tử rất hợp với Trừng này - Rồi Trừng nâng chén rượu lên mời Trãi - Tiểu huynh đệ ạ, tôi đến đây mục đích có hai việc. Thứ nhất: Muốn mời bác Phi Khanh cùng các bậc danh sĩ xứ Đông đến Tây Đô dự lễ, mừng khánh thành kinh đô mới. Thứ hai: Tôi xin báo với công tử, đầu năm tới, sẽ mở khoa thi lớn tại Tây Đô để kén chọn hiền tài. Tôi đã đến trấn sở, báo cho các quan trấn phủ đều biết; nay mai sẽ thông báo việc này đến tận các làng xã. Đã lâu nay, vì tình thế chưa ổn, nên chẳng có khoa thi, vì vậy ngăn trở, không có cơ hội cho người tài xuất đầu lộ diện, giúp vua trị nước...
Cuộc rượu kéo dài mãi cho đến tận khuya...
***
Tuy say, nhưng sáng hôm sau, Nguyên Trừng và Thanh Mai vẫn lên bành voi khởi hành từ sớm rời khỏi Côn Sơn. Cuộc gặp gỡ với Nguyễn Trãi làm ông rất vui. Trước mắt ông là điểm cuối của cuộc hành trình, họ nhằm thẳng hướng núi thiêng Yên Tử.

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 618

Return to top