Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Hồ Quý Ly

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38476 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồ Quý Ly
Nguyễn Xuân Khánh

Phần VIII- Chương -1
Trần Nguyên Hàng, Trần Khát Chân đã tính sai. Cả bà cung nữ dày dạn kinh nghiệm kia cũng tính sai nốt. Trần Thuận Tôn, sau khi khỏi bệnh, bỗng biến đổi hoàn toàn, khác hẳn dự tính của mọi người. Ông vua con, như ta biết, vốn được hưởng một nền giáo dục rất nghiêm ngặt, rất khổng giáo. Chàng lại còn ham mê sách vở, là con người trầm tư. Về mặt thể tạng, Trần Ngung gầy gò ốm yếu, không phải sinh ra để đam mê những thú vui thể xác.
Căn bệnh hiểm nghèo đã làm chàng, trong một thời gian, quên mất địa vị, thân phận, sách vở và những lời nói vàng ngọc của các bậc thánh hiền cũng tan biến trong cơn rồ dại; những cử chỉ thanh nhã, tế nhị mà cuộc sống cung đình đã vun trồng tạo thành từ bao năm nay bỗng bị lãng quên, nhường chỗ cho những bản năng, những thèm khát như những con thú mơ màng ngủ lịm bỗng chồm thức dậy.
May mắn thay, những con thú đã được xổng xích. May mán thay, những cơn điên rồ đã làm chàng được sổ lồng. Những ràng buộc nghi thức và tinh thần được nới lỏng, làm chàng lạc vào miền lạc thú; và lạc thú đã cứu chàng khỏi bị tù hãm trong xứ hôn mê. Lạc thú đã làm thức dậy sự sống, nó xoa dịu, ru ngủ những đau buồn, thất bại. để đem lại một cân bằng; cuối cùng an hoà ngự trị...
Nhưng một khi tỉnh lại, Thuận Tôn bỗng trở lại như Thuận Tôn khi xưa. Điên rồ ra đi, lý trí trở về. Nó lập tức không cho phép chàng sống như những ngày rồ dại. Dư vị của những ngày ấy nay chỉ còn là những tiếng thở dài, một nỗi luyến tiếc mơ hồ ngọt ngào; có lúc, nó trở thành một niềm xấu hổ, nỗi sợ hãi của một kẻ đã phạm một điều cấm kị. Chắc chắn đó là nôi đày vò của một con người hiền lương - Cũng chắc chắn Thuận Tôn là một con người hiền lương. mà những dấu vết của đạo lý của sách vở, bao giờ cũng là những khuôn mẫu, những vết hàn in đậm trong tâm trí không thể mờ phai.
Chính vì vậy, Thuận Tôn lại lao đầu vào sách vở. Trước đây, Ngọc Kiểm và những đam mê đã cứu chàng, còn lúc này sách vở đã làm phai mờ hình bóng cô cung nữ. Nhưng có phải sách vở đã xoá hình bóng Ngọc Kiểm, hay còn do một nguyên nhân khác, hay còn do một thế lực nào đó đã cố tình xoá mờ hình bóng nàng đi. Cô cung nữ trẻ đã biến mất lúc nào chẳng hay, cứ như thể bốc hơi. Sau những buổi đọc sách, ông vua trẻ cảm thấy một nỗi bâng khuâng khó xác định. Cứ như thấy đánh mất một cái gì đó. Nhưng rồi sách vở lại cuốn hút chàng. Ông vua trẻ có cái tài đọc sách rất tập trung. Đêm hôm đó, Thuận Tôn đọc sách khuya lắm, sau đó chàng mơ một giấc mơ rất đẹp. Và dĩ nhiên chàng dậy muộn vì chân cứ còn muốn nấn ná trong giấc mơ huyền ảo. Lúc chàng tỉnh dậy. Cô cung nữ nhỏ bé xinh xinh đứng bên cạnh giường vội quỳ xuống mừng rỡ:
- Chúc hoàng thượng một giấc mơ đẹp lành.
- Sao ngươi biết ta có một giấc mơ lành và đẹp?
- Bẩm, thần thiếp biết vì... trong lúc ngủ, trên môi người luôn có nụ cười.
- Ừ. Lạ thật? Ta mơ thấy đến một ngôi nhà nhỏ xinh xắn trồng toàn những liễu...
Cô cung nữ nhỏ mủm mỉm cười.
- Sao ngươi lại cười?
- Bẩm, thấy liễu là có hỉ sự. Người xưa nói phận liễu bồ để chỉ người con gái. Chúc mừng bệ hạ sắp có hỉ sự. Lúc này Thuận Tôn mới để ý đến cô gái, liền hỏi:
- Ta chưa thấy ngươi bao giờ? Xem ra nàng rất lanh lợi.
- Tiện thiếp Uyển Nhi là cung nữ của hoàng hậu. Sớm nay có lệnh của thượng hoàng mời bệ hạ đến diện kiến. Hoàng hậu đến...
- Hoàng hậu tới thăm ta?...
- Tâu bệ hạ... Sáng nào hoàng hậu cũng đến thăm đức vua, và sáng nào đức vua cùng ngủ say... hoàng hậu không dám đánh thức, sợ làm kinh động long thể... Sáng nay... hoàng hậu cũng đến... nhưng phải về cung Hoàng Nguyên để chuẩn bị trang điểm... vào chầu...
- Nghĩa là hoàng hậu cũng đến thăm vua cha cùng với ta?
Cô cung nữ giục giã:
- Đã có trống gọi chầu bên cung Thượng hoàng...
Thần thiếp đã cho sắp sẵn nước thơm và quần áo... Xin bệ hạ chuẩn bị để mặc long bào kẻo đức thượng hoàng mong.
Cô cung nữ xinh xinh kia đoán gặp cây liễu tức là gặp hỉ sự, hoá ra lại đúng. Nghệ Hoàng triệu tập thái sư, Thuận Tôn và hoàng hậu Thánh Ngẫu đến nói:
- Ta rất vui vì con đã hoàn toàn khỏi bệnh. Cũng là lúc con đã tròn mười sáu tuổi. Nay, ta cho mở tiệc, ban yến cho bá quan. Triều đình sẽ làm lễ hợp cẩn cho hai con vì các con đã trưởng thành. Thứ nhất để yên bề xã tắc. Ta muốn các con mau chóng sinh hoàng tử. Thứ nhì để ta được vui tuổi già. Xem ra năm nay, ta thấy trong người đã yếu.
Sau bữa tiệc hợp cẩn, vua Thuận Tôn và hoàng hậu Thánh Ngẫu lên thuyền đến khu hành tại Bình Than hưởng tuần trăng mật. Bình Than có rừng núi, sông hồ. phong cảnh hữu tình, được đôi vợ chồng coi trọng như một vườn ngự uyển tự nhiên.
Con vượn trắng, từ khi Thuận Tôn bị ốm, cứ ủ rũ ngồi trên cây bưởi đầu nhà. Thuận Tôn điên rồ đuổi nó: Về đi! Về đi! Về rừng mà ở? Lâu đài cung điện có phải là nhà của ngươi đâu.
Khi Thuận Tôn đắm đuối với nàng Ngọc Kiểm, con vật thù ghét cô cung nữ ra mặt, mỗi lần thấy nàng đi qua, nó lại kêu la ồn ĩ, làm náo động cung vua, bọn lính mang cung tên ra bắn, nó sợ chạy biến vào vườn thượng uyển ẩn náu. Một buổi sáng, khi đã khỏi bệnh, ông vua con đang đứng ngắm hoa bỗng nghe tiếng kêu mừng rỡ của con vật. Thuận Tôn ngẩng đầu lên thấy con vượn trắng vẫn còn như rụt rè sợ hãi. Chàng vẫy vẫy tay:
- Thì ra là ngươi. Mấy hôm nay ta vẫn hỏi thăm. Bọn lính bảo ngươi đã bỏ đi rồi. Thường đêm, lúc ngủ, ta vẫn nghe thấy tiếng động ở đầu nhà. Hoá ra ngươi vẫn ngủ trên cây bưởi cạnh buồng ta. Ngươi vẫn chẳng bỏ ta khi ta điên dại...
Con vật nhẩy từ cây bưởi xuống. Thuận Tôn ôm lấy nó, vuốt ve và dồn dập hỏi nó như nói chuyện với một người bạn lâu ngày xa cách.
- Khổ thân? Ngươi gầy thế ư? Hàng ngày ngươi ăn gì? Ngươi ăn trộm hoa quả? Vườn thượng uyển làm gì có quả ở đó chỉ có cây cao và hoa bốn mùa. A? Ta hiểu rồi? Có phải ban đêm ngươi đã lẻn ra phố phường, tìm đến những ngôi chùa, những miếu hoang để ăn trộm đồ lễ. Ngươi ranh ma lắm. Mà ngươi có thay ta đến điện Hoàng Nguyên thăm bà hoàng Thánh Ngẫu không? Trông con mắt ngươi ta biết là có. Nàng cũng yêu quý ngươi lắm. Sao lúc ta ốm ngươi không ở bên cung của nàng - Thở dài - Ta biết ngươi không nỡ bỏ mặc ta - Và nàng nữa? Nàng vẫn hàng ngày đến thăm ta... chuyện ấy bây giờ ta mới biết... Và cả chuyện của ngươi nữa, bây giờ ta mới biết...
Ông vua con, con vượn, bà hoàng hậu trẻ ngồi trên thuyền rồng; và lòng Thuận Tôn cứ miên man nghĩ ngợi. Con thuyền đi trên dòng sông, hai bên bờ trải dài những xóm làng trù phú, những ruộng lúa, ngô xanh mướt rồi tiếp theo đến những đồi cây nhấp nhô, những khu rừng bát ngát.
Con vượn trông thấy rừng, bỗng nhẩy lên mui thuyền và hú lên tiếng hú dài man rợ. Trong cánh rừng, bỗng có tiếng hú đáp lại; rồi từ đỉnh những ngọn cây một đàn chim bay túa lên trời, tạo nên một khung cảnh rất thanh bình ngoạn mục.
Thuyền đến Bình Than, con vượn cuống quýt cầm tay đôi vợ chồng trẻ, quay đầu nhìn vào trong rừng. Thuận Tôn cười:
- Người đến thăm sư phụ trước đi chúng ta sẽ đến sau.
Đêm hôm đó mưa rào.
Xưa kia, Thuận Tôn thường tưởng tượng đêm đầu tiên giao kết của hai người phải là một đêm trăng sáng, nào có biết đâu đêm nay lại là đêm mưa. Mưa rừng, mưa sông!... Ở sau lưng toà đại diện là những đồi thông nối đuôi nhau dẫn tới khu rừng đại ngàn. Mưa không to lắm, nhưng dầm dề, tạo nên một nền âm thanh rì rào không dứt. Thỉnh thoảng, một trận gió lùa vào những tán lá đại thụ làm nước rơi lộp bộp. Nổi lên trên cái nền âm thanh thì thầm ấy là tiếng của muôn vàn loại côn trùng, tiếng con dế gáy ri ri, tiếng con ếch gọi bạn ộp oạp, rồi tiếng chẫu chuộc kêu inh ỏi, tiếng con cóc nghiến răng khó nhọc, tiếng con ễnh ương đều đều buồn tênh. Ở đâu đó, tít tận rừng sâu có tiếng con nai giác, tiếng con nai mừng mưa, hay tiếng mừng mùa cỏ mọc, hay tiếng tha thiết gọi bạn tình...
Thuận Tôn chợt nói khẽ:
- Thánh Ngẫu ơi! Nàng còn thức hay nàng đã ngủ?
- Thiếp vẫn nằm nghe.
- Ta cũng nằm nghe.
- Nghe thấy gì?
- Tiếng rừng hay thật!
- Tiếng mưa cũng hay.
- Tiếng dế, tiếng ếch nhái nghe cũng thích? Đủ giọng... to, nhỏ, bổng, trầm... Nàng thích nhất tiếng gì?
- Tiếng con dế gáy. Chàng có nghe thấy không? Con này gáy rất to. Ở sát đầu giường chúng ta, chắc nơi cửa sổ dưới bụi hoa hồng...
- Thánh Ngẫu ơi! Sao nàng lại cười?
- Thiếp chợt nhớ đến một chuyện lúc bệ hạ đang ôm...
- Chuyện gì? Kể cho ta nghe đi.
Những hôm đầu mới ốm, chàng không ngủ, suốt mấy đêm chỉ đi lang thang, nói lảm nhảm. Đêm đó, ông lang Điền cho uống thuốc ngủ. Nhưng trời mưa, lũ ếch nhái ở ao sen kêu suốt đêm làm chàng giật mình thức giấc. Cha thiếp phải sai một trăm cấm binh ngâm mình dưới ao, cầm roi liên tục vụt xuống nước, bắt lũ ếch nhái côn trùng phải lặng im. Nhờ cơn mưa mát, nhờ không có tiếng động. đêm đó chàng ngủ yên...
- Có chuyện đó thật sao?
- Thật chứ! Mà cũng hay! Cùng một tiếng ếch nhái kêu, đêm xưa sao mà ghét thế Bắt chúng phải im? Còn đêm nay, em cầu mong cho chúng kêu mãi mãi. Nghe tiếng côn trùng kêu mưa, đêm nay sao thiếp thấy hay đến như vậy.
- Ta cũng thấy tuyệt. Lần đầu tiên ta để ý đến chúng.
- Lần đầu tiên, thiếp được nghe cả tiếng nai lẫn vào đó.
- Lần đầu tiên, ta biết thế nào là dế gáy...
Cuộc giao kết đầu tiên của vua Thuận Tôn và bà hoàng Thánh Ngẫu xảy ra như thế đó. Thật khác hẳn cuộc ái ân sôi nổi của Ngọc Kiểm đã hiến dâng cho ông vua nhỏ. Nhưng cuộc ái ân nào chẳng có cái duyên riêng của nó. Có thể Thuận Tôn như kẻ đã được nếm vị ngọt nồng của trái mít, nay bỗng phát hiện được vị thơm mát dịu dàng của trải lê. Cũng có thể, ông vua con suốt ngày tháng vùi đầu vào triết lý vô dật, rồi sau đó ông đã đi ngược lại triết lý khắc kỷ ấy; và dù mới chỉ là một bước nhỏ thôi, cũng đã đủ làm ông áy náy trở về sám hối. Cũng còn có thể, vì thể tạng của Thuận Tôn mong manh, nên ông chỉ hợp với một cuộc tình thanh mảnh. Lại cũng có thể, vì bà hoàng Thánh Ngẫu là người con gái ông yêu quý nhất...
Sáng hôm sau, Thánh Ngẫu và Thuận Tôn theo lối mòn xưa đi đến thung hoa, men dòng suối có những cây sung đỏ ối quả. rồi theo hút đàn chim phường chèo vào rừng thẳm đến thạch am thăm vị đạo sĩ.
Con vượn trắng. từ lúc thuyền cập bến Bình Thanh đã trở về rừng, nay ra đón hai người. Nó cầm tay Thuận Tôn đi về phía động đá. Đạo sĩ đứng ở cửa hang quỳ rạp chào vua và hoàng hậu.
- Con bạch viên cho bần đạo biết hoàng thượng đến từ chiều hôm qua. Bần đạo, vì ốm đau, không xuống núi được để nghênh giá. Thật muôn phần có lỗi.
Nhà vua đỡ đạo sĩ đứng dậy. Sau khi đã phân ngôi chủ khách, Thuận Tôn nói:
- ít lâu nay, có nhiều chuyện xảy ra. lòng ta rất bối rối. Nay muốn đến tham vấn sư phụ.
Đạo sĩ Thanh Hư nhìn nét mặt nhà vua rồi nhắm mắt lại hồi lâu. sau đó bảo:
- Tâu bệ hạ, đúng là có nhiều điều phức tạp, dễ làm rối lòng người. Nếu giữ không cẩn thận sẽ đi tới mê cuồng.
- Sư phụ nói không sai. Vừa qua có lúc ta đã lâm bệnh, mắc chứng mê sảng.
Đạo sĩ già nhắm mắt lại, giọng ông đều đều:
- Đời người mờ mịt; thoắt đến thoắt đi, biết đâu là phúc, biết đâu là hoạ; biết đâu là thị, biết đâu là phi... Sao chẳng như hơi thở của đất trời, đã không nổi lên thì thôi, đã nổi lên sẽ ra muôn giọng. Gặp hang, gặp rừng rú: gào, gầm thét; gặp hốc, gặp bọng, gặp ao sâu, vũng cạn: nỉ non, rù rì; lúc buồn nức nở lúc thì hiu hiu... Sao chẳng khiến cho hình hài như cây khô, lòng như tro lạnh... Đời người mờ mịt. há phải riêng ai mờ mịt... Ôi thôi! Khó thay? Khó thay... Ai biết nẻo về?... Nẻo về giăng sương...
Thánh Ngẫu chẳng hiểu lời nói của đạo sĩ ra sao, nhưng Thuận Tôn tỏ ra xúc động. Ông đứng trước bàn thờ, thắp nén nhang, cúi lạy. Đạo sĩ lấy một tờ giấy bạch, viết tặng một bài thơ:
Tro lạnh dù tàn đốm lửa
Xin đừng ủ trấu, nhen rơm
Dưới tro nào ai có biết
Đâu là hạt, đâu mầm xanh
Cơ trời nhiệm màu khôn xiết
Thị phi cũng một chữ đồng.
Lại lấy từ bàn thờ xuống, một tảng đá. Nhìn kỹ, thấy giống hình một ông già râu dài, tay chống gậy trúc, đang ngồi trầm tư. Đạo sĩ nói:
- Một đêm, bần đạo nằm mơ gặp đức Thái thượng lão quân; hôm sau vào một hang núi, thấy tảng đá thiêng này. Nay, xin tặng bệ hạ, để cho trọn cái duyên hữu tình. Bệ hạ trở về, xin cẩn trọng. Một ngày gần đây sẽ gặp nhau.
Con vượn quyến luyến ông đạo sĩ già mãi không nỡ dứt. Ông vuốt ve nó:
- Bạch viên, hãy nghe lời ta. Cuộc vui nào chẳng có lúc tàn. Ngươi hãy hầu hạ đức vua, làm cho người khuây khoả. Hết kỳ hạn, thày trò ta khắc gặp nhau.
Thuận Tôn đem hòn đá thiêng về kinh. ngày ngày thắp hương, và không ngày nào quên đọc sách đạo. Ít lâu sau, hoàng hậu Thánh Ngẫu có tin mừng. Hai vợ chồng vội đi thuyền đến Bình Than, tìm đến Thanh Hư quán để tạ ơn đạo sĩ. Khi đến nơi không thấy bóng dáng ông già đâu cả. Động đá hương tàn khói lạnh. Cây cỏ đã mọc kín gần che lấp cửa hang. Giây leo đã bò lên cả bàn thờ thánh. Rêu xanh đã gần phủ mờ những chữ khắc trên vách đá. Gặp người tiều phu gánh củi, Thuận Tôn hỏi thăm mới biết ông đạo sĩ sau khi gặp đức vua đã bỏ hang đá, đi miết vào rừng sâu, về phía núi Bạch Vân, từ đó không ai gặp nữa.

<< Chương 4 | Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 588

Return to top