Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Hồ Quý Ly

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38471 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồ Quý Ly
Nguyễn Xuân Khánh

Phần VI-Chương -1 -

Một chiến lược lớn của cha tôi là thu hút người tài.

Bọn Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Phạm Cự Luận, Đỗ Tử Mãn... đều do tay cha tôi đào tạo. Cả đến sau này Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn cũng đều xuất thân từ vương triều họ Hồ chúng tôi mà ra cả. Cha tôi thường nói:
 
- Trừng ạ, cha chỉ tiếc một điều: tìm mãi không thấy một nhân tài quân sự. Trước kia, chúng ta có Nguyễn Đa Phương, nhưng tiếc thay ông ta chỉ có tầm nhìn quá ngắn.
 
Cha tôi vẫn để ý đến Trần Khát Chân, vị đô tướng lúc đánh trận Hoàng Giang mới ngót năm mươi tuổi. Sau khi Chân giết được Chế Bồng Nga, cha tôi để tâm lôi kéo ông ta rất nhiều. Tiếc thay, lúc đó phe tôn thất nhà Trần cũng lôi kéo ông ta không kém.
 
Bọn võ tướng thân cận với cha tôi thường chê bai thượng tướng:
 
- Cũng là vận may thôi. Nhờ Ba Lậu Kê chỉ điểm, chứ có mưu lược gì đâu.
 
Cha tôi không bằng lòng:
 
- Các ông hồ đồ rồi. Lúc đó, thế nước như ngàn cân treo sợi tóc. Phía bắc, nhà Minh nhòm ngó. Trong nước Sư Ôn cướp kinh sư, và nhiều kẻ tư thông với giặc. Trong lúc đó Chế Bồng Nga là tay kiệt hiệt, đùng đùng tấn công như mãnh hổ. Nếu không có ông ta giết chết Bồng Nga, không hiểu rồi sẽ ra sao. Chiến lược rút lui khỏi Hoàng Giang nhử giặc vào trận phục kích trên sông Luộc chẳng là mưu lược đó sao?
 
Trong khi đó, sự giao du giữa tôi và Khát Chân càng ngày càng khăng khít. Chúng tôi là đôi bạn vong niên. Thượng tướng đã ngoại tứ tuần, tôi mới ngoại ba mươi. Tôi thích ông ở sự thẳng thắn, đậm đà. Còn ông thích tôi vì cái tính hào hoa, không câu nệ. Cha tôi cũng khuyến khích mối giao tình ấy. Phải nói, lúc đầu thượng tướng có chút thiện cảm với cha tôi. Ông nói với tôi:
 
- Thái sư là người tài cao học rộng, mưu lược, quyết đoán, muốn đổi thay đất nước...
 
Có lẽ ông còn cảm tình, vì ơn tri ngộ; chính cha tôi đã giới thiệu ông với Nghệ Hoàng. Tuy nhiên. tôi biết trong thâm tâm, ông còn một điều không nói ra. Giá như cha tôi chỉ dừng lại ở chỗ làm cải cách, chứ không có tham vọng xa hơn nữa.
 
Cha tôi không bao giờ nói ra, ngay cả với tôi, nhưng mọi người đều nhìn thấy tham vọng ấy cứ dần dần lớn lên. Nói cho đúng, mới đầu cha tôi thực bụng chỉ muốn đơn thuần làm biến pháp giúp Nghệ Hoàng cứu đất nước thoát khỏi nghèo khổ yếu hèn, nhưng sự phản đối thật vô cùng gay gắt. Hạn điền, người ta bảo cướp ruộng, chính sách tiền giấy, người ta bảo cướp tiền; hạn nô, người ta bảo bẻ nanh vuốt của người quân tử. Rồi còn bao nhiêu nhóm người, bao nhiêu âm mưu định giết ông. Và cha tôi phải đối phó lại. Triều đình bỗng biến thành chiến trường. Máu người liên miên chảy. Cùng với những sự đổ máu ấy, cha tôi mới hiểu ra thi hành biến pháp, muốn thay đổi đâu phải dễ. Và ông cũng hiểu muốn biến pháp cần phải có quyền hành. Từ đó tham vọng trong ông lần lần nảy nở, mới đầu chỉ là cái mầm, sau đó là một ý chí, cũng không ai biết điều đó chuyển biến từ lúc nào, manh nha từ lúc nào, thành hình rõ ràng từ lúc nào.
 
Và cùng với tham vọng lớn lên của cha, thì mối thiện cảm của Khát Chân đối với ông cũng lần lần giảm xuống. Cái ranh giới từ thiện cảm chuyển sang căm ghét là từ lúc nào, từ việc nào cũng không ai xác định nổi. Chỉ biết rằng sau trận Hoàng Giang ít lâu, thượng tướng cáo bệnh xin nghỉ ở nhà. Trong bài thơ tặng Khát Chân hôm đi theo Nghệ Hoàng dự tiệc Đại Mai, cha tôi có trách khéo:
 
Cây mai già
 
Cánh hoa ngọc ngà
 
Dầu dãi tuyết sương
 
Đã lâu rồi vẫn lặng tanh
 
Kẻ trượng phu sao phụ chí bình sinh...
 
Tôi cho rằng người bạn vong niên của tôi lúc đó còn đương do dự. Ông không biết nên đứng về tân pháp hay về phe bảo thủ. Sự tri ngộ của một người thông minh tài trí hẳn có hấp lực riêng của nó chứ. “Kẻ trượng phu sao phụ chí bình sinh?”. Câu thơ ấy nói gì? Nhác nhở ư? Hay một chút nghi ngờ? ở thời “thiên tuý”, ai dại gì gây sự chú ý, gây sự nghi ngờ. Thượng tướng cũng không ra ngoài thông lệ.
 
Từ hôm đó, ông lại trở về triều chính, nhưng ông ít nói. Ông như người đứng giữa, ít chống đối mà cũng chẳng về hùa với cha tôi. Tuy không lôi kéo được, cha tôi vẫn đối xử trọng đãi thượng tướng. Có thể đấy là dấu hiệu của sự chờ đợi, cũng có thể là đối sách tránh tạo thêm thù.
 
                                       ***
 
Ở thời đại tân pháp, cải cách, tranh tối tranh sáng, thời đại “thiên tuý” như ông già điếc Sư Hiền vẫn nói, thật mệt! Bao nhiêu là thay đổi. thay đổi đến chóng mặt: hôm nay xuất hiện chính sách tiền giấy; ngày mai là hạn điền hạn nô; hôm sau nữa bắt sư hoàn tục. rồi tiếp theo đặt chức liêm phóng sứ để dò la những kẻ tham nhũng, chống đối v.v... Sau khi thái thượng hoàng Nghệ Tôn chết, cha đã sai tôi vào Thanh Hoá khảo sát động An Tôn. Lúc đó mới chỉ là ý nghĩ manh nha; còn bây giờ đã được quyết định, cha tôi quyết xây dựng một kinh đô mới ở thanh Hoá: Tây đô. Cha trình bày ý kiến với vua Trần Thuận Tôn:
 
- Hiện nay ở phía Nam, đối với Chiêm Thành, đã ổn rồi; còn ở phía Bắc, nhà Minh luôn luôn rình rập, bắt buộc ta phải phòng bị. Thăng Long là nơi trung tâm Đại Việt, nhưng trống trải, giặc có thể đến rất nhanh. Đó là đất cai trị muôn dân lúc thời bình. Nhưng nếu có chiến tranh, ta phải có sẵn một nơi hiểm yếu. Do vậy, phải xây dựng Tây đô.
 
Trần Thuận Tôn, ông em rể yếu đuối của tôi, đối với cha tôi, vừa là con rể, vừa là học trò từ lúc trẻ thơ, còn biết nói thế nào nữa. Ông bảo:
 
- Tuỳ thượng phụ, thấy có lợi cho nước thì thượng phụ cứ làm.
 
Thế là triều đình lại rộn ràng ồn ào vì chuyện xây dựng kinh đô mới. Một đợt sóng gió lại nổi lên. Ngay cả hành khiển Phạm Cự Luận, một người ngả về cha tôi cũng can ngăn:
 
- Thái sư nên chú ý. Việc này không phải nhỏ, làm xôn xao lòng người rất nhiều. Khắp nơi dân chúng bàn tán.
 
Cha tôi trả lời:
 
- Chí ta đã quyết, nhà ngươi còn nói làm gì nữa?
 
Thái sư hỏi ý kiến Khát Chân. Ông ta nói:
 
- Thăng Long là đất rồng tụ. Nhưng đúng là nơi không thể cố thủ về mặt quân sự. Trăm năm về trước, giặc Nguyên xâm lấn, Vua Trần Nhân Tôn phải cùng triều đình rút khỏi Thăng Long và bôn ba khắp đất nước, sau mới thừa cơ thu thiên hạ về một mối. Vừa rồi. Chế Bồng Nga xâm chiếm, thái sư phải rước hai vua sang Đông Ngàn, Bình than tránh giặc. Tuy vậy, việc dời đô vốn là việc vô cùng hệ trọng xin thái sư cẩn thận cân nhắc.
 
Sử văn Hoa. viên quan chép sử, con người không biết sợ đã dâng sớ can ngăn, lời lẽ rất thống thiết:
 
Ngày trước, bên Trung Hoa nhà Chu, nhà Nguỵ thiên đô, về sau đều không sao ngóc đầu lên được. Nay, ở Đại Việt ta đất Thăng Long có núi Tản Viên, có sông Nhị Hà, cao sâu phẳng rộng; từ trước, các đời đế vương mở cơ nghiệp dựng nước, không triều đại nào không lấy đất này làm nơi căn bản, vì thế mặt bắc chông giặc Nguyên thì giặc Nguyên phải tan, mặt nam đánh Chiêm Thành thì vua Chiêm bị giết. Những việc đó chẳng phải nhờ địa thế tiện lợi hay sao? Dám xin nghĩ lại một chút để làm kế vũng vàng cho nước nhà.
 
Còn như động An Tôn, Thanh Hoá, địa thế nhỏ hẹp và hẻo lánh; chỗ này là nơi sơn cùng thuỷ tận, không thể định cư được. Trông cậy vào chôn hiểm trở phỏng có ích gì? Cổ nhân có câu: “Cốt ở đức, không cốt ở nơi hiểm trở”.
 
Đọc xong tấu biểu, cha tôi tức giận:
 
- Tên nho sinh ngông cuồng này lại muốn dạy ta: “Cốt ở đức không cốt ở nói hiểm trở”.
 
Cha tôi tức giận câu nói đó, vì nó đâm trúng điểm yếu của ông. Đức ở đây hàm nghĩa lòng dân. Ở Thăng Long, lòng dân luôn hướng về nhà Trần, làm sao người yên tâm ngồi giữa một vùng thù địch. Mà ngay cả nhà Trần, họ cũng phải lấy phủ Thiên Trường, quê gốc của mình làm căn cứ địa. Tôi nhẹ nhàng nói với cha:
 
- Ai nói cũng có lý riêng của họ. Nhưng gia đình họ Hồ chúng ta, Thanh Hoá, Nghệ an là gốc, là quê hương. Cha nghĩ dựa vào quê hương cũng phải.
 
- Con nghĩ về nhà Mình thế nào?
 
- Hiện nay nhà Minh là mối lo lắng thứ nhất của đất nước. Cha xây dựng Tây đô cũng vì phòng khi nhà Minh xâm lấn. Con không sợ giặc Minh. Con chỉ sợ lòng dân không theo ta mà thôi.
 
Hai cô cung nữ Trần Ngọc Kỵ và Trần Ngọc Kiểm hầu hạ bên Trần Thuận Tôn nói kín với nhau: “Thiên đô tức là quan Thái sư sắp cướp ngôi”. Việc vỡ lở, cha sai bắt hai cô cung nữ cùng mấy viên quan nhỏ đồng mưu là Lê Hợp và Lương Ông, rồi đem giết cả mấy người.
 
Mỗi một lần có chính sách mới lại có người bị chết. Lần này là những kẻ tép riu không thấy có một đại thần nào. Triều thần đã rút kinh nghiệm rồi, hay sự sợ hãi đã làm tê liệt sức phản kháng, hay bạo lực đã làm âm mưu chuyển dần vào bóng tối, âm mưu sẽ âm thầm len lỏi để chờ dịp nổ tung thành những cơn bão tố sấm sét.
 
Lúc này, tất cả mọi nơi đều im lặng, ngoan ngoãn, một im lặng mà tôi thấy sợ, còn cha tôi không thích. Việc xây dựng Tây đô tiến hành gấp gáp nhưng răm rắp. Tất cả các quan đại thần đêu được huy động, luân phiên nhau đi chỉ đạo.
 
Đầu tiên, thượng thư bộ lại Đỗ Tỉnh được cử đến An Tôn đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tôn miếu, mở phố, xây dựng đường xá. Bắt một số nhà giầu phải đem tiền bạc đến xây dựng nhà cửa buôn bán. Bắt dân phố Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Lọng... Ở Thăng Long phải chia dân làm đôi, một nửa di cư vào Tây đô lập phố. Sai bộ công đến các làng nghề khảm trai ở vùng Châu Giang chiêu tập dân có nghề đến lập phố khảm trai. Lại chiêu tập thợ chạm trổ, sơn son thếp vàng ở lộ Bắc Giang đến lập những cửa hàng làm đồ thờ tự và làm đồ mộc phục vụ hoàng cung. Các vương hầu, các quan lại lớn nhỏ đều được chia đất quanh Tây đô, để xây dựng trang trại dinh thự. Phải làm sao hoàn tất trong vòng một, hai năm, để có sự trù phú, sự lộng lẫy của một kinh đô môi. Hoàng Thành phải kiên cố, sự trù phú phải vượt hay ít nhất phải bằng kinh thành Thăng Long mà sau này sẽ gọi là Đông Đô.
 
Quyết tâm xây dựng cho nhanh, cha tôi đã huy động nhân công cả nước đi đục đá, đi nung gạch, đi đắp đất. Từng đoàn thuyền, từng đoàn người liên tiếp nhau, ùn ùn kéo về lộ Thanh Hoá. Gấp gáp quá, nên sai hành khiển Lương Nguyên Bưu dỡ hẳn hai điện Thuỵ Chương, điện Thiên An ở Thăng Long để lấy khung gỗ, lấy ngói lưu ly, đem đến Tây đô rồi lắp ráp lại cho nhanh.

<< Chương 4 | Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 615

Return to top