Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Hồ Quý Ly

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38464 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồ Quý Ly
Nguyễn Xuân Khánh

Chương 4
Quay trở lại cuộc đối đầu Chiêm - Việt trên sông Hoàng Giang. Khi còn chưa được điều đi đánh Phạm Sư Ôn và còn phụ trách tiền quân chống Chiêm, Hoàng Phụng Thế đã sai đóng cọc ở ba khúc sông, tạo nên tuyến phòng thủ rất vững chắc, thuyền của Chế Bồng Nga muốn tiến vào sâu cũng rất khó. Vua Chiêm là tay lão tướng, rất thận trọng. Ông ta biết rõ rằng trận chiến ở đây gay go và khác hẳn trận đánh quân Việt trên sông Lương, Thanh Hoá. Trận ấy sở dĩ thắng nhanh vì ở đó đang có loạn làm cho tinh thần quân Đại việt dao động. Mục đích đó họ Chế đã thành công. Sau trận sông Lương, Chế Bồng Nga xem xét tình thế, thấy hoàn toàn thuận lợi cho quân Chiêm. Lần này, hàng tương Nguyên Diệu là một đại thần, ngoài ra trong tay Chế lại có thư của mấy viên tư đồ, Thái bảo... những dại thần khác của người Việt cầu xin ông giúp đỡ, và hứa làm nội ứng. Hơn nữa, tin tức về quân Phạm Sư Ôn nổi loạn chiếm Thăng Long lại càng làm cho ông thêm quyết tâm. Do đó, khi đánh xong trận sông Lương, thời tiết lúc đó rét đậm, đáng lẽ theo thường lệ ông sẽ rút quân về chờ mùa gió nồng năm sau. vì người Chiêm kém chịu rét, vả lại nếu tiến vào vùng châu thổ sông Hồng mùa đông. thuyền quân ông sẽ bị ngược gió rất bất lợi trong việc tiến quân. Nhưng ông vua khôn ngoan đó đã ra một quyết định táo bạo: Phải chớp lấy thời cơ Đại Việt đang suy yếu, đang bị chia rẽ nặng nề, đang phải lo đối phó nhiều mặt, để tổng tấn công vào sào huyện nhà Trần
Vùng châu thổ sông Hồng vốn là địa bàn cơ sở, nơi bắt đầu dấy lên của nhà Trần. Phủ Thiên Trường nằm ngay giữa đồng bằng là quê hương thứ hai của họ Trần. Ở khắp nơi, đều có thái ấp của những vương hầu, công chúa, quận chúa, hoàng tử và tướng quân nhà Trần: Nộn Sơn là trang và nơi tu hành của công chúa Thuỵ Bảo vợ Trần Bình Trọng; tại ngã ba Sa có thái ấp của tướng quân Trần Khánh Dư; ở Quắc Hương, thái ấp của gia đình Trần Thủ Độ; vùng Bình Lục, thái ấp của Trần liễu và Trần Quang Khải; ấy là chưa kể đến những làng xã được gọi là Trần Xá, nơi ở của người họ Trần hoặc chịu ơn họ Trần cư ngụ. Như vậy, Chế Bồng Nga đang dấn thân vào vùng ảnh hưởng, hoặc có thể nói vào hang ổ của nhà Trần.
Tháng mười một, khi quân Chiêm bắt đầu tiến vào vùng châu thổ, Chế cho người của Quang Diệu đi khắp nơi phao tin người Chiêm Thành ra đây chỉ cốt giúp đỡ phục hồi cơ nghiệp nhà Trần và trừng trị tên đại gian thần Hồ Quý Ly: Chế Bồng Nga chỉ mong có một quý tộc nhà Trần nào đó có thái ấp tại đây dấy binh nổi loạn. nhưng đáng tiếc chẳng có tôn thất quý tộc Trần nào chịu theo ông ta.
Khi Trần Khát Chân phụng chỉ đến Hoàng Giang. Ông dùng một thuyền nhẹ đi quan sát địa thế. Khi hội tướng bàn bạc tình hình. Hoàng Phụng Thế nói:
- Chế Bồng Nga vẫn dấu mặt, chỉ cho La Ngai xuất hiện. Chưa thấy địch động tĩnh. Có lẽ chúng còn chờ tình hình, xem Phạm Sư Ôn ra sao. Hơn nữa. ta đã đóng cọc trên sông và gió bấc đang thổi mạnh làm thuyền bè khó ngược dòng...
Trần Khát Chân trầm ngâm:
- Sông Hoàng Giang quá rộng, khó có địa thế bố trận. Đánh giặc nơi đây không lợi. Phải nhử địch đến một nơi khác, theo thế trận của ta. Hiện nay ta vẫn phải dàn hai tuyến: tuyến trước vẫn do ông Thế đảm nhiệm, còn tuyến sau do cánh quân ông Khả Vĩnh vừa mới ở Thanh ra. Quân ông Vĩnh đi đường còn mệt mỏi, ở tuyến sau vài bữa nhưng sẽ phải lên tuyến trước ngay. Tình hình sắp phải thay đổi lớn. Mong hai ông vô cùng khẩn trương và cẩn trọng, còn tôi sẽ phải đi tìm nơi bố trận ngay.
Tối hôm ấy, Khát Chân cho thuyền về trang ấp của tổ tiên, vùng ngã ba sông. Trước khi vào trận đánh lớn, ông muốn về thăm quê, dâng lễ trước bàn thờ tổ. Bùi Bá Kỳ và Vũ Soạn, hai tì tướng thân tín, đã đốt đuốc đứng trên bãi cát chờ ông. Khát Chân sai mang ngay đồ lễ lên nhà từ đường. Ông kính cẩn khấn vái: “Con là Trần Khát Chân, được mệnh vua mang quân đi dẹp giặc. Thế giặc đang quá mạnh. Con xin anh hồn của các bậc tiền nhân. vốn là những anh hùng tận trung với nước, hãy phù hộ độ trì, giúp đỡ cho con, để diệt tan giặc dữ, bảo vệ được giang sơn trong cơn sóng gió...” Ông thắp hương trên bàn thờ riêng của Đại Hành hoàng đế và Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng rồi kính cẩn quỳ lạy. Sau đó, ông ra ngay nhà khách bàn việc cấp tốc với Bá Kỳ và Vũ Soạn.
- Ông Kỳ đã làm xong những việc tôi giao chưa?
- Bẩm tướng quân, tôi và ông Soạn đã chia làm hai ngả, đưa thư của tướng quân đến tận tay các vương hầu ở khắp các trang ấp lớn. Cả ngày qua, cả hôm nay, lúc chạy ngựa, lúc bơi thuyền... Công việc đã xong xuôi. Khắp nơi đều hưởng ứng, chuẩn bị chu đáo cho từng gia đình dân, lại chuẩn bị các đội hương binh sẵn sàng khi giặc đến.
- Thực sự khí thế trong dân ra sao?
Soạn nói:
- Mọi lần trước, khi giặc Chiêm đến, bên ta đều thua cả, thành thử dân vẫn có phần sợ hãi. Tuy nhiên, lần này ta có chuẩn bị trước, lại chuẩn bị kỹ càng, nên dân đã chủ động, bớt lo. Chúng tôi lại cho quân sĩ đi khắp nơi bố cáo cho mọi người cùng rõ Trần Nguyên Diệu đã đầu hàng phản nước và Chế Bồng Nga dứt khoát là giặc, không bao giờ thương dân lành. Như thế mới đánh tan được mưu đồ dụ dỗ của giặc.
Khát Châu và hai tì tướng giở bản đồ ra thảo luận với nhau về địa điểm bố trận. Cả ba người đều rất thông thuộc những con sông, những đường tắt, những khúc nối ngang dọc của hệ thống đường thuỷ vùng Châu thổ. Họ tranh cãi mãi cuối cùng mới chọn sông Đáy làm nơi bày trận. Đó là một khúc sông vừa phải không quá hẹp, rộng, hai bên bờ lại có làng xóm tiện cho việc dấu quân.
Khát Chân chỉ chợp mắt chừng một canh giờ đã bị đánh thức dạy. Ông quỳ xuống nhận mật chỉ khẩn cấp của Nghệ Hoàng. Ông vua già theo lời thái sư, bí mật cử Hoàng Phụng Thế bí mật đem binh thuyền đến Nộn Châu đánh úp Phạm Sư Ôn.
Khi tướng quân họ Hoàng cho quay thuyền rút lui, Chế Bồng Nga vẫn án binh bất động. Ông ta sợ mắc phục binh. Nhưng, sau khi thăm dò không thấy khác lạ, quân Chiêm mở cọc tiến lên và đụng độ với quân của tướng Khả Vĩnh từ tuyến sau đi lên. Chế Bồng Nga lại cho dừng binh. Hai bên cứ thụt thò, dền dứ như chơi trò ú tim.
Khát Chân đã cho ém quân ở một khúc sông Đáy. Tuy nhiên ông vẫn phấp phỏng lo lắng. Ngày đêm, ông quên ăn ngủ cùng tướng Khả Vĩnh lo giữ vững phòng tuyến chờ tin của Hoàng Phụng Thế. Ông lo lắng bởi vì khi Thế chia quân đi, quân lực của ta trên sông Hoàng Giang cũng bị dàn mỏng. Cho đến hôm sau, khi nghe tin chiến thắng ở Quốc Oai báo về, Khát Chân mới thở phào nhẹ nhõm.
Còn Chế Bồng Nga cũng ưu tư không kém. Ông ta vẫn theo dõi tình hình Đại Việt và tính toán nước cờ. Bọn phản thần nhà Trần, từ Lục đầu Giang, đã gửi thư cho Chế biết tình hình ông thày chùa chiếm Thăng long ba ngày. Diệu hỏi:
- Sao ta không nhân sự bối rối của đối phương lúc này, thừa cơ đem quân đánh một trận...
Chế Cười:
- Phạm Sư Ôn vào Thăng Long nhưng đã gặp một kinh thành trống rỗng. Ta cũng đã vào Thăng Long sau phải rút ngay. Sư Ôn cũng vậy thôi. Thăng Long dễ đánh, nhưng rất khó giữ. Phạm Sư Ôn nhập kinh đô song có phải đánh nhau với ai đâu. Quân của Quý Ly hầu như đã rút hết khỏi nơi đó, và chẳng hề bị sứt mẻ chút nào.
- Vậy thế toạ sơn quan hổ đấu vẫn chưa được thực hiện?
Khi quân Hoàng Phụng Thế rút khỏi Hoàng Giang. Họ Chế cứ hỏi:
- Thế rút quân vì cớ gì? Định nhử ta hay định làm gì?
Khi nghe tin Thế chỉ một đêm đã phá tan ba vạn quân thày chùa, Chế nói:
- Quá nhanh! Thật không ngờ! Ta cẩn thận tính toán hoá ra lại có lợi cho Đại Việt. Trận thắng này làm hoàn hồn quân Việt. Ta có nên đánh tiếp không?
La Ngai nói:
- Thực ra nước họ vẫn chưa hoàn hồn. Dân chúng vẫn chưa mấy ai quay trở lại Thăng Long. Dân Việt nói: “Đến một toán giặc cỏ ô hợp như Sư Ôn còn chẳng giữ được kinh sư huống hồ người Chiêm Thành thiện chiến.” Vua tôi họ rút chạy khỏi kinh đô đã làm nhân tâm xao xuyến. Tuy Hoàng Phụng Thế diệt được Sư Ôn, nhưng thực chất giang sơn Đại Việt lúc này đang chấn động rung rinh.
- Ta vừa lưới nhận được thư từ triều đình nhà Trần. Họ nói hai vua Trần đang ở Bình Than. Triều đình Việt phân nửa không ưa Quý Ly. Ta chỉ còn một điều chưa rõ: Trần Khát Chân là người thế nào?
- Ông ta dòng dõi võ tướng, chưa nổi danh. Chỉ ở hàng tường nhỏ, bỗng nhiên được vua Trần cất nhắc lên tới hàng thống lĩnh quân đội.
Như vậy chứng tỏ có sự lục đục bên trong. Vua Trần không tin vào những vị tướng tay chân của Thái sư Vua Trần muốn dùng người trong họ Trần dù người ấy chưa nổi danh. Ông vua già muốn binh quyền vẫn phải ở trong tay ông ta.
La Ngai vui vẻ:
- Bệ hạ nhận định rất đúng.
Chế Bồng Nga đi đến quyết định:
Quân ta đánh giặc xa nhà đã lâu, lại gặp mùa rét phía Bắc, đó là điều ta vẫn tránh suốt mấy chục năm chinh chiến với Đại Việt. Tuy nhiên, đây là thời cơ chưa từng có. Trong vòng nửa năm đã xảy ra ba cuộc làm loạn. Đại Việt đang hỗn loạn. Tôn thất đại thần ngả nghiêng. Phải dùng đến cả tướng chưa kinh nghiệm, chưa giỏi chiến trận. Trời giúp ta... chẳng lẽ trời cho mà ta không nhận. Chúng ta sẽ tiến đánh, tuy nhiên, ông quên nhớ không được phép có một sai sót nhỏ trong việc dụng binh.
Chế Bồng Nga là tay chinh chiến lão luyện. Ông ta đã lao tâm khổ tứ, vào sinh ra tử suốt ba mươi năm ròng rã để đánh phá Đại Việt. Ông đã thắng, nhưng ông còn muốn toàn thắng. Ông có tầm mắt rộng, biết kết hợp nhiều mặt trận. Ông thực tế, nếu không biết chắc ăn sẽ không liều lĩnh. Nhưng ông cũng là người thức thời, quyết không bỏ lỡ cơ hội.
Vì vậy, quyết định đánh lớn của ông đã làm nức lòng tướng sĩ. Quân đội của ông tuyệt đối tin cậy ở ông. Ông đã bảo phen này sẽ bắt Đại Việt phải đầu hàng. Tất cả người lính Chiêm Thành đều nức lòng, chuẩn bị tiến vào Thăng Long lần thứ năm.
Có thể nói, việc chuẩn bị tấn công của Chế Bồng Nga khá hoàn hảo. Ông ưa sự chu đáo, tỉ mỉ. Ông nói với La Ngai: “Trong việc dụng binh, phải chú ý cả đến những điều nhỏ nhặt nhất”, nhưng ông lại phạm một sai lầm nhỏ.
Tháng trước, sau trận thắng ở Thanh Hoá. Chế Bồng Nga mở tiệc khao quân, trước khi tiến quân vào lưu vực sông Hồng. Quân sĩ được phép uống rượu lu bù. Đến nửa đêm, mọi người đều say bí tỉ. Bọn lính từng tốp rủ nhau vào các làng lân cận bắt đàn bà con gái để hành lạc. Ba Lậu Kê là viên quan nhỏ theo hầu Chế Bồng Nga. Vua Chiêm luôn cần hắn bên cạnh, nên hắn không được phép rời nơi đóng quân, theo bọn lính vào làng. Họ Chế thường nói với binh lính.
- Ngày xưa, quân Việt mạnh, lúc thắng ta họ vẫn thường bắt đàn bà con gái làm thê thiếp, đàn ông bắt làm nô tì hầu hạ. Trong bữa tiệc, chúng bắt đàn bà Chiêm múa hát, đàn ông phải quỳ đầu đội đèn sáng cho chúng ăn uống. Vậy nên, nay quân Chiêm mạnh, ta cũng làm như họ. Của cải của họ là của cải của chúng ta, đàn bà con gái của họ là thê thiếp của chúng ta...
Trong đội ca múa của Chế Bồng Nga có nhiều con gái Việt. Da dẻ họ đã trắng trẻo, giọng hát của họ lại líu lo và chân tay họ múa cũng mềm mại, yểu điệu, chẳng kém gì con gái Chiêm Thành. Có thể các cô vũ nữ người Việt chẳng đẹp hơn các cô gái Chiêm, nhưng họ là những của vật lạ. Và cái gì lạ cũng đều hấp dẫn. Đêm hôm ấy, Ba Lậu Kê, có thể vì say, có thể xa nhà đã lâu, có thể vì thói mê thích của lạ, nên nhân lúc ngọn đèn khi mờ khi tỏ, và mọi người đều chếnh choáng chẳng ai chú ý đến ai, đã ôm lấy cô vũ nữ người Việt trong đoàn ca múa cung đình mà anh ta hằng ao ước Cô gái giãy giụa, Ba Lậu Kê hổn hển cười. Cô ta chạy. Ba Lậu Kê đuổi theo. Anh lính hầu túm được vạt áo cô gái. vạt áo rách toạc, để lộ ra làn da nõn nà làm anh không thể cầm lòng. Ba Lậu Kê ôm chầm lấy cô, cắn vào má, vào vai, vào đôi vú tròn trịa. Cô gái Việt lúc đầu chỉ chạy không kêu... bởi vì quá sợ, nhưng rồi cô cũng hét lên được. Cô gào to:”Cứu tôi với”. Và điều này Ba Lậu Kê không hề nghĩ tới.
Mọi người đều say, riêng vua Chế không say. Mọi người đi tìm thú vui, riêng mình ông lại suy nghĩ. Lúc đó ông đứng giữa sân rộng, nhìn lên trời, ngắm những ngôi sao nhấp nháy, như ngắm nhìn những quân cờ để tính thừng nước đi sắp tới. Bầu trời bao la, những ngôi sao thưa thớt lạnh lẽo những rất sáng đã gợi hứng cho những tưởng tượng chiến trận của ông. Ông đang khoan khoái, tâm hồn luôn căng thẳng của ông chẳng mấy khi được những phút thư giãn thế này... Bỗng ông giật mình như tỉnh mộng, vì chợt nghe thấy tiếng kêu cứu ông vội chạy vào, và chợt bắt gặp cảnh cô vũ nữ đang bị loã lồ.
Còn thêm một điều nữa mà Ba Lậu Kê không ngờ tới: Chế Bồng Nga rất yêu thích cô vũ nữ người Việt này. Trong mọi việc xảy ra giữa binh sĩ Chiêm và người việt vua Chiêm thường vẫn đứng về phía đồng bào của mình. Ở đây không lấy lẽ công bằng làm chuẩn mực, vua Chiêm cũng biết đó là điểm yếu của mình, song ông vẫn thích đối xử thiên lệch như vậy. Âu cũng là lẽ thường tình khi hai bên thù địch. Binh lính Chiêm Thành cũng vì cách đối xử thù hận ấy của Chế Bồng Nga nên rất quý ông; họ hy sinh hết lòng vì sự nghiệp của ông phần nào cũng do mối đồng thù hận ấy.
Nhưng lần này lại hoàn toàn khác. Khi vua Chiêm trông thấy làn da tràng nõn của cô gái bị phô ra trong ánh nến. Ông bỗng nhíu mày lại. Ông trừng mắt, rồi sầm sầm đi tới trước Ba Lậu Kê. Anh lính hầu tỉnh ngay rượu, mặt xám ngoét. Chế Bồng Nga vung tay lên, dùng hết sức tát vào má người lính. Họ Chế nổi lôi đình, quát mắng và đuổi Ba Lậu Kê ra ngoài. Khi người lính đi khỏi, cô vũ nữ cũng nhân cơ hội lẩn đi đâu mất. Còn lại một mình, cơn tức giận của ông cũng dần dần xẹp xuống. Ông đi ra sân, ngẩng đầu nhìn trời, nhưng thấy hoàn toàn mất hứng. Ông ngẫm nghĩ, chợt hối hận. Sao lại xảy ra như thế? Ta có bao giờ đối xử thế này? Sao ta có thể đánh con người hèn mọn đã cúc cung tận tuỵ với ta hơn một năm nay? Anh ta xa nhà, xông pha hiểm nguy để được ta đối xử như thế sao? Lòng bối rối không sao yên được, ông đích thân tìm khắp nơi, rồi sai thuộc hạ đi tìm Ba Lậu Kê ngay đêm hôm ấy, nhưng không thấy. Sáng hôm sau anh ta cũng không về. Cứ tưởng anh ta hết giận sẽ quay lại, song Ba Lậu Kê đã biệt tăm. Người lính hầu đã bỏ trốn. Không ai có thể ngờ Ba Lậu Kê đã giả trang dân Việt tìm đến vùng Hoàng Giang. Anh ta đã sống nhiều với người Việt nên ăn nói hoàn toàn như người Việt.
Đêm hôm ấy. khi Trần Khát Chân đang bàn việc quân với các tướng, bỗng được tin có một người lính Chiêm đầu hàng, xin gặp chủ tướng để báo việc cơ mật. Khát Chân cho mọi người lui, chờ gặp tên hàng binh, Bùi Bá Kỳ dẫn một người nhỏ thó, da nâu sẫm, tóc loăn xoăn bước vào. Anh ta khúm núm chào.
- Tên nhà ngươi là gì?
- Tiểu nhân tên Ba Lậu Kê.
- Quê quán, cha mẹ, ở đâu, làm gì?
- Bẩm, quê quán Châu ô, cha là Ba Lậu Khiêm người Chiêm Thành, mẹ là Thị Hiền người Việt đều đã chết trong loạn lạc.
- Thảo nào! anh nói tiếng Việt quá sõi? Anh muốn báo cho ta việc gì?
- Tôi là kẻ hầu cận ở cạnh Chế Bồng Nga... nên biết được nhiều chuyện không ấy ai biết.
- Nhà ngươi cứ nói... Biết chuyện gì nói hết. Chỉ có điều, phải nói cho thật đúng.
Ba Lậu Kê đưa mắt nhìn Khát Chân, rồi lại liếc sang Bá Kỳ, hắn gãi đầu rồi mới quyết định nói:
- Bẩm, tiểu nhân ngày đem hầu hạ vua Chiêm nên được biết có một số quan đại thần nhà Trần vẫn thư từ liên hệ với Chế Bồng Nga.
Bùi Bá Kỳ đưa mắt nhìn Khát Chân. Vị thống lĩnh vỗ bàn đứng dậy:
- Nhà người có biết mình đang nói gì không? Phải chăng ngươi làm kế ly gián? Tội chết đấy ngươi hiếu không?
Bùi Bá Kỳ vòng tay nói:
- Bẩm tướng quân, năm xưa đức Vua Duệ Tôn vào đất Chiêm, viên tiểu quan của Chế Bồng Nga là Thu Bà Ma đã trá hàng, nói dối rằng quân Chiêm thua chạy, để nhử quân ta sa vào ổ phục kích của chúng. Xin tướng quân cho đem chém tên Ba Lậu Kê này. Chẳng qua hắn cũng là kẻ trá hành.
Ba Lậu Kê quỳ xuống run rẩy:
- Kẻ hèn mọn này cũng biết việc Thu Bà Ma năm xưa, sao lại dám tái diễn trò cũ, sao lại dám dại dột rước vạ vào thân. Kẻ hèn mọn này xin thề hoàn toàn nói lời trung thực. Nếu sai xin chịu chết chém.
- Người lấy gì làm bằng chứng?
- Dạ, vua Chiêm để tất cả thư từ liên lạc vào trong một chiếc hòm nhỏ mầu xanh, luôn để bên người.
- Điều ngươi nói làm sao tin được, bởi vì ngươi đâu có mang cái hòm đó tới đây.
- Dạ, dạ... - Ba Lâu Kê luống cuống - Bẩm bằng chứng... A! Kẻ hèn mọn này có rồi, có bằng chứng rồi... Hiện nay trên sông Hoàng Giang có mấy chiếc thuyền Chiêm đang giả làm thuyền đánh cá để theo dõi tình hình quân Việt... Họ đều là người Chiêm, tiểu nhân nhận được mặt. Chập tối, tiểu nhân đội nón rách núp bên sông, thấy một chiếc thuyền của chúng lảng vảng gần đấy, trên đó có hai người: một tên là Nạc Mậu. một tên là Chế Ma Na.
Trần Khát Chân vội sai ngay Bùi Bá Kỳ cấp tốc đi bắt gian tế. Khi mọi người đã ra ngoài hết, tướng quân mới hỏi riêng Ba Lậu Kê:
- Tên những đại thần ngầm liên hệ với Chế là ai?
- Tiểu nhân nghe thấy nhiều, nhưng chỉ nhớ được hai người, vì tên của họ luôn được nhắc tới. Đó là quan tư đồ Trần Nguyên Dĩnh và quan thiếu bảo Trần Tôn.
- Đĩnh và Tôn ư? Khát Chân rung động trong lòng. Ông thầm suy ngẫm một lát rồi nói. Điều này vô cùng hệ trọng... Ngươi phải biết nếu giả trá, tính mạng người ra sao rồi chứ?
- Bẩm, kẻ hèn mọn này hiểu, bởi vậy chưa dám hé môi với ai... Và khi nãy, vì có người nên tiểu nhân cũng không dám nói tên hai người đó.
- Ngươi tinh ma lắm!
- Đại nhân quá khen. Chỉ là thói quen thôi ạ. Ở gần các bậc vua chúa phải biết khi nào cần nói.
- Ngươi tinh ma thế, tại sao Chế Bồng Nga lại bạc đãi ngươi?
- Bởi vì... Ông ta tính đa sát.
- Đa sát?
- Vua Chiêm chẳng tin ai bao giờ. Ông ta hay để bụng. Có thể ngoài miệng ông rất ngọt, nhưng nếu đã phật lòng, trước sau ông ta cũng giết. Cứ mỗi năm, ông ta lại thay đổi người hầu cận một lần... Mà con đã hầu hạ cận kề bên ông ta hơn một năm rồi... Con đã biết quá nhiều chuyện.
- Nhưng tại sao lần này vua Chiêm nổi giận với ngươi?
Con đã quá say. Sau trận sông Lương, có tiệc khao quân, con uống quá chén... Vâng, khi say người ta thật dại dột. Con đã cả gan xúc phạm một cô nương vũ nữ... Cô nương này lại được vua Chiêm yêu quý... Con biết nhưng quá say...
Giọng kể chuyện thật thà của Ba Lậu Kê làm Trần Khát Chân chú ý. Ông hỏi rất nhiều chuyện tỉ mỉ về Chế Bồng Nga:
- Ông ta thích gì?
Vua Chiêm rất thích hát múa. Lúc nào bên cạnh ông cũng có một đoàn vũ nữ được tuyển chọn kỹ lưỡng, vì Chế Bồng Nga rất sành nhạc và múa. Quan giữ việc nhạc sau khi chọn xong, chính vua Chiêm lại đích thân duyệt từng người. Thậm chí có gia đình mắc tội nhưng có con gái đẹp và hát múa giỏi đem dâng. cũng sẽ được miễn tội. Ngay cả khi đem quân đi chinh chiến. nguy hiểm thế, bận bịu thế. vua Chiêm cũng không quên mang theo đội ca múa.
Nói tới đây, Ba Lậu Kê ngừng lại, liếc nhìn vẻ mặt của Khát Chân. Anh ta sợ câu chuyện của mình quá dông dài, ba hoa, hoặc giả anh ta ngừng vì câu chuyện đến đây mới là cái nút. Khát Chân tỏ ra rất quan tâm:
- Nhà ngươi cứ tiếp... à, ta muốn hỏi điều này... Vậy có phải chiếc thuyền vua Chiêm ngự là chiếc thuyền trên đó có dàn nhạc cung đình, có đoàn ca múa?
Ba Lậu Kê mỉm cười ranh mãnh:
- Đây cũng là điều con muốn nói riêng với tướng công. Như kẻ hèn mọn đã nói, Chế Bồng Nga vốn đa nghi và mưu mẹo. Không bao giờ ông ta ngự trên chiếc thuyền có đàn nhạc hát múa. Chiếc thuyền đó lộng lẫy, sơn mầu vàng rực rỡ, treo đèn gấm, thưng chỉ là chiếc thuyền nguỵ trang đánh lừa đối phương. Thỉnh thoảng vua Chiêm có xuất hiện trên thuyền rồng, nhưng chỉ là khi tiệc tùng hội họp. Còn hàng ngày, Chế Bồng Nga bao giờ cũng ở trên một chiếc thuyền nhỏ khác. Thuyền này sơn màu xanh xoàng xĩnh, nhưng tiện nghi. Thoạt trông, nó hoàn toàn giống như trăm ngàn chiếc thuyền chiến của đám thuỷ binh tầm thường.
Mắt Trần Khát Chân bỗng sáng lên:
- Người lạ có thể nhận ra chiếc thuyền đó không?
Rất khó nhận biết. Nhưng riêng tiểu nhân, lúc nào cũng nhận ra ngay, bởi vì tiểu nhân hàng ngày ở trên đó đã một năm nay...
Khát Chân gật đầu bằng lòng:
- Cũng có lý. Ta có thể tin ngươi. Nhưng cũng cần nhác lại: nếu nói đúng ngươi sẽ được trọng thưởng, còn nếu man trá...
***
Quân của Bùi Bá Kỳ lục soát một khúc sông dài gần doanh trại. quả nhiên bắt được thuyền của Chế Ma Na và Nặc Mậu giả làm thuyền dân chài, đúng như lời khai của Ba Lậu Kê. Như vậy, kế hoạch bày binh bố trận phải thay đổi hoàn toàn.
Bùi Bá Kỳ nói với thống lĩnh:
- Thưa tướng quân, giặc đã cho người dò xét trận địa của ta, như vậy trận địa quyết chiến phải thay đổi.
- Ta đã trù tính, đã dự phòng ở một địa điểm trên sông Luộc. Ông cứ làm như không có chuyện gì. Ta cứ tiến hành như bố trí tại đây, làm trận địa giả để đánh lạc hướng địch. Còn trận địa thực trên sông Luộc, ta đã sai Vũ Soạn đi chuẩn bị đêm qua.
- Bẩm tướng quân, xưa vẫn nói: “Lòng giặc sâu hiểm khôn lường” có thể Ba Lậu Kê khai ra Chế Ma Na và Nặc Mậu cũng là kế trí trá của Chế Bồng Nga. Thả tốt bắt xe. Kế ly gián. phản gián người xưa đã dùng nhiều. Ba Lậu Kê nói tới việc đại thần nước ta tư thông với giặc...
- Ta biết... Ông là người tâm phúc, nên hiểu lòng ta. Ông nên biết, ta trung với nhà Trần, ghét kẻ loạn thần, nhưng ta còn tởm lợm khi thấy bọn liếm gót ngoại bang. Kẻ nam nhi trượng phu phải có khí phách tự mình làm lấy việc lớn. Bằng không, hãy tự đập đầu chết quách, chứ đâu lại chịu gục mặt làm điều vô sỉ, quỳ gối cầu khẩn ngoại bang. Tuy nhiên, vẫn phải vô cùng tỉnh táo. Ta đâu có phải kẻ dễ bề cho Chế Bồng Nga lợi dụng kế ly gián làm cho vua tôi triều đình lục đục nghi ngờ lẫn nhau. Nhưng thôi, chuyện này hãy gác lại để về sau xem xét. Trước mắt là trận quyết chiến. Ta sẽ dùng gậy ông đập lưng ông. Chế Ma Na và Nạc Mậu khai ra ằng họ đã cho người về báo cáo tình hình trên sông Đáy với Chế Bồng Nga. Vậy là vua Chiêm vẫn chưa biết kế hoạch quyết chiến của ta chuyển sang sông Luộc. Ngày mai quân ta ở Hoàng Giang sẽ rút lui. Ta đã bàn với ông Khả Vĩnh kỹ càng kế hoạch dụ địch. Còn ông, bây giờ mau đi thuyền đến sông Luộc cùng Vũ Soạn bố trí lực lượng.
Đoàn chiến thuyền của tướng Phạm Khả Vĩnh trên sông Hoàng Giang gồm toàn thuyền nhỏ gọn; binh sĩ gồm toàn những thuỷ binh trẻ khỏe, thạo nghề sông nước rất cơ động.
Khi tiền quân Chiêm Thành phá cọc trên sông để tiến công thì bộ binh của ta trên bờ ào ạt bắn tên. Thuỷ binh của Khả Vĩnh cũng xông tới bắn tên như mưa làm thành hàng rào tên ở quãng cọc bị nhổ. Quân Chiêm đành lùi lại.
Đợt tấn công thứ hai, tướng La Ngai thay cách đánh. Quân Chiêm dùng tượng binh theo bờ đê đánh vào toán bộ binh Việt bố trí trên bờ. Bị lộ trận địa, bộ binh ta rút lui. Lúc này quân Chiêm thế chỗ quân Việt trên bờ, họ bắn tên rào rào xuống chiến thuyền của ta.
Tướng Vĩnh hạ lệnh cho thuỷ quân cũng rút lui. Thuyền của ta nhẹ hơn, lại quen luồng lạch, nên bơi ngược dòng nhanh hơn đối phương. Quân Chiêm đuổi theo đến hàng rào cọc thứ hai. Quân Việt lại xối xả bắn tên từ trên bờ xuống.
Cứ như vậy, quân ta vừa rút vừa đánh suốt mấy ngày liền. Đến ngày thứ ba, quân Chiêm thắng lợi đuổi theo những đã mỏi mệt phờ phạc. Ba ngày đêm liền, trận chiến liên tục không ngừng.
Chiều ngày thứ ba, quân Chiêm đuổi kịp quân Việt trên sông Luộc. Phạm Khả Vĩnh tỏ ra rất tài tình đã nhử được đại quân của Chế Bồng Nga vào khu vực mai phục của ta. Vĩnh tài tình vì đã vừa đánh vừa rút, khéo léo ở chỗ không làm cho địch sinh nghi. Nếu chỉ rút đơn thuần, chắc chắn sẽ không che nổi mắt vua Chiêm. Khả Vĩnh, khi rút lui vẫn đánh rất hăng để Chế Bồng Nga có cảm giác quân Việt kém quân Chiêm, chứ không phải đang nhử chúng. Thậm chí, buổi sáng hôm ấy một đội thuyền để nhử quân địch đi vào sông Luộc đã phải tử chiến với giặc. Hơn bốn chục chiếc thuyền đã bị địch diệt một nửa. Những thuỷ binh Việt bị ngã xuống nước, bị quân Chiêm bắn tên diệt đến người cuối cùng, máu hồng cả một đoạn sông.
Mấy chục chiếc thuyền còn sót lại của Khả Vĩnh chạy trốn vào sông Luộc. Trận chặn địch khốc liệt như vậy thành thử vua Chiêm không thể ngờ có quân mai phục. Khát Chân đã chọn một khúc sông không rộng lắm, hai bên bờ có hai ngôi làng nhỏ. Trần Khát Chân bố trí voi và bộ binh trong hai làng đó. Đặc biệt lại bố trí ba đội hoả pháo, hai đội ở hai bên bờ và một đội trên thuyền. Đích thân tướng quân chỉ huy trận đánh. Chờ cho toàn bộ chiến thuyền của Chiêm Thành gần lọt hết vào trận địa, quân ta mới đánh. Đoàn thuyền của Phạm Khả Vĩnh đang chạy, bỗng dừng lại, quay mũi thuyền chặn đường. Từ một con sông Đào, thuyền của ta đột ngột xuất hiện, cắt đôi đội thuyền Chiêm Thành.
Hơn trăm thuyền giặc, hơn trăm thuyền ta quần nhau trên một khúc sông dài. Khát Chân ngồi trên thuyền nhẹ, bên cạnh là tì tướng Vũ Soạn. đằng trước mũi là Ba Lậu Kê, chân bị trói vào cọc thuyền. Nó kia rồi? Chiếc thuyền mầu xanh xỉn đi sau hai. Chiếc thuyền khác sơn cùng màu. Chỉ có khác chiếc thuyền này mui gỗ. còn hai chiếc kia mui bằng tre.
- Ngươi nhận đúng rồi chứ?
- Hoàn toàn đúng! Kìa ông ta đang đứng trước căn buồng mui gỗ. Chế Bồng Nga đứng đó! Cao lớn! Vạm vỡ Râu quai nón!
- Còn người thứ hai mới chui ra?
- Đó là Trần Nguyên Diệu.
Lập tức, Trần Khát Chân ra hiệu lệnh. Đội hoả pháo trên chiếc thuyền sau lưng thuyền thống lĩnh liền tập trung phát hoả nhằm vào chiếc thuyền gỗ màu xanh xỉn của Chế Bồng Nga. Nhận được tín hiệu, hoả pháo trên bờ cũng nhằm vào mục tiêu đặc biệt. Những chiến thuyền khác đang đánh nhau gần đấy cũng bỏ dở cuộc chiến. tất cả đều nhằm vào chiếc thuyền mầu xanh xỉn bắn tên. Pháo nổ, tên bay. Lửa và mưa tên đổ ào ào xuống chiếc thuyền chỉ huy của địch. Diễn biến thật quá bất ngờ. Chế Bồng Nga chưa kịp quay vào trong thuyền đã bị trúng tên. Ông ta bị thương ngay loạt tên đầu.
- Gục rồi?
- Chế Bồng Nga trúng tên rồi!
- Chế Bồng Nga chết rồi!
- Kìa! Hắn gục ngay trên sạp thuyền.
Nghe tiếng reo hò của quân Việt, quân Chiêm rung động. rối loạn hàng ngũ. Hai chiếc thuyền hộ vệ Chế Bồng Nga vội quay lại cứu chúa.
Phạm Nhữ Lặc, Dương Ngang, Bùi Bá Kỳ từ thuyền của ta nhảy lên thuyền Chế Bồng Nga. đánh nhau với quân Chiêm đang định đem chiếc thuyền chúa rút chạy. Quân Việt xô đến tiếp ứng. Trong khi đôi bên hỗn chiến. Chế Bồng Nga bị trúng tên xuyên suốt, ngực nhưng còn ngắc ngoải. Nhìn chung quanh thấy tình hình đã hoàn toàn thay đổi, phần thắng đã ngả hẳn về phía Đại Việt, Trần Nguyên Diệu lại nhìn thấy Vua Chiêm đã chết hẳn, liền lấy thanh kiếm chặt đầu Chế Bồng Nga. Ông ta định lập công chuộc tội. Nắm lấy mớ tóc giơ cao chiếc đầu lâu. Nguyên Diệu nói to:
- Ta đã chặt được thủ cấp Chế Bồng Nga.
Trông thấy đầu lâu vua Chiêm còn ròng ròng máu tươi toàn thể quân địch lập tức tan rã. Thuyền địch rút chạy tán loạn, binh sĩ Chiêm chẳng còn lòng dạ nào chiến đấu, đứa thì nhảy xuống nước thoát thân, đứa thì vứt cung tên, vứt giáo xin hàng. Phạm Nhữ Lặc cầm đao hét Nguyên Diệu:
- Mày là ai? Bỏ cái đầu lâu xuống?
Không biết ta sao? Ta là Trần Nguyên Diệu. Ta là con vua.
- Mày là thằng phản quốc
Diệu trở nên lúng túng. Nhữ Lặc và Dương Ngang, sát khí đằng đằng, xông tới như đôi hổ đói.
- Không biết nhục. Đồ hàng giặc! Tôn thất gì mày?
Diệu luống cuống. định chạy vào khoang thuyền nhưng không kịp. Hai người vung dao chém xả Nguyên Diệu chết tươi. Dương Ngang cướp lấy chiếc thủ cấp Chế Bồng Nga. Phạm Nhữ Lặc nhảy vào khoang thuyền. Bùi Bá Kỳ đã ở trong đó, đang lúi húi mở chiếc hòm nhỏ mầu xanh.
- Ông làm gì vậy?
- Ta thu nhặt giấy tờ của vua Chiêm cho tướng quân Khát Chân.
- Xin ông cứ để nguyên. Đó là phần việc của tôi.
- Ai cho ông quyền?
- Tôi được thái sư Quý Ly đặc biệt giao quyền phải thu nhặt những mật tin về Chiêm Thành.
- Ông đừng loè bịp.
- Ông không tin ư? Ta là liêm phóng sứ ngoài mặt trận. Ta sẽ trình giấy uỷ nhiệm với ngài tướng quân. Nếu ông cả gan ngăn trở, ông sẽ chịu trách nhiệm.
Bùi Bá Kỳ tức giận như điên, khi Phạm Nhữ Lặc ôm chiếc hòm xanh đầy giấy tờ của Chế Bồng Nga đi ra khỏi khoang thuyền.
***
Ngay đêm hôm ấy, Trần Khát Chân đặt thủ cấp Chế Bồng Nga vào trong chiếc hòm gỗ, cấp tốc gửi về triều đình. Phạm Nhữ Lặc, Dương Ngang được cử mang hòm đó về ngay Bình Than. Chọn hai con ngựa trạm thật khỏe chạy suốt ngày đêm. Đến mỗi trạm lại thay ngựa mới.
Đang đêm, lúc canh ba, hai người về tới Bình Than. Thái sư Quý Ly được tin, vội tức tốc sang cung Nghệ Hoàng. Nội thị vào đánh thức ông vua già. Nghệ Tôn giật mình tỉnh giấc, tưởng giặc Chiêm Thành đã đến. Ông hoảng kinh hỏi:
- Chế Bồng Nga tới rồi sao?
Thái sư quỳ xuống tâu:
- Thần xin chúc mừng bệ hạ. Không phải chuyện xấu mà là chuyện vui lớn. Quân ta thắng trận rồi!
- Thắng trận?
- Muôn tâu thánh thượng. chẳng những thắng mà đại thắng. Tướng quân Trần Khát Chân đã chặt đầu Chế Bồng Nga, đem bỏ hòm, cấp tốc từ mặt trận mang về dâng lên thượng hoàng.
- Vậy ư? Thật là chuyện đại hỉ.
Ông vua già đã hoàn toàn tỉnh táo, mặt rồng rạng rỡ. Ông truyền:
- Khanh hãy triệu tập ngay trăm quan đến coi cho kỹ. Có đúng thực là thủ cấp Chế Bồng Nga hay không?
Đang đêm, toàn bộ hành cung Bình Than bỗng tưng bừng thức dậy. Những chiếc đèn lồng gấm nối đuôi thau đến cung hai vua.
Chiếc hòm đựng đầu lâu vua Chiêm được đạt trên bàn, nắp mở toang. Trăm quan lần lượt kéo nhau qua xem.
Thái sư Quý Ly xác nhận trước tiên:
- Thần đã nhiều lần đụng độ với con người này, đã thấy mạt con người này. Đúng là bộ râu quai nón đã đốm bạc! Đúng là đôi mắt xếch...
Nhiều vị quan đã đi sứ sang Chiêm Thành đều xác nhận nhân dạng. Thượng hoàng Nghệ Tôn lúc đó mới từ ngai vàng bước xuống, nhìn vào chiếc hòm, giọng bùi ngùi đối thoại với chiếc đầu lâu:
- Trẫm đã đối địch với ông hơn hai chục năm, hôm nay mới nhìn tận mặt... Thật là râu hùm, hàm én. Là kẻ thù nhưng ông xứng bậc anh hào... Sao ông vẫn trợn mắt nhìn ta vậy? Hãy vuốt mắt cho ông ta... Đại Việt và Chiêm Thành khác nào như Hán với Sở. Ta nhìn thấy mặt ông khác nào Hán Cao Tổ trông thấy đầu Hạng Vũ. Từ nay thiên hạ đã đại định. Ta sẽ chôn cất cho ông như bậc vương hầu...
Trăm quan cùng quỳ xuống chúc mừng hai vua. Nghệ Tôn và Thuận Tôn, vua cha và vua con, hai mắt rồng đều hớn hở rạng rỡ chưa từng thấy.
***
Đoàn thuyền treo đèn kết hoa, đàn sáo tưng bừng đưa toàn thể triều đình quay về Thăng Long. Nghệ Hoàng ra chiếu chỉ đại xá trong cả nước. Rồi khen thưởng hậu hĩ cho những người tham gia trận đánh lịch sử.
Thuyền của tướng quân Trần Khát Chân từ vùng châu thổ ngược sông Hồng về bến Đông. Người dân kinh đô nô nức ra đón vị anh hùng cứu nước. Vua sai chọn con voi to mầu trắng để rước tướng quân trên đường phố Thăng Long. Hai hàng binh sĩ gươm giáo sáng choang đi dẫn đầu. Một đoàn trống to nhỏ đánh theo nhịp rước kiệu, nhịp trống đặc biệt chỉ đánh vào ngày đại lễ khi rước kiệu vua đi. Trống con rung giòn và nhịp nhàng, xen kẽ tiếng trống cái. Những tiếng tùng trầm rơi vào những nhịp bất ngờ rất có duyên. Trống nghỉ, đến lượt chiêng biểu diễn. Đoàn chiêng cũng đông, xếp đầy từ chiêng nhỏ đến to, do một thày mường chỉ huy. Các cô gái đánh chiêng mặc váy đen, áo nhiều mầu. Tiếng chiêng nhịp nhàng như tiếng suối chảy, tiếng chim rừng líu lo lạc về nơi đô hội, đem lại cho đám rước một sắc thái vui tươi mới lạ chưa từng thấy.
Con voi trắng phủ trên mình tấm gấm mầu đỏ thêu hoa, tua ngũ sắc rủ gần sát đất. Trên lưng voi, chiếc bành gỗ sơn son bóng loáng. Tướng quân Khát Chân mạc võ phục ngồi trên đó vẫy tay đáp lại lời tung hô chào mừng của dân kinh đô đứng chật hai bên lề đường.
Nghệ Hoàng vốn khéo. Ông vua già muốn nhân chiến thắng, lấy lại uy tín cho họ Trần, đồng thời làm cho các trung thần của nhà Trần lấy lại tinh thần phấn chấn, nên đã cho tổ chức đám rước Trần Khát Chân thật long trọng. Ngoài đám rước tướng quân, còn cho khắp nước mở hội ăn mừng ba ngày sao cho thật linh đình. Bảo là linh đình nhưng thực ra cũng không tốn kém. Bởi chiến thắng Chế Bồng Nga xảy ra tháng giêng năm Canh Ngọ (1390). Trong mấy ngày Tết vừa qua, nhân dân khắp nước còn lo chạy loạn Phạm Sư Ôn và giặc Chiêm Thành nên có ai ăn tết đâu. Nay triều đình làm ba ngày tết đại thắng, điều ấy hợp lòng dân. Vua xuống chiếu cho các xã quan phải lo cho cả nhà nghèo cũng được ăn tết. Nhà chùa nấu bánh chưng phát chẩn. Suốt ba ngày đêm, các chùa làm lễ cầu siêu. Kẻ khó được phát gạo, thịt, bánh chưng ăn trong ba ngày. Ở bãi chùa làng tổ chức vui chơi: hát đúm, hát ví, hát dâng hoa cúng Phật, rồi rước kiệu, đánh đu, đánh vật đánh cờ người, chọi gà, chọi trâu. Ở Thăng Long hội được tổ chức rầm rộ nhất. Tại tháp Báo Thiên, đó là ba ngày tưng bừng chưa từng thấy. Ở thôn quê dân đấu vật, thì ở đây triều đình tổ chức đấu voi. Ở làng xã gái trai hát đúm, thì ở đây nhà vua sai đội vũ nhạc cung đình múa hát theo tích truyện. Ở chùa làng người ta dâng hoa cúng Phật, thì tại đây người ta làm hội đèn quảng chiếu và hội phóng đăng trên hồ Lục Thuỷ... Nghệ hoàng ban thưởng công trạng cho những người có công to trong việc bình Chiêm?
Trần Khát Chân được phong nội vệ thượng tướng quân, tước Vũ tiết quan nội hầu, lại cấp đất cả vùng Trại Mai.
Phạm Khả Vĩnh được phong xa kỵ thượng tướng quan, tước quan phục hầu.
Phạm Nhữ Lặc được làm quản lính cấm vệ đô, ban tước năm tư.
Dương Ngang cũng được ban tước năm tư và cho 30 mẫu ruộng.
Hết tháng giêng, sang tháng hai. sự phấn khởi do chiến thắng cũng qua di rất nhanh. Người dân quê lại phải lo đối mặt với miếng cơm manh áo, với nạn cường hào đục khoét, với nỗi cùng cực của kiếp nô tì mà chiến thắng Chế Bồng Nga cũng không tài nào giải quyết được.
Thượng tướng quân Khát Chân lui về đất phong hầu Trại Mai, để lo dựng nhà ở, xếp đặt vườn tược, và vỗ về đám nông dân sống trên mảnh đất của mình. để có thể thành lập riêng một đội thân binh. Thượng hoàng ban cho ông đất Kẻ Mơ cũng vì cái ý muốn đó. Trại Mai nằm ở cửa ngõ Thăng Long. Thượng Hoàng bảo riêng với Khát Chân: “Trẫm muốn khanh luôn ở gần trẫm, sợ những lúc thời tiết chẳng thuận hoà, có sự biến...” Vũ Soạn được giao việc kiểm lại số trai tráng trong vùng, cấp cho gia đình họ những mảnh đất màu mỡ. để họ yên tâm tập luyện. trở thành những người thân tín, gắn bó sống chết với thượng tướng quân.
Một buổi, Khát Chân đang cùng ngồi với Vũ Soạn, tì tướng Bùi Bá Kỳ dáng hốt hoảng xuống ngựa, vào gặp:
- Bẩm tướng quân, có việc vô cùng hệ trọng.
- Việc gì?
- Chiếc hòm xanh.
Thượng tướng nhíu mày hỏi:
- Có phải chiếc hòm mà Phạm Lặc và Dương Ngang hôm xưa đã cấp tốc đem về Bình Than cùng với thủ cấp Chế Bồng Nga?
- Bẩm, chính chiếc hòm ấy? Mấy bữa trước, thái sư Quý Ly tâu với đức thượng hoàng: “Trong đạo trị nước, theo thể chế của các tiên vương, việc thưởng phạt rất nghiêm minh. Thời vua Trần Nhân Tôn sau khi cả phá quân Nguyên, có hai làng làm phản đi theo giặc. Hai làng đó bắt buộc phải xoá sổ. Làng xã nhà cửa bị triệt hạ thành bình địa, trai tráng phải thích chữ vào mặt đầy đi viễn châu, đàn bà con trẻ bị bắt làm nô tì suốt đời. Nay, việc khen thưởng đã xong, đã đến lúc phải trừng phạt những kẻ có tội phản nghịch, để làm gương cho mọi người. Ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá, có nhiều kẻ nhân lúc Chiêm Thành đương thịnh đã làm phản theo giặc. Nay xin theo lệ xưa trị tội”.
Đức Nghệ Hoàng bảo: “Trẫm chuẩn tấn. Cứ theo luật lệ của tổ tiên mà làm”. Khi đó, thái sư bèn dâng chiếc hòm xanh bắt được của Chế Bồng Nga lên: “Bẩm thượng hoàng, vừa rồi mới là tội của bọn dân đen. Còn những chuyện nằm trong chiếc hòm này hệ trọng hơn”. Đức Nghệ Tôn liền đọc những giấy tờ trong chiếc hòm. Càng đọc nét mặt của người càng tái lại, giận dữ...
Trần Khát Chân lắc đầu thở dài:
- Không ngờ cơ sự lại đến như thế.
- Tướng quân có biết trong hòm ấy có thư của những ai đi lại với Chế Bồng Nga?
- Ta không đọc những giấy tờ trong đó. Nhưng Ba Lậu Kê đã nói tên một đôi người cho ta biết. Đó là tư đồ Trần Nguyên Đĩnh, thiếu bảo Trần Tôn...
- Họ đều là những trung thần của nhà Trần.
- Ta thông cảm... ta hiểu họ là những người muốn bảo vệ cơ nghiệp tổ tiên. Nhưng thực lòng, ta không tán thành cách làm của họ. Tại sao vì chính nghĩa mà lại phải cần cứu đến Chế Bồng Nga, để đến nỗi đang từ chính bỗng thành tà? Còn Hồ Quý Ly? Ông ta đang làm biến pháp. Thực ra, phải đổi thay mới cứu vãn được tình thế nước nhà. Nhưng liệu ông ta có chỉ dừng lại ở sự canh tân thôi không? Thực ra, tham vọng của ông ta đến mức nào, ta không hiểu. Và còn điều này cứ day dứt ta: có lẽ nào chỉ vì Hồ Quý Ly mà phải làm kẻ đầu hàng ngoại bang?
- Bẩm tướng quân, đối với kẻ loạn thần, bất kể biện pháp nào cũng có thể dùng được.
- Ngươi lầm rồi? Đã nhiều năm ngươi ở bên ta, ta hiểu trong bụng ngươi đang nghĩ gì. Ngươi đọc nhiều kinh sử Trung Hoa, ngươi biết rằng ở bên đó, mỗi khi một ông vua thất thế, người ta thường vội vã chạy sang cầu cứu ngoại bang. Nhưng phải nhớ đó là chuyện bên Trung Hoa. Còn ở Đại Việt ta, hoàn toàn khác hẳn. Nhà ngươi đọc sử nước nhà, có thấy một hoàng thân quốc thích người Việt thất thế nào chạy đi cầu cứu ngoại bang mà lại để tiếng thơm cho đến đời sau. Chính ta đã chặt đầu trần Nguyên Diệu... Thật là nhơ nhuốc... nhơ nhuốc Ta là người Việt Ngươi hãy nhớ cho kỹ. Ta là người nước Nam.
Bùi Bá Kỳ im lặng hồi lâu, rồi mới tiếp:
- Tuy nhiên, cũng phải nghĩ cách cứu lấy quan tư đồ Nguyên Đĩnh và thiếu bảo Trần Tôn. Nếu họ bị nguy, phe phò Trần sẽ suy yếu hẳn đi. Nguyên Diệu đầu hàng Chiêm Thành đã là một vết nhơ. Nay lại thêm vết nhơ Nguyên Đĩnh, Trần Tôn.
- Thái sư là người thâm hiểm.
Quý Ly thâm hiểm nhưng thực mưu lược. Phe tôn thất nhà Trần vừa mới thắng giặc, vừa mới phục hồi chút uy tín trước mọi người, thì thái sư lại đưa ra chuyện Nguyên Dĩnh, Trần Tôn. Ông ta muốn cho mọi người biết, muốn tố cáo với thiên hạ rằng phe tôn thất chỉ là lũ thối nát, lũ bán nước.
- Vậy bây giờ cần phải làm gì?
- Làm gì ư? Phải nghĩ đến kế lâu dài. Định giúp họ chạy trốn chăng? Chạy đi đâu? Chiêm Thành đã bị đánh tan rồi. Hay ngươi định giúp họ chạy sang phía nhà Minh? Ôi thôi! Nhơ nhuốc làm rồi! Đừng bôi thêm vết nhơ vào mặt nữa? Ngươi là họ ngoại nhà Trần... Ngươi hãy tìm cách báo cho họ biết trước tình hình. Nhưng hãy bảo họ đừng làm sỉ nhục tới tổ tiên thêm nữa. Hãy tự xử lấy mình là hơn cả...
Ngay hôm ấy, Nghệ Hoàng bắt đem so tự dạng những bức thư trong chiếc hòm xanh. Những lá thư báo cho Chế Bồng Nga nội tình đất Việt, đem ra so thấy đúng là nét chữ của tư đồ Nguyên Đĩnh, của thiếu bảo Trần Tôn, và của một lũ hơn mười tên quan khác trong triều đình.
Nghệ Hoàng sai lính đến vây bắt Nguyên Đĩnh, Trần Tôn, nhưng họ đều đã uống thuốc độc tự vẫn. Cả lũ tay sai nhỏ hơn cũng đều tự xử lấy mình. Chỉ riêng Trần Khang đã luồn rừng chạy trốn sang Chăm Pa rồi sau đó trốn sang Trung Hoa (Sau này Trần Khang chính là tên vua bù nhìn Trần Thiêm Bình mà Trung Hoa dựng lên để làm con bài sang xâm lăng Đại Việt).
Người anh hùng Trần Khát Chân đã vụt lên như một ngôi sao rực rỡ trên chính trường Đại Việt. Ông xuất hiện trong hoàn cảnh vừa vinh quang vừa gay go. Ông xuất hiện trong hoàn cảnh đụng đầu lịch sử giữa hai phái tôn thất thủ cựu và canh tân đang quyết liệt nhất. Lịch sử như cái guồng quay. Nó cứ quay, quay mãi và bắt buộc con người cũng phải quay theo.

<< Chương 3 | Phần VI-Chương -1 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 615

Return to top