Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Chiều mưa ngày ấy

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 41496 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiều mưa ngày ấy
Trần Thị Bảo Châu

Chương 19

Rời trung tâm thương mại với tâm trạng phấn chấn Quỳnh Hương hết sức vui mừng khi bà Thùy Nhiên đồng ý cho cô trở lại làm việc kèm theo lời hứa " sẽ tăng lương ". Dù công việc này chả thú vị gì, nhưng vào lúc này nó vẫn làm cô nhẹ nhõm khi nghĩ mình không thất nghiệp, không ăn bám cha mẹ.
Vào tới sân, cô đã thấy Phi ngồi dưới gốc mận. Thằng nhóc ra vẻ quan trọng:
- Bác Nguyệt ở trong ấy.
Ngạc nhiên đến mức hoảng hốt, Quỳnh Hương hỏi ngay:
- Bác chưa khoẻ, sao lại đến đây giữa trưa nắng thế này? Mày biết chuyện gì không?
Phi bắt bẻ:
- Hỏi thật tức cười! Chẳng lẽ bác Nguyệt tới vì quan tâm đến em?
Nhìn vẻ đăm chiêu của Hương, Phi nói thêm một câu làm cô giật mình:
- Chắc bác ấy muốn cưới dâu sớm hơn nữa.
Quỳnh Hương nạt đùa:
- Mày giỏi đoán bậy.
- Ai biểu bà hỏi.
Liếc thằng nhóc một cái, Hương bước vội vào nhà.
Ông Đức gắt gỏng:
- Đi đâu dữ vậy? Mọi người chờ con cả tiếng đồng hồ rồi.
Quỳnh Hương hồi hộp:
- Có chuyện gì ạ? Sao lại chờ con?
Bà Nguyệt vội bênh vực:
- Xin anh đừng nóng, Quỳnh Hương làm sao biết chúng ta chờ nó. Bây giờ cháu về rồi, tôi xin vào vấn đề.
Mấy ngày liền bấn đi xin việc làm, Hương không đến thăm. Hôm nay cô chẳng đoán nổi bà Nguyệt cần gặp cô để đề cập tới vấn đề gì.
Giọng bà Nguyệt vang lên, nhỏ nhưng rất rõ ràng:
- Tôi vừa thoát chết. Hơn ai hết tôi biết cuộc sống quí đến ngần nào. Tôi nằm một mình trên giường và nhớ lại hết quãng đời đã qua, rồi tự hỏi: tôi có được tự do, có được hạnh phúc bao giờ chưa?
Nhếch môi đầy cay đắng, bà Nguyệt nói:
- Nhiều người nhìn vào ngôi nhà đó, những đứa con xêng xang quần áo, tiền bạc rủng rỉnh đó mà ganh tị với những gì tôi có được.
Ông Đức tỏ vẻ bất bình:
- Mỗi người có một số phận. Ai lại ganh tị kì vậy! Khách quan mà nói chị là người hạnh phúc đó chứ!
- Đúng vậy! Nếu đứng trên quan niệm hẹp hòi của các ông chồng luôn coi vợ như là nô lệ được như tôi là hạnh phúc lắm rồi.
Ông Đức khó chịu:
- Chị nói quá lời không đấy!
Bà Nguyệt điềm đạm lắc đầu:
- Tôi chỉ nói về mình thôi, và tôi nói rất thật. Tôi lấy chồng lúc hai mươi tuổi, thuở ấy con gái khờ dại hơn bọn trẻ bây giờ nhiều, cha mẹ gả đâu thì ưng đó. Lúc đấy ba thằng Cường đã là một ông chủ bốn mươi tuổi với nhiều quyền hạn trong tay. Suốt ba mươi mấy năm, tôi đã là đầy tớ cho chồng cho con, và lấy đó làm hạnh phúc duy nhất của đời mình. Nhưng càng về già chồng tôi càng khó tính, khoảng cách tuổi tác giữa ông và các con là hố sâu khiến gia đình tôi luôn bất hoà.
Im lặng một chút, bà Nguyệt nói tiếp:
- Trong ba đứa con, ông ấy cưng chiều thằng Cường nhất.
Ông Đức khen ngay:
- Nó tốt ấy chứ! Ăn nói đâu ra đó, ham làm việc và luôn luôn cầu toàn, cầu tiến.
- Vâng! Những người không biết nhiều về Cường đều khen nó như thế! Nhưng thực chất Cường là một đứa con hư đốn, một người không ra gì. Nó lớn lên nhằm lúc gia đình tôi suy sụp, ba nó già yếu không làm ra nhiều tiền, vì vậy thay vì đáp lại lòng thương yêu của ổng, nó lại oán trách. Trong nhà nó chỉ sợ anh Hai nó, nhưng khi đứa con lớn của tôi sang Mỹ, Cường không còn xem ai trong nhà ra gì.
Quỳnh Hương bưng ly nước đưa tận tay bà Nguyệt, cô ngập ngừng:
- Bác mệt lắm rồi! Đừng nói nhiều nữa.
Khẽ lắc đầu, bà cương quyết:
- Đừng cản, bác muốn nói những điều có lợi cho cháu, bác muốn nói hết những gì lâu nay bác giấu kín.
Quay sang phía ông Đức, bà khổ sở:
- Không bà mẹ nào đi khai xấu con mình, tôi cũng vậy, xin anh hiểu cho những lời của tôi hoàn toàn là thật. Cường rất bất hiếu và hỗn láo. Khi ông nhà tôi bắt đầu lẩn thẩn, nó đã cương quyết đưa ổng vào trại nuôi dưỡng người già.
Ngừng lại để thở vì xúc động, bà Nguyệt nghẹn ngào:
- Lẽ ra lúc đó phải cản nó, nhưng tôi quá ích kỷ khi nhớ đến mấy chục năm làm vợ của mình. Ông ấy đối xử với tôi theo kiểu chồng chúa vợ tôi. Ông là vua còn tôi chỉ là một nô tì, tôi không được là một thứ phi, đừng nói chi làm hoàng hậu. Tôi tưởng tượng rằng khi ông ấy đã đi rồi tôi sẽ được tự do, thơ thới. Tháng ngày còn lại tôi sẽ nhàn hạ bên con cháu, tôi không phải vâng dạ, hầu hạ từng chút người chồng vô tâm luôn xem vợ như một công cụ phục vụ đó nên thay vì ngăn quyết định bất hiếu của con trai, tôi đã im lìm mặc nó hành động.
Ông Đức kêu lên:
- Té ra Cường bắt anh ấy vào viện dưỡng lão, chớ không phải tại giận Cẩm mà ảnh bỏ vào trỏng ở.
Bà Nguyệt gật đầu :
- Đúng vậy. Lúc đó Cường bảo nó làm vậy chẳng qua không nỡ thấy tôi cực nhọc nữa. Đưa ông ấy vào viện dưỡng lão nó bồi dưỡng riêng những người phục vụ trong đó, sẽ được họ chăm sóc đặc biệt. Tôi đã ngây thơ tin như vậy để lương tâm không cắn rứt.
Mặt nhíu lại phẫn nộ, ông Đức nói:
- Xin lỗi! Tôi không sao chấp nhận được cách nghĩ, cách sống không tình nghĩa vợ chồng như chị.
Bà Nguyệt trầm ngâm:
- Tôi không bào chữa cho mình, nhưng đã khi nào anh thắc mắc: Tại sao có những người đàn bà yếu đuối, hàng ngày luôn bị đối xử tệ bạc, sợ chồng như sợ cọp, một hôm lại giết chồng vì một lý do thật tầm thường không?
- Tôi không để ý tới những hạng ác phụ đó.
Bà Nguyệt thản nhiên:
- Tôi lại hay nghĩ về họ, và tôi hiểu tại sao. Người ta bảo: " Đánh chó cũng phải chừa đường cho nó chạy ". Nhưng những người đàn bà như tôi còn tệ hơn chó, chúng tôi bị dồn vào trong đường cùng nên phải phản kháng. Sau cùng tôi đã thắng khi thằng Cường tống ba nó vào viện dưỡng lão. Cách phản kháng của tôi êm dịu thật phải không?
Quỳnh Hương rùng mình vì đôi mắt của bà Nguyệt, cô lo lắng:
- Cháu đưa bác về nhé. Bác mệt rồi!
- Bác nói xong chuyện cái đã. À! Lúc nãy anh gọi đàn bà giết chồng là ác phụ hả? Ác phụ luôn luôn phải bị trừng phạt. Tôi đã bị trừng phạt rồi đó. Thằng Cường còn đày đọa tôi hơn ba nó nhiều. Thương con tôi chịu đựng tất cả, kể cả chuyện nói dối anh Hai nó rằng: " Ba ốm nằm một chỗ cần rất nhiều tiền để chạy chữa, chăm sóc ". Thằng Hào gởi tiền về, nó giữ hết không đem vào viện dưỡng lão một đồng, đôi khi lại ăn chận bớt phần của con Cẩm, đã vậy địa chỉ bên Mỹ nó cất kỹ, chả ai liên hệ qua bển được, trừ nó.
Ông Đức bứt rứt:
- Chị kể những chuyện này với tôi làm gì?
- Để cho anh biết Cường là thế! Nó vừa nói xa nói gần với tôi rằng: Khi cưới vợ, hai vợ chồng nó sẽ ở một mình, nó không muốn vợ phải làm dâu phục dịch mẹ chồng.
Quỳnh Hương kêu lên:
- Cháu không có ý đó.
- Bác biết! Nó nói thế để bác tự lo liệu cho mình, nếu không muốn tự tay nó dắt vào viện dưỡng lão.
Ông Đức đập tay vào ghế:
- Thằng trời đánh.
Nước mắt bà Nguyệt ứa ra:
- Đáng lẽ tôi đã có nơi để đi rồi, chả biết người ta cứu tôi sống làm gì, trên đời này đâu còn chỗ của tôi.
Quỳnh Hương sững sờ:
- Thì ra bác tự tử, chớ không phải uống lộn thuốc.
Chụp lấy hai tay bà, cô nghẹn lời:
- Bác ơi sao bác lại làm thế, ngoài Cường ra bác vẫn còn anh Hào, chị Cẩm mà!
- Còn chúng nó thì sao? Thằng Hào hiếu thảo nhất lại ở tận chân trời. Phần con Cẩm là gái đang ở bên chồng, bác chưa khi nào lo lắng chăm sóc cho mẹ con nó, làm sao nó có thể ở chung được.
Ông Đức tức tối:
- Tại sao chị phải nghĩ tới chuyện đi khỏi ngôi nhà của mình. Đó là tài sản cùa vợ chồng chị, thằng Cường không có quyền chiếm đoạt. Rồi tôi phải nói cho nó hiểu, làm thế còn ra thể thống gì nữa!
Quỳnh Hương im lặng nhìn cha, ba cô chủ quan quá khi nói thế. Ông nghĩ rằng Cường thật sự tôn trọng, kính nể ông như những lời đầu môi chót lưỡi anh thường tâng bốc à! Ba cô quên rằng với cha mẹ ruột Cường còn đối xử không ra gì, huống hồ chi ông, một ông bố vợ tương lai.
Bà Nguyệt thẫn thờ:
- Ngôi nhà ấy đã sang tên cho nó rồi. Tôi đâu còn là chủ nữa.
Ông Đức kinh ngạc:
- Tại sao phải sang tên cho nó? Phải thằng Cường ép chị phải không?
Bà Nguyệt nuốt lệ:
- Trước đây nhà của vợ chồng tôi không có chủ quyền. Sau này chính Cường bảo ba nó nên làm cho hợp lệ. Là một đứa con thủ đoạn, nó toan tính trong đầu những gì vợ chồng tôi chẳng hề biết được. Khi làm giấy tờ nó gợi ý với ông ấy nên để tên nó cho tiện vì ông đã già rồi. Tin con, thương con, chồng tôi đã chìu theo ý nó. Khi giấy tờ xong xuôi, Cường tìm đủ chuyện đay nghiến ba mình, nó rêu rao với hàng xóm là ổng trái tính trái nết không muốn ở chung với nó, nên Cường phải mua một căn nhà khác cho ổng ở một mình. Ít lâu sau nó đưa ổng đi. Dù chẳng ai nói ra nhưng lối xóm thừa biết nó mang ông ấy đi đâu.
Ông Đức thở dài ngao ngán, khẽ liếc Quỳnh Hương, ông thấy cô lơ đãng nhìn tấm màn cửa sổ lay động theo gió. Với Hương, hình như chuyện này không có gì mới. Trước đây cô từng kể vài điều về Cường nhưng ông không hề tin và cho rằng Hương đặt điều.
Giọng bà Nguyệt vẫn đều đều vô cảm:
- Khi ông ấy đi rồi, nó bắt đầu sống theo nó. Bao nhiêu vàng còn để dưỡng già tôi cả tin đưa nó giữ, nó đem sắm sửa, trang trí lại toàn bộ nhà cửa cho hợp với người giữ chức vụ quan trọng trong công ty. Tôi lại là đầy tớ. Thằng Cường khe khắt hơn ba nó nhiều.
Ông Đức sốt ruột cắt ngang:
- Nó đã làm gì để chị đến nỗi này?
Bà Nguyệt liếm môi:
- Cách đây mấy hôm, tôi sơ ý làm gãy một nhánh lan quý mà nó định đem biếu ông cấp trên nào đó. Thế là nó nổi khùng lên mắng tôi là: " Mụ già vô tích sự. Chỉ biết ăn bám chứ không lợi ích gì nó còn vái sẽ cúng heo quay, nếu tôi đi khỏi nhà nó.
Mặt ông Đức hết đỏ rồi lại tái xanh:
- Khốn nạn đến thế là cùng.
Run rẩy uống một hớp nước, bà Nguyệt nói như than:
- Trước đây khi nghe nó nói xa gần tôi đã định bụng đứng ra cưới vợ cho nó xong rồi thì vào trại dưỡng lão ở với ông ấy cũng được. Nhưng khi nghe xong những lời mắng nhiếc của nó, tôi chịu hết nổi. Thôi thì chết phắt cho rồi. Chết còn nhẹ nhàng tấm thân hơn sống thế này. Rốt cuộc chết không phải dễ. Nhưng nếu tiếp tục sống, tôi phải là một người khác. Hôm nay tôi tới đây với suy nghĩ của người khác. Tôi biết Quỳnh Hương đã nhìn rõ chân tướng của Cường, con bé đã hết yêu nó rồi, nhưng anh chị bị sự hào nhoáng của thằng Cường làm chói mắt nên cứ nghĩ con gái mình có lỗi khi đáp lại tình yêu của người khác mà bỏ rơi anh chồng sắp cưới.
Quỳnh Hương sững sờ nhìn bà Nguyệt. Cô không ngờ bà tinh ý đến thế, bà biết nhiều thứ dù chưa hề hỏi cô những điều đó. Còn đang hoang mang chẳng biết bà Nguyệt sẽ dẫn dắt câu chuyện tới đâu, Quỳnh Hương lại hoảng hồn khi nghe bà nói:
- Hôm ở bệnh viện, bác có gặp Khôi. Cậu ấy vào tìm cháu. Nói chuyện với Khôi không nhiều, nhưng bác tin chắc cậu ra là người tốt, trung hậu hợp với cháu hơn Cường. Nếu được làm vợ Khôi cháu sẽ thật sự hạnh phúc.
Ông Đức nhíu mày:
- Chị xúi con tôi bỏ thằng Cường sao?
Bà Nguyệt chớp mắt:
- Tôi chỉ xúi nó nên tìm và giữ lấy thứ hạnh phúc thật dù chuyện đó sẽ khó khăn. Chẳng lẽ vì uy tín, danh dự của mình, anh bắt con bé lấy một đứa không ra gì?
- Nhưng nó là con trai chị mà?
Bà Nguyệt cười nhạt:
- Nó có xem tôi là mẹ đâu. Và nó chưa bao giờ yêu thương ai ngoài bản thân. Tôi đã nói hết những gì muốn nói. Anh nên để Quỳnh Hương tự định đoạt cuộc đời mình. Tôi vẫn thầm khen Quỳnh Hương can đảm, nhưng lâu nay không dám nói ra vì xã hội vẫn cho rằng tự ý đám cưới với người mình yêu, bất chấp cha mẹ phản đối là hư hỏng. Thật ra con bé đã làm đúng, chỉ hạng người như thằng Cường mới là hư hỏng, mới đáng vứt đi nhưng nó khéo ẩn mình trong lớp vỏ bọc nên thiên hạ lầm.
Nhìn Quỳnh Hương bằng đôi mắt trìu mến, bà nói tiếp:
- Vợ chồng tôi đã dung túng nó để bây giờ trở thành nạn nhân của chính con trai mình. Tôi rất thương Quỳnh Hương, tôi không muốn cuộc đời nó sẽ khổ như tôi.
Ông Đức ngồi lặng thinh, Quỳnh Hương không đoán nổi ba đang nghĩ gì. Thời gian như ngưng lại, bà Nguyệt đứng dậy:
- Chưa bao giờ lòng tôi thanh thản thế này. Tôi đi đây. Cám ơn anh đã ngồi nghe tôi nói.
Quỳnh Hương lật đật đứng theo:
- Bác để cháu đưa bác về.
Bà Nguyệt lắc đầu:
- Bác còn đi nhiều chỗ. Cháu khỏi đưa.
Ông Đức hoang mang:
- Những lời của chị làm tôi đau lòng và thất vọng quá. Rồi tôi sẽ giải quyết chuyện này ra sao đây?
Bà Nguyệt nhẹ nhàng:
- Trách nhiệm của người cha sẽ khiến anh sáng suốt khi nghĩ tới con mình. Thà sau này, Cường cưới một người tôi không biết, cô ta sướng vui buồn khổ tôi không ray rứt, nhưng với Quỳnh Hương thì khác. Tôi ân hận đã không dạy được con mình thành người tốt.
Mặc cho ông Đức đăm chiêu ngồi lại trên ghế, bà Nguyệt bước ra sân, Quỳnh Hương đi theo và năm tay bà thật chặt:
- Cháu cám ơn bác đã nói với ba cháu như thế.
Bà Nguyệt vuốt nhẹ má Hương:
- Vào nhà đi, trời nắng lắm!
Quỳnh Hương cảm động ôm vai bà:
- Không sao. Để cháu gọi xích lô cho bác.
Nhìn chiếc xe lắc lư theo triền nắng đổ, Hương muốn khóc khi nghĩ đến người đang ngồi bên trong. Chắc hẳn suốt mấy ngày nằm nhìn trừng trừng lên trần nhà, nội tâm bà đã xung đột dữ dội. Bà rất thương Cường trong khi anh chỉ lợi dụng tình thương đó chứ không cần nó như tất cả những đứa con cần sự yêu thương của mẹ. Chính Cường đã đẩy mẹ anh thành người chống lại anh. Bà đã dứt khoát với bản thân rồi chắc chắn sẽ khó sống chung với Cường được nữa.
Rồi bác Nguyệt sẽ ra sao? Ở với ai? Lòng Quỳnh Hương trĩu xuống một nỗi lo lắng mà cô biết mình không giải quyết được gì cả.
Trở vào nhà, cô thấy ông Đức vẫn còn ngồi thừ trên ghế.
Thằng nhóc Phi lốc chốc ngồi nhịp chân kế bên. Nháy mắt với Hương một cái, Phi dại dột buông một câu:
- Thì ra cha Cường tệ đến thế! Uổng công ba lâu nay lau tới lau lui chiếc gương ố để bắt em noi theo.
Câu nói của Phi làm ông Đức tự ái, vỗ bàn đánh bốp, ông quát lên:
- Câm ngay! Con nít giỏi nói leo. Mẹ mày cứ nuông chiều cho cố vào thì cũng hư như nó bây giờ. Hừm! Nhưng tao không phải như ba thằng Cường đâu.
Bóp bóp trán, ông lầm bầm:
- Tại sao lại xảy ra đủ chuyện thế này. Lẽ ra bà Nguyệt không nên lại đây tố khố con trai mình khi đâu đã vào đó rồi.
Từ nhà bếp đi lên, bà Vân mỉa mai:
- Bây giờ rõ con người nó rồi, nhưng ông vẫn có thể vì thể diện, danh dự, uy tín gì đó, ép gả con Hương cho nó, y như lúc ông chưa biết gì mà! Chắc hẳn thằng Cường là rể quí của ông.
Ông Đức cau có:
- Bà đừng đổ thêm dầu vào lửa nữa. Tôi đang rối trí đây. Con với cái! Chả đứa nào ra hồn hết!
Quỳnh Hương cắn môi làm thinh. Cô định vào phòng, thì ngoài cổng có tiếng xe ngừng. Bà Vân kêu lên đầy kinh ngạc:
- Ý thằng Cường! Chuyện gì nữa đây!
Ông Đức nhíu mày ra lệnh cho Phi:
- Mở cửa cho nó.
Cường hấp tấp bước vào với bộ mặt khẩn trương:
- Nghe Phi nói, mẹ cháu có đến đây. Vậy bà đi đâu rồi.
Ông Đức khoanh tay làm thinh. Quỳnh Hương trả lời:
- Bác vừa mới về xong.
Thở phào nhẹ nhõm, Cường nói:
- May quá! Anh cứ lo mẹ bỏ đi vì bà giận anh. Mẹ đã khoẻ hẳn đâu. Có chuyện gì lại khiến anh Hào mới đánh fax về bảo ba ngày nữa ảnh sẽ về nhà.
Ngừng một chút như để quan sát thái độ của mọi người, Cường nhấn mạnh:
- Ảnh về thăm ba mẹ, nhưng chủ yếu để lo đám cưới của mình. Phen này phải tổ chức thật to cho vừa lòng anh ấy!
Ông Đức khoát tay:
- Đám cưới của mình, sao lại nhằm làm vừa lòng người khác chứ?
Mặt Cường hơi ngớ ra một chút rồi anh vội thanh minh:
- Bác nói đúng nhưng cha mẹ anh chị nào không vừa lòng hả dạ khi thấy con cái, em út đám cưới rình rang. Dù sao cháu cũng làm đám cưới cho to.
Nháy mắt một cái thật láu cá, Cường nói tiếp:
- Có vậy bác cũng nở mặt nở mày, sẽ không tủi khi nghĩ tới Quỳnh Như.
Nhếch môi đầy khó chịu, ông Đức lơ lửng:
- Chuyện đám cưới coi chừng phải xem lại.
Cường ngạc nhiên:
- Nhưng tại sao ạ?
Ông Đức nhìn thẳng vào mắt Cường:
- Bác muốn có thêm thời gian để đánh giá thật đúng một người.
Cường dè dặt:
- Ai vậy bác?
Ông Đức chậm chạp:
- Mẹ của cháu. Lúc nãy chị ấy nói nhiều chuyện mà bác không thể tin được, vì lâu nay bác luôn đặt nhiều kỳ vọng vào cháu.
Cường gượng gạo:
- Mẹ cháu đang tâm thần bất an, nói năng tự tiện hơi đâu bác lại tin. Với lại mẹ đang giận cháu mà.
- Tại sao chị ấy giận đến mức chẳng ham sống bác biết rồi. Mẹ cháu rất tỉnh táo, chị ấy sáng suốt chọn từng lời mà nói, chứ không tùy tiện như cháu đâu.
Cường có vẻ bối rối, anh suy nghĩ một chút rồi hỏi:
- Ý bác là sẽ dời ngày cưới lại à?
Ông Đức rờ cằm:
- Bác rất tiếc nhưng đúng thế.
- Nhưng dời đến chừng nào?
- Đến lúc anh Hai cháu đã đi, mọi chuyện trong gia đình của cháu đã giải quyết đâu ra đó.
Mặt Cường đanh lại:
- Cháu không hiểu gì hết.
Ông Đức bỗng cáu lên:
- Đừng giả vờ nữa. Mẹ cậu đã nói cả rồi. Đúng là xảo trá, lâu nay cậu qua mặt cả tôi. Thật mất dạy!
Cường tỏ vẻ khổ sở:
- Bác không nên mắng cháu vì những lý do đâu đâu. Ngày cưới đã chọn rồi. Bác đừng làm khó cháu nữa.
Ông Đức thẳng thừng:
- Tôi không làm khó, nhưng muốn tận mắt thấy cảnh cậu giải thích với anh Hai mình những chuyện đã làm với cha mẹ suốt mấy năm qua. Sau đó mới quyết định.
Cường ngắt lời ông:
- Chính bác từng nói cưới xin là chuyện quan trọng nhất đời người. Chẳng lẽ bây giờ bác dễ dàng đổi ý, khi cháu và Quỳnh Hương đã chuẩn bị đâu đó. Quyết định của bác sẽ ảnh hưởng đến danh dự của Hương. Duyên con gái có một thời, chỉ sợ miệng đời nói cháu bỏ Hương vì Hương không ra gì thôi!
Ông Đức gằn từng tiếng:
- Cậu khỏi cần phải lên giọng kiểu đó với tôi. Ai không ra gì rồi người đời cũng sẽ biết. Chính mẹ cậu tới đây năn nỉ tôi đừng gả Quỳnh Hương vì cậu là đồ bỏ đi. Hừ! Chưa chi mà cậu đã tự lột mặt nạ quá sớm. Đúng là tồi tệ!
Cường bồn chồn ngồi trên ghế. Anh không ngờ bà mẹ suốt đời chỉ biết nghe lời của mình lại dám cả gan đến thế. Phen này chắc Cường gặp khốn thật rồi. Chuyện anh Hào bất ngờ trở về mà không báo trước đã làm anh rối trí, nay lại thêm chuyện này.
Cường nóng hơ trong bụng, Coi chừng anh mất tất cả bây giờ. Ngôi nhà đó chủ quyền do anh đứng tên, khó ai tranh được nó. Hừ! Dù chị Cẩm ton hót gì với anh Hào, Cường cũng không sợ mất ngôi nhà mà anh biết giá trị hơn trăm cây vàng đâu. Nhưng " viện trợ " hàng tháng chắc chắn sẽ bị cúp khi anh Hào đã biết rõ sự thật về ba và sự đối xử của Cường với mẹ lâu nay.
Nhưng chỉ cần mẹ bỏ qua mọi chuyện nói vài lời bênh vực thì " duyên may " lại sẽ mỉm cười với anh thôi. Anh Hào rất thương mẹ, bà nói gì ảnh lại chẳng tin. Nhưng bây giờ Cường đang lo vì mẹ thay đổi nhiều quá, bà đã tới đây bêu xấu anh, không muốn Quỳnh Hương lấy anh, việc này chứng tỏ bà không tha thứ cho Cường.
Máu nóng trong người anh bỗng chạy rần rần. Cường thấy nhức nhối vì tức giận. Tại sao bà không chịu vì anh hơn chút nữa, để bây giờ ông Đức lên giọng như vầy. Anh thật không chịu được, khi nghĩ rằng hy vọng cưới Quỳnh Hương đã tan rồi.
Cường trở mặt ngay:
- Bác chẳng cần nói nhiều. Không lấy được con gái bác, cháu cũng chả lỗ lã gì. Có một điều bác nên nhớ dầu sao người ta cũng từng gọi cháu là chồng của Hương. Từ trước đến nay cháu chưa hề làm gì có lỗi với cô ấy cả. Bởi vậy nếu cuộc hôn nhân này trắc trở thì cháu phải là người bỏ Quỳnh Hương. Vì Hương hư thân không xứng đáng với cháu, chứ đâu thể nào vì cháu là : " Đồ bỏ đi " như bác vừa nói được.
Nhếch môi đầy khinh bỉ, Cường dài giọng:
- Không ngờ người lớn như bác lại trở mặt nói hai lời. Làm cha như vậy bảo sao chị em Quỳnh Như, Quỳnh Hương không mất nết đến mức kẻ bỏ nhà theo trai, người sắp cưới đến nơi còn vơ thêm gã đàn ông khác.
Ông Đức điên tiết lên:
- Mày nói cái gì thằng khốn.
Cường ngạo mạn:
- Tôi nói bác là đồ lật lọng. Thật đáng tởm lợm.
Quỳnh Hường kêu lên ấm ức:
- Không được hỗn với ba tôi.
Cường châm chọc:
- Anh chỉ nói đúng bản chất của ông già thôi, chứ có chửi ổng tiếng nào đâu mà hỗn.
Ông Đức giận run cả người. Miệng nghiến răng ken két, tay ông bất ngờ vung mạnh vào mặt Cường một cái nổ đom đóm. Vì không nghĩ ông sẽ phản ứng kiểu bạo lực đến thế, nên Cường không né kịp, anh hứng trọn cái tát như vũ bão của ông Đức.
Có thể nói đây là lần đầu tiên anh bị tát thẳng vào mặt. Đau vì đòn lẫn vì nhục nhã, Cường nhịn mất khôn. Anh vùng đứng dậy nhào về phía ông Đức.
Phi chận ngang Cường lại và đẩy anh ra cửa. Giọng lạc hẳn đi vì kích động:
- Anh về đi là tốt nhất!
Biết Phi nằm trong đội tuyển Karaté của thành phố nên Cường khôn hồn lùi lại. Anh vừa thụt ra sân vừa gân cổ la to:
- Mấy người ỷ đông ăn hiếp tôi phải không? Thật tồi bại! Con gái của ông lẳng lơ mất nết sao lại buộc tôi cưới? Hừ! Thà tôi đi cưới điếm về làm vợ còn hơn, cô ta chưa là vợ của tôi mà đã lang chạ với người khác. Hạng gái đó đem câu sấu nó cũng chê.
Phi hầm hầm chụp cổ Cường:
- Anh nói một tiếng nữa thôi không còn răng ăn cơm.
Liếc một cái thấy hàng xóm hai bên chạy ra nhìn với vẻ tò mò lẫn ngạc nhiên. Cường dang vội tay phân bua:
- Tôi đối với Quỳnh Hương thế nào có trời biết, thế nhưng cô ta lại phản bội tôi, đèo bồng cặp với người khác. Từ giờ trở đi tôi không coi Quỳnh Hương là vợ sắp cưới nữa. Cô ta không xứng đáng với lòng tin yêu của tôi.
Cường hất mặt dằn từng tiếng:
- Nói trắng ra là tôi bỏ hạng gái thối tha đó. Bác nghe rõ rồi chứ!
Quỳnh Hương tức đến nghẹt thở, cô không nói được lời nào ngoài việc đứng chết trân nhìn Cường vung tay múa mép. Ăn không được, phá cho hả dạ. Anh ta quá rồi!
Phi đỏ mặt tía tai dí Cường sát vào cửa rào, bà Vân vội chạy tới kéo cậu ra:
- Anh em không mà, đừng nên làm vậy!
Phi cộc lốc:
- Anh em gì với hạng láu cá này! Cút ra khỏi đây ngay đi.
Cường phủi phủi chỗ áo bị Phi nắm rồi nhún vai hăm he:
- Chẳng hứng thú gì khi đứng ở đây. Nhưng về nhà hỏi chuyện bà già xong, chắc chắn tôi sẽ trở lui bắt bác Đức xin lỗi vì đã nhục mạ tôi.
Ông Đức cười nhạt:
- Mày xứng đáng ăn thêm một cái bạt tay nữa, nếu có can đảm tới đây thì tao sẽ chờ.
Cường khinh khỉnh leo lên xe. Căn nhà của Hương bỗng im đến nặng nề. Chịu không nổi những ánh mắt tò mò của hàng xóm Quỳnh Hương vội bước vô nhà, cô nghe ba mình đay nghiến mẹ:
- Từ giờ trở đi tôi phải đội mo mới dám ra đường. Con gái bà đứa nào cũng tài giỏi như nhau. Nhục ơi là nhục!
Quỳnh Hương nhắm nghiền mắt lại. Cô thấy thương ba quá. Vì cô, ông đã bị Cường nặng nhẹ bằng những lời thật chói tai. Từ lâu cô đã biết Cường rất tệ nhưng không ngờ anh lại tệ đến mức như vậy.
Đang dằn vặt mình bao nhiêu là suy nghĩ chồng chéo nhau. Quỳnh Hương bỗng nhớ tới bà Nguyệt. Trở về nhà, chắc Cường sẽ đối xử rất cay độc với mẹ. Nếu không vì cô, bà đâu cần vạch tội Cường. Anh ta là người nhỏ mọn , cố chấp, nên sẽ không để bà yên thân. Miệng lưỡi cay độc của anh biết đâu lại làm bà nghĩ quẩn.
Quỳnh Hương ngồi bật dậy với ý nghĩ vừa thoáng qua. Hớt hải chạy ra sân cô gặp Phi nên nói ngay:
- Chị phải tới nhà anh Cường mới được.
Phi ngạc nhiên:
- Chị tới đó làm chi? Lúc nãy hắn đã cạn tàu ráo máng rồi còn gì?
Quỳnh Hương lo lắng:
- Chị sợ cho bác Nguyệt, chắc chắn Cường không để cho bác ấy yên. Đang buồn bực, chỉ cần xúc động chút thôi, bác ấy lại nghĩ quẩn.
Phi bĩu môi khinh bỉ:
- Chị khéo lo vẩn vơ. Lúc này anh ta phải o bế bác Nguyệt làm chỗ dựa chớ sức mấy mà dám làm buồn bác ấy. Khi ông anh ở Mỹ sắp về tới với đôla rủng rỉnh.
Quỳnh Hương bồn chồn:
- Nhưng chị vẫn không an tâm, chị có cảm giác bác Nguyệt quyết định chuyện gì đó quan trọng. Lúc đưa bác lên xích lô, chị thấy mắt bác xa xôi thế nào ấy.
Nhìn Phi một cái, Hương nói:
- Chị phải tới nhà Cường xem sao.
Phi phản đối:
- Em thấy không nên, vì anh ta đang rất hận chị. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Quỳnh Hương đứng dậy:
- Còn chuyện gì nữa chứ! Chị tới thăm bác Nguyệt mà! Ba có hỏi, em đừng nói nhe.
Dứt lời cô dắt xe ra cổng.
Phi nhìn theo lẩm bẩm:
- Ba mà biết bả đâm đầu tới đó, chắc giông bão lại bùng lên nữa. Nhưng nếu ổng hỏi, mình sẽ nói sao cho xua tan hết mây mù đây?
****
Mắt Cường nhíu nhíu lại đầy toan tính khi nhìn thấy Quỳnh Hương:
- Tới đây năn nỉ tôi đấy à?
Quỳnh Hương cố gắng dịu dàng:
- Bác gái đâu rồi?
Cường khoanh tay hất hàm:
- Bà già tôi vừa ở đằng ấy về, em tìm làm chi nữa?
- Nhưng bác đâu? Anh có nói gì để bác buồn không đó? Thật ra tại anh tất cả, bác gái hết lòng thương yêu lo lắng cho anh, ngược lại anh đối xử với bác quá tệ!
Cường im lặng, anh ta nhìn Hương rồi chợt nói nhanh:
- Mẹ tôi ở trong phòng. Muốn gặp thì vào trỏng đi. Đừng lải nhải mãi như thế!
Quỳnh Hương liếc vội Cường một cái trước khi đi vào trong. Phòng của bà Nguyệt tối om và lạnh ngắt làm cô do dự lúc bước vô.
Giương to mắt nhìn về phía giường, Quỳnh Hương gọi nhỏ:
- Bác ơi ! . . .Bác . ..
Đang ngạc nhiên vì không thấy ai, Hương đã hoảng hồn vì nghe giọng Cường thì thầm sát bên tai:
- Làm gì có ai ở đây ngoài hai đứa mình.
Quay người lại, Quỳnh Hường trấn tĩnh:
- Đừng có đùa mà! Bác Nguyệt đâu?
Lừ đừ tiến tới, Cường đanh giọng:
- Bả bỏ đi rồi!
Quỳnh Hương ngạc nhiên:
- Sao lại vậy?
Cường lắc đầu, mắt nhìn cô đăm đăm:
- Tôi về nhà đã thấy lá thơ nằm trên bàn. Bà viết rằng:" Vì có lỗi với ba tôi, và vì đã che chở những việc làm sai trái của tôi, nên bả không muốn gặp anh Hào ".
- Nhưng bác ấy đi đâu mới được chứ?
Cường vẫn bước tới khiến Hương phải thụt lùi. Anh ta lầm lì nói:
- Thật ra bả tính toán gì, tôi biết hết. Hừ! Bả biến mất lúc này nhằm làm khó dễ tôi, bả muốn anh Hào xem tôi như một đứa đốn mạt, trong khi chuyện đưa ông già vào viện dưỡng lão bả cũng góp phần chớ đâu phải không. Chưa có bà mẹ nào độc như bả. Bả muốn tôi mất tất cả. Từ tiền hàng tháng anh Hào gởi về, cho tới ngôi nhà này và cả em  Cường sấn tới làm Hương hết hồn té ngồi lên giường. Anh cười nhạt:
- Có thể tôi sẽ mất khoản đôla hàng tháng của anh Hào, nhưng ngôi nhà này, bả khó đòi lại lắm nếu đã tự ý rời khỏi đây.
Nhào đến ôm đại Quỳnh Hương, Cường rít lên:
- Em cũng vậy. Đã là của tôi thì không thể là của ai khác. Tôi có vứt em như vứt món đồ hỏng, thì món đồ ấy cũng chẳng ai được đụng tới.
Quỳnh Hường xô Cường ra:
- Làm gì vậy? Anh điên à! Tôi la lên bây giờ.
Kéo Hương nằm dài trên giường, Cường thách thức:
- La đi! Xóm này lịch sự lắm, họ không tò mò như chỗ em ở đâu. Có nghe la người ta cũng tưởng đùa. Lúc này phải đùa với em, tôi mới bớt căng thẳng.
Quỳnh Hương điếng người khi chạm phải ánh mắt rực lửa của Cường. Cô không lạ gì ánh mắt đòi hỏi ấy ở anh. Trước đây Hương luôn tìm mọi cách để từ chối và Cường vì luôn cao giọng rao giảng đạo đức nên cũng không dầy mặt làm tới. Cường nhịn vì nghĩ ngày nào đó cô sẽ là vợ anh ta. Bây giờ lại khác, Quỳnh Hương chống hai tay lui vào sát vách, khi Cường thô bạo nắm chân cô kéo mạnh. Anh dằm Hương xuống giường rồi nằm đè lên.
Hường gào thật to:
- Buông ra! Buông ra.
Né người tránh những cái đánh của cô, Cường hổn hển nói:
- Anh sẽ buông, thậm chí chả thèm nhìn tới em khi đã xong việc, có khôn hồn thì ngoan một chút, dù sao chúng ta cũng sắp là vợ chồng kia mà.
Quỳnh Hương cố hết sức nhưng không đẩy anh ta ra được. Cường bẻ ngoặc tay cô ra sau và lì lợm gục mặt vào ngực Hương với tất cả háo hức.
Cô bật khóc trong sợ hãi:
- Em xin anh đừng làm vậy. Tội nghiệp em.
Cường lần tay mở nút áo Hương ra, giọng khô khan:
- Tội nghiệp em à! Vậy em có tội nghiệp anh không, khi đi với thằng Khôi. Hừ! Đừng tưởng anh ham muốn em, bé con ạ! Anh không đời nào xài món đồ đã sang tay kẻ khác. Nhưng anh thấy thích khi dày vò người dám phản bội anh. Anh muốn em phải ê chề, nhục nhã, đau khổ suốt đời với thằng đàn ông nào đó là chồng em sau này.
Quỳnh Hương co rúm người lại khi chợt nghĩ tới Khôi. Cô ngóc đầu lên cắn thật mạnh vào tay Cường. Anh ta đẩy cô ra vì đau. Vừa lồm cồm ngồi dậy, Cường đã ghịt tóc Hương lại và tát một cái làm đầu cô va vào tường nổ đom đóm.
Hương la to:
- Cứu tôi với! Cứu tôi!
Cường điên tiết xáng Hương một tát tai nữa, vừa lúc ấy cô nghe có tiếng gọi mình ngoài cổng.
Dường như Cường cũng nghe nên anh ta khựng lại, Quỳnh Hương lấy hết sức tông mạnh vào bụng Cường, rồi chạy nhào ra khỏi phòng của bà Nguyệt.
Tới cổng cô run lẩy bẩy mở chốt và oà lên nức nở khi thấy ông Đức với Phi
Nhìn con gái quần áo xốc xếch, tóc tai xơ xác, ông Đức gầm lên:
- Thằng chó đẻ ấy làm gì mày? Nó đâu rồi?
Vừa hỏi ông vừa đi như chạy vào trong. Gặp Cường ngay phòng khách, ông giận run lên:
- Thằng khốn nạn! Tao sẽ thưa cho mày ở tù rục xương.
Thưa về tội gì? Chẳng qua tôi đùa chơi thôi. Con gái bác mất màu từ kiếp nào rồi. Ai mà thèm! Tự cô ta tới đây năn nỉ tôi đừng bỏ cô ta mà!
Quỳnh Hương mếu máo:
- Con không sao cả. Mình về thôi ba đôi co với hạng người ấy làm gì cho bẩn. Bác Nguyệt đã bỏ đi mất rồi. Tội nghiệp bác ấy còn không chịu nổi con ruột mình, huống chi chúng ta. Con không muốn vây vào Cường nữa. Xin ba hiểu giùm con.
Ông Đức gườm gườm ngó Cường, Quỳnh Hương sốt ruột vì không hiểu ông đang nghĩ gì. Cô đúng là ngu ngốc khi tới đây một mình. Nếu bây giờ là ở nhà, chắc cô đã bị ăn bạt tai rồi. Ba rất nóng nảy, sao ông lại làm thinh thế kia?
Mãi một lúc sau, ông mới lên tiếng:
- Giữa mày và con gái tao không còn gì nữa hết. Bắt đầu hôm nay cố đừng để tao thấy mặt, nếu mày làm chuyện gì tổn thương đến Quỳnh Hương tao sẽ liều mạng già với mày. Hãy nhớ lấy, tao không doạ suông đâu!
Quỳnh Hương riu ríu lên ngồi sau lưng ông, cô bỏ chiếc xe cho Phi chạy đằng sau. Trời chiều rồi. Lại một chiều nữa trôi qua, Quỳnh Hương nhức nhói khi thấy tóc ba mình đã bạc hơn phân nửa. Trong đó chẳng biết có bao nhiêu sợi bạc vì cô.
Tự nhiên Quỳnh Hương lại sụt sùi:
- Con xin lỗi đã làm ba buồn. Ba đừng giận con nữa nghe.
Không nghe ông Đức trả lời, nhưng cô lại nghe tiếng ông thở dài rất khẽ:
- Ba chỉ mong sau chuyện này con sẽ lớn hơn và chín chắn hơn trong công việc cũng như tình yêu.
Quỳnh Hương rơm rớm nước mắt. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi cô bỗng thấy mình như trẻ thơ, được ba chở đi chơi giữa chiều lộng gió. Mặc Cường và mặc cả Khôi, từ đây cô sẽ quên hết những gã đàn ông đó. Cô muốn làm đứa con ngoan, thay chị Như chăm sóc cha mẹ thật lòng đàng hoàng.
Nhắm ước muốn này cô thực hiện được không nhỉ?

<< Chương 18 | Chương 20 (chương kết) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 226

Return to top