Dô..! Dô...!
Thanh Lam hét to rồi nhảy cỡn lên khi CanTấno sút tung lưới đối phương bằng một cú sút điệu nghệ. Cô còn đang ngất ngây vì chiến thắng của thần tượng thì đã nghe tiếng bà Thư gắt:
- Ồn ào quá!
Giật mình nhìn ra cửa phòng khách, Lam đỏ mặt ấp úng:
- Xin lỗi... cháu quên!
Bà Thư nhỏ nhẹ nhưng đầy quyền uy:
- Tắt tivi đi. Nhà này không ai xem bóng đá ngoài cái thằng mất dạy ấy ra. Dì sợ phải nghe người ta bảo con giống nó lắm!
Lam sững người một chút rồi lặng lẽ đến gần tivi. Cô tiếc nuối nhìn lại cảnh chiếu chậm bàn thắng của CanTấno trước khi bấm nút tắt.
Bà Thư ngọt ngào:
- Con gái ai lại mê đá banh. Ra đây nghe chị Trâm Anh đàn phải hay hơn không.
Suýt nữa Lam đã buột miệng bảo: "Con không thích", nhưng may sao cô kiềm lại được khi nhớ đây là nhà của dì Thư, chị ruột mẹ mình. Ở đây cô phải nghe lời như mẹ đã dặn và không được tùy tiện làm theo sở thích, như ở nhà.
Chán chường bước đến phòng khách, ngồi phịch xuống salon. Lam vờ như đang say sưa theo tiếng đàn của Trâm Anh. Cô nghiêng nghiêng đầu nhìn chị bà con của mình lắc lư theo tiếng piano, và không hiểu gì về bài nhạc Trâm Anh đàn hết.
Dì Thư có hai người con là anh Phi và chị Trâm Anh. Trong mắt dì ấy con mình là tất cả, là trên hết. Do đó, dì Thư luôn miệng khen và bảo Lam phải noi theo gương của anh chị. Lam phải học cái dịu dàng, đằm thắm của chị Anh. Cái trầm tĩnh, khôn ngoan trong giao tiếp của anh Phi, phải tập bỏ dần cái gốc tỉnh lẻ của mình để mau chóng hòa nhập với phong cách văn minh của dân thành phố, mà tiêu biểu là hai người con cưng của dì.
Nếu thật sự đại diện cho dân thành phố là ông anh, bà chị này thì đúng là chán chết. Lam chưa tìm được điểm nào ở hai người để noi theo hay học hỏi. Cô không thích tuýp người như anh Phi và chị Anh, dù với Lam họ đều tỏ vẻ thương mến, lo lắng. Cả hai chỉ là người thân của Lam chớ không thể nào là thần tượng hoặc là một mẫu mực để cô phải sống theo như họ. Lam đâu thể dịu dàng, ngọt ngào như Trâm Anh, càng không thể đạo mạo như anh Phi. Cô là một con bé vừa rời trường cấp ba để vào đại học, cô làm sao người lớn như ông anh, bà chị họ được.
Thế nhưng vào học ở thành phố, ở trong nhà dì Thư, Lam phải ép xác theo mọi nề nếp của dì đưa ra. Mới một tuần tại đây, mà cô tưởng như "thiên thu tại ngoại". Sao cô dễ bị mắng thế chứ. Dù biết dì Thư thương mình thật lòng, dì mắng vì muốn cô tốt như con gái dì, nhưng Lam vẫn thấy tủi thân khi nhớ tới mẹ. Tại bà khi đưa Lam vào đây đã tuyên bố dì Thư được toàn quyền thay mặt bà dạy dỗ Lam, và cô không được cãi. Lời tuyên bố này đã hại Lam nhiều thứ, trong đó điều làm cô đau lòng nhất là không được coi đá banh.
Thanh Lam thở dài. Tất cả tại cái mồm có độ nhạy cao của mình. Nếu lúc nãy cô đừng la làng lên, thì đâu đến nỗi phải ngồi nghe nhạc cổ điển như bây giờ.
- Sao? Chị đàn được không Lam?
Giật mình vì giọng hỏi trong veo của Trâm Anh, Lam đáp bừa:
- Dạ... Rất tuyệt!
- Vậy chị sẽ đàn cho em nghe bản Xô-nát dưới ánh trăng. Anh Thắng cũng thích nghe bản này lắm đó!
Lam cười méo xẹo:
- Vâng! Chị đàn đi! Nhưng rất tiếc em không phải là anh Thắng để hiểu hết những gì chị muốn gởi qua từng nốt nhạc.
Trâm Anh cười thật tươi:
- Có sao đâu!
Dứt lời tay Trâm Anh đã thoăn thoắt lướt trên những phím đàn. Với mái tóc dài hờ hững buông lơi và cái váy trắng mềm mại, trông Trâm Anh thập đẹp. Cái đẹp ẻo lả đầy nữ tính mà Lam không có được. Từ bé đến lớn, mọi người quen xem cô là con trai với những trò nghịch ngợm, phá phách. Lam biết mình khó lòng trở nên thùy mị đoan trang như chị Trâm Anh. Nhưng biết làm sao hơn khi trời đã sinh ra cô như thế.
Kín đáo đưa tay che miệng ngáp, Lam vái trời cho cái bản Xô-nát, thau nát gì gì đó mau hết. Nếu không chắc cô sẽ gục tại chỗ mất. Nhưng dường như Trâm Anh đang phấn khởi nhớ tới người yêu nên cứ đàn mãi, đàn mãi mà vẫn chưa hết. Mắt Lam díu lại, cô vừa gục xuống thì giọng bà Thư vang lên làm cô bừng tỉnh:
- Đi ăn cơm các con ơi...
Lam đứng dậy nhắc lại lời bà Thư:
- Ăn cơm chị Anh ơi!
Rồi cô hí hửng bước xuống bếp với tâm trạng của một kẻ thoát mạn.
Con gái phải biết giữ ý tứ. Đó là một trong những lời mẹ khuyên. Lam đang đi tới bếp bỗng khựng lại. Cô vội vàng rời phòng khách vì chịu không nổi thứ âm nhạc sang trọng của chị Anh, nhưng coi chừng bị đánh giá là ham ăn đấy! Tới cửa dẫn ra hàng hiên, Lam rẽ ra sân rồi ngồi phịch xuống ghế đá. Ngôi nhà rộng lớn này có khu vườn rất to, nhưng đáng tiếc là chả ai chăm sóc nên cỏ mọc um tùm trông hiu quạnh làm sao.
Lam đảo mắt một vòng rồi nghĩ mãi vẫn chưa hiểu vì lý do gì, dì Thư bỏ không ngôi nhà ba tầng sang trọng của mình để về ở chung với gia đình chồng trong ngôi biệt thự đã trơ màu rêu phong cũ kỹ này. Mẹ vẫn bảo dì Thư là người khôn ngoan, tính toán, việc làm nào của dì cũng có mục đích, chắc chắn việc này cũng không ngoại lệ.
Hôm đưa Lam vào Sài Gòn, mẹ và dì Thư đã thức trắng đêm để tâm sự. Chuyện gì hai chị em mẹ cũng không giấu nhau, nhưng vì mẹ cho cô là con nít ranh nên đâu kể lại cho cô nghe.
Bứt cái lá bông giấy đặt lên tay, Lam dập một cái và thích thú vì tiếng lá vỡ ra khá to. Lam vẫn bị mắng về tội không bao giờ ngồi yên một chỗ, may là lúc này khu vườn không có ai. Nếu có mẹ hay dì Thư, chắc cô đã bị dũa vì đã làm một người yếu tim ấy giật mình rồi.
Tự dưng Lam tủm tỉm cười. Cô thanh thản đi trên lối cỏ mọc đầy, lòng thầm mong mau tới ngày khai giảng để được tự do, bay nhảy. Bị nhốt trong cái lồng rong rêu này suốt tuần qua, Lam đã oải lắm rồi. Cô đang mong được vỗ cánh bay tìm bạn mới, hoặc gặp lại những đứa bạn Nha Trang của mình ghê gớm. Chỉ với bạn, Lam mới chuyện trò thoải mái. Còn với ông anh, bà chị, ông dượng, bà dì, rồi ông bác bố chồng của dì Thư, Lam toàn phải vâng, dạ, chán muốn chết. Cô đang thèm nhảy loi choi trên biển, nằm dài trên cát hát vu vơ với trời nước mênh mông ghê đi.
Tiếng chị Mai giúp việc ơi ới vang ra tận vườn làm Lam phải quay lại. Cô bước vào bàn ăn khi mọi người đã đầy đủ.
Ông Trường, ba chồng dì Thư mỉm cười hỏi cô:
- Cháu đã đi hết thành phố chưa?
Lam lắc đầu:
- Dạ chưa ạ! Sài Gòn rộng quá, cháu sợ lạc.
Ông Trường lại cười:
- Đường nào chả về La Mã. Phải mạnh dạn lên, đi cho biết đó biết đây chớ, sợ gì mà sợ.
Lam chưa kịp lên tiếng, dì Thư đã nói:
- Con không cho nó đi lung tung, con gái tỉnh ra dễ bị gạt lắm.
Ông Trường nói:
- Thật ra ba không đồng ý cách dạy con theo kiểu cấm cung của vợ chồng bây. Tối ngày cứ ấp con trong lòng chưa phải là hay đâu.
Đang cắm cúi ăn, ông Lộc chợt góp vào:
- Thời buổi bây giờ người tốt thì ít, kẻ xấu lại... lềnh khềnh ngoài đường. Con làm sao an tâm khi để các cháu tự do trong quan hệ giao tiếp chứ.
Ông Trường nhấn mạnh:
- Nhưng con phải nhớ mình không sống đời để theo canh giữ chúng nó mãi.
Ông Lộc thản nhiên đáp:
- Nhưng ít ra khi còn sống, mình cũng an tâm nhìn con cháu thành công đi theo con đường mình đã vạch sẵn, chớ không phải khổ sở nhìn hậu quả của việc đã thả lỏng chúng.
Ông Trường chưa kịp nói gì, ông Lộc đã nhếch môi cười đầy mỉa mai:
- Ba thấy đấy, thằng quý tử của ba đã đi cả tháng trời, nhưng không hề một lời cho biết đã đi đâu, làm gì. Nó mặc cho ba đứng ngồi không yên, ăn ngủ không được vì phương pháp thả nổi con của ba.
Ông Trường xụ mặt xuống rồi sau đó nói ngay:
- Nó lớn rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì tao phải đứng ngồi không yên chứ!
Lam tròn mắt nhìn hai người. Dầu mới ở đây chưa lâu, nhưng cô vẫn dễ dàng nhận ra dượng Lộc và ông nội của Trâm Anh không hợp nhau. Từ chuyện lớn đến chuyện bé, hai người luôn có tư tưởng đối chọi. Thường anh Phi sẽ đứng ra giải hoà, nhưng chiều nay anh ấy vẫn thản nhiên ăn cơm, như không nghe không thấy gì hết. Lam sợ hai người đàn ông có tuổi này sẽ găng hơn nữa, may thay họ đã kềm chế được mình bằng cách cắm cúi với chén cơm.
Không khí trong phòng bỗng nặng nề vô cùng. Người đầu tiên đứng dậy là anh Phi, kế tiếp là chị Anh. Lam đang ngần ngừ với cái chén đã vơi hơn phân nửa, thì bà Thư đã dằng lấy và bới thêm cơm vào. Vừa bới bà vừa nói:
- Ăn nhiều để có sức mà học.
Lam lí nhí:
- Vâng.
Cuối cùng trong bàn ăn chỉ còn Lam và bà Thư. Thấy cô uể oải nhai cơm, bà nói:
- Rồi con sẽ quen, cha con họ đã như vậy từ mấy chục năm nay.
Lam nhỏ nhẹ:
- Như vậy chắc dì khổ tâm lắm?
Bà Thư nhún vai:
- Quen rồi, dì coi như không.
Lam thắc mắc:
- Sao dì về đây chi vậy? Ở nhà riêng, không phải làm dâu vẫn sướng hơn mà.
Bà Thư chép miệng:
- Có nhiều chuyện dì nói chưa chắc con đã hiểu. Là đàn bà trách nhiệm với chồng con rất nặng. Dì cũng như mẹ con, luôn luôn sống vì gia đình mình.
Lam gật đầu như đồng ý với của bà Thư, trong khi đầu óc cô lại lan man nghĩ tới những chuyện khác. Lam rất tò mò về ông chú cùng cha khác mẹ của chị Trâm Anh và anh Phi, nhưng tiếc là cô chưa được diện kiến dung nhan xem chú ấy thế nào, mà luôn là đề tài tranh cãi của những người trong nhà.
Hôm trước khi về, mẹ có dặn cô (Ôi chao là những lời dặn dò của mẹ ). Bà nói:
- Không nên trò chuyện nhiều với chú Kiên, chú ấy là người xấu, phải tránh xa ra.
Lam đã buột miệng hỏi:
- Sao mẹ biết?
Mẹ đã cau mặt phán một câu sấm sét:
- Hừm! Con của người làm bé thiên hạ thì làm sao tốt được. Mày là em của thằng Phi, con Anh, chả lẽ lại nghĩ kẻ từng phá hạnh phúc của ba mẹ dượng Lộc là tốt?
Lam chả hiểu sao mẹ lại nghĩ kỳ vậy. Suy cho cùng chuyện gia đình của ông bà nội anh Phi đâu liên quan đến mẹ và cô. Sao bà lại lo xa thế nhỉ?
Buông đũa xuống. Lam định dọn chén bát phụ chị Mai, nhưng bà Thư đã ra lệnh:
- Đây không phải việc của con. Ra ngoài trước ngồi chơi với Trâm Anh thì hay hơn.
Lam lại dạ một cách máy móc. Cô rề rề rửa mặt, đánh răng rồi định rút về phòng thì bà Thư đã gọi. Rầu rĩ trong lòng, Lam chậm chạp bước ra phòng khách.
Trên bộ salon màu đen sang trọng, Lam thấy chị Trâm Anh ngồi đối diện với Thắng, kế bên Trâm Anh, dì Thư đang huyên Thuyên nói. Dù chưa biết dì ấy nói gì, Lam cũng thừa hiểu Trâm Anh và Thắng đang rầu thúi ruột vì bị lệnh mẫu cản địa. Tự nhiên cô buồn cười và thấy tội nghiệp đôi trẻ. Rõ ràng dì Thư và dượng Lộc quá mức quan tâm đến con, nhất là chị Trâm Anh. Lam có cảm giác chị Anh luôn tuân thủ mọi mệnh lệnh của dì Thư. Rất nhiều lúc, Lam thấy Trâm Anh ríu rít nghe lời mẹ mà đôi mắt buồn thiu muốn khóc vì một chuyện nhỏ nhặt như không được ra phố khi trời sắp mưa, hay sắp tới giờ cơm rồi không được ăn chè.
Năm nay Trâm Anh đã hai hai tuổi, chị ấy đâu còn bé bỏng gì nhưng dường như chị Anh không có chút độc lập với bản thân. Chị luôn làm theo lệnh của ba mẹ. Đúng là khốn khổ. Lam chợt giật mình khi nhận ra mình, sắp rơi vào cái vòng bánh xe đang đưa Trâm Anh đi. Nếu cô tiếp tục nói, dạ với dì Thư thì chẳng bao lâu cô sẽ thành một người thụ động, mất hết mọi tự do cá nhân. Mà với cô không được hành động theo ý mình, thì chết sướng hơn.
Thấy Lam cứ đứng tần ngần, bà Thư bảo:
- Ngồi xuống đi con.
Lam cười rất vô tư:
- Xin phép dì cho con về phòng viết thơ cho mẹ.
Cau đôi mày đã nhổ sạch, chỉ còn lại một đười vẽ bằng chì nâu, bà Thư có vẻ không hài lòng:
- Mẹ con mới điện thoại hồi sáng mà. Thơ từ làm chi cho mất công.
Lam vẫn cười:
- Dạ, nhưng có những chuyện con chỉ viết chớ không nói được. Rồi con còn viết cho bạn bè nữa.
Bà Thư giận dỗi phẩy tay:
- Làm gì thì làm đi.
Lam khoái chí vì biết mình đã thắng một bước. Cô nhe răng với Trâm Anh và Thắng rồi nhảy tót lên lầu. Ngang căn phòng đóng im ỉm của chú Kiên, người Lam chưa biết mập lùn, cao thấp ra sao, cô vui tay động vào cửa cái rầm, rồi chui vào phòng mình khoá trái lại. Cẩn tắc vô áy náy. Mẹ đã dặn thế. Trường hợp đề phòng dì Thư bất ngờ đột nhập, Lam khóa cửa là đúng.
Cô hí hửng mở cái Cassette cũ kỹ đem từ Nha Trang vào ra nghe nhạc. Thật ra Lam đâu phải ghét nhạc, nhưng sao cô nghe không được những bài nhạc chị Trâm Anh đánh dương cầm. Chả biết tại chị ấy chơi dở, hay tại lỗ tai Lam có vấn đề. Nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được nghe loại nhạc mình ưa, dầu có phải nghe bằng cái máy đã mòn đầu từ, giãn dây cô-roa như thế này.
Đang lắc lư nhịp theo. Oh. Carol! I am but a phool, Lam bỗng nghe ngoài hành lang có nhiều tiếng ồn ào như đang gây lộn. Cô vội tắt máy và mở cửa ló đầu ra nhìn. Lam hết sức ngạc nhiên khi thấy, ông Lộc, bà Thư, ông Trường đều có mặt. Riêng anh Phi thì đang ì ạch kè một người vào phòng chú Kiên. Mùi rượu nồng nặc bốc lên làm Lam muốn ọe, cô muốn nghía xem chú Kiên mặt vuông, mày rậm, miệng rộng ra sao, nhưng không được vì đầu ông ta nghẻo hẳn vào vai anh Phi làm ảnh nhăn nhó trông phát tội.
Ông Lộc chì chiết như đàn bà:
- Nhà này có thêm một bợm nhậu. Thật chả ra thể thống gì hết.
Giọng ông Trường tỉnh bơ:
- Nam vô tửu như kỳ vô phong. Là đàn ông phải biết một chút phong lưu.
Ông Lộc nghiến răng:
- Phải! Nhờ phong lưu nên ba mới có nó, để hưởng phước lúc về già.
Từ phòng Kiên bước ra, Phi nhìn mọi người rồi càu nhàu:
- Thế nào ổng cũng cho chó ăn chè.
Ông Trường nói:
- Tụi con cứ đi nghĩ đi, để Kiên cho ba.
Ông Lộc có vẻ bực bội:
- Con không muốn ba phải cực khổ vì nó.
- Cha mẹ nào không cực khổ vì con cái.
- Nhưng mà...
Ông Trường khoát tay:
- Khỏi phải nói gì hết. Ai về phòng nấy.
Dứt lời ông bước vào phòng Kiên. Bà Thư hơi bĩu môi và hất hàm hỏi Phi:
- Đưa thằng giời đánh ấy vào nhà làm chi? Cứ để nó chết bờ chết bụi cho rồi.
Phi hất mái tóc bảy ba lên:
- Mẹ nói thế chứ, dầu sao ổng cũng là chú con mà.
Bà Thư đay nghiến:
- Chú gì cái ngữ ấy!
Quay lại nhìn Lam, bà dặn:
- Tối ngủ nhớ khóa trái cửa đấy!
Lam rụt rè:
- Vâng ạ!
Mọi người đã rút về cõi riêng của mình rồi nhưng Lam vẫn còn tần ngần ở cửa. Cô bỗng thấy tội nghiệp ông Trường khi ngần ấy tuổi đời còn phải nhọc lòng vì thằng con hẳn cũng đã già của mình.
Bước tới phòng Kiên, Lam gõ cửa nhè nhẹ. Ông Trường thò đầu ra, giọng đầy ngạc nhiên:
- Chuyện gì hả Lam?
Lam ấp úng:
- Cháu giúp ông chăm sóc chú Kiên...
Ông Trường bật cười:
- Không cần đâu cháu, chú ấy ngủ rồi và chẳng làm phiền ai đâu.
- Vậy sao ông chưa về phòng nghỉ?
- Ông về ngay đây. Cám ơn lòng tốt của cháu.
Lam chớp mắt:
- Có chuyện gì ông cứ gọi, ba cháu cũng hay uống rượu, nên cháu không ngại đâu.
Cô trở về phòng mình, lòng nhẹ nhõm khi nhớ lại những lời đã nói với ông Trường.
Ở nhà người khác phải cùng ăn, cùng ở cùng làm. Mẹ đã dặn thế. Mình sẽ tránh xa chú Kiên cho vừa lòng mẹ, nhưng nếu không giúp ông bác, mình thấy áy náy thế nào ấy. Với tay mở cassette, Lam lim dim mắt. Lại một đêm nữa sắp trôi qua trên thành phố lạ này. Ước gì sáng mai dì Thư cho mình được đi dạo khắp nơi suốt một ngày nhỉ?