Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Lời hát cho anh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 52244 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lời hát cho anh
Trần Thị Bảo Châu

Chương 8
Kiên gắng gượng ngồi dậy dù anh đang bị nhức đầu dữ dội. Buổi chiều từ xỉn tới chết hôm qua đã giết anh thật sự. Kiên đã say quắt cần câu, nằm li bì suốt đêm và cả một buổi sáng nhưng vẫn chưa tỉnh. Giờ này đã xế chiều rồi, nếu tiếp tục nằm nữa thế nào điện thoại cũng reo, giọng lảnh lót của Bích Lan sẽ vang lên gọi anh tới tấp. Ôi! Sao anh sợ nghe giọng oanh vàng của Bích Lan thế nhỉ
Uể oải bước đến lavabo, Kiên đánh răng rửa mặt rồi ra sân châm thuốc hút và tưởng tượng đến nét nhăn nhó của Lam, khi con bé thấy anh đốt thuốc.
Nhìn khói lan ra xung quanh, Kiên ngần ngừ một chút mới rít hơi đầu tiên. Sao tự nhiên lại nghĩ tới Lam nhỉ? Chắc tại con bé là cháu bà Thư, người đàn bà anh không chút cảm tình, người luôn khiến Kiên hả hê mỗi khi bà ta bị gặp phiền phức, bất hạnh. Cũng không hẳn thế, vì Lam đâu dính dấp tới chuyện ưa ghét giữa anh và bà Thư. Lam chỉ là một con bé con lách lác, mơ mộng và ngây thơ nhưng cứ tưởng mình khôn ngoan già giặn.
Kiên lim dim mắt. Cái tội của Lam là không chịu nghe lời bà dì ruột tránh xa anh ra. Đã vậy con bé còn cố tin anh là người tốt. Đúng là ngốc nghếch! Lam cũng nhẹ dạ như Trâm Anh. Nếu anh giống như Tấn, con bé sẽ sa vào tròng ngay. Kiên vỗ vỗ trán để cắt đứt dòng tư tưởng đen đúa đang tràn lan trong đầu mình. Anh làm sao giống Tấn được, dù Lam còn có thể khờ khạo hơn cả Trâm Anh. Đùa với những cô gái ngây thơ cũng thích thật, nhưng lương tâm cắn rứt lắm.
Kiên chợt bật cười khi nhớ tới vẻ ho-li-gân của Lam lúc xem bóng đá. Cô bé còn hào hứng hơn cả anh. Ngồi trong phòng đóng kín cửa bên cạnh một cô bé hết sức dễ thương, vô tư như Lam, nhiều lúc tâm hồn Kiên bỗng xôn xao kỳ lạ Chả lẽ anh... để ý cô bé đó à?
Chắc không có chuyện vô lý ấy đâu. Làm sao Kiên lại thích cháu ruột của bà Thư cho được, dù dạo này Lam chính là nguyên nhân khiến anh thích về nhà hơn trước.
Kiên rít một hơi thuốc thật dài rồi cố tìm những lý lẽ khác để biện hộ cho lý do thường xuyên về nhà của mình, nhưng anh tìm mãi vẫn chả ra. Chả lẽ một con bé tỉnh lẻ quê mùa lại làm tim anh rung động? Thật ra Lam đâu có gì đặc sắc. Nếu đem so con bé với những cô gái Kiên từng quen thì Lam khó bằng họ về mọi mặt. Nhưng tại sao anh lại nghĩ tới cô bé ấy cơ chứ? Chả lẽ vì anh muốn đổi “gu” vì các cô gái đẹp anh từng thân mật đã trở nên quá nhàm chán nên muốn có trò tiêu khiển mới hơn? Nhìn những bông cúc vàng hồn nhiên bò lan ra đất, Kiên chợt xấu hổ với những gì vừa nghĩ. Anh điên rồi chắc, nên mới tưởng tới những chuyện lệch lạc đó.
Ném điếu thuốc hút dở vào góc sân, Kiên chống tay đứng dậy. Đúng là trận nhậu hôm qua vẫn còn làm anh choáng.
Chuông điện thoại reo làm Kiên rầu rĩ khi nghĩ tới giọng nheo nhéo của Bích Lan, chắc là cô nàng thôi. Anh uể oải bước vào và thấy Lam đang nghe.
Cô đưa máy cho anh:
- Bồ chú gọi đấy!
Kiên cầm lấy máy rồi cố tình nắm luôn tay Lam. Cô bé vội vàng giật mạnh tay lại và đi một mạch ra sân. Bất giác Kiên cười thầm. Đùa một chút cũng vui đấy chứ! Nhưng sao tim anh lại nhói một nhịp thế này?
Cầm máy lên, anh cao giọng:
- Kiên đây!
Ngoài sân Lam vẫn ngồi trên lan can, cố dỏng tai lên nghe:
- Anh nhức đầu lắm cưng à! Anh không tới được đâu. Chậc! Lâu lâu mới nhậu một lần đừng nhằn nữa, tội nghiệp anh mà cưng yêu dấu.
Lam cắn môi... Đúng là những lời vừa ngọt tình tứ. Cô ta chắc đẹp lắm nên chú Kiên mới yêu và luôn hối hả chạy vội tới mỗi lần nhận được điện. Lẽ nào hôm nay chú lại ở nhà chỉ vì nhức đầu?
Nhảy thốc xuống đất, Lam đi vòng quanh các bồn hoa, nhưng tâm trí không gởi vào những nụ tường vi, những chùm đồng thảo. Cô muốn nghe, muốn biết chú Kiên nói gì với người yêu, và cô cũng sợ phải nghe phải biết những lời âu yếm yêu thương không dành cho mình. Kiên rất mồm mép, mẹ thường dặn: là con gái, phải dè chừng những gã ba hoa, xạo sự. Mồm mép và ba hoa, xạo sự có giống nhau không?
Lam nghiến răng bứt những lá mai chiếu thủy tung lên trời cho chúng rơi lả tả như mưa. Cô không muốn nhớ, nhưng thái độ ân cần lịch sự của Kiên khi mời cô vào coi đá banh vẫn lởn vởn trong đầu. Lúc ấy Lam có cảm giác mình là nhất, chớ đâu có cô đơn, lạc lõng như lúc này. Cô còn nhớ căn phòng hai người thoảng mùi dạ lý hương từ cửa sổ đưa vào. Mưa tí tách, thì thào ngoài vườn. Lam ấm cúng trong chiếc ghế bành êm ái đối diện với Kiên. Còn anh thì tay cầm ly cà phê đen, miệng phì phà thuốc, mắt không ngừng nhìn lên màn hình. Lam thấy hạnh phúc vì có người đồng cảm, đồng sở thích. Lúc đó, cô cảm giác chú Kiên hết sức gần gũi, thân thiết với mình. Còn bây giờ... chú ấy thật xa lạ, khó hiểu. Sao Lam ghét chú Kiên dữ vậy kìa? Nói chuyện với bồ mà còn ráng nắm tay người ta. Sao chú ấy giỡn ác thế chứ!
Mắt Lam cay cay. Nên trách mình chứ đừng trách ai. Chú Kiên vốn thích đùa. Đã có khi nào chú ấy thành thật với mình đâu. Tốt nhất nên tránh chú ấy ra, nếu không muốn làm kẻ thứ ba tội nghiệp lẫn đáng ghét. Tấm gương ảm đạm của chị Trâm Anh vẫn còn mới toanh, Lam không lo tránh mà còn định lao vào sao? Đàn ông trong gia đình này từ ông Trường đến dược Lộc và cả chú Kiên. Ai cũng sợ chứ!
Lam ủ rũ với những điều đang nghĩ. Cô muốn rong rong ngoài phố cho khuây khỏa, chứ cứ hết giờ học về là giam mình trong căn phòng tăm tối, chật hẹp mãi, Lam ngán lắm rồi. Có lẽ cô nên làm một cuộc đột phá, mặc kệ dì Thư rầy và để thoải mái đôi chút mới được.
Nói là làm, Lam chõ đầu vào cửa bếp nói với Mai:
- Em tới nhà bạn mượn vở nghe chị Mai.
- Chừng nào em về?
- Khoảng nửa tiếng nữa.
- Nhớ về đúng giờ, không thôi cô Thư la đó.
Lam cong môi:
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi...
Dắt xe ra khỏi cổng, Lam hăm hở đạp đi. Nhất định chiều nay cô phải... xả hơi tới tối cho... bõ tức. Nhưng ai là người cô tức đến mức đạp xe rong rong ngoài đường thế này?
Những vòng đạp dần dần trở nên nặng nề. Một mình trên phố có khác gì một mình ở nhà. Sợ còn buồn hơn là khắc Lam chả biết đi đâu ngoài tới thăm nhỏ Hương, dầu hồi sáng này hai đứa vừa gặp nhau trong lớp.
Tần ngần ngoài cổng vài giây, Lam bấm chuông. Lam thường tới đây vào những buổi chiều nghỉ học, nhưng tới vào giờ này thì đây là lần đầu. Chắc thế nào Hương củng ngạc nhiên, không biết chuyện gì đã xảy ra với Lam.
Cô đoán quả là không lầm. Vừa thấy Lam, Hương đã tròn mắt:
- Chuyện gì vậy?
- Không! Ở nhà chán quá. Tao rong rong chơi cho đỡ buồn mà!
- Tới đây cũng chẳng khá hơn đâu. Ê! Mình đi ăn đi. Ăn hàng là hấp dẫn nhất đó!
Lam ngần ngừ:
- Ăn cái gì? Ăn ở đâu?
Hương hồ hởi:
- Gần đây thôi! Đủ thứ món, từ gỏi đu đủ, bột chiên tới cháo lòng, hủ tiếu, chè... Tao dám cá mày chưa nếm qua món bột chiên độc chiêu của dân SàiGòn.
- Nhưng mà...
- Chả nhưng nhị gì hết. Tao đang muốn ăn, mày tới thật đúng lúc. Cất xe vào đây và chờ tao một chút.
Rồi không cần biết cô đồng ý hay không, Hương chạy vội vào nhà hơn 5 phút sau mới trở ra giọng hớn hở:
- Mình đi ăn cho đã, hơi đâu mà rầu rĩ.
Lam đành nghe lời Hương. Đi bên cạnh cô, con bé không ngừng chót chét:
- Mày buồn... cái lão chú Kiên phải không?
Mặt đỏ lên, Lam chối:
- Mắc mớ gì tao lại buồn ổng? Mày chỉ giỏi đoán bậy.
Hương tủm tỉm cười:
- Có cần phản ứng mạnh dữ vậy không? Từ cái dạo hai chú cháu bây mém bị trời đánh tới nay, tao thấy mày thay đổi một trăm tám luôn.
Lam càu nhàu:
- Tao chả thay đổi gì hết.
- Vậy chịu làm chị tao đi. Ông Long hỏi rón hỏi ren về mày hoài.
- Xì! Sao gặp tao, ổng im ru vậy!
Hương ra vẻ tài khôn:
- Ổng có tình ý dĩ nhiên phải khớp, làm sao dám mở miệng được.
Lam bĩu môi:
- Tao chỉ thích đàn ông mạnh mẽ, có cá tính.
Hương lên giọng:
- Nếu vậy mày còn đề phòng vì những thằng đểu luôn có cá tính mạnh mẽ. Nhờ vậy mới mê hoặc được đàn bà con gái.
- Điều đó chưa chắc đúng.
Hương tinh quái:
- Tao biết, mày từng khen ông chú Kiên có cá tính mạnh mẽ kia mà!
Lam giận dỗi:
- Mày còn lôi ông Kiên vào đây, tao về à!
- Tới nơi rồi, về uổng lắm.
Hương vừa nói vừa kéo lam vào một con hẻm rộng lố nhố hàng quán, đông đúc khách.
Ấn Lam ngồi xuốgn cái ghế con kê quanh cái bàn gỗ thấp, Hương thì thầm:
- Chỗ này bán được lắm. Tuy trong hẻm nhưng toàn dân xịn tới ăn không thôi.
Đảo mắt một vòng, Lam thấy toàn xe Dream, rồi Citi dựng san sát nhau. Khách toàn trai trẻ ăn mặc thật mode. Họ ăn uống thật tự nhiên thoải mái.
Hương nói:
- Đa số là sinh viên học sinh. Lần đầu anh Long dắt tới đây, tao đã khoái cái không khí này rồi. Nhìn quanh toàn là dân mình, vui lắm!
Lam mỉa mai:
- Lão cận ấy coi đạo mạo thế kia mà cũng ăn hàng ngoài phố nữa à?
- Chớ sao! Anh Long nói ai chưa ăn uống đầu đường xó chợ, chưa phải là sinh viên. Bởi vậy anh em tao tới đây... cháp thoải mái. Phải bữa nay có ổng thì hay biết mấy.
Nhìn Hương đưa tay làm hiệu với người bán, Lam buồn cười. Con bé chắc là khách quen, nên nhìn theo tay nó, bà chủ xe bột chiên gật đầu lia lịa.
Giờ này ngoài phố nhộn nhịp vui thế này. Vậy mà bao lâu nay Lam cứ rúc trong góc phòng như người đi tu. Càng nghĩ, cô càng ấm ức tủi cho phận mình.
Giọng Hương thân mật vang lên:
- Nói thật đi nhỏ. Sao tự nhiên mày đến nhà tao vào giờ này?
- Tao đã bảo tại ở nhà chán quá.
- Đó chỉ là cái cớ, chớ không phải là nguyên nhân. Bà dì mày khó thấy mồ, cái cớ ấy không đủ mạnh để mày dám lang thang khi sắp tới giờ cơm rồi đâu. Nè! Phải mày buồn ông chú cùng họ Hồng Bàng không? Mày yêu ổng à!
Lam ấp úng:
- Tầm bậy! Chú Kiên có bồ rồi. Chú ấy đâu hề nghĩ gì tới tao.
Hương vênh váo:
- Mới có bồ thì ăn thua gì! Nếu mày cao tay ấn, chú ấy có vợ cũng chưa sao. Đời này ly dị dễ ợt.
Lam nhăn mặt:
- Mày nói gì khó nghe quá vậy?
Hương cười cười:
- Tao chỉ thí dụ thôi mà. Nếu không thể với chú ấy được thì với anh Long nha?
- Mày ba trợn vừa vừa thôi. Chuyện tình yêu mà làm như trò đùa.
Hương vỗ tay reo lên:
- A, mày tự thú rồi nha! Hay... ha...
Cuống quýt nhìn quanh, Lam gắt:
- Ôi! Mày to mồm quá!
Hạ giọng xuống thật khẽ Hương nói:
- Ông Kiên mạnh mẽ ra sao? Mày phải để tao coi tướng ổng mới được.
- Mày đừng nhắc tới chuyện này nữa được không?
Thấy mặt Lam có vẻ hình sự, Hương miễn cưởng gật đầu:
- Được! Nhưng tao còn ấm ức lắm!
- Dẹp luôn cái mớ ấm ức ấy cho tao nhờ. Đang chán, gặp mày càng bực hơn.
Người phục vụ bưng ra hai đĩa bột chiên nóng hổi. Hương ân cần:
- Ăn thử đi, hy vọng mày sẽ quên bực và quên cả cái nguyên nhân làm mày chán.
Lam buột miệng:
- Ở thành phố này chỉ có mày là hiểu tao nhất.
Hương nhún vai:
- Nhưng tao sắp hết hiểu nổi mày rồi. Cứ giữ mãi những nổi buồn không thể thố lộ với ai mày sẽ điên mất.
Lam nhếch môi:
- Nói ra cũng chả ai giúp được tao.
Hương hất hàm:
- Ê, bi quan đâu phải là tính cách của mày.
- Đó là sự thật, chớ không phải tao bi quan.
Dứt lời Lam cắm cúi nhìn dĩa bột chiên thơm phức mùi tương, dấm và ớt, lần đầu ăn món này cô tạm hài lòng với đủ vị chua, cay, ngọt, mặn.
Hương nháy mắt:
- Ngon không?
- Cũng được. Nhưng cay quá!
- Lần sau bảo họ cho ít tương ớt là vừa miệng ngay.
Lam xa xôi:
- Phải chi mọi chuyện trên đời đều đơn giản như việc ăn bột chiên này thì tốt quá.
Hương khịt mũi:
- Chung quy vẫn là chuyện yêu thôi chứ gì? Nếu mày là món vừa miệng hơn, lão chú ấy sẽ bỏ cái món cũ nhàm chán ngay. Tình yêu thời bây giờ phải biết thích nghi.
Lam uể oải lên tiếng:
- Thế nào gọi là thích nghi!
Cho một cục bột chiên vào mồm, Hương chợt hỏi:
- Mày còn nhớ con nhỏ đi với lão xồn xồn trong Coop Mart lần đó không?
Tự nhiên Hương lại nhắc đến chuyện này làm Lam dè dặt. Cô trả lời nhát gừng:
- Có. Mà sao chứ?
Hương chép miệng:
- Đó là một mẫu người biết thích nghi đấy. Tao vẫn gặp nó với một gã trẻ tuổi đẹp trai trong cái hẻm này. Anh chàng gọi bò bía, gỏi bò cho con nhỏ nghe ngọt sớt. Hai đứa trông tình lắm! Thế mới biết khi yêu cũng có hai mặt: một mặt để nuôi bao tử, một mặt để dưỡng trái tim. Hổng chừng con nhỏ móc túi lão già để nuôi dưỡng kép trẻ là khác.
Lam liếm môi:
- Nhưng có đúng con nhỏ không?
Hương tự tin:
- Sao lại khkong! Nó đẹp, nhìn một lần là nhớ ngay. Khách ở đây ai cũng khen tụi nó xứng đôi. Nhìn bề ngoài hai người y như các cặp sinh viên đang bồ bịch khác. Chỉ có tao mới hiểu thực chất của họ mà thôi. Bởi vậy trong mắt tao, thời buổi bây giờ không có cái gọi là tình yêu. Tất cả chỉ là trò đùa. Vì vậy nếu muốn, mày nên thử đùa với ông chú ruột dư ấy. Biết đâu cá lại cắn câu.
Lam nhăn nhó:
- Rồi sau đó thì sao? Mày đừng nên xúi bậy mà mang tội.
Hương ra dấu gọi nước, con bé xuýt xoa vì cay, rồi lơ lửng nói:
- Vẫn biết là ớt cay nhưng sao người ta vẫn thích ăn cho khổ thân.
Lam thản nhiên:
- Tao không dại dột như mày đâu.
Hương gật gù:
- Tao cũng hy vọng thế, vì mày là đứa không thích món cay.
Lam lắc đầu cười. Cô thấy lòng bớt nặng nề vì những lời như đùa như thật của Hương. Con bé lúc nào cũng lách chách, độc mồm nhưng thật ra rất nhát. Cô nàng chưa có mảnh tình vắt vai, nhưng khi nói về yêu đương thì luôn tỏ ra vẻ đầy kinh nghiệm. Thời còn học trung học, Hương từng làm quân sư quạt mo cho khối đứa mơ mộng và chúng nó cũng răm rắp nghe lời Hương. Chả hiểu những mối tình ấy rồi sẽ đi tới đâu. Nhưng mỗi lần nhớ tới cái trò cặp đôi, ghép tên nhỏ này với tên gã nọ, Lam vẫn thấy tức cười. Cái thưở hồn nhiên vụng dại ấy mới đây thôi, sao cô thấy như ở hồi nào xa lắc.
Giọng Hương thì thầm:
- Hề! Nhìn kìa.
Lam tò mò nhìn theo ánh mắt của Hương và giật bắn người khi thấy cô gái Lam từng gặp đi với ông Lộc trong Coop Mart.
Hương lại khẽ khàng nói:
- Gã bồ cũng khá bảnh trai phải không?
Lam cúi đầu nép sát vào người Hương, cô không gật cũng chả ừ hử gì nổi khi đã nhận ra gã bồ của cô ta là ai.
Cuộc đời đúng là khéo trêu ngươi. Lam mím môi nuốt tiếng rủa bất bình vào lòng rồi nhìn theo hai người. Họ ngồi khuất phía sau xe bán bò viên và hoàn toàn không thấy cô. Thế mà hay! Lam cố gắng bình tâm trở lại bằng cách bưng ly sữa đậu nành lên uống một hơi.
Thái độ... háo uống của cô làm Hương ngạc nhiên, con bé rất nhạy cảm nên hỏi ngay:
- Chuyện gì?
Lam ậm ự:
- Tao khát!
Vừa lúc ấy gã bồ của cô gái chợt đứng dậy đi tới xe bột chiên. Lam vội vàng thụp đầu xuống nép vào người Hương lần nữa. Hương ngỡ ngàng một chút nhưng vốn thông minh, cô bé ngồi thẳng lên che khuất Lam.
Đợi gã đàn ông ấy trở về bàn của mình, Hương tò mò:
- Mày quen tên này à?
Lam rầu rĩ gật đầu. Hương trợn mắt:
- Đừng nói với tao đó là chú Kiên nhé!
Lam thở dài:
- Nếu là chú Kiên chắc đỡ khổ hơn. Tao không ngờ anh Phi lại vây vào ả hồ ly này.
Hương kêu lên:
- Anh mày hả? Không lẽ nào...
Lam lại uống sữa nữa. Cô dằn cái ly xuống bàn, giọng cau có:
- Sự thật rành rành ra đó, còn chẳng với lẻ gì nữa. Hừm! Lần nào đi với mày cũng đụng con nhỏ đó. Tao sắp gặp xúi quẩy nữa rồi. Không ngờ con ông khờ này lại quen dân chơi. Tao gánh hổng nổi chuyện kinh dị này đâu.
Hương thản nhiên:
- Cứ xem như không thấy không nghe không biết gì ráo. Có sao đâu?
Lam nhấp nhổm trên ghế:
- Không được! Trời ơi! Gia đình dì Thư sắp nổ tung vì con nhỏ này rồi! Tao phải làm sao đây?
Hương bật cười:
- Mày khéo quan trọng hóa vấn đề.
Lam lắc đầu:
- Tao sợ không đơn giản như vậy. Mày đã nói họ là một cặp xứng đôi, ai cũng khen kia mà! Nhưng tại sao anh Phi lại quen cô ta nhỉ. Bộ trên đời này hết con gái rồi à?
Hương làm thinh. một lát sau con bé bắt đầu đoán già, đoán non.
- Cũng có thể con nhỏ là dân đàng hoàng. Lão trong siêu thị là anh, dẫn em gái đi sắm sửa thì sao?
Lam chậc lưỡi:
- Giả thuyết của mày trật lất.
- Sao mày biết trật? Hay là mày quen cả lão đó?
Lam khổ sở:
- Ông ta là dượng tao, là ba của anh Phi đó.
Mặt Hương ngớ ra mất mấy giây. Con bé kêu lên:
- Vậy là to chuyện thật rồi. Mày gánh không nổi đâu. Phải nói với người lớn thôi. Nhưng đã có ai biết dượng mày... chưa?
Khuấy khuấy cái muỗng trong ly, Lam nói:
- Tao có kể với chú Kiên. Chú ấy bảo phải giấu, vì dì Thư bị đau tim. Chậc! Đúng là loạn tới. Tao phải về, không thì phiền phức lắm.
Hương nhún vai đứng dậy trước. Con bé tính tiền rồi khoác vai Lam đi trở ngược ra đường lớn.
Lam thở than:
- Tao sợ về ngôi nhà ấy quá.
Hương cười cười:
- Dù sao trong đó cũng là chú Kiên mà!
- Còn chú ấy thì sao? Tao bỗng thấy lời mẹ dặn phải tránh xa chú Kiên là đúng. Đàn ông dễ sợ lắm!
- Mốc xì! Nếu họ dễ sợ thì hai cha con ông dượng mày đâu rơi vào lưới của con yêu tinh đó. Tại si tình nên mày mới đặt đối tượng vào một vòng ảo tưởng rằng... chàng rất dễ sợ, rằng... chàng rất đa tình, coi đàn bà như trò đùa. Chớ thật ra chàng cũng tầm thường như mọi gã khác.
Lam lầu bầu:
- Nói như mầy thì cuộc đời chả có gì đáng mơ mộng hết.
- Mơ mộng nhiều thì chết sớm con ạ! Nên thực tế đối mặt với những chuyện lộn xộn sẽ tới trong tương lai. Đi đêm có ngày gặp ma. Mày thử nghĩ nếu dượng mày và anh Phi đụng nhau cái rầm tại nhà con bồ hồ li đó, thì sao nào?
Lam rùn vai:
- Họ làm họ chịu, chả ảnh hưởng tới tao.
Hương lách chách:
- Thế còn dì Thư?
Lam gắt:
- Mày đừng hỏi dồn tao vào thế bí nữa. Nếu như lần đói tao không đi siêu thị, lần này không đi ăn hàng thì tao đâu khổ như vầy.
Hương cười hìhì:
- Xem ra mày vẫn còn lương tâm. Tối nay về suy nghĩ cách giải quyết đi. Nếu không xong, tao sẽ nghĩ phụ cho.
Tới nhà, Lam dắt xe đạp ra và phát hiện bánh xe xẹp lép. Cô giậm chân than xui trước sự hí hửng của Hương.
Con bé xoa tay vào nhau:
- Họa vô đơn chí, nhưng phước bất trùng lai. Cứ để xe ở đây, anh Long sẽ chở mày về.
Lam lắc đầu rối rít:
- Thôi, thôi. Tao đang muốn được yên thân đấy.
Khoanh tay đầy khiêu khích, Hương nói:
- Lòng mày trong sáng như sao Khuê, sao lại sợ anh tao nhi?
- Tao đâu có sợ anh mày.
- Vậy thì sợ dì Thư. Nè! Đây là cơ hội cho mày làm một cuộc cách mạng tự giải phóng mình. Cứ để anh Long đưa mày về xem phản ứng ở nhà thế nào. Sau đó từ từ mình xông lên.
Thấy Lam ngần ngừ, Hương đế thêm:
- Học đại học, chả lẽ không được có bạn là con trai?
Lam bị thuyết phục bởi lý lẽ của Hương. Dẫu biết còn nhiều điểm chưa ổn, nhưng sao không “thử một lần rồi xem”?
Cô quanh co:
- Chỉ sợ phiền anh Long, để tao dắt xe đi vá rồi đạp xe về cho xong.
- Chỗ vá xe cách đây cả cây số, mày dắt ra tới đó còn phải chờ đợi. Chà! Coi bộ chăm dữ.
Lam thở dài:
- Thôi thì tùy ý mày, tao oải lắm rồi.
Hương cười, con bé chạy nhanh vào nhà. Chưa đầy một phút đã nắm tay kéo Long ra.
Giọng Hương hí hửng:
- Giao Lam cho anh, phải đi đến nơi về đến chốn nhanh nhanh nha.
Long đẩy chiếc Citi ra:
- Em nói nhiều quá Hương ạ!
Lam dè dặt ngồi cách Long một khoảng. Hương lại lách chách cái mồm:
- Xời ơi! Ngồi như vậy thế nào cũng té, xích vào một chút cho an toàn và thân thiện coi nào.
Lam trợn mắt nhìn Hương, ngày mai con nhỏ sẽ biết tay cô. Còn bây giờ thì lo ngồi thế nào thật an toàn mà không văng ra khi xe chạy nhanh.
Nhưng Long không cho xe chạy nhanh. Anh chàng cứ tà tà như đang chở bồ đi hóng gió nhưng chẳng nói lời nào làm Lam thấy ngại. Đi hơn nửa đường về, cô mới khó khăn lên tiếng trước:
- Chắc lúc nãy anh Long đang đọc sách?
- Ờ...
- Xin lỗi đã làm phiền anh.
- Làm gì có! Sách lúc nào đọc chẳng được. Nhưng đưa Lam về thì phải gặp cơ hội đấy.
Lam cười thầm. Hừ! Anh chàng cũng mồm mép lắm!
Long hơi nghiêng đầu ra sau:
- Dường như Lam ít đi chơi?
- Vâng! Em vào đây để học mà.
- Học không chơi giết mòn tuổi trẻ đấy. Anh nghe Hương nói dì em rất khó, ngoài việc đến trường ra không cho em đi đâu hết, đúng chứ?
Lam ngập ngừng:
- Với em thành phố này còn xa lạ lắm. Dì Thư không cho em đi lung tung cũng có lý do.
Long cười khẽ:
- Anh chở em về nhà có bị rầy không đây?
Lam cắn môi:
- Em chả biết nữa, tốt nhất anh cho em xuống ở đầu đường.
- Ai lại thế! Anh phải đưa em vào tận nhà, gặp cả dì em nghe dì em rầy mới về.
Lam giẫy nẫy:
- Không được đâu.
Long thản nhiên:
- Sao lại không? Đã có gan làm một cuộc đột phá thì phải làm tới nơi tới chốn. Bỏ giữa chừng không đủ can đảm lập lại lần thứ hai đâu.
Lam hoang mang vì những lời của Long. Anh em nhỏ Hương sao có ý giống nhau thế. Họ chỉ xúi người ta nổi loạn. Nghĩ tới bộ mặt hầm hầm của dì Thư, bộ tịch nghiêm nghị đầy giả dối của dượng Lộc cô bỗng thấy lo.
Cô biết nếu để Long đưa cô về tận nhà là mạo hiểm, là đùa với lửa. Lẽ ra không nên bốc vì một lời khiêu khích của nhỏ Hương. Bây giờ lỡ lên lưng cọp rồi, leo xuống không dễ đâu.
Lam nói:
- Gần tới nhà rồi, anh cho em xuống đi.
Long tự tin khoe:
- Từ hồi học phổ thông tới giờ, tụi bạn vẫn thường nhờ anh tới nhà xin cho tụi nó đi chơi, hoặc xin cho nó về trễ mà không bị rầy. Anh chưa lần nào thất bại, anh hy vọng lần này cũng thế. Tin anh đi, rồi sẽ ổn cả thôi.
Lam kêu lên khi thấy Long đã chạy qua khỏi nhà. Cô nhảy xuống khi anh dừng xe lại. Vừa bấm một hồi chuông cô đã nghe mở cửa y như có người chờ sẵn bên trong.
Mai thò đầu ra, mắt trợn tròn khi thấy Long, cô ta thì thầm vào tai Lam:
- Trong nhà đang có chiến tranh lạnh. Em định bổ sung lực lượng à.
Lam lo lắng:
- Dì Thư đâu?
- Đang đợi em ở phòng khách đấy!
- Sao dì biết em về mà đợi?
Mai liếc vội Long rồi nói nhỏ:
- Vừa rồi bạn em có điện cho biết anh nó đang chở em về. Thôi vào đi.
Long điềm đạm bước theo sau Lam. Cô nghe giọng mình lạ hoắc:
- Thưa dì, con mới về.
Ừ một tiếng lạnh tanh, bà Thư nhìn kỹ Long rồi cộc lốc hỏi:
- Ai vậy?
Lam lí nhí:
- Dạ! Anh Long của Ngọc Hương.
- Con nhỏ có tới đây một vài lần đấy phải không?
- Dạ phải.
Sửa lại gọng kính, Long hơi mỉm cười khi gật đầu chào bà Thư. Anh chàng nói một hơi:
- Xe của Lam bị hư, sợ sửa xong thì trời sẽ quá tối về nhà không tiện. Nên ông ngoại bảo cháu đưa Lam về tới tận nhà và thưa rõ với dì, mong dì không rầy cô bé.
Bà Thư có vẻ hài lòng vì thái độ nhã nhặn giọng nói ngọt ngào, nhỏ nhẹ của Long. Hơi nhếch môi một chút bà bảo Long:
- Dì phải rầy nó chứ. Đi mượn vở mà phiền cháu phải đưa về, sao không đi xích lô cho tiện.
Long nói như thật:
- Lam cũng định thế, nhưng đường xá không rành, em cháu sợ Lam bị chở đi bán nên... nên...
Bà Thư chép miệng:
- Từng tuổi này mà còn khờ ơi là khờ. Đi học về là rúc vào phòng nên có biết đường biết lối gì đâu. Thật mất công cháu quá.
Nhìn Long một lần nữa như để đánh giá, bà Thư ra lệnh:
- Cháu ngồi xuống đi! À! Cháu sống với ông bà ngoại à?
Long tự nhiên ngồi đối diện với bà Thư. Anh chàng lễ phép thưa:
- Dạ cháu sống với ba mẹ nhưng hầu như ngày nào cũng về thăm ngoại, nếu không ông bà không vui.
Bà Thư gật đầu:
- Con trai mà thích gần gũi ông bà đúng là ít thấy. Thế ba má cháu làm việc ở đâu?
Long cười với Lam trước khi trả lời:
- Mẹ cháu làm trong ngân hàng Nam Á, ba cháu làm ở công ty Thiên Hà.
Bà Thư nhíu mày:
- Công ty Thiên Hà hả? Ai vậy kìa?
Long nói:
- Dạ ba cháu tên Thuận
- A! Ông phó giám đốc. Thì ra cũng là người quen.
- Dì biết ba cháu à?
Bà Thư vui hẳn lên:
- Dì có biết, nhưng quen thân thì phải kể tới dượng Lộc của con bé Lam. Hai người có nhiều hợp đồng mua bán chung lắm đó! Thế mẹ cháu làm ở bộ phận nào trong ngân hàng.
Lam mệt mỏi nghe Long trả lời và nghe bà Thư hỏi hàng lô hàng lốc những câu hỏi khác. Cô không ngờ anh chàng cận chịu khó nói chuyện đến thế. Anh ta dẫn dì Thư từ ngân hàng này tới công ty tránh nhiệm hữu hạn nọ bằng những lời hết sức bùi tai, y như anh ta là một chuyên gia kinh tế đang bình luận về thị trường đối nội, đối ngoại đủ thứ.
Cô phải nháy mắt ra dấu đến lần thứ ba, Long mới đan hai tay vào nhau lễ phép đứng dậy xin về kẻo ở nhà ba mẹ trông.
Bà Thư phấn khởi nói:
- Thỉnh thoảng cháu tới đây chơi với Lam. Nếu rảnh đưa nó đi đây đi đó giùm dì cho biết. Nhớ đấy.
Mắt Long lấp lánh sau tròng kính:
- Dạ, cháu nhớ ạ!
Lam đưa Long ra cổng. Anh ngập ngừng khổ sở:
- Lúc nãy anh đành, mượn lệnh ông ngoại để dì Thư không rầy em. Đừng cho là anh nói láo, tội nghiệp anh lắm.
Lam gượng gạo:
- Em cám ơn anh thì có. Cũng tại em nên anh mới nói thế.
Long im lặng nhìn Lam rồi trầm giọng:
- Ngủ ngon, anh về nha.
Lam lập lại như máy:
- Vâng! Anh về và ngủ ngon.
Trở vào nhà Lam chuẩn bị tinh thần nghe dì Thư mắng, nhưng thay vì hầm hừ, bà bổng rất dịu dàng phán:
- Thằng bé dễ thương đấy chứ! Quen với con nhà đàng hoàng, gia đình bề thế như vậy dì không cấm. Nhưng là con gái, phải biết làm cao và phải biết để lý trí làm chủ trái tim. Dù có thích cách mấy cũng luôn tỏ vẻ hờ hững con trai mới chết mê, chết mệt.
Khi Lam còn ngơ ngác vì những lời dạy bảo bất ngờ này, bà Thư lại nói tiếp:
- Như chị Trâm Anh đấy, dì huấn luyện mãi rồi cũng được. Nó biết kiềm chế tình cảm để chọn một người chồng xứng đáng. Con thấy đó Trâm Anh đã quên thằng Thắng và đang quen Sơn giám đốc công ty Kim Hải, chỗ làm ăn với dì dượng. Thời gian qua Trâm Anh có buồn, có quậy đôi chút, nhưng đâu cũng vào đó, sau này nó sẽ không khổ vì nghèo, đời bây giờ có tiền là có tất cả con ạ!
Chớp mắt mấy cái bà Thư hạ giọng:
- Dì đã bàn với mẹ mày rồi. Học hành là một chuyện, nhưng kiếm được tấm chồng giàu có, địa vị vẫn hơn mười cái bằng đại học. Dì sẽ lo tương lai cho con, ở thành phố này dì dượng quen biết nhiều sợ gì kiếm không ra người đúng tiêu chuẩn. Long là một ứng cử viên sáng giá, dì cho phép nó lui tới nhà mình và trò chuyện ở đây với cả dì dượng nữa!
Lam chán chường đính chính:
- Nhưng con và Long đâu có gì.
Bà Thư ngắt lời:
- Rồi sẽ có, nó để ý nên mới chở con về đó ngốc ạ! Thôi vào ăn cơm đi.
Vươn vai đứng dậy, bà nhìn đồng hồ trên tường rồi hậm hực:
- Thằng Phi đâu vậy kìa, dạo này nó lộng hành quá, dì phải siết nó lại mới được.
Lam lặng lẽ rút về phòng. Đĩa bột chiên và ly sữa đậu nành vẫn làm cô no ngang, còn những lời bà Thư thì lại khiến cô khó thở.
Từ trước đến giờ, có khi nào dì thả lỏng anh Phi đâu, nhưng siết chặt con cái kiểu của dì Thư quả không đúng cách. Anh Phi đã đột phá, đúng như từ của Long dùng và dì dượng Thư sẽ không siết anh lại được như đang nghĩ. Trái lại hai người phải đương đầu với một sự thật khủng khiếp. Dượng Lộc và anh Phi sẽ ra sao khi là tình địch của nhau nhi?
Lăn một vòng trên giường, Lam cố nhắm mắt không nhớ tới những điều đáng sợ trên bằng cách nghĩ đến Long.
Dì Thư có cảm tình với anh chàng cũng phải. Thường người ta dễ xiêu lòng trước một gương mặt sáng sủa đeo kính trắng cùng những lời lễ phép ngọt ngào. Long hội đủ cả hai điều kiện để người khác tin mình. Anh đã cứu nguy, đã mở hộ cô một cánh cửa để có thể nhìn ra ngoài, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì Lam muốn. Cô không thích bị đặt để, song vừa rồi cả Long lẫn dì Thư đều cố tình đưa cô vào thế bị động.
Với dì Thư thì có mục đích cụ thể. Còn với Long anh chàng muốn gì? Chả lẽ anh Long thích cô thật.
Tim Lam bỗng đập mạnh. Nhìn bên ngoài, Long là một anh chàng bô trai, có dáng vẻ công tử lịch sự, sang trọng. Nếu so sánh Long và chú Kiên thì hai người khác nhau một trời một vực, dù chú ấy cũng đẹp không kém. Nhưng sao lại lôi chú Kiên vào đây chứ. Mình đã bảo sẽ không nghĩ tới chú ấy nữa mà! Thế còn chuyện anh Phi, mình phải nói với ai đây ngoài chú ấy.
Bước xuống giường rồi lại rút chân lên Lam co ro ngồi giữa mền gối và thấy sao mình đơn độc lẻ loi quá. Cô không thể yên lặng, không biết không nghe, cũng không giải quyết được chuyện lăng nhăng của dượng Lộc và anh Phi. Nhưng nếu nói với chú Kiên, liệu chú ấy sẽ làm gì hay sẽ đứng khoanh tay nhìn bằng tất cả sự hả hê.
Ôi! Người đời sao khó hiểu quá! Lam ngã lăn ra giường và tự ru mình bằng ánh mắt ấm áp, giọng nói trầm trầm của Long. Cô có thể ngủ ngon như lời anh chú không nhỉ?

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 719

Return to top