Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Ngàn năm đợi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 44282 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ngàn năm đợi
Trần Thị Bảo Châu

Chương 1
Quàng cái túi đựng cây vợt tennis đắt tiền lên vai, Lĩnh bước ra khỏi sân quần vợt để vào quán cà phê bên cạnh. Gọi cho mình ly cam vắt, Lĩnh vừa đốt thuốc vừa phóng tầm mắt về phía hồ bơi với nhộn nhịp người dưới nước, kẻ trên bờ hồ đang khoe nhau những thân hình và những bộ đồ tắm đủ mọi kiểu gợi cảm nhất.
Đây là khu liên hợp thể thao dành cho những người giàu có, thế lực, nên ai có chút tiền cũng thích vào đây như để chứng tỏ đẳng cấp của mình trong xã hội.
Bổng dưng Lĩnh nhếch môi khinh bạc. Khi thấy đám con gái ngồi cạnh bàn bên nhìn anh rồi chụm đầu vào nhau cười khúc khích. Ở chỗ nầy, anh là người nổi tiếng. Ba anh là cổ đông lớn nhất của trung tâm nên anh là đích ngắm của bao nhiêu cô gái. Và dĩ nhiên anh luôn kiêu hãnh, vì biết mình là ai.
Một con bé mặc áo yếm màu tím than và chiếc quần short ngắn màu trắng nhún nhảy bước tới trước mặt Lĩnh. Môi tươi cười, giọng nũng nịu, cô ta lên tiếng:
-  Không ngờ mình tái ngộ ở đây. Vẫn khỏe chứ? Có gặp anh Quân thường không?
Lĩnh nhíu mày cố nhớ nhưng vẫn đành chào thua vì không biết cô ta là ai để... nhớ.
Thấy Lĩnh còn ngập ngừng, cô nàng đành nhắc lại:
-  Yến Nhi, chúng ta đã gặp nhau hôm sinh nhật anh Quân. Anh quên rồi sao?
Lĩnh thản nhiên:
-  Chắc là vậy.
Yến Nhi ưỡn ngực, tay chống lên hông:
-  Nhưng chắc lần nầy anh sẽ không quên em nữa.
Lĩnh nheo nheo mắt ngắm Yến Nhi một cách sỗ sàng. Cái kiểu đứng nặng phần trình diễn nầy chắc chỉ có ở người quen xuất hiện trước đám đông, điều đó phần nào nói lên thành phần của cô ta.
Chậm rãi bưng ly cam vắt lên uống, Lĩnh không mời ngồi cũng không buồn nói thêm với Yến Nhi một lời nào.
Thái độ dửng dưng, lạnh lùng đến mức như bất lịch sự của Lĩnh chẳng làm cô gái nao núng, trái lại Nhi tỏ ra thích thú. Chủ động một cách sành sỏi, Nhi kéo ghế:
-  Để em ngồi với anh cho vui nhé!
Mặt Lĩnh sầm xuống, giọng phách lối:
-  Đây không phải bar, tôi muốn một mình. Hiểu không?
Yến Nhi cười, giọng vẫn ngọt ngào như không biết thế nào là quê độ:
-  Đi thì đi, sao anh nóng nảy quá. Thôi đành... see you again vậy.
Lĩnh dằn cái ly xuống bàn. Chiếc di động rung lên từng đợt trong túi, anh dụi đầu điếu thuốc vào cái gạt tàn rồi lấy ra nghe.
Giọng bà Ti giúp việc vang lên gấp rút:
-  Cậu về nhà ngay, bà không được khỏe.
Lĩnh vội vàng đứng dậy. Tính tiền xong, anh vội vã ra bãi dắt chiếc Majesty ra. Máng túi xách vào cổ xe anh phóng đi.
Nghĩ tới mẹ, Lĩnh cố nuốt tiếng thở dài vào lòng. Hơn ai hết, anh hiểu "Bà không được khỏe" có nghĩa là gì.
Đã hai mươi năm trôi qua, mẹ anh vẫn chìm trong cõi riêng của mình, bà luôn trốn hiện thực để trong chốn mông lung ấy, bà không phải khổ đau khi nghĩ tới đứa con đã mất. Với mẹ thằng bé Triều vẫn còn sống. Bà luôn gặp nó trong những giấc ngủ mơ màng, trong các câu truyện do bà tưởng tượng ra, chỉ có điều nó mãi là thằng bé hai tuổi, đẹp như một thiên thần chớ không bao giờ được lớn lên cùng năm cùng tháng.
Mãi lo nghĩ, Lĩnh không sao tránh kịp khi từ lề đường có một đứa bé cắm đầu chạy ra và gần như tông thẳng vào xe anh. Lĩnh thắng gấp lại, chiếc Majesty ngã ngang đường khiến khiến anh cũng văng ra khỏi xe. Bỏ mặc chiếc Majesty nằm chõng gọng, Lĩnh gượng dậy lao tới đỡ thằng bé. Mặt tái xanh, người quíu lại vì sợ, đứa nhỏ run lập cập trong tay Lĩnh.
Anh vừa xoa quanh đầu, nắn tay chân nó vừa hỏi:
-  Có đau ở đâu không?
Thằng bé lắc đầu. Ngay lúc đó có một người đi đường nào đó la lớn:
-  Coi chừng mất đồ trong xe kìa.
Lĩnh nhìn về chiếc Majesty và thấy một gã thanh niên đang cầm túi xách của anh chạy vào con hẻm gần đó.
Buông thằng nhóc ra, Lĩnh định đuổi theo, nhưng nghĩ tới cái xe, anh đành ghìm chân lại. Thì ra anh đã bị rơi vào một cái bẫy của bọn chôm đồ chuyên nghiệp. Người Lĩnh nóng bừng bừng vì giận, dựng chiếc xe lên, anh nắm chặc tay thằng nhóc vẫn còn sợ hãi ngồi trên lề.
Giọng gằn thật dữ, anh hỏi:
-  Ai xui em lao ra đường?
Chả nói năng gì, thằng nhỏ chỉ lắc đầu, Lĩnh dọa:
-  Không chịu nói thì cứ ngồi đây cho tôi.
Đứa nhỏ khóc ré lên ra chiều oan ức. Nhìn bộ dạng của nó, Lĩnh đoán chắc thằng nhóc thuộc thành phần lang thang, vất vưởng đầu đường, cuối chợ chứ chẳng phải con nhà hiền lành. Dù khá nóng ruột khi nghĩ mẹ Ở nhà, Lĩnh vẫn không thể cho qua chuyện này. Trong túi xách của anh ngoài cây vợt còn một vài món lỉnh kỉnh khác, món nào cũng thuộc loại đắt, khi mua thường tính bằng đôla.
Đọc báo, Lĩnh không lạ gì những trò đã được cảnh giác này, chỉ ức một điều bữa nay anh lại là nạn nhân mới đau. Một con nhỏ trạc mười hai, mười ba tuổi, tay cầm xấp vé số, mắt liếc ngang liếc dọc rồi nói:
-  Chú tha cho nó đi. Nó hổng biết gì đâu. Hồi nãy nó bị người ta xô đó.
Lĩnh dịu giọng lại:
-  Ai xô? Em chỉ cho anh đi.
Con bé dẻo kẹo:
-  Họ chạy hết rồi, chú tha cho nó đi.
Lĩnh nói:
-  Anh mời ba mẹ nó ra cho anh.
-  Nó hổng có ba mẹ.
-  Vậy nó sống với ai? Hừ! Đừng có nói láo với tôi nghen.
Con bé bán vé số quẹt mũi làm thinh, còn thằng nhóc bắt đầu thúc thít khóc.
Móc cái di động ra, Lĩnh chép miệng:
-  Phải gọi cho chú công an thôi.
Nói là nói thế, nhưng anh nhấn số gọi về nhà. Anh bảo xe mình bị pan nên chưa về ngay được. Lĩnh nhất định phải lấy lại những gì của mình, anh đâu thể để mất chúng một cách ngớ ngẩn như vậy. Muốn thế chắc phải sử dụng biện pháp cứng rắn với bọn nhóc này thôi.
Gắn điếu thuốc lên môi, Lĩnh tìm hộp quẹt rồi tức điên lên khi nhớ lúc nãy đã cho cái zippo mấy trăm đô vào túi xách. Dứt điếu thuốc xuống đất, Lĩnh cau có:
-  Theo tôi vào công an.
Con nhỏ bán vé số lơ láo nhìn anh rồi ngập ngừng:
-  Để con kêu chị nó ra nghe?
Rồi không cần biết Lĩnh có đồng ý hay không, nó co giò chạy mất biệt. Lĩnh ngao ngán lắc đầu. Anh đang đối mặt với hạng người ở đáy xã hội, những người anh chưa tiếp xúc bao giờ, nhưng anh thừa biết sẽ thật khó chịu khi phải đôi co với họ.
Muốn lấy lại cái túi xách chắn chắc Lĩnh phải bỏ ra mớ tiền. Như vậy vẫn phải đỡ hơn đi mua mới toàn bộ. Cái vợt ấy Lĩnh rất thích vì đã đánh quen tay, còn cái hộp quẹt lại là quà tặng, đã là kỷ niệm thì nó vô giá. Lĩnh tò mò nhìn thằng bé, nó độ chín, mười tuổi gì đó, nhưng den nhẻm, gầy choắt như lên sáu. Nó đã hết khóc và đang ngồi xếp lại những tờ vé số. Hừ! Rõ ràng nó đã quen với những cảnh như vầy. Đây là một màn kịch, chị nó ra ngã giá với anh xong là kịch hạ màn. Nếu đưa thằng nhóc tới chỗ công an như vừa dọa nó, cầm chắc anh phải chờ đợi với bao nhiêu lời khai rồi thủ tục giấy tờ tốn thời gian mà chưa hăn đã lấy lại cái túi xách.
Lĩnh sốt ruột nhìn đồng hồ rồi nhìn ra ngã tư, anh thấy con bé lúc nãy trở lại với một người đầu đội mũ vải lụp xụp, mặt đeo khẩu trang kín mít nên Lĩnh chả rõ mặt mũi, tuổi tác ra sao, chỉ biết đó là một cô gái có vẻ bề ngoài thon thả. Cô ta mặc cái áo sơ mi trắng ngắn tay và chiếc quần tây nâu đơn giản trông khá hiền lành khác với những gì Lĩnh tưởng tượng.
Thấy cô gái, thằng nhóc đứng bật dậy, mặt lấm lét. Bất chợt nó òa lên khóc.
-  Em hổng có làm gì xấu hết.
Cô gái hơi kéo cái khẩu trang xuống rồi gật đầu chào Lĩnh. Đôi mắt đen nhánh của cô gái nhìn thẳng vào anh khiến Lĩnh lúng túng.
Thấy bà chị không ngó ngàng tới mình, thằng nhỏ giật tay áo cô ta:
-  Em nói thiệt mà chị Hai. Tụi thằng Đực lấy đồ của ổng chứ không phải em.
Lĩnh khoanh tay:
-  Nhưng em đã cản đầu xe anh cho bọn chúng làm điều đó, bây giờ tính sao đây?
Thằng nhỏ cúi đầu im re. Chị Hai nó lên tiếng:
-  Nó có lỗi đã để người xấu lợi dụng, mong ông tha cho. Tôi hứa sẽ dạy dỗ để... để...
Lĩnh ngắt lời:
-  Em dạy dỗ lần sau nó rành nghề hơn phải không?
Đôi mắt đen quắc lên giận dữ:
-  Anh ngụ ý gì khi nói vậy?
Lĩnh khinh khỉnh:
-  Còn vờ không hiểu nữa sao? Chị em cô không cần diễn kịch tiếp nữa đâu. Tôi muốn chuộc lại cái túi, bao nhiêu tiền cứ ra giá đi.
Cô gái cười khẩy:
-  Ông nhầm chỗ rồi.
Quay sang thằng nhóc, cô ta bảo:
-  Em xin lỗi ông đây đi.
Thằng nhỏ vội vòng tay lại:
-  Cháu xin lỗi ông.
Cô gái hỏi:
-  Chúng tôi đi được rồi chứ?
Lĩnh lắc đầu:
-  Đâu có dễ như vậy khi tôi chưa tìm ra những thứ của mình.
-  Tôi không biết những thứ đó ở đâu.
-  Ra công an chắc chắn chị em cô sẽ biết.
Cô gái vòng tay ôm ngang cổ thằng bé:
-  Tôi sẵn sàng theo ông ra công an.
Dứt lời, cô gái hất mặt nhìn anh thách thức. Tức một điều gương mặt ấy ẩn sau vành nón rộng và cái khẩu trang kéo xuống khỏi mũi nên Lĩnh vẫn không hình dung ra được cô ta đẹp xấu ra sao. Hừ! Rõ ràng con nhỏ này giấu mặt vì sợ bị nhận diện đây. Anh đã nói rõ sẽ trả tiền chuộc lại cái túi, vậy mà nó còn bày đặt làm cao.
Lĩnh ngập ngừng một chút rồi hạ giọng:
-  Ý tôi là muốn nhờ chị em cô tìm hộ cái túi. Tôi xin hậu tạ.
-  Nói như vậy phải dễ nghe hơn không? Đừng nghĩ có tiền rồi phách lối nhé.
Lĩnh cáu kỉnh:
-  Tôi làm sao nói lại miệng lưỡi của những người như cô.
-  Người như tôi thì sao?
Lĩnh im lặng. Hừ! Dây vào hạng này chỉ thiệt thân. Viết số điện thoại của mình vào vỏ bao thuốc, anh đưa cô ta.
-  Số điện thoại của tôi...
Cô gái vo tròn bao thuốc lại rồi nhấn mạnh:
-  Rồi ông sẽ biết tôi là người thế nào. Cứ đợi đi!
Hơi nghiêng đầu để thay lời chào, cô gái dẫn hai đứa bé đi.
Lĩnh cũng lên xe. Anh cầm chắc phần thua mà không biết tại sao mình dễ chịu thua con bé bụi đời đó như vậy. Mà con bé này trông cũng hay hay. Chắc nó đang nghĩ mình là một bà trùm nên mới nói năng ngông nghênh như thế. Bỗng dưng Lĩnh thấy buồn cười và tin mình sẽ tìm lại được những thứ đã bị đánh cắp.
                                                                   *****
Sao Khuê nhăn nhó nhìn bà Hiệp:
-  Con không đi đâu mẹ ơi.
Bà Hiệp khoát tay:
-  Ra nói với ba ấy. Mẹ không biết.
Khuê năn nỉ:
-  Mẹ nói hộ con đi... mẹ
-  Mẹ không tìm ra được lý do nào để nói hộ con hết. Mà sao con cứ nằng nặc đòi ở nhà khi đây là cơ hội để làm quen với những người trong giới thượng lưu, giàu có. Những người đàn ông ở buổi tiệc này toàn là những người danh giá, có ăn học.
Khuê bĩu môi:
-  Nhưng già háp, không thể nào phù hợp với con.
Bà Hiệp lừ mắt:
-  Mẹ chưa nói hết con đã ngắt ngang. Hừ! Con học thói này ở đâu vậy?
Sao Khuê xịu mặt. Cô ngồi im nghe mẹ tiết tục khen những người trong giới làm ăn với ba cô, xong rồi tới khen con cái họ. Cuối cùng bà... truyền lệnh:
-  Mau đi thay quần áo rồi mẹ sẽ trang điểm cho.
-  Con không biết phải mặc bộ đồ nào cho vừa ý mẹ.
-  Thì bộ mới mua ấy!
-  Có cần phải... long trọng dữ vậy không mẹ? Bộ đó để dành cho cô Hằng mà.
Bà Hiệp cao giọng:
-  Sao lại không cần? Ba mẹ đưa con theo đương nhiên muốn con phải nổi bật nhất rồi.
Sao Khuê ôm bụng khi nghe mẹ nói thế:
-  Ôi trời ơi! Tự nhiên con đau bụng quá mẹ à!
Bà Hiệp sùng lên:
-  Đừng kiếm chuyện nữa. Mau lên.
Sao Khuê chui tọt vào phòng mình. Cô rầu rĩ thật sự khi nghĩ tới cảnh phải khép nép dịu dàng, đoan trang thục nữ đi bên mẹ để tới chào các... quý bà trong bữa tiệc.
Thông thường bà nào cũng dắt... gà theo để khoe, và dĩ nhiên ai chẳng cho là con mình đẹp nhất, mode nhất. Rốt cuộc các cô con gái thay vì kết bạn với nhau lại nhìn nghi kỵ, ganh ghét. Ở những nơi như thế, cô thật lạc lõng, bởi vậy nếu được, Khuê luôn tìm đủ mọi lý do để không bị tới những nơi đó.
Tối nay thì không không xong rồi, mẹ đã nổi giận, Khuê đâu dám đùa với lửa.
Nhón chân lấy cái móc treo chiếc đầm yếm trong tủ, Khuê chậm chạp thay vào, bên ngoài tha hồ bà Hiệp càu nhàu thúc hối, cũng phải mấy phút sau, Khuê mới lếch thếch chân không qua phòng mẹ để bà trang điểm.
Sao Khuê dặn dò:
-  Mẹ... làm dợt thôi nhe!
-  Thì cũng phải cho đẹp chớ không lẽ để bộ mặt trắng phơ như thiếu máu. Ngồi im coi nào.
Khuê phụng phịu:
-  Con chả thích.
Bà Hiệp vừa kẽ lông mày cho Khuê vừa nói:
-  Con gái phải biết trang điểm. Trịnh Công Sơn còn phải bảo: "Theo sau thời con gái, môi son đừng biếng lười, cho ta còn mãi mãi chút mùi phấn hương bay" đấy, ở mà chả thích.
Sao Khuê ngọ ngoạy hai bàn chân:
-  Đi về mẹ cho con tiền nha.
Bà Hiệp trợn mắt:
-  Ra xin ba mày đó. Hừ! Đi dự tiền mà cũng phải mướn mày à! Đúng là quá đáng!
-  Con xin chớ đâu phải đòi hỏi.
Vứt cây chì vẽ mắt xuống bàn, bà Hiệp hỏi:
-  Xin làm gì mà xin hoài vậy? Ba mẹ đâu phải ngân hàng để con đem tiền phân phát cho lũ trẻ ở thành phố này. Bao nhiêu cho đủ?
Sao Khuê phân bua:
-  Con chỉ phân phát cho một vài đứa thôi. Nhà mình có khả năng nuôi chúng mà, mẹ đừng keo như vậy.
-  Hừ! Nuôi mỗi mình cô là muốn chết, ở đâu ra mà gánh thêm mấy đứa nữa.
Kéo cái váy đầm, Khuê nói:
-  Thà con lấy tiền làm phúc còn hơn phải mặc cái áo mấy trăm ngàn của mẹ.
Bà Hiệp bực giọng:
-  Chuyện nào ra chuyện đó nhá. Con giám đốc mà mặc đồ dỏm loại vài chục ngàn à? Càng nói càng dễ ghét. Liệu ngậm mồm lại cho tôi tô son.
Sao Khuê đành im lặng nhưng trong lòng vẫn bồn chồn khi nghĩ đến đám trẻ mà cô và Phương Du đang... gánh. Chúng đang rất cần tiền mà cô lại không có.
Giá như hôm đó Khuê nhận tiền hậu tạ của thằng cha hợm hĩnh ấy nhỉ? Mà không được. Nếu nhận, khác nào cô và tụi nhỏ a tòng với bọn ăn cướp dàn cảnh đụng xe để chôm đồ. Khuê đang hướng tụi nhỏ thành người tốt, cô đâu thể vì cái thiếu thốn trước mắt mà làm như thế.
Giọng bà Hiệp vang lên:
-  Xong rồi.
Sao Khuê chớp mắt nhìn vào chiếc gương bầu dục treo trên tường. Mẹ thật là nhà thẩm mỹ kỳ tài nên qua bàn tay khéo léo của bà, Sao Khuê trông khác hẳn.
Cô tủm tỉm cười với mình trong gương rồi nói:
-  "Khi soi gương, tôi bắt gặp bóng dáng một người xa lạ". Câu đó thế mà đúng hả mẹ. Ai đấy chớ đâu phải con của bà Ngọc Hiệp.
Bà Hiệp lộ vẻ hài lòng:
-  Cái váy này mềm mại, suông thẳng tự nhiên, thêm chiếc thắt lưng đính cườm thật hợp với vẻ nhí nhảnh của con.
Sao Khuê chép miệng:
-  Áo, thắt lưng, túi xách, giầy bít cộng lại cũng gần bạc triệu. Con thấy mình có tội khi dát tiền vào người như vầy.
Bà Hiệp làm thinh. Lấy trong hộp đựng trang sức ra một sợi dây bạch kim có mặt viên hồng ngọc hình giọt nước, bà đeo vào cổ Khuê kèm theo lời dặn dò:
-  Không được làm mất đó.
Sao Khuê ậm ự:
-  Thế thì con không đeo.
Bà Hiệp bực giọng:
-  Nên nhớ con không phải chỉ sống cho mình. Đừng làm trò trẻ con nữa nhé. Mẹ quá mệt mỏi với con rồi. Một lát phải cư xử sao cho cha mẹ không bị mất mặt đó.
Sao Khuê đành nói:
-  Vâng.
Ngay lúc đó, giọng ông Thông vang lên:
-  Hai mẹ con xong chưa?
Khuê trả lời:
-  Dạ rồi ạ.
Cô bước ra hành lang ngồi chờ trên chiếc đôn sứ. Buổi tối đã bắt đầu với mùi hương ngọc lan thoảng nhẹ trong đêm. Hái một đóa còn là nụ e ấp, Khuê cài vào vành tai rồi bước lên xe bốn chỗ ngồi màu trắng sửa ba cô mới mua không lâu.
Hơn ai hết, ba mẹ Sao Khuê đang muốn cho mọi người thấy sự thăng tiến của mình trên đường công danh, sự nghiệp. Là con, Khuê phải chiều theo ý ông bà, dù cô không thích những buổi tiệc tùng này chút nào.
Lặng lẽ nhìn những hàng xe hai bên đường, cô nghe mẹ hỏi ba:
-  Vợ của ông Tuân có đến không?
-  Làm sao tôi biết được.
-  Em chưa bao giờ thấy vợ ông ta, không biết bà ấy như thế nào nhỉ?
Ông Thông... nịnh vợ:
-  Chắc chắn phải thua em rồi.
Bà Hiệp bật cười:
-  Phải không đó? Người đời có câu "Văn mình, vợ thiên hạ là nhất" mà.
Ông Thông nheo nheo mắt:
-  Tôi không phải nhà văn, tôi chỉ có vợ con. Bởi vậy với tôi nhất vợ nhì con.
Sao Khuê bẻm mép:
-  Với con, ba mới là nhất.
Ông Thông xoa cằm:
-  Chà! Chắc muốn xin xỏ gì phải không?
Khuê tủm tỉm:
-  Ba đúng là tâm lý. Con xin một trăm, được không ba?
Ông Thông ngần ngừ:
-  Một trăm... thì hơi bị nhiều.
Sao Khuê hạ giá:
-  Vậy thì năm trăm. Con có lý do chính đáng mà.
-  Lại bọn nhóc chứ gì! Đúng là "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Này mẹ nó, một trăm đô hoặc năm trăm ngàn Việt Nam, em cho bao nhiêu thì tùy, nhưng đây là lần chót. Sẽ không có viện trợ nữa đâu.
Bà Hiệp khoát tay:
-  Chuyện này ngày mai rồi tính. Anh vẫn chưa trả lời em, vợ ông Tuân trông như thế nào?
Ông Thông vừa điều khiển vô lăng vừa trả lời:
-  Ông ta không bao giờ đưa vợ tới những nơi tiệc tùng nên anh đâu biết mặt. Nhưng cậu con trai thì rất khó, nghe đâu cậu ta đang là giám đốc điều hành của tập đoàn X, tối nay thế nào cũng có mặt.
Bà bỗng quay sang sang nhìn Khuê rồi hỏi chồng:
-  Nó đã vợ con gì chưa hả anh?
Sao Khuê nhăn mặt:
-  Mẹ thắc mắc làm chi chuyện của người ta, nghe kỳ cục quá.
Bà Hiệp gắt:
-  Sao lại kỳ? Mẹ hỏi cũng vì nghĩ tới con.
Sao Khuê bĩu môi:
-  Con mà thèm! Giám đốc ông nào cũng bụng bự, thấy mà ghê.
Ông Thông phì cười:
-  Nhưng anh chàng này rất siêng đánh tennis nên trông sport lắm chớ không hề bụng bự.
Sao Khuê kêu lên:
-  Tennis hả? Con còn ghét dữ nữa.
Bà Hiệp lắc đầu:
-  Đừng có làm cao. Đã chắc gì người ta để mắt tới con đâu mà chê.
Sao Khuê nhịp tay trên cửa kính xe.
-  Như vậy con càng mừng.
Bà Hiệp nhẹ nhàng:
-  Con gái nói năng phải dịu dàng khiêm tốn, không thì mất duyên.
Khuê chớp mắt:
-  Với ba mẹ, con mới nói thế chớ bộ.
-  Vậy một lát nữa thì sao? Có giở chứng ngang bướng, du côn không?
Sao Khuê chớp mắt:
-  Con đâu có dám.
Ông Thông gật gù:
-  Vậy thì tốt.
Ông Thông cho xe ngừng trước một biệt thự đời mới bề thế, sang trọng. Cả gia đình vừa bước vào khu vườn nhà sáng trưng những hàng đèn cao áp, vừa đưa mắt nhìn quanh.
Bà Hiệp tấm tắc:
-  Họ phất mau thật. Mới ngày nào hai vợ chồng còn ì ạch chở nhau bằng chiếc Honda Dame cổ lổ sĩ, thế mà bây giờ...
Ông Thông chép miệng:
-  Họ gặp thời mà.
Chủ nhân ngôi biệt thự là ông Lũy, nhân viên trước đây của ông Thông, nhưng giờ đã nghỉ việc để thành lập công ty kinh doanh đất đai, nhà cửa. Từ một người làm trung gian buôn bán đất để ăn hoa hồng, vợ chồng ông đã nhanh chóng hội nhập vào cái thị trường luôn có những cơn sốt giá để trở thành một trong những người giàu có của thành phố.
Thấy Sao Khuê tươi cười thưa... chú, ông Lũy xuýt xoa:
-  Trời ơi! Sao Khuê đã lớn thế này rồi à? Chú không tưởng tượng nổi càng lớn, cháu càng xinh như vầy. Tối nay chắc có khối anh chàng bị hớp hồn bởi đôi mắt này đây.
Sao Khuê hơi nũng nịu:
-  Lúc nào chú Lũy cũng chọc cháu.
-  Chú nói thật chớ không chọc đâu.
Khuê chưa kịp nói thêm gì thì lại có khách vào, ông Lũy lại vội vã đón tiếp. Quay ngang, quay dọc, Khuê không thấy ba mẹ mình đâu hết. Cô thơ thẩn đi vào trong vườn và tò mò quan sát chung quanh.
Khách không bao nhiêu người, chứng tỏ chủ nhân mời mọc có chọn lọc. Những ông khách với ly rượu trong tay đang hào hứng trò chuyện cùng nhau, tuy không đứng gần để nghe, Sao Khuê vẫn thừa kinh nghiệm để đón biết các quý ông đang trao đổi về vấn đề gì. Chắc chắn họ không nói về đất đai cũng nói về nhà cửa, những kế hoạch xây dựng, san lấp mà với Khuê thật chán ngắt.
Đang nghiêng người ngắm mảng cây thằn lằn xanh rì bám đầy xung quanh cái giếng giả đặt ở góc vườn, Sao Khuê nghe mẹ gọi. Cô nhìn vào hành lang nơi bà đang vui vẻ nói cười với các bà khách và thầm nghĩ:
-  Chắc mẹ lại mang con ra khoe. Khổ ghê!
Sao Khuê khoan thai bước tới với nụ cười điệu thật điệu trên môi. Với nụ cười này, chắc chắn mẹ rất vui lòng. Cô dịu dàng chào từng bà khách một theo đúng kiểu cách mẹ từng dạy rồi e dè nhận những lời khen.
Ngoài Khuê ra, còn vài ba tiểu thơ khác nữa. Ngọc Yến đang học năm cuối y khoa, còm nhom xanh mướt như cọng đậu đũa đang ngồi nép vào bà mẹ ú na ú nần như để tìm sự che chở. Kim Loan sinh viên năm cuối bách khoa Hóa – Thực Phẩm tròn xoe đang ngồi thản nhiên ăn bánh, rồi Hồng Hà, Bích Thủy... Cô nào cũng thật dịu thật ngoan và dĩ nhiên đều nép vào mẹ, nên nếu Sao Khuê làm khác, chắc chắn về nhà sẽ bị mắng.
Sao Khuê tò mò hóng chuyện và biết các bà mẹ đang bàn tính về tương lai các con. Một chàng rể giàu có tài năng và một chỗ làm ổn định cho các cô tiểu thơ là đề tài các bà mẹ đang nói tới.
Bà Nga, mẹ bác sĩ tương lai Ngọc Yến bỗng ngập ngừng:
-  Có ai biết mặt con trai ông Tuân không? Nghe nói cậu ta là giám đốc của tập đoàn X.
Bà Lý, mẹ kỹ sư Hóa thực phẩm Kim Loan trả lời một cách hãnh diện:
-  Tôi biết. Ông Tuân có đứa con trai tới nhà chúng tôi một lần. Trông đàng hoàng lắm. Cậu ấy rất thích con bé Loan nên hai đứa nói chuyện hợp nhau lắm.
Kim Loan phụng phịu:
-  Mẹ này kỳ! Tự nhiên mang chuyện riêng tư của con và anh ấy ra nói hà.
Dù đã cố nén nhưng Khuê vẫn cảm nhận được những... luồng điện ganh tỵ của bà Nga đang phóng ra với điện thế cực mạnh.
Môi nhếch lên, bà Nga dài giọng:
-  Mẹ cháu có khoe các cô mới biết mà mừng cho cháu chứ.
Chĩa ánh mắt sang Sao Khuê, bà nói:
-  Thế con gái của chị thì sao?
Bà Hiệp cười cười:
-  Nó vẫn còn bé, còn ham chơi lắm các chị ơi. Nó mới học năm thứ hai thôi mà.
Bà Nga chua chát:
-  Nhưng trông tướng tá lấy chồng được rồi.
Sao Khuê nhỏ nhẹ:
-  Cháu đâu dám qua mặt các chị ạ.
Bà Lý che miệng nói khẽ:
-  Trả lời khéo lắm. Chị lo cho cô bác sĩ nhà mình trước đi thì hơn.
Bà Nga hơi gắt gỏng:
-  Con tôi quen thiếu gì người, việc gì phải lo.
Bà Lý châm chọc:
-  Các bác sĩ lúc nào không có bệnh nhân, con chị quen nhiều là đúng rồi.
Sao Khuê thấy ngột ngạt, nặng nề khi nghe những lời qua tiếng lại của hai bà mẹ vì những chuyện đâu đâu. Cô muốn ra ngoài vườn đi loanh quanh trên bãi cỏ đã được cắt tỉa gọn gàng nhưng mẹ cứ giữ rịt tay Khuê làm cô phải ngồi chịu trận.
Hồng Hà thỏ thẻ với mẹ mình, nhưng cốt để mọi người cùng nghe:
-  Mẹ xem, ai mà trông kinh khủng quá!
Cô ta vừa dứt lời, mắt của tất cả phụ nữ có mặt trên hành lang đều hướng ra sân nơi có một cô gái mặc cái jupe bó màu đỏ hở lưng, hở ngực và cực ngắn đang nhún nhảy bước vào với bà mẹ cũng mode không kém.
Bà Lý bĩu môi:
-  Mẹ con bà Huệ. Xì! Đúng là người mẫu thời trang có khác. Con bé ấy tưởng đây là sân diễn chắc.
Hồng Hà tròn xoe mắt:
-  Người mẫu thời trang hả bác? Cô ta tên gì vậy?
-  Yến Nhi, Yến Nheo gì đó, bác không nhớ nữa. Ôi dào! Học tới lớp mười một là hết vô nổi, vì mãi ôm mộng thành sao. Vợ chồng bà Huệ tốn bao nhiêu tiền lăng xê nhưng nó có tiếng tăm gì đâu. Muốn thành sao đâu có dễ. Bà Lý lại bĩu môi khi mẹ con bà Huệ không vào chỗ dành cho phụ nữ mà lại... xáp vào chốn đàn ông.
-  Đúng là tùy tiện.
Sao Khuê nhìn theo Yến Nhi. Cô ta lộng lẫy thật, quyến rũ thật. Những người đàn ông không thể không ném về phía Yến Nhi một cái nhìn chiêm ngưỡng.
Kim Loan chợt reo lên:
-  Mẹ! Anh Lĩnh kìa!
Rồi cô nàng đứng dậy, định chạy về phía một người đàn ông to cao đang bước những bước thật dài, nhưng chưa nhấc chân lên, Kim Loan đã khựng lại khi thấy Yến Nhi chận người đàn ông ấy lại và cả hai tay bắt mặt mừng.
Sao Khuê sửng sốt khi nhận ra người đàn ông mà Yến Nhi đang ríu rít nói cười. Thì ra trái đất này thế mà bé xíu, nên Sao Khuê đã gặp lại con người hợm hĩnh này. Anh ta là Lĩnh mà các bà nhắc nãy giờ đó ư?
Khuê không phải thắc mắc lâu vì giọng bà Lý đã dài ra dè bĩu khi thấy Yến Nhi phỗng tay trên con mình:
-  Nhìn con bé Yến Nhi xoắn lấy con trai của ông Tuân kìa! Đúng là nó có mắt tinh đời nên mới vồ vập người thừa kế duy nhất của gia đình dòng họ Đỗ Hữu đó.
Bà Hiệp buột miệng:
-  Cậu ta là con ông Tuân à? Bữa nay tôi mới biết mặt đấy.
Bà Lý nhếch mép:
-  Phong độ quá phải không? Nhưng hơi lớn tuổi, nếu so với con bé nhà chị.
Sao Khuê phản ứng ngay:
-  Hắn ta chả có gì hay.
Bà Lý hơi nhíu mày:
-  Cháu biết Lĩnh à?
Sao Khuê gật đầu:
-  Dạ biết. Tuy không nhiều nhưng đủ để cháu đánh giá con người đó.
-  Thế cơ à? Cháu đánh giá cậu Lĩnh ra sao?
Sao Khuê định nói nhưng đã bị mẹ bấu vào bắp tay đau điếng, cô đành ấm ức lãng sang chuyện khác:
-  Mẹ và các cô thích ăn gì? Con sẽ đi lấy.
Bà Lý không buông tha:
-  Cháu vẫn chưa trả lời bác đấy!
Bà Hiệp vội nói:
-  Con bé đùa thôi mà.
Bà Lý bắt bẻ:
-  Nhưng rõ ràng Sao Khuê có vẻ dè bĩu cậu Lĩnh, nhỡ như tới tai người ta thì phiền.
Bà Nga trề môi:
-  Gớm cậu Lĩnh có phải rể nhà bà đâu mà lo. Này! Chắc gì cậu ta rất thích bé Loan của bà.
Bà Hiệp bảo Khuê:
-  Con lấy cái gì để uống, mẹ khát rồi.
Biết mẹ muốn giải vây cho mình, cô vâng lời đi thẳng ra bàn để thức ăn.
Ở những bữa tiệc đứng như vầy, Sao Khuê chỉ thích nhất mỗi khoản ăn uống. Thật là khoái mái khi tự mình được chọn những món khoái khẩu. Nhưng "ăn coi nồi, ngồi coi hướng", Sao Khuê luôn ăn như mèo vì không muốn mẹ mang tiếng với các bà lớn, nhưng tâm địa lại nhỏ nhen lúc nào cũng để ý rồi bới móc khuyết điểm của người khác.
Xin người phục vụ một ly cocktail được trang trí cầu kỳ, bắt mắt, Khuê mang lại cho mẹ rồi quay trở ra. Cô thích thú nhìn một dãy bàn đầy thức ăn.
Chỉ cần vài giây thôi, Sao Khuê đã thấy món khoái khẩu của mình, đó là xôi. Những thứ xôi, lá cẩm lá dứa đậu xanh được ép thành cái lá, cái hoa trái tim... nhỏ xíu xinh xắn trông thật đẹp khiến Khuê không thể nào không nếm thử.
Vừa nhỏ nhẹ ăn, cô vừa đảo mắt tìm "cậu Lĩnh". Cậu ta đang bị bà Lý dẫn độ về chỗ dành cho quý bà. Trông nụ cười gượng gạo trên khuôn mặt điển trai của Lĩnh mà... đáng đời. Chắc chắn cậu ta sẽ được bé bự Kim Loan chăm sóc chu đáo. Tủm tỉm cười. Xem nào! nếu chọn cho Lĩnh một người thì nên chọn ai trong số các cô nàng ấy nhỉ?
Chắc chỉ một Yến Nhi mà cô ta làm gì có... vé, một khi bà Lý và cô con gái cưng Kim Loan cứ đeo anh chàng như hình với bóng. Vừa ăn, Sao Khuê vừa tủm tỉm cười với ý nghĩ vừa thoáng qua với mình nên Sao Khuê không thấy ông Thông đang đứng gần đó với vài ba người bạn. Đến khi nghe ông gọi Khuê mới lật đật bỏ đĩa xuống bàn chạy đến... Ba cô giới thiệu một loạt khiến Khuê liên tục gật đầu dạ thưa mỏi miệng.
Dù không cố ý nhưng chả hiểu sao khi nghe đến ông Tuân, tự nhiên Sao Khuê dừng ánh mắt mình trên khuôn mặt ông ta lâu hơn. Cô nhận ra ông và Lĩnh có khá nhiều nét giống nhau.
Nhìn Sao Khuê, ông Tuân nói:
-  Số một trong các cô gái ở đây đấy.
Một ông đứng kế bên liền cười:
-  Con trai ông đâu gọi tới đây xem ông Thông có chịu không đã chứ.
Một người khác lại nói:
-  Ông Thông lạ gì con trai ông Tuân... chắc chắn là chịu rồi. Cặp xui gia này xứng lắmn đó.
Sao Khuê đỏ mặt bối rối trong khi ông Thông lên tiếng:
-  Cháu còn đang đi học các ông ơi.
-  Thế thì ông Tuân xin góp gạo củi nuôi con bé từ bây giờ đi.
Các ông lại cười ha hả khiến Khuê không biết làm sao. Cô đành bảo:
-  Cháu xin phép tới chỗ mẹ ạ.
Dứt lời cô vội vàng bước thật nhanh, Khuê không tới chỗ mẹ mà ra ngồi một mình ở ghế đá. Cô không muốn gã tên Lĩnh hợm hỉnh ấy nhận ra mình tí nào.
Sau hôm ấy Sao Khuê đã nhờ cảnh sát khu vực tìm cho ra thằng Đực, đứa đã lấy túi xách của Lĩnh. Cũng may nó chưa bán những thứ trong túi ấy. Thấy tấm danh thiếp Khuê đã lần ra địa chỉ và nhờ thằng nhóc Trí tới trả cái túi ấy.
Khi Lĩnh lấy tiền ra... Sao Khuê đã lắc đầu. Anh ta lại lấy thêm tiền vì tưởng Khuê chê ít.
Lúc ấy Sao Khuê rất giận cô đã không dằn được thói ngông nghêng tự phụ nên đã thốt lên rằng:
-  Với ông chắc đồng tiền là trên hết, nhưng với chúng tôi, nó chỉ thật sự có giá trị khi được kiếm bằng công sức lao động chân chính.
Trên đường đạp xe chở thằng Trí về Mái Ấm, nó cứ thắc mắc sao Khuê lại từ chối nhận tiền khi người ta năn nỉ mình lấy. Theo nó người ta... cho tiền là đúng luật.
Sao Khuê đã khô cổ giải thích, nhưng có lẽ thằng Trí không hiểu. Cái đói cái khổ của những ngày ăn cơm bố thí, nằm ngủ vỉa hè đã khiến nó sẵn sàng ngửa tay nhận tất cả những thứ được cho mà không hề suy nghĩ khi nào biết nói lời từ chối.
Nhìn những thứ ăn còn ê hề trên bàn Sao Khuê xốn xang trong lòng. Phải chi bọn trẻ được một bữa như vậy nhỉ? Chắc chắn khách không bao giờ dùng hết, phần thừa rồi cũng vứt đi thật lãng phí, thế thì sao cô không xin nhỉ? Nghĩ là nghĩ thế, song Sao Khuê vẫn chưa biết mình sẽ mở miệng xin bằng cách nào.
Thoáng thấy bà Lũy đang trò chuyện với mẹ, Sao Khuê xăm xăm bước tới mà quên bẵng từ gần đó Lĩnh đang chăm chú nhìn về phía mình. Sà xuống ngồi kế bên bà Lũy, cô tíu tít:
-  Xôi, bánh nhà cô món nào cũng ngon ơi là ngon.
Được khen bà Lũy phồng mũi to:
-  Thật hả? Vậy cháu ăn nhiều vào đi.
Sao Khuê cong môi:
-  Tiếc rằng cháu quá no rồi, nhưng nếu được cô cho mang về nhà ăn tiếp thì không gì bằng.
Mặt bà Hiệp xụ xuống:
-  Lại đùa rồi, con bé này...
-  Con nói thật đấy ạ.
Bà Lũy tươi cười:
-  Cô sẽ bảo gói cho cháu một thứ một ít.
Sao Khuê tới luôn:
-  Mỗi thứ một nhiều cháu cũng không từ chối đâu ạ.
Bà Lũy hạ giọng:
-  Cháu mang về cho bọn đàn con phải không?
Sao Khuê liếm môi:
-  Sao... cô biết ạ?
Bà Lũy hấp háy mắt:
-  Chú Lũy đã từng thấy cháu làm tình nguyện viên giúp các trẻ lang thang đường phố mà. Đúng không?
Sao Khuê gật đầu:
-  Dạ đúng.
Bà Lũy trầm trồ:
-  Anh chị tốt phước mới có cô con gái quý như Sao Khuê.
Bà Hiệp phất tay:
-  Ôi chuyện nhà thì nhắc, chuyện chú bác thời siêng. Nó chả được tích sự gì.
Bà Lũy nói:
-  Sao lại thế? Nó đang tích đức cho cha mẹ đấy.
Sao Khuê chỉ cười chớ chẳng nói năng gì về việc mình đang tình nguyện làm. Ngay lúc đó cô thấy Lĩnh tách khỏi đám đàn bà, con gái đang vây quanh để bước về phía mình.
Tim cô chợt đập mạnh vì cái nhìn đăm đăm của anh. Cô phải nói gì đây? Tốt nhất là phớt lờ như chưa bao giờ đã gặp hắn vẫn hơn.
Bà Lũy kéo tay Lĩnh:
-  Để cô giới thiệu, Sao Khuê, con gái rượu của ông Thông và bà Hiệp. Và đây là Lĩnh quý tử của ông Tuân.
Sao Khuê mỉm cười nghiêng đầu chào, cô không tỏ thái độ nào cho Lĩnh nhận ra cô là người anh ta... đụng độ. Đáp lại Lĩnh cũng rất xa lạ.
Anh ta nói:
-  Sao Khuê chắc chắn là người nhỏ tuổi nhất ở đây rồi. Bởi vậy cho phép tôi gọi Khuê là bé Khuê nhé?
Sao Khuê phụng phịu:
-  Nhỏ tuổi nhất đâu có nghĩa là bé nhất.
-  Đúng vậy. Nhưng ở đây Khuê đúng là bé nhất.
Thấy con gái có vẻ muốn ăn thua đủ với Lĩnh bà Hiệp vội chen vào bằng một câu hỏi:
-  Sao cháu không đưa mẹ tới đây?
Lĩnh trả lời:
-  Dạ mẹ cháu không được khỏe.
-  Tiếc chưa, hình như chị ấy chưa bao giờ xuất hiện trước đám đông.
-  Vâng mẹ cháu thích ở nhà tụng kinh, gõ mõ hơn.
Bà Hiệp tỏ vẻ ngạc nhiên:
-  Ra là thế, mẹ cháu ăn chay trường à?
-  Dạ.
Bà Hiệp kêu lên:
-  Vậy là gần như tu tại gia rồi.
Lĩnh mỉm cười thay câu trả lời, anh nhìn Khuê rồi hỏi:
-  Khuê đang học trường nào?
-  Dạ, xã hội nhân văn.
Mắt hơi nheo lại, Lĩnh hỏi:
-  Chắc là rất thường làm công tác xã hội.
Bà Lũy chen vào:
-  Còn phải hỏi, Khuê là thanh niên tình nguyện đấy. Suốt ngày bôn ba trên hè phố với lũ trẻ bụi đời.
Lĩnh tấm tắc:
-  Đáng nể thật.
Sao Khuê làm thinh cô nghe trong cách khen của Lĩnh có một chút giễu cợt. Hừ! anh ta đã lần tới đúng chỗ muốn biết rồi. Không những thế, Lĩnh còn tỏ ra mai mỉa việc Khuê đang làm. Đúng là hơn cả hợm hĩnh dễ ghét.
Bà Lũy kéo tay bà Hiệp:
-  Chị vào nhà, em sẽ cho chị xem bộ salon bằng gỗ mun khảm xà cừ mới mua.
Khuê định đòi theo nhưng mẹ đã bảo:
-  Con ngồi đây nói chuyện với anh Lĩnh cho ngoan đấy!
Hai bà đi khuất, Lĩnh mới lên tiếng:
-  Có nghe mẹ dặn không? Phải ngoan đấy!
Sao Khuê hơi bĩu môi. Lĩnh nói tiếp:
-  Tôi nghĩ giữa chúng ta có một chút hiểu lầm.
-  Nếu có, chỉ từ phía anh, chớ tôi thì chả hề quan tâm. Đối tượng của tôi là những đứa trẻ lang thang cỡ nhỡ kìa. Chúng rất đáng thương.
-  Còn nạn nhân của chúng thì đáng ghét?
Sao Khuê thản nhiên:
-  Những người không có lòng bao dung vẫn nghĩ thế.
Lĩnh nheo mắt nhìn cô gái trước mặt. Cô ta không có chút cảm tình nào với anh, hơn nữa cô chả hề giấu thái độ coi thường anh. Một tiểu thơ đầy cá tính, khác hẳn những tiểu thơ vẫn thường vây tròn quanh anh. Một cô gái đầy ấn tượng khiến Lĩnh chú ý ngay lần gặp đầu tiên, dù hôm ấy anh chưa nhìn rõ mặt mũi như biết nhân thân, nguồn góc của Sao Khuê. Đến lần gặp thứ hai, cô nàng mới chững chạc làm sao khi nói như lên lớp Lĩnh. Giờ nghĩ lại, anh chợt xấu hổ khi đã vội vàng đáng giá lòng tốt của người khác bằng tiền bạc. Lĩnh trầm giọng:
-  Tôi thành thật xin lỗi vì đã hiểu sai việc làm tốt đẹp của Khuê. Chúng ta bắt tay huề nhé.
Dứt lời, anh đưa tay, Sao Khuê ngần ngừ, cô liếc xung quanh và thấy có rất nhiều cặp mắt của các... quý bà đang đổ dồn về phía mình. Nếu Khuê muốn Lĩnh mất mặt thì thật là dễ. Cô chỉ cần nhún vai quay lưng đi lập tức vẻ ngạo mạn nãy giờ của anh ta giữa đám phụ nữ kia sẽ xìu xuống như bánh tráng nhúng nước.
Nhưng Lĩnh đã xin lỗi Khuê rồi, cô phải chứng tỏ mình là người rộng lượng chứ. Nhìn thẳng vào đôi mắt khá sâu và rất sắc của Lĩnh, Sao Khuê đưa tay ra. Lĩnh giữ tay Khuê khá lâu rồi mơ muốn chứng tỏ những lời vừa rồi của mình là chân thật. Lĩnh bỗng hỏi:
-  Một người tình nguyện sẽ làm một việc cụ thể gì?
Sao Khuê hỏi vặn:
-  Anh hỏi tò mò hay là vì động lực gì?
Lĩnh thẳng thắn:
-  Vì tò mò.
Sao Khuê nói:
-  Nếu để thỏa mãn sự tò mò của anh chắc tôi phải nói nhiều lắm. Tôi nghĩ nếu được mời anh lang thang với tôi trên đường phố một buổi, rồi anh sẽ biết một người tình nguyện sẽ làm những việc gì.
Lĩnh chuyển đề tài ngay:
-  Thằng nhóc đệ tử hôm đó của em, giờ ra sao rồi? Nó đã chấm dứt hẳn trò lao đầu vào xe nguy hiểm ấy chưa?
Sao Khuê trầm ngâm:
-  Anh muốn hỏi thằng bé à? Nó đã hứa với tôi, chắc chắn nó sẽ không làm điều dại dột ấy nữa. Khổ nỗi trong thành phố này còn biết bao nhiêu đứa trẻ như nó.
Lĩnh chép miệng:
-  Tại sao nó phải làm như thế nhỉ?
-  Vì cái ăn.
Lĩnh trợn mắt:
-  Nó không sợ chết à.
Sao Khuê hỏi lại:
-  Có lẽ anh chưa bao giờ bị bỏ đói hai ba ngày? Những đứa trẻ của tôi hầu như những đứa nào cũng từng trải về cái sự đói nên chúng rất sợ đói. Chúng thường sợ những thứ đau đớn, khổ sở mình đã trải qua, còn chết thì chúng chưa... nếm bao giờ nên đâu có sợ.
Lĩnh gật gù:
-  Nếu vậy chắc công việc của Khuê không dễ dàng chút nào?
-  Vâng, thật ra thời gian tôi giành cho việc này không nhiều vì tôi còn bận học.
Lĩnh lặng lẽ nhìn Khuê, cô bé còn nhỏ nhưng suy nghĩ cũng sâu lắm đấy. Chả bù với những cô gái ngồi gần các bà mẹ đằng kia...
Giọng Sao Khuê lại vang lên:
-  Hôm trước tôi có hơi quá lời, tôi cũng xin lỗi anh. Một người tự nguyện làm công tác xã hội không nên nóng nảy, nhưng tôi thì vẫn quen thói ào ào. Ở nhà mẹ tôi rầy hoài ấy chứ.
Lĩnh mỉm cười, khiến cô ngơ ngác:
-  Tôi nói gì sai à?
Lĩnh lắc đầu:
-  Không. Tôi đang nghĩ liệu tôi có thể giúp được gì cho những đứa bé của cô.
Sao Khuê nói như reo lên:
-  Nếu có tấm lòng, anh sẽ giúp được mọi thứ.
Lĩnh nheo nheo mắt:
-  Chắc chắn tôi có tấm lòng em cứ nhờ đi...
Sao Khuê chớp mi. Cô nhìn về phía mẹ con bà Lý và bắt gặp gương mặt bực dọc, hầm hừ của họ. Nhớ tới những lời chua ngoa, mai mỉa lúc nãy của bà Lý, bỗng dưng Khuê thích thú khi biết mình đang khiến bà ta điên lên vì ghen tức. Một chút nghịch ngợm trẻ con, cộng thêm một chút cao ngạo đàn bà đã khiến Sao Khuê muốn mẹ con bà Lý phải tức hơn nữa cho đáng.
Đưa ngón tay trỏ ra, hơi nũng nịu một chút:
-  Tôi sẽ nhờ nhưng anh phải ngoéo tay hứa mới được.
Lĩnh bật cười. Anh tham gia trò chơi của Khuê một cách vô tư. Với anh buổi tối này không còn nặng nề vì những hợp đồng làm ăn cần được giải quyết bên ly rượu mà trái lại anh đang hết sức bay bỗng nhẹ nhàng bên một cô gái.
Mặc kệ những phụ nữ trẻ già đang nhìn hai người bằng những cái nhìn tóe lửa, Lĩnh và Sao Khuê tiếp tục trò chuyện. Sao Khuê nhận ra Lĩnh không đến nỗi dễ ghét như cô từng ghét. Trái lại, anh có sự thu hút riêng. Lĩnh rất bản lĩnh trong việc chinh phục phụ nữ. Thảo nào các cô gái trong bữa tiệc tối nay đều hướng về anh với tất cả ngưỡng mộ.
Nhưng Sao Khuê không như họ, cô chả hề ngưỡng mộ Lĩnh, cô thích nói chuyện với anh vì tò mò nhiều hơn.
Mãi đến khi về nhà, chui vào giường ấm áp dưới lớp mền dày mượt, Sao Khuê mới bâng khuâng nghĩ tới hai chữ "ngẫu nhiên" giữa cuộc đời có muôn vàn ngẫu nhiên này.
Ngày mai nhất định Sao Khuê sẽ kể cho nhỏ Phương Du nghe chuyện cô gặp lại gã nhà giàu hợm hĩnh đó.
Chắc chắn nó sẽ cười và bảo: "Ghét của nào trời trao của nấy". Còn bây giờ Sao Khuê phải ngủ với một giấc mơ thật lãng mạn. 

<< Chương kết |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 172

Return to top