Để ly cam vắt, thức uống quen thuộc sau những ván tennis của mình xuống bàn, Lĩnh chậm rãi đốt thuốc rồi đưa mắt về phía sân. Ba anh vẫn còn chơi tiếp tục với ông bạn là đối tác làm ăn. Thời buổi này người ta thường làm ăn trong khi chơi và kết quả những cuộc giao dịch trật chỗ ấy thường lại có kết quả tốt. Hy vọng đợt giao dịch này của ông cũng thế.
Như thành một thông lệ, Yến Nhi uyển chuyển bước đến ngồi chung, Lĩnh đã quen nên không tỏ thái độ bực dọc như lần đầu. Anh dài giọng:
- Anh nghĩ em nên chơi gôn thì hơn.
Yến Nhi nói:
- Em cũng muốn lắm chứ, nhưng để có thẻ hội viên câu lạc bộ chơi gôn không dễ chút nào.
Linh nheo nheo mắt:
- Đẹp như em muốn có mấy thẻ hội viên lại không được.
Yến Nhi so vai:
- Em lại thích tennis hơn. Ngày nào cũng vào đây nhìn anh chơi em đủ thấy yêu đời rồi.
Lĩnh bật cười:
- Nhưng khi thấy tôi làm việc em sẽ hết ham sống đó.
Nhi tỏ vẻ không tin:
- Anh... hắc dữ vậy sao?
Lĩnh nhếch môi đầy ngạo mạn:
- Tôi chơi tennis để có sức khoẻ mà... hắc đấy.
Yến Nhi khúc khích:
- Có một sếp... hắc nhưng lịch lãm, phong độ như anh cũng nên lắm chứ. Em hỏi thật nghen: bác Tuân và anh, ai hắc hơn ai?
Lĩnh chưa trả lời, nhi đã nói:
- Chắc là anh khó chịu hơn rồi. Bác Tuân lúc nào cũng hoà nhã, lịch sự với phụ nữ.
Mặt Lĩnh sa sầm xuống, anh cộc lốc:
- Tôi không thích kiểu nhận xét ấy đâu.
Yến Nhi ngơ ngác như con nai vàng:
- Sao thế? Đó đâu phải nhận xét anh? À, chắc là anh ganh tỵ với ông... ba rồi.
Lĩnh bực giọng:
- Đầu óc em chỉ để nghĩ những chuyện như vậy thôi sao?
Nhi thản nhiên:
- Em còn nghĩ nhiều chuyện khác nữa chứ, nhưng những chuyện như vầy, nhiều người thích nghe lắm. Các ông còn thích nghe khen hơn các bà.
Phẩy tay, Lĩnh cộc cằn:
- Vậy thì tìm họ mà nói, ngồi với tôi có nghĩa là em đã lộn địa chỉ.
Yến Nhi lim dim mắt:
- Em chỉ khoái nói với anh. Nhìn anh cau có, quạu quọ, em lại thấy hay hay thế nào ấy. Đàn ông phải như thế mới ra đàn ông chứ.
Uống hết ly nước cam, Lĩnh bảo:
- Tôi sợ em thật đấy.
Nhi nhịp những ngón tay sơn đỏ lên bàn:
- Tụi bạn em kháo với nhau là ông Lĩnh không biết yêu, dù ông ta lúc nào cũng có đàn bà xung quanh. Dường như đào hoa là gien di truyền của gia đình anh nên bác Tuân tuy đã có tuổi vẫn còn rất phong độ.
Lĩnh cau mày:
- Đừng nói tới ba tôi nhé!
Hất mặt về phía sân bóng, Nhi bĩu môi:
- Anh nhìn đi. Bộ em nói sai sao?
Dù không muốn, Lĩnh cũng phải nhìn về phía sân bóng. Anh thấy ba mình đang nói chuyện với một phụ nữ lạ. Đó không phải là người trong giới làm ăn của ông. Nhưng Lĩnh cần gì biết là ai khi đúng như Yến Nhi đã nhận xét, ba anh rất đào hoa và hào hoa. Đó cũng là một nguyên nhân khiến chứng trầm cảm cũng như bệnh tâm thần của mẹ anh không bao giờ khỏi. Với mẹ, ba anh là một người thiếu trách nhiệm, ông bỏ mặc bà một mình thui thủi để lao vào những cuộc vui chơi cho riêng ông.
Lĩnh nghe bà nội kể, trước khi cưới mẹ, ông từng quen rất nhiều cô gái, sau khi có vợ con, ông vẫn không bỏ được thói trăng hoa.
Lĩnh nhớ không lầm vào lúc anh độ bảy tám tuổi thì phải, ba anh có dan díu với một cô gái rất trẻ, nếu bà nội không mạnh tay chắc ông đã ly dị mẹ để cưới cô ta. Cô gái ấy cũng không phải tay vừa, nên đã tới tận nhà Lĩnh gặp mẹ và buông bao nhiêu lời nguyền rủa lẫn hăm dọa sẽ trả thù vì mẹ đã không "trả tự do" cho ba anh để ông có quyền danh chánh ngôn thuận với cô ta trước pháp luật. Hồi đó, tuy còn nhỏ nhưng Lĩnh vẫn nhớ không khí nặng nề của gia đình như thế nào. Nội anh đã lên lớp ba anh ra sao và mẹ anh đã đau đớn, khổ sở vì ông chồng cỡ nào. Chuyện buồn vì bị chồng phản bội chưa vơi, mẹ đã nhận thêm nỗi đau mất con. Thằng bé Triều đã bị té sông trôi mất xác. Từ đó, mẹ anh như biến thành người khách, hay có thể nói bà sống những thiếu mất phần hồn cũng chả sai.
Lĩnh quen với tật hảo ngọt của ba mình rồi, nhưng sáng nay bị Yến Nhi nói rồi chỉ... tận mặt như thế, lòng anh chợt sôi lên sự bực bội. Giọng bình thản, Lĩnh nói:
- Đó là chuyện thường tình trong giao tế, lẽ nào một cô gái có mối quan hệ rộng như em lại bận tâm?
Yến Nhi nhún vai:
- Dường như người bận tâm là anh chớ không phải em
Che miệng cười, Nhi hạ giọng:
- Như đã nói lúc nãy, anh chắc chắn ganh tỵ với ba mình
Thấy mắt Lĩnh long lên, Yến Nhi vội đứng dậy:
- Chọc anh, lên cơn bao nhiêu đó là đủ rồi. Em... biến đây!
Nhìn Yến Nhi duyên dáng bước đi, Lĩnh nuốt bực bội vào lòng. Anh dụi mẩu thuốc hút dở vào gạt tàn rồi với lấy cái túi xách, anh ra bãi giữ xe.
Một thằng nhóc đến bên Lĩnh mời mọc:
- Mua giùm con một vé đi chú.
Giọng lạnh lùng vô cảm, Lĩnh gằn:
- Không mua!
Thằng nhóc chợt ngẩng đầu lên nhìn anh rồi nó ấp úng:
- Con... con chào chú!
Dứt lời nó te te đi một nước, mặt sợ hãi y như vừa trông thấy ma
Thái độ của nó khiến Lĩnh ngạc nhiên, anh gọi giật lại:
- Này... nhỏ!
Thằng nhỏ rối lên:
- Con chỉ mời chú mua vé số chớ đâu có làm gì.
Giọng Lĩnh dịu hơn:
- Phải em là em của chị Khuê không?
Thằng nhỏ gật đầu. Lĩnh hỏi:
- Em bán vé số ở đây à?
Nó lại gật đầu đầy vẻ dè chừng. Lĩnh mỉm cười:
- Đưa anh mua cho.
Mặt thằng nhỏ dãn ra nhẹ nhõm, Lĩnh lấy năm tờ, đưa nó năm chục ngàn.
- Còn dư anh cho em.
- Sao lại cho con?
Lĩnh nói:
- Để em mua bánh ăn.
Thằng nhóc lưỡng lự rồi từ chối.
- Chị Hai dặn không được nhận tiền của ai hết. Con cám ơn.
Dứt lời nó lục tiền trong túi ra thối lại cho Lĩnh.
Anh không ngờ Sao Khuê lại có uy với bọn trẻ như vậy. Cầm mớ tiền lẻ trong tay, Lĩnh hỏi:
- Em tên gì?
- Tên Trí.
- Em ngoan lắm. Gặp chị Hai cho anh gởi lời thăm nhé.
- Dạ
Lĩnh dắt xe ra khỏi bãi, lòng chợt áy náy khi nhớ tới cái ngoéo tay trước đây với Sao Khuê. Anh đã không làm gì để chứng tỏ mình có tấm lòng, có phải vì thế mà sau này Khuê lơ lơ lạnh nhạt với anh không? Với cô bé bây giờ chắc anh là một gã hứa cuội. Lĩnh phải có hành động gì thiết thực đây?
Về nhà, bà Tý vừa mở cửa cho Lĩnh, vừa nói:
- Bà dậy rồi, nhưng cứ nằm mãi trong phòng, không chịu ăn uống gì hết. Thiệt khổ ghê.
Lĩnh thở dài. Anh bước vào phòng mẹ Bà đang ngồi lọt thỏm trong cái ghế mây mắt nhìn mông lung ra phía cửa sổ.
Lĩnh chưa kịp hỏi han gì, bà Nhân đã lên tiếng:
- Mẹ vừa mơ thấy nó. Tội nghiệp em con, nó vẫn còn sống, có điều nó sống cực khổ lắm
Ngập ngừng một chút, bà lại nói tiếp:
- Mẹ mơ thấy em con đạp xe ba gác... Nó chở bao nhiêu thứ nặng nề trông thương lắm. Phải làm sao để tìm ra nó hả Lĩnh?
Lĩnh đến bên giường đỡ mẹ dậy:
- Trước tiên mẹ ăn sáng cái đã, rồi chuyện gì sẽ tính sau.
Bà Nhẫn lắc đầu:
- Thằng Triều nó đang đói, mẹ đâu đành lòng ăn. Mình phải tìm ra nó con à.
Lĩnh nhẹ nhàng:
- Đó chỉ là giấc mơ, em con làm sao đạp xe ba gác được hả mẹ?
Bà Nhẫn ngồi thừ người ra, Lĩnh vòng tay ngang vai bà:
- Mẹ muốn đi chùa không? Con sẽ đưa mẹ đi.
Bà Nhẫn nhìn anh rồi chậm chạp gật đầu, Lĩnh nói:
- Vậy mẹ ăn sáng nhé. Dì Tý đã dọn sẵn cho mẹ rồi.
Bà Nhẫn đứng lên, giọng tỉnh táo:
- Để mẹ đi một mình.
Lĩnh khẽ nuốt tiếng thở dài. Lâu lâu mẹ anh lại... trở chứng một bữa, qua cơn bà lại bình thường. Ba anh rất dị ứng với những trạng thái này của bà. Ông cho là là giả vờ để làm tình làm tội ông, nên không khi nào thèm hỏi han để ý tới trò ông gọi là đồng bóng. Ngay cả Lĩnh lắm lúc anh cũng cho là mẹ giả vờ, nhưng anh phải chiều cho qua chuyện. Dầu gì, mẹ anh cũng đã quá đau khổ, Lĩnh không muốn bà buồn hơn nữa.
Vào phòng, Lĩnh đi tắm. Bửa nay chúa nhật anh không bị thúc bách bởi thời gian những lại biết làm gi cho hết khoảng thời gian trống ấy. Lĩnh không hảo ngọt cũng không đào hoa như ba mình.
Sự đỗ vỡ không thể hàn gắn lại của ba mẹ đã khiến Lĩnh có cái nhìn dè dặt lẫn hoài nghi về tình yêu, về hạnh phúc lứa đôi. Chính điều này đã khiến Lĩnh có vẻ lạnh lùng, dửng dưng với phụ nữ. Anh không nghĩ vẻ xa cách, ngạo mạn của mình lại khiến các bà các cô mê mệt. Với Lĩnh, tình yêu không mang sắc màu lãng mạn, hôn nhân lại càng thực tế hơn. Anh sẽ cưới cô gái nào do anh chọn, chắc chắn cô ta rất hãnh diện vì có diễm phúc được làm vợ anh. Lĩnh không bao giờ trăng gió như ba mình. Anh là người nghiêm khắc và nghiêm túc, hôn nhân của anh cũng sẽ thế.
Đang lau khô tóc, anh nghe tiếng gõ cửa phòng rồi giọng bà Tý vang lên:
- Có bà Cẩm tới chơi. Bà muốn gặp cậu.
- Vâng tôi ra ngay.
Tròng cái áo thung qua đầu, Lĩnh thong thả xuống nhà. Bà cô của anh đang ngồi trò chuyện bói toán với mẹ. Vừa thấy anh, bà Cẩm hỏi ngay:
- Ba mày đâu?
- Dạ chắc còn trong sân tennis. Có chuyện gì không cô?
Bà Cẩm oang oang giọng:
- Số ba mày năm nay xấu lắm. Tao mới vào chùa cúng sao cho ổng hôm qua.
Cười cười, Lĩnh hỏi:
- Thế còn số của con? Có xui không?
Bà Cẩm nhướng mày:
- Mày hả? chắc năm nay cưới vợ đó.
Lĩnh chép miệng:
- Biết cưới ai bây giờ cô ơi.
- Mày kén quá, than gì ma than.
Quya sang bà Nhẫn, bà Cẩm nói tiếp:
- Chị vào sửa soạn rồi đi chùa với em. Nếu muốn cúng cho thằng Triều nhà cửa xe cộ, ngươi ăn kẻ ở trong nhà, mình sẽ mua đốt cho nó một thể.
Lĩnh nhăn nhó:
- Cô bày ra chuyện này làm gì. Con không tin chút nào.
Bà Cẩm cao giọng:
- Nhưng má mày tin. Quan trọng là bà ấy vui kìa.
Nhún vai, Lĩnh nói:
- Tiền để làm từ thiện có ích hơn
Bà Cẩm lắc đầu:
- Giong điệu mày với ổng y như nhau.
Đợi bà Nhẫn đi khuất, bà Cẩm mới hỏi:
- Lĩnh nè! con biết dạo này ba con qua lại với ai không?
Lĩnh ngập ngừng:
- Ba con nổi tiếng đào hoa thật, nhưng hình như bây giờ ông lo làm ăn nhiều hơn.
Bà Cẩm gặn:
- Nghĩ là hiện tại ông không có bà nào?
Lĩnh gãi ót:
- Vâng, chắc là vậy. Sao tự nhiên cô lại hỏi chuyện này?
- Không phải tự nhiên đâu. Cái gì cũng có lý do của nó.
Bà Cẩm ngừng lại rồi thở dài. Ngần ngừ mãi bà mới hạ thấp giọng:
- Con còn nhớ Hồng Loan, nhỏ bồ nhí của ba con hai mươi mấy năm trước không?
Trán Lĩnh cau lại:
- Con nhớ chuyện đó nhưng không thể nhớ mặt bà ta. Lâu quá rồi, bà Hồng Loan là người thuộc về quá khứ.
Bà Cẩm nhếch môi:
- Người của quá khứ ấy lại đang đội mồ sống lại đây.
Lĩnh thảng thốt:
- Cô đã gặp lại bà ta à?
- Ừ. Hồng Loan đã tới thăm cô và bà nội với thái độ trịch thượng đầy khiêu khích.
- Nhưng bà ta muốn gì?
Bà Cẩm nhúng vai:
- Chỉ trời mới biết. Có điều chắc chắn những thứ con hồ ly ấy muốn sẽ làm gia đình mình khốn đốn. Cô lo nó sẽ tìm đến ba con. Hừ! tình cũ không rũ cũng tới mà.
Lĩnh thắc mắc:
- Bẵng đi một thời gian, cả hai mươi năm bà ta ở đâu? Sao bỗng dưng lại xuất hiện đột ngột như vậy?
Bà Cẩm nói:
- Bà ta bảo vừa ở nước ngoài về. Có lẽ sẽ định cư tại Việt Nam luôn vì không chồng không con. Nó nói thế thì nghe thế, chớ biết đúng không? Con đó rất xảo trá.
Bà Cẩm bồn chồn:
- Cô lo cho mẹ con
Lĩnh nói:
- Mẹ con đã quen chuyện ba con nay bà này, mai bà nọ rồi, cô không phải lo.
- Sao lại không lo? Mày không biết đâu, cuộc đời nhiều nỗi éo le lắm. Con mụ Hồng Loan chưa quên mối thù ngày xưa, nó sẽ trả thù.
Lĩnh cười nhạt:
- Mẹ con không hận bà ta thì thôi.
Bà Cẩm chép miệng:
- Có những chuyện khó nói lắm. Tốt hơn hết đừng để mẹ con gặp mụ ta. Nhớ dặn chị Tý không được mở cửa cho người lạ, với bất kỳ lý do gì.
- Nghiêm trọng dữ vậy sao? Nhưng liệu mẹ con tránh được bà ta suốt đời hay không?
- Thần kinh mẹ con không ổn, gặp lại lỡ mụ ta chọc tức mẹ con điên luôn thì khổ.
Lĩnh chợt nhớ tới người đàn bà cạnh ba anh trong sân tennis sáng naỵ Liệu đó có phải là bà Hồng Loan không?
Bà Cẩm thì thào:
- Hồi đó tao từng nghi cái chết của thằng Triều...
Bà Cẩm im bặt khi thấy bà Nhẫn bước ra.
Lĩnh nhíu mày vì câu nói bỏ dở của bà, nhưng an không dám hỏi khi có mặt mẹ.
Bà Cẩm nháy mắt với Lĩnh:
- Cô với mẹ sẽ đi tới chiều mới về.
Lĩnh gật đầu:
- Vâng.
Căn nhà đã vắng như càng vắng hơn khi bà cô ồn ào của Lĩnh đã đi với mẹ. Có lẽ trưa nay anh cũng sẽ không về. Ngày chủ nhật đâm ra dài lê thê, Lĩnh sẽ làm gì đây nhỉ? Ngoài việc suy nghĩ quẩn quanh về những quan hệ của ba mình.
Về phương diện tình ái, ba Lĩnh dường như không biết dừng chân. Ông như con tuấn mã cứ mãi rong chơi trên những cánh đồng cỏ non. Đúng ra là quanh ông bây giờ các cô gái tơ non xuất hiện rất nhiều. Bà Hồng Loan ngày xưa dù sắc nước hương trời cỡ nào cũng đã về chiều. Cô Cẩm khéo lo xa khi sợ bà ta sẽ quyến rũ được ông, cô quên rằng ba anh không phải tuýp người chuộng đồ cổ. Nhếch môi vì sự ví von của mình, Lĩnh ra sân đuốt thuốc.
Nắng bắt đầu lên cao. Lũ trẻ nhà kế bên như đang chẩn bị đi chơi ở công viên nước, chúng líu lo đủ... kế hoạch nghe thật vui tai. Tự dưng Lĩnh nhớ tới đám trẻ của Sao Khuê, rồi nhớ tới cô.
Rít thêm vài hơi, anh búng điếu thuốc hút dở vào góc sân rồi vào nhà điện thoại.
May mắn sao người nhấc máy là Sao Khuê.
Cô ngạc nhiên:
- Tôi không nghĩ là anh đâu nhé.
Lĩnh cười:
- Sao Khuê vẫn khoẻ đây chứ?
- Vâng.
- Tôi vừa gặp thằng nhóc Trí ở gần câu lạc bộ thể thao.
Khuê hỏi một hơi:
- Anh vẫn nhớ mặt nó à? Nó không làm gì anh chớ?
Lĩnh nói:
- Nhờ chị Hai dạy dỗ nên nó rất ngoan. Còn bé mà phải xuôi ngược ngoài đừng trông tội quá.
- Chắc là nó mời anh mua vé số?
- Đúng vậy.
Giọng Sao Khuê trầm xuống:
- Cách đây mấy hôm nó bị bọn lưu mạnh giật mất hết vé số, nó khóc suốt một ngày thấy mà thảm. Nhìn bọn trẻ gia đình giàu có cỡ tuổi nó được ăn chơi thỏa thích mà tội.
Lĩnh bứt rứt:
- Tôi vẫn nợ sao khuê một cái ngoéo tay đó.
Sao Khuê cười nhẹ:
- Tôi lại quên rồi.
- Nghĩa là Khuê nghĩ rằng tôi đùa cho vui?
- Đâu có. Đàn ông thường hay quên những chuyện nhỏ nhặt, không liên quan tới mình...
Lĩnh ngắt lời Khuê:
- Tôi sẽ không quên nữa đâu. Liệu Khuê có thể đưa tôi tới thăm bọn trẻ của em không?
Sao Khuê nói như reo:
- Được chứ nhưng anh định chừng nào?
- Ngay bây giờ càng tốt.
- Bây giờ thì không được, vì bọn nhóc hầu hết đang... xuôi ngược ngoài đường.
Lĩnh vỗ nhẹ vào trán:
- Ờ nhỉ! tôi đãng trí thật, vì tưởng bọn nhóc được nghỉ thứ bảy, chủ nhật như mình.
Lĩnh thích thú nghe tiếng Khuê cười khúc khích trong máy. Anh lim dim mắt:
- Vậy chừng nào thì được?
Sao Khuê ngập ngừng:
- Chiều nay, khoảng năm giờ. Tôi sẽ đợi anh.
Lĩnh cao giọng:
- OK tôi sẽ tới...
Khuê im lặng. Vài giây sau, cô nói:
- Chào!
Lĩnh vội vàng:
- Khoan đã Khuê.
- Còn chuyện gì nữa à?
- Chúng ta có thể tiếp tục nói với nhau không?
Sao Khuê trêu chọc:
- Nghe đồn rằng thời gian của sếp đều là vàng bạc lẽ nào bữa nay anh lại phung phí?
Lĩnh tán tỉnh:
- Nói chuyện với Khuê mà là phung phí à? Tôi cho rằng mình đang gặt hái niềm hạnh phúc đấy chứ.
Sao Khuê cười:
- Không lẽ với anh, hạnh phúc dễ gặt hái vậy sao?
Lĩnh chưa kịp trả lời, Sao Khuê đã nói tiếp:
- Mẹ tôi vẫn bảo "Ai xui xẻo lắm mới gặp con và nghe con nói". Trò chuyện với tôi là gặt hái bất hạnh đó
Lĩnh hùng hồn:
- Tôi chấp nhận thương đau mà.
Sao Khuê khịt mũi:
- Xứng danh một bậc hào hoa thật. Tôi nghe các bà, các chị kháo nhau về anh nhiều lắm, nhiều đến mức tôi hơi bị ngại.
- Thế à? Cây ngay đâu sợ chết đứng. Họ làm tôi hãnh diện quá và cũng đau khổ quá khi bị em hơi ngại... Người ta thường nói "có tiếng mà không có miếng". Câu này với tôi thật hợp.
Sao Khuê chọc quê:
- Sao lại chua chát thế? không lẽ anh thích "có tiếng mà không có tiếng"?
Lĩnh nhấn mạnh:
- Tôi thích "có miếng và có tiếng" hơn.
- Vậy thì hơi tham lam.
Cả hai cùng cười. Sao Khuê là người nói lời tạm biệt trước. Cô viện lý do phải đi chợ với mẹ để gác máy.
Lĩnh mỉm cười một mình khi nghĩ tới cuộc hẹn chiều nay. Sao Khuê là cô gái anh đã chọn. Nếu như lời cô Cẩm ứng, chắc anh sẽ cưới vợ trong năm nay.