Dựng cái xe đạp vào cánh cổng sắt cao chót vót với những cọc nhọn như chông vút lên trời, Nhã Ca nhấn chuông và chờ. Không phải đợi lâu, cô đã nghe tiếng khoá mở và cánh cổng màu đồng sang trọng hé ra.
Bà Tư Hường nhìn Nhã Ca, giọng ái ngại:
- Ông vẫn chưa về. Hay cháu vào ... vào sân mà chờ.
Nhã Ca lắc đầu trong thất vọng:
- Dạ thôi ạ.
Bà Hường nói:
- Nãy giờ dì có lén gọi vào số di động của ông nhưng không được. Chắc ông tắt máy rồi. Thôi, vào trong đi, có ngại thì xuống bếp với dì.
Nhã Ca từ chối:
- Cháu cảm ơn dì Tư. Cháu đi vòng vòng rồi sẽ trở lại. Nhờ dì nói hộ là có cháu tìm, nếu ông ấy về :
- Được rồi, dì sẽ nói hộ.
Nhã Ca đứng tần ngần bên xe đạp. Đã chín giờ rồi còn đạp xe đi đâu nữa khi suốt mấy tiếng đồng hồ qua cô đã lòng vòng khắp phố đến mức rã cả hai chân, còn bụng thì sôi sùng sục vì đói. Thôi thì cứ chờ trước nhà vậy. Dù thế nào đi chăng nữa, nhất định bữa nay Nhã Ca cũng phải gặp bằng được ông ấy, nếu không chuyện học hành của cô coi như hỏng to.
Dắt chiếc xe qua một bên, Nhã Ca tựa lưng vào tường và chờ. Con đường này toàn là biệt thự nên buổi tối khá vắng vẻ. Ca đứng trong tâm trạng bất an, lo lắng khi thỉnh thoảng có vài chiếc xe gắn máy tấp vào lề nhìn cô rồi buông những lời hết sức sống sượng.
Nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay lên dây cót cổ lỗ của Liên Xô, Nhã Ca thấy đã mười giờ. Mệt mỏi, chán chường, cô ngồi xổm xuống đất, hai tay bó gối cho đỡ lạnh vì sương đêm mà không biết mình còn phải chờ đến bao lâu nữa.
Ngay lúc đó, có ánh đèn xe chiếu ngay chỗ Ca đang ngồi, cô nheo mắt vì chói, nhưng vẫn cố nhìn xem là ai rồi thất vọng.
Ba chiếc xe phân khối lớn thắng kít lại ngay cổng, rồi tiếng nhấn còi xe inh ỏi thay cho tiếng chuông gọi cửa của những người ngồi trên xe khiến Nhã Ca bất chợt quay đi. Cô không muốn ai nhận ra mình, nhưng đã trễ rồi. Ca nghe giọng con gái vang lên:
- Trời ơi! Bữa nay chị ta ra tận nhà mình để tiếp thị nữa à? Đúng là kinh khủng. Phải gọi dì Tư ra đuổi đi mới được.
Từng hồi còi xe lại vang lên chát chúa lẫn với tiếng gọi bà Tư Hường, khiến Nhã Ca vừa tức vừa rối rắm. Cô không muốn dây vào những người này chút nào, nhưng cô cũng không thể bỏ đi nếu chưa đạt được mục đích.
Cổng mở, ba chiếc xe lần lượt phóng vào. Nhã Ca nhẹ nhõm vì biết bà Tư Hường nếu có ra theo lệnh chủ cũng chả đuổi cô làm gì.
Yên tâm với suy nghĩ đó, Nhã Ca tiếp tục ngồi xuống để chờ. Cô chợt nghe tiếng bước chân rất nhẹ rồi một đôi giày đàn ông bóng loáng xuất hiện trước mặt cô.
Nhã Ca ngẩng đầu lên. Cô chưa kịp có phản ứng gì, người vừa xuất hiện đã hỏi bằng giọng trống không:
- Sao lại ngồi ở đây?
Im lặng mất mấy giây, Ca mới trả lời cũng bằng giọng trống không:
- Vì không muốn làm phiền những ai không liên quan.
Người thanh niên bật cười:
- Tiếc là chúng ta có liên quan với nhau, bởi vậy em vào nhà đi.
Nhã Ca bĩu môi:
- Vừa rồi tôi nghe rất rõ những lời của chị Trúc Quỳnh, anh không phải giả vờ tốt bụng đâu anh Quân.
- Anh chả cần phải giả vờ, nhưng rõ ràng em ngồi trước cổng nhà như vậy thật không tiện chút nào.
Nhã Ca lạnh lùng:
- Nếu vậy tôi sẽ sang bên kia đường đứng, gặp ông ấy xong, tôi sẽ đi ngay.
Dứt lời, Ca dắt chiếc xe đạp đi, nhưng Quân đã giữ tay cầm xe lại :
- Tối nay có lẽ ông ấy không về đâu.
Ca thảng thốt:
- Sao anh biết?
Anh ta nói :
- Ông ấy đi Vũng Tàu hồi chiều, ngày mốt mới về.
Nhã Ca kêu lên:
- Thật hả?
Nhìn cô, Quân gật đầu:
- Thật! Mà em cần gặp ông ấy có chuyện gì?
Nhã Ca cắn môi, cô không muốn nói lý do với Quân nên bảo:
- Nếu thế thì tôi về vậy.
Quân vẫn giữ tay cầm xe đạp:
- Anh có thể giúp gì cho em?
Nhã Ca mệt mỏi:
- Cám ơn. Không có gì đâu.
Quân nói thật nhanh:
- Em đang cần tiền phải không?
Nhã Ca im lặng. Dĩ nhiên là thế rồi, nếu không cô đâu cần tới đây chầu chực.
Giọng Quân ân cần:
- Bao nhiêu ? Em cứ nói.
Nhã Ca nghe máu nóng bừng lên mặt. Cô nhớ những lời bà Trúc Phương mắng mình trước đây mà không sao mở miệng.
Quân mỉm cười:
- Anh biết kẹt lắm em mới đến đây, đã thế thì đừng ngại. Quyền huynh cũng có thể thế phụ được vậy.
Vén những sợi tóc mai loà xoà trước trán sang một bên, Nhã Ca nhìn Quân thật kỹ như muốn đánh giá xem những lời anh vừa nói được bao nhiêu phần trăm là thật.
"Quyền huynh thế phụ" cả hai thứ tình cảm của cha và anh từ hồi lọt lòng mẹ đến giờ, Nhã Ca chưa bao giờ được hưởng. Ấy vậy mà Quân lại muốn "quyền huynh thế phụ" với cô. Nghe cảm động đó, nhưng cái sự cảm động ấy thoáng qua chưa tới một giây, Nhã Ca đã lạnh lùng băng giá trở lại.
Cô lầm lì:
- Tôi chưa bao giờ có cha cũng như có anh. Thôi nhé.
Gạt mạnh tay Quân ra, cô đạp pedal, chiếc xe đạp cũ kỹ loạng choạng một chút mới chịu lăn bánh. Nhưng chưa lăn được mấy vòng, Quân đã chận nó lại khiến Nhã Ca phải chống chân xuống đất.
Mắt long lên, giọng gay gắt anh gằn:
- Đừng có hỗn nhé nhóc. Anh đây sẵn sàng cho ăn bộp tai đấy. Nếu chưa nói ra lý do để tới đây thì chưa về được đâu.
Nhã Ca nhìn sững vào mặt Quân, và nhận ra anh không hăm dọa xuông. Bỗng dưng bao nhiêu ngang ngạnh, gai góc trong cô xìu xuống như bông gòn mắc mưa. Cô chỉ muốn khóc mà thôi.
Quân vỗ về:
- Nào, nói đi chứ. Xem anh có giúp được không.
Giọng nghẹn lại, Ca nói một hơi:
- Ngày mai là hạn chót nộp học phí, nếu không có xem như khỏi thi.
Quân nhíu mày:
- Bao nhiêu?
Nhã Ca ngập ngừng:
- Bốn triệu.
Quân gõ gõ vào trán:
- Chờ anh nhé!
Quay lưng đi chừng dăm ba bước, Quân quay lại dặn :
- Không được đi đâu đó.
Nhã Ca thở hắt ra nhẹ nhõm. Thế là cái khối lo âu nặng nề mà cô mang trên lưng cả tháng nay sắp được giải quyết:
- Ôi cha! Mừng quá! Mừng quá!
Nhã Ca chỉ muốn nhảy nhổm lên, nhưng cô đã kịp kiềm chế nỗi vui khi đối diện với cánh cổng cao ngất của ngôi nhà cô đang đứng.
Đó là ngôi nhà Ca từng thề là không bao giờ bước chân vào. Lời thề ấy cô vẫn còn nhớ, thế nhưng cô sắp nhận tiền của người trong nhà này, người không phải là ông ta. Liệu có nên hay không.
Một ngày chỉ vỏn vẹn hai mươi bốn tiếng đồng hồ, giờ này đã là hai hai giờ ba mươi, cô không còn nhiều thời gian để suy nghĩ nữa. Nếu không nhận tiền, cô sẽ bị cấm thi vào ngày mai. Lý do này cô đã nói với Quân rồi, nó hết sức chính đáng và cô chả gì phải mặc cảm hay xấu hổ hết.
Cánh cổng sắt hé mở, Quân hấp tấp bước ra. Đưa cho Ca một bao thư, anh nói:
- Năm triệu. Em cầm lấy đi:
- Em chỉ cần đúng bốn triệu thôi.
Quân nhìn Ca:
- Đừng câu nệ như thế. Em cầm thêm một triệu để mua sắm cho mình, anh nghĩ là em không nên từ chối. Thôi về đi. Khuya lắm rồi. Hay là để anh đưa em về vậy.
Nhã Ca vội lắc đầu:
- Không cần đâu.
Ngập ngừng một chút, cô hạ giọng:
- Rồi em sẽ gởi trả lại cho anh.
Quân mỉm cười:
- Bao giờ em trả nhất định anh tính lời nên em cứ thư thả để anh có nhiều lời chớ.
Nhã Ca chớp mi:
- Em cám ơn anh. Chào.
Quân nói với theo:
- Trong phong bì có số di động của anh, nếu cần gì em cứ gọi cho anh.
Nhã Ca đạp xe đi, cô vờ như không nghe Quân nói gì . Cô không muốn phải gọi điện cho bất cứ ai trong ngôi nhà đó . Đây là lần cuối cô đến đây trong bộ dạng ăn mày. Cuộc đời có lúc này lúc khác. Nhã Ca tin những ngày đen tối của cô đã qua, dù hiện giờ cô đang ì ạch đạp xe trên con đường gập ghềnh dẫn về những khu nhà trọ tồi tàn, rách nát.