Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Ngàn năm đợi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 43734 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ngàn năm đợi
Trần Thị Bảo Châu

Chương 14
Máng túi đựng vợt lên tay ghế, Lĩnh gọi nước và đốt thuốc chờ đợi. Sáng nay anh có một cuộc hẹn và người anh chờ đang đi tới.
Thật tự nhiên bà Hồng Loan kéo ghế ngồi đối diện với Lĩnh, giọng ngọt sớt:
- Tôi nghĩ mãi vẫn không ra lý do khiến cậu Lĩnh phải hẹn với tôi thế này.
Rít một hơi thuốc, Lĩnh thản nhiên đáp:
- Tôi muốn gặp bà để nói lời cám ơn.
Bà Loan ngạc nhiên:
- Về chuyện gì cơ chứ?
Lĩnh ngoắc người phục vụ và hỏi:
- Bà uống gì nào? Sữa tươi hay cam vắt?
- Cho tôi sữa tươi.
Biết bà Loan đang tò mò muống biết tại sao mình phải cám ơn bà ta, nhưng Lĩnh vẫn đủng đa đủng đỉnh nói chuyện đâu đâu:
- Nghe Yến Nhi khoe bà định làm mai cô cho công tử nhà giàu nào đó.
Mắt bà Loan loé lên một tia ranh ma:
- Cái đấy còn tùy ở cậu...
Lĩnh ngạc nhiên khi nghe câu trả lời lấp lững của bà Loan:
- Sao lại tùy ở tôi?
Cười nửa miệng trông thật độc, bà Loan hạ giọng:
- Vì... chỗ tôi định làm mai Yến Nhi lại yêu cô gái khác. Những vì cậu, tôi sẽ cố làm sao để Yến Nhi chiếm được trái tim của anh chàng đó. Nếu không, anh ta sẽ có được Sao Khuê đấy.
Lĩnh thoáng hơi mất bình tĩnh, Nhưng ngay sau đó anh lấy lại sự ung dung tự tại:
- Với tôi, chuyện này không còn quan trọng nữa rồi. Sao Khuê có quyền yêu bất cứ người nào cô ấy muốn.
- Vậy cậu muốn đề cập tới chuyện nào mà phải cám ơn tôi?
Lấy trong túi xách ra mấy tấm hình của bé Hoàng Triều, Lĩnh đặt lên bàn:
- Tôi cám ơn bà đã gởi những tấm ảnh này đến cho mẹ tôi.
Cầm ảnh lên xem lướt qua, bà Loan chối:
- Tôi có biết gì về hình với ảnh đâu, sao cậu lại bảo là tôi gởi cho mẹ cậu.
- Bà chối hay lắm, nhưng không sao tôi đâu hẹn bà ra để buộc tội bà. Tôi chỉ cám ơn vì nhờ những tấm ảnh này mà gia đình tôi đã tìm ra Hồng Triều.
Mặt bà Loan chợt tái xanh rồi trắng bệch:
- Không thể nào...
- Sao lại không thể? bà đúng là người độc ác, trong lòng bà chứa toàn hận thù, đố kỵ. Hai mười mấy năm trước bà đã bắt Hồng Triều rồi lấy tiếng là mang cho con vì không đủ sức nuôi nhưng thực chất bà đã bán thằng nhỏ cho bà Diệu Linh với giá mười lượng vàng và một cam kết không bao giờ quay lại tìm gặp thằng bé nữa.
Bà Hồng Loan đập bàn:
- Vu khống !
Lĩnh vẫn tiếp tục nói:
- Với số vàng làm vốn bà đã đi xa làm ăn nhưng chỉ thất bại. Cuộc sống riêng tư lại gặp đổ vỡ và đâm ra đã hận càng hận hơn gia đình tôi. Bà tìm đến bà Bảy Diệu Linh để xin giúp đỡ tài chính. Bà đã xin tiền bà cụ nhiều lần và biết bà cụ phải cho vì sợ bà nói toàn bộ sự thật với Hồng Triều. Mặt khác, bà lại muốn làm mẹ tôi, nội tôi đau khổ nên đã ăn cắp những tấm hình của Triều trong album nhà bà Bảy để gởi đến cho mọi người khốn đốn vì biết rằng thằng bé còn sống nhưng không rõ nó ở đâu. Bà đã đánh đúng vào trái tim người mẹ.
Ngừng một chút để dằn xúc động, Lĩnh nói tiếp:
- Bà đã phạm một sai lầm hết sức to lớn, khi để mẹ tôi gặp thằng bé trong quán cơm chay. Lòng thù hận đã khiến bà lú lẫn. Bà đâu hề biết trong chừng ấy năm đã qua, lúc nào mẹ tôi cũng nghĩ đến bé Triều, bà sống mông lung giữa mơ và thực, nhưng dù thực hay mơ giữa trái tim bà vẫn có thằng bé... Bởi vậy khi nhìn thấy cậu Viễn, cháu nội đích tôn của bà Bảy Diệu Linh, bà đã oà lên gọi con và cũng từ linh cảm của tình mẹ con thiêng liêng, cậu Viễn đã nhận lời cô Cẩm đến gặp mẹ và nội tôi... Kết thúc một bi kịch thường vô hậu, nhưng bị kịch của gia đình tôi đoạn kết lại có hậu, nhờ thoát khỏi bàn tay đạo diễn của bà. Hà ! Xem như bà mất cả chì lẫn chài rồi khi định dùng Sao Khuê để anh em tôi huynh đệ tương tàn.
Nhìn bà Loan đầy khinh bỉ, Lĩnh hỏi:
- Tôi tự hỏi không biết có người đàn bà nào độc ác như bà nữa không?
- Gieo gió thì gặt bão. Bà nội cậu là người ác hơn tôi đây. Bởi vậy bà ta xứng đáng hưởng những gì đã gây ra cho tôi.
Mắt quắc lên, Lĩnh hỏi
- Nhưng mẹ tôi, em tôi thì tội gì cơ chứ. Bà đã khiến gia đình tôi tan nát.
Bà Hồng Loan cười khẩy:
- Đó cũng là cái giá phải trả của ông Tuân. Đàn ông phong lưu, gia đình tan nát là lẽ đương nhiên. Sao câu còn muốn nói gì nữa không?
Lĩnh lạnh lùng:
- Tôi ghê sợ bà. Có lẽ ba tôi cũng thế, bởi vậy hãy thôi cái trò lợi dụng "chút tình xưa" với ông để quan hệ với những người có máu mặt hay lui tới câu lạc bộ Mai Anh đi. Sẽ không ai ủng hộ bà nữa đâu.
Bà ngạo mạn:
- Để rồi xem ! Ăn không được thì đạp đổ đó là phương châm sống của tôi. Sau bao nhiêu năm ẩn mình, với tôi tất cả chỉ mới bắt đầu. Về nhà liệu mà chăm sóc bà Nhẫn, đã điên một lần rồi dễ tái đi tái lại lắm, huống hồ chi bà đã điên triền miên... Còn nữa, thằng Viễn có tới gặp bà Nhẫn chẳng qua vì tò mò hoặc vì lòng thương hại thôi, chớ nó đang là người thừa kế hợp pháp một cơ nghiệp đồ sộ của dòng họ Trần Uy, nó đâu ngu dại nhận lại cha mẹ ruột. Làm như thế khác nào nó phủi sạch công dưỡng dục cũng như chối bỏ cái nó được hưởng.
Liếc Lĩnh một cái bà Loan nói tiếp:
- Rồi cậu nữa, cậu chắc chẳng thích gì khi tài sản cha mẹ để lại cho cậu tự nhiên chỉ còn phân nửa. Cô người yêu mình dự định cưới bỗng dưng có thể trở thành cô em dâu. Ha ha ! tấn trò đời trớ trêu là vậy, tôi rất vui khi biết gia đình cậu đã đoàn tụ trong nước mắt.
Trái tim anh nhức nhối khi nghĩ tới Sao Khuê. Bà Hồng Loan đúng là một con rắn độc, bà ta đã mổ trúng vết thương của anh, nọc độc của những lời nói có tác dụng còn hơn nọc rắn. Từng tiếng, từng câu của bà Loan đang huỷ hoại tình ruột thịt thật sâu anh dành cho Viễn. Phải nói Lĩnh quá bất ngờ khi biết Viễn chính là Triều, đứa em trai nhỏ hơn mình gần mười tuổi mà ngày xưa anh rất mực thương yêu. Cho tới bây giờ Lĩnh vẫn không muốn chấp nhận sự thật đó, chỉ vì Khuê. Anh vẫn còn nặng tình với cô và đau khổ lẫn mặc cảm vì nghĩ tới Viễn. Cũng may anh em Lĩnh chưa động tay động chân vì một người đàn bà. Càng nghĩ, Lĩnh cang thấy ghê sợ bà Hồng Loan. Cuộc đời người ta có được bao nhiêu ngày, ấy vậy mà bà Loan bỏ ra hơn nửa đời người để trả thù, cuộc trả thù của bà đã làm biết bao cuộc đời này khốn khổ. Suy cho cùng, bà Loan đã thành công, đã thắng trên sự độc ác của bản thân và nỗi đau người khác.
Lĩnh chợt nhếch môi đau đớn. Anh không hiểu mình sẽ nói gì, nếu bây giờ đối diện với anh là Viễn. Giữa hai người cho tới lúc này vẫn chưa có cuộc nói chuyện chính thức nào. Lĩnh thấy ngại và dĩ nhiên Viễn cũng thế. Sao Khuê không hề yêu anh. Có lẽ Lĩnh phải chấp nhận thực tế này, có như vậy khi gặp Viễn, anh sẽ tự nhiên hơn, thoải mái hơn.
Về nhà, Lĩnh không phải chờ lâu đã thấy bà Tý ra mở cửa với gương mặt tươi rói:
- Có cậu Triều về. Bà đang rất vui.
Lĩnh khựng lại mất mấy giây. Anh phải tập cho quen dần trước sự xuất hiện của Viễn đi chớ. Rất tự nhiên, anh bước vào phòng khách và nghe giọng mẹ mình vang lên:
- Con xem ai đây này?
Lĩnh mỉm cười, tay đưa về phía Viễn:
- Chào cậu Út Triều.
Viễn nắm tay anh, giọng ngập ngừng:
- Anh Hai mới về.
Ngồi kế bên bà nhẫn, bà Cẩm xuýt xoa:
- Hai anh em chúng giống nhau đấy chớ. Giờ thì chị sướng rồi nhé. Có tới hai thằng con trẻ tuổi đẹp trai, giỏi giang thế này thì còn sợ ai ăn hiếp nữa.
Bà Nhẫn mỉm cười, nụ cười rạng rỡ mà lâu lắm rồi Lĩnh mới trông thấy. Anh biết mẹ đã hài lòng, anh hy vọng bà sẽ khỏi bệnh hẳn.
Bà Nhẫn nói:
- Mẹ đã sai dọn cho con căn phòng gần phòng mẹ. Con về đây ở luôn nhé.
Viễn mỉm cười:
- Chuyện đó để thư thả đã mẹ.
Bà Nhẫn kêu lên:
- Sao lại để thư thả? Con chỉ cần mang mình không về thôi. Mẹ đã nhờ cô Cẩm sắm sửa đủ mọi thứ rồi. Đây mới chính là nhà của con, cha mẹ, anh trai, tổ tiên, dòng họ của con.
Bà Cẩm gật đầu:
- Đúng vậy. So với ngôi nhà của ông Đông, ngôi nhà của mình tiện nghi hơn nhiều. Con về đây ở cho có anh có em. Hai anh em cùng gánh vác đỡ đần cho ba chúng mầy.
Nhìn Lĩnh, bà Cẩm hỏi:
- Cô nói như vậy phải không Lĩnh?
Anh mỉm cười:
- Vâng cô nói là phải đúng rồi.
Bà Cẩm giẫy nẩy:
- Sao lại là phải. Mày làm như tao ép mày nghe theo không bằng.
Quay sang Viễn, bà nói tiếp:
- Con có ý kiến đi chớ.
Viễn nhỏ nhẹ:
- Con chỉ xin nói lên suy nghĩ của mình mấy hôm nay thôi ạ.
Bà Nhẫn ân cần:
- Con nói đi.
Viễn trầm giọng:
- Cảm giác của một kẻ đang là người này bỗng trở thành người khác thật khó tả. Nếu bảo là vui thì phải thành thật nói là con không vui mà chỉ thấy bất ngờ đến hụt hẫng. Con thảng thốt nhận ra trong trường hợp nào đó, số phận người này có thể do người khác định đoạt hoàn toàn. Lẽ ra con mãi là Đỗ Hữu Hồng Triều, mãi được sống yên vui hạnh phúc dưới mái gia đình của mình thì con phải là một người khác, sống trong gia đình khác với những người không máu mủ ruột rà.
Bà Cẩm hập hực:
- Hồng Loan là phù thủy mà.
Viễn nhẹ nhàng:
- Cũng còn may ở chỗ bà ta đã mang con đến một gia đình tốt...
Bà Cẩm ngắt lời anh:
- Tốt mà lại đi mua con của người khác về làm con mình.
Viễn kể:
- Mẹ nuôi con tên Hằng. Năm đó mẹ Hằng mất đứa con trai tên Viễn, mẹ cũng phát điên vì thương nhớ, thấy thế bà nội Bảy đã mang con về...
Bà Nhẫn nói:
- Tội nghiệp ! Tôi hiểu lòng của chị Hằng. Cô đừng trách người ta. Họ đã nuôi dạy cháu cô nên người đấy.
Lĩnh châm cho mình điếu thuốc, anh nghe bà Cẩm thắc mắc:
- Em không hiểu sao họ bắt thằng nhỏ lái xe ba bánh cho khổ, trong khi gia đình thuộc loại tiếng tăm.
Viễn nói:
- Từ nhỏ con được dạy sống đơn giản, tiết kiệm, biết giúp đỡ người gặp khó khăn. Làm công tác xã hội, con quen rồi. Còn đạp xe ba gác do con tự nguyện xâm nhập vào giới lao động để tìm hiểu thực tế nhằm làm luận án tốt nghiệp. Bà nội Bảy lo lắng khi thấy con đẩy chiếc ba gác máy ra.
Bà Cẩm nôn nóng:
- Tóm lại, chừng nào con về ở nhà mình?
Viễn mềm mỏng:
- Với con, từ Trần Uy Viễn biến thành Đỗ Hữu Hồng Triều quả là một cú sốc nặng. Con vẫn chưa quen. Xin hãy cho con thời gian. Với con công sanh thành, ơn dưỡng dục đều lớn như nhau, con không thể bất hiếu hoặc bất nghĩa. Mong mẹ, cô và anh hiểu cho con.
Bà Nhẫn ngồi lặng thinh trên ghế nhưng nước mắt tuôn rơi dầm dề. Bà hiểu song bà không muốn mất con thêm lần nữa, có lẽ tất cả các bà mẹ trên đời này đều như bà.
Giong Viễn lại vang lên:
- Xin hãy để con sống như lâu nay con vẫn sống. Mọi sự đổi thay ở thời điểm này chỉ tạo áp lực tâm lý nặng nề đối với con.
Bà Cẩm cau mày:
- Nghĩ là con sẽ ở lại nhà ông Đông?
Viễn điềm đạm:
- Đó là nơi con đã lớn lên chớ không đơn giản chỉ là một ngôi nhà.
Bà Nhẫn thở dài:
- Mẹ hiểu rồi và rất mừng vì suy nghĩ sâu sắc của con.
Viễn nhìn bà:
-Con sẽ thường xuyên về thăm ba mẹ và anh hai.
Bà Nhẫn nói:
- Đây cũng là nhà con, cửa nhà luôn mở rộng mỗi khi con về. Giờ thì hai anh em nói chuyện với nhau nhé. Mẹ với cô Cẩm đi chùa.
Căn phòng đột ngột trầm xuống khi bà Nẫn và bà Cẩm rời khỏi.
Lĩnh dụi mẩu thuốc hút dở. Anh nhìn Viễn và bảo:
- Chúng ta đi... cà phê nhé?
Viễn gật đầu:
- Vâng. Anh định đi quán nào đây?
Mỉm cười thân mật, Lĩnh nói:
- Quán nào em và Sao Khuê vẫn thường tới đấy. Được không?
Viễn cũng cười:
- Dạ được chớ.
Khóac vai Viễn, Lĩnh chợt có cảm giác ấm áp lạ kỳ. Thì ra dù xa cách hơn hai mươi năm, dù đã từng nhìn nhau bằng cái nhìn của hai người lạ, nhưng máu chảy về tim, Lĩnh tin chắc rồi anh em sẽ trên thuận dưới hoà cho đẹp lòng cha mẹ.
Những buồn đau sẽ mãi thuộc về quá khứ, Lĩnh cần phải vượt qua những ích kỷ của bản thân để xứng là một người anh tốt, gương mẫu của "Bé Triều". Cũng như Viễn đã nói... tất cả đều cần thời gian. Lĩnh mong thời gian sẽ xoá những chuyện buồn đã qua cũng như thời gian sẽ giúp anh em anh gắn bó, thương yêu nhau hơn.

<< Chương 13 | Chương kết >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 212

Return to top