Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Lời hát cho anh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 52235 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lời hát cho anh
Trần Thị Bảo Châu

Chương 4
Ngần ngừ mãi rồi Lam cũng phải ngồi vào bàn ăn. Bụng phập phồng, cô thấy ngại khi sắp đối mặt ông Lộc. Chả biết ông ấy sẽ nhìn cô bằng ánh mắt nào đây nữa.
Khác hẳn với thường ngày, hôm nay ông Lộc trông rất vui. Ông ban cho vợ và đám con cháu một nụ cười cởi mở rồi tự tay bới cơm cho ông Trường, chớ không để dì Thư làm việc đó như mọi khi.
Kiên tủm tỉm:
- Chà! Hôm nay anh hai có hiếu ghê. Coi chừng trời mưa đó!
Giọng ông Lộc đều đều:
- Anh lúc nào cũng hiếu thảo với cha, thủy chung với vợ, gương mẫu với con, hết lòng với em út. Bới cơm cho ba chỉ là việc nhỏ, nhưng anh muốn làm cho mày thấy và suy nghĩ.
Kiên gật gù:
- Một hành động cực kỳ nhỏ nhưng thâm ý cao siêu quá. Tôi hiểu không nổi rồi. Có lẽ anh nên để Phi và Trâm Anh suy nghĩ thì phù hợp hơn tôi.
Ông Trường lên tiếng:
- Ăn đi! Bới có chén cơm cũng ồn ào.
Ông Lộc nói:
- Đây là sự ồn ào cần thiết mà ba.
Ông Trường gắt:
- Ngày nào vào bàn ăn cũng có chuyện, con bé Lam làm sao ăn vô chứ?
Nghe nhắc tới mình, Lam hiền từ nói:
- Con vẫn ăn tự nhiên đây mà!
Gắp cho cô một miếng sườn nướng, Kiên bảo:
- Trong chén chả có miếng thịt nào mà tự nhiên cái gì.
Lam thoáng bối rối, cô nhìn vội ông Lộc rồi rùng mình khi nhận ra cặp mắt của ông có vẻ gian xảo và độc ác làm sao.
Ông ta làm như vô tình, nhưng Lam vẫn cảm nhận được sự cố ý khi nghe hỏi:
- Sao! Hồi chiều đi siêu thị, cháu đã mua được những món gì?
Lam như mắc nghẹn trước cái nhìn ngạc nhiên đến mức trợn trừng của bà Thư. Nuốt vội miếng cơm trong miệng, cô chối biến.
- Chiều nay cháu đi học, chớ đâu có đi siêu thi.
Ông Lộc nhếch môi:
- Vậy sao! Hồi chiều dượng thấy một con bé đội nón kết, đeo ba lô giống y như cháu ở trong Coop Mark. Dượng vừa định gọi thì con nhóc ấy đã quay lưng chạy mất.
Nhìn thẳng vào ông dượng với vẻ thách thức, Lam bình tĩnh chối lần nữa:
- Chắc chắn là không phải cháu rồi.
Bà Thư vội nói vào:
- Đúng vậy! Chiều nay nó đi học, vả lại mới vào Sài Gòn, nó có biết Coop Mark ở đâu mà đi chớ!
Lừ mắt đầy sát khí, bà Thư hỏi chồng:
- Ủa! Anh đi siêu thị chi vậy?
Ông Lộc nói:
- Có người rủ anh hùn hạp mở siêu thị, hôm nay anh rảo hết các siêu thị ở Sài Gòn xem thế nào.
Giọng bà Thư nghi ngờ:
- Sao không nghe anh nói nhỉ?
- Chậc! Chưa có gì cả, nói làm chi.
Bà Thư soi mói:
- Hay ông không tin tưởng vợ mình nên không cần bàn bạn chuyện làm ăn?
- Sao em lại nói vậy? Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn. Đó là kim chỉ nam của vợ chồng mình. Em quên rồi sao?
Lam ớn lạnh vì miệng lưỡi của ông Lộc. Ngọt như thế, Lam có kể lại những điều mình chứng kiến chưa chắc dì Thư đã tin. Tốt nhất phải biết giữ mồm và giữ thân phận. Nhưng nếu im lặng thì tức lắm. Nhất định cô sẽ tìm cách nào đó.
Anh Phi bỗng lên tiếng:
- Con nghe nói công ty của nhà Thắng sắp bị thanh tra toàn diện, không biết có không.
Ông Lộc cười nhạt:
- Sao lại không. Phen này lão Thịnh có mà húp cháo.
Trâm Anh lo lắng:
- Chả lẽ công ty của bác ấy có vấn đề?
- Hừ! Đúng vậy! Con tự lo liệu lấy!
Trâm Anh ấp úng:
- Con đâu biết lo thế nào.
Cắn một miếng sườn, ông Lộc nhai thật ngon lành. Lam thấy mặt chị Anh tái hẳn đi khi ông phán:
- Chim khôn chọn nhành mà đậu. Tốt nhất nên quên thằng Thắng và các công ty của gia đình nó đi, việc này con thừa sức làm được mà.
Phi tỏ vẻ bất bình:
- Việc chưa ngã ngũ ra đâu. Sao ba lại...
Ông Lộc quắc mắt lên:
- Im ngay! Đợi chuyện ngã ngũ ra rồi thì còn thể thống gì nữa.
Ông Trường buông đũa đứng dậy:
- Cứ tưởng mày thấy bạn bè hoạn nạn sẽ giúp đỡ. Ai ngờ mày xúi con gái phụ bạc chỉ vì gia đình người yêu nó sa sút.
Giọng ông Lộc lạnh Tấnh:
- Thời buổi này hồn ai nấy giữ. Đừng nói bạn bè, anh em ruột cũng chưa chắc giúp nhau khi hoạn nạn. Vì vậy tại sao nỡ để con mình tiến tới với một thằng sa cơ thất thế chứ?
Trâm Anh vụt bỏ chạy vào phòng, Lam dợm chân định chạy theo an ủi nhưng bà Thư đã cản:
- Kệ nó! Từ từ rồi sẽ quen và quên thôi.
Lam sững sờ, cô không ngờ dì Thư cũng đồng quan niệm với ông. Đúng là đồng vợ đồng chồng, nhưng mỉa mai sao dì Thư lại là người bị tác động. Dì ấy hùa theo dượng Lộc và hình như chả mảy may quan tâm đến tình cảm của chị Trâm Anh.
Ông Lộc bỗng nhẫn mạnh từng chữ:
- Ở trong thành phố sôi động này phải khôn ngoan, phải biết sống. Im lặng, không xía vào chuyện người khác cũng là biết sống đấy.
Kiên riễu cợt:
- Anh đang lên lớp hay đang hăm dọa người khác vậy?
- Toàn người trong nhà, sao anh lại hăm dọa chứ? Bày cho em cháu, con cái cách sống với đời cũng là trách nhiệm mà.
Kiên bật cười thành tiếng, anh ngang nhiên gõ chén rồi ê a hát:
- ”Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người còn cuộc đời ta cứ vui... ”
Bà Thư nhíu mày khó chịu:
- Hừ! Gõ chén nữa không có cơm mà ăn đó!
Kiên lơ lửng:
- Chậc! Chả biết câu này là lên lớp hay hăm dọa nữa đây?
Lúc bà Thư còn tức tối liếc Kiên thì anh đã lên tới phòng khách. Lam nghe tiếng nhạc từ đàn AKai cũ kỹ đặt trong góc vang lên inh ỏi.
Trong gia đình này, tính Kiên khác hẳn ông Lộc và anh Phi, bởi vậy anh bị lạc lõng là phải.
Bà Thư ra lệnh cho Phi:
- Ăn xong chở mẹ đi công chuyện.
Phi nhăn nhó:
- Mẹ tự đi được không? Con lỡ hẹn với bạn rồi.
Bà Thư cương quyết:
- Không được! Nhất định tối nay con phải tới nhà bác Thuần với mẹ.
Phi kêu lên:
- Chuyện gì đây? Mẹ bắt con coi mắt ai nữa?
Giọng bà Thư tỉnh queo:
- Cứ đi rồi sẽ biết.
Ông Lộc nói:
- Mày là con trai duy nhất, lấy vợ phải lựa chọn kỹ càng. Đến coi mắt, không thích thì thôi có chết đâu nào?
Phi bỗng phản ứng:
- Con không muốn bị đặt để như Trâm Anh. Mẹ đừng bắt con coi mắt coi mũi ai hết.
Nói xong Phi xô ghế đứng dậy đi một nước ra sân. Bà Thư giận đến mức lắp bắp:
- Đồ... đồ mất dạy. Rõ ràng nó học thói cãi lời từ thằng khốn con hoang kia. Anh tính sao thì tính đi. Tôi chướng mắt lắm rồi.
Bà vật vã rên rĩ nghe thật dễ sợ:
- Ôi trời ơi là con với cái. Muốn chúng sung sướng tấm thân, nó lại đi trách móc người làm cha mẹ. Ôi con ơi là con...
Đáp lại tiếng la, ăn vạ của bà Thư là tiếng xe rồ hết ga của Phị Anh đã vọt xe khỏi nhà để khỏi phải nghe mẹ mình tru tréo.
Hành động bộc phát của anh làm bà Thư bị xốc. Không biết làm sao, bà quay sang cự chồng:
- Nó chả coi cha mẹ ra gì hết? Anh thấy chưa?
Ông Lộc cau mặt:
- Cũng tại em. Nó lớn rồi, đâu thể nói theo kiểu ra lệnh được.
Bà Thư cãi lại:
- Từ bé đến giờ nó vẫn nghe lời tôi. Chính thằng em trời đánh của ông đã khiến nó có thái độ vừa rồi. Tôi còn tư cách gì để dạy bảo Lam chứ?
Ông Lộc ngọt ngào:
- Em cứ để thằng Phi cho anh. Cha con vẫn dễ nói chuyện hơn. Phần em cứ lo cho Trâm Anh. Con gái nhẹ dạ lắm! Phải theo sát nó đấy!
Bà Thư thở dài sườn sượt:
- Biết thế rồi. Nhưng tối nay em phải tới nhà bà Thuần.
- Anh sẽ đưa em đi. Bao giờ về, anh lại tới đón.
Đang xụ mặt, bà Thư bỗng tươi rói:
- Được đó! Mình đi ngay đi!
Ông Lộc có vẻ âu yếm:
- Coi kìa! Em chả khác nào con nít. Thật buồn cười!
Ra vẻ rất hài lòng khi được chồng ví mình giống con nít. Bà Thư vui vẻ đứng dậy theo ông Lộc, như trước đó chưa xảy ra chuyện gì. Nhìn bàn ăn lạnh ngắt, Lam ngao ngán buông đũa đứng lên. Cô có cảm giác vừa xem một màn bi hài kịch mà kết thúc còn bỏ lửng.
Thay vì về phòng, Lam lang thang ngoài vườn. Có lẽ dì Thư và dượng Lộc đã đi rồi. Nhớ lại toàn bộ những chuyện vừa xảy ra, Lam thấy chán nản.
Ngồi xuống ghế đá, cô buồn tay ngắt những bông cỏ nhỏ li ti dưới chân rồi tự nhiên buột miệng hát những lời lúc nãy Kiên vừa hát:
- ”Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời ta cứ vui. Dù vắng bóng ai... ”
Cô nghe tiếng Kiên cười nhẹ, ngước lên Lam đã thấy anh đứng trước mặt mình với điếu thuốc trên tay. Anh có vẻ châm biếm:
- Mới vào đây ở vài tháng mà đã “quá mệt kiếp người” rồi sao?
Không trả lời, Lam tư lự:
- Bây giờ cháu đã hiểu vì sao chú Kiên thích đi hơn ở trong nhà này.
Kiên nói:
- Những gì em thấy chỉ là bề nổi của tảng băng thôi.
- Vậy phần chìm của nó là gì?
- Từ từ em sẽ khám phá ra. Tôi không nói đâu.
Tự nhiên ngồi xuống kế bên Lam, Kiên hỏi:
- Em không ngại trò chuyện với tôi chứ?
Lam lắc đầu, Kiên nói tiếp:
- Trong nhà này, tôi được mệnh danh là “Thằng mất dạy”, dì em không thích cháu mình trò chuyện với tôi đâu.
- Tại sao chú lại có cái hỗn danh đó?
Kiên rít một hơi thuốc:
- Vì tôi là kẻ cứng đầu, không thích làm theo những chỉ đạo của người khác. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, lẽ nào em chưa nghe dì Thư kể tội tôi?
Lam cười cười:
- Dì Thư chỉ bảo phải tránh xa chú ra nhưng không nói tại sao, làm cháu cứ nghĩ chắc chú phải có thành tích gì ghê gớm lắm với phụ nữ.
Kiên lừ lừ mắt:
- Muốn ám chỉ gì đây bé con?
Lam nghiêm nghị:
- Đâu có! Cháu đâu dám hỗn với người lớn, tại chú hỏi mà...
Nghiêng đầu nhìn Lam, Kiên hỏi:
- Mồm mép lắm! Nhưng em hãy nói thật đỉ Hồi chiều em có vào Coop Mark phải không?
Ngần ngừ một nửa giây, Lam chối:
- Không. Cháu chả biết Coop Mark là cái gì hết.
Giọng Kiên lờ lững:
- Phải không? Không ai hiểu bản chất anh Lộc bằng tôi. Nếu con bé đội kết, đeo ba lô kia không phải là em, anh ấy đâu lớn lối rao giảng: “Im lặng, không xía vào chuyện người là biết cách sống”. Em đã nhìn thấy gì đó mà anh Lộc muốn giấu nên ảnh đã lựa lời để hăm dọa đấy!
Lam ngỡ ngàng:
- Sao chú biết?
Kiên nhếch môi chua chát:
- Vì tôi từng nghe câu răn đe ấy rồi.
Kiên xoa cằm:
- Một người đàn bà. Chính xác hơn là một cô gái trạc tuổi Trâm Anh, rất đẹp.
Lam buột miệng:
- Đúng rồi!
Trân trối nhìn Kiên, cô hỏi:
- Chú có nói với dì Thư không?
- Nói làm chi. Chị Thư tin chồng chớ không tin những lời mà chị ấy gọi là đơm đặt đâu. Với lại tôi cũng chả thích xen vào chuyện người khác, dù với tôi im lặng không phải là cách sống hay ho gì.
Lam bồn chồn vò những bông cỏ trong tay. Cô nói:
- Dì Thư có thể không tin vì dì ấy chẳng ưa chú. Nhưng với cháu thì khác. Cháu đơm đặt để làm gì cơ chứ? Nhất định phải cho dì Thư biết chuyện, không thôi lòng cháu nặng nề lắm!
Kiên búng tàn thuốc vào cô:
- Không nên! Vì chắc chắn anh Lộc sẽ chối. Lúc ấy vợ chồng ảnh sẽ nhìn em bằng đôi mắt khác. Nói thật ông anh tôi không phải là bậc chánh nhân quân tử. Ông ta sẽ làm em khốn đốn.
Lam chủ quan:
- Cháu không cho là dượng Lộc lại tệ đến mức đối phó với cháu.
Kiên thách thức:
- Vậy thì em cứ thử. Nhưng trước khi thử, hãy suy nghĩ tới hậu quả.
Lam chống tay dưới cằm:
- Cháu chả biết phải làm sao đây?
Kiên trầm giọng:
- Chuyện không đến đỗi quan trọng như em tưởng tượng. Bằng chứng là anh Lộc vẫn còn rất lo cho vợ con. Đây chỉ là chơi qua đường thôi mà!
Lam gằn từng tiếng:
- Chơi qua đường! Hình như chú im lặng vì đồng cảm với dượng Lộc nhiều hơn là ngại dì Thư không tin mình?
Rồi cô mỉa mai:
- Dù sao dượng Lộc cũng là anh chú, ít nhiều vẫn có chung ghen di truyền, đúng không?
Kiên tỉnh queo:
- Em muốn nghĩ sao tùy ý, tôi chả ngại gì khi mang thêm một chút tai tiếng. Nhưng tại sao chúng ta không nói những chuyện khác vui hơn nhi?
Lam thở dài:
- Trong nhà này làm gì có chuyện vui hở chú? Nếu cháu biết ở đây rắc rối như vầy, cháu đã xin ở ký túc xá rồi.
Kiên phì cười:
- Sao lại bi quan dữ vậy. Thiếu gì chuyện để làm vui lòng nhau chứ!
Lấy trong túi áo ra một phong bì, Kiên nói:
- Ví dụ những tấm ảnh chưa khô nước nữa này, có thể làm em cười. Thế là vui rồi.
Lam ngạc nhiên nhìn anh rồi vội vàng giở xấp ảnh ra coi. Cô thích thú ngắm hình mình trong khi Kiên tiếp tục nói:
- Bạn tôi rất mê những tấm ảnh này. Nó bảo em và chị Thư là sự đối lập toàn diện.
Lam tủm tỉm cười khi thấy tấm hình dì Thư đang chống nạnh, trợn mắt, mồm đang quát to. Cô nói:
- Dì Thư mà thấy hình này thì chú mệt đó!
Kiên hóm hỉnh:
- Đây mới là trạng thái giận mà trông như vậy. Chả biết lúc ghen, chị Thư sẽ thế nào nhỉ Chắc là không đơn giản đâu.
Lam tiếp tục ngắm hình mình. Cô hài lòng vì tấm nào trông cũng đẹp, tự nhiên sống động, khác hẳn những kiểu cô từng chụp hồi ở nhà. Cô ríu rít:
- Không ngờ chú rửa nhanh dữ vậy.
- Đẹp không?
Lam khiêm tốn:
- Đẹp! Nhưng nhờ kỹ thuật chụp của chú chớ bản thân cháu chỉ là lọ lem.
Kiên khoanh tay:
- Lọ lem cũng là công chúa mà. Lam nè, tôi có đề nghị này.
Đợi Lam nôn nóng lắng nghe, Kiên mới từ tốn vào đề:
- Tôi muốn nhờ em chụp mẫu một số kiểu để chưng bày trong Studio của mình. Em thấy sao?
Lam lắc đầu thật nhanh:
- Không được đâu!
Kiên hơi nheo mắt:
- Sợ chị Thư mắng à?
Lam mím môi:
- Cháu sợ chú thì có.
Kiên xoa cằm.
- Em thật thà đến mức làm tôi đau tim. Nè! Tôi có gì đáng sợ chứ?
Lam nói đại:
- Cái đáng sợ nhiều lắm, cháu không kể đâu!
- Muốn đánh giá một người, không nên chỉ nghe một phía. Thật ra tôi rất đáng yêu chớ chả có gì đáng sợ đâu.
Lam lơ lửng:
- Đôi khi cái đáng yêu mới đáng sợ đấy!
Kiên búng tay đánh tróc:
- Tôi thích tính cách của em. Thẳng thắn và cũng rất chì. Sợ, chỉ là cái cớ mà tôi không thể mở mồm năn nỉ được. Tiếc thật!
Lam tò mò:
- Chú có tiệm chụp hình à?
Đốt điếu thuốc thứ hai, Kiên nói:
- Không hẳn như vậy. Tôi thiếu vốn, nên phải hùn hạp với bạn bè.
Nhìn lại tấm ảnh của dì Thư lần nữa, Lam hỏi nhỏ:
- Ông bác và dì dượng không giúp cho chú sao?
Rít một hơi dài, Kiên trầm giọng:
- Tôi thích tự lập hơn, em là người duy nhất trong nhà biết tôi mở tiệm chụp hình đó!
Lam chớp mắt xúc động:
- Thật hả?
Kiên gật đầu:
- Tự nhiên tôi có cảm giác em hiểu tôi hơn những người thân, dù chúng ta mới trò chuyện đây thôi.
Lam nhận xét:
- Chú và ông bác là hai người cởi mở nhất nhà. Cháu những tưởng mình sẽ mau chóng thân thiết với anh Phi, chị Anh, nào ngờ anh chị ấy khó gần quá.
Kiên nói:
- Đó là cách sống mà anh chị tôi đã dạy cho con mình. Hồi mới về ở chung, tôi hay rủ Phi đi chơi, nhưng cậu ta luôn từ chối. Lúc đó tôi cứ tưởng Phi là đứa cao ngạo, khinh người. Dần dà mới hiểu ra không phải thế. Muốn đi đâu Phi phải xin phép, mà xin phép đi với ông chú như tôi, chắc chắn là không được rồi.
Lam nhíu mày:
- Tại sao dì dượng lại có ấn tượng về chú dữ vậy?
- Một câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời chút nào. Có lẽ vì tôi là con ngoại hôn chăng? Hay tại cách sống của tôi tự do phóng khoáng quá?
Lam ngập ngừng:
- Có lẽ cả hai. Lúc nãy anh Phi bỏ đi, dì Thư cho rằng anh ấy bị ảnh hưởng tính chống đối của chú nên mới dám cãi lời.
Kiên cao giọng:
- Thật buồn cười! Dù sống chung, nhưng trong nhà này tôi vẫn là người lạ, làm sao tôi đủ sức gây ảnh hưởng đến Phi chứ? Lúc nãy Phi phản ứng như thế là tự nhiên thôi. Đàn ông thời buổi này mà để cha mẹ định đoạt chuyện vợ con thì...
Thấy Kiên bỏ lửng câu đang nói, Lam hỏi:
- Thì sao hả chú?
- Thì thiếu bản lãnh chớ sao!
Hơi riễu cợt một chút, Lam hỏi:
- Bản lãnh trong tình trường hả chú?
Làm như không hiểu ý muốn trêu chọc của Lam, Kiên đáp:
- Bản lãnh trong mọi mặt của cuộc đời.
Che miệng bằng xấp hình, Lam cười:
- Chắc chú là người rất bản lãnh?
Kiên thản nhiên:
- Đôi khi phải thế, nếu muốn tồn tại. Im lặng và nhịn nhục không phải cách sống của tôi có lẽ em cũng vậy. Đúng không?
Lam so vai. Cô chưa kịp trả lời thì điện thoại lại reo. Kiên đứng lên:
- Chắc là của tôi.
Nhìn anh vội vã vào nhà, Lam cảm thấy buồn, thế là hết ai để đấu láo. Có điện thoại, chắc chắn chú ấy sẽ đi nữa. Lam định trở về phòng thì Mai bước ra.
Cô ngồi xuống kế Lam, giọng chán chường:
- Giờ lại thêm nghề gác cổng, chán chết được.
Lam ngạc nhiên:
- Gác cổng để làm gì?
Mai bĩu môi:
- Để chờ nếu Thắng có tới tìm Trâm Anh thì mời anh ta về. Cô Thư bảo nếu hai người đó gặp được nhau sẽ đuổi tôi. Nghĩ có phi lý không?
Nhìn Lam, Mai thẳng thừng hỏi:
- Em có bồ chưa?
- Chưa. Chị hỏi chi vậy?
Mai cười:
- Thế nào cô Thư cũng kiếm cho em một người. Xinh đẹp như vầy không trưởng phòng, cũng phó giám đốc một công ty nào đó đang phát.
Lam phản ứng:
- Em vào đây học chớ đâu phải để kiếm chồng. Chị nói bậy không hà!
Giọng Mai như bà cụ non:
- Con gái học chi cho nhiều rồi cũng làm vợ người ta.
Lam nhíu mày:
- Chị lôi ở đâu ra cái ý xưa như trái đất vậy?
- Cậu Lộc vẫn nói thế mà. Bởi vậy Trâm Anh đâu được học Đại học. Con bé ở nhà học đàn, học nấu ăn, cắm hoa, làm bánh như cô tiểu thơ thời xưa để dễ kiếm chồng.
- Ủa! Không phải tại chị Anh thi rớt sao?
Mai nhún vai:
- Có thi đâu mà rớt. Nói thật, cậu Lộc nhà này trọng nam khinh nữ lắm! Em vào đây đi học, cậu ấy không ưa đâu. Bởi vậy đừng bao giờ nói về chuyện học hành trước mặt cậu ấy.
Lam sững sờ. Cô hoàn toàn bất ngờ vì những lời của chị Mai. Nếu biết vậy chắc ba mẹ đã không gởi cô ở đây. Nhưng tại sao dượng Lộc lại hẹp hòi thế nhỉ? Con gái có ăn học ra đời, hoặc về nhà chồng vẫn tốt hơn mà! Là người đi làm việc, lẽ nào dì Thư cũng đồng ý với chồng?
Lam chợt nhận ra dì Thư chỉ có cái miệng hay nói, hay la khiến người khác tưởng dì ấy khó khăn nghiêm khắc, nắm mọi quyền hành trong nhà. Thật ra ông Lộc mới thật sự đáng sợ, có phải dượng ấy là phần chìm của tảng băng mà chú Kiên muốn ám chỉ không?
Lam còn ngớ ra vì phát hiện của mình thì Mai lại nói:
- Trước khi em vào đây, cô cậu đã gây nhau một trận với đầy đủ người trong nhà. Cuối cùng ông chủ phải lên tiếng mới yên đó.
Lam thấy nóng mặt. Thì ra cô không phải là khách quí như cô vẫn tưởng. Nhớ tới thái độ thân mật vồn vả của ông Lộc hôm cô và mẹ từ Nha Trang vào, Lam thấy ớn.
Hôm ấy ông nói nhiều câu tình nghĩa cảm động đến mức mẹ rưng rưng nước mắt. Nào ngờ chỉ là lời đầu môi chót lưỡi, khác với những điều ông nghĩ trong lòng.
Cô ấp úng hỏi:
- Lần đó ông bác đã nói gì vậy?
- Ông cụ bảo đây là nhà ông, ông đồng ý cho em ở vì mẹ em đã xin phép ông rồi. Ai không chịu thì biến khỏi nơi này.
Lam thở dài:
- Thật không ngờ việc em ở đây lại phiền dữ vậy.
- Chỉ mỗi mình cậu Lộc phiền thôi. Chứ hình như ai cũng vui. Lẽ ra chị không nói chuyện này đâu. Tại thấy em dễ thương nên mới xì ra cho em hiểu mà ứng xử với mọi người cho đúng mực.
Lam rầu rĩ:
- Cám ơn chị. Nhưng thú thật em buồn lắm!
- Chị hiểu, buồn cũng chả giải quyết được gì. Quan trọng là em phải làm sao để cậu Lộc cảm thấy hài lòng khi em ở đây.
Kiên dắt xe ra, giọng hí hửng:
- Tối nay chị chịu khó chờ cửa, tôi sẽ về đó. Một giờ rưỡi khuya có trực tiếp Cup C3. Bỏ qua đâu được.
Khác với thường ngày, Lam không thấy nôn nóng khi nghe tới đá banh. Lòng cô đang nặng nề, bực nóng vô cùng nên chả hứng thú gì với trận đấu khuya nay.
Đóng cửa xong, Mai trở vào và tiếp tục nói:
- Nghe điện thoại là chạy tới nhà bồ ngay. Giọng con nhỏ đó chảnh chọe nghe dễ ghét thấy mồ, sao cậu ấy lại chết mê chết mệt mới tội chứ.
Đang rầu trong bụng, nghe Mai nói thế, Lam cũng phải xía vào:
- Khi yêu trái ấu cũng tròn, huống hồ chi giọng nói. Người ta yêu mà chị lại tội nghiệp. Buồn cười thật!
Mai gân cổ lên:
- Nhưng hai người không có xứng, dù con nhỏ đó rất đẹp.
Lam nói:
- Người ta yêu nhau và không bị ngăn trở là tốt rồi. Mình ngoài cuộc biết thế nào là xứng hay không chứ!
Ngoài cổng có tiếng xe ngừng, Mai vội đứng dậy:
- Chắc anh chàng Thắng! Tôi phải ra ngay mới được.
Lam thở dài. Cô lặng lẽ về phòng mình. Đêm nay trong ngôi nhà xưa cũ này ai là người buồn nhất, và ai là người hạnh phúc nhất? Lam chợt liên tưởng tới Trâm Anh rồi tới Kiên. Nếu chọn cách sống cho mình cô sẽ chọn cách của chú Kiên. Cô sẽ không gục đầu khóc mà chấp nhận số phận người khác mà đã vạch sẵn cho mình như chị Trâm Anh. Muốn thế Lam phải là người bản lãnh trong mọi mặt của cuộc đời. Điều đó không dễ. Lam chưa biết mình sẽ bắt đầu từ đâu nhưng chắc chắn dù khó khăn cỡ nào cô cũng phải bắt đầu.

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 724

Return to top