Cường hài lòng ngắm nghía căn phòng sạch bóng của mình. Anh rất ghét sự cẩu thả, bề bộn và vô trật tự, nên dù là ở nhà hay trong công sở, phòng của anh lúc nào cũng dược dọn dẹp theo như đúng lời anh yêu cầu. Anh có thói quen khi ngồi vào bàn làm việc là phải nhìn xung quanh để kiểm tra lại vị trí của những vật dụng do chính tay anh sắp xếp xem có để đúng chỗ hay không. Bởi vậy không ai dám tự ý dời đi vật gì, dù là một quyển sách hay cái gạt tàn thuốc nhỏ.
Cường thường nói với những người xung quanh rằng: Anh có nguyên tắc sống và làm việc riêng, mà ai làm việc với anh đều phải tuân theo.
Dĩ nhiên là cái nguyên tắc đó Cường chỉ áp dụng với những người dưới quyền của mình và bà mẹ cưng anh một cách mù quáng thôi. Chớ với cấp trên hay đồng nghiệp ngang hàng với anh, anh luôn xử sự rất là đúng điệu, và giống như mọi người, Cường chả có một nguyên tắc sống gì hết, vì vậy mà anh được lòng hầu như tất cả.
Bỗng dưng Cường nhếch môi khi nghĩ đến một người. Hắn đang là vật cản đường trên con đường công danh của anh. Từ lâu Cường đã muốn loại hắn ra khỏi công ty này, nhưng vẫn chưa được vì hắn có tài, lại có đầy quyền thế.
Chính hắn hay là người tìm ra các sơ hở trong công việc của anh để phê bình, để báo cáo với giám đốc. Chính vì hắn mà anh phải năn nỉ chị em Quỳnh Như làm lại báo cáo, và cũng chính hắn nói ra, nói vào với Thu Minh nhiều chuyện về anh, nên cô mới lơ là rồi quay lưng trước tình cảm anh dành cho cô suốt hai năm ròng.
Lần đó Cường khổ sở và nhục nhã chưa từng thấy. Là người rất mực tự tin, anh bất ngờ đến choáng váng khi biết Thu Minh sắp lấy chồng. Gã đàn ông ấy lại là em trai của hắn.
Lẽ ra Cường phải hận Thu Minh vì cô đã từ chối anh, nhưng không hiểu sao bao nhiêu căm hờn Cường lại đổ hết cho hắn.
Hừ! Nếu hắn không làm ông mai, giới thiệu em mình cho Thu Minh thì anh đã nắm chắc cơ hội làm rể giám đốc công ty này rồi. Hắn đã phá hỏng mơ ước tương lai của anh. Nhất định rồi anh sẽ trả thù.
Tay Cường bóp lại thật chặt khi nghĩ tới chuyện trả thù. Anh muốn sớm muộn gì hắn cũng mất chức trợ lý giám đốc. Hắn sẽ cúi gầm mặt xuống đất mà đi ra khỏi công ty này vào một ngày gần đây.
Rồi Cường chợt nhớ đến Quỳnh Như. Con nhãi vô ơn ấy cũng đã đá anh để chạy theo hắn. Điều này cũng làm cho anh đau không ít. Anh không tin Như yêu Chánh mà anh khẳng định con nhỏ chạy theo hắn vì muốn được nâng đỡ. Nó như muốn mau chóng nắm được cái chức trưởng phòng của anh sao đấy!
Hừ! Nếu như là Như không phải là chị của Hương thì con nhỏ đã biết tay anh rồi. Dạo này hai chị em Hương hục hặc suốt, Quỳnh Như chối bai bải chuyện bồ bịch với Chánh. Con nhỏ nói anh vu khống để trả thù cá nhân vì Chánh thường phát hiện nhiều sai sót của anh trong công tác.
Hôm nghe Hương ngập ngừng kể lại những lời nói của Như, Cường ngượng cứng người vì biết cô tin chị mình hơn tin anh. Cô trách Cường bằng cách đọc câu: “Nói có sách, mách có chứng”. Anh không có bằng chứng nào chứng tỏ Như và Chánh có quan hệ với nhau làm sao mà Hương đủ lý lẽ để “buộc tội” chị mình cho được.
Quỳnh Như lại là con bé cứng cựa nên vào công ty, con nhãi tỉnh bơ bĩu môi khi nhìn thấy anh, rồi tỉnh bơ xách cặp đi theo Chánh.
Từ một nhân viên sử dụng vi tính dưới quyền điều động của Cường, Như đã trở thành thư ký riêng của trợ lý giám đốc. Mà thư ký riêng thì chuyện gì lại không thể xảy ra chứ!
Cường mím môi. Rồi anh sẽ cho cả hai biết taỵ Anh chả thèm nghĩ tới việc Như sẽ là chị vợ của mình làm chi cho mệt. Hừ! Chị vợ thì sao chứ? Cô ta đã vô ơn như thế, phản lại anh trước kia mà! Chỉ thương Quỳnh Hương...
Cường nôn nao khi nhớ tới đôi môi mềm của cô. Hồi còn đi học Cường đã tính rằng sau này nhất định anh phải lấy vợ giàu, hai là sẽ cưới vợ đẹp.
Mộng lấy vợ giàu đã tan thành mây khói rồi, bây giờ anh sẽ lấy vợ đẹp thôi. Quỳnh Hương đúng là một người đẹp. Cô y như là một đoá hoa quỳnh hư ảo làm say hồn anh. Thế mà trước kia anh cứ mãi đeo theo Thu Minh, nếu mà cô nàng đồng ý lấy anh, thì suốt đời anh phải làm chủ một bộ xương cách trí khô đét rồi.
Vậy mà lúc cô ta từ chối lời tỏ tình của anh, Cường tưởng như là trái đất tới ngày tận thế. Anh tuyệt vọng không phải vì thất tình mà vì sự nghiệp trong mơ của mình bị tan vỡ.
Lúc Cường đang hụt hẫng thì anh nghĩ tới Quỳnh Hương. Cô luôn luôn ngưỡng mộ Cường, và anh thì chả cần tốn bao nhiêu công sức để chiếm lấy trái tim của cô.
Quỳnh Hương đã từng thầm yêu Cường nên cô đón nhận lời tỏ tình của anh như đón nhận ân sủng. Anh không thể làm giàu bằng của hồi môn của vợ, nhưng bù lại Cường sẽ có một phụ nữ đẹp yêu mình, tôn thờ mình và bằng lòng hy sinh tất cả mọi thứ cho mình đến suốt đời. Điều này biết đâu là tốt và thực tế hơn là có một cô vợ giàu?
Cường sốt ruột nhìn đồng hồ. Đáng lẽ giờ này là mẹ đã đi chợ về rồi. Vậy mà bà đã trễ hơn cả giờ.
Chắc là lại ghé vào nhà của hàng xóm để hóng chuyện. Sao mà anh lại ghét cái thói ngồi lê đôi mách cuả các bà đến thế.
Bực dọc, Cường bước ra sân. Nắng sáng vươn nhè nhẹ trên các chậu kiểng dọc theo các lối đi làm anh dịu bớt sự khó chịu.
Cường cúi xuống săm soi một cây mai chiếu thuỷ được uốn cong khá đẹp mắt rồi lại chán nản đứng lên.
Cường chả biết gì ba cái nghệ thuật cây cảnh này. Nhưng anh muốn nhà mình cũng phải có vườn cây cảnh, hòn non bộ như nhà của thiên hạ. Thế là anh chịu khó đi mua về hàng đống chậu bon-sai với bộn tiền, rồi giao hết cho mẹ toàn bộ chuyện tưới nước, bón phân, tỉa sâu...
Mỗi sáng tập thể dục xong, anh chắp hai tay sau đít đi qua đi lại ngắm nghía từng cây một, cố tình tìm ra nét độc đáo, ý nghĩa sâu xa về triết lý của từng loại cây. Nhưng khổ nỗi, với anh chậu bon-sai nào cũng giống nhau ở một điểm là còi cọc, già nua. Rốt cuộc mấy chục chậu kiểng lại là thú tiêu khiển duy nhất của bà Nguyệt. Trong nghệ thuật này, mẹ anh đúng là một nghệ nhân rành nghề.
Bạn bè anh tới đây, ai cũng trầm trồ khen vườn kiểng, họ tưởng những tác phẩm sống động kia là của anh.
Thế cũng tốt! Xem như Cường đã đạt được mục đích “chơi kiểng” rồi.
Ngồi xuống bên hòn non bộ, Cường đưa tay khoa khoa vào hồ nước. Đám cá bảy màu thấy động vội túa đi lung tung.
Quỳnh Hương rất thích hồ cá nhỏ này. Tới nhà anh, cô hay ngồi ngoài sân, kế bên hồ cá và líu lo trăm thứ trên đời.
Khi nghe Cường bảo cô phải học mẹ cách chăm sóc vườn kiểng, hồ cá và cách sắp xếp mọi việc trong nhà, Quỳnh Hương đã cười khúc khích vì tưởng anh nói đùa.
Đến khi nghe anh nghiêm nghị kể lại những công việc mẹ anh đã làm hằng ngày, cô mới hết sức ngạc nhiên trước số lượng việc mà mẹ anh phải gánh vác.
Tại sao Hương lại phải nghĩ rằng chính anh là người làm hết mọi chuyện lớn bé, chứ không phải là mẹ nhỉ? Dù Cường đã nói rằng con trai trong gia đình anh không phải động tay vào việc nhà. Hương vẫn tỉ tê buộc anh phải phụ mẹ rửa chén, dọn nhà, giặt quần áo... vì bà đã già rồi.
Thật là buồn cười! Anh yêu cô nhưng đâu phải là vì vậy mà Quỳnh Hương có thể lái anh đi theo con đường của cô được.
Trong ngôi nhà chỉ có hai người này, anh là vua. Còn mẹ anh cưng chiều anh đến mức đã tự biến mình trở thành một nô lệ của anh lúc nào mà không hay. Dù thương mẹ, nhưng Cường vẫn luôn nghĩ mình được quyền làm vua trong ngôi nhà của mình. Mà đã làm vua thì phải có người hầu hạ và nô lệ.
Không một ai có thể làm được việc đó một cách tự nguyện bằng mẹ. Vì vậy mà Cường không cho bà sang ở bên nhà của chị Cẩm, bà chị thứ ba của anh. Anh muốn bà phải lo lắng và chăm sóc cho mình. Dù đúng ra bà có quyền lo lắng cho tất cả các con và người khác. Người mà mấy năm nay anh đã nhất định ra lệnh: “Phải dời đi khỏi nhà mới có thể làm ăn được”.
Chụm hai tay vớt một chú cá nhỏ xíu lên. Cường chăm chú nhìn nó cựa quậy và thầm nhủ:
- Phải đưa Hương vào nề nếp của gia đình này, phải biến cô bé thành một người vợ như ý của ta muốn.
Thả cho con cá trở lại hồ nước. Cường ra mở cổng khi nghe chuông vang lên.
Quỳnh Hương nghiêng đầu nhìn Cường với gương mặt hết sức rạng rỡ:
Anh mỉm cười:
- Mời công chúa vào nhà.
Hương chỉ vào ngực mình:
- Em mà là công chúa. Anh khéo nịnh thật.
Cường đóng cửa lại rồi sấn đến bên cô:
- Công chúa của riêng anh thôi, không thích sao?
Hương mỉm cười:
- Thích chứ, thưa phò mã.
Cường kéo mạnh cô vào lòng, Hương kêu lên:
- Em vào thưa mẹ cái đã.
- Mẹ đi chợ chưa về. Thưa anh là được rồi.
Dứt lời Cường hối hả tìm xuống môi cô. Đôi môi mềm và thân mình thon thả đầy gợi cảm của Hương đã ép sát vào anh. Anh mê mải hôn cô như nuốt hết môi cô vào miệng mình và háo hức ghì siết vuốt ve lấy cô.
Mãi đến khi cô đẩy anh ra. Cường mới ngơ ngác hỏi:
- Sao vậy?
Quỳnh Hương lắc đầu, anh cau mày:
- Không thích à?
Thấy cô có vẻ im lặng, Cường xụ mặt:
- Sao không trả lời anh?
Quỳnh Hương lí nhí:
- Anh làm em nghẹt thở. Lúc nào cũng tham lam. Em sợ anh luôn.
Cường bật cười. Anh nựng cằm cô:
- Đúng là trẻ con. Vậy cũng bày đặt yêu.
Hương phụng phịu:
- Bộ yêu là phải như vậy hả?
Vòng tay ôm lấy Hương, Cường thì thầm:
- Phải hơn vậy nữa mới tuyệt. Rồi mình sẽ là vợ chồng, em sẽ thuộc về anh cả thể xác lẫn tâm hồn. Anh muốn yêu đến mức cho em tan ra mới thôi.
Quỳnh Hương lại chịu trận những cơn hôn như tới tấp của Cường. Anh chỉ rời cô ra khi nghe tiếng đập cửa.
- Chắc là mẹ về!
Cường luyến tiếc đứng dậy. Anh hơi bất ngờ khi thấy ngoài bà Nguyệt ra còn có cả chị Cẩm. Quỳnh Hương lúng túng chào cả hai người. Trong khi Cường khó chịu ra mặt.
- Mẹ đi chợ hay đi đâu với chị Cẩm vậy?
Cẩm cười cười:
- Tao gặp mẹ ngoài chợ nên đưa mẹ vào ăn miến gà. Không được sao mà mày vặn vẹo?
- Tôi không vặn vẹo, nhưng bà già đi lâu quá, phải sốt ruột chớ.
Cẩm liếc Quỳnh Hương rồi dài giọng:
- Thật sốt ruột hôn đó! Mày đâu hiếu thảo dữ vậy.
Bà Nguyệt khổ sở van lơn:
- Đừng gây gổ nữa mà!
Quay sang Quỳnh Hương bà hỏi:
- Con tới lâu chưa?
Cô rụt rè trả lời:
- Dạ con mới tới. Bác để con mang giỏ vào bếp.
Vừa đi được vài bước, cô nghe Cẩm gọi giật cô lại:
- Này Hương ơi! Chị nói xong chuyện này em hãy vào bếp.
Quỳnh Hương ngần ngừ nhìn Cường. Cô thấy ánh mắt anh long lên giận dữ:
- Bà định bày trò gì đây?
Cẩm tỉnh khô:
- Tao đưa mẹ về bển vài hôm để bồi dưỡng cho bà cụ. Ở đây làm đầy tớ không công cho mày, mẹ ốm trơ xương ra kìa.
Cường hầm hầm:
- Đây là nhà của mẹ. Từ bụi cây, ngọn cỏ đến cái bàn cái ghế đều là của mẹ, nên mẹ phải coi sóc trong ngoài. Chị bảo là mẹ làm đầy tớ cho tôi là ý gì chớ?
Cẩm đưa tay vuốt tóc:
- Có Quỳnh Hương tới chơi, tao không muốn nói nhiều. Bữa nay Hương nấu cơm cho mày ăn, còn suốt thời gian mẹ ở với tao, mày chịu khó ghé nhà tao thì sẽ được ăn ké. Còn nếu chê nhà tao, thì đi mà ăn cơm tiệm.
Cường nhìn bà Nguyệt trân trân:
- Ý mẹ thế nào?
Bà Nguyệt ngập ngừng:
- Thằng Tí ti bị sốt, mẹ muốn sang nhà chị Cẩm để phụ với chị ấy chăm sóc cho cháu. Vài hôm cháu khỏi thì mẹ lại về. Chuyện có vậy thôi chị em chúng bây đừng làm ồn ào lên nữa.
Cường cười khẩy:
- Chả biết là mẹ phải làm đầy tớ cho ai đây nữa.
Vờ như không nghe Cường mỉa mai, Cẩm ngọt ngào hỏi Quỳnh Hương:
- Sáng nay em lo cơm nước cho Cường dùm mẹ nhé Hương?
Gật đầu thật nhanh, cô đáp:
- Dạ được! Chị cứ đưa bác về nhà, ở đây có em lo cho anh Cường.
Mặt Cẩm giãn ra thích thú, cô nói như ra lệnh:
- Mẹ vào lấy quần áo nhanh đi rồi mình còn đi nữa.
Bà Nguyệt kéo tay Hương dặn dò:
- Cường thích ăn ngọt, khi nêm nếm con nhớ thêm tí đường vào. Cơm nấu nhớ không được nhão, đậu xào đừng chín quá, còn sườn nướng thì phải hơi cháy cháy một tí nó mới chịu...
Quỳnh Hương luôn miệng dạ. Bà Nguyệt còn dặn nhiều thứ lắm, nhưng cô nhớ không hết.
Khi trong nhà chỉ còn có hai người. Cường mới khoanh tay hất hàm:
- Chả hiểu gì về chị Cẩm mà em đã vội vàng vâng vâng dạ dạ. Không có mẹ ở đây, anh làm sao mà làm hết việc nhà chớ?
Quỳnh Hương lúng túng:
- Không sốt sắng như thế, chị ấy lại có ấn tượng xấu về em.
Cường càu nhàu:
- Nghĩ làm chi ba cái ấn tượng đó. Em sống với anh chứ có sống với chị ấy đâu. Khéo lo xa.
Nhìn Cường bằng ánh mắt ngạc nhiên. Hương hỏi:
- Sao anh lại nói vậy? Chị Cẩm là chị ruột của anh kia mà?
Mặt Cường đanh lại:
- Chị không nên thân, anh chả coi là chị. Có thể em cho rằng anh hỗn, nhưng thật sự là từ lâu anh không hợp với chị ấy. Hai chị em nói với nhau tới câu thứ ba là gây lộn rồi. Hồi đó còn anh Hai ở nhà, ảnh can ra, không đứa nào dám gây nữa.
- Nhưng gây về chuyện gì?
Cường nói:
- Đủ chuyện! Nhưng nguyên nhân chính là anh không phục. Chị Cẩm là con gái duy nhất trong nhà nên ba mẹ anh rất cưng chiều. Chị ấy muốn gì được nấy, nhưng không chịu lo học hành, chuyên môn ở lại lớp. Xin tiền đi học thêm để đi mua sắm, cặp bè cặp bạn để đi chơi. Chị Cẩm sống không có lập trường, bản thân ù lì, thiếu nỗ lực. Đang học lớp mười thì phải bỏ dỡ để lấy chồng gấp...
Nhếch môi đầy khinh bỉ. Cường nói tiếp:
- Cũng may là thằng bồ của chị ấy không đến nỗi tệ, hắn không quất ngựa truy phong, nếu không gia đình anh đến phải bỏ xứ đi vì nhục. Tới bây giờ ba mươi mấy tuổi đầu rồi mà vẫn còn ham chơi. Đến nhà bả mà thấy phát sợ. Cứ y như gian hàng bách hoá tổng hợp. Hai thằng con phá như quỷ. Ông chồng thì lại quá hiền, đi làm về lại phải lăn vào bếp lo cơm nước hầu hạ vợ con. Bà Cẩm suốt ngày đi cà nhỏng sắm sửa, ngồi lê, ăn hàng. Với anh, đàn bà như thế là bỏ đi. Đàn ông như anh Công, chồng bả là hèn.
Quỳnh Hương chớp mắt:
- Em thấy anh Công cũng oai phong lắm mà. Hồi còn học vi tính, tụi bạn em vẫn khen thầy Công đẹp trai, tháo vát và lại rất đàn ông.
Cường cười nhạt:
- Ông Công mà là đàn ông! Đàn ông không ai lại chui vào xó bếp.
- Chuyện đó bình thường mà. Đàn ông bây giờ, phải đa hệ chớ!
Cường khô khan ngắt lời cô:
- Gia đình anh không bao giờ có chuyện đó. Ba anh ăn cơm xong là mẹ anh phải bưng nước tới. Từ đó tới giờ anh chưa hề phải rửa một cái chén, giặt một bộ đồ. Anh đã từng nói với em rồi, và anh sẽ không thay đổi cách sống của mình đâu.
Quỳnh Hương tiu nghỉu:
- Anh cứ giữ mãi cái quan niệm xưa như trái đất ấy. Đời này đàn ông phải phụ vợ việc nhà chứ!
- Anh không biết nấu cơm và rất là hạnh phúc khi được vợ nấu cơm cho anh ăn. Cưng nên nhớ là một gia đình cổ điển truyền thống luôn là mẫu mực mà anh thích nhất.
Quỳnh Hương phụng phịu:
- Anh thích khôn thấy... mồ.
Cường nheo mắt:
- Nếu không thích anh, em có thể: “ Không! Tôi không... thèm yêu em nữa... ”. Anh sẽ đau đớn khổ sở, nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm cổ điển của mình, vì anh là thế đó.
Hơi hất mặt về phía Quỳnh Hương, Cường cao giọng:
- Sao công chúa?
Quỳnh Hương thở dài:
- Lỡ phóng lao thì phải theo lao chớ sao nữa.
Cường mân mê bàn tay của Hương, giọng thật ngọt ngào:
- Ngọn lao của em phóng qua tim anh rồi đây nè.
Quỳnh Hương chớp mắt, cô yếu đuối nhìn gương mặt của Cường đang tình tứ cúi xuống. Trên gương mặt ấy, Hương không còn thấy những nét khắc nghiệt như lúc anh lớn lối phê phán chị Cẩm. Cô thụ động để cho Cường hôn mình. Lần đầu tiên kể từ khi yêu anh, Hương cảm nhận được là yêu nhau không chỉ là mê mải, xoắn xuýt hôn nhau như thế này.
Tâm hồn trống không của Hương đang cần vô cùng những lời bày tỏ sự đồng cảm về một vấn đề nào đó, có thể hơi quá phù phiếm, lãng mạn như được cùng nghe một bản nhạc hay trong chiều tà, để cùng thổn thức run động tới tận ngóc ngách của trái tim, vì chuỗi âm thanh mượt như tơ.
Nếu không thơ một đến thế, ít ra Quỳnh Hương cũng được cùng Cường bàn tính về tương lai của cả hai người.
Nhưng thực tế đã có khi nào cô được sống những phút giây đó đâu?
Cường không nghe nhạc, ghét đọc sách văn học. Anh vẫn nói âm nhạc, thơ ca là vô bổ. Cường không cho phép mình tốn thời gian cho ba cái thứ vớ vẩn này.
Để giải trí Cường thích chơi trò chơi điện tử. Trong phòng anh có một tivi 21”, đầu máy video đa hệ, đầu máy điện tử. Anh sẵn sàng ngồi đó hàng giờ đồng hồ cho trò chơi trí tuệ đó dù cô có đến thăm. Ngoài thú này ra Cường chỉ khoái xem phim hình sự. Anh bảo thể loại phim này phù hợp với mẫu người năng động như anh.
Nhiều lúc ngồi bên Cường, Hương thấy mình thật nhỏ nhen, ngốc nghếch, lúc nào cô cũng im lặng nghe anh nói với tất cả ngưỡng mộ.
Cường thích phác hoạ tương lai lắm. Trong tương lai đó anh nắm vai trò quyết định mọi thứ. Có một người chồng tài giỏi, thông minh, nắm toàn bộ quyền hành như anh là may mắn hay bất hạnh cho cô nhỉ?
Quỳnh Hương như không hiểu nổi. Cô chỉ biết hiện tại Cường là chỗ dựa an toàn cho trái tim của cô, Hương yêu anh và hằng mong được có anh mãi mãi.