Kinh đô Huế thất thủ (7-1885), giặc Pháp đặt ách đô hộ ở Trung Kỳ. Đồng Khánh được Pháp đặt lên ngai vàng, cúi đầu phục vụ Pháp. Để thiết lập bộ máy cai trị, bọn thực dân Pháp đưa hàng trăm tên bồi bếp từ Nam Kỳ ra Trung Kỳ làm tay chân. Bọn này dựa thế quan thầy hoành hành ngang ngược giữa chốn đế đô. Chúng lường gạt, hà hiếp mọi người. Từ quan lại phong kiến cho đến thứ dân, ai cũng sợ. Nhiều chuyện động trời của chúng đến tai Đồng Khánh nhưng vua làm ngơ vì sợ đụng chạm đến Pháp. Tiếng oán than của dân chúng ngày một nhiều. Một số viên quan triều đình cương trực không chịu nổi cho bắt giam bọn chúng để xét xử nhưng cuối cùng phải chịu bó tay, vì Khâm sứ Trung Kỳ Lomerơ can thiệp. Có viên quan còn bị mất chức.
Bấy giờ, Đào Tấn đang ngồi ghế Phủ doãn Thừa Thiên. Ông rất tức giận trước cảnh này nhưng chưa biết xứ trí thế nào. Một người đã khuyên Đào Tấn:
- Tức làm gì, không khéo ông Phủ mất chức như chơi. Cầm bút làm tuồng ông viết ý gì cũng dược chứ chuyện thế gian đâu có như ý của mình.
Vốn khí khái, ông Đào đáp:
- Sống ở đời mà thấy chuyện ngang trái không trị thì còn mặt mũi nào dạy dỗ thiên hạ trong tuồng. Dân nguy bất cứu mạc anh hùng. Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã. Để rồi các ông sẽ thấy.
Sau đó ít lâu xảy ra vụ bồi Ba, một tên tay sai khét tiếng gian ác của Pháp. Bồi Ba mua bò của một người dân, y đã không trả tiền còn vu cho chủ bò là dư đảng của Cần Vương. Thế rồi y bắt giam chủ bò, đánh đập họ tàn nhẫn. Nghe tin, Đào Tấn liền cho điều tra, lập hồ sơ đầy đủ. Khi đã nắm chắc tội trạng của bồi Ba, Đào Tấn sai lính chặn đường bắt bồi Ba nhưng không đưa về giam trong ngục Phủ mà đưa thẳng ra bờ sông Hương, quãng khúc sông chảy qua kinh thành, chờ cụ ra trị tội. Quen thói hỗn láo, bồi Ba chẳng những không sợ mà còn lớn tiếng chửi bới, hăm dọa ngay từ lúc mới bị bắt giải đi. Khi Đào Tấn cùng lính hầu đến, bồi Ba cũng không e dè, càng to mồm dọa dẫm, chửi bới nhiều hơn. Bỏ ngoài tai những lời càn rỡ của tên bồi Ba, Đào Tấn xem kỹ mặt mũi tên Việt gian, rồi ra lệnh cho lính chém ngay. Lúc này bồi Ba mới thực sự hoảng sợ. Trước khi chết, câu cuối cùng của y là kêu Khâm sứ Pháp đến cứu. Nhưng làm sao cứu nổi. Tiếng kêu chưa dứt, đầu bồi Ba đã rơi một nơi, thân một nẻo. Bộ quần áo y mặc trên người do Pháp may cho đã nhuốm đỏ máu. Bấy giờ Khâm sứ Lơmerơ mới biết chuyện, nổi giận. Y lập tức đến ngay pháp trường thì ôi thôi, tên tay sai trung thành của y chỉ còn cái xác lìa hồn. Mặt Lơmerơ hầm hầm. Cụ Đào khoan thai rút hồ sơ trao cho Lơmerơ và nói:
- Một tên tội phạm như thế này không chém hắn đi để làm chi cho hại dân. Ở cương vị tôi, tôi, chắc ngài cũng sê chém.
Tội của bồi Ba quá rõ, viên Khâm sứ Pháp không cãi được, nhưng vốn không phải tay vừa, hắn hạch Đào Tấn:
- Bồi Ba là người của Pháp, sao quan Nam triều xử ngang mà không hội ý với Pháp hoặc giao cho Pháp xử.
Điều này cụ Đào dã nghĩ tới, nên cụ đã cứng cỏi trả lời:
- Hắn làm việc cho bảo hộ nhưng hắn vẫn là người Việt Nam, sống ở đất Việt Nam, gây tội với dân Việt Nam thì sao quan Việt Nam không xử hắn mà phải hội thương với Bảo hộ? Hòa ước Patơnôt (1884) có điều khoản nào quy định việc này đâu?
Trước lý lẽ của Phủ doãn Thừa Thiên Đào Tấn, tên Khâm sứ thực dân Pháp Lơmerơ đành cứng họng.