Có một anh chàng thật thà quá đỗi cho nên nhiều người gọi anh là Chàng Ngốc. Chàng Ngốc khỏe mạnh, yêu đời và lao động giỏi. Chàng Ngốc nghèo khổ, không nhà không cửa, phải đi ở đợ cho một tên trọc phú, làm lụng quần quật suốt ngày này qua ngày khác. Thấy anh ta khỏe mạnh, dễ sai nên sau 5 năm, lúc đòi tiền công, hắn dỗ dành anh làm thêm 5 năm nữa. Lại 5 năm nữa trôi qua. Thấy anh đòi tiền công để về, trọc phú lại dỗ:
- Thầy trò mình quen biết đã lâu, chia tay nhau không nỡ. Thôi! Mày cứ ở với tao 5 năm nữa đi. Sau 5 năm nữa, tao sẽ trả luôn cho mày cả 15 là ba nén vàng. Lúc đó thì mày sẽ trở nên giàu có.
Nghe bùi tai, anh lại đổ sức lực ra làm việc cho hắn thêm 5 năm nữa. Lần này hết hạn, anh nhất định đòi chủ trả công để về. Trọc phú dỗ mấy cũng không nghe, bèn mang ba nén vàng ra trả. Chàng Ngốc được vàng hí hửng cầm đi, không biết rằng đó là ba nén vàng giả mà trọc phú cố ý thưởng để cướp tiền công của anh ta. Khi có tiền vàng trong tay, Chàng Ngốc định bụng trẩy kinh, ngao du một phen cho thỏa lòng mong ước. Đi được mấy trạm anh gặp được người thợ bạc và làm quen. Người thợ bạc hỏi anh làm gì và đi đâu, anh không giấu giếm một tí nào hết, đưa cả ba nén vàng ra khoe. Người thợ bạc cầm vàng biết là vàng giả, nhưng thấy anh ngốc nghếch, mới nghĩ đến việc lợi dụng. Hắn bảo anh:
- Ở chốn kinh thành, trừ các nhà quyền quí không kể, còn những người như chúng ta cầm vàng rất khó mua bán. Sao anh không đổi ra bạc, đi đến đâu cũng tiêu được. Tôi sẵn có bạc đây, anh có muốn tôi đổi hộ cho, cứ một nén vàng ăn hai nén bạc. Muốn không?
Thấy có lý, Chàng Ngốc khẩn khoản nhờ đổi hộ. Không ngờ đấy chỉ là sáu miếng chì được đúc thành sáu thỏi rất khéo; anh vui vẻ cầm lấy và tiếp tục lên đường.
Đến một nơi khác, anh gặp người hàng giấy, anh làm quen và nhân vui miệng, anh kể rõ số bạc cùng ý định trẩy kinh cho người bạn mới này biết. Người hàng giấy nhìn thấy những thỏi bạc giả nhưng hắn đang cần chì, bèn gạ đổi một nghìn tờ giấy lấy sáu nén “bạc”. Hắn chỉ vào thứ giấy lụa dó và nói:
- Đây là “lụa đinh kiến” quý lắm. Anh cứ mang đến kinh thành mà bán, mỗi tờ lấy một quan tiền thì tha hồ mà lắm tiền.
Nghe bùi tai, Chàng Ngốc đổi ngay. Khi đi qua một trường học, anh thấy có mấy người học trò đang chơi một cái chong chóng làm bằng những mẩu giấy xanh đỏ rất đẹp mà anh chưa trông thấy bao giờ.
Anh chen vào xem và hỏi:
- Cái gì thế này?
- Đây là cái “thiên dịa vận”, dùng nó có thể biết được việc trời đất, mọi việc thế gian đều tỏ tường, việc gì cũng biết trước, quý không hết được.
Chàng Ngốc bèn gạ đổi một ngàn “lụa đinh kiến”.
Bọn học trò mừng rỡ, đổi ngay.
Đem cái “thiên dịa vận” đi, chàng khấp khởi mừng thầm, cho là sẽ có lúc mình làm cho mọi người kính phục. Qua cánh đồng rộng, chàng thấy một đám trẻ chăn trâu đang chơi một con niềng niễng lớn, có đôi cánh xanh biếc rất đẹp. Tò mò, anh dừng lại rồi xán vào xem. Bọn trẻ con không cho xem, chúng bịa ra để anh hốt:
- Đây là “ngọc lưu ly”, đeo vào người về mùa hè thì mát, về mùa đông thì ấm, quý vô cùng, chưa chắc đức vua có được.
Chàng Ngốc không ngờ lại có thứ của quí đến vua cũng khó có được, bèn đem cái “thiên địa vận” gạ đổi. Bọn trẻ thấy món đồ chơi đẹp thì bằng lòng ngay. Chúng bỏ con niềng niễng vào cái túi vải con, thất miệng túi lại và dặn anh:
- Lúc nào về đến nhà hãy mở ra xem, nếu không ngọc bay lên trời mất toi đó!
Được “ngọc lưu ly”, chàng dự định đưa lên kinh đô làm quà cho vua để được vào xem triều đình. Nhưng đến nơi, bọn lính gác Ngọ Môn không cho vào. Chàng Ngốc kể lể:
- Tôi đi ở 15 năm được ba nén vàng, rồi sáu nén bạc, rồi một ngàn lụa đinh kiến, rồi cái thiên địa vận mới đổi được ngọc lưu ly. Nay đem dâng vua sao không cho vào?
Một tên gian thần đi qua, nghe nói có ngọc lưu ly liền nảy lòng tham, nhận lời đem dâng lên vua, dặn anh chờ ở cửa. Tên gian thần này cầm cái túi, thấy có vật tròn tròn thì mừng thầm, bước vào qua cửa hoàng cung thì mở ra xem, định bụng sẽ chiếm đoạt. Bất ngờ con niềng niễng bay vụt đi mất. Chàng Ngốc nắm lấy bắt đền. Anh đấm cái trống ở cửa hoàng cung ầm ầm. Bọn lính xúm lại lôi và đánh, anh kêu khóc ầm ĩ. Thấy động, vua sai lính ra dẫn Chàng Ngốc vào hỏi đầu đuôi câu chuyện. Ngốc tâu:
- Tôi đi ở 15 năm được ba nén vàng, rồi sáu nén bạc, rồi một ngàn lụa đinh kiến, rồi cái thiên địa vận mới đổi được hòn ngọc lưu ly đem dâng vua. Nay có ông quan mở túi làm cho ngọc bay mất. Xin vua xử cho tôi.
Tên gian thần ra sức chối, song vua phán:
- Tên dân này đem hòn ngọc lạ dâng ta, đó là ý tốt. Để mua viên ngọc, hắn đã tốn bao nhiêu công sức tiền của. Vậy kẻ làm mất ngọc không những có tội với ta mà còn phải bồi thường cho người có ngọc đủ số vàng. Về phần ta, ta sẽ cho người có ngọc một chức quan nhỏ để nêu lòng trung nghĩa đối với ta.
Thế là tên gian thần phải bồi thường tất cả cho Chàng Ngốc. Tên trọc phú, tên thợ bạc và tên buôn giấy trước sau đều bị tù tội vì nhiều vụ lừa đảo không thoát.
Lời bàn:
Chàng Ngốc thắng kiện không phải nhờ tài năng mà nhờ ngốc gặp quan tham. Vua xử cho chàng ngốc thắng kiện, chỉ dựa vào lời khai của bên nguyên chứ không thấy tận mắt bên nguyên có ngọc. Vua lập luận theo kiểu mọi thứ ngon vật lạ thần dân đều đem dâng tặng vua và không kẻ nào dám nói dối ta để phải rơi đầu vì mắc tội khi quân phạm thượng. Đây là câu chuyện lãng mạn vào loại bậc nhất trong các câu chuyện lãng mạn của kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Ngốc quá hóa hay.