Ngoài đường không có đèn. Tối đến quan Phủ Doãn đi vấp phải người ta, lấy làm giận lắm. Sáng mai, quan ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn”. Đêm hôm ấy quan đi, lại vấp phải một người. Quan quở:
- Ngươi không đọc yết thị à?
Người kia đáp:
- Bẩm có đọc.
- Thế sao người không thắp đèn?
- Bẩm, trong yết thị chỉ thấy nói phải cầm đèn, chứ không thấy nói phải cắm nến.
Quan Phủ Doãn về, sáng hôm sau lại ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải cắm nến”.
Đêm hôm ấy quan đi, lại vấp phải một người.
Quan lại quở:
- Đi đêm sao không có đèn, có nến?
Người kia đáp:
- Bẩm, tôi có đủ dèn, đủ nến ạ?
- Thế sao ngươi không thắp lên?
- Bẩm, vì trong yết thị không thấy nói đến thắp nến.
Quan Phủ Doãn về, sáng hôm sau lại ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải cắm nến, nến phải thắp”.
Nhưng lại một hôm, nửa đêm, quan đi lại vấp phải một người có đèn, có nến nhưng nến đã tắt.
Quan lại quở. Người kia nói:
- Bẩm, trong yết thị không thấy nói hết cây nến này, phải tiếp cây nến khác ạ.
Lời bàn:
Đây là câu chuyện lãng mạn nhưng có ý nghĩa thực tiễn rất cao. Hiện nay, nhiều văn bản pháp luật đã ban hành còn nhiều thiếu sót, phải sửa đi sửa lại nhiều lần nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Chỉ đến khi đi vào thực hiện mới phát hiện ra thiếu sót Một văn bản quy phạm pháp luật hay áp dụng pháp luật mà không đầy đủ thì tạo sơ hở cho một số người biết tận dụng để trục lợi, còn đa số nhân dân thì bị gây khó dễ vì sự không rõ ràng của văn bản.
Phải gặp nhiều người dân cãi lý như thế thì quan Phủ Doãn mới tiến bộ hoặc nếu không thì bị thay thế.