Thị Đào vốn là người lẳng lơ nhưng lại hay vu oan giá họa cho các anh chàng hay léng phéng hảo ngọt, nhằm làm áp lực moi tiền của họ. Nếu không cho tiền mụ thì mụ thưa lên quan rằng mụ bị hiếp dâm, trước hết là cho bỏ ghét, sau nữa là kiếm tiền bồi thường danh dự. Gần nhà mụ có chàng Ất hiền lành, đã 30 tuổi mà chưa lấy vợ. Cha mẹ Ất vừa qua đời, để lại cho anh ta toàn bộ gia tài gồm nhiều ruộng đất và một cái túi đựng đầy vàng bạc, châu báu. Pháp luật trị rất nghiêm tội trộm cướp nên nạn trộm cướp không có. Nhờ vậy, đi đâu Ất cũng mang cái túi theo bên mình mà không sợ nguy hiểm. Nhìn túi vàng và gia tài của Ất, Thị Đào thèm lắm, bèn nghĩ kế chiếm đoạt. Mụ đến bàn với quan huyện về tỷ lệ ăn chia, rồi về lu loa lên rằng mụ bị chàng Ất dùng vũ lực để “ấy” mụ, với những bằng chứng giả do mụ dựng lên. Mụ đòi Ất chia bớt gia tài, nếu không sẽ kiện lên quan. Rồi mụ kiện lên quan thật. Quan xử rằng: Ất phạm tội hiếp dâm Thị Đào, làm mất đi cái “đáng giá ngàn vàng của Thị”, làm cho Thị khó kiếm chồng, không có chồng con thì không ai lo cho Thị, đặc biệt lúc ốm đau già yếu. Vì vậy, quan buộc Ất bồi thường cho Thị Đào cả túi vàng mang theo và hai mẫu ruộng.
Thị Đào thắng kiện hớn hở ra về nhận hai mẫu ruộng, còn túi vàng mụ chia phần lớn cho quan, mụ chỉ giữ được gần một nửa.
Ất khóc lóc như đứa trẻ con. Ất kiện lên quan phủ nhưng vì hồ sơ vụ án có đủ chứng cứ mà quan phủ thì không phân biệt đâu là chứng cứ giả, đâu là chứng cứ thật, nên quan phủ y án.
Thấy Ất oan ức, có người tốt bụng hướng dẫn cho chàng kiện lên nhà vua. Bấy giờ, vua là người thông minh, sáng suốt, nổi tiếng về tài xử kiện. Vua cho triệu tập Thị Đào và bắt mang theo cả túi vàng. Túi vàng đã vơi đi hơn nửa. Vua cho đòi quan đã xử án đến. Quan trình lên nhà vua toàn bộ hồ sơ với những chứng cứ đã chuẩn bị sẵn.
Vua cho người đọc to hồ sơ vụ án với những chứng cứ hiếp dâm do Thị Đào cung cấp và đã được quan huyện kiểm tra phân xử, rồi nói:
- Rõ ràng, Ất đã hiếp dâm Thị Đào, có đầy đủ chứng cứ đã được huyện quan kiểm định và phân xử đúng đắn. Nay ta y án và giao túi vàng cho Thị Đào đem về. Phạt bổ sung Ất hai chục roi.
Quân lính dạ rân. Thị Đào hí hửng cầm túi vàng ra về còn chàng Ất thì nằm úp lưng chịu đòn. Nhưng khi quân lính vừa quất Ất hai roi thì nhà vua bỗng nhiên ra lệnh dừng tay. Nhà vua vừa vò đầu, bứt trán tỏ vẻ hối tiếc và nói:
- Ta xử nhầm rồi! Ất bị oan, Ất bị oan!
Thế rồi nhà vua bảo Ất đuổi theo Thị Đào giật lại túi vàng. Vừa bị oan ức, vừa tiếc của nên Ất chạy nhanh ra cổng thì bắt gặp Thị Đào. Ất dùng hết sức mình để lấy lại cho kỳ được túi vàng từ tay Thị Đào nhưng không tài nào giành được. Thị Đào ôm chặt túi vàng và đẩy Ất ngã lăn. Ất lại xông vào giành giựt quyết liệt. Lần nào cũng vậy, Ất đều bị đẩy ngã.
Nhà vua, quần thần và tất cá các quan chứng kiến cảnh giành giật túi vàng. Vua cho quân lính ra cổng giải cả hai vào rồi nói:
- Thị Đào! Túi vàng trên tay ngươi mà nó giật không được, vậy làm sao nó cởi được cái quần của ngươi!?
Thị Đào cứng họng không sao trả lời được, đành khai ra âm mưu cùng với quan huyện chiếm đoạt gia tài của Ất.
Lời bàn:
Giữa kẻ đi kiện và quan xét xử phối hợp cùng nhau thì thắng kiện là cái chắc. Không những thắng kiện mà quan huyện và Thị Đào còn chuẩn bị được những chứng cứ giả, làm cho các cấp xét xử sau là quan phủ không thể nào lật lại được vụ án. Chỉ có cách dùng mẹo như nhà vua thì mới lật lại được vụ án. Dù có trưng ra bao nhiêu bằng chứng với bao nhiêu lý lẽ hay ho thì Thị Đào và quan huyện cũng phải câm họng trước câu hỏi bất ngờ, thông minh của nhà vua. Nhà vua minh oan được cho Ất là nhờ dựa vào sơ hở và tính tham lam của Thị Đào, chứ nếu lúc giằng co túi vàng mà Thị Đào giả vờ tỏ ra yếu đuối thì chắc nhà vua dù có thông minh cũng đành bó tay. Thế mới hay “Mọi sự gian dối đều có chỗ sơ hở.