Đêm hôm ấy, sau khi bị Thắng thoái thác bằng cái cớ đi học quân sự để chuồn, Chín Tạ không sao ngủ được. Lo nghĩ... đơn độc và thấy sợ.
...Tám Việt thì không thể chọn làm cha đỡ đầu được rồi. Trong tình thế này vời đến các anh Ba, anh Tư, anh Sáu khác thì ăn nhằm gì, những thằng mình đã nâng đỡ trước đây liệu bây giờ có đoái hoài đến mình không? Lo đi túm mấy cái đuôi? Nhưng thân thế mình bây giờ, ai túm ai trước đây?.. Lời động viên của bí thư trong đám ma hôm nào có giá trị đến đâu, hay nó cũng quên mình nốt? Bọn chiến khu cũ bị mình hất hết trọi khỏi vùng này, chắc chắn kỳ này sẽ trả đòn... Cánh tay phải là thằng Thắng thì bây giờ nó chỉ lo cho thân nó. Cánh tay trái là con mụ Bạch Liên thì nó đã phản thùng quyết liệt bằng cái chết rồi. Xoay xở ra sao đây!?.
...Chính mình đã dồn nó đến chỗ phản thùng! Chính mình đã dồn nó đến chỗ chết! Nhưng không làm thế mình thoát sao được? Lần này chúng nó quyết đánh đến nơi đến chốn! Ba bề bốn bên chúng nó dàn hết quân rồi, không tháo chạy được!.. Chẳng lẽ đây mới là cái điều mà thằng thày bói đã bói cho mình...
...Trước khi chết con yêu tinh này còn có thể làm gì hại mình nữa? Nó có phép gì mà thằng Thắng sợ nó đến thế?.. Còn mình, vừa là thằng ngu vừa không còn là thằng người nữa... Mình định cầu tự với nó lại đi diệt nó!.. Sao trời đất lại oái oăm với mình thế!!!
Không thể biết được con yêu tinh họ Bạch này giở trò gì! ... Khu liên doanh trồng bạch đàn Kiên Phong mấy nghìn héc ta là thế, đã bắt đầu đi vào trồng trọt rồi, thế mà nó còn phá được tan tành. Tưởng chừng uy tín của mình đi đời nhà ma với cái mảnh giấy viết tay thế mà nó vẫn xoay được tình thế. Thắng của đối phương nó biến thành bại, còn với mình, lần này...
... Con yêu tinh này có bằng chứng gì để làm hại mình cơ chứ?! Giỏi lắm nó có thể tố cáo là mình ngủ với nó hai lần là cùng chứ gì! Một đời người hủ hoá với nó hai lần ăn nhằm gì! Hủ hoá ở cơ quan bao nhiêu đứa còn chẳng chết ai nữa là... Chuyện này đếch sợ! Nó còn làm được gì nữa để hại mình? Liệu nó có thành con yêu tinh kết liễu sự nghiệp của mình không?!.
Chín Tạ vật vã từng hồi trong đêm khuya...
Mọi khi, hễ đêm nào tự nhiên có chuyện gì đó làm Chín Tạ bất an là "con mắm" thế nào cũng lọ mọ chạy sang buồng Chín Tạ để kiểm tra hay để hỏi han... Thế nhưng ngay trong ngày biết đích xác Bạch Liên tự tử, Chín Tạ đã đuổi vợ về Long Thuỷ, thực chất là giam lỏng vợ ở quê, vì chỉ sợ trong cơ sự này "con mắm" làm điều gì sơ hở thì có mà trời cứu...
Đêm nay, lần đầu tiên trong đời, Chín Tạ hiểu được thế nào là thân cô thế cô...
...Trời đất ơi, có cái sợ nào so được với cái sợ trống rỗng quyền lực?!.
Chín Tạ quằn quại...
...Là một cố nông vùng Bạc Liêu, khi chiến tranh lan tới, Dương Đình Tạ không chịu chạy theo chủ vào vùng địch hậu, mà lại chạy theo du kích. Cuộc đời run rủi đưa Chín Tạ vào Rờ, được kết nạp Đảng ở đấy. Chiến tranh càng lan rộng, công tác tổ chức ngày càng nguy hiểm trong những vùng chiến sự ác liệt, Chín Tạ được phân công làm cần vụ kiêm bảo vệ đồng chí K., người phụ trách công tác tổ chức miền... Năm này qua năm khác theo chân thủ trưởng vào sống ra chết bao phen, Chín Tạ hoàn toàn không phụ lòng tin cậy của tổ chức. Đôi ba lần chính Chín Tạ đã cứu sống thủ trưởng của mình bằng sức chịu đựng khó tưởng tượng nổi.
...Có lần dưới hầm bí mật Chín Tạ ba ngày liền nằm ngâm mình trong nước đỡ thủ trưởng đang ốm trên lưng, trong khi đó giặc rà bố dữ dội trên mặt đất. Trên trời tiếng loa chiêu hồi oang oang xen lẫn với tiếng động cơ trực thăng...
...Hỡi Việt cộng nằm vùng Dương Đình Tạ... Mày định chết cùng với chỉ huy của mày hay sao? Đầu thú đi! Đừng phí hoài cuộc đời mày như vậy! Chánh quyền quốc gia sẽ đại xá và thưởng chức theo công lao khai báo của mày! Hỡi Dương Đình Tạ, lên đầu thú đi, không hầm nào chịu nổi bom tấn của Hoa Kỳ... Bố mẹ và anh chị em mày bị bắt hết lên đồn rồi!..
...Chín ơi! Hãy cứu mẹ đi con! Cứu cả nhà đi con, Chín ơi! Con có nghe tiếng mẹ nói không? Chín ơi... Đừng để cả nhà bị giết Chín ơi... Đòn đau lắm, mẹ không chịu nổi nữa...
...Chín ơi, mẹ đang nói đây...
Mười phút... Hai mươi phút... Một giờ... Hai giờ... Cứ như thế... Trực thăng lượn vè vè trong tiếng loa... Ôi những mẩu thời gian còn dài hơn cả hàng thế kỷ... Có những giây phút Chín Tạ thầm mong thà bom nổ thẳng vào đầu mình còn hơn là phải nghe những tiếng loa như thế. Trước sau trong lòng Chín Tạ vẫn tâm tâm niệm niệm chiến đấu đến cùng, không đầu hàng...
...Trước khi nhắm mắt vì bệnh tật, đồng chí K gửi gắm Chín Tạ cho những đồng chí có trọng trách của tổ chức.
Chín Tạ thường tự hào nói với mọi người: Mình đẻ ra đã có cái máu tổ chức ở trong người! Điều này thật ra cũng có cái lý của nó. Song cũng có thể nói cuộc đời cán bộ của Chín Tạ không có một nghề gì khác ngoài công tác tổ chức, đi từ những nấc thang thấp nhất: là người cần vụ, người bảo vệ cho cán bộ tổ chức.., cho đến khi về tiếp quản Thành phố... Từ thuở hàn vi đến đỉnh cao danh vọng đạt được, Chín Tạ không từ nan trước một thách thức nào ...
...Chẳng lẽ giờ đây ta chịu để cho con yêu tinh Bạch Liên làm tiêu ma sự nghiệp của mình? Kiếm củi ba năm chẳng lẽ đành để cháy rụi...
...Ối Bạch Liên, mày là thứ đàn bà gì mà lúc sống thì đã làm ông chết dở sống dở. Bây giờ mày chết rồi mà vẫn còn làm ông dở sống dở chết!...
Nghĩ đến đây Chín Tạ đột nhiên cảm thấy toàn thân rùng rùng nổi da gà.
...Ta sợ? Lâu lắm rồi, bây giờ ta mới có cái cảm giác này.
Những cái sợ ta đã nếm trải hình như chẳng thấm tháp gì so với hôm nay... Trong những ngày đêm nằm dưới hầm bí mật, giặc rà bố ngày này sang ngày khác ngay trên đầu, bom đạn, khói hơi cay sặc sụa, cái chết từng phút từng phút kề cổ... Có lần mấy ngày không một giọt nước, không một hột cơm.., đến mức toàn thân bỏng rát, ta không còn biết khát biết đói... Đầu óc, lồng ngực nhức buốt chán rồi chỉ muốn nổ tung... Đã mấy ai xả thân hy sinh chiến đấu được như ta! Cho đến khi thân xác ta không còn biết sống để giữ lấy cái sợ nữa... Nếu không có những người đã xả thân hy sinh như ta...
...Nhưng hôm nay? Hôm nay không phải là cái sợ ấy. Hôm nay là một cái gì đó khác rất nhiều, đáng sợ hơn nhiều...
...Cái sợ ở dưới hầm bí mật là sự chen lấn giành giật nhau giữa sống và chết, cho đến khi cái chết ngấp nghé ở đâu mò đến, đau đớn hành hạ thể xác và tinh thần ta đến tê liệt... Nhưng giờ đây trong ta chẳng có gì chen lấn nhau cả, cũng không có một cái chết nào ngấp nghé quanh đây... Duy nhất chỉ có sự chơi vơi khiến ta bủn rủn.
Đó là sự tan rã của thể xác hay là tâm trạng tinh thần ta hoang mang?..
...Chẳng lẽ tất cả chỉ vì ta đang bị hẫng hụt quyền lực? Nghĩa là ta không còn cái lẽ để tồn tại nữa ư? Ôi không sao tả được!.. Ta đúng hay ta sai, ta tốt hay ta xấu, mọi đạo lý trên đời này còn ý nghĩa quái gì nữa nếu ta sống mà không tồn tại?.. Tại sao cái sợ này lại khác tất cả cái sợ trên đời ta đã từng nếm trải? Sao mà chưa chi ta đã ngập ngụa trong cái cảm giác chơi vơi hẫng hụt, đã thấy mình tan rữa thế này?!..
...Mả mẹ cái thằng Thắng, nó đoán trúng. Tám Việt kỳ này nhất định không để cho mình yên... Thế là thế nào? Phải tính thêm khả năng này nữa. Vướng thêm cái lão vừa điên vừa khùng này thì mình hết đường... Gộp cả lão ta lại là ba mũi giáp công cả thảy, cùng một lúc chĩa vào mình...
...Tám Việt dạy dỗ ta, kết nạp ta vào Đảng, dìu dắt ta lên con đường đi tới đỉnh cao của quyền lực. Ta thừa nhận công lao này. Vì thế Tám Việt nhất định không thể nào tha thứ cho ta. Có lẽ mũi giáp công này mới là chết người...
...Chẳng lẽ ta không có cách gì xoay chuyển được mũi giáp công Tám Việt chĩa đi hướng khác? Hai mũi giáp công còn vẫn trong tầm tay đối phó và lấp liếm được! Lấy tay thằng nọ bịt miệng thằng kia để tìm cách đánh bùn sang ao... Bới tung cứt lên cùng thối, thế là im re với nhau! Là hoà cả làng hết trước dư luận! Nhưng còn lão? Nếu lão quyết ra tay thì dù có chết chôn dưới đất rồi lão cũng ngoi lên diệt ta. Lão này bất trị, nói một lời là róc xương róc thịt người ta một lời! Những thằng chính trực như lão còn nhiều không?..
...Nhưng chẳng lẽ thằng đương chức chịu thua thằng về hưu?..
Hết kế sách này đến kế sách khác, Chín Tạ lục lọi nát óc, nhưng chỉ thấy mịt mùng tứ phía. Trời về sáng hây hây gió mát, nhưng Chín Tạ vẫn cảm thấy rã rời như toát hết mọi tinh lực, mồ hôi lấm tấm thành từng giọt nhỏ trong hai lòng bàn tay, trên mặt, trên ngực...
- Ôi ta sợ!.. Ta đang sợ...
...Qua chấn song cửa sổ ở chân giường, Chín Tạ đã thấy sao mai lấp loáng. Con gà trống cảnh nuôi trong vườn gáy lần thứ hai những tiếng gáy vang lừng, tiếp theo là những tiếng nó gọi mái cục cục... Ngày thường Chín Tạ thường tâm tình với con gà trống này, chia sẻ với nó sự hùng cứ một phương của mình. Chủ tớ thân thiết nhau lắm. Ngày ngày đi làm về, việc đầu tiên là Chín Tạ bước vào vườn gà, thò tay vào cái vại sành bốc ra một nhúm thóc, miệng gọi cục cục... Con gà tán tỉnh lại bằng cách mổ mổ rỉa rỉa những hạt thóc trên tay Chín Tạ, lật trái lật phải cái mào đỏ chót nghiêng nghiêng như khoe mẽ sức sống yêng hùng của nó, đôi cựa dài ngạo mạn vểnh sang hai bên, chân bước đi khuỳnh khuỳnh, nhàn hạ... Nó đi đến đâu cục cục đến đấy, đàn gà mái xệ, gà mái tơ sà lại líu ríu chung quanh, thích con nào nó cục cục mổ mổ, xoè một cánh rồi nhảy lên lưng con ấy... Chủ tớ rất hợp nhau. Hình như ai cũng phải có một cái thích nào đó để thoả mãn mình, kiểu như vợ Chín Tạ rất yêu quý con Lucky của mình vì thích vuốt ve và thèm được vuốt ve, nhất là vào cái tuổi mà Chín Tạ chỉ nhìn thấy mặt là đã ngán rồi. Còn Chín Tạ rất thích con gà trống cảnh của mình, nuôi cho nó cả một đàn gà mái, hân hoan một cách khoái lạc khi được thấy nó phô diễn sức sống mãnh liệt của nó, với hết con gà mái này đến con gà mái khác... Chỉ có nó mới thể hiện được con người hừng hực cũng như tâm trạng đầy khát vọng đang sống trong Chín Tạ. Song cũng chỉ có Chín Tạ mới là người biết đánh giá con gà trống cảnh của mình, biến nó thành thần tượng để gửi gắm những ước ao của mình, những ước ao xác thịt và không xác thịt... Tiếng gà lúc này khoét sâu trong lòng Chín Tạ một khoảng trống đen ngòm của nỗi sợ... Sợ cùng đường, sợ không còn quyền lực, sợ phơi trần sự thật đen tối dưới ánh sáng ngày, sợ sự trừng phạt của công lý...
...Đù mẹ chúng mày! Nếu bắt ông, ông sẽ bới tung cứt lên cho thi nhau mà ngửi!.. Ông cũng biết điên khùng theo cách của ông!.. - hai hàm răng Chín Tạ nghiến vào nhau ken két, hai bàn tay nắm lại thành hai quả đấm quờ quờ trong nhập nhoạng...
28.
Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ ký được hơn một năm, quan hệ kinh tế hai nước năng động hẳn lên. Đông đảo người Việt ở nước ngoài hoan nghênh các nhà lãnh đạo Việt Nam không từ một cố gắng nào để khép lại quá khứ và kiên trì theo đuổi chính sách quan hệ hoà bình, hợp tác và hữu nghị lâu dài với Mỹ. Một số nhà hoạt động chính trị nổi tiếng trên thế giới, kể cả ở Mỹ, coi chính sách của Việt Nam hướng về tương lai như vậy là dũng cảm và đầy phẩm giá của một dân tộc có truyền thống văn hoá lâu đời...
Thế nhưng cánh Lý Lam vẫn tìm mọi cách khuấy động trong cộng đồng người Việt ở Mỹ phong trào chống lại bước tiến quan trọng này trong quan hệ Việt - Mỹ. Một số chính khách cực hữu ở Mỹ cùng với một nhóm có thế lực trong báo Chánh đạo trực tiếp chỉ đạo Lý Lam tiến hành những hoạt động chống phá. Lúc đầu là các bài báo, những cuộc họp, những cuộc vận động lấy chữ ký, những cuộc mittinh lúc đông, lúc vắng.., tập trung vào các khẩu hiệu: Không được trả công cho sự xâm lăng Cộng Hoà Việt Nam của Việt Cộng bằng Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ! Không được phản bội các lính Mỹ đã chết ở ViệtNam!.. Trong khi đó những loại người như Michael Fox hay Quách Minh Châu từ lâu đã bỏ nghề chống Hà Nội và chuyển sang nghề khác. Với thước đo trong xã hội Mỹ, các cuộc mit tinh một vài chục người được coi là đông rồi, bởi vì nhịp sống, sự bận rộn và quỹ thời gian của mọi người ở đây cũng như ở nhiều nước công nghiệp khác hiếm khi cho phép có những cuộc tụ họp đông đảo hơn, trừ những hiện tượng trong đời sống thể thao, âm nhạc và những sự kiện đặc biệt như biểu tình của người Mỹ chống chiến tranh, chống ô nhiễm môi trường... Có cuộc mitting, đám Lý Lam trưng cờ và khẩu hiệu lên, ngồi chờ mãi rồi lại cuốn cờ và khẩu hiệu đi, vì giờ thuê phòng họp mit tinh đã hết và không có người đến dự. Nhưng cánh Lý Lam không nản. Khi Hiệp định đã được ký kết, Lý Lam quay sang làm rùm beng những phản ứng trong nội bộ Mỹ đối với việc thực hiện Hiệp định. Không thể nói cánh Lý Lam đã khơi mào các vụ kiện cáo Việt Nam về cá basa, về hàng may mặc.., song hoạt động của cánh Lý Lam đã làm cho những vụ việc này phức tạp thêm nhiều…
Nói về cá ba sa, khi sự việc xảy ra, người của cánh Lý Lam được chỉ đạo đến gặp các chủ trang trại nuôi cá catfish(*) [(*) Thuộc họ cá da trơn, nhưng không phải là cá ba sa.] tại vùng đồng bằng sông Mississippi, vận động họ thúc giục các nghị sĩ quốc hội 6 bang miền Nam nước Mỹ, từ Arkansas, Mississippi... đến Tenneessee, xúc tiến vụ kiện này. Yêu sách đề ra là phải bảo hộ nghề nuôi cá catfish của Mỹ... Tiếng nói chống Việt Nam ở Mỹ lại có dịp bùng lên, thuận lợi cho các quyết định chính trị của Mỹ ngược dòng với bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ.
Chuyện Mỹ áp đặt cô-ta đối với hàng may mặc Việt Nam cũng có một lịch sử ra đời tương tự.
Những tin tức báo chí tiếng Anh và tiếng Việt tại Mỹ chung quanh những câu chuyện ngược dòng này làm Lễ nhức nhối. Nếu Lễ không nhầm, hình như mọi lần đến thăm ông Học trong năm nay, câu chuyện giữa hai chú cháu hầu như thường xoay quanh những sự việc ngược dòng này.
Lễ tâm sự với chú mình:
- Gia đình cháu lâu nay thoát được cái nạn Lý Lam và tay chân đến quấy rầy. Song bây giờ lại là chuyện cánh Lý Lam quấy rầy cháu qua báo chí. Chúng chửi rủa những người thờ ơ với hoạt động của chúng. Báo của bọn chúng cháu không mua, nhưng chúng cũng tìm cách đút lén vào nhà, có khi kèm cả các tờ rơi... Cháu không hiểu bọn này muốn chống lại đất nước đến bao giờ nữa!
- Chống lại đất nước là một nghề kiếm sống của họ rồi. Có mài được gạch thành gương soi thì họ vẫn là họ thôi! Chỉ có chết họ mới bỏ được...
- Cánh Lý Lam điên khùng đến mức ủng hộ ý kiến của một số luật sư ở mấy bang phía Nam nước Mỹ đòi áp mức thuế 190% đối với cá basa của ta chú ạ. Thật không tưởng tượng nổi! Hành động chống Hà Nội như vậy khác với hành động phản lại đất nước ở chỗ nào hả chú?
- Vừa mới đây, chú đọc một bài phê phán của Grey Rushford. Ông ta coi quyết định của Bộ Thương mại chẳng khác gì việc ném bom napalm lên hàng ngàn nông dân nuôi cá basa ở ven sông Cửu Long. Cháu xem, người Mỹ có lương tri còn phải nhức nhối về chuyện này. Rushford là tổng biên tập chương mục chính trị trên The Asia Wall Street Journal đấy.
- Cháu thấy chừng nào Việt Nam chưa gia nhập được WTO(*) [(*) World Trade Organisation.] , Mỹ còn tha hồ đơn phương bắt chẹt chú ạ.
Cũng đã mấy năm liên tiếp ông bà Học không có điều kiện về thăm đất nước, kể cả khi biết bà Sáu Nhơn ốm nặng sắp qua đời, rồi đến khi nhận được tin báo tang... Nguyên do là nhãn áp của ông Học sau khi thay thuỷ tinh thể thường xuyên không ổn định, ông không được phép ở cách quá xa bác sĩ của ông. Bà Học cũng bắt đầu phải lo lắng về tình trạng huyết áp thất thường của mình. Ông bà Học có cảm giác ý định mỗi năm về thăm đất nước một lần ngày càng khó thực hiện hơn... Như để bù lại sự xa vắng này, ông Học quan tâm theo dõi sít sao mọi bước đi của đất nước. Khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ vừa mới được ký kết, ông mời Lễ, Tôn Thất Loan, Năm Thịnh và một số bạn bè khác đến chỗ ông uống rượu chúc mừng. Bây giờ ông đi lại khó hơn trước, nên mỗi lần có tin vui gì trong nước hoặc có sự kiện gì lớn, ông thường chủ động mời mọi người thân quen tụ tập lại đàm đạo với nhau. Cũng may là mấy năm gần đây ông bà Học có nhiều niềm vui mới. Lúc thì vợ chồng Tân - Linda và bé gái Lisa, lúc thì vợ chồng Tín Kim với cún bông vẫn thường xuyên thăm hỏi ông bà. Mùa hè năm nay vợ chồng Tín - Kim và cún bông vừa mới thăm ông bà Học vài ngày.., ông bà cảm thấy hạnh phúc lắm.
Trong chuyến thăm này, vợ chồng Tín - Kim mua biếu ông Học cuốn Tuệ Trung Thượng Sỹ Ngữ Lục và tập kỷ yếu của cuộc hội thảo khoa học về danh nhân Trần Tung, vừa mới tái bản trong nước, ông vô cùng sung sướng. Đúng là sách lâu nay ông nhờ người tìm mua hộ không được. Trong lúc ông đang lần lần các trang sách, Tín và Kim tủm tỉm đứng nhìn, thế rồi Tín nháy mắt cho Kim...
- Ông ơi, chúng cháu đem đến cho ông một bất ngờ lớn ạ. - Kim trịnh trọng đưa ông Học một cặp đựng hồ sơ bằng da thuộc rất đẹp.
- Sao, bằng khen à? Hai cháu định tặng cho ông bằng gì thế này?
- Thưa ông, đây là tấm bằng cao quý nhất trên đời ạ. - Kim đáp lại.
Ông Học giở ra xem, ngỡ ngàng.
Ông đọc: Tuyên Ngôn Độc Lập... rồi lặng người đứng đọc tiếp cho chính mình nghe...
- Ôi, quý quá! Thế này là thế nào hả hai cháu?
- Thưa ông, đấy là bản sao bản Tuyên Ngôn Độc Lập bà Sáu Nhơn đã giữ hơn một nửa thế kỷ nay đấy ạ... Chúng cháu xin anh Vũ một bản để mang sang đây biếu ông ạ...
- Trước khi về thăm đất nước lần đầu tiên sau giải phóng, ông đã đọc Tuyên Ngôn Độc Lập nhiều lần. Tủ sách của ông hiện giờ vẫn có bản Tuyên Ngôn này. Nhưng đây là bản sao bản Tuyên Ngôn do bà Sáu Nhơn giữ hơn một nửa thế kỷ thì quý quá, bản chép tay hẳn hoi... Sao lại có bản này hả hai cháu?
Tín kể lại từ đầu mọi việc xảy ra khi bà Sáu Nhơn trao bản Tuyên Ngôn Độc Lập này cho Vũ trước khi bà đi xa... Nhưng Tín không hề biết chuyện bản gốc bị xé rách làm đôi, vì Vũ không kể cho nghe...
Ngắm nghía mãi bản sao Tuyên Ngôn, ông Học tự thốt lên với chính mình:
- Trời ơi, bà Sáu đã giữ bản Tuyên Ngôn này hơn một nửa thế kỷ! Vượt qua mọi chết chóc và thử thách!.. - Đoạn ông chạy đi tìm bà Học đang chơi với cún bông ngoài vườn.
Ông bảo mọi người vào đứng trước bàn thờ, rồi ông trịnh trọng đặt bản Tuyên Ngôn lên bàn thờ, tay run run thắp hương khấn:
...Em kính lạy chị Liên sống khôn thác thiêng. Lúc chị đi xa, em không về tiễn chị được, nhưng hôm nay chị đã đến với em... Con cháu họ Phạm chúng em sẽ gìn giữ mãi bản Tuyên Ngôn này để không bao giờ quên...
Ông Học nghiền ngẫm rất kỹ cuốn sách và tập kỷ yếu vợ chồng Tín - Kim mới tặng, đối chiếu những bình luận với các bài thơ, bài kệ, các áng văn trong Tuệ Trung Thượng Sỹ Ngữ Lục... Bộ sưu tập về thơ văn Lý - Trần của ông được bổ sung một cuốn sách và những tài liệu quan trọng. Nhưng điều làm ông xúc động hơn nhiều là qua bộ sách và tập kỷ yếu này ông thấy việc nghiên cứu, gìn giữ những giá trị văn hoá và tư tưởng Phật học ở trong nước ngày càng có chiều sâu khoa học, nhất là đã phát hiện ra nhiều giá trị nhân văn của đạo Phật ở nước ta, thuộc về riêng nước ta... Lâu nay, gần như suốt đời mình, ông vẫn mường tượng rằng đạo Phật ở nước ta là đạo Phật của đức tin, của tu thân tích đức cho tương lai, chứ không phải là một hệ giáo lý, càng không phải là một ý thức hệ, bây giờ ông có đủ cơ sở rất thuyết phục cho niềm tin sâu sắc như vậy của mình.
...Ôi một đất nước biết gìn giữ những giá trị như vậy, đất nước ấy nhất định phải có tiền đồ xán lạn...
Sự việc cánh Lý Lam cố quậy lên những chống đối chống lại đất nước chung quanh sản phẩm cá basa và hàng may mặc của Việt Nam đến với ông Học đúng vào lúc trong thâm tâm ông có những xúc động lớn như thế. Ông chia sẻ sự căm phẫn của Lễ, song ông nhìn nhận sự việc cũng điềm đạm hơn Lễ. Ông không mong đợi những người như Lý Lam đến lúc nào đó có thể sám hối, có thể phân biệt được đâu là chính, đâu là tà.
Hàng ngày báo chí ở đây, nhất là báo chí tiếng Việt khuếch trương ghê gớm những yếu kém, những sự việc tiêu cực trong nước. Ông rất lo, nhưng sự từng trải và niềm tin cũng giúp ông có cách nhìn bình tĩnh.
- Cháu cứ nhìn vào các vụ bê bối ở Mỹ, cháu sẽ hiểu được các vụ bê bối trong nước. Một nước tự hào cái gì cũng nhất thế giới, luật pháp cũng nhất thế giới, mà còn xảy các vụ như Water Gate trước kia và bây giờ là các vụ Enron, Worldcom(*)[(*) Water Gate: Vụ bê bối nổi tiếng nghe trộm điện thoại của Tổng thống Nixon. Enron và Worldcom là hai tập đoàn Mỹ lớn, năm 2001 khai gian trốn thuế hàng tỷ USD.]... thì những vụ việc yếu kém ở một nước trong giai đoạn phát triển như nước ta có gì là lạ hả Lễ? Điều quan trọng là phải giữ sao cho cái tốt đạt được luôn luôn nhiều hơn cái xấu, và cuối cùng là cái tốt át hẳn cái xấu... Bằng mọi giá không được để xảy ra chiều hướng ngược lại... - Ông Học nói với Lễ
Rồi ông Học bộc bạch ao ước của mình với vợ.
- Tôi vẫn đinh ninh sức khoẻ của mình còn chiều lòng mình, nhưng hoá ra mấy năm gần đây không phải như thế nữa rồi bà ạ. Bà và tôi ráng sức chuẩn bị thế nào để có thể về nước lên thăm chùa Yên Tử một lần nữa. Tôi ước ao được thắp hương kính dâng Quốc sư Trần Tung và các vua Trần trước khi từ giã cõi đời này...
Đất nước xa cách vạn dặm rộn lên trong trái tim ông...
Tin vui đến với các phật tử và những người theo đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Mỹ: Hoà thượng Thanh Tự xuất ngoại đi thuyết pháp và giới thiệu sự phát triển đạo Phật ở nước nhà. Trong chương trình xuất ngoại, Hoà thượng ở lại Mỹ một tuần trước khi đi Nhật. Mục chót và cũng là cao điểm của chuyến thăm Mỹ là làm lễ quy y ngũ giới cho các phật tử và thuyết pháp tại chùa Đức Trụ tại bang California.
Việc cùng với các phật tử và tín đồ phật giáo đón tiếp Hoà thượng ngay tại bang mình khiến ông Học không giấu được niềm vui. Ông hăm hở cùng với nhiều người ở San Jose chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này.
Tin tức trên tivi tiếng Việt cho thấy các buổi lễ và thuyết pháp của Hoà thượng Thanh Tự ở Houston, ở Ana... rất mỹ mãn. Hàng ngàn phật tử và những người theo đạo Phật đón rước Hoà thượng rất cung kính, niềm nở. Ai ai cũng chăm chú dự lễ và nghe thuyết pháp với lòng nhiệt thành. Sau mấy chục năm sống ở Mỹ, đây là lần đầu tiên các phật tử và tín đồ đạo Phật người Việt tại Mỹ được một vị cao tăng từ trong nước ra làm lễ cầu phúc và thuyết pháp.
Các vị chức sắc chùa Đức Trụ và những người trong ban đón tiếp Hoà thượng Thanh Tự chủ trương phải làm thật tốt mọi việc để buổi lễ ở chùa Thụ Đức thực sự đánh dấu đỉnh cao chuyến đi thuyết pháp của Hoà thượng.
Điều làm chính ông Học và nhiều người khác ngạc nhiên là Lễ rất hăng hái tham gia ban đón tiếp. Từ ngày sang Mỹ, chỉ có một lần Lễ tham dự vào hoạt động có mặt đông người. Đấy là dự cuộc tiếp đón ở nhà Micheal Fox, chỉ vì gia đình Lễ chân ướt chân ráo vừa mới đến Mỹ, qua sông thì phải luỵ đò... Hàng chục năm từ đó đến nay, Lễ không bao giờ xuất đầu lộ diện trước cộng đồng người Việt nữa, với ý nghĩ duy nhất là muốn tránh quàng vào người những việc bực mình như đã từng xảy ra trước kia...
Lễ cùng với ông Học chăm chú theo dõi từng bước đi của Hoà thượng trên đất Mỹ. Đốm lửa nhiệt tình của Lễ đã khiến Thảo thấy ấm áp phần nào. Thảo hỏi chồng:
- Em nghĩ rằng đạo Phật của papa Học đã giác ngộ anh?
- Anh có cảm tưởng như được giải thoát khỏi sự cô lập mình với cộng đồng người Việt ở đây.
- Do hai con mang đến cho anh bản sao bản Tuyên Ngôn Độc Lập của bà SÁU Nhơn hay là do đạo Phật của papa Học hả anh?
- Có lẽ do cả hai, em ạ. Anh đang cố bước ra khỏi cái kén của mình... Trên tivi anh đã tìm thấy những gương mặt chân thành trong các buổi đón tiếp hoà thượng Thanh Tự. ...Chúng ta mất Huệ, nhưng ngẫm lại, trời đã bù lại cho chúng ta Kim, cho chúng ta cún bông...
- Anh đang dần dần tìm lại được mình?..
- Anh nghĩ đến nghị lực của bà Sáu Nhơn và hiểu thêm sự ngã lòng của mình... - Lễ xiết chặt tay Thảo. Vào cái khoảnh khắc hạnh phúc trong tay chồng, Thảo bỗng nhớ lại tất cả... Và trong cái biển ký ức vừa trồi lên đó, Thảo như nhìn thấy Huệ, nghe tiếng Huệ gọi, và nhìn thấy Huệ chới với trên mặt biển cồn cào dậy sóng...
Mấy ngày nay Lễ gần như quên ăn quên ngủ, bận rộn với biết bao nhiêu việc của ban đón tiếp, lo từ bãi đỗ xe, đến từng cái ghế ngồi, từng chai nước uống, trạm cứu thương, các lều bán thức ăn nhanh (fast food), nơi nghỉ tạm cho những người đến dự lễ và trẻ em... Thảo có lẽ là người vui nhất, trong sự bận rộn của chồng, Thảo đang tìm thấy một Lễ khác, cởi mở, hoạt bát như Lễ ngày xưa... Có lúc Lễ nhờ Thảo điểm lại giúp từng việc đã làm. Trong những ngày này, cả hai vợ chồng Lễ ở ngay trong nhà ông Học để thuận tiện cho công việc. Ban tổ chức rất phấn khởi vì có Lễ là một thành viên tích cực. Lễ còn chuẩn bị kỹ kế hoạch đề phòng gây rối, phá hoại.
Trời cũng chiều lòng những người theo đạo Phật ở San Jose. Vào những ngày này thành phố đang được hưởng những tiết trời đẹp nhất của tháng mười, sự chờ đợi của các phật tử và những người theo đạo Phật càng thêm náo nức. Trước ngày làm lễ một ngày, các vị trong ban tổ chức và mấy chức sắc ở San Jose đi Ana đón rước Hoà thượng Thanh Tự về chùa Đức Trụ, cách San Jose không xa lắm. Ông Học tham gia đoàn đón tiếp này với tư cách là tín đồ cao tuổi nhất.
Còn những hai tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ làm lễ, song phần vì mong ngóng, phần vì muốn xem mọi việc chuẩn bị có chu toàn không, Lễ lấy xe đưa Thảo ra chùa rồi đảo quanh khu vực của chùa và bãi đỗ xe, các trạm đón tiếp... Các trật tự viên và những người hướng dẫn làm việc rất tích cực, bà con đi dự lễ kéo về rất đông.
Từ ngày sang Mỹ, đây là lần đầu tiên Lễ được nhìn thấy một cộng đồng khác của đồng bào mình. Vẫn bà con người Việt mình cả thôi, nhưng sao hôm nay có nét gì đó gắn bó với nhau, có vẻ gì đó phấn chấn trên nét mặt. Điều làm cho Lễ ngạc nhiên là số người còn trẻ đi dự lễ rất đông, nhiều cặp vợ chồng có con mọn, thỉnh thoảng có cặp vợ chồng địu con trên lưng hoặc xách con trong túi nôi. Trong số đó có nhiều người đến từ rất xa, phải đi từ một vài ngày trước.
Bỗng dưng có tiếng ồn ào của loa phóng thanh dội về, nhưng không nghe rõ được loa nói gì. Rồi tiếng điện thoại cầm tay của Lễ réo lên: Bọn xấu đang ngăn cản bà con trên đường vào chùa, xảy ra xô xát.
Lễ chạy ra xem, một đám đông khoảng sáu bảy chục người Việt, cả người lớn và trẻ con, đang gây rối. Những người này mang các khẩu hiểu đả đảo Hội Phật giáo Việt Nam, đả đảo sư cộng sản Thanh Tự, kêu gọi mọi người đừng dự lễ của sư cộng sản Hà Nội, đòi dân chủ và nhân quyền, đòi tự do tín ngưỡng... Có chỗ chúng giăng tay nhau chắn hết mặt đường, có tên ném cà chua trứng thối, phun mực màu vào những người đi dự lễ... Một vài chỗ đã xảy ra ẩu đả, vì các trật tự viên không chịu để bọn xấu quấy rối, nhiều người đi dự lễ cũng không chịu khuất phục bọn xấu. Quan sát kỹ, Lễ thấy Túc cụt trực tiếp chỉ huy bọn này. Cái tay cụt đâm đâm chém chém lên trời, tay còn lại cầm loa, luôn mồm, lúc khích bác những người đi dự lễ, lúc ra lệnh cho bọn đàn em hành động... Xa xa - dòng người đến dự lễ bị ùn lại.
Lễ liên hệ với lực lượng cảnh sát theo như hợp đồng đã ký, trong lòng cảm ơn Thảo về sự lo xa rất quan trọng này. Khoảng nửa giờ sau lực lượng cảnh sát làm xong nhiệm vụ hình thành vành đai giữ trật tự cho toàn bộ khu chùa. Mấy tên hung hăng trong bọn xấu tìm cách xông vào bên trong vành đai, liền bị cảnh sát đánh túi bụi và túm vứt ra ngoài. Trên mặt đường vào chùa, cảnh sát đã dồn xong bọn xấu vào đứng một bên đường, đặt dây bao quanh chỗ đứng. Một vài tên hung hăng trong bọn xấu vẫn cứ xông ra ngoài vòng dây, liền bị cảnh sát túm lên xe chở đi...
Hò hét cứ hò hét, loa réo cứ réo. Những người đến dự lễ vẫn điềm nhiên kéo vào chùa. Buổi lễ quy y tam bảo ngũ giới(*) [(*) Lễ quy thuật nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng (tam bảo) để tu thân tích đức theo 5 điều răn của đạo Phật.] bị chậm mất nửa giờ so với chương trình, một phần vì bị bọn xấu phá rối, song còn có lý do là số người về dự đông hơn dự định. Riêng số phật tử ngồi chịu lễ trong chính điện, nhà bái đường và nhà hành lang đã lên đến hơn năm trăm người, không kể hàng trăm tín đồ ngồi trên sân chùa cùng tham dự. Cùng dự lễ với Hoà thượng Thanh Tự tại tam bảo trong chính điện có nhiều cao tăng, tỷ kheo người Việt trong nhiều bang của nước Mỹ.
Buổi chiều số người dự lễ giảng kinh Niết Bàn của Hoà thượng Thanh Tự cả phật tử và tín đồ lên đến hơn một nghìn người. Ông Học thốt lên trong lòng: ...Từ ngày đặt chân lên đất Mỹ chưa bao giờ thấy sức mạnh của đạo Phật ta tuyệt vời, đáng yêu và đáng tự hào như vậy! Ôi Phật tại tâm, ta ở đâu tìm được Phật tại đấy! Xin cảm ơn trời phật mang đến cho ta hồn thiêng đất nước, cho ta ở đây nhưng vẫn được sống trong anh linh của tổ tiên... Trong khoảnh khắc, ông hầu như không cảm thấy không gian ngăn cách mình với quê hương, ông hồi tưởng lại toàn bộ cuộc đời của mình, nghĩ đến cha mẹ quê hương sinh thành ra mình, các anh chị em mình, con cháu mình... Phút chốc lòng ông se lại, nhưng rồi ông lại tìm ngay được niềm an ủi vô tận trong buổi lễ dạt dào lòng thành kính...
Kết thúc phần thuyết pháp Hoà thượng Thanh Tự nói:
- Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tịnh. Nghe kinh là để hiểu đạo trời, để hiểu tu thân tích đức theo Phật là tại tâm. Như vậy phải kiến tính mới có kiến tâm, có kiến tâm mới có tâm mong đạt tới tức tâm tức Phật được. Nói Phật tại tâm là tự thắp đuốc tìm đường cho mình đi tới Phật. Tức tâm tức Phật là như vậy. Vì thế cõi Niết bàn không phải là nơi nào đó trên chín từng mây cao xa, cũng không phải là cõi Trời Đầu suất nơi đức Phật Di Lặc đang ngự(*) [(*) Cõi trời Đầu suất, trong kinh Phật, kinh Tusita. Theo Phật lịch thì còn hơn 7 triệu năm nữa đức Di-lặc (Maitroya) mới xuất hiện.]. Niết bàn là cõi ngay trong tâm hồn ta khi ta đã kiến tính kiến tâm đến mức độ Phật ở ngay trong tâm ta, tâm và Phật chỉ là một. Hiểu như vậy Phật là tại tâm, tại trí, mà suy cho cùng tại trí là nhằm vượt qua vô minh để đến với ngộ, để kiến tính kiến tâm cho tâm mình trong sáng hơn. Tu thân tại tâm theo Phật như thế không có gì giống với mê tín dị đoan cả. Phật - Tâm ca của Tuệ Trung Thượng Sỹ dạy:
Khi tâm sinh ấy, tức Phật sinh
Nếu Phật diệt cũng là tâm diệt
Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu
Diệt Phật còn tâm bao thuở hết?
Muốn biết Tâm - Phật, Tâm diệt sinh
Hãy chờ về sau, Di Lặc quyết(**)
[(**) Nguyên văn chữ Hán:
Nhược tâm sinh thời thị Phật sinh
Nhược Phật sinh thời thị tam diệt
Diệt tâm tồn Phật thị xứ vô (Diệt tâm còn Phật không đâu có)
Diệt Phật tồn tâm hà thời hiết (Diệt Phật còn tâm lúc nào xong)
Dục trí Phật tâm, sinh diệt tâm
Trực đã đãi dương lai Di Lặc quyết.]
Người theo Phật cần ghi tâm khắc cốt: không có tâm thì không bao giờ có Phật, có tâm thì trước sau sẽ tìm được đến Phật, đâu có phải chờ cho đến lúc Di Lặc xuất hiện, định quyết và thuyết pháp.
Hỏi:
- Bạch Hoà thượng, chúng sinh sống nơi đất khách quê người. Chùa chiền không phải nơi nào cũng có. Kinh kệ không, người giảng cũng không. Lòng muốn theo Phật, nhưng trí tuệ vô minh, chỉ còn biết mồng một ngày rằm thắp hương tâm tâm niệm niệm, nhưng cũng không biết khấn vái thế nào. Chúng sinh nương tựa vào đâu được ạ?
Đáp:
- Đức Phật dạy thị tâm tức Phật, tâm tức thị Phật, chẳng kể phân biệt tâm của kẻ phàm phu hay tâm của Phật. Kinh Phật giảng: Tâm, Phật, cập chúng sinh, thị tam vô sai biệt. Nghĩa là: Cả ba Tâm, Phật và chúng sinh trong thị tâm chẳng có gì khác biệt nhau. Sách Phật còn nói: Rõ gốc biết tâm. Biết tâm là thấy Phật, tâm ấy tức Phật, Phật ấy tức tâm. Niệm Phật tâm, Phật tâm niệm Phật, tự quán tự tâm biết Phật trong tâm ta, không hướng bên ngoài kiếm tìm. Tâm ấy là Phật, Phật ấy là tâm. Hiểu như thế, chính tự tâm mình làm thầy giảng cho mình, là chỗ nương tựa của mình. Hiểu như thế, đều có thể tu tại gia, tu tại chùa, tu thân ngay trong ý nghĩ và việc làm trong đời sống hàng ngày của mình. Hiểu như thế sống ở đâu mà không tu thân được? Mình học được như thế, dĩ tâm truyền tâm, mình cũng có thể giúp người khác cầu học được. Phải học để hiểu kinh Phật, cố tạo mọi điều kiện để học. Nhưng lại chỉ lo học tìm theo ngữ nghĩa sáo mòn trong kinh điển thì là học cái không đáng học. Học như thế có khác nào mổ cá tìm ngọc trai, có bao nhiêu kinh kệ để làm gì? Học như thế khác nào người vô cảm không thấy mùa xuân ấm áp, học làm sao hiểu được ý nghĩa đào lý trổ hoa? Học như thế chỉ là chôn vùi nếp tổ tông và gọi yêu ma về lộng hành! Đường đời cũng dạy si tâm quy Phật thì chỉ rước được ma quái về để tôn thờ... Tà tâm làm sao tự thắp đuốc lên được cho mình để tìm đến Phật? Lễ bái để cầu mong thoả lòng tham, trắng đen được khoả lấp, thiện ác bất minh, phúc mình hoạ người... Chăm lo cho đạo như thế sẽ chỉ còn lại tà đạo. Ngẫm lại, còn phải nói: Nếu không vững lòng tin tưởng Tâm là Phật, mà lại tà tâm chấp định tu hành hư tướng để cầu công đức cho ứng dụng, thì chẳng qua là giai thị vọng tưởng, dữ phật tương quai, nghĩa là vọng tưởng làm trái ý Phật. Tu như thế đâu còn gì là tu hành! Vậy đừng lo tâm không có nơi nương tựa...
Hỏi:
- Bạch Hoà thượng, người ngay kẻ xấu không dung hoà được nhau, chúng sinh cùng tha phương cầu thực nhưng vẫn phải sống giữa vòng đố kỵ nhau, người yêu kẻ ghét, thù oán cũ không nguôi, việc mới không hiệp lực được, hoà mình vào bản xứ còn khả dĩ hơn cùng nhau tụ hội lại, đất nước chung cùng xa cách mà ghét yêu lẫn lộn, tâm trạng biến động khôn nguôi, làm sao cầu xin được Phật tổ gây dừng cho chúng sinh lòng vị tha, sống hài hoà một mối vì Phật, vì tổ tông đất nước?
Đáp:
- Hỏi như vậy là đã có tâm. Làm người theo sách Phật dạy phải biết phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc, nghĩa là phải luôn luôn xem xét lại cái phần gốc của chính mình không thể theo cái gì khác được. Một khi tự kỷ với tất cả tâm mình, sẽ tự mình biết được điều hay lẽ dở của chính mình, cái thiện cái ác ngay trong mình và của mình. Tự kỷ như thế sẽ hiểu được hay dở, thiện ác ngoài đời. Phàm là người không ai có thể tránh né sự phán xử của chính mình. Hiểu được như thế, tự phán xử được như thế, sẽ tự xoay lại được chính mình, mới có tâm, có chí và có trí nhận lấy trách nhiệm của chính mình giữa vô minh và giác, giữa hay và dở, giữa thiện và ác. Nhận chân được thiện ác mới tự trau dồi thêm được cho mình chơn tính tu tập đức hạnh của đạo Phật để trở thành chơn ngã. Thành tựu được hạnh chơn ngã mới có bản lĩnh tìm đường đi tới vô ngã, mới dám sống vì mọi người, tự nguyện gánh vác trách nhiệm chung, đẩy lùi dần mọi tỵ hiềm riêng tư, gây dừng lòng vị tha, sống hài hoà về một mối của lý tưởng chung, gìn giữ tinh thần độc sáng của giống nòi Việt là hiểu biết tôn trọng nhau, cùng nhau vì sự nghiệp phụng sự Tổ quốc. Tự kỷ như thế chính là trên đường đi tới Phật như Phật dạy trong kinh Dhammapada: Phải tu lập Tâm mình thành nơi quy hướng cho chính mình. Cũng vì thế kinh còn nói tới Tự kỷ Phật trong mỗi người. Sử sách còn cho thấy vua tôi đời Trần hiển hách ba lần thắng ngoại xâm Nguyên Mông. Sức mạnh ấy chỉ có thể tìm được ở Diên Hồng, vua tôi hoà đồng một lòng cứu nước, vì đạo lý của Phật cũng là lẽ sống của vua và thần dân. Không có được Tâm, Phật, cập chúng sinh thị tam vô sai biệt như đã nói, không lấy đâu ra hồn thiêng chung của đất nước mà giữ nước và dựng nước. Phật Dân Vua thị tam vô sai biệt như thế, Lẽ đời, Đạo, Phép nước thị tam sai vô biệt như thế, tất cả tạo thành hồn thiêng chung của đất nước. Hồn thiêng chung ấy của đất nước không phải ngày một ngày hai mà có được, càng không phải khi giặc ngoại xâm đến mới có. Hồn thiêng chung ấy của đất nước nảy nở từ truyền thống của tổ tiên, được hun đúc lại trong lời của Quốc sư Trần Tung dạy vua trong những ngày đầu lập nghiệp: “Phàm là đấng nhân quân thì phải biết lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình..." Vua là của dân và vì dân như thế, ý thức dân chủ thấm nhuần sâu đậm như thế, non sông đất nước này vững chãi mãi ngàn thu. Cho dù cực thái suy thịnh luân hồi, hồn Việt này mãi mãi soi sáng cho thế hệ con cháu mình mai sau... Mỗi người biết tự kỷ như thế, cả dân tộc mình biết tự kỷ như thế, đạo lý của Phật chẳng ngời sáng lắm sao?..
Hỏi:
- Bạch Hoà Thượng...
...Bụi trần ai như được quét sạch. Phật và người, người và Phật như chỉ là một trong lời thuyết pháp của Hoà thượng. Non sông đất nước xa vời vạn dặm bừng sáng trong tâm hồn, sưởi ấm lòng những người con xa cách.
Khi ông bà Học, vợ chồng Lễ - Thảo cùng với tín đồ, phật tử bừng đứng dậy cúi đầu tạ từ Hoà thượng Thanh Tự, thành phố đã lên đèn...
Mọi người trong ban tổ chức đưa Hoà thượng từ chùa đi xe ra thẳng sân bay. Riêng Lễ ở lại vì đảm nhiệm giải quyết mọi công việc thu dọn sau buổi lễ và buổi thuyết pháp. Mọi người tham gia việc thu dọn cảm thấy như được tiếp thêm sức sống mới, ai lo việc nấy rất hồ hởi. Từ ngoài sân, đến trong nhà Tam Bảo, trên hai hành lang của chùa.., mọi người tay làm miệng nói, chỗ nào cũng chỉ trầm trồ xoay quanh một ý về buổi thuyết pháp mỹ mãn.
- Hoà thượng giảng giải chí lý quá.
- Đúng là tâm có sáng thì mới ngộ được đạo...
- Ở trong nước từ Bắc chí Nam, Hoà thượng đi thuyết pháp nhiều nơi lắm, buổi nào cũng có hàng nghìn người dự.
- Ước gì mỗi tháng được nghe Hoà thượng thuyết pháp một lần vào tuần ăn chay nhỉ!
- Mong Hoà thượng sống lâu gìn giữ đạo cho đời...
Khi vợ chồng Lễ - Thảo đứng dậy chia tay mọi người trong ban tổ chức ở nhà ngang, Lý Lam từ đâu lù lù bước vào.
- Cửa Phật rộng mở, tôi vào được chứ ạ? Xin chào tất cả các chư vị. Chào bà Thảo.
- Chào ông Lý, chắc ông Lý đến yêu cầu chúng tôi làm báo cáo kết quả buổi lễ của Hoà thượng Thanh Tự có phải không ạ? - Lễ hỏi.
- Không dám. Tôi đến đây xin thương lượng hai việc nhỏ. - Lý Lam đáp.
- Lại còn thế nữa? Biết vậy sáng nay tôi đề nghị ông Lý ra lệnh cho Túc cụt đừng đưa người đến phá đám chúng tôi. - Lễ nói phủ đầu luôn.
- Vâng, mọi việc cũng hơi quá đà một chút, nên tôi phải đến ngay vào giờ này.
Lễ rót cho Lý Lam chén nước:
- Xin mời ông Lý nói đi.
- Một là xin các chư vị chùa Đức Trụ có lời với báo chí, đừng để họ nói quá về sự lỡ trớn của các đàn em sáng nay. Hai là có mấy người bị phun mực chiều nay đã phát đơn kiện chúng tôi, mong chư vị có cách nào bảo họ rút đơn kiện được không? - Lý Lam đỡ chén nước nhưng chưa uống.
Mọi người hết nhìn nhau rồi lại nhìn Lý Lam. Mãi mới có người đáp lại:
- Thưa ông Lý Lam, tôi e rằng cả hai việc ông yêu cầu đều nằm ngoài khả năng của nhà chùa. - Một vị chức sắc của chùa nói ý kiến của mình.
- Tôi biết chư vị sẽ nói như vậy, nhưng vẫn phải vác mặt đến. Không biết ông Lễ có cao kiến gì hơn không ạ?
- Ông Lý ạ, xứ này là tự do báo chí mà, nên việc thứ nhất dù chúng tôi có muốn cũng không giúp ông được. Việc thứ hai, nếu ông Lý cho tôi biết tên và địa chỉ những người phát đơn kiện, tôi hứa sẽ cố giúp. - Lễ trả lời.
Lý Lam cân nhắc một lúc:
- Tôi nghĩ ông Lễ trả lời thật lòng. Thôi đành vậy, được một việc còn hơn không được việc nào.
- Ông yên tâm, tôi sẽ làm đúng như tôi nói. Nhưng tôi không thể không băn khoăn là khẩu hiệu tự do tín ngưỡng ông trưng lên hình như chỉ nhằm tự do phá tín ngưỡng. Có phải vậy không ông Lý?
- Sư cộng sản thì làm sao nói được tín ngưỡng để mà tự do, để mà tín ngưỡng, thưa ông Lễ? Các chư vị có lẽ không biết, tôi đã ngồi nghe suốt buổi, từ đầu chí cuối. Hoà thượng nói na mô Phật thế đấy, nhưng trong lòng một bồ dao găm. Tất cả các chư vị đây chắc không lạ gì chuyện này chứ?
- Tôi xin ông Lý, tất cả các tôn giáo cần được kính trọng. Chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng mà! - Lễ khẩn khoản.
- Xin lỗi ông Lễ, ông nhầm to rồi, hay là đánh trống lảng? - Lý Lam xách mé.
- Điều này thì xin tuỳ ông nhận thức theo tâm địa của ông, tôi không nhận thức giùm cho ông được. Tôi thật không hiểu vì sao ông thù ghét đất nước đến cùng như thế, ông Lý ạ. - Lễ bác lại, cố giữ điềm đạm.
- Thú thực, chính tôi cũng không hiểu vì sao cả hàng chục năm nay ông Lễ nằm im đắp chăn, bỗng dưng ông thành phật tử đầu đàn như hôm nay. Ông quả là có tài tổ chức, mọi việc chu đáo không ngờ...
- Sắp tới ông Lý định làm gì? - Lễ hỏi.
- Trước mắt chúng tôi sẽ vận động bang Cali này và bang Virginia tẩy chay cờ đỏ sao vàng của Hà Nội, cờ Việt chính thức ở đây vẫn phải là quốc kỳ Cộng hoà của chúng ta. Tiến tới sẽ không cho một phái đoàn chính thức nào của cộng sản Hà Nội được bén mảng đến mảnh đất này!
- Ông Lý Lam quyết như vậy? - Một ai đó từ phía trong hỏi vọng ra.
- Xin chư vị yên tâm, chúng tôi đã thắng trong vụ cá basa, chúng tôi sẽ thắng tiếp và không chịu nghỉ ngơi đâu. Các chư vị cứ chờ xem.
- ???
Lễ thấy tiếp tục câu chuyện như thế này chỉ tổ mất thời giờ và thêm bực mình, toan đứng dậy cáo lui, thì một vị chức sắc của chùa vặn lại Lý Lam:
- Bây giờ tôi xin hỏi, ông Lý Lam đang là công dân Mỹ chống lại Việt Nam, hay ông là người Việt đang chống lại nước mình?
- Tôi xin lỗi, rõ ràng là luận điệu của Phật giáo. Người Thiên chúa giáo chúng tôi không tự hỏi mình câu hỏi ngớ ngẩn như vậy. - Lý Lam đáp lại, mặt thản nhiên.
- Chết, ông Lý Lam lại bài xích cả đạo Phật của chúng tôi nữa? - Một vị chức sắc trong chùa lên tiếng. - ...Tôi hỏi ông về tính cách con người ông là ai chống lại nước mình, thế mà ông lại đả kích đạo của chúng tôi. Như vậy có nên không hả ông Lý Lam? - Vị chức sắc nọ từ tốn.
Lễ thấy câu chuyện có chiều hướng nguy kịch, vội đứng dậy can:
- Xin các chư vị bình tĩnh. Tôi đề nghị cả ông Lý cũng thế. Các vị có thể tranh luận với nhau hết nhẽ về mọi vấn đề các vị quan tâm. Nhưng tôn giáo là chuyện thiêng liêng, bên giáo cũng như bên lương, tôi chân thành xin các vị đừng đem tôn giáo ra bài bác nhau.
- Tôi biết đạo Phật của các ông từ những ngày còn ở Sài Gòn cơ, chớ không phải chờ đến hôm nay. - Lý Lam tỏ ra bình tĩnh, phớt lờ ý kiến của Lễ. - ...Lẽ ra bây giờ là lúc các ông phải hồi tâm lại, tính sổ xem các cuộc nổi dậy của phong trào phật tử các ông trong những năm ấy đã góp phần làm suy yếu Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta đến mức nào, đã đóng góp bao nhiêu phần trăm vào cái ngày ba mươi tháng tư khốn kiếp thì mới đúng chứ!
- Tôi tán thành ý ông Lễ. - Vị chức sắc vừa mới nói lại lên tiếng. - ...Chúng ta không nên bài xích tôn giáo của nhau nữa. Nhưng ông đã lên tiếng trước, tôi cũng xin có lời thế này: Tôi cũng có thể nói xấu Thiên chúa giáo không kém ông nói xấu Phật giáo. Nhưng tôi không muốn thế. Vì vậy tôi xin mách ông cuốn sách "Catholic Plot Against Buddhism" của Hội Phật giáo Thái Lan xuất bản. Đọc nó ông sẽ hiểu ngay Thiên chúa giáo đã làm gì chống lại đạo Phật, chống lại quốc gia.
- Sách dễ mua lắm, ông Lý Lam ạ. - Một vị chức sắc khác đỡ lời. - ...Nhà xuất bản Mont Dora, Florida 32757. Ông có thể nhờ ông Chu Vân Trì ở Florida giúp cho, mua bao nhiêu cuốn cũng được. Một lần nữa tôi xin ông miễn cho việc tự tôi phải nói xấu đạo của ông. - Vị chức sắc của nhà chùa giữ một giọng đều đều.
Lễ đứng dậy một lần nữa, hai tay khoát sang hai bên như người giảng hoà:
- Khổ quá, xin cả hai bên tự kiềm chế đi. Tôn giáo là điều thiêng liêng. Tôi xin các vị...
Lý Lam coi như không nghe thấy gì, cũng không thèm nhìn về phía Lễ, vẫn một giọng ngang nghiên:
- Rõ ràng là vị Hoà thượng chiều nay đã nhồi nhét vào đầu các vị nhiều điều mê hoặc. Tôi cũng xin nói thực lòng là tôi hoàn toàn không hiểu tại sao các vị đến nông nỗi phải lưu lạc sang đây mà vẫn giữ lòng tin, hay chí ít là thiện cảm với chế độ Hà Nội, một chế độ cộng sản khét tiếng là tàn bạo. Các vị lẫn lộn quê hương với chế độ này! - Lý Lam càng nói giọng càng quyết liệt.
Mọi người chung quanh nhìn nhau cười, tỏ ý không muốn tranh luận với Lý Lam nữa và cũng chờ đợi hắn ta đứng dậy ra về. Nhưng chuyện này không xảy ra. Lý Lam cầm chén nước đứng lên uống, rồi thách thức:
- Lý tôi nói trúng tim các vị rồi, có phải thế không ạ?
Tiếng cười ran lên. Lễ đã đứng dậy từ lúc nãy, bây giờ lại phải ngồi xuống. Chờ cho tiếng cười ngớt đi, Lễ mới lên tiếng:
- Tôi đã định ra về rồi, nhưng ông Lý nói năng ngang tàng quá, nên đành ngồi lại tiếp chuyện ông Lý lúc nữa vậy. Tôi nghĩ đơn giản thế này thôi, cứ cho là ông Lý có lý đi, nhưng xin hỏi, giả thử chế độ Hà Nội đúng như ông Lý nói, thì liệu ông Lý - và cả tôi nữa - có được ngồi đây thân thể vẹn toàn như thế này để khích bác lẫn nhau được không?
- Trí nhớ ông Lễ hồi này suy tàn rồi.- Lý Lam đĩnh đạc.
- Chiến tranh băm vằm đất nước mình tàn khốc là thế, chém giết lẫn nhau bao nhiêu năm là thế mà ông Lý vẫn chưa chán hả?
- Nói thế là quên mất cả quốc hận nữa rồi ông Lễ ơi! - Lý Lam dè bỉu.
- Ông Lý đừng đánh trống lảng.
- Ông Lễ này, nói toạc ra với nhau đi! Tôi thực lòng không hiểu vì sao ông cứ lầm lẫn coi cái chế độ chính trị Hà Nội và tổ quốc là một thế hả ông? Ông không đọc báo mấy hôm nay à? Ông không thấy mấy tù chính trị vừa mới được Hà Nội thả ra đang có mặt ở Washington để vận động mấy ngài thượng nghị sỹ Mỹ đứng ra can thiệp, giúp đỡ cho lộ trình dân chủ hoá Việt Nam à? Xưa nay tôi vẫn tưởng ông là người thông tuệ...
- Lễ ngồi im.
- Sao lại câm như hến vậy, ông Lễ?
- Tôi không có gì để bình luận cả ông Lý ạ. Đơn giản là vì tôi không tìm thấy được sự khác nhau bao nhiêu giữa những việc mấy ông tù chính trị này làm và những việc ông đang làm. - Lễ điềm đạm trả lời.
Lý Lam bị hẫng mất một lúc, vì không ngờ Lễ đáp lại như vậy, song ngay lập tức lại cố cười lên thật to một tràng dài:
- Ha ha ha!.. Thế là được tẩy não "hết xảy" rồi!..
Chờ cho Lý Lam im hẳn, Lễ mới thong thả nói tiếp:
- Tôi thấy tiếng cười của ông Lý chứng tỏ sức khỏe ông tốt lắm... Ông và tôi, cả hai chúng ta nên cố nhớ lại xem những ngày ở trại cải tạo B7 ở Bảo Lộc có bị một nhục hình nào không nhỉ, hay là cả hai chúng ta đều được nuôi béo phây... Trong khi đó người dân không đủ gạo ăn và phải ăn độn cả hạt bo bo! Không có chuyện ấy thì làm sao có được tiếng cười đầy sinh lực của ông hôm nay nhỉ?
- Thế ông Lễ quên khuấy mất chuyện mỗi ngày ông ghánh bao nhiêu thùng nước? Cuốc mấy luống rau? Trí nhớ suy tàn rồi à?.. - Lý Lam moi móc.
- Lễ lặng im, không nhúc nhích. Chính Lễ cũng không rõ vì lẽ gì cho đến nay chưa một lần Lễ kêu ca, dù cả với Thảo, về những khổ sở thân thể và vật chất phải chịu đựng trong suốt thời gian ở trại cải tạo. Ngay cả khi chỉ có hai mẹ con ngồi nói chuyện với nhau, cụ Tuyên bà hỏi chuyện này, Lễ vẫn tìm cách lảng tránh câu trả lời... Sự chịu đựng bền bỉ hay lòng tự trọng của nam giới?.. Chính Lễ cũng không rõ...
- Sao, ông Lễ làm thinh à?...Hay là ông Lễ bây giờ u mê rồi? - Lý Lam không buông tha.
- Lễ vẫn lì ra, ngồi im.
- Ông Lễ thực lòng không biết gì về bao nhiêu gia đình các sĩ quan bị tan nát vì phải sống không thời hạn trong trại cải tạo hay sao? Người thì vợ bỏ đi lấy chồng khác, người thì con gái phải đi làm điếm để kiếm sống. Ông không hay biết gì về số phận của biết bao nhiêu thuyền nhân xấu số? Chính ông bây giờ có lẽ cũng quên mất cô gái rượu của mình chết chìm dưới biển có phải không?!.. Có phải ông bây giờ là như thế không hả ông Lễ? - ngón tay trỏ của Lý Lam chĩa thẳng vào mặt Lễ.
- Lý Lam! - Lễ gầm lên, bật dậy khỏi ghế. Thảo cắn răng cố sức kéo Lễ ngồi xuống. Nhưng Lễ vẫn đứng vùng dậy, xông đến trước mặt Lý Lam, một tay Lễ đã túm lấy ngực Lý Lam, một tay nắm lại...
Vì quá bất ngờ, Lý Lam ngây đơ như khúc gỗ, nhưng cũng kịp trấn tĩnh lại ngay, mắt gằm gằm nhìn thẳng vào mắt Lễ.
Một sức mạnh hay một điều gì đó gần như bản năng ập tới trong Lễ. Bỗng dưng toàn thân Lễ tê dại, vết thương sâu kín nhất trong lòng toạc máu. Lễ toan đấm thẳng vào mặt Lý Lam nhưng cánh tay tự nhiên cứng ngắc. Bất giác Lễ buông Lý Lam và chợt hiểu ra mình không thể xử sự như thế này. Cũng lúc này Thảo đã kịp chạy tới kéo Lễ trở về chỗ ngồi. Lễ đi theo vợ như một người máy. Lý Lam vẫn đứng yên tại chỗ, hai tay vuốt lại tóc tai áo xống, mắt không rời Lễ.
Vào chỗ ngồi, Lễ còn đứng dậy một lần nữa, nhìn chằm chằm vào Lý Lam. Không khí cả gian chùa đột ngột căng thẳng. Một lát sau Lễ nói tiếp, nhưng giọng nói đã bình tĩnh trở lại:
- Nếu người làm nên cái ngày ba mươi tháng Tư không phải là Hà Nội, mà là Sài Gòn, là những người như ông, ông thử hình dung xem cái Quốc gia mà ông coi là tổ quốc sẽ xử sự với những người phe cộng sản Hà Nội như thế nào? Ông cố nhớ lại những tội ác của lính Quốc gia, những trại giam Chín Hầm, trại giam P42 ở Sở Thú và hàng trăm, hàng trăm trại giam khác khắp miền Nam, các chuồng cọp... Ông nhớ lại đi, chế độ Cộng hoà của chúng ta đã đối xử với Việt Cộng như thế nào? Làm sao ông chóng quên thế?!
- Ông Lễ nhầm rồi, lúc đó đang chiến tranh! - Lý Lam bật lại ngay. - ...Chiến tranh có luật riêng của chiến tranh. Ông bị mê hoặc nhiều quá rồi đấy, đại tá... ạ! - Lý Lam toan gọi Lễ là đại tá hụt nhưng còn kịp ghìm lại.
- Lý Lam, ông lại nhầm nữa. Ông bảo những người theo đạo Phật chúng tôi bị cộng sản mê hoặc. Ông cho mình là người ngoan đạo, như thế chắc ông còn nhớ ai là người đã đưa ra khẩu hiệu cho giáo dân miền Nam là "Thà mất nước, chứ không chịu mất Chúa! Phải diệt Cộng!" Ông còn nhớ người đưa ra khẩu hiệu này chứ? Tại sao Dụ số 10 của Tổng thống Cộng hoà Việt Nam chỉ thừa nhận Thiên chúa giáo là tôn giáo, còn mọi đạo khác thì đều bị coi là các thứ hội chứ không phải tôn giáo? Ông Diệm, ông Thiệu có giải thích cho ông rõ vì sao không? Trong khi đó cộng sản Hà Nội lại đề ra phong trào "kính Chúa yêu nước" cho đồng bào công giáo. Chẳng lẽ ông không biết chuyện này?
- Xem ra nước Mỹ mãi không cho ông Lễ nhập cư là rất đúng, nhưng rồi lại cho ông nhập cư là rất sai! Người Mỹ kém sáng suốt ở chỗ này. Lẽ ra chỉ nên cho toàn những người theo đạo Thiên chúa hay đạo Tin lành nhập cư thôi, đừng cho bọn người bên lương hai mặt như các ông!
Tiếng cười chế nhạo ran lên.
- Ông vơ cả nước Mỹ vào câu chuyện của chúng ta rồi! Như thế chẳng còn gì để nói. Xin chào tất cả các chư vị. Đã khuya rồi, tôi xin phép... - Lễ chủ động đứng dậy, cúi đầu chào mọi người theo kiểu nhà Phật để tránh phải bắt tay Lý Lam...
- Ông Lễ hãy nán lại tí đã, chúng ta có đấm nhau đâu mà phải tránh! - Lý Lam giơ hai tay khua khua để ngăn lại. - ...Xin ông Lễ và các vị ngồi đây hãy nghe rõ cho. Ông Lễ và tất cả các vị ngồi đây đều mang quốc tịch Mỹ hết thảy rồi đấy! Các quý vị không mê ngủ đấy chứ?..
Lễ lại thấy như bị điện giật, bất giác hai bàn tay nắm lại, hai hàm răng nghiến chặt. Câu nói của Lý Lam như lại xé toạc một nỗi đau khác nữa của Lễ và hình như của cả nhiều người khác. Cả gian chùa im bặt... Lý Lam cười ha hả thưởng thức chiến thắng của mình:
- Ô hay, các vị có cái gì trong đầu thì nói lên đi chứ! Có ai thôi miên các vị đâu mà im như thóc cả vậy?
- Không có câu trả lời.
- Các vị quên mất cả quốc hận thật! Không sai vào đâu được!.. - Giọng Lý Lam san sát, miệng nói, tay chỉ chỉ vào mặt mọi người. - ...Cái cờ cắm ở giữa sân chùa này cũng là cờ Mỹ! Chẳng lẽ đạo Phật của các vị không dạy dỗ người tu hành và các phật tử của mình đạo lý ăn cây nào rào cây ấy hay sao!..
- Lý Lam! Đồ súc sinh! - Một tiếng quát lên ở đâu đó vang lên rất to.
Trong tiếng cãi cọ ồn ào, Lễ nhổ nước bọt xuống đất, chẳng nói chẳng rằng, dứt khoát đứng dậy bỏ ra về. Cũng đúng lúc này Thảo đứng dậy kéo Lễ đi...
...Đêm hôm ấy, tức là vào lúc buổi sáng ở Việt Nam, Lễ nói chuyện với ông Nghĩa hơn một giờ đồng hồ qua điện thoại về chuyến đi thuyết pháp của Hoà thượng Thanh Tự tại Mỹ, sự phấn chấn của bà con người Việt, sự quậy phá của đám Lý Lam. Lễ kể rất nhiều, hình như hơi thở cãi cọ với Lý Lam xen vào từng chi tiết những điều Lễ kể cho anh mình...
Ông Nghĩa có thể hình dung nhiều khía cạnh sâu xa của buổi thuyết pháp. Bất giác ông lại nhớ đến buổi tranh luận lần đầu tiên với Lễ hôm nào khi từ trại cải tạo về thăm nhà...
Lễ còn nói nhiều nữa, hỏi nhiều nữa... Điều Lễ không kể, nhưng ông Nghĩa nhận biết rất rõ là sự phấn chấn của chính bản thân Lễ, những thay đổi đang trỗi dậy trong Lễ, thể hiện rõ nhất qua sự bộc bạch của Lễ về những lo lắng trong thâm tâm trước biết bao nhiêu vấn đề đất nước đang phải đối mặt... Ông Nghĩa lo gấp nhiều lần nỗi lo của em mình, những chuyện chọc ngoáy của Lý Lam chìm nghỉm trong nỗi lo này.
...Về cuối, khi Lễ trong điện thoại nhắc đến mẹ, ông Nghĩa bất giác với với đưa tay ra muốn ôm lấy em mình... Một giọt nước mắt tự dưng lăn xuống trên má. Không ôm được Lễ bên kia nửa trái đất, cánh tay ông với với đón lấy giọt nước mắt...
Đêm hôm đó ông Nghĩa tâm sự với vợ:
- Nguyệt ạ, sau một phần tư thế kỷ đất nước thống nhất, anh và Lễ đang ngày một gần nhau hơn, có phải thế không Nguyệt nhỉ? Phải chăng sự thống nhất trong lòng dân tộc đến chậm hơn chúng ta mong mỏi rất nhiều? Em có nghĩ như vậy không?
- Em lại nghĩ hơi khác, anh ạ. Nói cho thật khách quan, em thấy chú Học, Lễ là những người có nhân cách. Dù theo chính kiến nào thì trong con người của chú Học, của Lễ ngoài tình máu mủ ruột thịt ra vẫn có một phần quê hương đất nước. Đòi hỏi chú Học và Lễ chấp nhận chế độ của chúng ta là không tưởng anh ạ. Vì ngay bản thân anh cũng phê phán kịch liệt những tha hoá vẫn còn hiện diện trong chế độ ta! Nhưng chú Học và Lễ có bao giờ đòi hỏi hay chờ đợi anh cũng phải chung một chính kiến đâu? Em muốn nói đây là sự chuyển dịch của hai phía trong những bước đi chung của đất nước anh ạ.
Ông Nghĩa ngẫm nghĩ một lúc rồi ôm lấy vợ:
- Ôi Nguyệt!.. Ngồi sát em thế này mà anh vẫn ngỡ là em đang đứng trên bục giảng bài!.. Em mãi mãi là cô giáo của anh.
- Anh không giận em chứ?
- Không. Em nói thật lòng! Đúng là phải nói đây là sự chuyển dịch của cả hai phía em ạ! Chuyển dịch trong bước đi chung của đất nước! Anh cũng thấy từ khi đổi mới mới có sự chuyển dịch này. Nhưng một phần tư thế kỷ sau khi đất nước thống nhất rồi mới bắt đầu rục rịch được như thế thì vẫn là chậm quá, có phải thế không em?
- Quả là như vậy, đến bây giờ là ba thập kỷ rồi anh Nghĩa ạ.
- Trước khi trở về Mỹ, chú Học nói đi nói lại với anh mấy lần về chuyện này, tiễn chú ở sân bay, chú vẫn còn nhắc lại... Đất nước mình bây giờ có một cộng đồng máu mủ ruột thịt gần ba triệu người ở nước ngoài, một vết thương lớn của dân tộc, chỉ có thể chữa lành bằng cách làm cho thực tế đau lòng này trở thành một cơ may... Thành một cơ may em ạ...
- Ôi, suy nghĩ của cái tâm, anh Nghĩa ơi!.. - Bà Nguyệt thốt lên, ôm chặt lấy chồng vì xúc động.
- Em ạ, chú nói với anh là Đảng của cháu đứng trước sự lựa chọn: Hoặc là làm cho thực tế đau lòng này trở thành cơ may không một quốc gia nào trên thế giới có thể có được, làm cho cộng đồng người Việt ta ở nước ngoài trở thành cánh tay cho đất nước vươn ra bên ngoài, bắt tay với thế giới bên ngoài, cầu nối của đất nước với thế giới…
- Vâng!.. Thật là Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...
- Chú Học là người có thể hiểu được vết thương lớn này anh ạ!
- So với suy nghĩ của Tân, anh thừa nhận em lúc nào cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc của con. Em còn nhớ những suy nghĩ của con về Đảng, về dân tộc mình chứ? Mai thế mà chững chạc hơn Tân nhiều em ạ...
- Chị thì phải hơn em chứ!.. Nhưng mà anh Nghĩa ạ, con cháu chúng ta bây giờ hiểu rộng, biết nhiều, song rõ ràng chúng ta còn phải hỗ trợ con cháu nhiều về mặt đạo lý... Anh cứ để ý xem bà con người Việt ở nước ngoài về làm ăn trong nước ngày càng nhiều sẽ thấy rõ điều này. Trước đổi mới làm gì có chuyện này.
- Đúng thế em ạ!
- Em nhớ thím Học đã có lần kể cho em nghe một bí mật của chú Học. Lúc đầu thím cứ ướm đi ướm lại chưa kể, em cứ đinh ninh là chú Học có bồ hay có bà hai gì đó... Nhưng câu chuyện hoá ra là trước khi về thăm đất nước lần đầu tiên, một ông bạn thân của chú nhất mực khuyên chú không nên về, thậm chí còn sẵn sàng đánh cược bảy nghìn đô la nếu chú Học về nước không bị bắt và vẫn có thể trở lại Mỹ bình an.
- Chú Học được cược chứ?
- Em không biết, nhưng chú Học cũng khác trước nhiều, anh có nhận thấy thế không?
- Về con người, anh thừa nhận những người như chú Học nhà mình, bà Sáu Nhơn... là những con người luôn luôn giữ được chỗ đứng của mình trên đường đời, những con người thực sự tự do... Làm người như vậy quả thực là khó em ạ, và phải có bản lĩnh...
- Hay lắm, thế là anh tự thú nhận mình là người thiếu bản lĩnh!.. Tự anh thú nhận đấy nhé!
- Trời ơi Nguyệt, em ác quá... - ông Nghĩa nhăn nhó, đưa hai tay ôm ngực.
- Em xin lỗi!
- Ôi Nguyệt ơi... - ông Nghĩa rên rỉ, mày chau lại vì thấy trong tim đau nhói về nhiều lẽ. Ông quàng tay ra, ôm chặt lấy vợ mình, không nói không rằng nữa, nước mắt tự nhiên giàn giụa.
...Trời ơi anh Nghĩa, sao lúc này tự nhiên em thấy nhớ mợ quá! Tại sao thế hả anh? Nói cho em biết đi! Tại sao thế hả anh?..
Những lời giục giã, thổn thức... của Lễ trong điện thoại như xé nát trái tim ông...
Ông Nghĩa cứ để yên cho những giọt nước mắt của mình lăn trên má vợ, càng ôm riết vợ vào lòng... Quá khứ cả đời mình ào ào đổ về trong tâm thức, ông run lật bật và cảm thấy như chính mình đang chết lặng...
- Ôi anh Nghĩa!.. - bà Nguyệt xiết chặt lấy chồng, hai mắt nhắm nghiền.
Việc Bạch Liên, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu có tiếng tăm và đang ăn nên làm ra, đột nhiên biến mất, không thể giữ kín mãi được trước dư luận. Vì thế công an đã phải đưa tin công khai trên báo chí: Bạch Liên chết đột ngột ở nhà riêng, các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ sự việc. Lúc đầu cái tin giải thích trên báo chí như thế làm rộ lên một số thắc mắc mới: ...Chắc là lãi giả lỗ thật, bây giờ sập tiệm nên tự sát chăng? Thương trường căng thẳng, chết đột ngột vì stress?.. Tin đồn Bạch Liên đã ra nước ngoài xin tỵ nạn chính trị xẹp đi, những xôn xao về sự biến mất của Bạch Liên cũng lắng xuống. Người đời còn bận rộn với biết bao nhiêu việc kiếm sống hàng ngày, lại bận rộn với biết bao tin đồn mới khác, chuyện khác... Trong khi đó công ty xuất nhập khẩu Bình Tiến vẫn giữ đều nhịp điệu hoạt động của nó, vừa qua mới được báo chí biểu dương là đơn vị hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thuế cả năm và tích cực mua công trái xây dựng trường học...
Thời gian như đang làm lu mờ việc khởi sự lại vụ án heroin của Chín bà. Thời gian như đang đẩy cái chết của Bạch Liên vào lãng quên. Đôi ba lần ông Tám đã gặp riêng đồng chí trong Thành uỷ trực tiếp thụ lý vụ án Chín Tạ, đều được trả lời: Đây là vụ trọng án, phức tạp lắm, còn đang thời kỳ điều tra bí mật, trên không muốn gây hoang mang hoặc rung chà cá nhảy... Ông Tám vô cùng phân vân. ...Bí thư đã hứa rành rọt với mình giải quyết đến nơi đến chốn vụ này kia mà!..
Vào một buổi sáng khác, lại những lời rao của trẻ em bán báo làm chao đảo cả thành phố: Xuất hiện Tô Trường Giang mới!.. Tên sát nhân Tô Trường Giang mới đã bị bắt!.. Đã tìm ra kẻ giết hai chị em gái con một gia đình nông dân ở rừng Ea Kar cách đây hai năm! Thủ phạm không ai khác là Đoàn Danh Thắng. Tội ác được diễn ra trong một lần hắn đi săn trong rừng sâu.
Cả một ngày trời ông Tám Việt bàng hoàng với cái tin này đăng trên báo và những lời chất vấn gay gắt của người đọc. Buổi tối tivi lại đưa lại tin này, cũng đưa lại nhiều ý kiến phẫn nộ của những người dân Cà Mau, Đồng Tháp, Hà Nội và nhiều thành phố khác. Trong khi đó ông Tám vẫn chưa thấy Thành phố đả động gì đến vụ án bộ ba Chín Tạ - Thắng - Bạch Liên. Buổi tối ông Tám gọi điện thoại trực tiếp cho bí thư Thành phố, được biết bí thư đang ở Hà Nội bàn xử lý vụ trọng án này...
Ông Tám muốn bay ngay ra Hà Nội hỏi xem vụ án bộ 3 này đã lên đến cấp cao hơn nữa chưa? Vì sao ngâm cứu lâu thế?.. Lúc này mà có thêm cánh Nghĩa và Lê Hải để trao đổi thêm thì tốt biết mấy... Đấy là sự im lặng để đi đến một quyết định chín chắn? Đấy là sự im lặng của trạng thái cứt trâu để lâu hoá bùn? Đấy là sự im lặng để tìm một giải pháp thoả hiệp?.. Nói gì thì nói, không thể nói khác, đấy là sự im lặng đầy lo lắng, ngờ vực...
Giữa lúc này, ông Tám nhận được giấy mời đi dự lễ nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
...Một nửa thế kỷ đứng trong hàng ngũ của Đảng! Ôi vinh hạnh lắm chứ! Mãn nguyện lắm chứ! Nhất là khi ông đã là người có quyền nghỉ ngơi và nhìn lại sự nghiệp cả đời mình...
Nhưng ông Tám chỉ cảm thấy bứt rứt mung lung trong người. ...Bứt rứt vì những câu hỏi đầy day dứt về Đảng. Mung lung vì những người như Chín Tạ, như Thắng, như Bạch Liên đang đứng chung một Đảng với ông, bọn này đang mang danh là đồng chí của ông!..
Ông tự hỏi những người đã ngã xuống vì đất nước này, vì Đảng này sẽ nghĩ gì về tội ác đó... Ông nghĩ về công tác xây dựng Đảng, về năng lực và phẩm chất của Đảng bây giờ? Ông nghĩ, nếu bà Sáu Nhơn biết được những chuyện này chắc bả cũng phải từ dưới mồ đứng dậy... Lương tâm người đảng viên, lương tâm người dân tin tưởng vào Đảng, ai có thể dửng dưng trước những tội ác này? Ai có thể dửng dưng trước thực trạng này...
Làm gì? Hành động gì? Trước thực trạng này? Chẳng lẽ câm lặng? Cứ nhận huy hiệu đi! Công lao ấy to lớn lắm! Công lao của mình, mình hưởng, nghĩ lung tung làm gì? Mà nghĩ như thế được gì? Gái goá lo việc triều đình!? Chuyện của Đảng, cả Đảng phải lo, đâu phải của riêng mình!.. Bây giờ nghỉ hưu rồi... Đã đứng sang bên lề cuộc sống rồi, là phó thường dân... Mình còn làm được gì nữa?.. Mình hoàn toàn có quyền nhìn lại một nửa thế kỷ hiển hách đứng trong hàng ngũ Đảng quang vinh chứ? Đã có một lần nào mình nhụt chí phấn đấu? Đã có một lần nào mình nói dối Đảng, dù chỉ là trong ý nghĩ! Đảng của mình là như thế, Đảng đối với mình là như thế... Ông nhớ đến những ngày đi tù ở Côn Đảo trước Cách mạng Tháng Tám, lúc ấy ông chưa được kết nạp Đảng và là người tù dưới tuổi vị thành niên. Ông bị mật thám bắt quả tang trong khi làm đường dây liên lạc của Đảng... Ông nhớ đến những ngày đi theo đồng chí Lê Duẩn trong bưng biền khắp vùng Nam bộ... Rồi đến những ngày đi mở đường Trường Sơn trên núi, đường Trường Sơn dưới biển, tất cả cho Mỹ phải cút, nguỵ phải nhào... đến những năm tháng vật lộn với cái đói, với cái thiếu đang muốn bóp chết Thành phố vừa mới được giải phóng... Lại những năm tháng lặn lội suốt chiều dài đất nước cho đường dây 500kilô vôn do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo... Cả đời mình ông không thể đếm được mình đã đi đi về về như thế bao nhiêu lần hết cả chiều dài đất nước, có lúc ông cảm nghĩ như đang đo chiều dài của đất nước bằng chính cuộc đời mình...
Càng nghĩ, ông Tám cảm thấy mãn nguyện thì ít, cảm thấy cay đắng trong lòng thì nhiều, cứ như chính mình là người mắc tội. Ông nghĩ mình là người gắn bó với Đảng như vậy, từng trải như vậy, mà còn mung lung xao xuyến đến thế về thực trạng hiện nay của Đảng, người dân bình thường vốn gửi gắm lòng tin của họ vào Đảng sẽ nghĩ sao đây? Lòng tin ấy còn nguyên vẹn không? Còn giữ được không? Hay là đã chuyển sang ngờ vực? Sang lãnh đạm? Sang mất lòng tin? Sang cảm nghĩ bị lừa dối?.. Có lúc ông ước ao trước mặt mình là chiến trường, và ông sẽ xả đạn hết cỡ vào những kẻ phản bội, những kẻ đào ngũ, những Chín Tạ, những Thắng, những Bạch Liên!..
Bứt rứt mung lung mãi rồi ông Tám cũng bình tĩnh trở lại, tìm lại được mình, trong lòng tự nhủ phải tiếp tục dấn thân vì Đảng!
...Phải bảo vệ Đảng đến hơi thở cuối cùng! Đúng như đám con cháu bà Sáu Nhơn nói: Đấu tranh nay chưa phải là trận cuối cùng! Cho đến khi mình nhắm mắt vẫn chưa phải là trận cuối cùng!..
Mấy ngày nay lác đác đã có các đồng chí cũ đến tận nhà ông chúc mừng ông 50 tuổi Đảng. Giáo sư Trần Văn, đảng viên trí thức và lão thành cách mạng, người thày dạy ông về chủ nghĩa, về triết học, về văn chương... đã sang tuổi 90, thế mà cũng bắt con cháu đưa đi, tay chống gậy thân chinh đến tận nhà chúc mừng ông Tám, một trong những học trò mà ông quý mến nhất và kỳ vọng nhất.
Nhiều người đến với ông Tám vào dịp mừng ông nhận phần thưởng vẻ vang này. Trong gia đình ông cũng tràn ngập yêu thương lẫn niềm tự hào về ông, một con người thuỷ chung trọn vẹn. Ông dần dần bình tĩnh trở lại. Nhưng trong lòng vẫn day dứt. Nỗi day dứt nhiều lúc cồn lên thành nỗi đau.
Lễ trao huy hiệu cho các đảng viên 40 năm và 50 năm tuổi đảng ở Thành phố là một đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt. Ban tổ chức có ý thức muốn sự kiện này góp phần vào công tác xây dựng Đảng. Từ mấy tuần nay báo chí đã đăng tải tin tức, bài viết chung quanh sự việc này. Vì trong số các cụ được trao huy hiệu có một số các cụ gần như cả cuộc đời hoạt động tại địa bàn Thành phố, hoặc nắm giữ những trọng trách vào những bước ngoặt trong lịch sử của Thành phố, nên báo chí có một số bài giới thiệu riêng về lịch sử đảng bộ của Thành phố, một số bài ca ngợi những nhân vật lịch sử của Thành phố đã hy sinh hay còn sống...