Đúng vào lúc các em của Vũ bắt tay xây dựng công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Vân, trụ sở cơ quan của Vũ bị cháy.
Đấy là vụ cháy nổi tiếng Sài Gòn năm ấy. Có người nói ngôi nhà bị cháy cao nhất thành phố, phát lửa do chập điện tầng trệt, phép màu làm cho nó chỉ cháy ba tầng trên cùng. Có người lại nói hoả hoạn này cứu vô khối người khỏi đi tù, trong đó có một số nhân vật quan trọng trong công ty của Vũ và một vài quan chức Thành phố. Thực hư thế nào không rõ, nhưng biết bao nhiêu hồ sơ, chứng từ, hoá đơn, sổ sách và nghe nói còn có cả một số tiền mặt nữa biến thành tro than. Không xảy ra thương vong. Những người không bị cháy của toà nhà này khai thế nào thì biên bản hoả hoạn ghi như vậy, không có cách gì kiểm chứng. Hoả hoạn này không để lại một hệ quả hình sự nào, vì được xem là hoả hoạn, một tai nạn... Câu chuyện dễ tin, vì tình trạng điện đóm cả Thành phố phập phù. Trong thành phố nhà này nhà khác bị cháy tivi, tủ lạnh vì điện áp lúc giảm lúc đột ngột tăng vọt... là chuyện cơm bữa. Một tiếng nói khác lại nói: Vụ cháy này âu cũng là cái giá phải trả khi chuyển sang kinh tế thị trường!..
Nhưng hoả hoạn này làm cơ quan của Vũ tan rã, cấp trên trù tính sáp nhập nó vào cơ quan khác. Vũ phải ra đi vì thuộc diện giảm biên chế. Vũ thở phào:
Thà bị đuổi như thế này còn hơn tự tay phải viết đơn xin thôi việc!
Vũ chỉ đề đạt một nguyện vọng duy nhất: Được chuyển sinh hoạt Đảng về chi bộ Hợp tác xã sửa chữa cơ khí của Quân cho danh chính ngôn thuận. Nguyện vọng được đáp ứng ngay. Thật ra từ nhiều tháng trước khi nhận quyết định nghỉ việc, Vũ đã làm việc ở đây rồi. Vì ngoài việc tháng tháng hai lần đến cơ quan nhận phụ cấp thôi việc, Vũ chẳng có việc gì làm. Thôi thúc Vũ tìm đường bứt khỏi cơ quan, Quân chỉ nhắc lại với Vũ lời của nội:
- Thời cơ nào cũng chỉ đến có một lần!
Về danh nghĩa, Vũ ăn lương tư vấn kinh doanh của cái hợp tác xã đồng nát này. Hợp tác xã có tên mới là Đồng Tâm. Trên thực tế hợp tác xã này và hợp tác xã may mặc 8-3 của hai chị em Bích Ngọc và Bảo Vân đã có người quán xuyến. Bốn anh em Vũ dành hết thời giờ chạy ngược chạy xuôi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Vân.
Chuyện động trời là giấy phép đăng ký cấp cho công ty Ngọc Vân ghi rõ: Kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề. Ông Hai Phong đọc đi đọc lại, chỉ tay vào mấy chữ này nói với các con mình:
- Coi đây! Ba chịu. Các con làm được một việc không ai dám nghĩ đến! Có lẽ người ký giấy phép bỏ sót không đọc mấy chữ cuối này khi cầm bút ký!
- Ba ơi, có lẽ tại chúng con là người đầu tiên đứng ra xin loại giấy phép này ạ.
Quả nhiên ông Hai Phong có lý. Vài ngày sau khắp Thành phố lào rào chuyện công ty Ngọc Vân được cấp giấy phép kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề. Không sao phân biệt được cái lào rào ấy là phản ứng tự nhiên trước một hiện tượng đổi đất đổi trời hay là dư âm của những dè bỉu về một hiện tượng tiêu cực... Điều hiển nhiên là sau đó Thành phố tới tấp nhận được đơn xin thành lập công ty kinh doanh. Hình như những lá đơn này ém sẵn nơi kín đáo, bây giờ rộ lên như các đàn bướm từ đâu đó bay về.
... Đã kinh doanh tổng hợp rồi lại còn đa ngành nghề! Làm ăn cái gì cũng được, miễn là luật pháp không cấm? Thế thì định hướng xã hội chủ nghĩa ở chỗ nào? Một sơ hở của luật pháp hiện hành? Một thiếu sót của thực thi luật pháp? Quán triệt quan điểm nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của Hội nghị Trung ương 6(*)?[(*)Họp tháng 3-1989.] Bước đột phá nữa trong đổi mới? Hệ quả của sự giao thoa hay là tình trạng tranh tối tranh sáng giữa cơ chế kinh tế cũ và cơ chế kinh tế mới?.. Một số nhà kinh tế và báo chí nước ngoài cho rằng Việt Nam ở vào thời kỳ của nền kinh tế đang chuyển đổi...
... Tụi bay đích thị rời bỏ chủ nghĩa xã hội rồi! Ôi các con tôi!.. ông Hai Phong lo lắng, rầu rĩ.
Tha hồ bàn cãi.
Ai muốn nói gì thì nói, vào thời điểm này, vào không gian này, đấy là cái giấy phép đầu tiên cấp cho một công ty tư nhân, trong vòng 9 ngày, nói cho chính xác là tám ngày 18 giờ kể từ khi nộp đơn!..
Báo chí loan tin Thành phố đang cố gắng rút thời hạn xét cấp giấy phép xuống còn 5 ngày!.. Nhiều người có cảm tưởng mặt đất của cả Thành phố đang rậm rịch chuyển động.
Về pháp lý, công ty do Bích Ngọc và Bảo Vân làm chủ. Vũ và Quân giữ vai làm thuê, họ giữ ý như vậy vì cả hai đều là đảng viên.
... Nắm bắt được nhu cầu xây dựng nhà cửa trong thành phố tăng lên đột ngột, một năm sau khi thành lập, công ty cho ra đời xí nghiệp sản xuất đồ nội thất và công ty xây dựng. Phương thức huy động vốn và chất xám cho hai đơn vị kinh tế này trước đây đã được vận dụng cho hợp tác xã sửa chữa cơ khí Đồng Tâm và hợp tác xã may mặc 8-3, nhưng nay được bổ sung mạnh mẽ bằng huy động nguồn vốn có xuất xứ từ kiều hối. Đó còn là kết quả khả quan nhất của vận dụng bài học "lấy chữ tín làm đầu” mà bà nội Sáu Nhơn đã truyền đạt cho họ. Khi xảy ra một số vụ giật hụi, vỡ hụi đầy tai tiếng ở Thành phố, ở Hà Nội, rồi lan ra Hải Dương, Minh Hải, An Giang.., một vài tỉnh khác, luồng kiều hối càng dồn về công ty Ngọc Vân như nước đổ về chỗ trũng. Lẽ đời là ai mà chẳng muốn đồng tiền của mình được ở nơi an toàn và sinh sôi nảy nở đôi chút.
Từ những thuận lợi ấy, cách đây mấy năm, một chi nhánh của Công ty xây dựng Ngọc Vân 1 trở thành Công ty xây dựng Ngọc Vân 2, có pháp nhân độc lập, chuyên kinh doanh địa ốc. Ngọc Vân đi sang một vùng trời mới. Đất được giá, càng nhiều người cho vay, càng mua được nhiều đất... Công ty Ngọc Vân phất lên nhanh chóng. Luật pháp không cho phép mua bán đất, do đó hoạt động của Công ty xây dựng Ngọc Vân 2 là làm chui, dưới những tên gọi: Thuê dài hạn, chuyển nhượng quyền sử dụng, thế chấp, đổi chác, bao thầu... Đương nhiên là những chuyện làm ăn chui như thế về đất đai đầy rẫy ngoài đời, trở thành một thứ luật không luật. Mua bán với nhau cả một ngôi nhà, một khu đất... có khi cũng chỉ cần một cái giấy viết tay!..
Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, công ty Ngọc Vân dần dần trở thành khách hàng nặng ký của một số ngân hàng cổ phần. Tuy lãi suất cho vay của những ngân hàng này khá cao, nhưng dễ vay. Công ty Ngọc Vân ước ao có thể tiếp cận được với những nguồn vốn của ngân hàng thương mại quốc doanh để tăng thêm khả năng cạnh tranh, song đấy là điều không tưởng - trừ phi có những đường dây không tưởng tượng được.
Khi công ty Ngọc Vân được phía đối tác Việt Nam cử làm đại diện đứng ra đàm phán liên doanh với Adidas may quần áo thể dục thể thao xuất đi châu Âu, một loại hình liên doanh hồi ấy được coi là đi tiên phong, dư luận tặng ngay cho bốn anh em nhà sáu Nhơn biệt danh "tứ quái".
Bốn anh em Vũ lo nhiều hơn vui, vì hợp đồng đàm phán mấy tháng ròng vẫn chưa đâu vào đâu, miệng thế gian đã ầm lên.
Tham gia vào liên doanh này có xí nghiệp may Z11 của Cục Quân nhu. Z11 hồi ấy đang làm thủ tục giải thể vì không còn cơ chế bao cấp. Cơ quan chủ quản Z11 ưng thuận ngay đề nghị liên doanh của công ty Ngọc Vân, vì cả một phân xưởng sẽ không bị thất nghiệp. Đóng góp của Z11 về mặt bằng và cơ sở hạ tầng cho liên doanh có thể nói là lý tưởng. Trước khi nhận tham gia liên doanh, Z11 đã nằm đắp chiếu mấy năm ròng. Tiền Z11 bỏ ra chiêu đãi các mối khách đầu tư nước ngoài người Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Itali, Việt kiều... không đủ nguồn để kết toán, phải xin trên chi viện. Lẽ đơn giản là khách có một người thì chủ phải năm, sáu, lại phải chơi sang một chút để chứng tỏ Z11 có thực lực!.. Song tất cả những khách thật và khách ma này dự tiệc xong đều đánh trống lảng một cách lịch sự hoặc thiếu lịch sự. Đôi lần Z11 còn phải è cổ thanh toán cho một vài vị khách mắc dịch ăn quỵt tiền trọ khách sạn!
Một đối tác nữa về phía Việt Nam là hợp tác xã may mặc cao cấp Tiến Thắng của Quận 3. Tiến Thắng thoả thuận sẽ góp ngay bộ phận thiết kế và một nửa số công nhân lành nghề của mình vào liên doanh để bảo đảm chất lượng sản phẩm ngay từ đầu. Công ty Ngọc Vân lo số vốn đối ứng của phía Việt Nam - chủ yếu là phần góp vào khoản vốn lưu động của liên doanh, và chịu trách nhiệm vận hành công trình liên doanh. Phía đầu tư nước ngoài lo cải tạo cơ sở hạ tầng, cung cấp thiết bị mới, vốn lưu động, cung cấp mẫu mã và know how của Adidas, bao tiêu sản phẩm. Đàm phán gay go nhất là vấn đề phân quyền giữa hai bên về điều hành và việc Adidas đòi trực tiếp cung cấp nguyên liệu. Cuối cùng thoả hiệp đạt được là nếu không đạt được sự nhất trí trong hội đồng quản thị thì phải thuê trọng tài, Adidas đồng ý để công ty Ngọc Vân cùng tham gia từ đầu việc mua nguyên vật liệu cho sản xuất của liên doanh.
... Một buổi tối, đã khuya rồi, bốn anh em bàn bạc mãi với nhau, đến phút chót Vũ nói:
- Còn một chuyện nữa, nếu cái biệt danh "tứ quái" trở thành trade mark của công ty chúng ta thì sẽ tính sao?
- Thương trường là thế. Mỗi bước đi của chúng ta đều có một quả mìn nào đó, chầu chực tại đâu đó. - Quân bình luận.
- Ăn nên làm ra thì "tứ quái" trở thành phép thần chú. Để cho giậu đổ bìm leo thì "tứ quái" sẽ là cái bia của mọi cỡ đạn! - Bảo Vân nhận xét.
- Hay là đưa Z11 lên làm đầu đàn chịu trận, miễn là chúng ta không mất quyền chi phối mọi việc?
- Không bàn chùn được Ngọc ạ. - Vũ can vợ. - Tự mình thay ngựa giữa dòng thì xôi hỏng bỏng không! Phần bánh chúng mình giành được là vận dụng chất xám quản trị kinh doanh và quyền được cùng khai thác thị trường cho đầu vào và đầu ra. Chúng mình chịu góp phần vào vốn lưu động cốt là để giành bằng được phần bánh này. Có như thế sau này chúng mình mới vươn nhanh ra thị trường thế giới được. Còn không thì chịu bóp mũi suốt đời.
- Không lùi được thật, vì như thế chúng ta sẽ chỉ là người làm gia công thuần tuý như các liên doanh khác. Chúng ta dứt khoát không thể cam chịu điều này. - Bảo Vân tán thành.
- Đổi vị trí có nghĩa là vốn do chúng mình huy động sẽ đưa vào tay quốc doanh, hợp tác xã và bên Adidas. Nắm đằng lưỡi như vậy anh không yên tâm... - Vũ nói tiếp.
Bàn đi bàn lại xong rồi, cuối cùng họ đứng dậy nắm tay nhau, vừa cười vừa hát để xả hết tâm trạng căng thẳng:
"Đấu tranh nay là trận cuối cùng! Kết đoàn lại cho ngày mai! Internationale sẽ là xã hội tương lai!.."
Bà Ngân thức giấc choàng dậy, làu bàu: ...Khuya thế này mà còn hát hỏng inh ỏi hàng xóm!.. Bà chạy sang phòng bên:
- Coi bộ các con họp chi bộ hả? Bảo Vân hay Bích Ngọc, đứa nào được kết nạp Đảng?
Tất cả cười phá lên.
- Chúng con bàn nhau chỉ có tiến không lùi! Với ý chí không có gì để mất! - Vũ thưa lại.
Bà Ngân còn đang ngơ ngác không hiểu ra sao, đám “tứ quái” hát lại Quốc tế ca từ đầu... Tiếng hát vang ra cả đường phố trong đêm khuya...
Quần thảo chán môi trường đầu tư một số tỉnh và trong thành phố, cuối cùng Adidas ký liên doanh với Ngọc Vân, công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tiên của Thành phố làm được kỳ tích này! Quyết định của Adidas căn cứ vào lý lịch công ty Ngọc Vân, kết quả kinh doanh của công ty, thực lực các đối tác bên Việt Nam, đánh giá của các loại khách hàng, dư luận giới kinh doanh trong thành phố, so sánh sáu bảy ứng cử viên khác… Thường thì phía đầu tư nước ngoài thích liên doanh với các đối tác thuộc khu vực quốc doanh, vì rất nhiều lý do mà cho đến nay chưa có ý kiến phân tích nào có sức thuyết phục cao. Chẳng lẽ lại nói vốn đầu tư của tư bản nước ngoài chuộng kinh tế quốc doanh! Song trong giới đầu tư nước ngoài ý kiến được nhiều người thừa nhận là Việt Nam còn nhiều bảo lưu với thành phần kinh tế tư nhân, không dại gì mà thò tay vào!.. Công ty Ngọc Vân gần như là một trường hợp ngoại lệ vào lúc này.
Trong tiệc cocktail hôm lễ ký kết hợp đồng liên doanh, người đại diện cho Adidas cầm cốc sâm-banh lại chỗ Bích Ngọc và Bảo Vân:
- Xin nâng cốc chúc sức khoẻ hai bà! Đáp từ của bà Bích Ngọc nhắc nhở trách nhiệm của chúng tôi: "Nước giàu và nước nghèo tìm tiếng nói chung trong hợp tác để phát triển!” Thật là câu nói được lòng mọi người! Xin chúc hợp đồng liên doanh Ngọc Vân - Adidas đầy sức sống để thực hiện mong muốn này!
- Xin cảm ơn ông. Chúng tôi tin tưởng như vậy. - Bích Ngọc nâng cốc đáp lại.
- Nếu công ty của các quý bà làm tốt hơn nữa việc quảng bá thì có lẽ chúng ta đã ký hợp đồng này sớm hơn được vài tháng.
- Cảm ơn lời phê bình chính xác của ông. - Bảo Vân giải thích. - Đúng là khả năng quảng bá của chúng tôi có hạn. Chúng tôi tiền ít, buộc phải tiết kiệm, mong được thông cảm. Nhưng may mắn là Adidas đã tìm ra công ty của chúng tôi, như thế chúng tôi cảm thấy được khích lệ nhiều hơn.
- Như ông biết đấy, trước khi liên doanh với Adidas, chúng tôi phải lo sắp xếp xong đội ngũ phía chúng tôi đã. Thẳng thắn mà nói, việc này chiếm nhiều thời giờ và tâm trí của chúng tôi.
- Bà Bích Ngọc nói đúng. Hợp đồng đã ký rồi, bây giờ tôi xin tiết lộ một bí mật: Nếu công ty Ngọc Vân không chủ trì phía Việt Nam, chúng tôi sẽ không có đủ cơ sở cần thiết cho quyết định ký kết liên doanh này. Cái giấy phép đăng ký kinh doanh của quý công ty và những việc quý công ty đã làm được quả là có sức thuyết phục lắm. Tuy nhiên, không giấu diếm hai quý bà, chúng tôi vẫn coi liên doanh này là sự mạo hiểm dò đường cho tương lai.
- Hợp đồng ký rồi mà ông vẫn còn cố khoác thêm trách nhiệm cho công ty Ngọc Vân, có phải thế không, thưa ông?
- Xin chịu bà Bảo Vân. Lúc nào bà cũng sẵn sàng một nhận xét sắc sảo. Đến Việt Nam tôi học được câu “trông giỏ bỏ thóc”. Chúng tôi hy vọng đã học được.
- Phía Việt Nam chúng tôi sẽ cố gắng không làm phía Adidas thất vọng!
Mấy ngày sau liên tiếp, liên doanh trở thành một sự kiện kinh tế quan trọng trên diễn đàn báo chí của Thành phố.
Vào một buổi tối, giữa lúc Vũ đang xem lại bài vở của con trai, Bích Ngọc loay hoay một số việc viết lách trước cái laptop, Thắng đột ngột gõ cửa bước vào. Chưa chào hỏi gì cả Thắng đã bô bô:
- Lênin chỉ nói: Học, học và học mãi! Nhưng nhà này còn đi xa hơn. Chỉ làm việc, làm việc và làm việc mãi! Ti vi đang có phim chưởng Trung Quốc hay là thế mà không thèm bật lên!
- Anh Thắng đến thăm bất ngờ thế này chắc có nhiều chuyện vui. - Vũ xã giao. - Tôi ra bảo lái xe của anh vào nhà nhé? Chúng ta lai rai với nhau một chút...
- Không cần đâu, cứ để cậu ta ngoài ấy, vừa coi xe luôn thể. Đấy là cái Mercedes thứ hai đời EL 400 trong Thành phố này, phải cẩn thận một chút.
- Anh Thắng đã nổi tiếng là người tài rồi còn xài sang nữa. - Bích Ngọc bình phẩm.
- Cho trên trông xuống, cho dưới trông lên, cho... o... từ xa trông vào chứ... Ấy thế mà tiếng tăm còn thua xa Tứ Quái đấy!
Sau câu nói xã giao ấy, Thắng tặng vợ chồng Vũ một tờ báo chuyên về kinh tế có đăng một bài dài về liên doanh Ngọc Vân - Adidas, nhưng nội dung chủ yếu lại là viết về công ty Ngọc Vân. Bài báo có tựa đề là "Tứ quái đang vươn tới đỉnh Olympia”, tác giả là tiến sĩ kinh tế Đoàn Danh Thắng - Tổng giám đốc Trung tâm Thương mại Bình Tiên.
Hai tay trịnh trọng như người dâng sớ, Thắng đặt tờ báo vào tay Vũ:
- Bái phục và ca ngợi các ông anh bà chị hết lời đấy nhé! Phải bỏ ra hai ngày liền, do đích thân Thắng này soạn thảo. Không biết các ông anh bà chị có đủ tiền để trả nhuận bút cho Thắng này không!
- Anh Thắng đã bỏ công sức viết báo, lại còn thân chinh mang báo đến tặng. Vợ chồng tôi cảm kích lắm. - Vũ đáp.
- Đời này không ai làm không công đâu. - Thắng vẫn giữ cách nói trống không.
Hẳn anh Thắng phải có một nhã ý gì đó? - Bích Ngọc thăm dò.
- Thế là vào chuyện được rồi đấy. Cho một công ty nào đấy của hai bạn về làm dâu bên trung tâm Bình Tiến đi. Liên doanh đàng hoàng, không xin đểu đâu! Công ty nào cũng được, bên này không kén chọn...
- Nhưng mà quốc doanh có dám liên doanh với tư doanh không hả anh Thắng. - vẫn Bích Ngọc.
- Chưa đâu dám mà mình dám mới hay chứ! Lời mời thực sự đấy. Nếu thuận là cơm lành canh ngọt hẳn hoi, dứt khoát không xin đểu... Cứ nghĩ đi... - chẳng cần chờ câu trả lời của chủ nhà, Thắng cuộn cuộn tờ báo lại, gõ gõ vài cái xuống bàn, rồi buông tờ báo xuống mặt bàn, ra về - ... Bye!
Bốn anh em Vũ đọc đi đọc lại bài báo, chẻ ngược chẻ xuôi từng câu, từng chữ.
- Nó nhắc đi nhắc lại là không xin đểu, nhưng nói sặc giọng kẻ cướp! - Bích Ngọc bàn với mấy anh em mình.
Những ý ca ngợi công ty Ngọc Vân trong bài báo đầy rẫy những đại ngôn, đọc lên bốn anh em Vũ không tránh khỏi rùng mình. Song nhiều hoạt động cụ thể của công ty Ngọc Vân được bài báo mô tả rất đậm nét một cách có ý tứ, khiến người đọc có thể dễ dàng đi tới phán xét công ty Ngọc Vân là một cai đầu dài có hạng - nhất là những đoạn nói về cách huy động vốn trong dân, huy động nguồn kiều hối... Đoạn văn ca ngợi Công ty xây dựng Ngọc Vân 2 mở đầu bằng câu “Tấc đất nằm trong tay công ty trở thành tấc vàng!.." Không có một câu đả kích nào, nhưng bài báo lại đưa ra nhiều chi tiết được lựa chọn có chủ đích. Người đọc chỉ có thể hoặc là khâm phục tính năng động sáng tạo của công ty Ngọc Vân, hoặc là dễ dàng khép công ty này vào tội vi phạm những quy định về đất đai, về tài chính, về ngoại tệ... Bốn anh em Vũ không sao hiểu được Thắng đào ở đâu ra lắm số liệu và dữ kiện đến thế! Gần như đúng một trăm phần trăm! Bốn anh em Vũ thấy không có điều gì đáng lo ngại về mặt pháp luật, nhưng chẳng còn đâu là bí mật kinh doanh nữa!.. Tai mắt của Thắng có khắp mọi nơi?.. Cả đến cái tên tác giả của bài báo cũng làm bốn anh em Vũ bận tâm. Thắng ghi rõ chức danh tiến sĩ kinh tế, Tổng giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại Bình Tiến là có dụng ý gì? Tăng thêm sức nặng cho bài báo, ghi điểm đối với giới lãnh đạo của Thành phố, tự đề cao mình, hay là tăng thêm ánh sáng phát ra từ Trung tâm Bình Tiến?..
Tuỳ trình độ và góc nhìn của người đọc, bài báo có thể gây ra những phản ứng khác nhau. Hệ quả chung bao trùm là bài báo đưa công ty Ngọc Vân vào ống kính hay ống ngắm của nhiều người.
- Miệng đời và cái hố chôn người có gì khác biệt nhau đâu hả nội!.. - Vũ đã phải rên lên như vậy với bà Sáu.
- Nội đủ từng trải để hiểu. Càng thành đạt, càng phải tỉnh táo và khiêm tốn các con ạ.
Khoảng một tuần lễ sau, Thắng lại đến thăm, cũng không hẹn trước. Lần này Thắng vận quần áo màu đen từ đầu đến chân. Cái cặp kính trắng trên mặt gọng vàng, cái vòng xích vàng bự ôm lấy cổ tay, ngực lủng lẳng một cái nanh hổ... Tất cả những thứ đó cùng với mấy cái răng bịt vàng trên mặt lúc nào cũng nhăm nhe chóe ra càng tăng thêm vẻ "bụi" của Thắng.
Mặc dù có Vũ cùng tiếp chuyện, Thắng đi đi lại lại như chỗ không người, hai tay đút túi khuỳnh khuỳnh, nửa nạc nửa mỡ với Bích Ngọc:
- Xin lỗi, có việc bận quá, đến không hẹn trước được.
- Tổng giám đốc Trung tâm thì nhất định phải vất vả hơn trợ lý giám đốc nhà in rồi, bọn tôi thông cảm anh Thắng ạ. - Vũ đỡ lời vợ.
- Toàn việc nhân sự hệ trọng, không thể chùng chình được. - Thắng vẫn nói năng trống không.
- Anh Thắng định tham gia thành uỷ hay tham gia Trung ương khoá Đại hội tới chắc? - Bích Ngọc trêu chọc.
- Chuyện ấy nói sau. Nhưng đã đến mức đích thân phải đi gặp ông Chín Tạ thì về đại thể công việc có tầm quan trọng không kém. - Thắng chủ ý nhắc đến tên CHÍN TẠ NHƯ VẬY ĐỂ NGẦM BẢO CHO VỢ CHỒNG VŨ BIẾT HỌ ĐANG NÓI CHUYỆN VỚI Ai. Trong cái thành phố to đùng này đứa trẻ con thò lò mũi cũng biết CHÍN TẠ LÀ AI...
Trời ơi, nếu thế thì anh Thắng chuyển sang nghề chính trị rồi. Cả thành phố này ai không biết ông Chín quyền sinh quyền sát về công tác tổ chức và nhân sự! - Vũ kêu lên.
- Đến thăm hai bạn là câu chuyện kinh tế, chứ không phải chuyện chính trị. Bài báo của tôi được đấy chứ, có phải thế không? Thưa bà chị? - Thắng quay hẳn sang phía Bích Ngọc. - Nếu không đủ tiền trả nhuận bút thì đưa Ngọc Vân về Trung tâm của mỗ gia. Làm ăn chung vui vẻ với nhau, được không?
Tai Vũ nóng ran, song vẫn điềm tĩnh chờ đợi, vì mình không phải là người được hỏi chuyện. Bích Ngọc nhớ lại những ý kiến đã bàn giữa bốn anh em, cân nhắc xem nên trả lời vị khách không mời mà đến này như thế nào. Ngọc rót nước đưa tận tay cho Thắng, trở lại chỗ của mình ngồi cho ngay ngắn, rồi mới thủng thỉnh:
- Anh Thắng rất hài. Anh Thắng nói lời chào mời hay hăm doạ đấy?
- Câu chuyện mới mào đầu thôi mà, đã làm gì có hồi tiếp theo!.. - Thắng vẫn tiếp tục cách nói trống không.
- Chỗ quen biết đến thăm nhau mà anh Thắng cũng chia câu chuyện ra thành các giai đoạn ạ? - Bích Ngọc điềm đạm.
- Các giai đoạn, hoặc đốt cháy các giai đoạn. Trong kinh doanh phải sẵn sàng các phương án khác nhau. - Thắng vẫn giữ nguyên cách nói trống không.
- ...
Trong câu chuyện, Thắng phô trương sức mạnh kinh tế và quyền lực của Trung tâm, lời lẽ huênh hoang đến mức uy hiếp. Cuộc thăm không thèm hẹn trước lần thứ hai này của Thắng phảng phất bầu không khí tanh tưởi... Khi ra về Thắng không thèm giấu diếm ý đồ muốn sáp nhập công ty Ngọc Vân vào Trung tâm...
- Gần đất xa trời mất rồi, còn nuối tiếc công lên việc xuống gì nữa! Thế nhưng tại sao càng về già những lo lắng về đất nước lại canh cánh hơn trước trong lòng mình? - ông già Học lẩm bẩm với chính mình.
... Lạ thật, cũng đất nước này, khi còn trẻ mình tìm mọi cách đứng ngoài cuộc, dửng dưng trước mọi thời cuộc! Nhưng bây giờ lại thấy day dứt một nỗi niềm gắn bó nào đó...
Hồ tử quy thủ khưu
Cố hương an khả vong(*)
[(*) Đại ý: Cáo chết cũng quay đầu về núi, làm sao có thể quên được cố hương! Ngôn ngữ dân gian cũng nói: “Cáo chết ba năm quay đầu về núi!”.]
Câu nói của cổ nhân thực là chí lý!..
Tâm trạng ông Học trong những năm gần đây là như vậy. Lúc đầu còn chưa rõ rệt lắm, nhưng ngày càng tấy lên.
Bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ông Học vẫn còn làm các ap-phe tài chính lớn giữa Mỹ và châu Phi, với nhiều chuyến đi dài ngày, với nhiều cuộc đàm phán căng thẳng mà chính công việc đầy rủi ro này đòi hỏi. Nghĩa là mới cách đây mấy năm thôi, ông vẫn còn làm việc như một người máy: lạnh lùng, triệt để, theo mọi tính toán đã cài đặt... Không tinh ma năng nổ thì sẽ bị ăn gỏi ngay tức khắc trong cái thế giới của đồng tiền! - ông thường tự nhắc nhở mình như vậy. Công việc giao dịch tiền tệ, làm các dịch vụ tài chính và chứng khoán của ông có khi chỉ cần chậm mất một phút trên mạng, đến sau một cú điện thoại, hoặc thần kinh kém chai sạn một tí, lười biếng lơi lỏng một tý... là cũng có thể khuynh gia bại sản ngay tức khắc.
- Công việc trâu bò của tôi là nghệ thuật lao động trí tuệ chống lại số phận trâu chậm uống nước đục mà! - ông thường nói như vậy khi bà Học ngăn cản không cho ông làm việc quá sức.
... Ấy thế mà đã một lần ông Học đành khoanh tay chịu mất gần hết vốn liếng của công ty mình, chỉ vì chậm mất một cú điện thoại! Những vấp ngã nhỏ hơn không kể. Lần ấy luật sư của ông gọi điện khuyên ông bán tháo ngay một loại trái phiếu công ty đang nắm giữ, vì tính toán gần như cầm chắc sẽ mất giá. Nhưng trước cú điện thoại này mấy phút, ông đã trót ký bán cho khách hàng một loại trái phiếu khác. Các máy tính trong đầu ông Học làm việc, ông đành gọi lại cho luật sư của mình:
- Đành làm theo nguyên tắc ký trước thực hiện trước(*) [(*) Nguyên tắc "Fist comes first" trong kinh doanh theo fair play.] vậy. Tiền mất sẽ lại kiếm ra được. Uy tín công ty mất thì mất hết!
Chuyện đại bại này loan ra trên báo chí, thành ra công ty của ông được nhiều người biết đến và khâm phục. Có bài báo so sánh việc làm này của ông Học với hành động chạy làng của một vị lãnh đạo công ty dầu khí Texas Oil nguyên là thượng nghị sĩ Dick Caine …
Công ty dịch vụ tài chính của ông Học sau vụ thất bát này phất lên như diều. Ông nói với luật sư của mình:
- Coi như chúng ta chơi sang trong việc quảng cáo và làm marketing vậy!
Nhưng đúng là từ khi buộc mình nghỉ hưu, mới cách đây mấy năm thôi, nhất là từ khi bước vào tuổi tám mươi, ông thấy tâm trạng mình thay đổi hẳn. Có thể một khi đã đứng bên lề cuộc đời thì người ta bắt đầu nghĩ nhiều về cuộc đời. Thời gian như trở nên hào phóng, để cho ông có thể thoải mái đối chất, kiểm nghiệm mọi hiểu biết, mọi triết lý, kể cả lẽ sống của mình. Xưa nay ông vẫn có hai bửu bối, hai nguồn sức mạnh giúp ông luôn luôn có nghị lực trong mọi hoàn cảnh. Đó là đức tính không chịu luồn cúi ai và ý chí muốn làm những công việc thách thức khả năng của mình.
Ông tự cho mình là người hạnh phúc, với ý nghĩa là cả cuộc đời lăn lộn ông thấy mình luôn luôn giữ được lòng trung thành với đức tính của mình, nghĩa là trung thành với chính mình và cảm thấy vừa lòng với những gì ông đạt được. Cảm nghĩ này hình thành từ sự phán xét bản thân khi về già chứ không phải là tâm trạng thoả mãn, mặc dù về phương diện tiền bạc, sức khoẻ, những mối quan hệ của con người... ông không thể nói là mình nghèo.
Ông thường tự răn mình phải sống theo đạo lý cha mẹ hiền lành để đức cho con, nhưng ông đã không cản được con cháu mình đi vào con đường binh đao chém giết. Cay đắng hơn nữa là ông đã mất đứa con trai duy nhất của mình. Ông thừa nhận đấy là thất bại lớn nhất và cũng là vết thương lớn nhất trong đời ông phải gánh chịu. Sự trớ trêu này càng làm cho ông tìm mọi cách xa lánh chiến tranh, xa lánh chính trị, thúc đẩy ông đi tìm những phương trời xa lạ, với hy vọng có thể dồn hết sức vào công việc mình ưa thích. Bà Học không khỏi lo lắng. Bà hiểu trong những phiêu lưu của chồng ít nhiều có tâm trạng chạy trốn, nhất là từ khi Mạnh chết.