Bản đánh giá cuộc chiến tranh Khmer đỏ trên biên giới nước ta do tướng Lê Hải ký gây ra cho ông Đoàn Danh Tiến những ý nghĩ trái ngược nhau. Ban Tuyên huấn, nơi ông mới được chuyển đến từ chưa đầy một năm nay, thường được trên cung cấp những tài liệu quan trọng như vậy để tham khảo cho việc soạn viết bài giảng cho các lớp chính trị. Là vụ trưởng Vụ Biên tập của Ban, ông Tiến là người duy nhất trong Vụ được Ban cho phép tiếp cận những tài liệu ở cấp độ này. Cũng có lúc ông được thay mặt Ban dự những cuộc họp liên tịch nhiều cơ quan về các chủ trương chính sách mới. Song tại những cuộc họp này ông nghe là chính. Ông tự biện hộ: Nhiệm vụ của mình bắt đầu sau khi những cuộc họp này kết thúc...
Nghề làm báo lâu năm trước đây của ông tạo cho ông cơ hội quen biết nhiều nhân vật quan trọng, nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Cuộc sống đào luyện cho ông cách đối nhân xử thế thích hợp. Ông biết nhiều, đi nhiều và viết cũng nhiều. Sự lão luyện đã làm ông nổi danh trên nhiều tờ báo. Chính điều này khiến cấp trên bứt ông ra khỏi công tác làm báo để tăng cường cho công tác tuyên huấn, nhất là từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đi vào thời kỳ kết thúc, đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới...
Phân tích của Lê Hải về tình hình trong khu vực và âm mưu của Khmer đỏ có cơ sở xác đáng - ông Tiến thừa nhận Nhưng sao Lê Hải bi quan thế? - một quân nhân đã đi từ Bắc vào Nam rồi lại từ Nam ra Bắc... Đất nước là tuyến đầu chống chủ nghĩa đế quốc, là người đi tiên phong trong cao trào cách mạng thế giới, ai sẽ dám đụng đến ta nữa? Trong chiến tranh, cái đáng sợ nhất là tư tưởng hữu khuynh. Sau chiến tranh, cái đáng sợ nhất cũng là tư tưởng hữu khuynh. Bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội lại càng phải chống hữu khuynh... Là một quân nhân từng trải, sao Lê Hải lại có thể đưa ra những nhận xét bi đát như vậy?
Hay là Lê Hải ăn phải đũa Phạm Trung Nghĩa? Mình đã mấy lần tranh luận với tay này tại các hội nghị bàn về công tác tư tưởng trong thời bình. Anh chàng thương binh này hình như cũng bị chiến tranh làm bị thương cả ý chí chiến đấu. Anh ta lo lắng quá nhiều về các vấn đề sau chiến tranh.
Qua nhiều lần tiếp xúc với ông Lê Hải, ông Tiến còn biết việc Nghĩa đang xin giải ngũ. Nghiên cứu xử lý cuộc chiến tranh biên giới của Khmer đỏ, lại do một người bị thương về tinh thần chiến đấu chấp bút, thì làm sao có được tư tưởng tiến công? Chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là tối thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Lại còn hoạ diệt chủng nữa, mỗi ngày hàng trăm hàng nghìn người dân Campuchia vô tội bị Khmer đỏ giết hại, ta khoanh tay ngồi nhìn được sao? Đã thắng Mỹ, chẳng lẽ không thắng được Khmer đỏ? Phải thừa thắng xông lên mới đúng chứ!
Bài chính luận của ông nhằm bác bỏ những quan điểm của ông Lê Hải mà không nêu đích danh Lê Hải ra đời trong bối cảnh như vậy.
Cả nước đang bừng bừng khí thế, bài báo tạo thêm hưng phấn lòng người và gây tiếng vang lớn. Nhưng trước hết bài báo đã đánh trúng lòng tự ái của một dân tộc vừa mới chiến thắng vẻ vang! Ông Tiến hoàn toàn bị bất ngờ về điều này, cảm thấy mình đang bay vút lên trời cao...
Ông tự rút ra cho mình một kinh nghiệm mới: Thì ra dư luận là một cái gì đó khá mong manh, dễ tác động nếu biết lựa chiều thích hợp! Từ ngày chuyển hẳn về Ban, ngót nghét một năm nay, qua bài báo này ông mới có dịp lại xuất hiện trở lại trên diễn đàn báo chí. Vốn là dân cầm bút viết chuyên mục chính luận, việc bác bỏ những ý kiến của Lê Hải và Phạm Trung Nghĩa đối với ông không khó. Đồng thời nghề viết lách của ông cũng dạy cho ông sự khôn ngoan cần phải có. Ông tránh đụng chạm đến hướng xử lý vấn đề, chỉ đưa ra những lập luận đanh thép về toàn vẹn lãnh thổ, về chủ quyền quốc gia, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, giương cao ngọn cờ chiến thắng và nhiều lời bình luận cứng rắn khác.
Sự ra đời đúng lúc của bài báo, lại được nhiều báo chí đăng tải, trở thành một sự kiện báo chí. Những lập luận vững chắc tính lập trường nguyên tắc, tinh thần yêu nước cháy rừng rực trong bài báo, người đọc không bác bỏ vào đâu được... Sự tán thưởng làm cho danh ông Tiến nổi như cồn, tên tuổi ông trong Ban thêm rạng rỡ.
Khmer đỏ tiếp tục leo thang chiến tranh biên giới Tây Nam, cứ như là để tiếp tục thừa nhận những nhận định thôi thúc đầy tính chiến đấu của ông Tiến là đúng đắn. Ông càng cảm thấy hãnh diện, càng cảm thấy được cổ vũ đi sâu hơn nữa vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác mới nổi lên sau chiến tranh... Không biết tự bao giờ ông đưa ra ngày càng nhiều ý kiến về những lĩnh vực quan trọng như cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất mới, cải cách giáo dục, con đường đi tắt đón đầu của đất nước công nghiệp hoá lên chủ nghĩa xã hội. Ông viết nhiều bài và được in thành tập "tài liệu tham khảo, lưu hành nội bộ, không phổ biến"... Ngôi sao Đoàn Danh Tiến chói sáng trong làng lý luận.
Công việc sau chiến tranh bộn bề, người làm được việc vô cùng thiếu. Đột nhiên Ban chỉ đạo cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam xin ông Tiến vào hỗ trợ công tác tuyên truyền. Đây là nhiệm vụ kinh tế và chính trị rất phức tạp. Có lẽ ánh sáng lấp lánh của ngòi bút lý luận Đoàn Danh Tiến đã thu hút sự chú ý của Ban cải tạo.
Mình ngồi chưa ấm chỗ mà đã có chỉ thị lên đường nhận nhiệm vụ mới! Tuyệt quá, thời cơ lớn đang đến với mình!..
Ông nhâm nhi niềm kiêu hãnh, đón tờ quyết định trên tay với tất cả lòng hăm hở.
- Tôi đến chào anh trước khi vào Thành phố nhận nhiệm vụ mới. Thưa anh, tôi đã sẵn sàng ra trận. - Ông Tiến đến chia tay ông trưởng Ban, thủ trưởng của mình.
- Mời anh ngồi. Thời bình mà anh rất khẩn trương.
- Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách mà anh.
- Đành là như thế... Rất tiếc đang lúc bận rộn nên cơ quan không liên hoan tiễn anh được. - Ông trưởng Ban vồn vã.
- Bày vẽ làm gì anh.
- Anh thông cảm thế là tốt. Tạm coi việc biệt phái này là chuyến đi công tác dài ngày. Tuỳ tình hình rồi sẽ liệu.
- Xin anh đừng quá bận tâm về tôi.
- Anh Tiến ạ, nếu công việc đòi hỏi, tôi sẽ giao cho tổ chức chuyển anh vào biên chế của Ban cải tạo, hoặc biên chế của Văn phòng Ban ta trong ấy. Lúc đó sẽ phải tính đến việc chuyển cả gia đình anh ngoài này vào.
- Được Ban quan tâm như vậy, tôi xin cảm ơn. Thật là một vinh dự lớn. Tôi cũng làm xong việc chuẩn bị tư tưởng cho gia đình. Bản thân tôi không đặt ra điều kiện gì.
- Nếu ai cũng nghĩ như anh thì công tác tổ chức cán bộ của Ban nhẹ biết mấy. Để anh đi bọn tôi trống vắng lắm, thiếu một cây bút lý luận dày dạn.
- Tre già măng mọc, lo gì anh.
- Hiển nhiên là vậy. Nhưng giữa lúc tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa tình hình trở nên phức tạp quá. Tự dưng nổ ra vấn đề “nạn kiều”(*)•[(*) Vấn đề người Việt gốc Hoa bỏ chạy ra nước ngoài, Trung Quốc gọi đấy là vấn đề nạn kiều.] . Cộng đồng người Việt gốc Hoa lũ lượt bỏ trốn ra nước ngoài. Vấn đề “thuyền nhân” ngày càng nóng bỏng. Khmer đỏ càng leo thang, càng nhiều nước công khai giúp nó chống ta.
- Ông bạn láng giềng lớn là người đỡ đầu số một. - Ông Tiến muốn tỏ ra mình nắm vững vấn đề.
- Thế mà Núi liền núi, sông liền sông... đấy! Mỹ đã quyết định cấm vận. Thái Lan ngoắt một cái bây giờ tự phong là nước tuyến đầu của ASEAN chống ta. Anh xem, công tác chính trị tư tưởng lúc này càng không đơn giản.
- Nhưng uy tín của nước ta sau khi thắng Mỹ lớn lắm anh ạ, không kẻ nào làm gì được đâu. Đụng vào Việt Nam bây giờ là đụng vào lương tri của thời đại!
- Cứ cho là thế...
- Anh ạ, đã thắng nổi Mỹ thì ta làm gì cũng được. Vì thế tôi cho đánh giá bên chỗ các anh Lê Hải và Phạm Trung Nghĩa là bi quan, là mất tính chiến đấu. Trái với cả với nhận định cơ bản của Đảng ta về nội dung thời đại chúng ta đang sống. Anh có nhận xét như vậy không? - trong khi nói hăm hở, ông Tiến vẫn nhìn thẳng vào ông trưởng Ban, cố tìm sự đồng tình.
Ngẫm nghĩ mãi ông trưởng Ban mới đáp lại:
- Diễn biến tình hình hiện nay phức tạp hơn cả nhận định của bên Viện anh Hải. Lúc Ban nhận được bản đánh giá của Viện anh Hải, tình hình chưa căng thẳng như bây giờ đâu... Báo chí xấu của nhiều nước đang rộ lên chiến dịch chống Việt Nam.
Đoàn Danh Tiến ngắt lời trưởng Ban:
- Xưa nay anh vẫn thích câu ngạn ngữ: "Chó cứ sủa, lạc đà cứ đi!”. Bây giờ anh chán câu này rồi à?
- Bây giờ tôi muốn thận trọng hơn. Hình như họ đang hùa nhau, thành một chiến dịch hẳn hoi. Người thì nói Cộng sản Việt Nam thắng trong chiến tranh nhưng sẽ bại trong hoà bình. Kẻ thì gọi ta là tiểu bá. Tệ hơn nữa là có kẻ còn nói Việt Nam đã từng giương cao ngọn cờ chống xâm lược, bây giờ là kẻ xâm lược...
- Chính vì thế phải chủ động phản công. Phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa với thế giới. Hàng ngũ trong nước phải xiết chặt hơn nữa, không được một giây phút hữu khuynh... - ông Tiến sôi nổi.
- Không được hữu khuynh, kể cả trong đối nội. Tôi đồng ý với anh điểm này. Đây là lúc càng phải đẩy mạnh chuyên chính vô sản và tăng cường chế độ xã hội chủ nghĩa. Về phương diện này anh hoàn toàn có lý. Chỉ có một điều là...
- Tôi cho rằng mọi việc phải bắt đầu từ nâng cao ý chí chiến đấu. Phải muôn người như một, tập trung dân chủ cao độ. Có cái chất này đã rồi mới bàn được mọi việc... Bây giờ là lúc dễ hữu khuynh hơn thời chiến... - ông Tiến vào cuộc ngay.
- Tôi thừa nhận anh có một tài năng bẩm sinh. Nói ra là thành văn một cách tự nhiên, cứ như là đọc chính luận... - ông trưởng Ban rót thêm nước cho ông Tiến. - Hùng biện lắm. Song đừng quên cánh tuyên huấn chúng ta thường yếu khi bàn về những chủ trương, biện pháp. Thiên hạ vẫn giễu chúng ta là "nói được nhưng không làm được”. Họ còn đặt nhiều chuyện tiếu lâm về chúng ta nữa.
- Kệ họ anh ạ. Có quyết tâm, không hữu khuynh. Như thế sẽ có tất cả. Đây mới là gốc của vấn đề. Anh thử hình dung, nếu hai cuộc kháng chiến vừa qua thiếu cái gốc này?
- Được lắm. Còn điều này suýt nữa tôi quên. Anh em trong đó nhiệt tình cách mạng rất cao, nhưng lý luận bài vở có hạn thôi. Phần đông là những người trưởng thành trong thực tế chiến đấu. Anh cần chú ý điều này. Nếu không sẽ dễ va chạm. Nhất là cần tránh việc lên lớp người ta, đừng để sinh ra mặc cảm...
Tiễn Đoàn Danh Tiến đi rồi, trưởng Ban không khỏi phân vân: ...Tiến hồi này hiếu thắng quá. Lúc nào đó phải kìm cương cậu ta lại một chút! Con ngựa này háu đá!..
Ra về, Đoàn Danh Tiến hỉ hả về những đánh giá cao của trưởng ban dành cho mình, song không khỏi băn khoăn về mấy câu dặn dò cuối cùng. Tuy nhiên ông đủ tỉnh táo để nhận ra yếu điểm kinh niên của mình là tính hiếu thắng. Nó đã từng đưa ông lên cao, nhưng cũng làm ông mất khối bạn.
Suy cho cùng nhận xét của trưởng Ban không sai, chứng tỏ ông ta thiện chí với mình...
Ông Tiến cảm thấy yên tâm.
Về đến phòng làm việc, hãy còn nhiều thời giờ. Ông Tiến điện thoại muốn đến chào tướng Lê Hải. Thiếu tướng vui vẻ nhận lời. Xe đưa ông Tiến đánh loáng đã tới nơi.
Câu chuyện giữa hai người loanh quanh thế nào lại đụng chạm đến bài báo nổi tiếng của ông Tiến ngầm phê phán quan điểm của Viện.
- Anh Tiến vào trong đó, tôi thiếu vắng một người luôn luôn gây cho tôi nhiều cảm hứng để tranh luận.
- Có như thế mới vỡ vạc ra anh Hải ạ.
- Nói thế nào nhỉ? Đứng về mặt cổ vũ phong trào, tôi thấy bài báo của anh tốt lắm. Song tôi tự hỏi cuộc sống ngày nay quá rắc rối, chúng ta có nên giữ mãi cách tuyên truyền giản lược như thế không? Khi đất nước phải đối mặt với thực tế phức tạp hơn nữa thì sẽ tính sao?..
- Anh nói thế thì tôi yên tâm, nghĩa là không có chuyện hiểu lầm nhau. - Ông Tiến cố giấu sự không hài lòng của mình.
- Anh Tiến ạ, báo cáo của Viện tôi là để sử dụng cho công tác nghiên cứu, nhất là đối với những người tham gia hoạch định các chủ trương chính sách trong thời bình. Nhưng dù sao nội dung báo cáo cũng chỉ là những đánh giá chủ quan của Viện tôi thôi. Còn phải chờ thực tế kiểm nghiệm.
- Theo tôi điều cực kỳ quan trọng lúc này là phải nắm vững tư tưởng chủ động tiến công, thừa thắng xông lên anh Hải ạ. Phải lấy cái đà thắng này át hết mọi chuyện. Tinh thần lúc nào cũng phải được lên dây cót, để chùng xuống là sinh chuyện ngay!
- Về mặt tư tưởng, anh cố chủ động như vậy là điều hiểu được. Nhưng mới có mấy tuần thôi, tình hình phức tạp nhanh hơn so với khi chúng tôi gửi báo cáo. Anh Nghĩa và tôi vẫn e rằng còn nhiều điều chưa lường hết.
- Cứ cho là như thế đi. Dĩ bất biến ứng vạn biến là phải giữ vững tư tưởng chủ động tiến công. Nghe nói anh Nghĩa xin giải ngũ, có phải thế không anh?
- Có chuyện ấy.
- Không thể tin được!
- Hoàn cảnh gia đình anh Nghĩa có nhiều chuyện éo le quá, bản thân lại là thương binh nữa anh Tiến ạ...
- Khó khăn thì không bao giờ hết. Nhưng đã thắng được Mỹ thì việc gì ta cũng làm được. Nói lên điều này với một vị tướng như anh là thừa. Điều tôi quan tâm bây giờ là giữ vững tư tưởng chủ động tiến công trong thời bình như thế nào?
- Vâng. Đây là vấn đề thời sự.
- Trong các nghị quyết của Đảng về công tác chính trị tư tưởng cũng nhấn mạnh điều này. Thời bình điều này mới khó, anh Hải ạ. Không biết anh có hay trao đổi với anh Nghĩa không?
- Nhiệm vụ người lính chúng tôi làm xong rồi, chúng tôi có quyền nghỉ ngơi. Bây giờ cờ đến tay những người như anh đấy. - tướng Lê Hải cười vui, đẩy quả bóng trở lại phía ông Tiến.
- Chúng tôi đâu dám thoái thác. Nhưng chắc chắn bọn cầm bút chúng tôi còn phải trông chờ nhiều vào kho tàng kinh nghiệm chiến đấu của những chiến sỹ cách mạng cầm súng như các anh.
- Thế là anh chia chúng ta thành hai phe rồi đấy nhé!
- Người khơi mào là anh. Nhờ anh cho tôi gửi lời chào anh Nghĩa... Có lẽ anh cũng nên.
- Nên gì nữa hả anh Tiến?
- Chỗ anh em với nhau nói thật, anh nên có vài lời khuyên giải anh Nghĩa.
- Có chuyện gì hệ trọng không anh? - mắt ông Lê Hải rạn vỡ ra sau cặp kính.
- Anh nên khuyên anh Nghĩa xem lại ý định xin giải ngũ. Dư luận sẽ đánh giá không hay đâu.
- Thuần tuý vì lý do gia đình thôi mà. Có gì mà phải xem lại? - ông Hải thực bụng không hiểu.
- Quá trình trong quân đội của anh Nghĩa hiển hách như vậy, chiến công đầy người, thế mà lúc này xin giải ngũ thì uổng lắm. Sẽ bị mang tiếng là nhụt ý chí phấn đấu đấy. Thế là rơi vào thoái hoá, là khờ dại! Tôi không muốn dạy khôn anh Nghĩa, nhưng không nghe tôi, sẽ mất cả chì lẫn chài cho mà xem. Như thế thì tiếc cho anh Nghĩa lắm...
- Nhụt ý chí phấn đấu, thoái hoá... có khác gì đào ngũ không? Sao anh không nói thẳng ra như thế?
- Thế là anh hiểu đúng ý tôi. Đối với quân nhân cách mạng những khái niệm ấy là một, anh Hải ạ.
- Xin anh đừng quên, anh Nghĩa là thương binh nặng. Thà xin giải ngũ còn hơn là mang tư tưởng công thần chứ? Tôi lại cho đấy là một cử chỉ cao quý.
- Nhưng anh Nghĩa còn là đảng viên. Mà đảng viên thì phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh và tôi, tất cả các đảng viên đều được học như vậy, đều tuyên thệ như vậy trước khi xin vào Đảng.
- Vâng, nói thế thì chịu. Tôi sẽ nhắn lại Nghĩa.
- Anh nên ngăn cản anh Nghĩa.
- Gặp anh, lúc nào tôi cũng thấy một không khí sôi nổi. Bao giờ anh lên đường?
- Theo kế hoạch là đầu tuần tới.
- Cấp tốc thế? Hoà bình rồi mà cứ như thời chiến vậy!
- Tôi phải mượn câu nói nhà binh của các anh: Quân lệnh như sơn!
- Anh đúng là con người rất nguyên tắc! Xin anh chờ tôi một chút. - tướng Lê Hải rời sa-lông tiếp khách, đi ra chỗ bàn làm việc nhấc điện thoại nói chuyện với người thư ký của mình mấy câu rồi quay trở lại: - Anh nhận công tác mới đột xuất quá, anh Nghĩa và tôi chưa kịp trang trải với anh một món nợ lớn.
- Nợ nần gì thế?
- Để tôi châm thuốc cho anh đã rồi xin nói chuyện tiếp.
Tướng Lê Hải đánh diêm châm thuốc cho ông Tiến, rót tách chè mới, hỏi thăm ông Tiến về việc chuẩn bị cho công tác mới. Một lát sau người thư ký mang đến cho tướng Lê Hải một chồng sách mới in. Tướng Lê Hải ngó lại một lượt nữa rồi mới đưa cho ông Tiến:
- Xin biếu anh tập truyện ngắn mà anh đã vui lòng tìm giúp nơi xuất bản và viết bài giới thiệu. Công anh lớn lắm. Tôi phát hiện ra anh còn là một nhà bình luận văn chương nữa!..
Ông Tiến đỡ lấy chồng sách, đếm được năm quyển:
- Tiền nhuận bút cho bài giới thiệu của tôi đáng giá 5 quyển, có phải không? - ông Tiến cười vui, giơ một quyển lên ngắm nghía rồi đọc to: - ...Truyện kể giữa những trận đánh - những giai thoại khi chiến trường im tiếng súng... Sách in trình bày trông cũng được đấy chứ. Tôi quên bẵng việc in ấn này.
- Công lao anh lớn lắm. Thực ra anh Nghĩa và tôi có biết gì về văn chương đâu. Cả hai chúng tôi chỉ là người kể truyện, viết thành truyện lại là một nhà văn trong Viện tôi. Anh ta nằng nặc đòi in thành sách, vì để thời gian lãng quên thì hoài, nhưng anh ta vác bản thảo đi mấy nơi mà không được in, chẳng nơi nào còn kinh phí.
- Thời buổi khó khăn mà.
- Vâng, nếu anh không giúp cho thì...
- Nhưng tác giả vẫn là tên anh và anh Nghĩa đây này. - Ông Tiến chỉ lên bìa tập truyện.
- Vâng, anh ta chỉ chịu ghi tên mình là người chép truyện thôi. Anh ta nói bài giới thiệu của người có tên tuổi như anh sẽ làm cho tập truyện gây được tiếng vang.
- Cũng như hai anh, văn chương đâu có phải là chuyện của tôi. Nhưng khi đọc bản thảo tôi thấy nhiều giai thoại rất lý thú và cảm động nên nhận lời giúp. Nhất là các truyện như Mất mũ cối, Cu Tý, Võng em bên võng anh, Cho em xin tý giống...
Có lẽ anh rất trung thực với cảm xúc của mình, nên bài giới thiệu của anh rất cảm động! Hiếm khi tôi được thấy một Đoàn Danh Tiến là của chính anh như thế. Anh Nghĩa và tôi đều sửng sốt. Phải cảm ơn anh nhiều lắm.
- Khi đọc xong bản thảo, tôi cứ tự nói mãi với mình: Đúng là bộ đội Cụ Hồ! Chỉ bộ đội Cụ Hồ mới có thể lạc quan yêu đời đến như vậy... Thế là tôi dựa vào cảm nghĩ đó viết bài giới thiệu. Cảm hứng mãnh liệt, nên viết một mạch, nhanh lắm! Tập truyện này là món quà quý anh và anh Nghĩa tặng tôi trước khi tôi vào Nam.
- Qua bài giới thiệu này, chúng tôi khám phá ra một anh Tiến mới! Chân thật với sự rung cảm của chính mình! Anh Nghĩa và tôi đọc đi đọc lại mãi. Cố giữ liên hệ với nhau thường xuyên nhé... - tướng Lê Hải chân tình.
Ngồi trong chiếc Lada trên đường về nhà, niềm vui về tập sách được biếu như đang nâng ông Tiến lên tầm cao mới.
Ông Tiến đọc nhanh lại một lượt bài giới thiệu do chính ông viết cho tập truyện. Bản thân ông cũng không ngờ mình đã có thể viết được một bài giới thiệu xúc động đến thế... Đầu óc ông lâng lâng những lời ca ngợi của Lê Hải.
Ôi Lê Hải đã phát hiện ra chính ta! Trong ta còn có một con người rung động được lòng người...
Lời khen chân thành của Lê Hải làm cho ông Tiến càng tự tin vào mình. Niềm vui vì sắp được tung hoành trên miền đất mới được nhân lên nhiều lần trong lòng ông Tiến.
Tuy nhiên vẫn óc điều gì vương vướng. Trong thâm tâm ông Tiến có một điều không vui nho nhỏ: ông không thể chia sẻ với nhận xét ít nhiều có tính phê phán của trưởng Ban. Người làm chính trị phải luôn luôn nắm cái gốc của vấn đề, còn chủ trương biện pháp cụ thể là nhiệm vụ chiến đấu của giới chuyên môn, chỗ này trưởng Ban lấn sân người khác, mình nhất quyết không nhảy vào...
Ngẫm nghĩ kỹ, ông Tiến ngạc nhiên thấy trong suy nghĩ của tướng Lê Hải cũng có cái gì na ná như của đồng chí trưởng Ban, na ná như của Nghĩa.
...Những vị này nhìn xa trông rộng hơn ta?
...Hay là các đồng chí này đã có những dấu hiệu mệt mỏi, còn ta vẫn tỉnh táo, sung mãn?
...Chính tướng Lê Hải đã phải nói Nghĩa xin giải ngũ vì có liên quan đến hoàn cảnh gia đình éo le, đấy không phải là biểu hiện của mệt mỏi hay sao?..
Trong thâm tâm, ông Tiến không muốn trực diện chê bai hay lên lớp những người như Lê Hải, Nghĩa, đồng chí trưởng Ban. Ông thừa biết họ hơn mình mấy cái đầu, nên tự nhủ phải cố tỉnh táo để khỏi thất thố, song kiềm chế cái thói quen luận chiến sao mà khó thế!
Hình như mình chỉ vừa mấp máy cái mồm là cái tật khẩu chiến xổng ra liền!
... Nếu họ nhìn xa trông rộng hơn ta, thì ta phải động não nhiều hơn. Nhưng nếu đấy là dấu hiệu của sự mệt mỏi thì ta không được bỏ lỡ thời cơ. Ai cũng có thời của mình, bây giờ là đến thời của ta. Có cách gì khẳng định được điều này không nhỉ?
Xe đỗ xịch trước nhà.
Lúc này ông Tiến mới bước ra khỏi những suy tư lan man.
Ông bước vào đến giữa nhà mà cứ như là đi vào chỗ không người, mặc dù vào giờ này mọi người đều ở nhà. Sau mấy câu chào hỏi chiếu lệ, mọi người ai làm việc nấy. Ngó quanh một lúc, ông đi tìm dây và giấy báo buộc tập truyện lại thành một gói gọn ghẽ, định bụng sáng mai sẽ trao cho thư viện của Ban.