Hai Hân ghi thêm một chiến tích mới: Nêu gương tiến công vào tâm lý hữu khuynh của một số cán bộ trong thành phố. Người bị Hai Hân nêu ra làm tiêu biểu là Bảy Dự. Hai Hân bỏ qua Ba Khang, vì đằng nào Ba Khang cũng xếp vào loại xế chiều về tuổi tác. Còn trình độ mọi mặt thì lại càng kém, không thể so với Bảy Dự. Gần đây chính Ba Khang có đơn xin nghỉ công tác, với lý do trình độ hạn chế.
...Bây giờ mình phải làm cho mọi người tâm phục khẩu phục bác bỏ Bảy Dự, nhất là bác bỏ sự mê tín vào cái trí thức quèn của anh ta... Giáo viên trung học, chứ có là cái gì ghê gớm đâu... Dân trong thành phố không ít người cứ chê bai cán bộ này là nông dân, cán bộ kia là công nhân nông trường... Họ còn nói điều hành công việc của thành phố thời bình phải là những người có học, có văn hoá... Ta sẽ chứng minh đấy không phải là lãnh địa riêng, là đặc quyền của các người!..
Sự bận rộn ngày đêm hình như chỉ mang lại cho hai Hân nhiều điều phấn khích. Cuộc đời phấn đấu từ một công nhân lam lũ trở thành giám đốc, lại phó Ban Dân vận, rồi đây chắc sẽ còn tiến xa nữa.., Hai Hân rút ra chân lý: Càng ngày mình càng hiểu, đời là nối tiếp các cuộc chinh phục không ngừng! Khi mình phiêu bạt giang hồ cũng thế, bây giờ cũng thế. Cảm ơn trời đất, mấy năm gần đây bệnh tật cũng êm êm, mình không biết mệt mỏi là gì...
Trong Thành phố: ...Nào là vấn đề nuôi sống mấy triệu người. Nào là yêu cầu trật tự trị an. Ngay trước mắt cần trấn áp cả một thiên la địa võng các băng đảng ác ôn du thử du thực chăng rải khắp Thành phố - không ít các băng đảng này trước đây là những móc xích của CIA, của nguỵ quyền và của các tổ chức chính trị phản động. Nào là các tệ nạn văn hoá, xã hội khác. Nào là vấn đề chi viện cho Campuchia... Chưa nói gì đến những yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, chuyện học hành của học sinh...
Bây giờ lại thêm những hậu quả tích tụ ngày một nhiều của tình hình di tản. Lác đác có một số hiện tượng đáng ngại về an ninh chính trị. Lãnh đạo Thành phố đòi hỏi phải thận trọng trong xử lý mọi công việc, không thể lẫn lộn các sự việc hình sự, kinh tế và chính trị...
Phụ trách công việc giữ gìn trật tự trị an cho dân cư của quận mình, Bảy Dự ý thức được yêu cầu nghiêm ngặt này. Mong muốn thì đúng đắn như vậy, song cuộc sống nhiều khi là con ngựa bất kham. Cách đây hơn một năm trong thành phố xảy ra vụ một số cán bộ ăn tiền của người di tản, móc ngoặc với bên ngoài tổ chức một mẻ di tản lớn trót lọt. Mẻ di tản lớn này cho đến nay vẫn gây xôn xao trong Thành phố, vì trong những người ra đi có ba gia đình anh em Năm Thịnh và một số người trước đây đã tham gia lực lượng thứ ba trong Mặt Trận. Quận của Bảy Dự có hai người tham gia vào vụ bê bối này. Hai Hân đặt tên cho vụ này là vụ Năm Thịnh. Sau vụ này số người trong quận của Bảy Dự di tản không thành tốp lớn nữa, nhưng số lượng không giảm…
Trong việc truy tìm những đầu mối của các mẻ di tản sau, người ta tìm thấy khá nhiều tài liệu thật giả lẫn lộn, đủ mọi loại nguồn gốc, hầu hết là photo copy. Nào là bản hướng dẫn làm thủ tục khai báo với cơ quan nhập cư Mỹ, mẫu đơn xin tị nạn chính trị, bản tôn chỉ mục đích của Hội đoàn tụ gia đình - địa chỉ ...CA-USA, địa chỉ liên lạc của Hội cựu chiến binh Báo đen - ...Texas - USA, lời kêu gọi của hội này gây bạo loạn lật đổ chế độ Hà Nội, thủ tục thỉnh cầu sự can thiệp của Cao uỷ tị nạn quốc tế UNHCR, đường dây dịch vụ chuyển tiền, “10 điều khuyên trong thời gian sống ở trại tị nạn", địa chỉ các thành viên Uỷ ban Nhân quyền phụ trách Việt Nam, Điều lệ Việt Nam Cứu Quốc Hội - các địa chỉ liên lạc tại Mỹ, Philippines, Thái Lan, Campuchia.., hiệp hội "Những người Mỹ vì Việt Nam tự do" - trong danh sách lãnh đạo của tổ chức này người ta thấy tên một số nhân viên CIA loại trùm sỏ ở Sài Gòn trước đây như J. Polgarier, M. Colbie... Tại quận của Bảy Dự người ta còn tìm được hai bản photo copy gồm các đoạn trích trong những bài báo tiếng Việt và tiếng Anh ở nước ngoài. Những đoạn trích này lấy ra từ các bài báo có chủ đề chính cho rằng sự đàn áp ở Việt Nam làm bùng nổ các làn sóng di tản; những bài này in chung dưới tiêu đề lớn “Tố cáo chế độ Hà Nội vi phạm nhân quyền...". Ngoài ra có bốn thư tay của người di tản sống ở Mỹ gửi về cho gia đình. Trong các thư có một thư nêu địa chỉ liên lạc với thiếu tá nguỵ Lý Lam. Một thư khác là của đại tá nguỵ Quách Minh Châu gửi cho em vợ, thư về đến nơi thì người nhận đã đi di tản trước đó một tháng. Thư này kể nhiều chuyện về cộng đồng người Việt ở California. Châu không ngờ đến đây gặp lại một số bạn cũ trong Ban thư ký Tổng tham mưu ngày xưa, lại có thêm bạn mới. Trong thư người ta đọc được một số tên như Tôn Thất Loan, Phạm Trung Lễ, Năm Lửa - tức Năm Thịnh.., trước đây là chủ khách sạn Eden ở Sài Gòn...
Bảy Dự không một chút nghi ngờ các hoạt động vừa ăn cướp vừa la làng trong việc lôi kéo di tản, gây hoang mang và tạo cơ hội diễn biến hoà bình, lật đổ chính quyền cách mạng. Song nếu coi tất cả mọi người đi di tản là vì động cơ chính trị thì không thể chấp nhận được. Bảy Dự và Hai Hân đã nhiều lần tranh luận với nhau tới số, song chưa ai chịu ai. Cho đến nay các cuộc họp đều nhấn mạnh không thể coi thường sự can thiệp ngày càng trắng trợn từ bên ngoài, phê phán quyết liệt các nhận thức mơ hồ, hữu khuynh...
Cuộc họp hôm nay bàn về đối sách với những người đã đi di tản trong quận của Bảy Dự. Hai Hân tham gia với tư cách là đại diện ban dân vận của thành phố, ngầm hiểu là trên Bảy Dự một cấp.
Bảy Dự trình bày, giải thích khá dài, nhưng tựu trung lại có hai điểm mấu chốt nhất: Một là đối sử với gia đình hay thân nhân của những người di tản còn ở lại theo pháp luật, bình đẳng như các công dân khác, hai là nếu những người di tản có tài sản để lại, nhất là bất động sản, thì nhất thiết không được đụng đến. Lập luận của Bảy Dự là phải bám vào quan điểm chỉ đạo của thành phố là không nên làm cho tình hình rối rắm thêm.
Người nổ phát súng đầu tiên vẫn là Hai Hân:
- Quan điểm của lãnh đạo Thành phố là để chỉ đạo, còn đi vào thực hiện phải cụ thể hoá từng trường hợp. Theo anh Bảy thì sự ra đi của Năm Thịnh có phải là phản động không.
- Tôi cho là không.
- Nếu không hiểu hành động của Năm Thịnh là chống đối cải tạo tư sản, là chống đối đường lối chính sách của Đảng, thì hiểu nó là cái gì?
- Trước sau vẫn là bất mãn. Chúng ta không nên đã mất người lại còn biến họ thành thù.
- Bất mãn, bỏ cách mạng, bây giờ sống trong lòng địch và bè lũ phản động người Việt ở nước ngoài, thế không phải là phản động à? Bất mãn bỏ nước ra đi có khác gì lắm với chống chế độ? Anh có chắc rồi đây Năm Thịnh không quay về chống ta không?
- Hỏi thế làm sao trả lời được, nhưng Năm Thịnh ra đi là vì bất mãn.
Anh Bảy chỉ xem xét Năm Thịnh lúc ra đi, không nhìn vào diễn biến của sự việc, lại càng không để ý đến những tài liệu ta bắt được. Sao lại có thể nhìn nhận sự việc tĩnh tại thế, cũng không để ý đến môi trường Năm Thịnh đang sống bây giờ!
- Tôi không tán thành cách suy diễn như vậy. - Bảy Dự kiên quyết bác lại.
- Sai lầm là ở chỗ này! Cả hội nghị nghĩ xem, tình hình di tản trước khi ba anh em nhà Năm Thịnh ra đi như thế nào, bây giờ như thế nào? Tình hình chung trước đây phức tạp hơn, hay là sau vụ Năm Thịnh phức tạp hơn? Đối phó với tình hình hiện nay bằng cách suy nghĩ cầu an như của anh Bảy có được không?..
Cuộc tranh luận tay đôi chuyển sang cuộc thảo luận của cả hội nghị. Nhiều ý kiến thừa nhận điều rành rành là tình hình bây giờ phức tạp hơn nhiều. Nhiều ý kiến đồng tình không thể nhìn sự việc tách rời với những diễn biến chung quanh đang xảy ra. Một số ý kiến còn đi xa hơn, phê phán Bảy Dự là mơ hồ, mất cảnh giác...
Sau khi đa số dự hội nghị tán thành ý kiến của Hai Hân, cuộc thảo luận vấp phải vấn đề khó hơn: Các biện pháp xử lý. Quan điểm chỉ đạo của Thành phố luôn được nhắc đến, nhưng đi vào các trường hợp cụ thể của quận thì không dễ chút nào.
Trường hợp di tản của em vợ Quách Minh Châu dính dáng đến việc cuỗm một số tiền khá lớn của những người muốn di tản đang bị kẹt lại. Có những chứng cứ cho thấy chính hắn ta đứng ra tổ chức đường dây này và dụ dỗ nhiều người tham gia. Chỉ có khoảng một phần ba số người đóng tiền đi được trót lọt. Nhà của hắn ta lại là nhà đi thuê, do người vợ cả và một đứa con trai cả đang ở, những tài sản khác hắn bán tống bán tháo hết trước khi bỏ trốn ra nước ngoài, nghĩa là chẳng có gì để bồi hoàn cho những người bị lừa... Dựa vào thế lực hay tổ chức chính trị nào hắn ta làm được việc này? Xử lý thế nào đây? Không xử lý được thì vô hình chung khuyến khích các đường dây mới...
Đã thế có một số người không đi được trót lọt, quá tiếc của… Một số người trong đám họ vốn là họ hàng ruột thịt với Bảy Dự, nhờ ảnh giúp tìm cách đòi lại tiền. Bảy Dự không sao thoái thác được. Có lúc Bảy Dự hết cả kiên nhẫn:
- Bác làm việc phạm pháp như thế lẽ ra phải bắt giam đấy!
- Thôi… Bỏ qua đi… Bác nghe người ta xui dại mà…
- Tại sao khi đóng tiền đi di tản bác không đến báo cho chính quyền biết. Bây giờ mất tiền bác lại nhờ chính quyền đứng ra đòi hộ?
- Thì có tin chính quyền mới nhờ chính quyền đứng ra đòi chớ! Thế chính quyền không bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân à?.. Cháu giúp bác đi…
- Đành là thế, nhưng bây giờ người nhận tiền của bác cao chạy xa bay rồi. Vì sao hồi ấy bác lại phải tìm cách cho gia đình di cư bất hợp pháp như thế. Nhà ta có làm điều gì sai không mà phải đi lén?
- Chỉ có buôn bán thôi mà, có làm gì đâu… Cháu biết quá đi rồi. Chính phủ ta thì không có chủ trương cho đi, mà nơi đến cũng dứt khoát không nhận. Vậy không đi lén thì đi bằng cách nào?
- Biết thế mà bác vẫn liều?..
- Người thì nói bây giờ cái gì cũng quốc doanh hết, sống thế nào được! Người khác lại nói bên ấy làm ăn dễ lắm, thế thì tội gì không đi! Ai biết đâu bị mắc lừa như thế này!..
Bảy Dự hiểu thêm ra nhiều điều.
Trong quận của Bảy Dự có hai người tham gia vào vụ bê bối Năm Thịnh, một cán bộ phường và một cán bộ quận, hơn một năm rồi vẫn chưa giải quyết xong. Hai cán bộ này đã buộc phải thôi việc và bị xử lý theo pháp luật về tội tham nhũng. Nhưng câu hỏi chưa làm rõ được là: Vụ bê bối này chỉ đơn thuần là chuyện sa đoạ của cán bộ hay còn nguyên do gì khác? Nếu có vấn đề chính trị thì càng không đơn giản chút nào. Bảy Dự vẫn còn nợ trên câu trả lời và cũng tự cảm thấy tín nhiệm của mình ngày một giảm sút. Ngay trong cuộc họp này Bảy Dự cũng thấy ý kiến của mình không được coi trọng như trước nữa... Trong khi đó ý kiến của Hai Hân ngày càng được vì nể, nhất là khi Hai Hân phê phán quan điểm hữu khuynh của Bảy Dự...
Hai Hân toàn thắng trong việc bác bỏ ý kiến Bảy Dự, nhưng hội nghị không toàn thắng trong việc thông qua những giải pháp ổn định tình hình và kiểm soát tình trạng di tản. Đại thể vẫn là những quyết sách chung chung: nắm vững phương châm chỉ đạo của Thành phố, tăng cường giải thích chính sách và học tập chính trị trong các cụm dân cư, phổ biến những thông tin về tội ác dã man của hải tặc để răn đe...
Là phó Ban Dân vận của Thành phố, trong thâm tâm Hai Hân thừa nhận những biện pháp đã thông qua không tác động được bao nhiêu vào những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di tản.
Hai Hân tặc lưỡi trong đầu: ...Làm gì giữ được di tản ở lại mới tài, chung chung thế này không nước mẹ gì! Trí tuệ của cả hội nghị cũng chỉ tìm ra được ngần ấy giải pháp, chứ đâu có phải riêng mình mà băn khoăn!.. Cái chính là hội nghị tâm phục khẩu phục về cái bệnh hữu khuynh của Bảy Dự!..
Một tháng sau, với lý do phải tăng cường chất lượng giảng dạy của trường phổ thông trung học Quang Trung trong quận, Bảy Dự được cử về đấy tham gia ban giám hiệu...
Hai Hân nhận được tin trên trong lúc ăn tối tại xí nghiệp in quốc doanh Tự Lực, chân muốn nhảy cẫng lên nhưng không tiện. Quanh bàn ăn không có ai có thể chia sẻ tin vui này... Gần đây Hai Hân có thói quen những ngày không phải đi công tác thì thường tham gia đánh bóng chuyền với công nhân sau giờ làm việc, ở lại tắm rửa, ăn cơm tối xong mới về nhà. Vợ Hai Hân đã quen cái cảnh ăn cơm một mình. Hôm nào phải họp hành, hoặc giả có việc gì vui thì Hai Hân ngủ lại trong xí nghiệp. Tối nay có một số việc phải bàn thêm, nhưng Hai Hân đang cuồng lên, quyết định về nhà.
- Anh nói tối nay họp nên ngủ lại trong xí nghiệp cơ mà? - vợ Hai Hân ngạc nhiên khi thấy chồng về.
- Đột xuất!
- Anh nói cái gì? Về nhà ngủ đột xuất? - hai mắt vợ hai Hân mở to, mải nhìn chồng, tay suýt gạt rơi mấy cái bát đĩa đang rửa. Chị vừa mới ăn cơm tối xong.
- Cưng ơi, phải đi học chính trị nâng cao trình độ đi. Người ta nói công tác đột xuất, chứ không ai nói ngủ đột xuất!
- Ở nhà làm gì có gì mà công tác đột xuất. Thế về không ngủ đột xuất thì làm cái gì?
Hai Hân ớ ra một lúc và cũng cảm thấy tức cười, định chọc vợ một câu nữa thì bị chẹn luôn:
- Đột xuất là tự anh nói ra, chứ không phải em đâu nhé!
- Thôi được, không có công tác đột xuất thì ngủ đột xuất càng thích chứ sao. Hôm nay chúng ta ngủ đột xuất đi! - Hai Hân luồn ra phía sau, ôm kín cả người vợ, hai tay thộp lấy vú vợ, bóp mạnh: - Ngủ đột xuất! Dùng từ rất chuẩn!
- Đồ quỷ, vỡ hết cả bát đĩa bây giờ!
- Có chút gì nhậu không?
- Anh chưa ăn cơm sao?
- Rồi, nhưng muốn nhậu đột xuất ở nhà một chút!
- Rượu trắng má đem ra cho vẫn còn nguyên trong can đấy, cả gói cá chỉ vàng nữa. Em đi nướng cá cho anh nghen?
- Tuyệt!
Loáng một cái mâm bát, cút rượu, đĩa cá nướng, đĩa lạc rang đã dọn ra trên bàn. Vợ Hai Hân vặn cái quạt trần tăng thêm một nấc nữa rồi lại ngồi cạnh chồng:
- Sao tự nhiên hôm nay lại nảy ra cái chuyện đột xuất?
- Chuyện này khác, dài lắm. Làm một chút lai rai với anh đi.
- Một chút thôi nghen.
Hai Hân rót cho vợ đầy ly rượu, bị vợ đổ trả lại quá nửa vào cái ly bự của mình:
- Đằng nào cũng đi ngủ, lo gì.
- Đừng. Mai em phải đi làm sớm. Uống nhiều mai không dậy được thì chết!
- Uống ít cũng được, nhưng ngồi tiếp anh chứ? Nhậu một mình buồn chết luôn.
- Ngồi nghe anh kể chuyện đột xuất đây.
- Từ từ. Đã bảo là chuyện dài dài mà.
- Chắc anh quyết định chuyển nhà rồi phải không?
Hai Hân nhâm nhi, vừa nghe vợ nói, vừa theo đuổi các suy nghĩ của mình.
- Em đã đoán là không thể sai. Mà cũng đã đến lúc rồi. Ai lại giám đốc bao nhiêu năm mà vẫn cứ chui rúc mãi cái chuồng heo trong hẻm cụt này. Thỉnh thoảng anh phải đi công tác xa, lái xe đến đón anh cũng cực.
- Anh nói mãi rồi, chuyện nhà cửa cứ thong thả mà em. Phải nghĩ xa hơn. Ngay đến cái xe máy đi làm anh vẫn giữ cái Honda tòng tọc kia, quăng nó đi lúc nào chẳng được. Phải nghĩ đến cái lớn hơn.
- Thế thì chịu, không đoán được cái chuyện đột xuất hôm nay là gì.
- Anh thắng to. Con đường chính trị của Bảy Dự hết rồi, bây giờ lại trở về nghề thầy giáo.
- Em không hiểu. Dạy học là nghề chính của ảnh, có gì mà thắng to với thắng nhỏ?
- Thế mới bảo là chuyện dài dài mà. Anh quyết định đi học dài ngày. Em chịu khó ở nhà một mình, hoặc mời má ra sống với em cũng được.
- Chị Hai một nách mấy con nhỏ, má không bỏ chị ấy một mình được đâu.
- Nếu vậy em chịu khó ở nhà một mình.
- Em thế nào cũng được. Nhưng từ ngày bác Tiến ra Hà Nội, em thấy anh quên đứt cái chuyện đi học rồi cơ mà.
- Khác rồi. Bây giờ nhìn xa nên lại muốn đi học.
Chuyện anh đi học có liên quan gì với anh Bảy?
- Cá em nướng hơi ỉu ỉu một tý thế này mới ngon. Tối hôm qua chúng nó nướng hơi cháy, ăn đắng thấy bà. - Hai Hân vừa ăn vừa nói, đầu óc đang có nhiều tính toán chạy qua.
- Em lấy thêm tương ớt cho anh nghen?
- Em bảo sao, má bận với chị Hai hả? Thì em cũng là con gái của bả.
- Phải thông cảm với chị Hai, cặp nách một bầy con mọn, đừng bì với chị ấy.
- Thế cũng được. Miễn là em tán thành anh đi học.
- Đã bảo em thế nào cũng xong mà.- Biết không cưng, uy tín anh đang lên! Thêm cái bằng chính trị nữa là thiên hạ miễn eo sèo. Một mình anh đánh đổ 5 tư sản đấy!
- Công tác anh xông pha ngày đêm như vậy, hết ý. Ai nói gì được?
- Thế mà vẫn có người cứ hay so sánh anh với Bảy Dự. Nhưng bây giờ thì miễn! Miễn hẳn! Có thêm cái bằng chính trị nữa thì một Bảy Dự chứ ba bốn BảY Dự cũng phải ngước nhìn lên!
- Sao cứ nhằm vào anh Bảy?
- Bênh hả?
- Anh có xích mích gì với ảnh không?
- Xích mích thì không.
- Thế thì vì cái gì vậy?
- Họ cứ hay lấy Bảy Dự ra để đo anh!
- Chỉ vì thế mà tối nay anh về nhà?
- Đại sự như thế còn gì nữa!
- Coi bộ về nhà tối nay chỉ là vì đại sự.
- Cái chính là để em động viên anh đi học.
- Đừng móc ngoặc lung tung thôi, chứ đi học thì tha hồ!
- Em nói cái gì?
- Đã bảo là cứ liệu, đừng móc ngoặc lung tung.
- Em hiểu móc ngoặc là gì?
- Là trai móc với gái rồi ngoặc với nhau, anh cứ vờ vĩnh mãi!
- Thế tối nay anh với em cũng là móc ngoặc à?
- Chứ còn gì nữa, đừng có rỡn hoài!
Hai Hân ôm bụng cười ngặt nghẽo, miếng cá chỉ vàng đang ăn dở văng xuống sàn nhà.
- Anh hôm nay sao trơ tráo thế, người ta mắng cho mà vẫn còn cười!
- Không, em làm anh buồn cười quá!
- Buồn cười cái gì mới được chứ? Hôm nay em làm sao?
- Em không làm sao cả. - Hai Hân vẫn cười. - ...Em sai rồi!
- Nhưng mà sai cái gì? - vợ Hai Hân không giữ được kiên nhẫn nữa.
- Em dùng từ sai rồi. Người ta không nói móc ngoặc để chỉ chuyện trai gái. Anh Tiến đã có lần giải thích móc ngoặc, con phe, cưa đôi... là từ ngữ kinh tế ngoài Bắc từ khi có chế độ tem phiếu, trước kia không có trong đời sống hàng ngày. Móc ngoặc là chuyện làm ăn móc nối, thông đồng với nhau để moi hàng theo giá bao cấp, rồi tuồn ra bán ngoài thị trường với giá chợ đen! Sau giải phóng từ này mới được du nhập vô trong này, nhưng hiểu có khác đi đôi chút.
- Em có ra ngoài Bắc bao giờ đâu mà biết. Mấy lần anh Tiến đến ăn cơm nhà ta, thấy anh và anh Tiến thỉnh thoảng lại thì thào với nhau chuyện móc ngoặc thì cứ ngỡ là...
- Bù lại ngoài Bắc nhập từ bồ bịch của miền Nam từ sau giải phóng...
- Thôi, đã thế em nói lại: Đi học thì đồng ý, còn bồ bịch lung tung thì không được! Nói thế rõ chưa?
- Lại bắt đầu ghen rồi phải không?
- Em đi nướng thêm cá cho anh nghen?
Câu chuyện cứ dóng một thế mà lai rai sang đĩa cá nướng thứ hai. Tiếp rượu cho chồng, thỉnh thoảng vợ Hân mới cầm lên một con cá nhỏ, nhưng ly rượu một nửa chồng rót cho thì vẫn còn nguyên. Câu chuyện có vẻ như đứt làm nhiều đoạn, bởi vì Hai Hân vừa thưởng thức món nhậu, vừa xắp xếp trong đầu những việc sẽ làm, lại vừa tiếp chuyện vợ. Tuy vậy vợ Hai Hân hiểu rõ chồng mình rất quyết tâm đi học. Nói chuyện với chồng trong bữa nhậu đột xuất này, mỗi câu cộc lốc của chồng lại làm cho bao nhiêu ý nghĩ về chồng quay cuồng trong đầu chị.
...Bây giờ là vợ giám đốc rồi, ảnh đi học về mình sẽ là gì nữa đây? Mình đâu có cần chức tước gì của ảnh? ...Đời là tiếp nối các cuộc chinh phục không ngừng!.. Hình như có lúc ngủ mơ ảnh cũng nói câu này. Sao đàn ông họ thích theo đuổi những chuyện hão huyền vậy! Đến nỗi nhà được phân rồi mà còn giữ kẽ chưa nhận. Không biết còn cam chịu ở cái xó này cho đến bao giờ!..
...Khi tắt đèn leo lên giường đi ngủ, vợ chồng Hai Hân lại đụng ngay phải cái chuyện bàn đi bàn lại mãi xưa nay: Cưới nhau đã gần 5 năm rồi mà chưa có con. Cúng, lễ, đi bệnh viện, xem tướng... đều chưa hiệu quả.
Có lúc vợ bảo lỗi tại chồng, dẫn chứng là chị gái mình một nách bốn đứa con, năm một sàn sàn nhau. Chồng bảo lỗi tại vợ:
- Đừng ăn nói lung tung nhé, trước đây con rơi con vãi vô thiên ổng!
Hai vợ chồng mấy lần dắt nhau đi xem bói, xem tử vi. Có lần ông thầy nói: Thế nào cũng có con, con trai hẳn hoi, nhưng muộn...
Được cái hai vợ chồng biết chịu đựng nhau, an ủi được nhau.
Lần này cũng vậy, vợ Hai Hân né đầu sang một bên rồi ghì đầu chồng mình xuống ngực để nói thật sát vào tai chồng: