Không có ấn để tính cái ngày treo ấn từ quan, ông Tám Việt đành lấy ngày viết đơn xin nghỉ hưu thay cho sự kiện đáng ghi nhớ này vậy. Kể từ ngày ấy, đến hôm nay, nghĩa là đến khi ông làm xong mọi việc, nhất là những việc dang dở phải bàn giao, rồi việc làm thủ tục nghỉ hưu, di dời hộ tịch.., để hai vợ chồng ông chuyển hẳn vào Thành phố sống với tư cách là dân thường, đã gần hai năm trôi qua. Ông bà sống chung với vợ chồng con gái mình và hai đứa cháu ngoại trong căn nhà ông được cấp khi còn tham gia lãnh đạo Thành phố, nay vẫn còn do Sở nhà đất của Thành phố quản lý, chưa làm xong thủ tục bán hoá giá - nghĩa là quá muộn so với nhiều nhà khác đã bán hoá giá cho người đang ở.
Trong đám quen biết cũ ở Thành phố, người thì gọi ông Tám là lão thành cách mạng, người thì trêu trọc ông bằng cái tên phó thường dân VIP.
Riêng Tám Việt, ông chỉ quan tâm mỗi một chuyện là đã về hưu thì cống hiến đất nước theo nghĩa vụ của người về hưu, đơn giản là suốt đời gắn bó với sự nghiệp của dân tộc mình, của đất nước mình, ông không bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi.
- Ông nói nghỉ hưu thì cống hiến theo cách của người nghỉ hưu nghĩa là thế nào? Thực lòng, bà Tám Việt muốn chồng thực sự được nghỉ ngơi.
- Bà thử đoán xem?
- Ông lại làm cố vấn cố veo, làm chủ tịch danh dự, đặc phái viên của ông này ông nọ... Tôi sợ ông sẽ rơi vào con đường này của bao nhiêu người đi trước...
- Tôi nói thế này để bà yên lòng nhé, có nhiều việc tôi có thể làm được lắm, làm tốt là khác. Việc trước tiên cố làm bằng được, đó là làm đúng hưu là hưu!
Cái việc có 3 chữ gọn lỏn như thế mà chẳng gọn chút nào, chính ông bà Tám Việt cũng không ngờ sự đời nó lại như vậy.
Việc bàn giao những công tác đang tiến hành dang dở nói chung thuận buồm xuôi gió. Ông bà Tám Việt trù tính trong vòng bốn năm tháng là được ung dung về sống trong Thành phố với con cháu mình rồi. Nhưng chuyện rắc rối đến từ những ngõ ngách trong cuộc sống cứ tự nó ùn đến, ông bà Tám không bao giờ ngờ tới...
Việc đầu tiên, ông Tám mời người phụ trách khâu hành chính quản trị của Trung ương đến nhà riêng để nói rõ ý định của mình. Chuyện đơn giản như thế mà ông Tám cũng phải mời đi mời lại hàng tháng anh ta mới đến. Ông bà Tám bực mình lắm, chẳng bù cho lúc còn đương chức, chỉ cần “a-lô!” một tiếng là anh ta có mặt ngay.
Ông Tám cố nén giận, nói:
- Vợ chồng tôi muốn vào sống với gia đình con gái tôi trong Thành phố. Điện đi điện về mãi mà đồng chí không thèm tới.
- Anh chị thông cảm cho em...
- Chúng tôi nhờ đồng chí thu xếp việc vận chuyển bằng xe lửa những đồ đạc riêng do tự chúng tôi mua sắm để vào dùng trong đó. Cũng không nhiều lắm đâu, kiếm hộ chúng tôi một cái hòm gỗ chừng 2 thước khối là đủ... - Ông Tám đã hoàn toàn bình tĩnh.
- Chuyện vặt, anh ạ.
- Nhờ anh cho người đến đóng gói dùm. Còn lại ngôi nhà công vụ này và toàn bộ tiện nghi sinh hoạt trong ngôi nhà này là của Nhà nước, vợ chồng tôi xin trao lại cho hành chính quản trị của Trung ương.
- ???
- Sao vậy, đồng chí không hiểu rõ đề nghị của chúng tôi à?
- ??? - Anh cán bộ quản trị ngơ ngác.
- Ô hay, có cần tôi nhắc lại không đồng chí?
- ???
- Anh có nặng tai không?
- Thưa anh Tám, em hiểu chứ ạ. Em hiểu rất rõ đề nghị của anh chị. Nhưng anh làm em lúng túng quá.
- Đề nghị có thế mà cũng làm anh lúng túng à? Vợ chồng chúng tôi chịu mọi chi phí đóng hòm và vận chuyển, chỉ nhờ anh cho người đến đóng gói dùm rồi chở ra ga Hàng Cỏ, à quên, nói thế chưa chắc anh đã biết nó là ga nào. Chở ra ga xe lửa Hà Nội rồi gửi đi thôi.
- Không, không, anh hiểu lầm em rồi!
- Hiểu lầm cái gì mới được chứ?
- Em không biết anh chị đề nghị như vậy, nên trước khi đến đây em không xin ý kiến của đồng chí phụ trách về phương án này ạ. Em cứ đinh ninh là...
- Đinh ninh làm sao?
- Khổ quá, mấy tháng nay em cứ khất anh chị mãi, đâu có phải là em lơ là trong việc phục vụ anh chị. Nhất là anh chị là người em thực sự kính mến. Hôm qua em mới tìm xong được nhà, nên hôm nay mới dám vác mặt đến. Đối với những người tham gia từ trước Cách Mạng Tháng Tám như anh, em không bao giờ cho phép mình sơ suất điều gì...
- Tìm được nhà ở đâu, có khá không?
- Địa điểm, vị trí.., em cho là hết ý rồi. Nếu anh ưng theo hướng này thì em sẽ xin báo cáo tiếp... Mặt bằng khá rộng, chỉ có căn nhà hơi cũ một chút thôi, nhưng em cho đấy là chuyện vặt, sau này sẽ tính. Ăn thua nhau là cái mặt bằng và cái vị trí, anh ạ...
- Tìm nhà làm gì?
- Anh thông cảm cho, thường là phải đi lo nhà mới để cho các vị nghỉ hưu trả lại nhà công vụ cho Nhà nước. Nhưng anh tính, cái nhà chứ có phải là bao thuốc lá đâu, làm gì có chuyện cứ thò tay vào túi rút ra là có liền...
- Thế bây giờ anh đã hiểu đề nghị của tôi chưa?
- Xin anh cho em về báo cáo lại với cấp trên đã.
- Thôi khỏi báo cáo, nếu khó quá để gia đình chúng tôi tự lo lấy vậy.
- Chết, chết, anh lại hiểu lầm em thậm tệ.
- Có cái việc con con như thế cũng phải về báo cáo à? - ông Tám phát bực.
- Không được. Dứt khoát không được ạ. Anh phải cho em về báo cáo. Em đã dính đòn mấy lần rồi, em không dại nữa.
- Anh ăn gian nói dối cái gì mà dính đòn?
- Em bị mấy vố rồi, mấy vị này cũng nói hệt như anh ạ.
- Nói hệt như tôi là thế nào?
- Cũng xin trở về quê quán hay nơi ở cũ như anh ạ... Thực ra đấy là các vị ấy gợi ý khéo, vì các vị thừa biết ở phố này toàn là nhà công vụ, phải trả lại sau khi nghỉ việc. Em cứ tưởng các vị ấy nói thật, chỉ lo thu xếp chuyển đồ đạc cho các vị ấy về nơi cũ, chuyện tiêu chuẩn nhà cửa tính sau. Ai đã được cấp nhà rồi mà chưa đủ tiêu chuẩn thì sẽ tính bù... Ai dè, đến khi em cho người tới đóng gói đồ đạc, các vị ấy hỏi: Các anh định chuyển gia đình chúng tôi đi đâu? Thế là tụi em bị bỏ bom, trong khi đó các vị mới được bầu lên làm lãnh đạo thì tụi em đã có kế hoạch bố trí vào ở rồi! Kế hoạch vỡ! Thế mới chết cha bọn em chứ!..
- Bây giờ anh đã rõ đề nghị của tôi chưa?
- Em rõ rồi ạ. Em xin chào anh ạ. Em sẽ về báo cáo... - Người cán bộ quản trị không để cho ông Tám nói tiếp. Anh ta chạy vội ra phía cổng. Gặp bà Tám vừa đi chợ về, anh ta cúi đầu - ...Em chào chị ạ!.. Cũng không để cho bà Tám kịp hỏi chuyện, anh ta nhảy phốc lên xe máy, rú ga chẳng kém gì đám thanh niên hư hỏng đua xe máy trên đường phố...
Câu chuyện lại bẵng đi rất lâu, điện đi điện lại mãi ông bà Tám phát chán, không còn cách nào hơn là chờ đợi. Trong khi đó câu chuyện cái hòm gỗ hai thước khối biến thành cái quan tài bay... Nó bay đi thăm viếng mọi nơi ông Tám có quan hệ công tác, nó tự nhân lên, tự thay hình đổi dạng theo trí tưởng tượng của mỗi người tiếp xúc với nó. Cứ thế quan tài bay lần theo các vỉa hè, len lỏi vào trong các tiệm cà phê, rôm rả nơi quán nước, gây ra các trận cười vỡ trời chung quanh những ly bia, trong Nam ngoài Bắc... Người ta thường chỉ mới nghe thấy những chuyện đồn đại người ngoài hành tinh thỉnh thoảng phóng đĩa bay về vùng trời của quả đất, vẽ các hình hình học rộng lớn đối xứng trên những cánh đồng nào đó ở Anh, ở Pháp... Nhưng từ cổ chí kim đây là lần đầu tiên hư hư thực thực chắp cánh cho quan tài gỗ hai thước khối bay đi khắp mọi miền đất nước.
Thế rồi một cái Tết lỡ hẹn với vợ chồng con gái mình, lại đang đến gần cái Tết thứ hai... Ông bà Tám chỉ biết chờ đợi và chờ đợi. Một nghìn lẻ một câu chuyện xảy ra trong thời gian chờ đợi... Tất cả những gì bà Tám lo lắng đã xảy ra thật và tiếp tục xảy ra. Ông Tám chưa làm đến địa vị có thể buông rèm nhiếp chính, nhưng có đến hàng tá các đề nghị kiểu na ná như nỗi lo của bà Tám là: "Cần tên tuổi của ông cũng như người cần đi mua một cái bằng thật để trang sức ấy mà!" - bà Tám bình về những lời mời của tổng công ty này, cơ quan nọ, viện kia... đang muốn ông Tám ra giữ cho chân cố vấn, chủ tịch Hội đồng quản trị hay chủ tịch danh dự gì đó...
Riêng ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh Việt Phát thì chỉ xin được ghi tên ông với chức danh là Chủ tịch danh dự Hội đồng quản trị của ngân hàng mình. Nếu được như vậy, sẽ xin biếu ngay ông Tám 100 cổ phiếu, mỗi cổ phiếu trị giá 10 triệu đồng...
- Tên tôi mà cũng có giá gớm nhỉ. Bà có cho tôi bán không? - Ông Tám hỏi vợ mình.
- Tên của ông, bán hay không là do ông chứ.
- Ngoài bà là của tôi ra, tôi chẳng có cái gì là của tôi cả!
- Tôi chưa biết hồi trai trẻ ông nịnh phụ nữ như thế nào!..
Ông Tám cười.
Tết lại đến gần, ông bà Tám hết kiên nhẫn...
Thật ra đổ hết mọi chuyện lên đầu anh cán bộ hành chính quản trị thì oan cho anh ta. Vì cũng ngần ấy thời gian trôi qua rồi, ông Tám đã từ lâu không đến cơ quan nữa, mà vẫn chưa có quyết định bằng giấy trắng mực đen cho ông nghỉ hưu. Ông hỏi bộ phận phụ trách công tác cán bộ, lần thì được trả lời: lãnh đạo đang cân nhắc thêm; lần thì được trả lời: có một số trường hợp tương tự nên lãnh đạo chờ rồi xét duyệt một thể... Cũng có lần ông được trả lời: mới có thay đổi trong chính sách nghỉ hưu, nên phải nán chờ thêm... Nhưng xem ra cái thông tin của anh cán bộ hành chính quản trị vẫn lui tới nhà ông có vẻ là đáng tin cậy hơn cả...
- Anh không thông cảm với cấp tham mưu của tụi em. Đề nghị của anh thật khó xử quá anh Tám ạ! - Người cán bộ này bộc bạch với ông Tám. - ...Theo anh cũng chết, không theo anh cũng chết, anh ạ.
- Anh nói gì mà lạ vậy?
- Người từng trải như anh mà còn không hiểu thì chính em cũng thấy lạ thật. Đầu đuôi là thế này ạ. Cứ làm thẳng băng như anh đề nghị, sẽ có nhiều cụ khác phản đối, vì đến lượt các cụ ấy về hưu, các cụ ấy không thể làm theo anh được, vợ chồng con cháu các cụ ấy cũng không cho phép các cụ ấy làm như vậy... Thuyết phục anh làm theo cách xử sự như mấy cụ đi trước đã làm, thì tụi em chết cháy. Danh sách về hưu cỡ như anh dài lắm, sắp sửa lại hạ bớt tiêu chuẩn cống hiến.., có lấy bùn đắp thành nhà cũng không có để mà phân anh Tám ạ...
- À thì ra vì thế mà đến bây giờ họ vẫn chưa ra được văn bản quyết định cho mình nghỉ hưu? - Ông Tám "sáng" ra.
Còn những gần hai tuần nữa mới đến Tết, anh cán bộ hành chánh quản trị lần khần bước vào nhà.
- Em đến chúc Tết thật ạ, vì đi sớm một tý, nên em đi tay không được ạ.
- Sợ mang tiếng biếu xén?
- Không ạ, em đến xin anh một việc, nhưng nếu mang theo quà biếu thì em biết làm như thế với anh sẽ một trăm phần trăm hỏng việc.
- Anh xin cái gì vậy?
- Bố em mất lâu rồi, cấp bậc còn cao hơn anh nhiều. Anh còn kém bố em đến năm hay sáu tuổi, nhưng em xin anh nhận làm bố nuôi của em ạ!
- Định đùa dai cái gì vậy hả anh bạn?
- Phải nhận lời đi anh! Anh phải thương em như bố thương con mới xong việc được. Nếu không thì em chết mất!
- Tôi đã về hưu rồi, anh tự cho phép mình muốn đùa giỡn với tôi thế nào cũng được có phải không? - ông Tám cố kiềm chế mà giọng ông vẫn đầy vẻ giận dữ.
- Khổ quá anh ơi, cái nhà anh không muốn nhận bây giờ có ba vị bộ trưởng và trung ương mới được bầu muốn xông vào. Nhưng khi đi xin Ủy ban thành phố thì em nói rõ là xin cho cán bộ cấp cao tham gia hoạt động trước Cách Mạng Tháng Tám. Đằng này cả ba vị ấy toàn là sinh sau 1954.
- Ba vị này đòi thẳng thừng như vậy?
- Dạ không, các ông thư ký của họ nói thay cho họ. Các ông thư ký của các thủ trưởng bên em lại giao nhiệm vụ này cho em lo.
- Thì ra ngày càng phát sinh cái cơ chế chia quả thực à? Anh trả lại việc này cho thủ trưởng trực tiếp của anh giải quyết. Tội vạ gì mà mua dây buộc mình?
- Không được đâu anh ơi, ý kiến các thủ trưởng nói qua thư ký của mình mới là các ý kiến xác thực nhất của các vị ấy, không đùa được đâu ạ. Ba vị tranh nhau một cái nhà thì bố em có sống lại cũng không phân nổi. Trong sổ của chúng em hiện đã có danh sách bốn năm vị hoạt động trước Cách Mạng, vài tháng nữa những vị này sẽ nghỉ hưu như anh và phải trả nhà công vụ. Em đào đâu ra nhà để phân cho các cụ này hả anh? Lại bổ sung thêm ba bậc hậu sinh này nữa!
- Vậy anh muốn nhận tôi làm bố nuôi để làm gì?
- Để anh thương em và chịu khó nhùng nhằng hộ em vài tháng nữa.
- Anh bảo tôi nhùng nhằng cái gì?
- Em cần thời gian cầm cự với mấy vị hậu sinh kia... Cho đến khi nào một đồng chí lão thành nhận ngôi nhà này là em xong! Bớt được một mối lo lớn!
- Cậu định biến tôi thành công cụ làm việc của cậu có phải không?
- Oan cho em anh ơi, vì thế ngay từ đầu em mới phải xin anh thương em như thương con mình. Thế mà anh vẫn hiểu nhầm em! Nếu không tự dưng em xin anh nhận làm bố nuôi làm quái gì! Em đâu có điên như thế!
- Thì ra là cậu muốn mượn cái tên mình hù doạ mấy ông hậu sinh! - ông Tám đang giận dữ mà phải bật cười.
- Bây giờ anh hiểu đúng một trăm phần trăm ý em! Xin anh giúp cho...
Không chờ cho ông Tám dứt cơn cười, anh cán bộ nói tiếp:
- Thế là bố nhận lời giúp con rồi nhé! Bố cứ vào trong Nam ăn Tết bình thường. Em sẽ lo vé máy bay chu tất. Ngoài Giêng ngày rộng tháng dài bố quay ra Hà Nội, đến lúc ấy em chắc mọi chuyện sẽ đâu và đó.
Ông Tám nghĩ một lúc rồi trả lời dứt khoát:
- Không có chuyện bố con gì hết! Nhưng tôi sẽ câm cho anh đến sau Tết. Trong vòng một tháng sau Tết anh phải lo bằng xong cho tôi mọi thủ tục chuyển hẳn vào trong đó!
Vài ngày sau ông bà Tám đi Sài Gòn bằng xe lửa để vào ăn Tết với gia đình con gái mình, vì còn 9 ngày nữa mới đến Tết. Không còn cách nào dùng thời giờ tiêu khiển tốt hơn nữa, vừa đi chơi lại được thêm một hai ngày đỡ chuyện bếp núc... - Bà Tám nghĩ như vậy.
Trong một bữa ăn trưa ở toa ăn, tình cờ ông bà Tám ngồi cùng bàn với hai sinh viên. Họ cũng về ăn Tết với gia đình ở Sài Gòn. Toàn là những người cởi mở, bốn người bắt chuyện với nhau rất nhanh, nói với nhau đủ mọi thứ chuyện thường nhật.
Ngay lập tức ông bà Tám Việt bị cuốn hút vào những chuyện của đời sống sinh viên. Ông bà Tám cảm thấy rất mến hai anh chàng lém lỉnh này, có phần thương hại, vì cả hai đều nghèo. Họ kể cho ông bà nghe, nếu không kiếm được việc làm thêm như đi rửa bát cho tiệm ăn, làm công việc tiếp thị.., có tuần liên tục bữa tối chỉ một gói mỳ ăn liền là chuyện bình thường...
Trên bàn không hiếm những trận cười sảng khoái, bác bác cháu cháu như những người quen biết nhau từ lâu rồi. Cũng không hiếm những câu chuyện cười ra nước mắt. Chủ đề thay đổi liên tục, nhưng tự nó lại xoay quanh nhiều vấn đề hệ trọng trong xã hội...
Có lúc tiếng cười bỗng dưng tắt ngấm. Đấy là cái đoạn kể chuyện được thuê đi phục vụ việc coi thi tốt nghiệp phổ thông. Người sinh viên này kể trong khi ôm các chồng bài thi của mấy lớp khác nhau chờ nộp cho ban giám hiệu, anh ta lật lật xem mấy bài.
...Em hãy phân tích bài thơ ‘Thơ Duyên" của Xuân Diệu: Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, bà đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp văn chương. Câu mở đầu tác giả tả đôi trai gái đang thổ lộ tâm sự với nhau trên cành me...
Lật một bài trong chồng khác.
Em hãy phân tích câu tục ngữ "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”: Người ngày xưa đã sớm phát hiện loài ngựa là cực kỳ thông minh, khi một con ốm là cả bọn bỏ ăn ngay tức khắc, vì chúng sợ lây lan qua đường tiêu hoá...
Một bài nữa:
Em hãy phân tích bài thơ "Đánh đu” của Hồ Xuân Hương: Đánh đu là một trò chơi vui vẻ ngày xưa, nó hấp dẫn các chàng trai cô gái, vui đến nỗi có cô quần rách tứ tung, đúng hệt là "bốn mảnh quần hồng bay phấp phới", thật là vô ý vô tứ đến thế là cùng. Đám con trai bên dưới cười hô hố... Không biết khi về bạn trai của cô có nhắc nhở cô không...
Tiếng cười lại rộ lên với bao điều tranh cãi không ngã ngũ... Con tàu kiên nhẫn lắc lư theo nhịp riêng của nó, để mặc mọi người lan man hết chuyện này sang chuyện khác.
Mãi cho đến khi một trong hai sinh viên này hỏi:
- Thế ra hai bác ở phố các quan, chắc hai bác làm to lắm.
- Không, cả hai chúng tôi về hưu rồi, tôi là giáo viên. - Bà Tám trả lời. Ông Tám ngồi yên, có thể vì ông không nghe rõ câu hỏi, cũng có thể ông không muốn trả lời.
- Sao anh biết đấy là phố các quan? - Bà Tám hỏi,
- Bác ơi, sáng nào đi học cháu cũng phải đạp xe đi sớm khoảng ba mươi phút từ nhà trọ đến trường, nếu chậm một chút qua đoạn ấy là cháu bị tắc đường, vì có quá nhiều ô tô chở các ông to đi làm. - Một sinh viên trả lời.
- Nếu ở phố ấy chắc hai bác phải biết chuyện có một ông to lắm, đang làm việc bỗng dưng bị điên. Ông ta bỏ việc và cứ nằng nặc đòi đóng cho mình một cái hòm gỗ hai thước khối chở ông ta về quê, thế có sợ không hai bác?
- Làm gì có người nào to lớn đến mức phải cần đến quan tài hai thước khối hả bác? - Một sinh viên khác hỏi.
Ông Tám cố thờ ơ với câu chuyện trên bàn ăn, không ngồi yên được nữa:
- Chắc lại chuyện bịa. Ai kể cho các anh nghe như vậy?
- Không thể bịa được bác ạ. Bố cháu kể ông ta làm to như thế mà tự dưng dứt khoát bỏ việc, mọi người khuyên can thế nào cũng không được, cơ quan dỗ dành cho nhà cho đất không lấy, chỉ nằng nặc đòi một cái hòm gỗ lớn hai thước khối để chở mình về quê. Thưa hai bác, người như thế là điên hay bình thường ạ?
- Thưa hai bác, cán bộ của Đảng và nhà nước mình bây giờ hư hỏng hết cả rồi, càng to càng tham, điên lại tham lam hơn người không điên hai bác ạ. - Anh sinh viên ngồi cạnh bình thêm vào.
- Sao anh vơ đũa cả nắm, đã vậy lại kết tội ông điên này một cách hồ đồ như vậy? - Bà Tám hỏi.
- Thưa bác, ông quan to tham lam đến mấy khi chết cũng chỉ cần một quan tài bình thường cỡ trung hay cỡ đại gì đó, tuỳ theo thân xác ông ta ngắn hay dài. Đằng nay ông quan điên lại đòi hẳn một cái quan tài hai thước khối, thế thì phải nói ông ta tham gấp 4 lần ông quan to không điên ạ!
Bà Tám bật cười:
- Ừ nhỉ, vậy mà tôi không nghĩ ra.
Ông Tám lại muốn hướng câu chuyện đi theo ý mình:
- Tôi nghĩ rằng trong y học, người điên đến mức như thế thì phải có bệnh lý từ lâu chứ. Tự dưng phát điên như thế thì là chuyện bịa.
- Thưa bác lý thuyết về y học của bác lạc hậu to rồi ạ. Thời bao cấp không có gì nhiều để tranh nhau, cũng chẳng phải bon chen nhiều, nhịp điệu cuộc sống không hối hả, chồng nào vợ nấy, không bồ bịch linh tinh được, tâm sinh lý con người thời ấy tương đối thăng bằng, nên cái thuyết bệnh lý như bác nói có thể là đúng cho thời đó. Còn thời bây giờ khác xa rồi bác ơi.
- Khác cái gì?
- Hai bác bình tĩnh nghe cháu kể nhé! Không tranh ăn với nhau được cũng điên. Bồ bịch lung tung có lúc đánh nhau như điên. Thêm một tý côn đồ nữa thì tạt a-xít vào mặt nhau. Không leo cao nữa được cũng điên. Ghế đang ngồi bị hất khéo, hất thô bạo, hất lên, hất xuống đều có thể gây ra điên cấp tính. Đánh quả gì đó không trúng, mất lớn quá cũng điên. Người ngay thẳng không làm việc được theo lẽ phải nên tức điên nặng luôn. Bị cuỗm mất bồ cũng điên... Thậm chí đã có người chỉ vì thế mà tự tử, cháu đoán trường hợp của Lê Công Tuấn Anh là như vậy... Cháu đoán mò thế thôi, chứ không dám nói xấu người đã chết đâu ạ! ...Làm việc căng thẳng quá bị stress cũng điên. Ăn phải thịt bò điên không điên bằng thua cờ. HIV chuyển sang thành AIDS tiếc đời quá đâm ra phát điên muốn làm hại người khác. Đầu tư quá lớn cho mua chức vụ mới, thu hoạch không bù nổi, bị xiết nợ không trả được, cũng có thể phát điên. Đánh cá độ một trận bóng đá mất trắng cơ nghiệp, thế là điên. Đang làm việc chỉ vì điên nên sinh ra bất đắc chí bỏ về nhà... Trường hợp học sinh thi trượt bị bệnh tâm thần không phải là hiếm bác ạ. Nhà tập thể của cháu tại tầng 5 có một cụ độc thân về hưu suốt ngày chửi cán bộ lãnh đạo, mọi người bảo cụ ấy điên nặng lắm. Cháu leo lên hỏi thăm, cụ ấy bảo “tao mà không chửi được ra miệng cả ngày như thế này tao sẽ điên mất!"...
- Để tao kể chuyện này, người thực việc thực hẳn hoi. - Anh sinh viên kia tranh lời của bạn. - Hai bác ạ, cháu biết đích xác một trường hợp đi lao động nước ngoài, bỗng nhiên mất việc bị đuổi về, vợ ở nhà đã bỏ đi lấy người khác, anh ta không điên nhưng cứ tự coi mình là điên, cho đá vào đầy hai túi quần rồi ra giữa cầu Thăng Long nhẩy ùm xuống sông. Ba hôm sau người nhà mới tìm thấy xác anh ta ở quá Lãng Yên. Anh này trước khi đi lao động ở Hàn Quốc làm thường trực ở cổng trường học của cháu. Chết đuối rồi mà vẫn còn nợ 10 triệu đồng về cái khoản tiền chạy chọt một xuất đi lao động Hàn Quốc!.. Cháu chỉ sợ làm hai bác mệt thôi. Những chuyện điên như thế cháu có thể kể cho hai bác nghe cho đến khi tàu về tới ga Sài Gòn. Thưa với hai bác, khoa thần kinh học bây giờ hoàn toàn không theo kịp nhịp điệu phát triển của cuộc sống ạ!..
- Nói chuyện khoa học thì tôi thua các anh rồi, nhưng tôi vẫn nghĩ chuyện ông quan to đòi cái quan tài hai thước khối là chuyện bịa. - Ông Tám cố nhịn cười vì muốn nghe tiếp, trong đầu ông nghĩ đến Lê Hải, Phạm Trung Nghĩa, Phạm Trung Chính và nhiều con người ngay thẳng khác ông gặp trên đường đời... Trong thâm tâm, ông thừa nhận anh sinh viên trẻ này không đến nỗi quá bốc đồng...