Mùa hè năm nay đến vùng San Francisco sớm hơn mọi năm. Mới cuối tháng ba cây cối xanh um, thời tiết ấm nóng hẳn lên. Nhờ thời tiết này, thành phố Bakerfield bớt đi cái lạnh từ lục địa toả ra, không khí trở nên khô mát một cách dễ chịu. Đây là thời tiết Thảo thích nhất trong năm. Từ ngày nới rộng van tim bằng một ống nong (prothesis), sức khoẻ Thảo ngày một phục hồi, sóng gió trong cuộc sống gia đình Thảo cũng lắng dần. Về nhiều mặt, có lẽ Thảo lạc quan hơn Lễ. Từ khi gia đình Thảo - Lễ theo ông bà Học lần đầu tiên về thăm đất nước, cả hai bắt đầu tìm thấy niềm vui mới trong cuộc sống, nỗi cô quạnh bớt dần....
Vợ chồng Thảo - Lễ đang tính đến việc thực hiện chuyến về thăm lần thứ hai.
- Tại sức khoẻ của em ngày một khá lên, hay tại chúng mình bận bịu nhiều việc... Thoắt một cái về nước đã hơn ba năm rồi đấy. Thế mà chúng mình hứa với anh chị Chính và anh chị Nghĩa là sẽ sớm về thăm trở lại. - Lễ nói với vợ.
- Cảm ơn Trời Phật, ngày tháng bây giờ em không thấy lê thê như trước. Chỉ riêng điều này đã làm cho em thấy cuộc sống ngày càng đáng sống hơn. Có lẽ sự giải toả về tinh thần cũng làm cho sức khoẻ của em ngày một khá hơn.
- Phải nói là từ vài năm nay chúng mình mới có một cuộc sống tạm gọi được là sống. Nghĩ lại, anh chỉ thấy Sài Gòn hồi ấy là địa ngục. Những năm tháng ấy sống nhưng hầu như không thấy mặt trời, quanh năm ngày tháng cắm mặt xuống đất để chạy chọt, hết lo việc này lại lo đối phó với chuyện khác, cho đến những ngày bị tạm giam, đến cái tát hộc máu mồm máu mũi trên đường Phạm Đăng Hưng của bọn tàn quân An Lộc, rồi vào trại cải tạo...
- Chỉ tiếc là đến lúc sóng yên bể lặng thì chúng ta lại thiếu Huệ... Con ra đi ngót nghét hai mươi năm rồi còn gì nữa anh!
- Chuyến về nước vừa rồi, lúc bay vào bầu trời Thái Bình Dương em khóc nức nở, làm anh lo quá. Nghĩ lại đến bây giờ vẫn buồn...
- Vâng... Lúc ấy em cứ như là đang nhìn thấy Huệ giãy giụa, chới với vẫy gọi... Cũng may hôm đó những người ngồi chung quanh tỏ ra thông cảm...
- Không biết là chúng mình giữ được ý chí muốn sống này bao nhiêu lâu nữa?- Lễ bâng quơ.
- Chú Thành cũng vĩnh biệt chúng ta mấy năm rồi...
- Chúng ta bây giờ chỉ còn mỗi chỗ dựa tinh thần là Tín.
- Vâng, chỉ còn một cách là nhìn vào một điều gì đó tốt lành phía trước anh ạ. Em bắt đầu cảm thấy vui vui là vẫn còn giúp được người này người khác trong công việc của mình...
- Đúng là nhiều bà con người Việt ở đây trông cậy vào văn phòng luật của em. Chịu khó thuê anh làm planton cho anh bớt khổ sở với tâm trạng chán đời nhé?
- Planton cỡ xịn, có phải không? - Thảo cười.
- Có lẽ em nói đúng, khi nào cảm thấy được mình còn có ích cho người này người khác thì tâm trạng anh bớt khổ.
Nghĩ thế, nhưng nhiều lúc vợ chồng Thảo Lễ cảm thấy hình như không sao át được tâm trạng hiu quạnh, họ vẫn nghĩ nhiều đến cái chết thảm thương của Huệ. Sự hiu quạnh ấy đột nhiên tăng lên do cái chết đột ngột của ông Thành. Sang Mỹ sống với gia đình Thảo Lễ được gần sáu năm, ông Thành đột nhiên bị phát hiện là mắc bệnh ung thư máu ở giai đoạn ác tính, nằm viện mất gần một năm thì ông qua đời. Sống tâm niệm niệm với ước nguyện giữ gìn đức độ của người tin sùng đạo Phật, ông Thành những mong ở hiền gặp lành. Trớ trêu thay đức tin này không thể giúp ông Thành tránh khỏi bệnh tật hiểm nghèo. Song lương tâm trong sáng của ông đã mang lại cho ông nghị lực phi thường, có lẽ vì thế ông chịu đựng được một cách điềm tĩnh những ngày tháng bị bệnh tật hành hạ vô cùng đau đớn.
Sau cái chết của ông Thành, vợ chồng Thảo Lễ lại phải một phen tự gồng mình lên trong tinh thần để xua đi cái nỗi ám ảnh của cuộc sống tàn lụi. Lễ thú nhận với vợ:
- Tâm lý bi quan vắt kiệt mọi ý chí muốn sống của anh mất rồi, Thảo ạ. Nhiều lúc anh không thể chịu đựng nổi câu hỏi: Mình còn tiếp tục sống để làm gì? Chỉ để tồn tại một cách không thiết sống như thế này hay sao?
- Anh giúp em được rất nhiều việc.
- Đừng trách anh. Có lẽ anh luẩn quẩn đến mức bệnh hoạn rồi.
- Không được nghĩ thế anh Lễ! - Thảo gần như sắp khóc.
- Lâu lâu trong con người anh lại dấy lên thứ sóng gió ghê sợ: Chết thì không dám chết, nhưng sống lại không thiết sống... Nhiều khi rất vô cớ.
- Em hiểu. Quá khứ vẫn hành hạ anh.
- Đúng là quá khứ đáng nguyền rủa. Có lúc giữa ban ngày mà anh vẫn ngủ mơ mình bị quân cảnh tống giam trở lại, nằm chờ chết đưa ra toà án quân sự. Có lúc rõ ràng thằng Túc cụt cầm tiểu liên chĩa thẳng vào anh mà bắn! Có lúc anh lại thấy mình chuẩn bị các thứ đi thăm Huệ...
- Anh Lễ! - Thảo nắm lấy tay chồng, giựt giựt, vì cảm thấy giọng nói của chồng có vẻ gì khang khác. Lúc còn sống, ông Thành đã có lần nhắc nhở Thảo là không được để cho Lễ rơi vào tâm trạng trầm uất.
- Em phải cố giữ sức khoẻ để canh chừng cho anh... - Lễ vẫn tỉnh táo.
- Thôi, chúng mình nói chuyện khác đi.
- Ừ, nói chuyện khác. Em phải làm mọi việc để chuẩn bị lên chức bà nội.
- Như thế là con đã hé ra điều gì với anh rồi phải không?
- Đâu có. Con không nói gì với anh cả. Nhưng anh cố bấu víu vào tương lai.
- Anh chỉ làm cho em sốt ruột thêm. Em cứ tiếc mãi kỳ về nước vừa rồi không rủ được cô con gái út của anh Loan đi cùng.
- Đúng là nhà ta và nhà anh Loan thông gia được với nhau thì còn gì bằng. Dù sao cũng dòng dõi họ Tôn Thất…
- Cô này xinh đẹp nhất nhà, rất nết na anh ạ. Em mấy lần định tạo cơ hội cho Tín gặp riêng mà chưa thành.
- Chuyện của Tín chúng mình không can thiệp quá sâu được.
- Em biết chứ.
- Chúng ta cần sức khỏe làm việc tiếp sáu bảy năm nữa để trả xong tiền mua nhà! Có nên đề ra mục tiêu này không em? Lúc nào anh cũng phải cố tìm ra trong đầu một điều gì đó đẩy anh lên phía trước...
- Em nghĩ có thể được. Nếu chú Thành còn sống, chắc chú sẽ vui lắm. Ít nhất là chú được nhìn những người bệnh đã được chú cứu sống, trong đó có em...
Vợ chồng Lễ rất mong Tín sớm lập gia đình, dù sao Tín đã ra trường hơn 10 năm nay rồi. Nhưng chuyện trò với con lần nào Lễ và Thảo cũng chỉ thấy toàn những chuyện công việc, chuyện kinh tế, chuyện trong nước ta, chuyện nước Mỹ, chuyện thế giới...
Tốt nghiệp được 6 năm, Tín hoàn tất cả 3 cấp CFA và làm xong Ph. D với đề tài "Đặc thù những biến động ngoại biên trong khủng hoảng chu kỳ và khủng hoảng đột biến”. Như thế là Tín đã thực hiện được đúng thời khoá biểu mình đề ra, một sự nỗ lực vượt bực. Ngay lập tức Tín nhận được khoảng gần một tá các thư mời Tín đến làm việc của các cơ quan và tập đoàn tài chính khác nhau, có nhiều thư nêu rõ cả chức vụ công việc sẽ giao, tiền lương và các chế độ thưởng, các ưu đãi cho vay tín dụng để mua nhà, để lập gia đình, một số ưu đãi khác nữa... Tín thừa nhận lời khuyên của ông Học vô cùng giá trị: Rõ ràng một tiến sĩ có chứng chỉ CFA cấp 3 hoàn toàn khác với một anh tiến sĩ trơn!
Cục dự trữ Liên bang (FED) muốn dành cho Tín một ghế trong nhóm nghiên cứu chính sách. RAND Corporation muốn mời Tín về làm công tác giảng dạy trong Học viện Tài chính của họ. Havard cũng muốn bổ sung Tín thêm vào lực lượng cán bộ giảng dậy khoa kinh tế...
- Tự nhốt mình trong thư viện hoặc bán cháo phổi., cả hai thứ nghề này con đều không thích ba má ạ. Con muốn biết thế giới, trước khi con ngồi chết dí một chỗ.
- Ba má tôn trọng sự lựa chọn của con.
- Anh Tân và con có cách nghĩ rất giống nhau về điểm này, ba má ạ.
- Con cũng sẽ đem về giới thiệu với ba má một cô dâu Thuỵ Điển như Tân chứ? - Thảo thăm dò con.
- Ý muốn của má sẽ là mệnh lệnh đối với con!
- Chết, chết, má xin lỗi, má trêu con thôi. - Thảo cuống lên.
Tín cười ngất.
- Con biết ngay là má thua con mà! Nhưng cô dâu Thuỵ Điển của anh Tân được đấy chứ hả má.
- Thảo ngồi yên.
- Có thể cuối năm nay anh Tân lại đến Harvard mấy tuần ba má ạ. Chúng con sẽ gặp nhau. Rồi con sẽ đưa gia đình anh Tân thăm ông bà Học, thăm ba má như lần trước. Lisa bây giờ chắc lớn lắm rồi.
- Nếu Lisa giữ được màu tóc vàng của mẹ thì đẹp lắm đấy. Con bé rất đáng yêu. - Thảo nhận xét.
- Thế là mẹ không phản đối đấy nhé!
Thảo ngơ ngác trong tiếng cười của con trai mình.
Tín tiếp tục làm việc ở tập đoàn Goldman Sack. Vì dù sao đây cũng là nơi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tín trong suốt thời gian làm CFA các bậc và làm Ph. D. Hơn nữa công việc được giao cho phép Tín đi khắp mọi nơi Goldman Sack có đối tác làm ăn trên thế giới. Tín nói với mẹ ước ao sẽ tìm cách đi khắp thế giới như ông Học. Lúc có dịp, Tín giúp mẹ được rất nhiều việc về chuyên môn tài chính, nhờ vậy công ty tư vấn về dịch vụ luật của Thảo ngày càng đông khách. Mỗi lần về thăm mẹ, Tín lại mang về cho mẹ những kinh nghiệm mới nhất. Lúc đầu mới mở văn phòng luật, hầu như Thảo làm lấy mọi việc, Lễ phụ trợ các việc lặt vặt. Bây giờ văn phòng luật sư của Thảo thuê được trụ sở mới khá đẹp, phải thuê thêm hai thư ký làm thường xuyên, ngoài ra phải thuê một luật sư Mỹ phụ thêm, làm việc 4 tiếng mỗi tuần. Công việc chính là tư vấn về thuế cho nhiều người Việt làm ăn sinh sống ở vùng San Francisco. Luật về tài chính và thuế của Mỹ vốn rắc rối, riêng bang California còn rắc rối hơn vì còn phải chịu thêm một số quy định riêng của bang. Văn phòng của Thảo ngày càng có uy tín. Ngay Sở Tài chính của San Francisco cũng khuyên các hãng và các cá nhân người Việt nên tận dụng dịch vụ tư vấn của văn phòng luật sư Thảo để tránh những rắc rối không cần thiết và tiết kiệm được nhiều tiền trong khi trang trải các loại thuế. Lời khuyên này dựa vào thực tế là cộng đồng người Việt mới nhập cư vẫn còn nhiều vướng mắc về ngôn ngữ và luật pháp, về nhiều tập quán văn hoá khác liên quan đến nhiều vấn đề tài chính và thuế ở nước Mỹ. Văn phòng luật sư của Thảo dần dần xác lập được sự tín nhiệm lớn trong cộng đồng người Việt ở California và đồng thời cũng là một đối tác quan trọng của các nhà chức trách địa phương. Thực tế này khiến cho gia đình Thảo có một vị thế khá đặc biệt trong cộng đồng người Việt ở đây. Những phiền toái và một số hành vi quậy phá của một vài nhóm người Việt, trong đó có nhóm Túc cụt, xảy ra trong mấy năm đầu tiên ở đây đối với gia đình Thảo cũng nhạt dần và gần đây hình như mất hẳn. Có thể bây giờ ai cũng phải lo làm ăn sinh sống, cũng có thể bây giờ gió đã đổi chiều, nhất là từ khi quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tiến triển.
Thảo đã dự tính trong vòng sáu bảy năm tới sẽ chuyển dần văn phòng luật của mình cho một luật sư trẻ, làm việc thêm ba bốn năm nữa rồi nghỉ hưu là vừa. Thảo nhằm vào người con trai vừa mới tốt nghiệp đại học luật của Năm Thịnh. Ý nghĩ này bắt nguồn tự khi Thảo tiếp xúc với đám con cháu má Sáu Nhơn trong chuyến gia đình Thảo cùng với ông bà Học về nước cách đây mấy năm…
Riêng ở Los Angeles từ mấy năm nay hình thành một tập hợp số người Việt chống lại đất nước. Trước hết đấy là những người làm báo tiếng Việt, một số văn nghệ sĩ người Việt sống ở hải ngoại, một vài người làm nghề tự do khác. Trừ vài người đứng đầu, phần đông họ là những nhân vật bình thường cả về học vấn cũng như nghề nghiệp. Lạ thay, nhiều trí thức lớn lại đứng ngoài cuộc…
Những người tập hợp nhau lại này có trong tay công cụ báo chí khá lợi hại. Từng lúc họ có thể huy động được một số lượng đáng kể người Việt làm việc này việc khác, nhất là vào các dịp bầu cử thường kỳ hay là bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ. Nhiều năm qua con đường buôn bán chính trị này đối với họ tỏ ra rất hiệu quả... Họ đã làm vài cuộc thử sức để xem có thể với xa đến đâu.
Lần thứ nhất, đó là vào dịp Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận với Việt Nam, bưu điện của bang công bố quan hệ hợp tác chính thức với bưu điện Việt Nam. Nhân dịp này bưu điện Los Angeles phát hành quyển danh bạ điện thoại mới, trong đó có mục giới thiệu Tổng cục Bưu điện Việt Nam và in quốc kỳ Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chờ cho ngày bầu cử ở Bang đến gần, nhóm chống đối này đột nhiện huy động người Việt đi biểu tình phản đối quyển danh bạ điện thoại này với lý do: có quốc kỳ của Việt Cộng. Đoàn biểu tình tuyên bố sẽ huy động người Việt bỏ phiếu cho Đảng nào chấp thuận yêu sách của họ! Ngay lập tức cơ quan bưu điện Los Angeles phải thu hồi và huỷ quyển danh bạ điện thoại nói trên, phát hành quyển mới không in quốc kỳ Việt Nam. Các nhà chức trách ở đây muốn tránh những rắc rối có thể xảy ra trong cuộc bầu cử đang tới gần.
Lần thứ hai, chuyện xảy ra tại một nơi gần đại lộ Bolsa ở quận Cam, ngay trong khu vực “Little Saigon”. Tại đây có một cửa hàng văn hoá phẩm của một người Việt, trong đó bán nhiều băng và đĩa ghi hình các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam nhập từ trong nước. Sở dĩ cửa hàng này gây xôn xao là vì bên ngoài cửa hàng thì treo quốc kỳ Việt Nam, bên trong cửa hàng có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội người Việt này quyết định huy động Việt kiều đi biểu tình dẹp bằng được tiệm hàng này. Nhưng tiệm hàng này hoàn toàn hợp pháp theo các tiêu chuẩn của luật pháp Mỹ, đoàn biểu tình chỉ làm tắc nghẽn đường phố nhưng không tạo ra được lý do pháp lý nào cho việc dẹp tiệm. Cuối cùng, không biết bằng cách nào, hội người Việt này phát hiện ra một số vụ lậu thuế đồ điện tử nghe nhìn của tiệm hàng ngày, họ không tìm thấy hàng văn hoá phẩm lậu thuế nhập từ Việt Nam. Thế là cuộc biểu tình mang thêm nội dung chống lậu thuế và ép được cơ quan chức trách địa phương đóng cửa tiệm hàng này - với lý do chủ tiệm vi phạm luật thuế! Nhưng báo chí của hội này thì nói rằng biểu tình giành thắng lợi lớn chống lại quốc kỳ Việt Nam xuất hiện tại quận Cam... Về sau, ngay trong quận Cam lại có tin đồn rằng toàn bộ vụ việc này được bố trí thế nào đấy để phá chủ tiệm và để ngăn cản những ai có thiện ý hướng về quê hương trong tình hình mới - nói chung là chỉ để bôi nhọ đất nước... Chẳng có cách gì xác minh thực hư ra sao.
Lần thứ ba, khi biết thời điểm bình thường hoá quan hệ Việt Mỹ đang đến gần, hội người Việt này ráo riết vận động phong trào tố cáo Việt Nam vi phạm dân chủ và nhân quyền. Người thì nói sáng kiến này chính là do cánh hữu trong giới cầm quyền Mỹ giật dây cho họ làm, để cản trở các bước đi ngoại giao của tổng thống Clinton trong quan hệ Việt - Mỹ. Những người cầm đầu của hội thì lại nói rằng sáng kiến của họ được nhiều thế lực quan trọng trong giới cầm quyền Mỹ ủng hộ... Song dù sự thật là thế nào, hệ quả cuối cùng là ông Clinton gặp thêm nhiều khó khăn, lộ trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ kéo dài... Đọc báo chí trong nước gửi ra Lễ thấy các khó khăn từ phía Việt Nam cũng không ít...
Rõ ràng có một sự chuyển hướng mới, một sự tập hợp lực lượng mới trong cộng đồng những người Việt chống lại đất nước, dưới những hình thức hoạt động mới, khai thác mọi khó khăn của đất nước, bất kỳ từ hướng nào... Ông Học cũng nhận xét như Lễ và tán thành suy nghĩ của Lễ. Hai chú cháu đồng tình dứt khoát với nhau một điều: Không dính dáng đến các nhóm đầu cơ chính trị chống lại đất nước.
Cánh Tôn Thất Loan và cánh Năm Thịnh cũng cùng chung một ý nghĩ với cánh ông bà Học. Họ hiểu được những gì đang xảy ra và giữ được thái độ đúng mực. Cho đến nay những người suy nghĩ như thế trong cộng đồng người Việt đông lên nhiều, nhưng vẫn là thiểu số, chưa hình thành một xu thế mạnh mẽ... Họ hầu như không có hoặc rất ít liên hệ với các cơ quan đại diện của nước ta ở Mỹ, ngoại trừ một số việc tối thiểu cần thiết - ví dụ như xin visa về thăm nước... Ngay ông bà Học cũng chưa một lần đến cơ quan Tổng lãnh sự hoặc Đại sứ quán, mặc dù ông rất tích cực tham gia nhóm ngôn ngữ Việt - Hán Nôm. Hai lần xin visa về nước ông bà đều giao cho Hoài và những người giúp việc đứng ra lo. Chính ông Học cũng tự thấy lạ là tại sao mình còn giữ một khoảng cách như vậy. Đã hai lần về nước mà chưa một lần đến thăm sứ quán! Hay là mình chịu ảnh hưởng của dư luận người Việt ở đấy? - Ông Học tự hỏi.
... Có lẽ tại vì mình còn mặc cảm? Thế nhưng tại sao chưa bao giờ thấy một ai trong các cơ quan đại diện của nước ta tại Mỹ liên hệ hay tìm hiểu công việc của nhóm ngôn ngữ Việt - Hán Nôm này nhỉ? Họ không quan tâm, hay họ quá bận?!
Thường thường hàng năm, vào dịp giữa Nô-en và Tết Dương lịch, cánh ông bà Học, cánh Tôn Thất Loan và cánh năm Thịnh lại tụ tập với nhau một lần, kết hợp đi nghỉ đông chung với nhau. Thói quen này có lý do đơn giản là họ muốn dành trọn vẹn Tết Nguyên đán cho gia đình.
Một lần, Tôn Thất Loan hỏi ông Học:
- Bác Học ạ, có lúc tôi tự hỏi sợi dây thực sự còn ràng buộc mình với đất nước là gì. Tôi không rõ là gì bác ạ.
- Thế mà ông lại hỏi tôi? Tôi sang Mỹ trước ông nhiều năm cơ mà!
- Quả là thế bác ạ. Quan hệ máu mủ ruột thịt còn lại ở quê nhà ư? Phần nào thôi, vì ngay khi tôi còn sống ở trong nước quan hệ họ mạc đã xa xôi rồi. Có lẽ vì mồ mả cha mẹ và ông bà tôi còn nằm lại tại đó. Hay là vì trong người mình vẫn còn cái máu của người Việt?
- Còn tự hỏi mình được như thế là quý lắm, anh Loan ạ!
- Ước gì con chúng ta cũng biết đặt ra cho mình những câu hỏi như vậy.
- Chú sợ nguy cơ mất gốc, có phải không ạ? - Lễ hỏi.
- Mất gốc làm sao được, anh Lễ. - Năm Thịnh xen vào. Riêng đối với bọn tôi, bây giờ mấy anh em tôi chỉ cảm thấy mình là những đứa con đi làm ăn nơi phương xa. Cái cảm nghĩ bỏ nước hay mất nước như hồi mới chạy sang đây vẫn còn, nhưng nhạt dần rồi. Năm nào tôi cũng có việc về nước, vì nhớ má tôi và họ hàng ruột thịt, vì công việc làm ăn đòi hỏi phải như vậy. Siêu thị của tôi có hẳn một tầng bán các sản phẩm cao cấp của nước ta, từ đồ gỗ Đồng Kỵ, đến hàng men sứ Quảng Ninh, gốm sứ nghệ thuật Bát Tràng, nước mắm Phú Quốc... Tôi chỉ lo đến lượt các con mình các mối liên hệ sẽ không giữ được bền chặt như bây giờ...
- Có lẽ tâm trạng mỗi người mỗi cảnh. Tôi mà được bận rộn như anh Năm Thịnh thì chắc tôi sẽ hạnh phúc lắm. - Chuyện đang vui mà giọng Lễ vẫn phảng phất ưu tư.
- Lễ ạ, về già chú mới lại càng thấy cái triết lý sâu xa của tổ tiên mình: Lá rụng về cội. Nếu chú tự hỏi mình những câu hỏi như của ông Loan, chú sẽ trả lời: Cội nguồn đất nước đối với chú bây giờ là tất cả. Cách đây mười lăm năm, hai mươi năm, chắc chắn chú không hỏi mình như thế và chắc chắn cũng không có câu trả lời như thế.
- Thưa chú, tuổi tác và cuộc biển dâu của đất nước đã thay đổi con người chú, có phải như thế không ạ?
- Phải. Về phương diện nào đó có thể nói như vậy. Đến lúc gần đất xa trời chú mới bắt đầu ý niệm được về thân phận mình, cũng có nghĩa là về đất nước mình! - Ông Học trầm ngâm rồi tiếp - Nói riêng về số phận một con người, về nhiều mặt có thể ví von chú là một người sống sót sau nạn đại hồng thuỷ của đất nước. Những gì đã xảy ra trên đất nước ta trong mấy cuộc chiến tranh vừa qua còn ác liệt hơn bất kể trận đại hồng thuỷ nào mà con người biết đến…
- Vâng. Nhìn lại mới càng thấy khủng khiếp, chú ạ. - Lễ xen vào.
- Nhưng có cái lạ là chú không có cảm giác là người được may mắn sống sót. Có một lẽ gì đó khiến chú hiểu, chú nghĩ là mình đang sống tiếp để thấm được, để hiểu được nạn đại hồng thuỷ đã cướp đi của đất nước ta những gì! Thế có lạ không hả cháu? Có lẽ vì thế chú khát khao mong đất nước mình hoà bình, thịnh vượng. Chú cũng đã trao đổi hết nhẽ với Nghĩa về nỗi khát khao này.
- Bác Học ạ, bác đã nói vậy, tôi xin thưa như vầy. Cho đến tận bây giờ, chỉ cần nghĩ đến hai tiếng cộng sản là tôi đủ thấy người mình ớn lạnh. Tuy vậy, đi theo bác về thăm quê hương kỳ vừa, tôi thấy đất nước bây giờ có nhiều điều làm cho tôi khấp khởi vui mừng, dù rằng tôi thấy vẫn còn nhiều điều tôi không thể chấp nhận được. Có lẽ cũng giống như Lễ, chúng tôi là loại người không còn khả năng thay đổi mình nữa rồi bác ạ! - Loan nói, giọng buồn buồn.
- Mặc cảm vẫn đeo bám anh? - Ông Học hỏi.
- Dạ.., cũng không hẳn thế. Đôi lúc chúng tôi vẫn mặc cảm thật, tự coi mình là những vật thể lạ sống trong lòng đất nước. Nhưng có điều chính tôi cũng thấy rất lạ là mỗi khi ngồi nói chuyện với ông Nghĩa, ông Lê Hải, ông Chính thì sự mặc cảm ấy biến mất.
- Ông Loan ạ, về mặt chống Cộng hay ghét Cộng, chưa hẳn Phạm Trung Học này đã thua kém ông đâu. Chỉ có điều là từ khi tôi hiểu được những tổn thất của đất nước mình, hiểu được nỗi thống khổ của dân tộc mình, hình như tôi vượt qua được chính mình. Tất cả bắt đầu từ khi tôi cảm nhận được chính gia đình tôi mất mát nhiều quá trên cả hai phía...
Mọi người hiểu tâm trạng ông Học lúc này. Lễ quay sang Tôn Thất Loan, cố xoay câu chuyện đi hướng khác:
- Còn khi nói chuyện với ông Võ Sang, anh thấy thế nào?
- Tôi không biết là mình bây giờ cảm nhận khác trước, hay là Võ Sang đã thay đổi. Điều chắc chắn là ông ta bây giờ cởi mở hơn xưa nhiều. Song vẫn không thể nào so sánh được với ông Nghĩa, ông Lê Hải, ông Chính - đấy là những người tôi thực sự có hứng thú đối thoại với họ, với tất cả suy nghĩ của mình... Nhất là những ông này hiểu biết rộng và không bao giờ áp đặt một điều gì, lúc nào cũng sẵn sàng trao đổi ý kiến đến kỳ cùng.
- Còn người đối thoại và còn đối thoại được với nhau như thế là tốt rồi. Toàn là những ông cộng sản chính hiệu đấy anh Loan ạ. - Năm Thịnh bình vào - Đấy là những người thân thiết nhất trong gia đình tôi, nói cho đúng hơn là chỗ dựa tinh thần của gia đình tôi. Các cháu con anh Hai tôi coi những ông này là thần tượng của mình. Bây giờ được bọn trẻ chấp nhận không phải là dễ đâu hai anh ạ. Điều tôi băn khoăn là thời gian gần đây chuyện tham nhũng, tiêu cực có vẻ ngày càng nhức nhối hơn.
- Anh Năm nhận xét như thế là khá nhạy bén đấy. - Ông Học đồng tình với Năm Thịnh. - Một số điều lo lắng tôi nói với Nghĩa trước đây, hình như đang trở thành mối lo thật sự. Không thể nào có một xã hội thuần khiết hay một sự phát triển êm đẹp như đi trên con đường lát toàn bằng vàng đâu. Tôi đã nói với Nghĩa như vậy mấy lần rồi. Miễn sao đừng để những yếu kém, những vấp váp khó tránh khỏi này lấn át cái tốt và trở thành một xu thế phát triển
- Thưa chú điều cháu lo nhất là mấy công ty đang làm ăn với cháu gần đây bị đánh lên đánh xuống, cháu chưa rõ thực hư thế nào. - Năm Thịnh trình bày. - Họ sai lầm đến đâu, hay là các sai lầm của họ bị hình sự hoá đến đâu, hay đó là chủ trương không để cho kinh tế tư nhân đi quá cái ngưỡng hiện nay. Đây thực sự là điều cháu không rõ, đoán già đoán non cho sắp tới lại càng khó chú à!
- Gần đây báo chí nói nhiều đến các vụ án Tamexco, Minh Phụng, ngân hàng Việt Hoa... Các công ty làm ăn với anh Năm có dính dáng đến những vụ án này không? - Ông Học hỏi Năm Thịnh.
- Dạ thưa, đó chính là điều không ai giải thích được rạch ròi. Các vụ án này là có thực, xử các vụ án là có thực. Thậm chí có quá nhiều quan chức cao cấp dính líu vào, nên tính chất các vụ án này rất nghiêm trọng. Dư luận cho rằng vẫn có quan chức cao cấp lọt lưới pháp luật, nhiều tài sản của những bị cáo trọng tội bị thất thoát trong quá trình thành án. Cháu thấy dư luận trong nước rất trông cậy vào sự nghiêm minh của pháp luật, ủng hộ pháp luật. Nhưng nếu nhân danh chống tham nhũng và tiêu cực rồi hình sự hoá mọi hành vi kinh tế phạm luật để hạn chế kinh tế tư nhân thì lại là câu chuyện khác. Hơn nữa nhìn chung, trừ trường hợp thật đặc biệt, hình sự hoá tội phạm kinh tế là chuyện cần thận trọng...
- Có thể xem đấy là biến tướng của cải tạo tư sản lần thứ ba được không, anh Năm? - Tôn Thất Loan nghi ngờ.
- Tôi chịu, không đoán mò được. Vì trong nước công khai minh bạch chưa đủ cỡ, nên còn nhiều điều khó đoán lắm, tính toán làm ăn lâu dài càng khó - NĂM Thịnh quay sang ông Học - Chú à, cháu ngờ rằng đấy là một trong những nguyên nhân làm cho đầu cơ vào bất động sản ở nước ta tăng lên một cách quá đáng so với sức chịu đựng của nền kinh tế. Lác đác cháu thấy trong nước có một vài kiến nghị đòi thận trọng và hạn chế hiện tượng hình sự hoá những hành vi kinh tế phạm luật. Điều này chứng tỏ nỗi lo của cháu là có lý…
- Còn nhiều trầy trật đau đớn lắm, Năm Thịnh ạ. Còn phải trả giá nhiều đấy, đất nước nào cũng thế thôi, dân tộc nào cũng thế thôi. Tôi chỉ mong những bài học ở nhiều nước châu Phi, ở Nga trong suốt thập kỷ 1990, ở các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 vừa qua.., sẽ được nước ta tôn trọng. Đấy là cái lợi của anh đi sau...
- Đầu năm nay cháu có việc qua Bangkok. Giá đồng Bath Thái Lan bây giờ chỉ còn một nửa so với mấy năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp trắng tay trong một đêm. Có mấy chủ doanh nghiệp tự tử. Các ngành kinh tế cứ dắt dây nhau sụp đổ như các lá bài domino. Thật không thể tưởng tượng nổi, chú à. Nhưng bây giờ họ khá hơn nhiều rồi. - Năm Thịnh thuật lại.
- Bác Học ạ, một số người lãnh đạo ở châu Á buộc tội George Soros là thủ phạm cuộc khủng hoảng này, có đúng thế không bác? - Tôn Thất Loan hỏi.
- Tôi xin lỗi, tiếng Việt xưa có câu rất tục nhưng diễn đạt rất đúng cách buộc tội kiểu như vậy: Tim la đổ vấy cho trâu! Câu này tục lắm, nhưng lột hết được sự việc. Tôi học được câu này từ bọn lính khố đỏ thời Pháp thuộc trong những ngày tôi phải đi kéo xe bò kiếm sống lúc thất cơ lỡ vận...
Mọi con mắt đổ dồn về ông Học.
- Đã có lúc bác phải đi kéo xe bò sao? - Năm Thịnh trợn trợn mắt.
- Sao bác lại ví von như vậy? - Tôn Thất Loan ngạc nhiên.
- Theo tôi George Soros chỉ có một tội duy nhất là người châm ngòi lửa vào cái thùng đã chứa đầy thuốc súng. Tội của ông ta chỉ có thế thôi! - Ông Học chậm rãi. - Ông Soros này không châm thì có ông Soros khác châm, vì chẳng có một nhà tài phiệt nào chịu khoanh tay ngồi nhìn cổ phiếu và vốn của mình có nguy cơ mất giá đồng thời có cơ hội vồ được món lớn. George Soros thính mũi hơn người ở chỗ đã ngửi thấy mùi bão trước khi cơn bão xảy ra. Quả nhiên khi đồng tiền của ông ta mới thoạt chạy khỏi Malaysia thì cơn bão đã đổ bộ ngay tức khắc lên toàn khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
- Thời đại kinh tế tri thức mà con người vẫn bất lực trước những hiện tượng như vậy sao chú? - Lễ hỏi.
- Đúng hơn nó là một phản sản phẩm của kinh tế tri thức, chú nghĩ như vậy Lễ ạ. Kinh tế tri thức trong trường hợp này chứng tỏ nó thông minh và xảo quyệt hơn so với những hiểu biết con người thu lượm được trong kinh tế tri thức. Về mặt tiền tệ thì càng như thế. Ví sự tai quái của tiền tệ với Mephistopheles như Tín đã phân tích thật là một ý tưởng tuyệt diệu đấy.
- Nhưng Tín chưa bao giờ là Soros chú ạ!
- Nhưng rõ ràng Tín hiểu được vấn đề! Sự thật vĩnh hằng là cuộc sống luôn luôn thông minh hơn con người.
- Trời ơi, nên gọi bác là kẻ thực dụng hay là một triết gia đây, bác Học?
- Ông Loan tặng tôi biệt danh gì cũng được. Tôi nói cho có đầu có đuôi như thế này: Thật ra trước khủng hoảng mấy năm đã có những lời cảnh báo khá gay gắt về những yếu kém của ngành tài chính - ngân hàng trong những nước này. Tôi là người trong nghề, tôi biết rất rõ. Rồi đến những lời cảnh báo về sự lũng đoạn do câu kết giữa các giới quyền lực chính trị và các chủ tập đoàn, nạn đầu cơ bất động sản và nạn đầu cơ tiền tệ, nhưng tất cả đều bị giới cầm quyền ở những nước này bỏ ngoài tai hoặc có lợi ích trong việc bỏ ngoài tai. Tất cả đã tạo ra các nền kinh tế bong bóng. Điều không ai biết trước được chỉ là khi nào các bong bóng ấy nổ tung và nổ như thế nào mà thôi. Các nước Đông Nam Á này cuối cùng đã rơi vào tình trạng tích tụ phát triển mấy thập kỷ để đổ vỡ tan hoang trong một trận bão! Kinh tế nước ta đứng ngoài tâm bão, thế mà cũng lao đao vì nó. Theo tôi, nước ta cố học lấy những bài học ấy, có lẽ đấy là cách tốt nhất để tiết kiệm mồ hôi, nước mắt và có lẽ cả máu nữa trong quá trình phát triển. Làm được như vậy, đất nước ta sẽ sớm tìm được đường ra, và các nhóm người Việt đầu cơ chính trị ở đây cũng sẽ khó có đường kiếm chác chính trị. - Ông Học giải thích.
- Chú luôn luôn trung thành với cái nhìn của người đi sau, có phải không ạ? Cháu thật không hiểu làm thế nào mà chú rất lạc quan, nhìn ra ánh sáng trong mọi tình huống. - Lễ hỏi chú mình.
- Có lẽ chỉ vì lúc nào chú cũng ham sống một cách tột bực. Gần suốt cuộc đời, chú vẫn coi tâm lý đầu hàng là kẻ thù không đội trời chung của mình.
Lấy xong hành lý tại sân bay San Francisco, Tín thuê một xe van rồi tự lái