Ngày 24 tháng Hai năm 1979 xe ô-tô chở ông Đoàn Danh Tiến từ trong Nam ra đến Phủ Lý lại phải dừng. Những lần dừng trước vì chờ phà, vì tắc đường.., xe chỉ phải chờ vài ba tiếng đồng hồ là cùng. Nhưng lần này đến địa phận Phủ Lý, còn cách mấy cây số nữa mới tới cầu, xe của ông Tiến đã bị quân cảnh hạ lệnh tìm chỗ trú tạm bên đường một ngày. Tất cả các xe cộ dân sự đều bị cấm, nhường đường cho bộ binh, cơ giới, pháo binh... Tổng lực đang được điều lên mặt trận biên giới phía Bắc.
Không còn cách nào khác, khi người lái xe tìm được chỗ đỗ xe tại một làng ven đường, ông Tiến xuống xe, tìm một nhà dân nghỉ nhờ. Đã ba ngày ròng rã lắc lư trong xe rồi còn gì nữa. Người lái xe và chị nhân viên xí nghiệp in quốc doanh Tự Lực đi áp tải hàng cũng khuyên ông Tiến như vậy.
Đi xe dường dài, chuyện phiếm chống buồn ngủ nhiều khi bỗ bã lắm. Cái thế giới trong cabin xe chỉ có ba người chẳng khác cái thế giới hồng hoang bao nhiêu, mọi chuyện đều là tự nhiên, chẳng có điều gì là kiêng cấm... Cái thế giới chỉ có ba người này thế mà có lúc tiếng cười tưởng như vỡ xe. Cậu lái xe thật là tài kể chuyện, cách nói dí dỏm, cùng với chị nhân viên bẻm mép ngồi giữa làm thành một cặp kẻ tung người hứng thật tuyệt vời.
Ông Tiến mô phạm là thế mà cũng bị hút vào các trận cười. Chuyến đi này làm cho ông lần đầu tiên trong đời tin rằng câu chuyện Một nghìn lẻ một đêm ông được xem trên tivi là có thật, ít nhất ông có cảm tưởng là nó có thật. Bởi vì ông tin rằng xe có ra tới Hà Nội, rồi lại quay về, rồi lại quay ra... cặp bài trùng này chắc không bao giờ hết chuyện tiếu lâm để nói! Chuyện gì thì chuyện, vẫn không thể vượt ra ngoài cái chuyện giữa đàn ông và đàn bà. Có khi cùng một chuyện thôi, thế mà cậu lái xe lại kể ra, dẫn dắt nó, mô phỏng lại nó, bố cục lại nó, thêm đầu bớt đuôi thành những chuyện mới. Có lúc cậu lái xe còn đi xa tới mức vận câu chuyện cả vào ông Tiến: "Bác ơi, theo em bác chịu khó rút kinh nghiệm nhé. Về đến Hà Nội bác nhớ dặn bác gái em mua cho bác năm hào rượu thôi, đừng mua một đồng. Năm hào là dứt khoát hay hơn một đồng đấy bác ạ!.. Năm hào như thế mà đi cho giống thì phải biết! Nói thật với bác nhé, đẻ ra chỉ có từ tiến sĩ hay giám đốc trở lên!.." - một ngón tay cái của người lái xe giơ lên trời. "Thế nhỡ chỉ là phó tiến sĩ thì sao?" - chị nhân viên vặn lại. "Thì đền thêm một tiến sĩ dự phòng nữa!..." tay người lái xe lại độp một cái vào cái chỗ kín của cô nhân viên...
Chuyện cứ thế không dứt. Có lúc người lái xe đặt tay lên đùi chị nhân viên áp tải một cách tự nhiên, di chuyển bàn tay trên đùi chị ta một cách tự nhiên, bất kể là ông Tiến đang lim dim hay đang thức...
Thật là chướng mắt quá!
...Ông Tiến mấy lần định cho anh chàng lái xe hư tay lắm mồm này một bài học về phép lịch sự tối thiểu, thậm chí có lần ông đã buột miệng mở đầu câu chuyện:
- Này tôi thấy anh có nhiều cử chỉ...
- Bác nói em có nhiều cái gì hả bác? - người lái xe bộp ngay, giọng đang vui mà gằn hẳn lên.
- À... - ông Tiến luống cuống một chút vì hoảng - ...Tôi thấy hình như anh có nhiều cử nhân rơi vãi trên mọi nẻo đường xe anh đi qua.
- Ôi, bác thế mà văn nghệ quá!..
...Chẳng gì nó cũng đang chở một đống hàng cho mình, để nó giở quẻ thì khốn đốn dọc đường với nó. ...Mặc xác chúng nó, mất quái gì của mình. Không nghe, không nhìn, không thấy là xong hết. Càng ngày mới thấy chỉ có mỗi Hai Hân là con người chí tình...
Ông Tiến lắc lư, mơ mơ ảo ảo nhớ lại:
- Trời ơi, sao anh mua ở đâu về lắm thứ cho tôi thế này! Tôi không mua đâu, làm gì có tiền. - ông giãy nảy lên khi Hai Hân đưa ông Tiến đến xem người ta xếp ra trước cửa kho xí nghiệp cho ông một đống hàng.
- Anh ơi, làm gì có chuyện mua bán ở đây. Biết anh kỳ này ra hẳn ngoài Bắc, chúng em với tư cách là học trò của anh bảo nhau đi kiếm mấy thứ mà gia đình nào ngoài đó cũng cần. Em đã kiểm tra kỹ rồi, tuy cũ, nhưng tất cả còn tốt.
- Tôi đã bảo là không mua. Mà làm sao tôi khuân được hàng mấy tạ hàng thế này!..
- Chuyện vặt. Anh khỏi lo. Người lớn như anh để tâm trí lo việc lớn...
Cũng có lúc ông Tiến đầu lật bên nọ, lật bên kia trong xe, tuy không ngủ nhưng cũng giả vờ lim dim, hoặc nhìn thật xa về phía trước cho đỡ ngứa ngáy khó chịu trong người. Có lần ông tự nhiên ho sặc sụa, làm cho anh lái xe đang bá cổ cô bạn mà cũng phải giật mình rụt tay ra khỏi ngực cô...
Nhưng chuyện tiếu lâm trong xe rôm rả đến đâu chăng nữa cũng vẫn là cười trong chốc lát. Có là thánh thì cũng không thể cười suốt từ Sài Gòn ra đến Hà Nội không nghỉ được. Ông Tiến liên hệ đến những băng hình tạp hý "non stop program", "gala program" của thời Mỹ-nguỵ ông được xem tại Ban nghiên cứu văn hoá của thành phố. Cả những băng hình này cũng không thể làm cho người ta cười mãi được... Nhiều việc, nhiều suy nghĩ khác vẫn có thừa thời giờ rỉa rói, cấu xé ông Tiến trên đường trường ra Bắc.
Tối đến, dừng xe ngủ lại đâu là cặp bài trùng thu xếp cho ông Tiến xong rồi lại mất hút cho đến tận sáng hôm sau. Ông Tiến thừa biết họ đi làm cái chuyện tiếu lâm của họ, nhưng ông cũng chẳng còn tâm trí nào mà bận lòng. Hôm nay, giữa ban ngày ban mặt ở Phủ Lý cũng vậy, tìm được chỗ đỗ xe họ biến luôn.
- Sao mà nhanh như chớp thế!.. - ông Tiến thốt lên nhìn theo họ biến dần...
Chủ nhà cho ông Tiến nghỉ nhờ trên cái giường khá sạch sẽ, nhắc ông cố ngủ đi một giấc cho lại người. Ông Tiến cũng định bụng như vậy. Đặt lưng xuống, duỗi chân duỗi tay để thư giãn, song cái cảm giác khoan khoái quá ngắn ngủi, chưa chi mắt ông đã trân trân nhìn lên các kèo nhà và xà nhà... Lúc đầu chính ông cũng tự lừa mình, cố nghĩ rằng kiểu làm nhà nông thôn ở vùng này đang thu hút mình. Khi ông phải tự thú nhận nó chẳng khác gì các nhà gỗ mái rạ vùng đồng bằng Bắc Bộ, thì ngay lập tức các điều ông lo nghĩ lại ập tới. Trên đường đi mấy hôm trước, càng về gần Hà Nội ông càng cảm thấy khó ngủ.
Thật là trái ngược...
...Ông tính nhẩm, như thế là cách đây khoảng hơn một năm, ông phải xin nghỉ đột xuất để ra Hà Nội tổ chức lễ cưới hoả tốc cho Thắng, bây giờ con của Thắng đã gần một tuổi. Thư bà Hà kể thằng bé khá cứng cáp, lẫm chẫm biết đi rồi, vợ Thắng có bầu mới... Thế mà hai đứa đang nhất quyết ly dị! Lửa tình bùng to tắt nhanh, người nọ đang ra sức đổ lỗi cho người kia không chung thuỷ. Còn Lợi, con gái ông, nhất quyết đòi lấy anh thương binh cụt một chân, là cán bộ quản lý của trường. Lợi báo cáo anh ta hơn mình đúng một giáp. Nhưng bà Hà xem mặt thì nghĩ bụng là già hơn, thư bà kể rành rọt như vậy. Ông Tiến thư đi thư về mà không sao cản được Lợi. Cô ta còn đòi cưới sớm nữa!..
Để tự giải toả, ông Tiến lại chuyển sang nghĩ chuyện của đất nước. Chưa kịp đón tin quân ta giải phóng Phnômpênh, tin chiến tranh đánh biên giới phía Bắc ập đến. Ngoài những điều được nghe trên phổ biến, ông Tiến chưa kip định thần để tự mình đánh giá các sự kiện. Nhất là đối với ông những sự kiện này xảy ra nhanh quá, bàng hoàng quá.
...Thế là mọi suy luận của mình về thời cuộc hoá ra chẳng đâu vào đâu! ...Cứ tưởng rằng đã thắng Mỹ rồi thì từ nay trở đi không ai dám đụng đến ta nữa!.. Còn hay không còn tình đoàn kết các nước xã hội chủ nghĩa anh em!?. Chẳng lẽ Lê Hải đúng và Phạm Trung Nghĩa không hữu khuynh?.. Cái tư tưởng cách mạng là tiến công liên tục bây giờ đặt nó vào đâu cho ổn? Cái chủ thuyết hai phe bốn mâu thuẫn phải cắt nghĩa ra sao đây?.. Đã bao nhiêu lần mình đi giảng như vậy ngoài Bắc trong Nam, lý lẽ chắc như cua gạch...
Hết tự đánh giá mình về lập trường tư tưởng, ông quay ra điểm lại các môn đệ của mình. Ông vẫn thường coi đấy là một trong những thước đo tin cậy đánh giá năng lực bản thân. Bởi lẽ vào lúc trăm mối tơ vò như thế này, ông cần có một cái gương để soi lại mình. Người mà ông có thể coi là môn đệ thực thụ cho đến nay chẳng lẽ độc nhất có anh chàng thất học nhưng ranh ma Hà Văn Hân?..
Ông đã đến chơi và ăn cơm với vợ chồng hai Hân mấy lần, đã ăn một Tết với vợ chồng Hai Hân vì lỡ Tết - chuyện tàu xe cuối năm quá tải. Vợ chồng Hai Hân cưới nhau đã lâu, nhưng chưa có con. Nhà cửa tuềnh toàng trong hẻm. Được cái cả vợ lẫn chồng đều là người hoạt bát. Càng sống với Hai Hân ông càng thấy đấy là loại người nghe một, hiểu hai, ba. Ông thừa nhận Hân quả là một tay có đầu óc, chỉ cần bồi dưỡng thêm lý luận và một ít văn hoá là có thể trở thành cán bộ có hạng. Loại này mà được học hành đến đầu đến đũa thì phải biết... Vợ Hân, công nhân nhà máy sữa Nestlé, cũng tỏ ra xuất sắc trong khi tiến hành cải tạo nhà máy, tiếp thu nhanh những vấn đề chính trị ông trao đổi với hai Hân. Trong đời mình ông được học, được nghiên cứu, được đi thực tế để tìm hiểu giai cấp công nhân. Ông tự hào là đã tích luỹ được cho mình khá nhiều. Chính sự tích luỹ này là cái vốn căn bản cho quan điểm và lập trường giai cấp của ông. Nhưng phải chờ đến khi quen biết vợ chồng Hai Hân, ông mới hiểu rằng quan điểm và lập trường giai cấp mình có trong người không chỉ là một ý thức, một nhận thức trừu tượng, mà nó còn có một mối liên hệ với những người thật, cuộc sống thật. Dựa vào những điều đã tích luỹ được trong cả cuộc đời, ông nuôi tham vọng lúc nào đó sẽ viết một chuyên đề lớn về giai cấp công nhân Việt Nam, có những ví dụ thực, hình mẫu thực...
...Một con người có năng lực tự thân như Hai Hân ca ngợi mình, suy tôn mình lên bậc thầy, thì hẳn chính mình cũng phải là một cái thá gì chứ! Anh ta hoàn toàn không phải loại người ăn theo nói leo, không phải là thiên lôi chỉ đâu đánh đấy!..
- ...Lý luận của anh em nghe sáng ra. Cứ chỗ nào bí là em lại dựa vào những điều anh giảng. Đúng là kim chỉ nam của hành động.
- Tôi thì lại phải dựa vào hành động thực tiễn của cậu để kiểm nghiệm, để phát huy thêm lý luận.
- Đã nhiều lần, vận lý của anh ra thế nào em cũng thắng! Hôm em nói cải tạo xã hội chủ nghĩa không phải chỉ là đánh đổ giai cấp tư sản, mà còn phải nhằm đưa giai cấp công nhân lên nắm quyền lãnh đạo xí nghiệp. Hội nghị hoan hô rầm rầm! Anh và em không thể thiếu nhau được, có phải thế không anh?
...Thực là những lời tâm huyết của Hai Hân trong buổi tâm sự với mình đêm ba mươi Tết năm rồi!..
Khi ông nhận được lệnh trở lại miền Bắc công tác, Hai Hân lo cho ông từng ly từng tý, lại bố trí một chuyến xe đưa ấn phẩm ra Bắc và nhận vật tư đem về cho xí nghiệp, để kết hợp đưa ông Tiến ra Hà Nội. Hai Hân đi thu thập các nơi đem về biếu ông Tiến một tủ lạnh Sanyo, một tivi National 21 inches, hai cây quạt Nhật và một xe Honda nam cũ. Tất cả đều là hàng tầm tầm nhưng còn dùng tốt - đây là lý do chính Hai Hân bố trí chuyến xe tải này.
"...Mong anh coi em như đệ tử ruột. Đường đời còn dài, chắc em còn phải nhờ anh giúp đỡ nhiều...” Lời chia tay của hai Hân đầy tình nghĩa. Tuy nhiên ông Tiến cũng hơi chột dạ khi Hai Hân nói:
- Bây giờ trong này xong cải tạo rồi. Sắp tới chủ yếu sẽ là các nhiệm vụ kinh tế. Trên điều anh ra ngoài Hà Nội em nghĩ cũng phải thôi.
Nghĩa là Hai Hân biết lý do vì sao trên điều mình ra Bắc?
... Thằng cha này ở sát lãnh đạo thành phố nên nhiều thông tin lắm. Khi Khmer đỏ đánh Tây Ninh lần thứ nhất, nó biết trước mình. Lần thứ hai nó cũng biết trước mình... Bây giờ nếu đúng như hắn nói thì có vấn đề... Luận ra sẽ có nghĩa là trên cho rằng cái khả năng chính trị vạn năng của mình không còn vạn năng cho lắm! Vì thế phải trở ra Hà Nội?.. Nếu thế thì gay rồi, đại sự rồi...
... Hay là mình cả nghĩ quá thôi, sự thực có thể không đến nỗi bi đát như thế. Ngày 17 tháng Hai Trung Quốc đánh ta, ngày 19 tháng Hai ngoài Bắc điện mình ra gấp. Như thế chắc là ngoài Bắc cần mình là do tình hình mới? Làm gì có đại sự nào khác! Lập luận này có lý hơn. Ai không biết công tác tuyên huấn vào lúc nước sôi lửa bỏng này là cực kỳ quan trọng! Phải thấy rõ điều này để kịp thời chiếm lĩnh trận địa!.. Nghĩ theo hướng này, ông Tiến lục lọi trong trí nhớ mọi lời đồn đại về trưởng Ban. Sắp xếp lại các lời đồn đại với nhau, đo đếm, cân nhắc, ông thấy trưởng Ban hồi này bị chê nhiều hơn là được khen. Đáng chú ý là những lời đồn thay trưởng Ban chẳng những ngày càng nhiều, có lời đồn còn nêu rõ ai sẽ được giao cho cái ghế này - chỉ có điều hơi lạ là cái tên Đoàn Danh Tiến tuyệt nhiên không một ai nhắc đến!..
...Dù có tên mình hay không có tên mình thì đồn đại cũng chỉ là đồn đại! Hai năm rõ mười là sức khoẻ của trưởng Ban đã quá Giáp Bát gần Văn Điển rồi! Lao hay ung thư, khu A hay khu B trong Văn Điển cũng thế thôi! Cỡ như ông ta có vào được Mai Dịch không nhỉ? Chưa hẳn, ông ta chỉ hơn mình có vài bước chân...
...Tôi đã bảo mà, ông thì đi dạy được thiên hạ, nhưng đối với hai con mình thì ông bất lực... Không phải thế, tất cả là tại bà thôi. Ai bảo bà chiều chúng nó quá nên mới đổ đốn ra thế này...
Cuối cùng thì ông Tiến cũng thiếp đi được một giấc.
Tỉnh dậy, trời đã quá trưa. Ông Tiến tìm đường lững thững leo lên quốc lộ 1, vừa để tìm chỗ ăn trưa, vừa muốn quan sát tình hình. Ngồi trong một quán nhỏ, ăn xong hai bát bún riêu cua, ông Tiến mới quay ra nhìn ra nhìn lên đường. Các đoàn xe bộ đội ùn ùn nối đuôi nhau không dứt từ phía Nam kéo ra. Xen vào giữa những đoàn xe chở bộ đội là những đoàn xe kéo pháo, kéo tên lửa, các đoàn xe thiết giáp, các đoàn xe quân nhu, các đoàn xe chuyên dụng. Tiếng động cơ vang dền bất tận. Tiết trời đông sang xuân ẩm ướt, khói bụi của đoàn xe bất tận bị nén xuống thành một dải mây dài phủ kín con đường. Đây là lần đầu tiên trong đời ông Tiến được mục kích bộ đội ta hành quân ra chiến trường. Chưa bao giờ ông được thấy một cảnh tượng đầy khí thế lẫm liệt như vậy. Cách nửa tiếng, một tiếng, ông lại thấy một chuyến tàu hoả lúc chạy ngược lúc chạy xuôi trên tuyến đường sắt đi song song với quốc lộ 1. Tàu vào chở người đi sơ tán, các toa chật như nêm, thậm chí người người già trẻ lớn bé ngồi kín cả các toa đen chở hàng. Tàu ra toàn bộ đội, các toa chở xe tăng và các toa bọc bạt kín mít - chắc là hàng quân sự...
...Thế này thì chiến tranh to rồi, không nhầm vào đâu được. Quân đội mình hùng dũng quá! Hùng dũng quá!.
Ông Tiến cảm thấy bừng bừng trong người, bàn tay nọ đấm vào lòng bàn tay kia.
Tuy nhiên, khi nhìn các chuyến tàu hoả chở người đi sơ tán vào phía Nam, ông Tiến không thể tránh được cảm giác ngây dại - nỗi chua xót cho vận mệnh của đất nước. Cảm giác day dứt ấy làm cho ông Tiến phải thú thực trong thâm tâm: ...Hình như cho đến giờ phút này mình chỉ là người quan sát! Là người reo hò và đứng ngoài cuộc!..
...Nhưng mình đâu có trốn tránh nhiệm vụ nào? Số mệnh, hay là cuộc đời dun dủi thế nào đấy thôi, mình toàn lọt vào những vị trí trung gian, những thời điểm trung gian nằm giữa những hiểm nguy của đất nước. Hình như cả cuộc đời mình lọt vào các khoảng trống an toàn nằm giữa những vận động, nằm giữa những giai đoạn quyết liệt đất nước phải trải qua! Khi thanh niên cả nước ào ào lên đường chống Mỹ theo phong trào "ba sẵn sàng" thì mình đã là cán bộ. Những năm tháng đất nước chìm đắm trong chiến tranh mình ngồi trên mặt trận chính trị! Mình đâu có trực tiếp cầm súng hay đứng ở mặt trận như Lê Hải, như Phạm Trung Nghĩa... Hay là chính vì thế mình hiểu cuộc sống của đất nước bằng con mắt và cách nghĩ của người quan sát?.. Mình không có những nỗi đau như họ, nên có lẽ mình tỉnh táo hơn họ. Đúng là biết tách mình ra khỏi sự vật luôn luôn là một lợi thế! Từ ngày rời ghế nhà trường mình đã hiểu ra điều này. Chính nhờ điều này mình luôn chiếm lĩnh được trận địa mới, luôn luôn mới! Từ ngày còn học trường làng cho đến con đường trưởng thành bây giờ là nhờ luôn luôn chiếm lĩnh được trận địa mới! Phạm Trung Nghĩa và Lê Hải chẳng qua sống quá sâu, bị đúc tạc quá sâu vào chính cuộc sống của các ông ấy, nên không dứt ra được, nó thành nếp mất rồi... Họ không thay đổi được họ nữa. Họ thuộc về quá khứ, như một phương tiện, một công cụ đã làm xong chức năng được giao... Họ không thể nhận biết diễn biến khách quan như ta, không thể như ta luôn luôn biết chiếm lĩnh những trận địa mới, không thể là người trong cuộc... Không bao giờ họ có thể là người trong cuộc...
...Còn ta? Ta quan sát? Hay ta đứng ngoài cuộc?.. Không! Số phận đưa đẩy như thế cơ mà!.. Ta đâu có phải là họ? Ta không quan sát! Ta không đứng ngoài! Lẽ sống của ta là phải trở thành người trong cuộc... Sẽ như trưởng Ban... Như những người quyết định số phận những kẻ khác!..
Những cuộc tranh luận gay gắt với Lê Hải, với Phạm Trung Nghĩa bỗng nhiên sống lại dữ dội trong tâm trí ông Tiến. ...Chỉ có một lần duy nhất Lê Hải thực sự khen ngợi mình. Một lần duy nhất mà thôi. Đấy là những lời khen mình thật lòng... Mình biết tỏng đi chứ!..
Một ngọn gió buốt ở đâu ập tới. Trong khoảnh khắc ông Tiến đột nhiên có cảm tưởng những gì mình đang thấy trước mắt là hiện thực sống của tất cả những gì đã được nói tới trong những cuộc tranh luận này. Song ông lại tự trấn an mình ngay: Phải biết tách mình ra khỏi sự vật, phải nhận biết diễn biến của nó để chiếm lĩnh trận địa mới!.. Cuộc đời là luôn luôn đi tiên phong chiếm lĩnh trận địa mới...
...Ừ, cứ cho là như thế đi... Thế thì chân lý là ở chỗ nào?.. - Một cảm nghĩ gì đó khó tả luồn lách vào tâm tư sâu kín nhất của ông Tiến. Ông lờ mờ như thoáng tự hỏi mình điều gì đấy, song lại phải tự mình át đi ngay. Ông nghiệm thấy bảo vệ cái chân lý phải luôn luôn đi tiên phong chiếm lĩnh trận địa mới nhiều lúc thật không đơn giản...
...Lẽ đời khôn sống mống chết! Đi tiên phong cũng có phải tuân thủ cái lẽ đời này. Thế mà mình đã trót một lần lỡ bút ca ngợi hai tay này hết lời. Ôi cái dại chết người!.. - ông Tiến nhớ đến bài viết của ông giới thiệu tập truyện ngắn của Lê Hải và Nghĩa... Trái hẳn với hôm chia tay Lê Hải, cách suy nghĩ này giờ đây đột nhiên dấy lên trong ông nỗi lo bút sa gà chết, nhất là vào thời buổi đất nước lại có chiến tranh như thế này... Chính ông cũng tự vặn vẹo mình: Tại sao mình lại có thể dại dột như thế được nhỉ? Xưa nay mình đâu có ham hố gì chuyện văn chương!.. Không biết việc mình bị gọi ra Bắc thế này có liên quan gì đến bài giới thiệu này không?.. Bằng này tuổi đầu rồi mà cuộc đời vẫn có lắm chỗ không biết đằng nào mà lường...
Tiếng loa của xe công an thông báo lệnh cấm đường chấm dứt. Tiếng loa của xe công an kéo ông Tiến trở về thực tại. Ông chạy vội về nhà nghỉ nhờ để cảm ơn gia chủ và để tìm cặp bài trùng tiếu lâm.
Nhưng tìm hai con người ôn vật này ở đâu bây giờ?..
Ông chạy loăng quăng một lúc rồi về đứng bên xe tải của mình:
- Đứng đây là chắc ăn nhất, đi tìm làm gì cho mệt xác!
Ông Tiến tự nói với mình như vậy, trong lòng cảm ơn trời Phật đã cho ông chút thời giờ ngẫm nghĩ sự đời trong khi đứng chờ cặp bài trùng. Cái quyết tâm trở thành người trong cuộc được nung nấu thêm, những nỗi lo mây lo gió về cái chuyện bị gọi ra Hà Nội lắng dịu đi...
Quả nhiên chỉ nửa giờ sau cặp bài trùng cũng đưa nhau về. Lại lên đường. Lại rôm rả. Trên chặng đường cuối cùng này riêng mình ông Tiến là người không biết nói.
Tối hôm đầu tiên nhà ông Tiến vui như hội. Nhà bây giờ thêm hai nhân khẩu là vợ và đứa con trai đầu lòng của Thắng. Anh con rể tương lai cũng đến chào ông Tiến mới đi công tác xa về. Cả nhà - trừ bà Hà - tự dưng biến thành các máy nói. Ai cũng vui vì đột nhiên ông Tiến mang về lắm thứ như vậy, mà toàn là những thứ được việc, được tiền, rất cần. Cô Lợi thì khen hàng Nhật cũ rồi mà vẫn còn đẹp, hiện đại hơn hàng Liên Xô, so sánh từng chi tiết cái tủ lạnh Sanyo với cái tủ lạnh Xa-ra-tốp, thạo đến mức người yêu cô Lợi phải ngạc nhiên.
- Nhà ta đã có tủ lạnh bao giờ chưa mà em cứ nói vanh vách từng chi tiết một như thế?
- Việc gì phải có mới biết! Thế mới tài chứ...
Vợ Thắng hết tham gia đề tài tủ lạnh lại tham gia đề tài quạt Nhật. Còn Thắng từ đầu đến cuối chỉ quan tâm đến cái xe Honda nam mầu đen, lôi cả em rể tương lai vào đàm luận. Gọi là em rể, nhưng hơn Thắng phải ngoài chục tuổi hoặc hơn nữa. Mô-kích, Pơ-giô, Vespa, Xolex, Minsk, Java... được đem ra so sánh tuốt. Thắng hết ngồi lên lại nhảy xuống, lăn thử xe trong nhà, bật đèn, bóp còi, nhấn phanh... Mấy lần Thắng định lôi xe ra đi thử nhưng không có xăng. Hai Hân cẩn thận đã bắt vặn hết xăng trước khi khuân lên xe tải. Động cơ chỉ bạch bạch một tý rồi im luôn, thế mà mùi khói xăng đã nồng nặc cả nhà. Bà Hà ngồi nguyên một chỗ mà cũng phải kêu toáng lên, vội vã lấy khăn tay bịt mũi cho cháu nội. Thắng định lôi xe ra đường đổ xăng của con phe, ông Tiến nhất định không cho:
- Không được, phải tập hẳn hoi. Chuyện vợ chồng cậu công an hộ tịch khu phố mình năm ngoái bị ô tô cán chết vì mới tập đi xe máy còn sờ sờ ra đấy!
Về tới Ban, ông Tiến thấy cấp trên và đồng nghiệp tuyệt nhiên không có một lời xì xèo nào về khả năng chính trị vạn năng của mình. Những nỗi lo mây lo gió của ông qua đi nhanh chóng, nhường chỗ cho tâm trạng đầy phấn chấn. Trong khi đó ông đạt thêm một chiến tích lớn: công trình tổng kết về cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam và nhiều bài bình luận khác do ông là tác giả được in thành sách, với cái tên nổi bật "Tổng kết kinh nghiệm về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta". ...Thật là bõ công mình vận động, lại được chính Nhà xuất bản của Ban ấn hành, thế mới oách chứ! Từ nay trong tay ta đã có những công trình được công bố! Rất xứng đáng kiếm một học vị nào đó cho có tên tuổi... Hôm đến chào, ông trưởng Ban còn khen ông Tiến có những tìm tòi mới trong nghiên cứu lý luận, cho là những cố gắng của ông Tiến rất đáng khích lệ. Ông trưởng Ban cho biết mô hình của thời kỳ quá độ đang là vấn đề thời sự nóng hổi của cả nước, còn phải động não nhiều...
- Thưa anh, với công trình này tôi nghĩ rằng cơ bản lý luận khoa học về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã định hình... Các nước Liên Xô - Đông Âu đang lao đao là vì họ làm trái lý luận này!
- Nhưng vẫn phải tiếp tục động não.
- Mô hình này là chắt lọc từ cuộc sống đấy ạ!
- Tôi thừa nhận hai năm qua công tác trên lĩnh vực mới, anh tỏ ra rất nhạy cảm, cố bắt kịp nhịp thở của đất nước. Tuy nhiên nên đi sâu hơn nữa vào các giải pháp... Tôi hy vọng nhiều ở anh đấy...
Trừ cái câu Tuy nhiên... ra, còn lại những câu khác ông trưởng Ban làm cho ông Tiến thật là được lời như cởi tấm lòng...
Những câu chuyện hư hư thật thật ở hành lang còn cho ông Tiến biết trưởng Ban hồi này sức khoẻ gay go lắm. Có tin đồn trưởng Ban đang xin về hưu, trên đang lo người thay... Loáng thoáng chỗ này chỗ khác thì thào ông đã được coi như người kế vị trưởng Ban trên thực tế... Khấp khởi càng thêm khấp khởi...
Vốn là người nhanh nhạy với thời cơ, ngay lập tức ông Tiến ngầm góp phần mình làm cho cái tin đồn thay trưởng Ban loang rộng ra. Ông không quên thêu dệt thêm đôi ba điều để dư luận hiểu rằng người xứng đáng thay thế trưởng Ban là ông, chấm phá vài lời dèm pha khi cần... Cũng có khi ông bạo gan bắn tin, đại thể là cấp trên đã chọn mặt gửi vàng nhắm vào ông... Không ít những giây phút ông lâng lâng bay bổng trong trí tưởng tượng của mình. Tất bật càng thêm tất bật, vì có khối việc để làm...
...Bằng mọi giá, ta phải trở thành người trong cuộc!
Nhưng các buổi tối ở nhà, trong những bữa cơm chiều, không khí căng thẳng dần dần lại quen mui dồn về đầy ắp căn nhà ông Tiến. Lại vẫn những chuyện cũ rích...
...Chán bỏ mẹ, thà đi khuất cho rảnh mắt! Có lúc ông buột miệng nói ra như vậy, nhưng chỉ vừa đủ cho mình nghe.
Không có cách gì ngăn cản vợ chồng Thắng nằng nặc đòi ly hôn. Đêm đêm vợ Thắng đuổi chồng quầy quầy, bắt phải ra ngủ riêng trên cái giường bạt Liên Xô. ...Nghe vợ chồng chúng nó vặc nhau mà nẫu cả người! Đã thế cái con Lợi ranh con tối nào cũng dẫn xác cái thằng thương binh dê cụ về nhà, ngồi dai như đỉa đói. Sao chúng mày rỗi hơi thế!..
Tối tối ông bà Tiến thường chẳng còn chuyện gì để nói, nên ai làm việc nấy. Đến lúc cả nhà bắt đầu lục tục đi ngủ, anh thương binh mới đứng dậy đưa Lợi về ký túc xá. Khi ông Tiến tắt đèn, leo lên giường nằm cạnh bà Hà, lúc này không khí căng thẳng giữa hai ông bà bắt đầu. Ông Tiến để ý từ hôm về chưa thấy bà Hà hé một lời nào về các thứ mình khuân từ trong Nam ra. Mà chuyện trò với nhau thì câu trước câu sau đã ông chẳng bà chuộc.
...Hoá ra những năm tháng mình sống độc thân ở Sài Gòn lại là tuyệt trần đời!
Một đêm:
- ...Thì bà cũng nên lựa lời nói con vợ thằng Thắng một vừa hai phải cho êm cửa êm nhà một chút chứ.
Bà Hà nằm yên. Cái tâm trạng lơ đễnh đôi khi bất chợt len lỏi vào tình cảm của bà thường thường mang lại cho bà một cảm giác trống rỗng, bằng lặng. Nhưng giờ đây nó biến thành những đợt sóng thần dữ dội trong lòng. Bà Hà môi mím chặt, hai bàn tay nắm lại. Bà cố nằm yên không nhúc nhích.
- Con nhà cán bộ có danh tiếng như nhà mình, mà nào là cưới chạy, nào là ly dị. Bà xem, thế còn ra cái thể thống gì nữa. Thiên hạ người ta cười vào mũi.
Bà Hà vẫn nằm yên.
- Ô hay, bà ngủ rồi à?
- Không tôi vẫn thức.
- Thế thì bà nghe tôi nói đây. Ngoài chuyện vợ chồng chúng nó, bà cũng nên tỉnh táo xem có chuyện mẹ chồng nàng dâu không? Lập trường của tôi là phải khách quan xem xét cả hai bên.
Lúc này bà Hà không kiềm chế mình được nữa. Tuy thế, bà cố hít vào thật sâu, lựa lời:
- Ông không ở nhà mà xem, lúc nào cũng khách quan với lại lập trường! Tôi hầu mẹ đẻ của tôi ngày trước cũng chưa bằng tôi hầu nó bây giờ. Còn ông muốn hầu nó nhiều hơn nữa thì xắn tay áo lên. Xin mời! Nhà này là nuôi cả hai mẹ con nó. Có cái gì bán được, tôi câm lặng bán hết rồi. Ông liệu xem bán đỡ hai cái quạt hay cái tivi đi mà trả nợ.
- Không được! Nếu thế thành chuyện tôi vào Nam đi buôn à! - Ông Tiến giãy lên. Song cũng chính lúc này ông mới chợt hiểu vì sao từ hôm về ông không thấy chiếc xe đạp pơ-giô cũ của bà Hà đâu nữa. Lúc vui vẻ, bà Hà thường kể chiếc xe đạp mẹ cho ấy là của hồi môn của bà khi về với cán bộ Tiến.
- Ông còn muốn lo cho gia đình thì hãy nghe lời tôi... - Bà Hà cố điềm đạm: - Tốt nhất là ông bán tất cả các thứ ông mang về đi, rồi cho vợ chồng nó ra ở riêng. Chúng nó chưa có nhà thì cho chúng nó hẳn một phòng riêng biệt trong căn nhà này. Cả hai đứa vừa mới ra trường, may là đã có công tác. Tự lập chúng nó sẽ nên người. Như thế còn hy vọng cứu được gia đình chúng nó khỏi tan vỡ. Để chúng nó mỗi đứa một nơi thì chỉ khổ cho các cháu nội của ông thôi. Ông nghe thủng chưa?
Ông Tiến im lặng, có lẽ đang cân nhắc những ý kiến của bà Hà.
- Nếu hai vợ chồng chúng nó còn son rỗi, tôi sẽ xử sự theo cách khác. Nhưng gia đình vợ chồng nó sắp sửa hai thành bốn rồi, nhất thiết phải bán các thứ đi, tạo dựng một gia đình nghiêm túc cho hai đứa cháu ông.
- Bà điên à? Như thế danh dự của tôi còn gì nữa!
Bà Hà không đáp lại, chỉ kéo gối ra xa chồng thêm chút nữa.
- Hỏi thật bà, có thể tôi nhầm. Bà xem cái Lợi đã to bụng chưa? Tôi thấy khang khác thế nào ấy. Nếu nó chưa làm sao cả, thì nhà mình vẫn còn tìm cách từ chối được. Thật chẳng khác gì hai bố con, rõ là ê mặt. Rồi trăm cái mồm của thiên hạ sẽ chõ vào!
Bà Hà lại nhích xa ra chút nữa, nằm yên. Ông Tiến quàng tay lên bà Hà, tay ông bị hất ra, bà Hà cũng nhích ra xa thêm. Ông Tiến biết là mình đã đi quá phần lãnh thổ của mình rồi, chỉ muốn biến thành một quả bom nổ tung cái nhà này lên.
...Chẳng lẽ vợ bây giờ cũng không còn là vợ nữa? Trời với đất!
Ông Tiến vùng vằng làm mình làm mẩy có dụng ý, mảnh giát giường cót két dưới lưng ông làm reo phản đối, thanh ở giữa giường trồi lên, cọ cọ vào xống lưng ông đau nhói. Ông Tiến hiểu bà Hà đã xê ra sát mép giường rồi, nhưng sự quẫn bách vẫn không buông tha ông. Ông rên hừ hừ, từng lúc thở dài thật to, cố cho bà Hà nghe thấy. Nhưng ông chỉ cảm thấy sự tĩnh lặng xa lắc xa lơ, ông cố nghe mà không thấy cả tiếng bà Hà thở nữa.
... Thế này thì chẳng còn ra cái thể thống gì! Đã thế ta phải dùng sức mạnh!
Như một bản năng, ông Tiến vung tay vồ lấy ngực bà Hà, kéo toạc áo bà ra. Ngay lập tức ông bị bà Hà du bắn trả lại:
- Ông có để cho tôi yên không?
Dứt lời, bà Hà rút ngay cái chiếu dưới chân giường, trải xuống đất nằm một mình.
Đêm khuya trở lại với yên tĩnh. Cái đồng hồ quả lắc trên tường tích tắc đều đều rồi điểm hai giờ. Ông Tiến đối thoại trong đầu với những tiếng tích tắc và quyết không để cho bà Hà trút hết mọi trách nhiệm lên ông. Đắn đo mãi và dồn nén mọi nghị lực, đột nhiên ông gào lên: