Tướng về hưu Lê Hải được ông Hai Phong giao cho nhiệm vụ xin gặp ông Tám Việt để chuyển lời cảm ơn của bà Sáu Nhơn về lẵng hoa ông Tám gửi tặng nhân dịp lễ thượng thọ 85 tuổi của bà cách đây mấy hôm. Được tin này, ông Tám hồ hởi mời Lê Hải và nhân thể mời luôn cả hai anh em Phạm Trung Chính và Phạm Trung Nghĩa đến ăn cơm tối tại nhà mình. Ông Tám rất thích những cuộc gặp gỡ như thế này, vì theo ông, họ là những người biết trò chuyện và lý thú.
... Ông Tám nhớ lại hôm ấy, sau buổi nói chuyện với các vị nghỉ hưu tại câu lạc bộ Thăng Long, tình cờ ông được là khách mời của vợ chồng Lê Hải. Lý do mời thật đơn giản: anh nông dân Vĩnh Bảo ba đời dân ngu khu đen Lê Văn Tịch, nguyên xã đội trưởng, cháu gọi Lê Hải là ông trẻ, bây giờ là ông chủ cỡ bự, tự lái cái Mercedes xịn từ quê ra mang biếu một nửa con cầy tơ và một hũ rượu nếp hương. Có lý do để gặp nhau như thế là những dịp may không thể bỏ qua của những người như Lê Hải, như các cụ ngày xưa vẫn nói… Rượu ngon phải có bạn hiền...
Thế là bà Hậu chuẩn bị cho bạn bè Lê Hải một bữa cơm đặc sản đúng với tên gọi cầy tơ bảy món....
Cuối buổi nói chuyện hôm ấy ở câu lạc bộ Thăng Long, Lê Hải, Trần Thu, Nghĩa... kéo nhau đến mời ông Tám cùng dự.
Trong bữa "nhậu" hôm ấy, ông Tám nói với Lê Hải:
- Không có anh đến “giải phóng”, thì tôi mắc kẹt to.
- Sao lại "phải giải phóng" anh? Tôi tưởng là đã phá đám anh - Lê Hải hỏi lại.
- Khổ quá, mấy anh không đến mời đi nhậu thì bà Phương còn dứt không ra.
- Anh Tám thì bà nào chẳng bám! - Lê Hải giở cái giọng tinh quái.
- Nói giỡn hoài, các anh không thấy sao, trên bục bước xuống chưa kịp ra đến cửa tôi đã bị bà ấy túm lấy.
- Chắc anh Tám nợ bả món gì lớn? - vẫn Lê Hải.
- Đấy không phải là lần đầu tiên. Bả phàn nàn về nỗi chồng bả thuộc loại khai quốc công thần mà chỉ được đặt tên cho một phố hẹp dài vài trăm thước, thế mà có vị khác thấp hơn lại được cả một đại lộ hai làn xe dài hàng cây số! Gặp ai bả cũng kêu chuyện này. Mà tôi thì có quyền hành gì với việc đặt tên phố như vậy chứ!
Ông Tám còn nhớ bữa đó rượu nếp hương mang ra từ quê Lê Hải ngọt giọng quá, nhưng câu chuyện lại ngấm toàn vị đắng. Chủ đề cuộc đàm đạo hôm ấy xoay quanh câu chuyện một số cán bộ lão thành gửi thư có ký tên rõ ràng, tố cáo những vụ tham nhũng lớn, trong đó có vụ Tân Trường Sanh, phê phán ông Tám rất nặng lời về tội không đấu tranh kiên quyết trong những vụ này...
Thế mà đã ngót nghét một năm trôi qua...
Khách đến nhà lúc bà Tám đi vắng, cánh đàn ông càng thoải mái chuyện trò. Ông Tám Việt mở đầu bằng món ăn rất ư là miền Tây Nam bộ.
- Hôm nay các anh hên quá, có người gởi ra cho tôi cả một đọt nhộng dừa. Thứ nhộng này chiên tẩm bột, nhắm với rượu đế thì thật hết chỗ chê.
- Phải để nguyên cả đọt cây dừa đem ra ngoài này rồi mới gỡ nhộng ra chứ anh Tám? - Lê Hải hỏi.
- Hẳn rồi! Làm như vậy nhộng mới tươi. Tôi đã dặn nhà bếp, gỡ ra là tẩm bột chiên liền, đây mời các anh dùng đi cho nóng. - ông Tám vồn vã gắp những con nhộng được chiên vàng ruộm bỏ vào chén cho từng người.
Sau món nhộng dừa, câu chuyện xoay quanh các món ăn đặc sản như tôm càng xanh, cua bể, ghẹ, sam, rùa... của vùng tứ giác Long Xuyên, nơi mà ông Tám và Lê Hải đã sống nhiều năm trong hai cuộc kháng chiến. Nhưng hình như những thứ sơn hào hải vị này cũng chỉ thu hút được sự chú ý của những khách ẩm thực này trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Câu chuyện chung quanh bàn ăn chệch hướng sang các vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống đất nước từ lúc nào không ai biết. Khơi mào lại chính là chủ nhà:
- Ngồi với nhau có rượu và đồ nhắm ngon miệng như vầy mà không phải nghĩ đến các anh chàng quốc doanh thua lỗ thì vui biết mấy. - Ông Tám bộc bạch.
- Anh Tám mất ăn mất ngủ vì chuyện này? - ông Chính hỏi.
- Thì chính anh cũng là người làm tôi mất ăn mất ngủ, chớ còn ai nữa. Mấy tuần nay anh cứ xin xoá bằng hết các định giá trong thi công và nằng nặc đòi chấp nhận toàn giá thị trường!
- Tôi chỉ là cái loa phát thanh. Nhưng trong cơ chế mới, hình như các tổng công ty có lý, anh Tám ạ. Họ cho tôi là kỹ thuật gia, nên dễ ăn dễ nói với anh.
- Tôi đồng ý ngay, nhưng với điều kiện cũng phải thị trường hoá, tiền tệ hoá tuốt tuồn tuột mọi thứ đầu vào của doanh nghiệp, vô hình cũng như hữu hình, cố định cũng như lưu động, chịu không? Sao lại chỉ muốn thị trường hoá ở phần đầu ra?
- Tôi đã truyền đạt rõ ràng ý của anh như thế. Các tổng công ty chỗ tôi cho rằng trong Nam ngoài Bắc đều kêu anh Tám thù địch và muốn khai tử doanh nghiệp nhà nước! Nhất là tại Thành phố này.
- Trời ơi, một trăm phần trăm luận điệu của Chín Tạ! Bất kể ở đâu, chỗ nào, có dịp là Chín Tạ bơm tôi lên là kẻ thù địch với doanh nghiệp nhà nước, kẻ muốn khai tử quốc doanh!
- Anh nghi ngờ cho Chín Tạ thì có lẽ không oan. Các công trình những tổng công ty này đang triển khai chủ yếu là ở thành phố này, thuộc địa bàn của ông ta nên chuyện gì ông ta cũng có ý kiến.
- Các tổng công ty nhà anh có nghe theo Chín Tạ đòi khai trừ Đảng đối với tôi nữa không?
- Chắc là không dám, nhưng họ không thích anh. Họ kêu anh là anh Hai Nam bộ, không phải là nhà kinh tế nên coi trời bằng vung. Người khác lại bảo anh rất độc đoán.
- Chắc mình ra đi thì họ thích lắm?
- Họ nhũn nhặn khi đến gặp anh xin cái này cái nọ. Nhưng ngồi với nhau, họ bác anh quyết liệt đấy, Chín Tạ mới chỉ là một mũi.
- Tại tôi không chịu nới lỏng hầu bao và bảo hộ họ chưa đủ có phải không?..
- Ở vào địa vị họ, ai mà chẳng thế hả anh Tám?
- Họ giơ tay tán thành nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, nhưng lại chỉ thích tôi làm dâu trăm họ.
- Đúng là anh đang bị chiếu tướng. - Ông Chính tỏ vẻ ái ngại cho ông Tám.
- Tôi biết mình đang bị dồn đến chân tường. Nhưng đi hay ở không thành chuyện! Còn một ngày, một giờ làm việc, đừng ai trông chờ tôi tự thay đổi...
Ông Tám nói thế, nhưng trong bụng hiểu rằng bão táp sắp sửa nổ ra đối với mình. Ông nhớ đến những cuộc họp căng thẳng, đến những gợi ý bổ sung cho ông một người phó, hoặc gợi ý ông nên chủ động xin nghỉ. Trong cuộc họp gần đây nhất đã có ý kiến gay gắt trực diện với ông Tám, nhưng lại diễn đạt theo kiểu giận người chém bóng.
...Đồng chí Tám cần xem lại những người làm việc chung quanh mình, nhất là cái cậu trợ lý! ...Xưa nay tôi thấy đồng chí có thế này đâu, e rằng cậu này ăn phải bả các học thuyết phương Tây và ảnh hưởng đến công việc của đồng chí!..
Thế rồi người trợ lý của ông bỗng dưng khăng khăng xin nghỉ hưu non, với lý do cụt lủn: không thể tiếp tục làm việc được! Chẳng thanh minh lý giải gì cả!... Ngày hôm trước anh ta làm đơn, ngày hôm sau nghỉ liền, chẳng đợi ông Tám đồng ý hay không đồng ý, cũng chẳng xin ý kiến tổ chức.
...Anh chàng này khí khái, hay là chỉ phò thịnh không phò suy? Hay còn uẩn khúc gì nữa?..
Ông Tám không có cách gì buộc chân người trợ lý của mình, đành nhờ tổ chức kiếm người khác thế vào...
Chưa xong rắc rối này lại xảy ra chuyện không hay khác. Hai lần ông Tám yêu cầu các cơ quan chức năng của Thành phố xét hỏi Bạch Liên về các hành vi có liên quan đến những vụ buôn lậu lớn của mấy công ty quốc doanh, nhưng cả hai lần Bạch Liên đều chứng minh được là mình vô can. Dựa vào các thông tin ông được báo cáo, ông tin là mình không nhầm, nhưng không nắm được chứng cứ, ông chẳng làm gì được Bạch Liên. Chuyện vỉa hè về ông Tám qua sự vồ hụt Bạch Liên trở thành lời phán xét đầy quyền lực mà không ai biết từ đâu tới. Chính ông Tám cũng cảm thấy như vậy. Tiếng xì xèo ông Tám chệch hướng và ghét quốc doanh lại càng dội lên thành những làn sóng. Chỗ này chỗ khác lác đác có vài bài báo mang tính chính luận phê phán sự lẫn lộn hội nhập với hoà tan. Đọc lên ông Tám thấy chạnh lòng vì có những dẫn chứng sát sườn với công việc mình đang làm!..
Hay là Bạch Liên có tay trong?..
Đang nói chuyện với ông Chính trong bữa ăn và trước mặt cánh Lê Hải, thế mà ông Tám cũng phải thừ người ra một lúc.
- Nhưng có chuyện anh sắp nghỉ thật hay sao mà họ bàn dữ dằn thế hả anh Tám? - ông Chính hỏi.
- Vỉa hè làm công tác nhân sự vẫn là chuyện thế gian thường tình mà, các anh không biết thói quen này à? Nhất là vào những dịp sắp có Đại hội.
- Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, như thế không hay các anh ạ. - Ông Nghĩa xen ngang.
- Đừng phí thời giờ cho những chuyện tào lao này. Trở lại các tổng công ty của anh đi, anh Chính. - ông Tám giục.
- Vâng, họ nói sẵn sàng chấp nhận thị trường hoá đầu vào như anh yêu cầu, nhưng muốn thế nhà nước phải đầu tư lại về thiết bị và công nghệ, phải để tuỳ họ quyết định biên chế - tự do sa thải và tuyển chọn, ngoài nghĩa vụ thuế ra phải giải phóng họ khỏi mọi nghĩa vụ xã hội khác... Họ hỏi là nhà nước có dám chịu chơi tới số như thế không?
- Các anh thách thức nhà nước? Cắt hết mọi dây nhợ ô dù để xem các anh sẽ sống như thế nào!
- Người ta bảo là anh chống quốc doanh thật không oan! - ông Chính cười.
- Oan hay không oan tôi không quan tâm. Tôi không thể chấp nhận thực tế này: Quốc doanh nhà các anh nắm khoảng hai phần ba tổng vốn toàn xã hội, chỉ làm ra khoảng một phần ba của cải cho xã hội, thế mà quốc doanh không biết xấu hổ à? Còn bao nhiêu ưu ái quyền lực phụ vào nữa chứ!
Nghĩa chêm vào:
- Anh Tám ơi, đồng tiền không có lương tri thì làm sao biết xấu hổ?
- Đơn giản là không ai chê tiền cả, anh Tám ạ. - Lê Hải bồi thêm.
- Thôi, đừng vơ đũa cả nắm thế anh Lê Hải, tôi không có ý định này - Lần thứ hai ông Nghĩa xen ngang: - Nỗi đau về doanh nghiệp nhà nước là nỗi đau của cả thế giới các anh ạ. Đâu chỉ là nỗi đau của riêng ta!
- Vận thơ vào kinh tế nghe nó làm sao ấy anh Nghĩa ạ. - Ông Tám đáp lại.
- Nhưng cuộc đời là thế mà anh Tám. Trên đài vừa nói là ngân sách của chính phủ Pháp đang è cổ gánh nợ để cứu tập đoàn France Telecom khỏi phá sản. Tập đoàn này thuộc sở hữu nhà nước, thuộc tầm cỡ khủng long trên thị trường thế giới về công nghệ thông tin đấy anh ạ.
- Sao? Tư bản cũng phải lo cứu doanh nghiệp nhà nước hả anh Nghĩa?
- Đúng thế ạ, chính phủ Pháp chịu cứu France Telecom khỏi phá sản để có thể tiến hành tư nhân hoá nó càng sớm càng tốt. Số tiền phải chi cho mục đích này có thể là nhiều tỷ Franc.
- Chuyện gì mà kỳ cục thế?
- Đúng như vậy đấy anh Tám ạ. - Nghĩa tiếp tục - Chỉ tính riêng các khoản vốn là cổ phần, cổ phiếu của công nhân, của những người lao động và những người làm việc ăn lương khác cả nước Pháp hùn vào France Telecom gộp lại chiếm hơn 60% tổng vốn của tập đoàn này. Không bỏ ra hàng tỷ Franc như thế để cứu mà để nó phá sản thì sẽ gây động loạn trong xã hội.
- Lấy đâu ra tiền mà trám vào?
- Chắc chắn là phải lấy từ thuế và từ các khoản lãi khác của chính phủ, anh Tám ạ. - Nghĩa giải thích - Nguyên nhân phá sản vẫn là tính xơ cứng cố hữu của quốc doanh, nhất là trong tình hình thị trường thế giới về sản phẩm công nghệ thông tin và tin học đang có mặt đi xuống hoặc bão hoà trên một số sản phẩm nào đó.
- Vai trò nhà nước của họ được việc đấy chứ! - Ông Chính bình luận.
- Quốc doanh của họ cũng quan liêu bao cấp như ta hả anh Nghĩa? - Lê Hải hỏi.
- Tôi không rành, chắc chắn không phải là thế, nhưng hiển nhiên có thua cuộc chính phủ mới phải ra tay cứu. - Nghĩa trả lời.
- Nhà nước ta đào đâu ra hàng tỷ Franc để làm cái việc chữa cháy cho một doanh nghiệp nhà nước như thế? Chẳng trách nào... - Ông Tám tư lự.
Ông Nghĩa nhấp một ngụm rượu, rồi đặt ly xuống:
- Xin cho tôi nói tiếp. Về câu chuyện anh Tám và anh Chính đang bàn, ông chú ruột tôi là ông Học mà anh Tám cũng biết đấy, ông cụ đã hỏi thẳng tôi: Giữa doanh nghiệp nhà nước và sự phát triển kinh tế của cả nước, Đảng ta lựa chọn cái gì?
- Câu hỏi quái ác. - Ông Tám bình luôn.
- Từ câu hỏi này, ông chú tôi còn đi xa nữa: Trên con đường phát triển của đất nước, Đảng ta lựa chọn cái gì - lựa chọn dân tộc hay lựa chọn giai cấp? Hai anh xem, câu chuyện không còn dừng lại ở chỗ hiệu quả hay thua lỗ của kinh tế quốc doanh, mà là định đoạt số phận đất nước.
- Ông già này tinh tướng. - Ông Tám thừa nhận.
- Chú tôi băn khoăn: Đảng ta đã dựng được mốc son trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, liệu Đảng có đủ trí tuệ và phẩm chất dựng lên mốc son của thời kỳ xây dựng đất nước hay không?
- Ý ông cụ thế nào?
- Anh Tám ạ, chú tôi cho rằng tất cả tuỳ thuộc vào Đảng ta lựa chọn cái gì. Nếu lựa chọn dân tộc thì Đảng ta nhất định làm được.
- Ông già này có lý... - Ông Tám tỏ ý thán phục.
- Anh Tám ạ, chú tôi còn đi xa đến mức cho rằng trên thực tế Đảng ta đã có sự lựa chọn rồi. Song chú tôi hoài nghi không biết đấy có phải là sự lựa chọn tự giác hay không, hay đổi mới chỉ là một bản năng phản ứng tự vệ trước tình thế! - Nghĩa trình bày thêm.
- Sao lại giống hệt những suy nghĩ của đám cháu anh Lê Hải thế! - ông Tám kêu lên vì ngạc nhiên. - Các anh có biết không, cách đây khoảng 10 năm, khi tôi hỏi chúng Nghị quyết Đại hội VI còn có những gì các cháu chưa thích, chúng trả lời: Điểm chưa được duy nhất của Nghị quyết là mọi cái được đều ít nhiều miễn cưỡng! Hỏi kỹ ra thì đấy là ý kiến tóm tắt của bà Sáu Nhơn về Nghị quyết VI cho bọn trẻ. Thật là đáng kính nể!
- Tôi là kỹ thuật gia, ít quan tâm đến chính trị hơn các anh. Nhưng gần một nửa thế kỷ là đảng viên, tôi nghiệm thấy từ cải cách ruộng đất, đến cải tạo tư sản, xử lý vụ nhân văn giai phẩm, xây dựng hợp tác xã bậc cao, phát triển kinh tế quốc doanh, một số vấn đề quốc tế, nhất là vấn đề Campuchia... Cứ cái gì duy ý chí hoặc thiếu độc lập tự chủ, thiếu tính dân tộc trong tư duy là thất bại. Không biết các anh có nghĩ như vậy không? - Ông Chính nêu ý kiến của mình.
Người giúp việc vào thay bát đĩa, bưng ra thức ăn mới. Câu chuyện bị gián đoạn một lúc. Để cho người giúp việc bình tĩnh làm công việc của mình, không lúng túng vội vã, Nghĩa lấp chỗ trống thời gian bằng cách xoay ra câu chuyện khác:
- Bây giờ đang chuyển sang mùa đông, chắc chị Tám thích khí hậu trong Sài Gòn hơn, có phải thế không anh Tám.
- Vâng, đúng thế. Cùng một chứng bệnh như Hai Phong, anh vợ anh Lê Hải. Bệnh hen của nhà tôi sợ nhất khí hậu ngoài Bắc về mùa này. Nhưng lần này nhà tôi vào trỏng là chúng tôi có cháu ngoại mới. Cuối tuần này lại ra thôi.
- Cháu trai hay cháu gái ạ? - Lê Hải hỏi.
- Lại thêm một cháu gái.
- Chúng ta nâng cốc chúc mừng anh Tám thêm một chức ông mới nữa! - ông Chính đề nghị.
Tiếng cốc chạm leng keng.
Người cần vụ đã làm xong công việc và ra khỏi phòng, câu chuyện lại tiếp tục theo dòng của nó.
- Anh Tám ạ, tôi đi theo tiếng gọi của Đảng từ ngày còn ở tuổi vị thành niên, thế nhưng những gì đang diễn ra trong cuộc sống khiến tôi phải tự hỏi mình: Đảng ta đang tự lựa chọn mình hay lựa chọn sự nghiệp của dân tộc? Đảng mà tự lựa chọn mình thì dân tộc sẽ thôi lựa chọn Đảng, anh Tám có nghĩ như vậy không? Giữa hai sự lựa chọn này chỉ có một biên giới vô cùng mong manh anh ạ và dễ bị tha hoá xoá nhoà. - Lê Hải đặt vấn đề, cân nhắc, chậm rãi:
- Các anh muốn đa nguyên, đa đảng có phải không? - Ông Tám hỏi lại.
- Anh Nghĩa nói trước đi. - Lê Hải nhường lời.
- Vâng, tôi xin nói suy nghĩ của mình. Tôi đã tranh luận nát nước với ông chú tôi về chuyện này. Tôi thật không ngờ chú tôi đưa ra nhận định mà tôi không thể nào bác được. Ông cụ cho rằng câu chuyện bây giờ là Đảng ta lãnh đạo như thế nào, chưa phải lúc là câu chuyện đa nguyên đa đảng! Chú tôi nêu ra nhiều lý lẽ có cân nhắc. Cái chính là chú tôi cho rằng Việt Nam ta chịu đựng chiến tranh và đau khổ quá nhiều rồi, trình độ phát triển còn thấp hơn Nga, nên không thể làm như ở Nga. Cái phúc lớn nhất cho đất nước là bây giờ có công cuộc đổi mới Đảng ta đã lựa chọn. Chú tôi cho rằng không có gì đền đáp xứng đáng hơn những hy sinh to lớn của dân tộc ta từ hơn thế kỷ nay là đi tiếp trên con đường đổi mới tự ta đã vạch ra. Nhưng ông cụ buồn tủi vì tự cho là mình không đủ tư cách để chính mình được trực tiếp nói lên điều hệ trọng này với Đảng của chúng ta!
- Chú anh nói hẳn ra như thế hả anh Nghĩa? - Ông Tám rất lấy làm lạ.
- Vâng. Còn nhiều điều nghiêm trọng hơn thế nữa cơ, anh Tám ạ.
- Thực là con người rất tự trọng. Những lời nói đầy tâm huyết, các anh ạ!.. - Ông Tám thốt lên.
- Tôi nghĩ rằng đổi mới mà làm không nổi, lại quay sang chạy theo đa nguyên đa đảng, thì đấy là chạy theo sự cám dỗ huỷ diệt. - Nghĩa cả quyết.
- Sự cám dỗ huỷ diệt! Hay lắm, hoan nghênh cái đầu chịu khó suy nghĩ của anh Nghĩa. - Lê Hải chạm cốc với Nghĩa rồi mời mọi người chạm cốc.
- Cũng chính ông chú tôi đã đưa tôi đến nhận định dứt khoát đó!- Ông Nghĩa nói thêm.
- Nghĩa nói rõ thêm về sự cám dỗ huỷ diệt xem nào, tôi chưa được thuyết phục lắm. - Ông Chính băn khoăn.
Dòng chảy câu chuyện cuộn lại, khúc mắc, vì tính nghiêm trọng của vấn đề nó gặp phải.
- Câu chuyện mùi mẽ lắm. Còn ngồi lại với nhau được hết tối nay không? - Ông Tám nâng cốc và hỏi mọi người.
- Anh Tám phải coi lại còn bao nhiêu rượu nữa! - Lê Hải nói.
- Bỗng trở thành bợm rượu hết rồi phải không? - ông Tám cười. - ...Giá mà bê được những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu như thế này vào bộ não của đất nước, vào các học viện, các cơ quan nghiên cứu thì hay biết mấy, thôi được, bây giờ câu hỏi của tôi là thế này, - ông Tám quay sang Nghĩa: - Đảng ta lựa chọn mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sao anh lại chỉ nói đến sự phát triển khách quan của đất nước? Đấy là hai vấn đề khác nhau à? Hay là anh đối lập hai chuyện này với nhau?
Ông Nghĩa cân nhắc một lúc rồi nói:
- Anh Tám ạ, anh Lê Hải và tôi mỗi lần đụng đến câu hỏi tương tự như anh nêu ra, không thể không nhìn lại lịch sử anh ạ. Anh xem, ngay từ ngày thành lập, Đảng ta đã ghi trong cương lĩnh của mình lý tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc tập dượt thì không nói làm gì, song từ Cách mạng Tháng Tám trở đi Đảng ta đã không dưới một lần điều chỉnh lại chính mình để giành thắng lợi. Từ hai cuộc kháng chiến cho đến công cuộc đổi mới ngày nay lại càng như vậy! Cốt lõi của tất cả những lần điều chỉnh lớn này đều là bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ. Vậy thì không thể nói là Đảng ta không trung thành với lý tưởng của mình, có đúng thế không anh Tám?
- Anh cứ nói tiếp đi.
- Anh Tám nghĩ lại xem, bao nhiêu lần thực hiện những điều chỉnh mang tính chiến lược như vậy, Đảng ta lúc nào cũng chỉ nhằm thực hiện cái đích duy nhất là tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Có phải như vậy không? Đánh giặc thì lấy thắng địch làm chuẩn, làm thước đo. Ngày nay xây dựng và bảo vệ đất nước phải lấy dân chủ và phát triển làm chuẩn, làm thước đo. Có dân chủ và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước sẽ có tất cả. Anh Tám có đồng ý như vậy không?
- Anh Tám ạ, - Lê Hải bổ sung thêm cho Nghĩa: - Đừng tư duy theo kiểu gọt chân cho vừa giày, đừng bắt cuộc sống phục vụ cho chủ nghĩa, chúng ta sẽ làm rõ được nhiều vấn đề các anh ạ!
- Hay lắm, nhân thể anh Lê Hải nói về chủ nghĩa, - Nghĩa tiếp lời luôn: - đây lại thêm một vấn đề hệ trọng nữa các anh ạ. Tôi đã ba chìm bảy nổi trong tranh luận với nhiều người về đề tài này. Tôi chỉ muốn nói gọn lại thế này, hình như đang có hiện tượng thông tục hoá học thuyết Mác để biện minh điều này điều nọ. Thú thực, tôi còn nghi ngờ là học thuyết Mác đang được dạy, đang được học là học thuyết Mác ít nhiều được thông tục hoá trên phương diện này hay phương diện khác. Việc làm này thể hiện ở chỗ chỉ thích nhặt ra từ Mác những gì thích hợp với khẩu vị, nhưng lại quên mất là Mác, nhất là Ăng-ghen đã nhiều lần nhắc nhở những sai lầm. Chính Mác và Ăng-ghen về sau cũng tự cải chính nhiều điều. Khoa học thì phải như vậy... Tôi có cảm tưởng một số nhà lý luận của chúng ta sính câu chữ nhưng lại không thích trung thành với lý tưởng cách mạng Mác nêu lên(*). Anh có thấy thế không?
- Nghĩa định gọi kiểu lý luận này là học thuyết Mác giả hiệu à? - Ông Chính hỏi.
- Chưa hẳn thế. Em không dám... - Nghĩa chần chừ: - Để còn xem đã. Nhưng theo em rõ ràng là có sự thông tục hoá học thuyết Mác, do những hạn chế về trí tuệ, hoặc do ít nhiều có lòng tin chân thực vào những điều đã được thông tục hoá, hoặc tệ hơn nữa là do tha hoá!