...Chết là hết, ông trời đánh vào ai người ấy chịu, tránh cũng không được. Nhưng mất chức? Nghĩa là còn sống để chứng kiến sự nghiệp cả đời mình tiêu tan, để cam chịu ê chề tủi nhục, để hưởng mọi phỉ báng, bêu riếu của người đời, để cho những thằng trời đánh thánh vật quẫy đạp vào mặt mình... Biết đâu đấy, mất chức làm dao thì phải xuống làm thớt, người đời thiếu gì kẻ bới lông tìm vết, từ một chính khách mình sẽ trở thành phạm nhân như chơi?.. Thằng Bỉnh đã nói đúng một, chắc sẽ đúng hai, mình cứ phớt lờ cái thế giới tâm linh là không ổn! Không tin không được... Cái mồm con Bạch Liên đêm ấy tự nhiên thế nào lại nói gở: khi nào trong nhà có đám ma thì lại gặp nhau. Cái đêm hôm ấy... Nhưng như thế chẳng lẽ Bạch Liên đã linh cảm trước về cái chết của thằng Tấn à? Sao lại có thể trùng hợp ngẫu nhiên đến kỳ lạ vậy?.. Trời đất, có thế giới tâm linh thật sao? Nếu thế liệu có ác giả ác báo không? Cái này mới là cái chết thực đây! Nếu đúng là có ác giả ác báo, mà mình mất chức thì sẽ ra làm sao? Nhưng mình đã làm những gì ác cơ chứ? Không giết người, không cướp của, thế thì không thể có gì là ác! Mình có hạ gục kẻ này, dìm kẻ kia, trù úm người khác. Đấy là những việc có thật, nhưng thuộc về nghề nghiệp! Mình cất nhắc thằng bất tài vô đức để nó hầu hạ mình, phò ông này ông kia để tạo thanh thế cho mình, dại gì mà không làm? Đã gọi là công việc nhà nghề, thì không phải là ác, thằng đếch nào chẳng làm!.. Cũng như nghề mổ lợn là sát sinh nhưng không thể là gọi cái thằng cha mổ lợn là ác được!..
...Hay là tại mình quá tham? Mình được hưởng lộc, được chia phần trong phi vụ này, phi vụ khác. Đấy là những chuyện thật. Nhưng đời này ai làm công không cho ai bao giờ? Mình có tính háu gái thật, mần được là mần tuốt! Nhưng sao lại không nhỉ? Trời đã sinh ra cái thằng đực trong mình nó như thế thì mình làm thế. Thế có gì là ác? Nếu đấy là ác thì trời mới là thủ phạm của cái ác này chứ! Mà như vậy thì ai quả báo ông trời? Không thể có chuyện ác giả ác báo như vậy ở đây được!..
...Thế nhưng trùng tang xảy ra rồi, có thể mất chức nữa. Chẳng phải là có ác giả ác báo là gì?.. Bỉnh ơi, mày xui tao cái chuyện yểm đất. Bao nhiêu khốn khổ đểu cáng tao mới bịt được mắt thiên hạ để làm việc này. Cái mồm mày sơn sớt: Cả một thiên nhiên non nước thế này, có đến ba hay bốn con rồng thức giấc quẫy đuôi cùng một lúc cũng vô tư đi!.. Con ông chết thì mày vô tư được, nhưng ông thì vô tư thế đếch nào được! Nó đang ăn nên làm ra ầm ầm... Thế mà cái mồm thối của mày chõ vào... Ông còn có thể mất chức nữa, thế thì ông vô tư thế đếch nào được!... Thà ta bị trời đánh chết còn hơn là sống để chứng kiến cái cảnh ta mất chức! Không đời đời
Khác với thường lệ, bốn năm ngày liền sau đám ma Tấn, Bạch Liên vẫn qua lại chỗ Chín Tạ, lại trở nên cởi mở ân cần như xưa... Nhiều lúc hai người ngồi nói chuyện riêng rất lâu trong phòng kín, chủ yếu là Bạch Liên giục chín Tạ phải ép vợ chia một ít của cải cho con dâu để vãn hồi hoà bình trong cái nhà này và làm tiếp mọi việc cần thiết khác để dứt khoát không vạch áo cho người xem lưng... Nhưng quan trọng hơn cả là để che kín các tổ con chuồn chuồn...
Cách lý giải như vậy của Bạch Liên mang lại kết quả mỹ mãn. Song cứ mỗi lần cái máu "dê" của Chín Tạ tìm cách hướng câu chuyện về đề tài cầu tự thì Bạch Liên lại khéo léo gạt nó ra ngoài chương trình nghị sự! Chuyện cầu tự trước sau vẫn đi vào ngõ cụt...
...Riêng cái lô-gích cái gì phải đến sẽ đến trước sau vẫn để lại cho Chín Tạ một đe doạ mới... Chín Tạ rầu lòng đến mức đã bỏ lỡ nhiều dịp có thể nhắc nhở Bạch Liên nhớ lại lời hẹn của cái đêm ấy...
Bây giờ mọi chuyện đã êm êm. Thăng bằng đã trở lại trong đầu Chín Tạ. Nhưng chỉ chờn vờn Bạch Liên được tí teo rồi cô nàng lại mất hút.
Một thời gian sau vụ cháy City Tower, trên Việt Bắc lại xảy ra một hoả hoạn lớn, báo chí đưa tin lần này là cháy kho, hàng trăm nhà dân bị vạ lây. Người thì bảo tại thời tiết nắng nóng đột ngột và gay gắt hơn bình thường, người thì bảo do sơ suất trong phòng cháy chữa cháy. Xen vào những hoả hoạn lớn này lúc này lúc khác là những hoả hoạn xảy ra do chập điện ở các khu dân cư. Do trời, do người, do gì thì do, mỗi lần hoả hoạn như thế là một lần cộm lên trong lòng nhiều người dân câu hỏi nhức nhối: Có cách gì giảm bớt những hoả hoạn như thế không?
Riêng Thắng dặn Bạch Liên:
- Từ nay đừng đến ăn tại nhà hàng Thiên Thai nhé.
- Tại sao vậy?
- Nhà hàng này nhiều đặc sản thật, nhưng tít trên tầng thượng là lầu 7, chỉ có mỗi cầu thang độc đạo. Cháy nhà là thành chả nướng hết với nhau đấy!
Hôm nay bước sang ngày thứ tám bà Sáu Nhơn không ăn một chút thức ăn nào và không bước ra khỏi giường, con cháu ngày đêm thay nhau túc trực bên cạnh... Cách đây khoảng một năm, sức khoẻ bà đã có hiện tượng này, nhưng chỉ năm sáu hôm thôi và cũng không ngủ thiếp đi nhiều như bây giờ. Hồi đó bà vẫn có lúc thấy đói, còn ăn được bát cháo con con...
Đôi ba lần, vì quá thương con cháu nài ép, bà bảo nâng mình lên, bà cố uống thử một thìa sữa, nhưng mới chỉ ngậm trong miệng đã phải nhổ thốc đi, mặt đỏ tía lên rồi nhạt bợt ngay ra, toàn thân run rẩy. Cơ thể bà Sáu nhất định không chịu tiếp nhận. Con cháu lại đành phải đặt bà nằm xuống. Sau mấy lần như thế, cả nhà không ai dám nài ép nữa. Khi cảm thấy khát, bà Sáu chỉ gọi lấy chén sâm, nhấp nhấp vài ngụm nhỏ, rồi lại bảo đặt nằm xuống. Một hai ngày đầu từ khi nằm liệt giường, bà còn hỏi han việc này việc khác, có lúc còn bắt con cháu kể chuyện công việc đang làm. Sau đó bà bắt đầu ngủ thiếp đi, nhiều lần thiếp đi ngay trong lúc còn đang nghe con cháu nói chuyện, tiếp theo là những giấc ngủ như lịm dần, không theo một giờ giấc hay trình tự nào nữa... Mỗi lần thức dậy là một lần bà yếu đi, giọng nói cũng nhẹ dần. Tuy thế bà vẫn tỉnh táo, không nhầm lẫn. Bà vẫn gọi đúng tên từng cháu, chắt Đức và hai chắt mới nữa đang ở Mỹ... Cặp mắt nhăn nheo của bà tuy ngày càng bé lại, nhưng vẫn lanh lẹn, trong sáng, hiền hoà...
Có lẽ mấy ông bác sĩ nói đúng, bà hoàn toàn không có bệnh tật gì ngoài thể trạng ngày một yếu đi của tuổi già. Con cháu hỏi bà trong người có cảm thấy đau chỗ nào không, bà nói chỉ thấy mỏi khắp người, mỏi rã ra và không thấy thèm ăn uống gì, hai chân bắt đầu lạnh... Hay là bà giấu cho con cháu khỏi lo, khỏi sợ... Song nhìn khuôn mặt thanh thản của bà, cặp mắt nhỏ lại nhưng còn thần sắc của bà, nhịp thở đều đều lúc bà ngủ thiếp đi... con cháu như được an ủi phần nào: ...Có lẽ bà chỉ ngày một yếu đi thôi, trong người không đau đớn gì thật. Con cháu thay nhau xoa bóp cho bà đỡ mỏi, bình chườm nước nóng cho hai chân phải thay liên tục nhưng bà vẫn cảm thấy cái lạnh leo cao dần, từ hai bàn chân đã lên tới cả hai chân...
Tính theo dương lịch, bà Sáu đúng tuổi chín mươi, nhưng theo âm lịch là chín mốt. Con cháu trong nhà và mọi người thân quen đều thán phục bà rất minh mẫn và không bệnh tật gì. Song từ năm ngoái, sau bận nằm khuỵu xuống mấy hôm, bà đã phải bỏ hẳn việc tập đi bộ buổi sáng trong vườn. Bà bỏ luôn các cuộc hội họp được mời. Sang đầu năm nay bà bắt đầu biếng cơm, hầu như chỉ sống bằng cháo hoặc sữa, thân thể ngày càng teo đi nhanh chóng. Nhiều lần Hội Người cao tuổi, lãnh đạo Thành phố, Hội Lão thành cách mạng... cử các bác sĩ giỏi đến khám sức khỏe cho bà ngay tại nhà. Các thầy thuốc đều xác định bà không bệnh tật gì ngoài tuổi tác. Ông Tám Việt đã nghỉ hưu rồi, nhưng vẫn nhờ bác sĩ riêng của mình đến thăm bệnh cho bà, bác sĩ này cũng cùng chung một chẩn đoán như vậy.
Ông Hai Phong hiểu đã đến lúc phải chuẩn bị hậu sự cho mẹ mình. Từ hai tháng nay vợ chồng ông Lê Hải giao nhà cho người cháu ở Kiến An coi hộ để vào Thành phố cùng với vợ chồng ông Hai Phong chăm sóc bà. Vợ chồng Võ Sang cũng thường xuyên sang thăm bà. Có lúc ông bà Võ Sang bế cả cháu ngoại cún bông sang chơi với bà. Chắt cún bông đang tuổi học nói làm bà Sáu rất vui.
- Ừ đúng, bà cũng là mẹ của cháu, cháu giỏi quá... - Bà Sáu khen.
Cả nhà đều cười...
Các gia đình Hai Hân, Tư Cương, Ba Khang, Bảy Dự không ngày nào không đến thăm bà. Ông Học từ Mỹ cũng mấy lần gọi điện thoại về thăm. Ông vừa mới thay thuỷ tinh thể cả hai mắt, mắt sau thay cách mắt trước sáu tháng. Thế mà mấy tháng nay nhãn áp vẫn cao liên tục, nên ông không dám xa bác sĩ của mình lấy một hai ngày, đành huỷ bỏ chuyến về thăm đất nước năm nay. Đầu tuần trước vợ chồng con cháu các gia đình Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh đã từ Mỹ lục tục bay về, trừ một hai người chưa thu xếp được chuyến đi. Chắt Đức - con của Vũ, và hai chắt nữa - Cháu nội của Ba Tước, đang trong kỳ thi nên không về được... Cả nhà đều lo lắng cái ngày bà vĩnh biệt con cháu sẽ không có cách gì ngăn cản được nữa, nhưng cả nhà được an ủi phần nào là bà không phải chịu đau đớn gì về thân thể và con cháu trong nhà quây quần chung quanh bà gần như đầy đủ.
Lúc tỉnh nói chuyện, có khi bà cố làm con cháu vui. Có lần bà bỗng dưng hỏi:
- Năm Thịnh đâu rồi nhỉ?
Thế là cả nhà cuống lên đi tìm. Ông Năm Thịnh chạy lại bên mẹ:
- Thưa má con đây ạ, má gọi gì con ạ?
- Con đã xin lỗi anh Hai con về câu nói hỗn năm nào chưa?
- Chúng con làm lành với nhau từ lâu rồi ạ. - Ông Hai Phong nhanh nhảu thưa dùm em.
- Con đã tạ tội với anh con từ chuyến về thăm lần đầu tiên má ạ. - Năm Thịnh thưa.
- Vậy thì được, nếu không thì má phạt đấy.
- Nếu con quên, má định phạt con thế nào ạ?
- Đánh ba roi!
- Con đi lấy roi để xin má đánh con ba roi được không ạ?
- Được, nhưng phải để má tập đi mới cầm roi được. Nằm lâu ngày quên mất đi rồi...
Con cháu đứng chung quanh, vừa cười vừa khóc.
Một lần khác bà gọi Bích Ngọc:
- Bây giờ nội cho phép các con mỗi ngày làm năm trăm sữa chua đi bỏ các nhà hàng các con vẫn bỏ hết được chứ.
Bích Ngọc sụt sùi, còn đang chưa biết trả lời bà mình như thế nào, Bảo Vân đứng cạnh đã nói ngay, cố làm cho bà vui:
- Nhưng con biết nội không bao giờ cho phép chúng con làm việc này ạ.
- Sao con dám nói chắc vậy, Bảo Vân?
- Dạ thưa nội, chúng con đã có nhiều địch thủ rồi. Con nghĩ không đời nào nội muốn chúng con có thêm địch thủ mới nữa là Vinamilk ạ.
Mọi người chung quanh đều cười, bà Sáu cũng nheo mắt cười, tay bà với lấy tay Bảo Vân:
- Con là địch thủ đối thoại không phân thắng bại của ta!
Bảo Vân sụt sùi, nhưng vẫn cố cười.
- Nhưng nếu Vinamilk một ngày nào đó là địch thủ của các con thì nội chắc không đến nỗi như Trung tâm Bình Tiến...
- Con muốn có đối thủ cạnh tranh đích đáng nội ạ, nhưng con không dám nói trước điều gì... - Bảo Vân đáp lại.
- Ôi.., con như thế là có cái máu của ta, chấp nhận cạnh tranh đích đáng... - Bà Sáu nắm lấy bàn tay của Bảo Vân, mắt ngước nhìn về một nơi xa xa nào đó...
Bảo Vân oà lên khóc...
Có lúc bà Sáu gọi Lê Hải và bà Hậu, hỏi thăm rất kỹ về cuộc sống của cặp vợ chồng già lọc cọc này.
- Mẹ rất thương hai mẹ con Út Thạnh, nhưng có Hậu mẹ bớt lo cho Lê Hải. - Khi nói chuyện với bà Hậu, bao giờ bà Sáu cũng xưng là mẹ cho hợp với tình cảm và tiếng nói miền Bắc. Cả nhà đều nhận thấy như vậy.
Trong những ngày này, đã hai lần ông bà Tám Việt đến thăm má Sáu.
Lần thăm đầu tiên, bà Sáu nói:
- Tôi vẫn mong được gặp bà Tám. Thật là cầu được, ước thấy.
- Thưa chị em đây ạ. - Bà Tám chạy lại quỳ phục sát giường để cho má Sáu nhìn rõ mặt, hai tay nắm lấy tay bà Sáu.
Bà Sáu đưa hai tay rờ rờ mặt bà Tám, vuốt những làn tóc xoà xuống của bà Tám sang hai bên:
- Từ ngày nghỉ hưu, bà có giúp ông Tám hiểu thêm chút nào công việc chợ búa không?
- Dạ, nhà em vẫn chưa biết ngoài chợ người ta bó mớ rau bằng lạt hay đựng bằng túi nilon ạ.
- Thế thì ông Tám vẫn chưa thành nhà kinh tế hoàn hảo được.
Đến thăm lúc này lẽ ra là hỏi han sức khoẻ, nhưng câu chuyện lại xoay ra nói vui giữa những người thân thiết khi có dịp gặp nhau. Bận đó bà Sáu nói chuyện với ông bà Tám được đến mươi mười lăm phút. Bà Sáu nhắc lại nhiều chuyện đã nói trong bữa cơm đầu tiên đãi ông Tám. Riêng ông Tám đến bây giờ vẫn khâm phục bà Sáu đã ví kinh tế Thành phố hồi đó như một cỗ xe, cái quan trọng là điều hành cỗ xe đó chở cái gì, đi đâu, chứ không phải là dỡ nó ra từng mảnh rồi giao cho những người không hiểu gì về xe cộ quản lý... Nhưng lần thứ hai chuyện ngắn hơn nhiều. Vì giấc ngủ thiếp đi của bà Sáu cứ tự nó kéo đến...
Trong những ngày với những giấc ngủ thiếp đi như vậy, chỉ có một lần duy nhất bà Sau mê man ú ớ, có lúc kêu rú lên, mặt nhăn nhó... Con cháu chung quanh xúm lại, tưởng bà đã đến giờ lâm chung, chỗ này chỗ kia đã nước mắt ngắn nước mắt dài... Nhưng chờ đợi ít phút lại thấy bà thở đều dần... Khoảng một giờ sau bà lại tỉnh dậy, kêu khát. Uống được mấy thìa sâm, bà lại tỉnh, lại đòi nói chuyện...
Khi đã tỉnh táo, bà kể là tự nhiên nằm mơ lại những chuyện sợ hết hồn ngày xưa, nhất là đến cái đoạn cửa hàng vải của bà đột nhiên bị tổng trưởng Sài Gòn ra lệnh tịch thu vì vỡ nợ, bà phải cùng với các con mình trốn vào nhà một bạn hàng để tránh mặt chủ nợ và nghe ngóng xem có bị tróc nã về chuyện gì khác nữa không... Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh và Út Thạnh lúc ấy còn nhỏ lắm. Chuyện xảy ra khoảng đầu năm 1949...
Sang ngày thứ chín, bà Sáu yếu đi một cách đột ngột, những lúc tỉnh dậy thưa hơn và cũng ngắn hơn. Chỉ có đôi mắt vẫn giữ nguyên thần sắc khi bà thức dậy, bà cũng không hỏi chuyện ai nữa. Con cháu giục mãi, thỉnh thoảng bà mới bảo đỡ lên để uống một ngụm sâm nhỏ. Đêm hôm qua bà ngủ một giấc bốn năm giờ đồng hồ, nhưng toàn thân hầu như không cử động, chỉ còn thoi thóp hơi thở. Lúc tỉnh dậy bà cũng không nói chuyện nữa, cũng không đòi uống sâm, con cháu phải giục, nhưng thỉnh thoảng bà mới nhè nhẹ gật đầu. Đến khoảng tám giờ sáng, bà lại thiếp vào giấc ngủ dài. Con cháu trong nhà không ai bảo ai đều quanh quẩn bên phòng ngoài, trừ hai ba người thường xuyên thay nhau túc trực bên bà...
Khoảng bảy giờ tối bà Sáu lại thức giấc. Lần này bà chủ động đòi uống sâm, uống hết cả chén con, như có vẻ đang rất khát, thần sắc bà hồng hào hẳn lên. Bà bảo Bảo Vân vực bà ngồi dậy một chút cho đỡ mỏi...
Thấy bà ngồi dậy được, con cháu trong nhà đều ùa đến. Ông bà Hai Phong, ông Năm Thịnh, ông Lê Hải lúc này đang có mặt trong phòng vội vã mở các cửa sổ cho thoáng và bật thêm đèn. Gian phòng tràn ngập ánh sáng.
Lâu lắm không ngồi, lại nhìn thấy cháu con đông đủ thế này, bà Sáu vui lắm. Lúc đầu bà còn giơ tay che bớt ánh sáng vì hơi chói, một lúc sau bỏ tay xuống, mắt nhìn về mọi phía. Bà ngó nhìn khắp lượt, cười với mọi người.
- Pha cho nội tách sữa để có sức nhìn rõ mọi người nào. Đông vui quá...
Cả nhà không ai dám tin vào tai mình.
Bà Ngân chạy đi pha sữa ngay, thử lại rất cẩn thận rồi mới bưng tách sữa đến cho mẹ chồng. Bảo Vân một tay để nội tựa lưng, một tay đỡ tách sữa cho nội uống. Lúc đầu bà uống từng ngụm nhỏ, rồi bà uống hết được cả tách sữa.
Niềm vui mừng rạng rỡ trên mọi khuôn mặt con cháu. Bà Ngân định pha thêm tách nữa, bà giơ tay chặn lại:
- Đủ rồi. Các con không muốn má bội thực chứ?
Tiếng cười trong nước mắt lại đầy ắp căn phòng.
- Ai như cún bông kia nhỉ? - bà Sáu hỏi, mắt ngước nhìn về phía cún bông đang trong tay mẹ Kim ở tít góc phòng.
Vợ chồng Tín - Kim đặt con xuống đất. Tín bẻ lại cái cổ áo con cho ngay ngắn rồi giục con chạy đến chào bà Sáu. Ông Võ Sang giơ hai tay rẽ đường cho cháu ngoại mình, mọi người giãn ra cho cún bông lon ton chạy đi.
- Thưa mẹ của bà, con đây ạ. Con chào mẹ ạ. - cún bông được ông ngoại đặt vào lòng bà Sáu.
- Ôi cún bông của mẹ ngoan quá... - hai tay bà Sáu ôm lấy cún bông, xoa đầu nó, hết vuốt ve má nó lại ôm nó vào người...
Lòng yêu trẻ, hay là trẻ chuyền thêm sức sống cho bà Sáu? Ai cũng nghĩ rằng bà Sáu hình như chỉ ngủ một giấc dài, nay thức dậy...
- Bà của cún bông đâu?
- Bà của cún bông đi chợ mua xịt cá cho cún bông ăng ạ... - thằng bé ngọng líu ngọng lô.
Bà Sáu bắt đầu nói chuyện với cả nhà. Bà dặn mọi người đừng gọi Đức và hai chắt khác về, chúng nó đang mùa thi... Bà bảo: "Má vẫn khoẻ, thi xong chúng nó vẫn kịp về thăm má được...”.
- Vũ và Quân đâu, ra đây nội bảo.
Đang giữa câu chuyện, cả nhà vô cùng hồi hộp, không biết bà định làm gì. Vũ và Quân khoanh tay bước ra đứng trước bà.
- Thưa nội, nội bảo gì chúng con ạ? - Vũ thưa.
- Hai con hạ bức hoạ ảnh ông nội con ở phòng khách lớn xuống. Dỡ khung ra, phía sau bức hoạ có một gói mỏng, đem lại đây cho nội.
Cả nhà ngơ ngác vì quá ngạc nhiên, không ai dám phỏng đoán điều gì, cũng không ai dám theo Vũ và Quân bước ra phòng ngoài. Cả căn nhà im phắc.
Một lúc sau Vũ và Quân quay lại, cả hai cùng mếu máo... Mãi một lúc sau Vũ đánh bạo nói:
- Thưa nội, chúng con lỡ tay làm vỡ tấm kính bức tranh của ông nội rồi ạ!
Bà Sáu cười tiếng cười yếu ớt, không thành tiếng:
- Không phải vậy đâu, do chính nội làm vỡ đấy. Hai con có tìm thấy gì không?
- Thưa nội có ạ. - Vũ hai tay đưa cho bà Sáu một bì thư bằng giấy thiếc.
Bà Sáu không cầm lấy, mà lại nói:
- Vũ mở bì thư ra. Con đọc cho cả nhà nghe. Đọc thong thả thôi. Nội cũng muốn nghe.
Mọi người gần như nín thở.
Vũ lần lần mở phong bì, khi mở đến lần giấy bọc trong cùng, một tờ giấy đã úa vàng lộ ra. Tờ giấy như được xé ra từ một vở học trò... Lần giở nữa ra, tờ giấy rời ra thành hai mảnh như bị ai xé...
- Thưa nội, đây có lẽ là một bức thư ạ... Có lẽ lâu ngày quá, thư đã bị rách làm hai rồi ạ... - Vũ thưa.
Bà Sáu nằm yên, ngước mắt nhìn lên trời, một lúc sau mới nói:
- Không phải thư đâu... Con ghép lại mà đọc đi! Đọc to cho cả nhà nghe...
- Thưa cả nhà, con xin đọc ạ: Tuyên Ngôn Độc Lập. Hỡi đồng bào cả nước! "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"... - Vũ đọc rất trang nghiêm, nhiều lúc cứ nghẹn lại...
Một không khí thiêng liêng bao trùm lên mọi người. Những người lớn tuổi như ông bà Hai Phong, ông bà Lê Hải, ông Võ Sang... là những người đã nhiều lần từng được nghe giọng Hồ Chủ tịch và được nhìn hình ảnh của Người khi đọc Tuyên ngôn này trong những phim tư liệu lịch sử, hôm nay có cảm nghĩ như đang được nghe lời núi sông...
Hình như cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của đất nước, hôm nay, vào giờ phút này, đang giúp mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn thế nào là người dân của một quốc gia độc lập. Họ hiểu rõ giá trị này qua những tháng năm chiến đấu hy sinh gian khổ của chính bản thân họ, qua những mất mát khôn kể xiết của chính gia đình họ, quê hương họ, những đồng chí đồng đội của họ... Bao đau thương, buồn tủi, bao nhiêu chặng đường đầy máu và nước mắt đã trải qua... đột nhiên dồn về trong tâm khảm họ...
...Tiếng đạn đại bác cùng với sấm sét trong đêm mưa bão năm nào vang nổ ầm ầm trong ký ức ông Hai Phong. ...Tay vuốt mưa rát mặt, ông quỳ xuống ôm hai chân mẹ, nức nở: Lạy má, con đi!.. Đến bây giờ ông vẫn còn nhớ những tia chớp sáng nhìn rõ được hình dáng mẹ mình giữa những tiếng nổ dữ dội. ...Đêm ấy, mẹ vẫn đứng nhìn con mãi, chờ cho đến khi con đi khuất... Ông đứng yên nghe con trai mình đọc, nước mắt rưng rức...
Ông Lê Hải nhớ lại rõ lắm... Hôm đó ông tham gia đội bảo vệ đứng dưới chân khán đài Ba Đình... Ông Lê Hải phải vịn vào vai bà Hậu để có thể đứng vững, mấy giọt nước mắt lăn trên má...
...Trời ơi, mẹ đã cưu mang che chở ta, đã gây dựng cho ta với Út Thạnh.., lại cũng là người gìn giữ bản Tuyên Ngôn Độc Lập này, ngay trong lòng cái chết?... Xem binh tình giặc bố dữ thế này, phải lo kháng chiến lâu dài con ạ... Mẹ là mẹ của các con... Lê Hải rùng người nhớ lại những trận rà bố khủng khiếp suốt từ thời Diệm và các chính quyền nguỵ sau đó... Không có má chắc gì mình sống được đến hôm nay... Ôi lời nói năm nào của Bác trên Quảng trường Ba Đình... Bác đã nói lên bao nỗi niềm, khát vọng và ý chí của cả dân tộc và của chính ta! Từ chiến khu trở về, ta lại ra đi, để lại bố mẹ, Tấm, Sơn, để lại tất cả họ hàng quê hương.., ta đã lên đường Nam tiến cho Tuyên Ngôn Độc Lập, cho đến hôm nay... Ôi đất nước ngàn vạn đau thương... Bốn cuộc chiến tranh liên tiếp mới có được ngày hôm nay... Ai biết được, ai hiểu được những hy sinh mất mát của dân tộc này? Bao nhiêu sinh linh, bao nhiêu tàn phá!.. Máu chảy ruột mềm, người nào ngã xuống thì cũng là máu của dân tộc này chảy! Còn bao nhiêu dư chấn tai ương khác... Trời đất, ai gìn giữ, ai phản bội những gì cả dân tộc này phải đánh đổi bằng xương máu, bằng mồ hôi nước mắt của bao nhiêu thế hệ? Ai nhớ, ai quên con đường đầy đau khổ của chính ông bà mình, cha mẹ mình, của đồng bào, đồng chí và đồng đội mình... Mới ngày hôm qua thôi!.. Còn sự phản bội nào lớn hơn sự làm ngơ, sự lạm dụng, sự chà đạp lên tất cả những hy sinh mất mát cả dân tộc đã phải chịu đựng? Sự hy sinh đó là xứng đáng? Là vô ích? Ta vẫn hiểu đấu tranh nay chưa phải là trận cuối cùng... Đồng minh của nó là ngu dốt, là những kẻ đầu hàng, tha hoá...
Biết bao nhiêu gian truân khốc liệt đã trải qua làm cho đầu óc Lê Hải căng lên nhức nhối. Ký ức nổi sóng những nghịch cảnh mà chính bản thân ông vừa là tác nhân, vừa là nhân chứng suốt dọc đường đời. Ông lấy hai tay ôm chặt lấy đầu mình, hai bên thái dương đang giật mạnh...
Cánh Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh xưa nay vốn không quan tâm đến chính trị. Trong đời mình, họ đã nghe biết loáng thoáng đâu đó về Tuyên Ngôn Độc Lập, nhưng chỉ coi đó là công việc tuyên truyền. Đơn giản là làm chính trị ai mà không tuyên truyền!.. Họ cũng có bề dày từng trải nhất định, nên khó bị thuyết phục hay bị lừa lọc về chính trị... Hễ cứ đụng đến chính trị, nếu là trong khi nói chuyện với bất kỳ ai, không bao giờ họ nói được đến câu thứ ba, nếu là trên trang báo, trang sách thì giỏi lắm chỉ đọc xong được cái tít đề... Họ quá biết Lê Hải là ai và hiểu chính kiến của bà Sáu. Họ khâm phục những chiến sĩ như Lê Hải và có cảm tình với cách mạng... Thế nhưng lúc tiến hành cải tạo, họ đã bỏ ra đi... Hôm nay, nghe Tuyên Ngôn họ cảm nhận nhiều điều mới lạ. Họ càng nhận thức rõ hơn họ ra đi là vì muốn xa lánh, vì không thừa nhận chế độ này, chứ không bao giờ họ muốn xa cách đất nước mình, không muốn chia lìa khỏi dân tộc mình... Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi... Một quốc gia độc lập có chế độ chính trị tự do và bình đẳng của con người như thế thì chế độ ấy cũng là của mình chứ? - Năm Thịnh vừa nghe, vừa tự hỏi mình như vậy. ...Là con người, ai còn mong gì hơn thế?.. Hay là Tuyên Ngôn bao giờ cũng chỉ là tuyên ngôn thôi? Dù là của Mỹ, của Pháp đi nữa... Năm Thịnh còn nhớ lại những trận cãi nhau nảy lửa với Hai Hân hôm nào, đã từng mắng Hai Hân là đồ ăn cháo đá bát... Bây giờ thù hận với Hai Hân cũng qua rồi, họ lại kết bạn chơi bời với nhau như cũ, giúp nhau việc này việc khác. Năm Thịnh cũng thấy mẹ mình đối xử với Hai Hân khác ngày xưa, nghĩa là mới cách đây mấy năm thôi... Tất cả những chuyển biến này Năm Thịnh hiểu được. Song tất cả những hiểu biết vừa mới thu lượm đựợc này chỉ làm khó khăn thêm câu hỏi trong đầu Năm Thịnh: ... Tại sao một Đảng đã viết nên được Tuyên Ngôn Độc Lập như thế, mà hễ ai còn cảm thấy mình là người Việt Nam thì không thể không tán dương, không thể không quy thuận.., tại sao một Đảng đã làm nên sự nghiệp lấy lại đất nước như thế, mà lại để xảy ra bao chuyện đau lòng? Năm Thịnh thừa nhận xây dựng một xã hội như thế không dễ. Những năm sống ở Mỹ càng làm cho Năm Thịnh thấm thía điều này, chính vì thế ông vẫn giữ mối gắn bó với đất nước... Năm Thịnh tin rằng mẹ còn hiểu điều này sâu sắc hơn mình nhiều, thế nhưng vì sao chính mẹ lại cất giấu Tuyên Ngôn này, bất chấp cái chết kề bên? Mẹ có bản Tuyên Ngôn này từ bao giờ? Ai trao cho mẹ? Sao mình không hay biết tý gì... Vì sao mẹ còn giữ kín Tuyên Ngôn đến ngày hôm nay... Đất nước đã giành được độc lập thống nhất đến ba chục năm rồi... Càng nghe, Năm Thịnh càng thấy còn nhiều điều hệ trọng quá, những điều nằm trong suy nghĩ của mẹ mình, của chính đất nước mình... Ôi còn bao nhiêu điều mình chưa hiểu được!..
Bốn anh em Vũ đã được nghe, được đọc, được học Tuyên Ngôn trong những ngày còn ngồi ở ghế nhà trường miền Bắc, trong những năm tháng nhà trường sơ tán tránh bom Mỹ. Ngồi cạnh hầm tránh bom nghe thầy giáo giảng về Tuyên Ngôn Độc Lập, thỉnh thoảng thầy lại phải ngừng giảng vì kẻng báo động, học sinh nhao nhao xuống hầm, tiếng bom đạn nổ, nhiều khi rất gần, ngay trên đầu... Chỉ riêng cái khung cảnh này đủ hỗ trợ học sinh hiểu thấm thía từng câu từng chữ trong Tuyên Ngôn...
Thế nhưng hôm nay Vũ vẫn bị choáng, vì quá bất ngờ. Tuổi trưởng thành đọc Tuyên Ngôn Độc Lập khác với tuổi học sinh. Nhà trường hồi ấy đã dạy cho Vũ biết đây là tuyên ngôn thứ ba trong lịch sử dân tộc mình, kể từ Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư..., ba đỉnh cao bất hủ của sự nghiệp đấu tranh anh hùng giành lại độc lập của Tổ quốc. Thế nhưng ở vào chặng đường hiện tại của đất nước, nghĩa là chỉ sau khi ý thức rõ rệt hơn sự hy sinh to lớn của những thế hệ đi trước, hiểu được những gì đất nước đang bị đánh mất hay bị đánh cắp, Vũ mới thấu hiểu thêm cái giá dân tộc phải trả cho độc lập tự do của đất nước mình hôm nay. Hồi còn đi học, Vũ cảm nhận Tuyên Ngôn Độc Lập như một lời hịch hoành tráng, hào hùng, đọc lên là thấy tâm can mình rộn lên tha thiết, bừng bừng... Hôm nay, có lẽ lần đầu tiên Vũ đọc Tuyên Ngôn với những nhận thức mới về những thách thức mất còn mà một dân tộc có phẩm giá bắt buộc phải suy ngẫm, phải chấp nhận... Trong lòng càng cảm phục bà nội mình bao nhiêu, Vũ càng nhận rõ những thách thức này bấy nhiêu, những thách thức đất nước đã trải qua, những thách thức hiện tại và phía trước...
Khi Vũ đọc xong, cả nhà im phắc.
Mãi Vũ mới nói lên lời, hai tay áp bản Tuyên Ngôn vào ngực mình:
- Thưa nội, hồi còn là học sinh tụi con đã được học về Tuyên Ngôn Độc Lập, nhưng hôm nay con tưởng rằng lần đầu tiên con được đọc bản Tuyên Ngôn này... Thật bất ngờ quá ạ...
Bà Sáu vẫn ngồi yên, tâm trí như đang ở đâu đâu. Cả nhà im lặng chờ đợi. Một lát sau bà nói:
- Các con à, bản Tuyên ngôn này đến tay ta cuối năm bốn bảy, chừng hai năm sau khi ta giục Hai Phong đi kháng chiến... Khi đọc xong ta đã khóc. Bây giờ nghe lại ta cũng muốn khóc, nhưng yếu quá rồi, không còn sức khóc... Ta đã đọc nó nhiều lần, đọc đến thuộc lòng... Giấu nó đằng sau chân dung của ông nội các con, ta vẫn đọc được... Đã bao nhiêu lần ta ngồi một mình ngước nhìn chân dung ông nội các con và trong lòng thầm đọc cho mình nghe... Rồi mỗi lần có điều gì ưu phiền ta lại ra ngồi như thế... Ta nhớ rõ lắm.., một cán bộ Việt Minh, người Hà Nội, cũng thuộc lớp người Nam tiến như Lê Hải, nhờ ta giấu hộ bản Tuyên ngôn này... Lo cho người cán bộ này, hồi ấy ta càng lo cho Hai Phong...Chừng mươi hôm sau đã thấy báo đăng ảnh đầu người cán bộ này bị bêu ngay trước cửa chợ Bến Thành... Cái chết lúc nào cũng lơ lửng trên đầu...
Cả nhà im phắc, hồi hộp chờ đợi, nhưng không ai dám giục bà nói tiếp vì chỉ sợ bà mệt. Bảo Vân ngồi kề bên tiếp tục bóp bóp hai vai, hai tay cho má, thỉnh thoảng lại xoa nhẹ trên lưng cho má đỡ mỏi, có lúc dừng tay tiếp má uống một vài thìa sâm...
- Hồi đó ...một mình má với bốn đứa con nít tụi bay... - Bà Sáu nói thong thả, hơi nói yếu đi nhiều, nhưng giọng nói vẫn điềm tĩnh lạ thường. -...Ngay sau Tết Mậu Thân, Nguyễn Ngọc Loan(*) [(*) Tướng cảnh sát nguỵ, đã tự tay bắn chết trên đường phố Sài Gòn một chiến sĩ Giải phóng bị chúng bắt, chuyện xảy ra trong chiến dịch Tết Mậu Thân.]cho người đến lục soát... Út Thạnh và bé Thơ không còn nữa... Các con biết không, giấu Tuyên ngôn này, ta đã đem tính mệnh, danh dự và tài sản cả nhà mình ra tuyên chiến với chúng nó!.. Sau Ba mươi tháng Tư, ta đã toan giao cho Viện Bảo tàng... Nhưng lòng ta thấy có cái gì không ổn... Từ đó ta nghĩ mung lung lắm... Hôm các con lũ lượt bỏ nhà bỏ cửa kéo nhau đi di tản, ta nuốt nước mắt... Rồi trong nước còn bao nhiêu là chuyện... Những lúc buồn tủi, ta lại ngồi đọc Tuyên Ngôn trong đầu... Không thể đưa vào Bảo tàng... Chưa được!.. Đây là điều duy nhất nội chưa yên lòng... - Bà Sáu Nhơn hướng về phía Vũ - ...Nội giao cho Vũ giữ bản Tuyên Ngôn này... Thay nhau cha truyền con nối... Cho đến khi...
Bà Sáu mệt, bỏ lửng câu nói.
- Thưa nội... Con xin phép dán liền hai mảnh lại thành một có được không ạ? - Vũ hỏi má Sáu.
- Thôi... Cứ giữ nguyên như thế... Đó là một kỷ niệm buồn các con à...
Bà Sáu lại nghỉ... Uống mấy thìa sâm nữa từ tay Bảo Vân, rồi đột nhiên bà gọi:
- Hai Phong đâu?
- Thưa má con đây ạ. - Ông Hai Phong đến đứng sát bên má.
- Đưa tay đây cho má!
Ông Hai Phong hai tay run rẩy ôm ấp bàn tay mẹ. Nước mắt trào ra không sao cầm lại được.
- Hai Phong.., có lần má hứa sẽ giảng cho con nghe thế nào là lẽ mất còn ở đời... Chắc hôm nay con hiểu... - bà ngủ thiếp dần đi...
Cả nhà khóc oà lên. Ông Hai Phong quỳ xuống, gục đầu vào mẹ, nước mắt thấm lên áo bà...
Chờ một chút cho cơn xúc động dịu đi, ông Lê Hải đến dắt ông Hai Phong ra ngoài, tay ra hiệu cho mọi người yên tĩnh để bà Sáu nghỉ.
Lúc này có thêm bà Võ Sang vừa mới đến, tất cả cùng với Bảo Vân đỡ cho bà Sáu nằm nghỉ rồi ngồi túc trực quanh bà. Ông Lê Hải ra hiệu mời mọi người lui ra phòng ngoài...
- Bây giờ anh mới hiểu hết lòng mẹ của chúng mình các em ơi... - ông Hai Phong không nén được xúc động.
- Có lẽ má hiểu hơn chúng ta về những gì chúng ta còn mắc nợ, còn chưa làm được, sau mấy chục năm ròng... - Ông Lê Hải nói với mọi người.
Trong phòng khách lớn, dưới phòng ăn, ngoài vườn... chỗ nào mọi người cũng chỉ nói với nhau về bản Tuyên Ngôn và những suy nghĩ thầm kín của bà Sáu. Mấy hôm gần đây, vào giờ hơi muộn như thế này lại có thêm vợ chồng ông bà Tư Cương, cánh Ba Khang và Bảy Dự, vợ chồng Hai Hân...
Đám anh em thế hệ Vũ cũng thành một tốp riêng. Vợ chồng Tín Kim vừa thay nhau ẵm cho con ngủ, vừa tham gia nhóm này. Nhưng riêng Vũ xin lỗi các em, rồi lên gác ngồi một mình trong phòng mẹ Ngân suốt cả buổi tối...
Đến ngày thứ mười hai, bà Sáu ngủ vĩnh viễn không bao giờ dậy nữa. Bà ra đi trong sự bình yên, thanh thản, giữa tình thương yêu vô bờ bến của con cháu...
Mấy ngày sau lễ tang, Vũ được thay mặt gia đình đi gặp đồng chí bí thư Thành uỷ để cảm ơn sự thăm viếng và sự quan tâm của Thành uỷ về đám tang bà SÁU Nhơn. Vũ còn được bố mẹ giao cho một việc trọng đại là trân trọng biếu Thành uỷ bản sao bản Tuyên Ngôn Độc Lập mà bà nội Vũ vẫn giữ kín mấy chục năm sau khi sự nghiệp độc lập và thống nhất Tổ quốc đã hoàn thành.
Tại phòng tiếp khách của bí thư, Vũ phải chờ khá lâu. Vũ giết thời giờ bằng cách đi đi lại lại ngắm nghía tỉ mỉ mọi thứ có thể thấy được trong phòng. Từ mấy bức tranh sơn mài, đến lọ hoa pha lê, bộ salon gụ kiểu cổ có trạm trổ và có đệm, các dãy ghế hai bên, mấy chùm đèn, so sánh màu thảm đỏ với màu tường vàng chanh, màu nâu của bộ salon cổ với màu đệm, màu thảm... Hết bước vào gần rồi lại lùi ra xa để ngắm nghía cho kỹ, chốc chốc Vũ lại giơ tay xem đồng hồ. Một cảm giác khó tả, cái bực của chờ đợi, sự lạ lùng trước cảnh bài trí của phòng khách... Vũ lục lọi mãi trong đầu không biết xếp loại trang trí này như thế nào: Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc? Tân thời? Nửa cổ nửa tân thời?..
Vị bí thư vẫn chưa xuất hiện.
Người cán bộ lễ tân lần thứ ba từ phòng bên tạt vào động viên Vũ:
- Đồng chí vui lòng nán chờ, bí thư đang kết luận một vấn đề quan trọng trong cuộc họp.
Vũ không trả lời, vì gần như không tự kiềm chế được mình nữa, chỉ giơ tay xem đồng hồ: Hai mươi bảy phút!..
- Thường thường bí thư không tiếp... - Người cán bộ lễ tân biết mình lỡ lời, nhưng tự chữa được ngay - ...Thường thường bí thư rất ít tiếp khách, nhưng đã nhận lời thì thế nào đồng chí ấy cũng đến.
Nghe thấy tiếng giày lộp cộp từ xa, người cán bộ lễ tân chạy vọt ra ngoài. Một lát sau thấy bí thư bước vào, người cán bộ lễ tân đứng cách xa vài bước về phía sau, hai tay xun xoe lễ phép chắp vào nhau. Bí thư cười nói vui vẻ, chủ động bắt tay Vũ:
- Tôi được nghe danh bà Sáu Nhơn từ lâu, nhưng hôm nay được trực tiếp gặp hậu duệ của cụ... Thỉnh thoảng tôi có dịp được gặp ông Hai nhà...
- Xin chào đồng chí bí thư. Thú thực với đồng chí, tôi đã định bụng chờ thêm hai phút nữa cho đúng nửa tiếng, nếu đồng chí không đến là tôi đành bỏ về. - Vũ cố gượng cười để làm nhẹ bớt câu nói của mình.
Bí thư lặng đi mất vài giây vì bị bất ngờ, song cũng giành lại thế chủ động ngay, hai tai hơi đỏ lên:
- Cuộc họp kéo dài hơn dự kiến. Nhưng tôi đã hẹn là giữ lời.
- Nếu thế đồng chí bí thư nên thay thư ký của mình đi, anh ta xếp lịch như thế là không đủ trình độ làm việc, dễ làm ảnh hưởng uy tín của đồng chí. - Vũ cố nén sự bực tức trong lòng vì không thấy bí thư xin lỗi về sự chậm trễ của mình.
- Sự thẳng thắn của đồng chí rất gây ấn tượng đối với tôi. Bây giờ đồng chí giải toả nỗi bực của mình đi. - Giọng bí thư cởi mở, nhưng vẫn chưa thấy câu xin lỗi.
- Vâng, tôi xin lỗi là nói năng lỗ mãng. Bệnh nghề nghiệp mất rồi đồng chí ạ.
- Đồng chí nói bệnh gì?
- Tôi nói thực lòng, bệnh nghề nghiệp đồng chí ạ. Ở nước ngoài thì tôi nhịn nhục được, ở trong nước thì tôi không tự kiềm chế được. Tôi thành thực xin lỗi đồng chí.
- Nhưng mà đồng chí nói là bệnh nghề nghiệp? - Bí thư muốn truy hỏi.
- Là đại diện giới doanh nhân, tôi nhiều lần được tham gia các đoàn đàm phán kinh tế của các thứ - bộ trưởng ta ở nước ngoài đồng chí ạ, chủ yếu là vấn đề quota và thuế suất. Nhiều khi đoàn chỉ được vụ trưởng hay đại diện của bộ trưởng nước chủ nhà tiếp thôi, thế mà cũng phải chờ đợi khốn khổ. Ngồi tiếp mình mà chủ nhà có khi còn gác chân lên bàn nữa chứ! Nói xin lỗi đồng chí, có lúc tôi cảm thấy nhục như con chó, chỉ muốn giơ tay tát một cái gì đó, đấm một cái gì đó... Cả đoàn chịu bấm bụng nhẫn nhục vậy... Nhưng bước chân ra khỏi phòng đàm phán, tôi muốn nổ tung... Trưởng đoàn có khi phải động viên chúng tôi: Vì cơm áo gạo tiền của người lao động trong nước, phải cắn răng lại mà chịu nhục các đồng chí ạ, còn nước còn tát!.. Kỳ kèo xin bớt từng xu thuế!
- Bây giờ thì tôi hiểu.
- Đi xin nó nhục như thế đấy đồng chí bí thư ạ!..
Không khí chuyện trò dịu dần.
Sau khi nghe Vũ trình bày tỉ mỉ về bản Tuyên Ngôn này, xem kỹ bản sao, ông bí thư hỏi:
- Nguyên bản là bản chép tay hả đồng chí?
- Không ạ, đây là bản in li-tô (litho), bản chính là màu mực tím, photo copy màu nên bản sao này trông như bản chính ạ. Bản này bà nội tôi đã bảo vệ và gìn giữ từ khoảng năm 1947 cho đến nay...
- In litho hả?
- Thưa vâng, chính tôi cũng không biết, phải nhờ ba tôi giải thích. Bây giờ chúng ta không còn khái niệm in li-tô (litho) nữa. Ba tôi nói hồi đầu Cách mạng Tháng Tám, việc in ấn các văn bản để truyền thông chủ yếu là nhờ vào cách in litho, nghĩa là viết ngược đặm mực lên mặt đá rồi in. Không có mặt đá thì viết lên mặt bột, vì hồi ấy lấy đâu ra nhiều máy đánh chữ hay máy in như bây giờ, nhất là trong chiến khu.
- Theo đồng chí, tại sao cụ nhà đã giữ bản Tuyên Ngôn này lâu vậy mà bây giờ lại dặn không cho đưa vào bảo tàng?
- Theo đồng chí bí thư thì có thể đưa vào bảo tàng được không ạ?
- Hiện vật lịch sử quan trọng thế này thì xứng đáng đưa vào bảo tàng lắm chứ.
- Thưa đồng chí, chính đây là điều gia đình chúng tôi bàn bạc rất lâu mà chưa ngã ngũ.
- Có khúc mắc gì thế hả đồng chí Vũ?
- Đồng chí bí thư ạ, nếu chúng tôi có tự nguyện đưa vào bảo tàng, chắc viện bảo tàng cũng phải cho vào lưu trữ thôi, không dám đưa ra cho mọi người xem...
- Sao lại có thể như vậy được?
- Chuyện này dài lắm đồng chí ạ, chính chúng tôi cũng đang phải tìm hiểu tiếp... Mà nếu được viện bảo tàng đưa ra cho mọi người xem, chưa hẳn chúng tôi đã đồng ý...
- Gia đình đồng chí còn nghi ngại điều gì?
- Thưa đồng chí bí thư, nếu đưa ra cho mọi người xem mà không giải thích được tường tận những đoạn trường bản Tuyên Ngôn in litho này đã trải qua thì như thế mới chỉ là trình bày được sự thật một nửa của lịch sử... Mà chúng tôi thì lại không thể chấp nhận lịch sử với sự thật một nửa... Điều khó nghĩ của chúng tôi là như thế ạ.
- Như thế là chính gia đình đồng chí cũng chưa biết gì nhiều lắm về bản Tuyên Ngôn in litho này?
- Sau khi bà nội tôi mất đi, bố mẹ tôi, các cô các chú trong gia đình chúng tôi, các đồng chí của bố mẹ tôi, và cả mấy anh chị em chúng tôi nữa, tất cả chúng tôi bàn với nhau và suy nghĩ day dứt mãi... Chúng tôi thật chưa hiểu hết vì sao bà nội tôi lại làm như vậy?
- Chắc cụ nhà có ẩn ý gì... - Ông bí thư đăm chiêu, nhìn đi nhìn lại bản copy. Bỗng nhiên ông kêu lên - ...Tại sao lại có vết rách lớn như bị xé làm đôi thế này? Trông lộ quá...
Vũ vẫn ngồi yên, để ông bí thư có thời giờ xem kỹ bản copy.
- Sao khi chụp đồng chí không dán lại để bản copy khỏi lộ vết rách?
- Vũ chưa biết nên trả lời thế nào.
- Cụ nhà có nói rõ vì sao bản Tuyên Ngôn bị rách không đồng chí?
- Thưa đồng chí bí thư có ạ... Nhưng chúng tôi cũng không được biết nhiều lắm...
- Tôi có thể hình dung được...
- Thực lòng là chúng tôi không dám nài hỏi nhiều, vì bà nội chúng tôi vào những ngày này mỗi lúc một yếu đi... Bà còn sức kể được đến đâu thì chúng tôi chỉ biết được đến đấy...
- Tôi hiểu... Vì đấu tranh trong vùng địch hậu ngày xưa ác liệt lắm đồng chí Vũ ạ...
- Đồng chí bí thư ạ, câu chuyện trong gia đình chúng tôi đau lòng lắm!.. Đến nỗi có lúc chú Năm tôi đã phải mắng bố tôi là không đau nỗi đau của dân tộc! Không khát vọng những khát vọng của dân tộc!..
- Trời ơi, ông Năm nặng lời với ông Hai nhà ta như thế sao?
- Vâng... Thưa đồng chí bí thư... Bản Tuyên Ngôn do chính bà nội chúng tôi tự tay xé đi ạ... Bà nội chúng tôi chỉ nói ...đấy là một kỷ niệm buồn...
Ông bí thư choáng váng, phải một tay nắm lấy mép bàn...
- Vâng, do tự tay bà nội chúng tôi xé ạ... vào khoảng ba năm hay hơn ba năm một chút sau ngày giải phóng Sài Gòn đồng chí bí thư ạ... Nghĩa là sau khi ba gia đình các chú tôi đến từ biệt bà nội tôi để bỏ Thành phố đi di tản, bà nội tôi đã khóc suốt đêm, ngay sáng hôm sau bà nội chúng tôi đã xé bản Tuyên Ngôn in litho này... Chắc bà nội tôi lúc ấy đau khổ lắm... Bà nội tôi đã thắp hương trên bàn thờ suốt cả ngày hôm ấy...
- Trời đất ơi!.. - Ông bí thư kêu lên...
- Đồng chí bí thư ạ... Cho đến bây giờ cả gia đình chúng tôi vẫn không hiểu rõ vì sao bà đã xé bản Tuyên Ngôn, rồi lại chính tự tay bà giữ lại, gói ghém cẩn thận, để lại vào chỗ cũ... Tự tay bà nội chúng tôi đã một mình treo lại bức tranh lên tường, bị ngã và đã đánh rơi bức tranh... Bà giữ mãi bản Tuyên Ngôn... cho đến khi biết mình sắp phải từ giã cõi đời...
Ông bí thư ngồi im, vẫn chưa định thần lại đựợc, trong đầu đánh vật với bao nhiêu câu hỏi ông chưa bao giờ nghĩ tới...
- Thưa đồng chí bí thư, cả nhà chúng tôi đều chung một ý nghĩ: Phải thực hiện đúng lời dặn của nội chúng tôi.
- Thú thực với đồng chí Vũ, tôi bị bất ngờ quá!.. - Ông bí thư lại ngồi im.
- Thưa đồng chí bí thư, tôi đã làm xong nhiệm vụ được giao. Tôi xin cảm ơn và xin chào đồng chí. - Vũ đứng dậy.
Ông bí thư lúc này như chợt bước ra khỏi sự mung lung của mình, đưa tay kéo Vũ ngồi xuống:
- Đồng chí nán lại chút nữa đã... Đồng chí có thể giúp tôi hiểu thêm suy nghĩ của cụ nhà không?
- Thưa đồng chí bí thư, cả gia đình chúng tôi cho rằng Đảng ta, nói cụ thể là những đảng viên thế hệ hiện nay và sắp tới, đang nợ dân tộc ta, nợ các thế hệ đảng viên đã viết nên Tuyên Ngôn Độc Lập và hoàn thành sự nghiệp giành độc lập và thống nhất Tổ quốc một nghĩa vụ lớn lắm đồng chí ạ. Đó là nghĩa vụ xây dựng một chế độ xã hội không để cho ai xâm phạm những quyền của người dân như đã ghi trong Tuyên Ngôn. Mối nợ nghĩa vụ này quả thực lớn lắm đồng chí ạ.
- Có lẽ là như thế... Bây giờ thì tôi hiểu ý nghĩ của cụ nhà và của gia đình.
- Đồng chí bí thư ạ, có lẽ bà nội tôi ngày đêm băn khoăn về những gì đã xảy ra và đang xảy ra kể từ khi đất nước được hoàn toàn giải phóng và giành được độc lập thống nhất... Bà nội tôi đã chờ đợi, chờ đợi hơn một phần tư thế kỷ!.. Cuộc sống ngày càng nhiều các sự việc trái ngược hẳn với những gì bà nội tôi đã sẵn sàng hy sinh để giành lấy... Sao nói hết những khát khao, những ước mong... Chắc chắn là bà nội tôi không yên lòng khi nhắm mắt...
Ông bí thư lại lặng đi hồi lâu.
- ...Những người đã hy sinh không thể nhắm mắt. Những người đã khuất không thể nhắm mắt... Tôi hiểu suy nghĩ của cụ nhà. Tôi nghĩ là tôi hiểu.., đồng chí Vũ ạ. - Giọng ông bí thư vừa chia sẻ, vừa như đang tự vấn...
- Xin cảm ơn đồng chí bí thư...
- Là người được cụ nhà gửi gắm, đồng chí nghĩ gì?
- Đồng chí bí thư ạ, sau khi nghe bà nội tôi dặn dò bọn tôi phải cha truyền con nối gìn giữ bằng được Tuyên Ngôn này, lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được sâu sắc yêu nước không được là độc quyền của riêng ai!.. So sánh với thực tại, lẽ tự nhiên này thật kinh hoàng đồng chí bí thư ạ!
...Yêu nước không được là độc quyền của riêng ai!.. Ông bí thư cảm thấy có một mũi nhọn nào đó xuyên vào tim mình, câu chuyện bị ngắt quãng.
Không khí trong phòng bỗng dưng ngột ngạt.
- Tôi thừa nhận đồng chí đã dũng cảm nói thẳng một sự thật nghiêm trọng...
- Thưa đồng chí bí thư, tôi nghĩ đồng chí phải nhạy cảm hơn tôi về điều này mới đúng chứ ạ... Sống trọn vẹn chế độ nguỵ hai thời Pháp - Mỹ, bà nội tôi có lẽ vì thế chưa yên lòng... Có thể tôi bị lây nỗi lo của bà nội tôi ạ.
Mãi ông bí thư mới đáp lại:
- Thôi được, đây là chuyện lớn, chúng ta sẽ bàn tiếp sau này...
- Vâng ạ, hôm nay tôi cũng chưa nghĩ được gì... Thực ra lúc này trong thâm tâm tôi chỉ có độc một mối lo phải làm lại từ đầu...
- Đồng chí Vũ định nói gì vậy? - ông bí thư ngạc nhiên.
- Từ Đại hội VI là chúng ta đã chính thức làm lại từ đầu rồi, có phải thế không ạ? Không nhận thức ra như thế thì nguy hiểm lắm!
- Đồng chí nói vậy là có ý gì?
- Nói ngay trong gia đình tôi thôi, đồng chí bí thư ạ... Nếu so với 15 chiếc xe đò hãng Cánh Nhạn của bà nội tôi trước cải tạo, thì bốn chúng tôi đã bắt đầu làm lại từ đầu ở bên dưới cái vạch xuất phát này, tức là khởi sự từ mấy cái hợp tác xã đồ đồng nát... Bây giờ bốn anh chị em chúng tôi đã bỏ xa bà nội chúng tôi không biết bao nhiêu chặng đường rồi... Từ đấy chúng tôi suy ra cả nước...
- Đồng chí ví như thế thì cũng có cái lý của nó, tôi thừa nhận... Thế còn nỗi lo? - Ông bí thư tư lự.
- Tôi lại lo một chuyện làm lại từ đầu khác cơ ạ.
- Đồng chí có quá bi quan không?
- Dạ không ạ. Đang làm lại từ đầu rồi mà không nhận thức dứt khoát như thế thì đến một lúc nào đó sẽ lại phải làm lại từ đầu một lần nữa... Trong cái chuỗi những vòng luẩn quẩn của sự thiếu tự giác này, thường thường là vòng sau thảm hại hơn vòng trước rất nhiều. Nó còn đáng sợ hơn cả thứ kiếp luân hồi...
- Đồng chí nghĩ gì cứ nói thẳng ra. - Ông bí thư đặt tay lên vai Vũ.
- Đồng chí đủ bình tĩnh nghe chứ ạ?
- Đồng chí Vũ!.. - Ông bí thư giục giã.
- Vâng, trong cái vòng luẩn quẩn này quả thực có một việc phải bắt đầu ngay, nếu không, sớm muộn sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn mới...
- Việc gì thế?
- Đó là phải đổi mới công tác xây dựng Đảng đồng chí ạ.
- Có lúc nào chúng ta lơ là công tác xây dựng Đảng đâu!
- Không lơ là không hẳn có nghĩa đã là làm đúng, đồng chí bí thư ạ! Không bao giờ lơ là như thế mà tình trạng trong Đảng và trong xã hội vẫn đang đi theo chiều hướng hiện nay thì rõ ràng đây là một tín hiệu báo động, báo động đỏ đồng chí ạ!
Ông bí thư cảm thấy choáng, vì Vũ đã đụng vào vấn đề hệ trọng nhất chính ông lâu nay canh cánh trong lòng. Ông muốn tìm hiểu kỹ hơn nữa:
- Đồng chí nghĩ như thế hay suy diễn?
Vũ cân nhắc một lúc:
- Đồng chí bí thư ạ, tôi chưa biết nên trả lời đồng chí như thế nào... Hôm qua ở nhà tôi nhân chuyện gì đó liên quan đến chống tham nhũng, em gái tôi nói là dần dần càng khó mà tìm cho ra được một tổng công ty 91 trong sạch! Quân chủ lực của nhà nước và chế độ chúng ta đấy... Tôi chê em tôi là chỉ được cái giỏi mồm nói xấu chế độ. Em tôi đố tôi thử kiểm lại xem số tổng công ty 91 không dính đến những vụ tham nhũng lớn có đủ đếm trên năm đầu ngón tay không. Tôi không nắm được tình hình nên chịu không trả lời được... Chẳng lẽ sự thật là như thế hả đồng chí?
- Quả là như vậy... Nhưng nghĩ được như đồng chí mà tôi vẫn chưa thấy đồng chí nói mình sẽ định làm gì? - ông bí thư muốn tìm hiểu thêm suy nghĩ của Vũ.
- Làm gì ạ? Thật ra từ lâu, tôi đã lựa chọn rồi ạ. Hoặc là tôi làm được nghĩa vụ đảng viên theo đúng lương tri của mình đòi hỏi, hoặc là tôi sẽ bị Đảng khai trừ...
- Đấy là câu trả lời của đồng chí?
- Vâng ạ. Tôi không có sự lựa chọn nào khác đồng chí bí thư ạ.
- Đồng chí có đi đến cùng với sự lựa chọn của mình không?
- Nếu xảy ra chuyện tôi bị khai trừ đồng chí bí thư ạ, thì Đảng trong trái tim tôi và Đảng khai trừ tôi sẽ là hai Đảng khác nhau mất rồi....
Ông bí thư hiểu câu trả lời quyết liệt của Vũ, nhưng vẫn ngồi yên, cố giấu nỗi lo sâu kín nhất trong lòng.
Thấy ông bí thư im lặng, Vũ nói tiếp, gần như với chính mình:
- Đồng chí không phải là người đầu tiên tôi giãi bày điều hệ trọng này... Không thể nào có hai Đảng trong một trái tim được đồng chí bí thư ạ!..
Ông bí thư đặt tay lên vai Vũ, mắt nhìn thẳng vào mắt anh, chân thành:
- Tôi hiểu... Tôi trân trọng suy nghĩ của đồng chí... Tôi càng hiểu rõ hơn bà nội của đồng chí...
Vũ uống một ngụm nước, cân nhắc thận trọng rồi mới nói:
- Đồng chí bí thư ạ, được ngồi nói chuyện với đồng chí hôm nay, tôi càng vỡ lẽ ra vì sao trong hàng trăm nước đang phát triển đã giành được độc lập mấy chục năm nay, mà chỉ có dăm ba nước thoát khỏi cái kiếp luân hồi hay là cái vòng luẩn quẩn khốn khổ của nó.
- Đúng là như thế...
- Đấy là thách thức sống còn đối với Đảng ta... Hay chính đấy cũng là lý do, là cơ hội tồn tại của Đảng? Tất cả tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của Đảng ta, đồng chí bí thư ạ... Nếu đồng chí hiểu đúng suy nghĩ của bà nội tôi...
Câu chuyện giữa hai người đột nhiên đầy bầu không khí nghiêm trọng. Vốn người từng trải, ông bí thư mau chóng giữ được bình tĩnh. Ông thầm thừa nhận suy nghĩ của Vũ hoàn toàn có cơ sở, Đảng sẽ chịu khuất phục trước cái kiếp luân hồi này? Hay là Đảng phải đi tiên phong xoá bỏ nó, bắt đầu từ khuất phục được những tha hoá của chính mình...
Song ông bí thư vẫn kiên trì theo đuổi ý nghĩ tìm hiểu Vũ:
- Đồng chí nói như thế là hết lời... Tôi rất trân trọng... Nhưng đồng chí nói cho tôi rõ vì sao đồng chí lại nghĩ như thế?
Vũ nghĩ đi nghĩ lại trước khi nói, chính Vũ cũng muốn nhân câu hỏi này của ông bí thư tự mình tìm hiểu lại thật cặn kẽ chính bản thân mình.
- Vâng, tôi xin nói. Tôi không bao giờ có thể quên công ơn cha mẹ mình, ông bà mình, đất nước mình đã nuôi mình thành người. Nhưng tôi còn bị thôi thúc bởi nỗi nhục nước nghèo. Càng đi ra thế giới bên ngoài, nỗi nhục nước nghèo càng day dứt tôi ghê gớm lắm đồng chí ạ...
Thấy ông bí thư ngồi yên tư lự, chờ một lúc Vũ nói tiếp: