Năm 1537, nhà vẽ bản đồ nổi tiếng người Bồ Đào Nha Pedro Nunes, khi vẽ bản đồ của thế giới đầy bất ngờ ở phương Tây, đã vui sướng trước những “đảo mới, đất mới, biển mới, dân mới; và hơn nữa, một bầu trời mới và những ngôi sao mới”.
Cái đã biết thì giới hạn, cái không biết thì vô hạn; về mặt trí thức chúng ta đứng trên một hòn đảo nhỏ giữa một đại dương mênh mông những điều không thể cắt nghĩa. Nhiệm vụ của chúng ta trong mọi thế hệ là chiếm dần thêm từng mảnh đất một, để thêm một chút gì vào kho sở hữu của chúng ta, giúp nó ngày càng mở rộng và vững chắc hơn. -THOMAS HENRY HUXLEY- Về sự Đón Nhận - “Nguồn gốc các loài” (1887).
Mầu nhiệm muôn thuở của vũ trụ là nó có thể hiểu được. -ALBERT EINSTEIN (1936).
Năm 1537 nhà vẽ bản đồ nổi tiếng người Bồ Đào Nha Pedro Nunes, khi vẽ bản đồ của thế giới đầy bất ngờ ở phương Tây, đã vui sướng trước những “đảo mới, đất mới, biển mới, dân mới; và hơn nữa, một bầu trời mới và những ngôi sao mới”. Việc khám phá ra châu Mỹ đã đưa người châu Âu đối mặt với một nhân loại gồm đủ mọi giống người. Thoạt đầu họ cứ hình dung ra các châu Mỹ kỳ lạ là nơi ở của những giống người trong truyền thuyêts và những “dị nhân” từng được mô tả trong Lịch Sử Thiên Nhiên của Pliny đã từng làm mê hoặc và kích thích trí tưởng tượng của những người du hành từ xưa đến nay. Khi người châu Âu đặt tên cho những người bản xứ của Tân Thế Giới là “Indian”, họ không chỉ mắc một sai lầm về địa lý, mà còn cho thấy họ mong chờ tìm thấy những loài kỳ lạ.
Colômbô đã ngạc nhiên và phần nào thất vọng thuật lại rằng “trong những đảo này tôi vẫn chưa tìm thấy một giống quái nhân nào, như người ta vẫn mong đợi, ngược lại, trong số những giống dân này thậm chí có những người rất xinh đẹp... Như vậy, tôi không tìm thấy quái vật nào hay được nghe nói về giống người nào như thế, trừ... một dân... ăn thịt người... họ không có hình thù xấu xí hơn những người khác”. Ông quả quyết với các vua chúa Tây Ban Nha rằng những người Indian này “rất vạm vỡ, có thân hình rất xinh đẹp và những khuôn mặt rất thanh tú”.
Những lời tường thuật thực tế này đã làm cho các vùng đất mới mất đi sức mê hoặc thần thoại của nó, nhưng những giống “quái nhân” vẫn ám ảnh trí tưởng tượng người ta. Thi ca, truyện dân gian và các tiểu thuyết lãng mạn vẫn lặp đi lặp lại những câu truyện cổ tích về những giống ăn thịt người Anthropophagi, những nữ chiến binh Amazon (nghĩa là “không vú”, sống trên xứ sở không có đàn ông và họ lấy tên như vậy vì họ đã cắt bỏ vú của mình để có thể bắn cung mạnh hơn), những người Cynocephali (“đầu chó”, nói chuyện với nhau bằng những tiếng sủa, có răng to và phun lửa), những người Pygmie (“người lùn”, bện tóc của mình thành quần áo và gây chiến với những con chim hạc ăn cắp mùa màng của họ). Rồi còn có những người Amyctryae (“khó thân thiện”, ăn thịt sống và có môi dề ra để làm dù che), những người Antipode (“đối chân”, nghĩa là họ sống ở mặt dưới của trái đất và đi ngược đầu), những người Astomi (“không có miệng”, không thể ăn uống và có thể bị giết bằng mùi thối, nhưng họ sống bằng ngửi, chủ yếu là ngửi táo, nên cũng gọi là những người ngửi táo), những người Blemmyae (được nổi tiếng nhờ Shakespeare diễn tả như là “những người mà đầu mọc thấp hơn vai”), những người Panotii (“toàn là tai”, tai của họ rất dài dùng làm mền và có thể bung ra làm cánh), những người Sciopod (“chân bóng mát”, chỉ có một chân rất to, dùng như một cái lọng để che nắng khi họ nằm ngửa).
Thánh Augustinô trong tác phẩm Thành Đô Thiên Chúa đã không phủ nhận các giống quá nhân cũng là một thành viên của loài người.
Bất cứ ai sinh ra ở bất cứ đâu, nhưng hễ là một người, nghĩa là một tạo vật có lý trí và có thể chết, thì dù chúng ta thấy họ có vẻ kỳ dị về hình dạng, màu sắc, cử động, hay tiếng nói, hay về bất cứ khả năng nào, phần nào hay đặc tính nào của bản tính người ấy, cũng không người tín hữu đích thực nào được phép nghi ngờ người ấy không phải xuất phát từ một người đã được tạo dựng đầu tiên.
Khi Colômbô tường thuật lại rằng những dân mà ông gặp không phải những quái nhân mà chỉ là những người man di, ông vô tình đã hướng tới một khoa học mới về văn hóa. Và tới một ý tưởng về sự tiến bộ. Những thái cực trong sự đa dạng của con người không còn bị giam cầm trong vòng tưởng tượng nữa, vì từ nay người ta có thể quan sát chúng một cách rất gần. Tuy khoa địa lý của Colômbô có thể còn mang não trạng trung cổ, với những lối mô tả các con sông của Eđen, nhưng khi ông mô tả những giống người bản xứ, đột nhiên ông đã nói giọng của một nhà nhân chủng học quan sát trực tiếp. Vì ông thuật lại rằng họ có những “thân hình rất xinh đẹp và những khuôn mặt rất thanh tú; tóc họ bờm xờm giống như đuôi ngựa và ngắn... Một số người sơn mình màu đen (và họ có nước da của người đảo Canary, không đen cũng không trắng), một số sơn màu trắng, số khác màu đỏ, số khác nữa bằng bất cứ màu gì họ có”.
Người châu Âu chưa biết liên kết “chủng tộc” với màu da. Hiển nhiên họ coi màu da của họ là màu da tự nhiên bình thường của loài người. Da sậm của người châu Phi được cắt nghĩa là do mặt trời nóng bỏng của vùng khí hậu nhiệt đới và vì thế nó xác định người châu Phi cũng là người. Kinh nghiệm của người châu Âu còn quá ít để nêu những câu hỏi rắc rối về mối tương quan giữa màu da và khí hậu. Kinh Thánh khá rõ ràng về nguồn gốc duy nhất và dòng dõi thuầnchủng của toàn thể loài người. Vì mọi người đều sinh ra từ Adam và Eva, nên không có sự thấp kém về di truyền. Những khác biệt có ý nghĩa là những khác biệt về ngôn ngữ và tôn giáo.
Khám phá ra châu Mỹ đã mở ra những khả năng mới kích thích tính tò mò và có tính cách mạng vào thời đó. Vào thế kỷ 18, người ta biết rõ là có nhiều loài thực vật và động vật “đặc thù ở những miền này của thế giới”. Chính Jefferson đã ghi nhận vào năm 1789 rằng không có một loài chim nào sống trên cạn mà vừa có ở châu Âu lại vừa có ở châu Mỹ và ông nghi ngờ rằng không có một loài vật bốn chân nào chung cho cả châu Âu và châu Mỹ. Vậy thì làm sao cắt nghĩa sự tồn tại ở châu Mỹ những loài như gấu trúc, gấu túi, chuột chũi, lạc đà alpaca và bò rừng ? Nếu những con vật này đã ở trên tàu của ông Noê, có thể nào ngày nay chúng ta lại không thấy chúng ở những nơi khác ? Một số nhà thiên nhiên học mạnh bạo đã đề nghị rằng thay vì chỉ có một cuộc Tạo Dựng duy nhất, có thể đã có “những cuộc tạo dựng riêng biệt” ở những phần khác nhau trên thế giới. Có thể Thiên Chúa đã dựng nên những loài thực vật và loài động vật đặc thù thích hợp cho mỗi môi trường sinh thái của các lục địa. Vậy tại sao lại không thể có “những cuộc tạo dựng loài người riêng biệt” ?
Những vấn đề mới mà cuộc Cải Cách Tin Lành tạo ra cho Giáo hội Rôma đã dẫn đến một sự bức bách mới trong vấn đề bình đẳng nhân phẩm.
Chỉ 25 năm sau khi Colômbô đặt chân lên châu Mỹ, Martin Luther dán 95 Luận Đề của ông tại cửa nhà thờ ở Wittenberrg, dẫn đến việc hàng triệu tín hữu của Giáo hội Rôma ở châu Âu trong thế kỷ 16 bỏ theo những lạc giáo Tin Lành. Đồng thời, do sự Quan Phòng của Thiên Chúa, Tân Thế Giới bất ngờ cống hiến vô vàn người ngoại giáo cho mùa gặt các tín hữu mới. Và các nhà truyền giáo Tây Ban Nha được khích lệ bởi những thành công ban đầu của mình. “Thông thường các nhà truyền giáo dạy những người Indian đọc, viết và tuân giữ những thuần phong mỹ tục”, Alonso de Zorita đã báo cáo như thế cho Hội Đồng Tây Ban Nha về vùng Indies năm 1584. “Nhiều người được dạy chơi các nhạc khí để họ có thể đánh đàn trong nhà thờ, trong khi những người khác được dạy văn phạm và tu từ. Một số đã trở thành những nhà La ngữ xuất sắc và đã viết được những bài diễn văn và thơ rất hay”. Một ước tính lạc quan năm 1540 cho thấy con số những người Indian Mỹ được rửa tội là khoảng 6 triệu người.
Nhưng tình trạng nhân phẩm của người Indian Mỹ - sự bình đẳng của họ trước mặt Chúa - bị tranh cãi mỗi ngày một nhiều hơn. Các nhà chinh phục Tây Ban Nha trưng dẫn những lý do riêng của mình để nhấn mạnh địa vị thấp hèn bẩm sinh của người Indian, nghĩa là Thiên Chúa đã tiền định cho họ sống thân phận nô lệ. Đã có những cuộc tranh luận sôi nổi về những khả năng của những người bản xứ Tân Thế Giới. Năm 1520, Albrecht Durer phải kinh ngạc trước năng khiếu nghệ thuật của họ khi ông nhìn thấy những đồ trang sức bằng vàng bạc và bằng lông chim của những người Indian mà Cortés đã đem tặng cho vua Charles V để triển lãm tại Brussels. Ngay từ ngày đầu tiên thiết lập Hội Đồng Tây Ban Nha về vùng Indies năm 1524, vấn đề nhân phẩm của người Indian đã được đưa ra bàn cãi.
Giáo hoàng Phaolô III (1468-1549), vị giáo hoàng cuối cùng của thời Phục Hưng, tuyên bố đích thân bảo trợ những nỗ lực truyền giáo ở Tân Thế Giới. Khi tin tức về cuộc tranh luận về nhân phẩm của người Indian tới Rôma, giáo hoàng Phaolô III đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng chỉ dụ Sublimis Deus hùng hồn của ngài (1537).
Thiên Chúa Chí Tôn đã yêu thương loài người đến nỗi không những Ngài đã tạo nên con người để họ có thể chia sẻ những sự tốt lành mà những tạo vật khác được hưởng, mà còn phú bẩm cho họ khả năng đạt tới Sự Thiện tuyệt đối ...
(Thế mà) có những kẻ bị Satan xúi giục đã loan truyền ở những vùng đất mới rằng người Indian của phương Tây và phương Nam và những dân tộc khác mà chúng ta mới được biết đến, phải được coi là những con vật đần độn được tạo dựng để phục vụ chúng ta, họ không có khả năng đón nhận đức tin Công giáo. Người Indian là những con người thực sự”.
Ngay cả trước khi có lời tuyên bố của giáo hoàng, không đầy 20 năm sau Colômbô tới châu Mỹ, những người định cư Tây Ban Nha đã bị những lời tiên tri phản đối. Ngày chủ nhật trước lễ Giáng sinh năm 1511, khi những người thực dân ở Hispaniola đến sự thánh lễ tại ngôi nhà thờ lá của thành phố đầu tiên này của Tân Thế Giới, họ đã chết điếng khi nghe bài giảng của một nhà tiên tri, một tu sĩ dòng Đaminh tên là Antonio de Montesnos. “Tôi đứng trên bục giảng này để lên tiếng tố cáo những tội lỗi của các ông chống lại người Indian... Các ông đang phạm trọng tội, các ông đang sống trong tội và sẽ chết trong tội, vì sự tàn bạo và áp bức của các ông trong cách đối xử vơi những người dân vô tội này. Hãy nói cho tôi nghe, các ông có quyền gì hay công lý gì mà bắt những người Indian này phải chịu ách nô lệ tàn bạo và ghê tởm của các ông? Các ông dựa vào quyền bính nào để gây một cuộc chiến đáng tởm với những người dân này, đang khi họ sống yên lành và hòa bình trên chính mảnh đất của họ”.
Người hùng bênh vực cho nhân phẩm của người Indian là Bartolomé de Las Casas (1474-1566), có lẽ là người đầu tiên được lãnh chức linh mục ở châu Mỹ. Sinh tại Seville, Las Casas đã ở đó khi Colômbô từ chuyến thám hiểm đầu tiên trở về năm 1493. Năm 19 tuổi, anh đã thoáng nhìn thấy những người Indian mà Colômbô đưa từ châu Mỹ về và cho diễu hành trên những đường phố, cùng với những vẹt đầy màu sắc của Tân Thế Giới. Khi cha của anh sau thời gian phục vụ chuyến mạo hiểm thứ hai của Colômbô trở về, ông tặng cho Las Casas một người nô lệ, lúc đó anh đang là sinh viên ở đại học La Salamanca. Las Casas đã nếm cảm đời sống của một nhà chinh phục khi ông đến châu Mỹ năm 1502, mua những người Indian làm nô lệ để làm việc cho ông tại các hầm mỏ và đã tạo được một tài sản lớn. Tại Hispaniola, khi Montesinos giảng bài cáo trạng, Las Casas vẫn tỏ ra không hề xúc động, mặc dù ông không được lãnh các bí tích của Giáo hội vì ông giữ nô lệ.
Cả sau khi Las Casas thụ phong linh mục, khoảng 1512, ông vẫn làm ngơ trước những đòi hỏi nhân quyền của người Indian. Thế rồi một ngày năm 1514, tại lãnh thổ của ông ở Cuba, khi ông đang soạn bài giảng cho những người mới định cư ở Sancti Espiritus, ông đột nhiên được giác ngộ. “Người nào dâng của lễ chiếm đoạt một cách bất công”, ông đọc trong sách Giảng viên, “của lễ của nó là trò cười và những lễ vật của những kẻ bất công không được chấp nhận”. Chỉ trong ít ngày, ông đã trở thành một con người mới. Giờ đây, khi hoàn toàn xác tín rằng “mọi việc đối xử với người Indian từ trước đến nay là bất công và tàn bạo”, ông đã quyết tâm dâng hiến cả đời mình để bênh vực “công lý cho những người Indian ấy và để lên án những hành vi cướp bóc, tội lỗi và bất công của những ai chống lại họ”. Lúc ấy ông đã 40 tuổi.
Trong bài giảng của ông ngày 15 tháng 8, 1514, ông công khai trả lại cho vị Toàn Quyền tất cả những nô lệ Indian của ông. Trong suốt 50 năm còn lại của cuộc đời, ông tiếp tục là người bảo vệ hiệu quả nhất cho quyền của người Indian.
Đỉnh cao cuộc đấu tranh công khai của Las Casas đã cống hiến một trang sử độc đáo trong lịch sử thuộc địa. Ngày 16 tháng 4 năm 1550, sau khi Las Casas nêu lên những mối hoài nghi và những lời cáo giác của ông, vua Charles V buộc phải ra lệnh đình chỉ các cuộc chinh phục ở Tân Thế Giới để chờ nghe ý kiến các nhà thần học của vua về một đường lối công bằng. “Để cho mọi việc được thực hiện theo tinh thần Kitô giáo”, không được phép mở những cuộc chinh phục mới nào cho tới khi Vua được nghe ý kiến xem phải thực hiện như thế nào.
Hiển nhiên Charles V đặt lòng tin vào những phán đoán luân lý của những nhà thần học của mình. Tuy họ sẽ không đem đến cho ông một câu trả lời rành rẽ và nhanh chóng, nhưng họ đã không làm ông thất vọng. Sự nghiêm túc đạo đức của ông đã có ảnh hưởng đối với tương lai thế giới.
Các người thực dân Tây Ban Nha thuộc phe những quân chinh phục và những đối thủ khác thuộc phe bênh vực người Indian đã bước vào một cuộc đấu tranh quyết liệt. Đại diện cho phe thực dân là Tiến sĩ Juan Ginés de Sepúlveda (1490-1573), một nhà nhân bản thông thái và trung thành với học thuyết của Aristốt, chưa từng đến Tân Thế Giới, nhưng ông kiên quyết với lập trường rằng cuộc chiến tranh nô lệ hóa người Indian là chính đáng, bằng những lập luận dựa trên ý kiến của Aristốt, cho rằng có những người sinh ra là nô lệ. Cũng như trẻ con tự nhiên thấp kém hơn người lớn, đàn bà thấp kém hơn đàn ông và con khỉ thấp kém hơn con người, thì người Indian bẩm sinh cũng thấp kém hơn người Tây Ban Nha.
Để phân xử giữa Sepúlveda và Las Casas, ngày 7 tháng 7, 1550, vua Charles thông báo sẽ triệu tập vào tháng 8 một hội nghị các nhà thần học và các thành viên Hội Đồng tại Valladolid, thủ phủ của Castile.
Las Casas đã chuẩn bị một tham luận dài 870 trang để chứng minh người Indian Mỹ cũng là những con người trỗi vượt về lý trí và đạo đức. Ông đưa ra những kinh nghiệm phong phú của mình kèm theo những truyền thuyết về sự tích hấp dẫn, để thỏa mãn những yêu cầu theo Aristốt về lý tính và đời sống đạo đức. Ông lý luận rằng, về mọi phương diện, người Indian còn trỗi vượt hơn những người Hi Lạp và Rôma cổ và về một số lãnh vực còn trỗi vượt hơn cả người Tây Ban Nha. Ông không thẳng thừng bác bỏ lý thuyết của Aristốt về sự nô lệ bẩm sinh, nhưng ông nhấn mạnh rằng “nô lệ bấminh” là một loại quái dị và chắc chắn người Indian không thuộc loại này.
Hội đồng phân xử gồm 14 thành viên là những người thông thái và có uy tín nhất thời đó và họ đã thi hành nhiệm vụ một cách nghiêm túc. Cuộc tranh luận diễn ra long trọng và gay cấn giữa hai nhà vô địch. Ngày thứ nhất Sepúlveda mở đầu bằng một bài tham luận dài ba giờ tóm tắt cuốn sách của mình về thân phận thấp hèn của người Indian. Las Casas nối tiếp bằng cách đọc nguyên văn một khảo luận dài 550 trang mà ông đã dọn đặc biệt cho dịp này và hội đồng đã kiên nhẫn lắng nghe trong suốt 5 ngày. Các cuộc quyết nghị kéo dài từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 9 và hội nghị phải tạm ngưng để có thời gian tóm tắt các vấn đề. Khi hội nghị tái nhóm họp vào tháng 1, 1551 mọi người tưởng đã sẵn sàng bỏ phiếu, nhưng ít người dám có ý kiến dứt khoát và hội nghị đã không đưa ra được quyết định nào để trình lên vua.
Cả hai phe đều tuyên bố mình chiến thắng. Về mặt thực tiễn, trong phạm vi to lớn những vấn đề của châu Mỹ, Sepúlveda sẽ chứng tỏ là người phát ngôn cho chính sách của Tây Ban Nha. Các nhà chinh phục ca tụng ông, tặng quà ông và sử dụng các tác phẩm của ông để làm vũ khí bênh vực cho hành động của mình.
Las Casas, tiếng nói của lương tâm, không bao giờ bị hoàn toàn đánh bại, đã trở thành người phát ngôn cho học thuyết chính thức của Giáo hội Rôma. Tuy nhiên, ông không thành công cải hóa những người chinh phục để họ có thái độ hòa bình. Nhưng ông đã đóng dấu ấn của Giáo hội lên nhân phẩm của người Indian. Năm 1566, khi vua một lần nữa cho phép các cuộc khám phá và chinh phục, vua đã cảm thấy buộc phải kêu gọi mọi người tuân thủ các quy luật của một cuộc chiến tranh công bằng. Cuộc chinh phục tương đối hòa bình ở Philipin sau năm 1570 đôi khi được kể là do ảnh hưởng của tinh thần Las Casas còn tồn tại.
Các dân tộc ở các nơi khác trên thế giới không gặp những vấn đề về sự đa dạng và duy nhất của nhân loại giống như các người phương Tây trong cuộc khám phá châu Mỹ. Hồi giáo đã bành trướng như một đế quốc mở rộng hơn là như một chính quốc với những thuộc địa ở xa. Đối với Hồi giáo, khác biệt chính yếu không phải giữa các chủng tộc khác nhau nhưng giữa những tín đồ và những người không phải tín đồ. Còn những khác biệt về tập tục xã hội, nếu chúng không vi phạm kinh Koran, đều không ảnh hưởng gì.
Vì những lý do hoàn toàn khác, vấn đề phẩm giá bình đẳng không sôi nổi bên Trung Hoa. Trung Hoa là đất nước cai trị bằng truyền thống và phong tục, nên những đức tính cao nhất của đời sống con người được coi như những sản phẩm của truyền thống và phong tục Trung Hoa. Và truyền thống bế quan tỏa cảng của nước Trung Hoa coi mình là trung tâm của thế giới đã ngăn họ tiếp xúc với những dân tộc xa xôi và khác với họ. Cả ở những nơi khác ở Đông Nam á như Nhật Bản và Korea, chúng ta cũng không thấy có tình trạng kỳ thị chủng tộc giống như ở phương Tây.
Riêng ở ấn Độ, trong số những nền văn hóa phát triển, đẳng cấp chủng tộc được liên kết với tôn giáo. Tuy nguồn gốc của các đẳng cấp bị bao phủ trong màn sương tiền sử, hệ thống đẳng cấp ấn Độ có lẽ đã phát sinh từ những khác biệt giữa chủng tộc Aryan thống trị và chủng tộc Dravidian bị trị - do có hai màu da khác nhau. “Đẳng cấp” trong tiếng Hindu là varna, nghĩa là “màu”, nhưng có lẽ nguyên thủy người ta áp dụng vào một điều gì khác chứ không phải là màu da.