... Bức màn đã được kéo lên không phải nhờ những người lính viễn chinh châu Âu, cũng không phải do những thủ đoạn của các nhà chính trị châu Âu. Thật ngạc nhiên, việc mở đường vào Trung Hoa phải được kể là do công của những người Tartar, một tộc chủng Mông Cổ ở Trung Á...
Những nhà thám hiểm đường bộ của Kỷ Nguyên Khám Phá đầu tiên của châu Âu trên đường tiến về phương Đông vào giữa thế kỷ 13 đã cần đến những nguồn lực khác hẳn với những nhà thám hiểm trên biển của thời đại sau. Colombô sẽ phải tìm ra thật nhiều tiền bạc, tàu thuyền, tuyển mộ và tổ chức một thủy thủ đoàn, bảo đảm lương thực, giữ cho thủy thủ đoàn vui vẻ và không nổi loạn và đi trên những đại dương không có bản đồ. Một người thám hiểm trên bộ trước kia cũng cần những tài năng khác hẳn. Anh ta có thể chỉ cần một hay hai bạ đồng hành trong suốt cuộc hành trình - dù trên những lộ trình chưa từng có người châu Âu qua lại trước đó. Họ có thể kiếm thức ăn thức uống dọc đường. Họ không cần phải là những người gây vốn hay những nhà tổ chức bậc thầy, nhưng họ phải có tính dễ thích nghi và dễ hòa hợp. Những thủy thủ của Colômbô đã nổi loạn khi cuộc hành trình kéo dài mấy tuần lễ quá thời gian họ chờ đợi, trong khi những nhà thám hiểm trên bộ có thể kéo dài hành trình của mình tùy theo nhu cầu có thể một tháng, một năm, hay thậm chí mời năm. Trong khi người đi biển lênh đênh trên những khoảng mênh không không một bóng người và trên biển tin tức thường là tin xấu, thì ngược lại, những người đi trên bộ - thương gia hay nhà truyền giáo - có thể làm nghề của mình dọc đường, học hỏi đang khi trên đường. Nếu người đi thám hiểm đường bộ đi một mình phải dùng thuyền bè cho một quãng đường nào đó, họ là hành khách. Chiếc thuyền thường do một người địa phương chỉ huy và cung cấp những thứ cần thiết. Người đi đường bộ có thể vừa cô đơn hơn, vừa ít cô đơn hơn người đi trên biển. Vì dù họ có thể thiếu bạn đồng hành hay những người địa phương giúp đỡ, giống như những người đi với Colômbô trên chuyến tàu Santa Maria, nhưng họ có cơ hội để gặp gỡ nhiều điều mới lạ, thích thú, hay thỉnh thoảng gặp được một vài người để trò chuyện trong những ngày đêm dọc đường.
Những hiểm nguy trên biển hầu như ở đâu cũng giống nhau - sóng to và gió lớn, mất phương hướng - nhưng những nguy hiểm trên bộ thì cũng muôn màu muôn vẻ như những phong cảnh, tạo cho cuộc hành trình nhiều thích thú và bất ngờ. Có thể có cướp trong quán trọ này chăng? Bạn có thể tiêu hóa được thức ăn địa phương không? Bạn nên mặc trang phục của bạn hay trang phục địa phương? Người ta có cho bạn vào cổng thành này không? Bạn có vượt qua được hàng rào ngôn ngữ để giải thích điều bạn cần và cho thấy công việc của bạn vô hại đối với người ta?
Thám hiểm đường bộ không phải một bước nhảy mạo hiểm của tập thể, mà là một chuyến đi vất vả cực nhọc của cá nhân. Thế mà đã có một ít người tiên phong làm cuộc hành trình gian nan này và mở đường từ châu Âu đi đến Cathay (= Trung Hoa).
Người châu Âu đã từ lâu được nghe nói đến những truyền thuyết về một phương Đông bí ẩn. Một ít người đã được thưởng thức những món xa hoa kỳ lạ từ phía bên kia trái đất - lụa mịn của Trung Hoa và kim cương lấp lánh của Golconda. Trong những căn phòng trải thảm đất tiền từ Ba Tư, họ có những bữa tiệc với những món ăn có gia vị đem từ Ceylon và Java và giải trí hàng giờ với những quân cờ tướng làm bằng ngà của Xiêm La.
Nhưng những nhà buôn của Venice, Genoa, hay Pisa từng phát đạt nhờ việc buôn bán những thứ vật dụng của phương Đông xa lạ này lại chưa bao giờ được trông thấy ấn Độ hay Trung Hoa. Sự giao thương của họ với phương Đông là ở những cảng phía đông của biển Địa Trung Hải. Những mặt hàng quý của họ đã được đem đến bởi một trong hai con đường chính. Một là Con Đường Tơ Lụa huyền thoại, một đường bộ dọc suốt từ đông Trung Hoa sang Trung Á, đi qua Samarkand và Baghdad, cuối cùng dẫn tới những thành phố ven Hắc Hải hay tây Địa Trung Hải. Con đường thứ hai đi qua Biển Đông, Ấn Độ dương và Biển Ả Rập, rồi hoặc đi lên Vịnh Ba Tư đến Bastra, hay đi lên Biển Đổ để đến kênh Suez. Để đến được thị trường châu Âu, những hàng hóa này còn phải đi tiếp trên bộ, qua Ba Tư hay Syria hay qua Ai Cập. Trên cả hai con đường này, các lái buôn người Frank hay ý thường không thấy con đường nào từ các cảng Địa Trung Hải để đi tiếp lên hướng đông. Các lái buôn Hồi giáo sẵn sàng trao đổi hàng hóa với họ ở Alexandria, Aleppo hay Damascus, nhưng những người Thổ Hồi giáo không cho phép họ đi tiếp về hướng đông. Đây là Bức Màn Sắt của thời cuối Trung cổ.
Rồi bức màn ấy đã được kéo lên trong vòng chỉ có một thế kỷ, từ khoảng 1250 tới 1350 và đã có giao thông trực tiếp giữa châu Âu và Trung Hoa. Trong thời kỳ này, những lái buôn ý gan dạ đã không còn phải chờ cho những mặt hàng đặc sản của họ tới được Aleppo, Damascus, hay Alexandria. Bây giờ, họ tự mình đi thành từng đoàn qua Đường Tơ Lụa tới những thành phố ở ấn Độ và Trung Hoa. Cứ tưởng đây sẽ là khởi đầu cho một sự trao đổi liên tục và kéo dài để Đông và Tây làm giàu lẫn cho nhau, nhưng trong thực tế thời gian này chỉ là một giai đoạn mạo hiểm tạm thời, để rồi bức màn lại rớt xuống một cách nặng nề. Bóng tối lại tiếp tục phủ lên phần lớn lịch sử tầm nhìn của cả Đông và Tây thời cận đại. Nhiều thập kỷ nữa sẽ còn phải qua đi trước khi có cuộc khám phá đại dương để làm cho châu Âu một lần nữa lại có thể tiếp xúc với các bờ biển của ấn Độ và Đông Nam Á. Nhiều thế kỷ nữa sẽ còn phải qua đi trước khi người châu Âu lại được phép viếng thăm những hải cảng Trung Hoa và còn lâu nữa người châu Âu mới có thể đặt chân đến Trung Á và đất liền Trung Hoa.
Bức màn đã được kéo lên không phải nhờ những người lính viễn chinh châu Âu, cũng không phải do những thủ đoạn của các nhà chính trị châu Âu. Thật ngạc nhiên, việc mở đường vào Trung Hoa phải được kể là do công của những người Tartar, một tộc chủng Mông Cổ ở Trung Á. Là một mối đe dọa cho châu Âu thời Trung Cổ, những người Tartar này đã bị người châu Âu coi là những người dân cướp phá man rợ, qua những hình ảnh ghê sợ được mô tả về họ bởi những nhà văn châu Âu đã biết hay nghe nói về những cuộc thảm sát của người Tartar ở phương Tây. Nhưng trong những nhà văn châu Âu này, rất ít người đã tận mặt nhìn thấy một người Tartar và họ chẳng biết chút gì về những thành tích to lớn và vững bền của các thủ lãnh người Tartar của triều đại Khan.
Mông Cổ là một đế quốc rộng lớn, rộng gấp đôi đế quốc Rôma ở thời kỳ rộng lớn nhất. Genghis KHan và đoàn quân của ông từ Mông Cổ tràn xuống Bắc Kinh năm 1124. Trong một nửa thế kỷ sau đó, họ đã chiếm được hầu hết đông á, rồi đi ngược phía Tây qua Nga, đến tận Ba lan và Hungari. Khi Kublai Khan lên trị vì ở Mông Cổ năm 1259, đế quốc của ông đã trải rộng từ sông Hoàng Hà ở Trung Hoa tới vùng bờ sông Danube bên đông Âu và từ Siberia đến Vịnh Ba Tư. Triều đại Khan của Mông Cổ, từ Genghis Khan tới các con và cháu của ông - Batu Khan, Mangu Khan, Kublai Khan và Hulagu - là một trong số những triều đại tài ba nhất của các đế quốc lớn. Họ biết kết hợp tài năng quân sự, lòng dũng cảm, tài tổ chức hành chính và sự bao dung văn hóa hơn bất kỳ chế độ quân chủ nào ở châu Âu. Họ đáng có một chỗ đứng đáng kính trọng hơn và khác hơn với những gì mà các sử gia tây phương đã gán cho họ.
Con đường vào Trung Hoa đã không thể mở ra nếu không có những tài năng và thành tựu đặc biệt của những quân vương Mông Cổ và nhân dân của họ. Marco Polo đã tìm ra con đường đến Trung Hoa khi nào? Không có Marco Polo và những người khác kích thích trí tưởng tượng của người châu Âu để nóng lòng đến Trung Hoa, liệu sẽ có một Christopher Colômbô?
Năm 1241, một đoàn kỵ binh hùng hậu người Tartar đã tàn phá Ba Lan và Hungari, đánh bại một đạo binh người Đức và Ba Lan trong trận chiến Lignitz ở Silesia, trong khi một đoàn quân khác của họ đánh bại quân Hungari. Cả châu Âu kinh hoàng. Ở Biển Bắc, ngay cả những ngư dân can đảm nhất của Gothland và Friesland cũng khiếp sợ không dám ra đánh cá ở bờ biển Yarmouth quen thuộc của họ. Hoàng đế Roma Frederic II (1194-1250), người đã từng chiến thắng trong cuộc Thập tự chinh thứ sáu (1128-29) và đã chiếm được Giêrusalem và sau đó ký một hiệp định đình chiến mười năm với vua Hồi giáo của Ai Cập, nay sợ rằng dòng thác Tartar sẽ lan tràn khắp đế quốc Kitô giáo. Ông kêu gọi sự liên minh của vua Henry III, vua nước Anh và các vua khác để cùng chống lại quân Tartar, với hy vọng tiêu diệt quân Tartar. Giáo hoàng Grêgôriô IX tuyên bố một cuộc thập tự chinh mới chống lại quân Tartar. Nhưng vì có sự mâu thuẫn giữa Giáo hoàng với Frederick II, người đã hai lần bị vạ tuyệt thông, nên vua Hungari chỉ hứa suông mà không gửi quân đi. May thay, khi quân Tartar đang đạt được những thành công quân sự lẫy lừng nhất của họ thì họ nghe tin thủ lãnh Khan Okkodai của họ đã chết ở châu Á và vì thế họ phải vội kéo quân về nước.
Mặc dù có sự dè chừng của các vua Kitô giáo và những cuộc tàn sát người Ba Lan và Hungari của người Tartar, nhưng những người Tartar có thể là những đồng minh hùng mạnh chống lại người Hồi giáo và Thổ khi đó đang án ngữ con đường dẫn tới phương đông. Bởi vì quân Tartar, sau khi thành công trong những chiến dịch chống lại quân Ismailian ở bờ phía nam của biển Caspian, đã tiếp tục đi chinh phạt và chiến thắng Giáo chủ của Baghdad và Syria. Vị tướng người Tartar ở Ba Tư đã phái đặc sứ tới vua Lui IX của Pháp, lúc đó đang ở Cyrus trong cuộc thập tự chinh, để đề nghị sự liên minh và hợp tác. Nhưng các vua Kitô giáo và Giáo hoàng từ chối liên minh với những người không phải Kitô giáo. Họ muốn những thủ lãnh Khan phải được rửa tội trước khi chấp nhận liên minh. Phán đoán sai lầm này của những nhà lãnh đạo Kitô giáo đã có ảnh hưởng quyết định tới diện mạo tương lai của phần lớn châu Á. Sức mạnh của Hồi giáo lúc này đã bị suy yếu bởi những người Tartar, nhưng những nước châu Âu Kitô giáo không có phần đóng góp nào trong sự thành công này.
Những người Tartar bị coi là "man rợ" chỉ hành động mà không cần nhân dân một giáo điều nào, nhưng họ lại chính là người mở đường cho phương Tây đến với phương Đông. Với cuộc chinh phục Ba Tư, người Tartar đã đem lại một chính sách thuế má thấp của Mông Cổ, những con đường bảo đảm an ninh và tự do đi lại cho mọi người - và như thế họ đã mở ra con đường đi đến ấn Độ. Cuộc chinh phục Nga của họ mở đường sang Trung Hoa. Con đường lớn có tên là Đường Tơ Lụa, băng ngang châu Á, tuy đã có sự qua lại tấp nập từ nhiều thế kỷ trước, nhưng chỉ sau cuộc chinh phục của người Tartar, mới có người châu Âu đi lại qua đó. Những con đường Ai Cập, lúc này còn nằm trong tay Hồi giáo, vẫn cấm người châu Âu qua lại và hàng hóa đi qua đó phải chịu thuế quá nặng bởi những vua Mamluk Hồi giáo, khiến cho giá hàng hóa từ Ai Cập tới được Italia tăng lên gấp ba lần.