Việc đề cao Newton là một nghĩa cử hoàn toàn mới mẻ của thời cận đại, vì châu Âu đã học biết đề cao cái mới rất muộn. John Dryden đã nêu lên câu hỏi vào năm 1668, “Không phải hiển nhiên là một Thiên nhiên mới đã được tỏ lộ cho chúng ta sao?… không phải nhiều bí mật cao quí về quang học, y học, giải phẫu học, thiên văn học đã được khám phá, hơn là trong tất cả những thời đại dễ tin và lẩm cẩm từ Aristote đến nay sao?” Trong thời đại mới của các cuộc “mạc khải” này, mọi vinh dự sẽ được chất đầy lên con người nào được coi là người đầu tiên đã tỏ lộ ra một sự thật về thiên nhiên. Vì bây giờ máy in giúp nhanh chóng truyền đi tin tức về mỗi cuộc khám phá mới, nên đã giúp xác định được ai có quyền ưu tiên. Và quyền ưu tiên đã mang lại danh tiếng mà nó chưa từng có trước nay.
Các trung tâm văn hóa và các đại học thời xưa tại châu Âu đã được thiết lập không phải để khám phá cái mới mà để truyền lại một di sản. Ngược lại, Hiệp Hội Hoàng gia và các nghị trường khoa học khác, cùng với các hàn lâm viện khoa học ở Luân Đôn, Paris, Florence, Rôma, Berlin và những nơi khác, đã nhắm mục tiêu gia tăng kiến thức. Đó là những nhân chứng không phải do sự giàu sang của quá khứ mà là cho điều được Giám mục Sprat, chủ tịch Hội Hoàng gia gọi là “Thái độ tìm hiểu hiện tại của Thời đại này”.
Xưa kia, sở hữu một ý tưởng hay sự kiện có nghĩa là phải giữ nó bí mật cho riêng mình, có khả năng ngăn ngừa để người khác không biết được bí mật đó. Các bản đồ những lộ trình tìm kho báu được bảo mật và những dịch vụ bưu điện đầu tiên đã được thiết lập vì lý do an ninh của đất nước. Các thầy thuốc và luật sư giữ kín các kiến thức của họ bằng thứ ngôn ngữ bác học. Chính phủ giúp các phường ngành nghề loại trừ các kẻ vi phạm khỏi những bí mật nhà nghề. Nhưng sự xuất hiện của máy in đã làm cho việc giữ bí mật từ nay trở nên khó hơn bao giờ. Hơn nữa, ngành in đã thay đổi triệt để, thậm chí đã đảo ngược ý nghĩa của việc “sở hữu” một ý tưởng. Bây giờ việc xuất bản có thể tạo một nhãn hiệu cá nhân trên một sự kiện mới khám phá hay một ý tưởng mới.
Các nhà buôn và thợ thủ công cổ truyền đương nhiên nghi ngờ những cái mới, vì “họ thường có thái độ hẹp hòi vốn có của các nghiệp đoàn, thường có thói quen chống lại những người mới đến, coi họ như kẻ thù của những đặc quyền của mình”.
Khi tổ chức Hội Hoàng gia, Henry Oldenburg rất khôn ngoan đã nhìn ra ý nghĩa mới của quyền ưu tiên. Ông đã linh cảm rằng những thành viên có thể sẽ ngại gởi các khám phá của mình tới hội vì sợ người khác có thể cướp mất quyền phát minh của mình. Vì thế ông đã đề nghị “phải đề cử một người để phát hiện những kẻ ăn cắp tác phẩm và để xác nhận đúng tác giả của những phát minh”. Để bảo vệ quyền ưu tiên của những nghiên cứu còn đang tiến triển, Oldenburg quyết định rằng “khi một hội viên nào có một ý tưởng hay phát minh chưa được hoàn thành và muốn cất giữ nó trong một hộp niêm phong để gởi tới thư ký của hội cho tới khi nó được hoàn thành, điều này có thể cho phép, để bảo đảm tốt hơn những phát minh cho các tác giả của chúng”. Tiến bộ của khoa học có thể bị ám ảnh bởi bóng ma của quyền ưu tiên. Ngay cả nhà khoa học lỗi lạc nhất cũng có vẻ quan tâm nhiều đến quyền tác giả của mình hơn là tới việc chứng minh chân lý của các khám phá của họ.
Trước khi 30 tuổi và khi còn chưa có những khích lệ hay giải thưởng do sự nhìn nhận của công chúng, Newton đã vững vàng đi trên con đường dẫn tới những khám phá lớn của mình rồi. Đến năm 1672, ông đã hình thành lý thuyết vi phân làm cơ sở cho phép tính vi phân của ông, nhưng các nhà sách ở Luân Đôn thời ấy thường bị lỗ khi xuất bản những tiểu luận toán học nên không hăng hái xuất bản tác phẩm của ông. Tháng năm 1669 ông lần đầu tiên được công khai gia nhập cộng đồng các nhà khoa học khi ông đề nghị quyền sáng chế cho kính viễn vọng phản xạ của ông. Các kính viễn vọng mà Galileo và những người khác sử dụng đều là những kính viễn vọng phản xạ, sử dụng hai thấu kính để khuếch đại hình ảnh và đưa các tia sáng về một tiêu điểm. Nhưng những ống kính này phải rất dài và dễ bị quang sai màu. Trái lại kính viễn vọng của Newton không sử dụng thấu kính nhưng sử dụng hai gương lõm nên có thể làm ngắn hơn nhiều mà lại có khả năng khuếch đại mạnh hơn và không bị quang sai màu. Về sau, kính này còn có những ưu điểm khác nữa mà Newton chưa nghĩ tới.
Kính viễn vọng phản xạ có sự giới hạn tự nhiên về kích thước vì các thấu kính phải được giữ chắc ở đường riềm chung quanh và sức nặng của thấu kính tự nó dễ làm lệch hình dạng của nó. Nhưng các gương thì có thể được giữ chắc phía sau và vì thế gương có thể có kích thước lớn mà không bị lệch hình dạng. Chính Newton tự tay làm và tráng thủy các gương và dụng cụ làm gương để chế tạo kính viễn vọng của mình. Ông nói, “Nếu tôi nhờ người khác làm thứ này, tôi sẽ chẳng chế tạo được gì cả”. Kính viễn vọng phản xạ đầu tiên của ông, tuy chỉ dài 6 inch (= khoảng 15cm), nhưng có độ khuếch đại gấp 40 lần và ông khoe nó mạnh hơn cả một kính phản xạ dài 6 feet (= khoảng 180cm).
Qua từng nấc thang địa vị, Newton trở thành cố vấn, rồi đến năm 1703 trở thành chủ tịch - đúng ra là nhà độc tài - của Hội Hoàng gia suốt một phần tư thế kỷ cho tới lúc ông mất. Khi uy tín gia tăng, tính độc đoán của ông cũng tăng theo và ông không muốn để cho những người khác chia sẻ uy tín của những khám phá của mình. Những năm cuối đời, khi ông trở thành thần tượng của giới “Triết học” Luân Đôn, ông thường xuyên có những cuộc cãi vã cay đắng với những người cấp dưới và những ai có vẻ đe dọa vị trí độc tôn của ông.
Cuộc tranh chấp ngoạn mục nhất của thế kỷ trên sân khấu khoa học mới được phổ cập này là cuộc chiến của ông với đại triết gia Nam tước Gottfried Wilhelm von Leibniz. Thách đố lúc này là một giải thưởng tác quyền khoa học lớn nhất của thời đại - vinh dự của việc phát minh phép tính (calculus). Thời đó ít người hiểu phép tính là gì, thậm chí trong số các nhà khoa học. Nhưng vấn đề tranh chấp quyền ưu tiên thì ai cũng hiểu. Các người có học đều nhận ra rằng calculus là một phương pháp mới để tính toán tốc độ và sự thay đổi chuyển động và phép tính mang lại nhiều hứa hẹn cho việc tăng nhanh những công dụng của các dụng cụ khoa học và các dụng cụ đo lường. Chúng ta dù không phải chuyên gia về phép tính vẫn có thể hiểu rõ vấn đề tranh chấp quyền ưu tiên. Cuộc cãi vã về quyền ưu tiên, tuy không có tính chất xây dựng, nhưng đã giúp mở rộng thành phần công chúng quan tâm đến khoa học. “Phép tính vi phân” này là gì mà người ta lại thích thú cãi vã nhau trước công chúng như thế?
Đối thủ của Newton, Leibniz (1646-1716) cũng là một triết gia kiêm khoa học gia sâu sắc nhất của thời cận đại. Từ lúc 6 tuổi, cậu bé Leibniz đã ham thích đọc sách trong thư viện lớn của cha cậu, lúc đó làm giáo sư triết học đạo đức tại Đại học Leipzig và khi 14 tuổi cậu đã thông suốt các tác phẩm cổ điển. Trước khi 26 tuổi, Leibniz đã chế ra một chương trình cải cách luật pháp cho Đế quốc Thánh Rôma, sáng chế ta một máy tính và đã khai triển một kế hoạch để thuyết phục vua Louis XIV bỏ cuộc tấn công vùng Rhineland và thay vào là xây dựng kênh Suez. Năm 1673, khi ông đến thăm Luân Đôn trong một sứ vụ ngoại giao, ông gặp Oldenburg và được chọn làm Hội viên của Hội Hoàng gia. Các cuộc du hành của Leibniz tại châu Âu đã cho ông cơ hội gặp gỡ Huygens, Spinoza Malpighi và Viviani, học trò của Galileo. Ông cũng đã gặp nhà truyền giáo Dòng Tên Grimaldi khi ông này sắp sửa đi sang Bắc Kinh để trở thành nhà toán học trong Hoàng cung Trung Hoa.
Điều chủ yếu trong câu chuyện của chúng ta liên quan tới Leibniz là mối quan hệ lâu dài của ông với Hội Hoàng gia, lúc đầu rất hiệu quả, nhưng về sau trở thành tai hại. Thảm kịch tột đỉnh xảy ra với việc xuất bản năm 1712 bản tường trình chính thức của ủy ban tháng tám của Hiệp hội được chỉ định để giải quyết vụ tranh chấp quyền ưu tiên giữa Leibniz và Newton. Bối cảnh chỉ là một lời phàn nàn của Leibniz rằng ông bị lăng mạ bởi John Keill.