Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Khoa Học >> Những phát hiện về vạn vật và con người

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 50200 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những phát hiện về vạn vật và con người
Daniel J. Boorstin

P 14 - Chương 75

Khám phá thời tiền sử

Vào thế kỷ 18, khi Buffon kéo dài lịch sử thiên nhiên lên tới những thời đại xa xôi mịt mù, thì những người Kitô giáo ngoan đạo vẫn còn cho rằng niên biểu Kinh Thánh đặt cho khởi điểm của lịch sử là cuộc tạo dựng của Thiên Chúa mà giám mục Ussher xác định vào năm 4004 là quá hợp lý không thể phủ nhận. Đối với họ, tất cả dòng lịch sử của quá khứ bắt đầu từ vườn địa đàng và kéo dài xuống Jerusalem và được ghi lại đầy đủ trong Kinh Thánh. Các sự kiện thời cổ liên quan đến Kitô giáo đã chỉ xảy ra trong vùng Địa Trung Hải và di sản của loài người là di sản của Hi Lạp và Rôma.

Nhưng trước thời đại Kinh Thánh thì có gì? Ngày nay chúng ta có thể ngạc nhiên là có quá ít người Kitô giáo hỏi câu hỏi này. Nhưng đối với họ thì câu hỏi này vô nghĩa: Cái gì xảy ra trước lịch sử ư? Trước khi có cái gì khác thực sự xảy ra ư? Mãi đến giữa thế kỷ 19 từ vựng phương Tây mới có từ “thời tiền sử”. Trong khi đó những người trí thức châu Âu phần nào đã loại bỏ phần lớn quá khứ của trái đất khỏi toàn cảnh lịch sử của họ.

Nhưng như chúng ta đã thấy, những di vật cổ có một sức mạnh đặc biệt giúp người ta hiểu biết quá khứ. Nhưng những di vật chôn vùi ở Rôma và Hi Lạp chỉ đơn giản cho chúng ta thấy một quá khứ quen thuộc nhờ kho văn chương thánh hay cổ điển. Việc khám phá thời tiền sử phải trở ngược lên xa hơn các tài liệu bằng chữ viết và phải mở rộng những chiều kích của lịch sử loài người.

Một loạt những sự kiện tình cờ đã dành vai trò lãnh đạo trong cuộc khám phá này cho một doanh nhân Đan Mạch, Christian Jurgensen Thomsen (1788-1865). Ông không có kiến thức bác học của một Scaliger hay thiên tài toán học của một Newton, ông chỉ là một nhà nghiệp dư đam mê. Nhưng sự đam mê các đồ vật quý hiếm được kèm theo một tài năng đánh thức sự tò mò của công chúng đối với các viện bảo tàng. Ông sinh tại Copenhagen, là con cả trong sáu người con của một chủ đóng tàu phát đạt và vì thế ông được đào luyện để trở thành doanh nhân. Tình cờ ông quen biết gia đình một lãnh sự Đan Mạch từng làm việc tại Paris trong thời Cách Mạng Pháp và ông này đã đem về những sưu tập quý mua được từ những nhà quý tộc hốt hoảng trong thời kỳ cách mạng. Khi cậu bé Thomsen mới chỉ 15 tuổi, trong khi giúp gia đình này thu xếp những đồ vật cổ, cậu được tặng một ít đồng tiền cổ để bắt đầu sưu tập của mình và đến năm 19 tuổi, cậu đã là một nhà sưu tầm tiền cổ đáng nể rồi. Năm 1807, khi chiến thuyền Anh đánh bom cảng Copenhagen để chống lại Napolêon, các tòa nhà bốc cháy và Thomsen đã tham gia toán chữa cháy. Làm việc suốt đêm, Thomsen đã cứu được những đồng tiền cổ trong căn nhà bị cháy của một nhà sưu tập hàng đầu thời đó và đã đưa an toàn về Kho Lưu Trữ Đồ Cổ Hoàng Gia.

Kho Lưu Trữ Đồ Cổ Hoàng Gia ở Copenhagen vừa mới được thiết lập, nên các đồ cổ được chở tới đủ loại do các công dân có tinh thần chung hiến tặng. Các đồ cổ nhiều quá khiến viên thư ký ủy ban đặc trách kho lưu trữ này không thể nào cáng đáng nổi. Thế là cơ hội đã đến với Thomsen, lúc đó đã 27 tuổi và đã nổi tiếng vì những bộ sưu tập tiền cổ rất đáng giá. Thomsen được chọn vào ủy ban với chức vụ thư ký không ăn lương và không được quyền bỏ phiếu.

Những kệ tủ phủ đầy bụi của nhà kho bây giờ chất đầy những thứ đồ cổ không phân biệt được loại nào ra loại nào. Thomsen làm sao xếp trật tự được? Ông thú nhận, “Tôi chưa hề có kinh nghiệm gì để biết cách lấy cái gì làm tiêu chuẩn phân loại”. Ông cũng không có tiền thuê giáo sư dạy cho cách phân loại bài bản. Thế là ông phải sử dụng phán đoán thông thường đã học được tại nhà kho đóng tàu của cha ông. Ông mở các hộp đồ cổ, trước tiên phân chúng thành những đồ bằng đá, bằng kim loại và bằng gốm. Rồi ông lại chia nhỏ chúng ra theo những công dụng của chúng như làm vũ khí, dụng cụ, đồ đựng thức ăn, hay những đồ thờ. Ông không có sách vở gì cả, chỉ nhìn vào những đồ vật, rồi tự đặt những câu hỏi mà những khách tham quan viện bảo tàn thường hỏi khi nhìn thấy những đồ vật đó lần đầu tiên.

Khi Thomsen khai trương viện bảo tàng cho công chúng năm 1819, các khách tham quan thấy những vật cổ được chia thành ba khu. Khu thứ nhất chứa những đồ bằng đá; khu thứ hai, đồ đồng; khu thứ ba, đồ sắt. Làm công việc phân loại này trong viện bảo tàng đã gợi ý cho Thomsen đặt câu hỏi là những đồ vật làm bằng những nguyên liệu giống nhau có thể là những di vật của cùng một thời đại. Theo cái nhìn nghiệp dư của anh, hình như những đồ vật bằng đá có thể cổ hơn những đồ vật bằng sắt. Và anh chia sẻ những ý tưởng này của mình với những nhà nghiên cứu đồ cổ chuyên nghiệp.

Thomsen không được học hành nhiều để có thể diễn tả những ý tưởng của mình thành những hệ thống sách vở hấp dẫn. Ông quan tâm tới những đồ vật hơn là những từ ngữ. “Có quá nhiều sách rồi”, ông phàn nàn như thế và ông không thích viết thêm một cuốn nữa. Tuy nhiên năm 1836, ông cũng đã soạn một cuốn hướng dẫn thự hành Hướng Dẫn về Đồ Cổ Scandinavi, trong đó ông phác họa Hệ Thống Ba Thời Đại của ông, sẽ trở thành nổi tiếng. Đây là sách duy nhất ông viết ra, được dịch sang tiếng Anh, Pháp và Đức và phổ biến khắp châu Âu. Cuốn sách này đã trở thành một lời mời gọi người ta đi vào “Thời Tiền Sử”.

Thomsen cho thấy phải học biết bao nhiêu điều, không phải chỉ từ những bức tượng cổ diễn tả cái đẹp lý tưởng của Winckelmann, mà còn từ những dụng cụ đơn giản và những vũ khí thô sơ của những con người tiền sử vô danh. Ông mở sưu tập của mình cho mọi người tự do xem, giải thích sống động về nếp sống thường ngày của những con người trong quá khứ xa xăm. Là người ăn nói giỏi, ông thường giấu một vật gì hay hay phía sau đuôi áo của mình, rồi bất ngờ rút nó ra vào lúc ông kể trong câu truyện mà vật đó - một dụng cụ bằng đồng hay một vũ khí bằng sắt - lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử.

Lần theo những gợi ý của Thomsen, các nhà khảo cổ học đã khám phá và tìm hiểu những đống rác của quá khứ. Con đường đi vào lịch sử của chúng không còn chỉ chạy qua những lăng tẩm đầy vàng của vua chúa thời cổ, mà còn qua cả những đống phân chôn vùi dưới nhà bếp.

Việc khai quật đầu tiên những nguồn không mấy triển vọng này là do một học trò của Thomsen, Jens Jacob Worsaae (1821-1884). Mới 15 tuổi, Worsaae đã là phụ tá cho Thomsen ở viện bảo tàng và trong bốn năm sau đó đã qua những kỳ nghỉ hè với việc đào bới những gò đất xưa Justland với hai công nhân được cha mẹ cậu trả tiền. Năm 1840, khi mới 18 tuổi, cậu đã sử dụng khoa địa tầng học và những chứng cớ thực địa của các gò đất và các bãi than bùn ở Đan Mạch để viết một bài báo xác nhận lý thuyết Ba Thời Đại của Thomsen và xác định các đồ vật tiền sử thuộc các Thời Đồ Đá, Thời Đồ Đồng và Thời Đồ Sắt. Mười hai năm sau, năm 1853, nhà khảo cổ học Thụy Sĩ Ferdinand Keller (1800-1881), khi thám hiểm những vùng có người ở của Hồ Zurich, đã kết luận rằng “tại Thụy Sĩ, ba thời đồ đá, đồng và sắt cũng tồn tại giống như ở Scandinavi”.

Hiển nhiên những nhà nghiên cứu tiên phong về thời Tiền sử này gặp phải một số khó khăn. Làm thế nào có thể kéo dài kinh nghiệm của loài người để lấp đầy cái quá khứ của trái đất mà Buffon và các nhà địa chất học cho là vô cùng xa xưa chứ không phải theo như giám mục Ussher cho là trái đất bắt đầu năm 4004 trước C.N. Và rồi còn có những vấn đề do chính những nhà địa chất học ngày nay tạo ra khi họ cho thấy rằng miền Bắc châu Âu đã từng phủ đầy băng giá trong khi những người thời Đồ Đá đang sống trong những hang ở miền Nam châu Âu. Muốn phối hợp những sự kiện này với nhau, cần phải có một lối phân tích tinh vi hơn về quá khứ nguyên thủy của loài người. Nếu người thời Đồ Đá ở miền Nam châu Âu chỉ tiến lên phía Bắc sau khi hết thời kỳ băng giá, thì ba thời kỳ lớn đã xuất hiện vào những thời gian khác nhau tại những vùng khác nhau.

Muốn làm cho hệ thống Ba Thời Đại ăn khớp với quá khứ của toàn thể loài người ở châu Âu không phải chuyện dễ. Thời Đồ Đá theo Thomsen được đặc trưng bằng những đồ thủ công bằng đá mài nhẵn mà người ta muốn gửi đến cho viện bảo tàng như là những đồ cổ. Trong khi đó, Worsase, khi đào bới ở công trường, lại gợi ý rằng Thời Đồ Đá trải dài hơn nhiều và xa xưa hơn là những gì mà các dụng cụ được mài nhẵn đó đặc trưng. Tại những khu vực được đào bới, mỗi một vật tìm thấy có thể được nghiên cứu không phải như những vật cổ riêng biệt nhưng như một thành phần trong toàn thể những di tích của cộng đồng con người thời Đồ Đá. Và những đồ vật này có thể gợi ý cho thấy có những cộng đồng thời Đồ Đá khác trên thế giới.

Worsase đã trở thành giáo sư khảo cổ học ở Copenhagen và sau đó kế vị Thomsen làm giám đốc viện bảo tàng. Ông thường được gọi là “nhà khảo cổ học chuyên nghiệp đầu tiên”. Không phải qua những đống di vật của một lịch sử gần, nhưng là trong bóng tối sâu thẳm của những thời nguyên thủy xa xưa mà con người có thể khám phá ra lần đầu tiên “tính phổ quát” của lịch sử. Khám phá lần đầu tiên về cộng đồng của mọi kinh nghiệm loài người trong những thời đại và những thời kỳ đã được thực hiện khi người ta chia “tiền sử” thành ba thời đại: Đồ Đá, Đồ Đồng và Đồ Sắt. Và khi Worsase khai thác những ranh giới giữa ba thời đại, ông bắt đầu nêu lên một số câu hỏi sâu xa. Một trong những câu hỏi này, vẫn còn được các nhà nhân chủng học nêu lên: phát minh độc lập hay một sự lan truyền văn hóa ?

Khái niệm do những nhà tư tưởng táo bạo từ Buffon tới Darwin cho rằng loài người đã xuất hiện từ lâu trước ngày tạo dựng theo Kinh Thánh là năm 4004 ttr.C.N. đã từng gây bối rối cho nhiều người, nay đã bắt đầu được cộng đồng khoa học chấp nhận. Nhưng cái quá khứ xa thăm thẳm của con người đã trở thành phổ biến không phải do một lý thuyết cho rằng nhờ khám phá ra cả một khối lượng mênh mông các đề tài không thể chối cãi, một lục địa đen mới của thời gian: thời tiền sử. Mang tính thuyết phục mạnh hơn một lý thuyết, các đồ dùng do con người tạo ra đã tự chúng làm chứng cho một niên biểu của tiền sử xác nhận sự tiến hóa của văn minh nhân loại.

Ba Thời Đại, ba thời kỳ phổ quát của tiền sử, giúp chúng ta dễ dàng hơn để hình dung ra những thời kỳ khác vượt lên trên một thành phố, một miền, hay một quốc gia. Bằng cách xác định những vĩ độ của lịch sử, con người đã mở rộng cái nhìn của mình về quá khứ và hiện tại của thế giới. Việc phát minh ra những “Kỷ nguyên”, “Thời kỳ”, “Thời Đại” lịch sử lớn vượt lên trên những biên giới chính trị tạo cho thời gian một sức chứa rộng đủ để bao gồm mọi sự kiện của các cộng đồng văn hóa, nhưng đồng thời cũng nhỏ vừa đủ để có một định nghĩa thuyết phục. Ít có khái niệm nào khác hiệu quả hơn để đưa nhân loại ra khỏi lối suy nghĩ địa phương như thế. Từ nay các nhà sử học hiện đại sẽ phải dựa theo các Thời Đại, tập trung cái nhìn của mình vào những tập hợp kinh nghiệm của quá khứ - Thời Hi Lạp rực rỡ, Thời Trung Cổ, Thời Phong Kiến, Thời Phục Hưng, Thời ánh Sáng, Thời Công Nghệ Mới, Thời Tư Bản, v.v...

Những khái niệm này đối với thời gian cũng tương đương với khái niệm về “loài” đối với thiên nhiên, là một cách để phân loại kinh nghiệm hầu có thể làm nó trở nên hữu dụng. Chúng là những đơn vị phân loại của lịch sử. Đương nhiên, cũng như “loài”, những tên gọi này có thể bị sử dụng như những sự vật, tên của một “thời kỳ” có thể một cách nào đó chi phối sự cắt nghĩa các biến cố. Thế nhưng, suy nghĩ theo các thời đại có nhiều ích lợi vượt quá những nguy hiểm của nó. Chúng là những dụng cụ thuận tiện để liên kết thành các tập hợp của con người, sự kiện, thành tựu và tổ chức, để làm cho những gì tản mạn trong quá khứ có một trật tự.

Hai định đề lớn phát sinh khi bàn đến thời Phục Hưng đã định hình cho lối suy nghĩ trong tương lai về vai trò của con người trong lịch sử. Thứ nhất là niềm tin rằng mỗi thời đại đều tỏa ra một tinh thần trỗi vượt - tinh thần của thời đại - giúp làm phát sinh một số khái niệm và cơ chế. Thứ hai, trong những giới hạn này, con người có khả năng để làm nên lịch sử. Con người Phục Hưng làm nên thời Phục Hưng. Và như Burchkhardt giải thích, nếu họ đã làm nhà nước thành “một công trình nghệ thuật”, thì trong những thời đại sau, con người cũng có thể thành tựu những điều tuyệt diệu chưa từng có.

Việc khám phá thời tiền sử được phát sinh từ một cố gắng sắp xếp các đồ vật của một quá khứ xa xăm vào một trật tự dễ hiểu. Người ta không bao giờ biết rõ một chiếc rìu bằng đá đã được làm ra khi nào và do ai, nhưng có vẻ như người ta không hề có sự mơ hồ như thế về tư tưởng con người.

<< P 14 - Chương 74 | P.14 - Chương 76 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 915

Return to top