Các tín đồ Hồi giáo đã quan niệm cuộc chinh phục thế giới của họ như là một trong những phép lạ của Đấng Allah và họ phần nào có lý. Tôn giáo và Sách Thánh của họ lan tràn khắp thế giới mà hầu như không cần sự trợ giúp của máy in. Hồi giáo là một tôn giáo của Lời Thánh, đã không hề trở thành một nền văn học của sách in. Việc những nhà lãnh đạo Hồi giáo từ khước máy in cũng giúp cắt nghĩa nhiều đặc tính của thế giới nói tiếng Ả Rập ngày nay.
Vào cuối thế kỷ 20, tiếng Ả Rập là ngôn ngữ hằng ngày của hơn 20 triệu người - từ bờ Địa Trung Hải của Bắc Phi sang phía đông tới Vịnh Ba Tư. Là ngôn ngữ địa phương dùng nhiều thứ năm trên thế giới, nó vẫn còn là ngôn ngữ thánh của 400 triệu người Hồi giáo trên mọi lục địa. Từ lâu trước khi có những tiếng Anh, Pháp, Đức Tây Ban Nha, hay Ý, ấy là chưa nói đến những nền văn học ấy, đã có một nền văn học phong phú bằng tiếng Ả Rập, với những tác phẩm có giá trị vững bền về thi ca, lịch sử, y khoa, thiên văn và toán học. Giấy là điều kiện thiết yếu của máy in thời mới, như chúng ta đã thấy, đã đến với châu Âu thông qua những người Ả Rập. Nó được chế tạo tại Baghdad năm 793 dưới triều Giáo chủ Harun al - Rashid nổi tiếng với Nghìn Lẻ Một Đêm, sau đó được người Ả Rập đưa qua Tây Ban Nha hồi thế kỷ 14 và từ đó đi vào nước Ý, Pháp và Đức.
Tiếng Ả Rập là một ngôn ngữ có mẫu tự, nên chúng ta có thể hình dung rằng nó phải rất thích hợp cho máy in với khuôn chữ di động. Tuy một số con chữ biến đổi dạng tùy theo vị trí của nó trong một từ, việc viết tiếng Ả Rập chỉ cần đến 28 con chữ rất dễ chép lại. Không giống chữ Tàu, chữ Ả Rập không có những hình tượng rắc rối. Thế nhưng, cho dù có tất cả những thuận lợi kể trên, cộng với niềm tôn kính huyền bí đối với lời viết thành văn, thế giới Ả Rập vẫn từ khước những cơ hội của máy in.
Nguồn gốc nguyên thủy của tiếng Ả Rập cổ điển là một thứ tiếng được nói bởi những bộ lạc miền Bắc bán đảo Ả Rập ngay từ thế kỷ 16, lúc đó nó đã sản xuất ra một số bài thơ dài hùng hồn nhất. Hồi đó, sức mạnh đặc biệt của tiếng Ả Rập đã được thấy rõ - giàu tiết tấu và âm vận, lối diễn tả thành ngữ Bedouin hiệu quả, cùng với tất cả một kho thi luật và vận luật độc đáo. Các thủ lãnh bộ lạc quê mùa cũng là những nhà bảo trợ cho thi ca và những thi sĩ nổi tiếng được các “đồ đệ” đi theo trên khắp sa mạc để học tài kể chuyện và những người này sẽ trở thành những thi sĩ thực thụ. Kinh Koran đã áp đảo ngôn ngữ Ả Rập với một chiến thắng lẫy lừng chưa từng có. Được mạc khải từng phần cho Môhamét (570-632) trong đời sống của ngài tại Mecca và Medina, bản văn thánh của Kinh Koran đã được quy định năm 625 dưới thời giáo chủ Uthman dựa trên sưu tập của viên thư ký của Nhà Tiên Tri. Để lập bản văn chính thức này, giáo chủ Uthman đã cho thiêu hủy mọi bản văn khác.
Từ đó ngôn ngữ Ả Rập “cổ điển” là ngôn ngữ của Thượng Đế. Không một ngôn ngữ lớn nào khác lại được thống trị bởi một quyển sách duy nhất này. Kinh Koran, theo giáo lý Hồi giáo chính thống, tuy được mạc khải cho Nhà Tiên Tri Môhamét như lời của Thượng Đếm nhưng không phải do Thượng Đế “dựng nên”. Người Hồi giáo tin rằng bản văn của loài người là để họa lại một bản gốc vĩnh cửu “tự có” trên trời và vì thế nó là bản văn độc nhất vô nhị về tính thần linh của nó và sự vĩnh cửu của nó. Truyền thống kể lại rằng khi nhà chinh phục Alexandria người Hồi giáo tên là Amr ibn al-As (chết 663) tiến vào Alexandria năm 642, ông đã hỏi giáo chủ Omar (581-644) mình phải làm gì với tất cả những sách ở Thư viện Alexandria. Giáo chủ trả lời, “Nếu những gì viết trong những sách đó phù hợp với Sách của Thượng Đế, chúng không cần thiết; nếu chúng không phù hợp, chúng không được mong muốn. Vì vậy, hãy đốt hết chúng đi”. Bất chấp lời khuyên thánh này, hình như nhà chinh phục đã không đốt bỏ thư viện.
Ngôn ngữ Ả Rập đã được ấn định trong Kinh Koran. Nhà Tiên Tri nói, “Người ta yêu người Ả Rập vì ba lý do. Tôi là người Ả Rập; Kinh Koran viết bằng tiếng Ả Rập; và trên thiên đàng người ta nói tiếng Ả Rập”. Tiếng Ả Rập không chỉ là ngôn ngữ truyền đạt tôn giáo, mà còn là ngôn ngữ nguyên thủy của toàn nhân loại, được Thượng Đế ban cho Adam và Adam là người đầu tiên viết tiếng Ả Rập trên đất sét. Vì vậy, dù cho người ta nói tiếng gì trong đời sống hằng ngày tại địa phương, kinh nguyện dâng lên Thượng Đế khắp nơi phải bằng tiếng của Người, là tiếng Ả Rập. Chính vì vậy người Hồi giáo trên khắp thế giới sử dụng tiếng Ả Rập để cầu nguyện năm lần mỗi ngày: Khi một đứa trẻ sinh ra, người ta thì thầm vào tai nó kinh tuyên xưng Hồi giáo (dĩ nhiên bằng tiếng Ả Rập: Lailah allah; Muhammad rasul allah). Đây phải là những lời đầu tiên đứa trẻ học nói và những lời cuối cùng trên môi một người hấp hối.
Vì thế không lạ gì bắt chước văn phong của Koran là hành vi phạm thánh. Trong Hồi giáo người ta tin rằng kinh Koran không thể dịch được và nghiêm cấm dịch kinh này. “Bản dịch” Kinh Koran, nếu do một tín đồ làm, thì chỉ được mang ý nghĩa của việc chú giải hay giản lược thôi. Vì vậy, Mohammed Marmaduke Pickthall đã viết tựa đề bản dịch tiếng Anh của ông là The Meaning of the Glorious Koran (ý nghĩa của Kinh Koran Vinh Quang).
Vì tất cả khoa học chỉ là sự giải thích Kinh Koran, cho nên mối lo phạm thánh và lạc giáo đã ngăn cản sự phát triển của máy in trong thế giới Hồi giáo suốt nhiều thế kỷ...
Người Hồi giáo phải trả giá đắt cho việc tôn sùng ngôn ngữ thánh của họ. Ngay trong thế giới nói tiếng Ả Rập, người Hồi giáo sống trong một cộng đồng hai ngôn ngữ.“Tiếng Ả Rập cổ điển” trở thành ngôn ngữ văn học duy nhất của thế giới Ả Rập và là ngôn ngữ viết chính thức do kinh Koran quy định. Các ngôn ngữ nói Ả Rập mới phát triển theo những con đường riêng để trở thành những nhóm thổ ngữ Ả Rập phương Đông, phương Tây và phương Nam.
Chính vì kinh Koran được mạc khải bằng tiếng Ả Rập không thể được “dịch” sang một ngôn ngữ nào khác, nên các tín đồ chỉ có thể truyền lại bản văn bằng quyển viết tay nguyên thủy đã được các môn đệ của Nhà Tiên Tri sử dụng. Nhưng chúng ta đã thấy, người Trung Hoa và sau đó người Triều Tiên và Nhật Bản đều đã phấn khởi dùng máy in để in các kinh điển của họ. Ở phương Tây, máy in cũng mau chóng trở thành phương tiện chuyển tải văn học và kiến thức khắp châu Âu. Trong Kitô giáo, Giáo Hội Cải Cách Tin Lành cũng đã sử dụng tất cả lợi thế của việc in sách. Nhưng trong thế giới Hồi giáo rộng lớn và đang phát triển, thì không có sự kiện giống như thế. Vì tất cả khoa học chỉ là sự giải thích Kinh Koran, cho nên mối lo phạm thánh và lạc giáo đã ngăn cản sự phát triển của máy in trong thế giới Hồi giáo suốt nhiều thế kỷ.
Không lạ gì kinh Koran bằng tiếng Ả Rập đã được in ở châu Âu nhiều năm trước khi được in trong thế giới Hồi giáo. Không đầy một thế kỷ sau khi cuốn Kinh Thánh của Gutenberg xuất bản, kinh Koran bằng tiếng Ả Rập đã được xuất bản ở Venice năm 1530.
Nhà máy in đầu tiên được thiết lập trong thế giới Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ một sứ giả từ bên ngoài thế giới Hồi giáo, một người gốc Hungary tên là Ibrahim Muteferrika (1670-1745). Khi là một sinh viên 20 tuổi ở Transylvania, chàng thanh niên này bị người Thổ bắt và bị cầm tù trong cuộc xâm lăng Đông Âu của họ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cậu rơi vào tay một ông chủ tàn bạo và để thoát cảnh nô lệ, cậu đã theo đạo Hồi. Cậu mau chóng thành thạo nền văn học của quê hương mới, gia nhập giới ngoại giao và được cử làm đại sứ tại các vương quốc Đông Âu và Ukraina. Rất mê say khoa học, ông đã nhận ra rằng máy in có thể mở đường cho sự tiến bộ và ông đã thử làm một mẫu in bằng cách khắc một khuôn in gỗ cho bản đồ Biển Marmara năm 1791.
Trong 8 năm trời ông tìm cách thuyết phục vua Thổ Nhĩ Kỳ cho phép ông mở một nhà in. Năm 1727 Muteferrika đã nhận được chỉ dụ của nhà vua cho phép mở nhà máy in. Đây là nhà máy in đầu tiên trong một nước Hồi giáo.
Trong phần còn lại của thế giới Hồi giáo, sự phản kháng đối với máy in và sự hoài nghi về sản phẩm của máy in vẫn tồn tại. Người Hồi giáo đã đưa ra những lý do khác nhau, như là khó dùng mẫu tự Ả Rập để in tiếng Thổ hay các tiếng khác của thế giới Hồi giáo. Và họ cũng sợ rằng bàn chải lông heo dùng để chải khuôn chữ có thể chạm vào tên của Allah.
Câu chuyện về máy in ở nước Hồi giáo Ai Cập cũng tương tự như thế. Khi Napoleon đến Ai Cập năm 1798, hồi đó vẫn chưa có máy in, cũng không có tờ báo nào. Chỉ có những người rao tin đứng trên các tháp cao la to để loan các tin tức. Dọc sông Nil cũng có một lớp người đặc biệt báo động cho dân chúng biết mỗi khi nước sông bắt đầu tràn lên và thỉnh thoảng rao các mục tin tức. Trên đường chinh phạt qua đất Ý, Napoleon đã cướp những máy in của Vatican và mang theo sang Ai Cập. Ông cũng mang theo 3 thợ xếp chữ và ba thợ in từ Ý, cùng với 18 thợ in khác từ Pháp. Napoleon đặt tên cho nhà máy in là Nhà In Hải Quân, đặt trên tàu của bộ chỉ huy của ông. Trên biển, máy in này in những lệnh của Napoleon cho quân đội, cùng với những bản dịch bằng tiếng Ả Rập các lời tuyên bố của ông để các tù nhân Malta mang đi phân phát.
Napoleon đã đặt nhà in tại nhà của phó lãnh sự Venice ở Alexandria. Nhà in này được đặt tên lại là Imprimerie Orientale et Francaise, trong một ngày nó đã in ra thêm bốn trăm bản bằng tiếng Ả Rập lời tuyên bố của Napoleon. Napoleon đích thân lưu ý đến nhà in.
Trong ba năm ngắn ngủi tại Ai Cập, với sự trợ giúp của các nhà máy in của mình, Napoleon đã mở ra một kỷ nguyên mới trong đời sống tri thức của Ai Cập. Từ những nhà máy in của ông, ông đã cho in ra hàng loạt những báo cáo hành chính và những loại thông tin hỗn hợp. Tờ nhật báo đầu tiên tại Ai Cập là tờ Décade Egytienne của ông, in bằng tiếng Pháp và đưa những tin tức từ châu Âu, những mục điểm sách và các cuộc hòa nhạc, quảng cáo và thi thơ, cùng với những bài viết về phong tục tập quán và những ngày lễ nghỉ Ai Cập và về mực nước thủy triều hàng năm của sông Nil. Napoleon cũng có dự tính ra một nhật báo tương tự bằng tiếng Ả Rập.
Khi Napoleon bị buộc rời khỏi Ai Cập, ông mang theo những máy in về với mình. Tình trạng thiếu máy in ở Ai Cập đã tạo những trở ngại ghê gớm cho việc giáo dục cộng đồng. Cho tới giữa thế kỷ 19, các sách giáo khoa vẫn chỉ là những sách chép tay. Nhà cai trị Ai Cập sau Napoleon là Muhammad ‘Ali (1769-1849), người lên nắm quyền vào năm 1811, tuy không biết đọc biết viết cho tới khi 40 tuổi, nhưng ông đã cử những phái đoàn đi học kỹ thuật giáo dục phương Tây, dịch các sách phương Tây và học nghề in. Đến năm 1820, ông cho nhập khẩu những máy in và đã có một nhà in của chính phủ tại Balaq, bên ngoài Cairo. Cuốn sách in đầu tiên của ông là cuốn từ điển Ý - Ả Rập, được in năm 1822 và sau đó ông còn in những sách cho các học viện quân sự của ông, cho một trường y khoa và một trường âm nhạc. Giữa nhiều việc cải cách của Muhammad ‘Ali, ngành in là việc cải cách mạnh nhất và lâu bền nhất.
Phải mất nhiều thế kỷ nữa Muhammad ‘Ali và những người kế vị ông mới có thể chinh phục được nỗi sợ của Hồi giáo đối với máy in. Thực ra ông đã in một ấn bản kinh Koran năm 1833, nhưng khi ông mất năm 1849, các giáo sĩ Hồi giáo đã thuyết phục người kế vị ông là Abbas Pasha (1822-1863) để phong tỏa mọi bản in và cấm lưu hành. Chỉ sau này, dưới thời Said Pasha (1822-1863) những sách này mới lại được phép lưu hành lại. Cuối cùng, đến năm 1925 bản kinh Koran chính thức đầu tiên mới được xuất bản bởi chính quyền Ai Cập. Nhưng cả bản in này và những bản in cuối thế kỷ 20 tại các nước Hồi giáo khác vẫn chưa được in bằng khuôn chữ kim loại di động. Ngược lại, chúng được in bằng khuôn gỗ hay bằng thạch bản, để cho thấy giống với những bản chép tay. Ấn bản mới nhất của kinh Koran là do người Pakistan, in bằng tiếng Anh và với khuôn chữ di động, nhưng nhà xuất bản đã cẩn thận giải thích rằng bản văn Ả Rập được “in từ những khuôn chụp lại” trình bày nét “chữ viết của Pir ‘Abdul Hamid, mà tôi có hân hạnh tiếp xúc và là người đã đáp ứng của tôi về sự chính xác”.