Kinh nghiệm không hề lầm lẫn, chỉ có phán đoán của chúng ta sai lầm khi tự hứa hẹn cho mình những kết quả mà không phải do kinh nghiệm tạo ra. - Leonardo da Vinci (1510).
Một nhà tiên tri ngông cuồng mở đường
Tại châu Âu ở thế kỷ 16, nhận thức thông thường và sự hiểu biết của dân gian, như đã che mắt con người trước các vì sao, thì cũng đã che khuất cái nhìn của con người về chính mình và cản trở công việc tìm hiểu cơ thể con người. Nhưng không giống với thiên văn, giải phẫu con người là một môn mà không một ai có thể trốn tránh một sự hiểu biết trực tiếp nào đó. Tại châu Âu, sự hiểu biết về cơ thể con người đã được mã hóa và được dành riêng cho sự trông coi của một giới độc quyền có thế lực và uy tín. Được cất giữ bằng những ngôn ngữ bác học (Hi Lạp, La tinh, ả Rập và Híp-ri), kiến thức trong lãnh vực này là sở hữu riêng của những người tự xưng mình là những bác sĩ cơ thể học. Còn việc đụng chạm tới thân thể để điều trị hay mổ xẻ thì là một lãnh vực thuộc một giới khác gần giống như giới mổ súc vật và đôi khi gọi là những nhà phẫu thuật thợ cạo.
Mãi đến khoảng năm 1300 cơ thể con người mới được mổ xẻ để dạy và học giải phẫu học. Vào thời ấy, mổ xẻ tử thi là một công việc đặc biệt ghê tởm. Vì không có hệ thống ướp lạnh, nên cần phải mổ xẻ những bộ phận dễ hư trước - bắt đầu là ổ bụng rồi đến lồng ngực và sau cùng là đầu và các chi. Một cuộc mổ xẻ thường phải làm vội vàng và liên tục trong khoảng bốn ngày đêm và thường ở ngoài trời.
Các bác sĩ cơ thể học giữ những bí mật của mình rất kỹ bằng những ngôn ngữ mà bệnh nhân không thể đọc được. Không lạ gì họ chiếm được một uy tín rất lớn về trí thức và sự nể sợ vì tính cách huyền bí.
Hiển nhiên con đường dẫn tới y học hiện đại không thể được mở ra bởi bất kỳ giáo sư lỗi lạc nào. Cần phải có một con người khoáng đạt, giàu tưởng tượng, một con người táo bạo. Con người này phải dùng ngôn ngữ địa phương và không chỉ nói mà phải la to.
Paracelsus (1493-1541) là con người bị nghi ngờ ở thời mình và không bao giờ mất tiếng xấu là một tay lang băm.
“Paracelsus” là biệt danh mà ông đã giữ lại trong lịch sử, tự nó cũng là một điều bí nhiệm. Tên thật của ông là Theophrastus Philippus Aureolus Bombastus von Hohenheim. Ông sinh ở miền đông bộ Thụy Sĩ, cha ông là một thầy thuốc và mẹ ông là một người giúp việc trong một nhà dòng Biển Đức ở Einsiedelm. Mẹ ông qua đời năm ông chín tuổi và cha ông dời gia đình về một làng hầm mỏ ở Carinthia nước Áo, là nơi ông lớn lên. Việc giáo dục của ông không đều đặn và ông phải học theo kiểu được chăng hay chớ và học lỏm nghề của cha mình hay của những giáo sĩ giỏi về thuốc. Có lẽ ông không bao giờ đậu bằng tiến sĩ. Ông không hề định cư tại một chỗ nào và trong khi đi lang thang nay đây mai đó, ông đã làm việc tại vùng mỏ Fugger ở Tyrol và làm phẫu thuật viên cho quân đội Venice ở Đan Mạch và Thuỵ Điển. Ông còn phiêu lưu đến tận đảo Rhodes và xa hơn về phía đông.
Tuy sức khoẻ bị yếu kém vì nghèo khổ và tiếp xúc với bệnh nhân, cũng như vì những thử thách của cuộc đời phiêu bạt, ông vẫn cố gắng hành nghề y khoa. Ông kết hợp nơi mình niềm kiêu hãnh của một con người tự lập và niềm xác tín rằng mình là phát ngôn nhân của Thiên Chúa. Được sự tài trợ của những nhà nhân bản hàng đầu, ông tranh thủ cơ may này ở Basil để làm nổ tung cơ chế y học. Đồng thời ông quảng bá bản tuyên ngôn hung hăng của mình để phục vụ nghệ thuật chữa trị mà ông hi vọng sẽ dùng để thay thế lời thề Hippocrate.
Khái niệm độc đáo của Paracelsus về bệnh tật, tuy bắt nguồn từ những ý tưởng bí nhiệm, nhưng sẽ là nguồn cung cấp những định đề cho khoa y học thời mới. Quan niệm về bệnh tật phổ biến ở châu Âu thời Trung cổ là di sản của những tác giả cổ điển, được các bác sĩ cơ thể học khai triển và quảng bá. Họ cho rằng bệnh tật là sự đảo lộn thế cân bằng của các “chất dịch” nơi cơ thể. Lý thuyết y học chỉ là một bộ phận của lý thuyết tổng quát về bản tính con người. Trong con người có bốn “chất dịch cơ bản” (máu, đờm, nước mắt và mật). Sức khoẻ là kết quả của sự cân bằng bốn chất dịch này trong cơ thể mỗi người. Kết quả là có bao nhiêu cá nhân thì có bấy nhiêu loại bệnh tật. Thuyết các chất dịch vừa là một thuyết sinh lý, bệnh lý và tâm lý.
Paracelsus đã đề xướng một lý thuyết khác hẳn, dựa trên một khái niệm triệt để khác về bệnh tật, với những hệ quả rộng lớn cho khoa y học. Paracelsus nhấn mạnh rằng nguyên nhân của bệnh tật không phải là do sự kém điều chỉnh các chất dịch trong cơ thể con người, mà do một nguyên nhân nào đó ở bên ngoài cơ thể. Ông chế nhạo rằng những chất dịch chỉ là những chuyện thêu dệt của những nhà trí thức. Nhưng ông cũng không chịu được một số nhà giải phẫu tiên phong tìm cách đặt cho khoa y học một nền móng thực tiễn và vững chắc hơn. Theo Paracelsus, khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, Ngài đã cung cấp một phương thuốc cho mọi thứ rối loạn. Các nguyên nhân của bệnh tật chủ yếu là những chất khoáng và chất độc từ những ngôi sao thoát ra trong không khí. Trực giác này của Paracelsus cho thấy ông chịu ảnh hưởng rất nhiều của khoa chiêm tinh. Khi ông nói đến ngoài cơ thể, khi ông nhấn mạnh tính thuần nhất của những nguyên nhân gây bệnh và tính đặc trưng của mỗi bệnh, ông đang vạch đường cho khoa y học thời đại mới. Tuy các lý luận của ông không đúng, nhưng những trực giác của ông thì đúng.
Niềm tin của Paracelsus bảo ông rằng không có bệnh nào là không thể chữa, chỉ có những thầy thuốc kẽm mà thôi. Các thầy thuốc phải luôn nghiên cứu để tìm ra những phương trị liệu mới, đừng bao giờ dừng lại ở những giáo điều của Galen.
Trong khi các “bác sĩ cơ thể học” chuyên chữa trị những sự bất quân bình dịch chất của các bệnh nhân giàu có của mình, thì Paracelsus đi tiên phong trong việc nghiên cứu các bệnh nghề nghiệp. Ông hiểu biết đời sống của những thợ hầm mỏ, vì năm ông chín tuổi, cha ông đã đưa ông đến sống ở làng mỏ Villach ở nam bộ nước áo và khi là thanh niên, ông đã làm việc trong các nhà máy kim loại ở Schwaz thuộc vùng Tyrol. Những chuyến phiêu lưu sau này của ông tới Đan Mạch, Thuỵ Điển và Hungary và tới Inn Valley đã dẫn ông tới những vùng hầm mỏ. Cuối cùng ông trở lại Villach để điều khiển nhà máy luyện kim Fugger. Trong tất cả những năm này, ông đã ghi nhận điều kiện làm việc của những người thọ hầm mỏ và những người thợ luyện kim, ông quan sát các bệnh tật của họ và ông nghiên cứu các phương thức điều trị. Tác phẩm Về Căn bệnh của Thợ Mỏ và các Bệnh khác của Thợ Mỏ, cũng như các sách khác của Paracelsus, đã không được xuất bản lúc ông sinh thời. Nó được in năm 1567, một phần tư thế kỷ sau khi ông mất và nó đã mang lại kết quả trong những thế kỷ tiếp theo.