Trong số những nhà trí thức châu Âu của thời đại, khó có thể kiếm được một người tương phản với Linnaeus mà có đầu óc sâu sắc hơn nhà quí tộc đương thời của ông là Georges - Louis Leclere, Bá tước de Buffon (1707-1788). Bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy họ có vẻ tương đồng trong những khám phá về thiên nhiên, nhưng vào thời của họ, họ là những đối thủ nổi tiếng. Linnaeus xuất thân là con một vị mục sư nghèo miền quê, còn Buffon sinh ra trong một gia đình giàu có ở Bugundy, nơi cha ông là một sĩ quan thuộc dòng dõi quí tộc. Được giáo dục tại một trường trung học Dòng Tên rồi vào Đại học Dijon, Buffon theo đuổi tham vọng của cha mình là muốn trở thành một luật sư. Rồi ông đến đại học Angers, ở đây ông chuyển qua ngành y khoa, thực vật học và toán học. Sau một cuộc quyết đấu, ông phải rời trường đại học và bắt đầu một chuyến du hành dài với Công tước Kingston và vị gia sư của công tước, lúc đó là một hội viên của Hội Hoàng gia. Sau cuộc du hành trở về, ông được tin mẹ ông qua đời và cha ông đã tục huyền và chiếm đoạt toàn bộ di sản thừa kế to lớn mà mẹ ông để lại cho ông. Sau một cuộc cãi vã dữ dội với cha và từ đó hai cha con không thể nói chuyện với nhau, ông tìm cách giành lại đầy đủ tài sản của mình, gồm làng Buffon, từ đó ông lấy tên quí tộc Buffon. Chàng trai trẻ Buffon 25 tuổi đã mau chóng trở thành một lãnh chúa của địa phương.
Đồng thời ông tiếp tục theo đuổi những sở thích khoa học của mình. Buffon lần đầu tiên được công chúng biết đến qua báo cáo của ông cho Hải quân về sức căng của gỗ dùng để đóng các tàu chiến. Một bài viết về lý thuyết sác xuất đã giúp ông trở thành hội viên phụ cơ giới trong Hàn lâm viện Pháp, tiếp theo là những tác phẩm về toán học, thực vật học, lâm học, hóa học và sinh vật học. Ông sử dụng kính hiển vi để nghiên cứu về các bộ phận sinh sản của động vật. Khi 28 tuổi, do những thành tựu đầy ấn tượng của mình, Buffon được vua nhìn nhận và cử trông coi vườn thực vật hoàng gia.
Trong suốt 50 năm, Buffon sống những mùa xuân và hạ tại lãnh địa của mình ở Bugundy và mua thu và đông tại Paris. Ở miền quê, ông dậy từ sáng sớm, dành buổi sáng cho khoa học, buổi chiều cho việc làm ăn. Các buổi tối ở Paris ông làm say mê các bà chủ quí tộc thông minh tại các salông, tại đó người ta “nói về những đề tài chủ yếu là động vật học, địa chất học và khí tượng họa, nhưng thường là những chuyện lặp đi lặp lại buồn tẻ”, theo ghi nhận của Willia, Beckford. Sau một nửa thế kỷ sống đều đặn như thế, ông không những làm giàu nhờ gia tăng các phần lãnh địa, nhưng cũng đã mở rộng những dinh thực trong vườn thực vật hoàng gia và đã xuất bản 36 quyển của bộ Lịch sử Thiên nhiên của ông và hàng chục bài viết quan trọng về mọi ngành khoa học. Vua Louis XV phong ông làm Bá tước de Buffon, hoàng hậu Catherine tôn sùng ông và ông được chọn vào những hàn lâm viện khoa học ở Luân Đôn, Berlin và St. Petersburg.
Danh tiếng Buffon vang tới châu Mỹ, là châu lục đã gia nhập cộng đồng khoa học đang phát triển của châu Âu. Thomas Jefferson, lúc đó đang làm đại sứ Mỹ tại Pháp và sống ở Paris năm 1785, đã nhờ Hầu tước de Chastellux trao tặng Buffon một bản Ghi chép về Virginia do mình viết và vừa in xong, kèm với một bộ da báo Mỹ châu, để bác bỏ luận đề của Buffon về sự thoái hóa của các loài động vật ở Tân thế giới. Kết quả Jefferson nhận được lời mời đến thảo luận về lịch sử thiên nhiên và dự tiệc tại vườn của Buffon. Như Jefferson còn nhớ lại, “Buffon có thói quen ở lại phòng nghiên cứu của mình cả ngày cho tới giờ ăn tối và không tiếp khách bất cứ vì lý do gì; nhưng nhà ông luôn mở cửa và có một đầy tớ túc trực để tiếp khách một cách rất lịch sử và mời moị khách lạ cũng như bản thân dùng bữa tối với ông. Chúng tôi thấy Buffon trong vườn, nhưng đã cẩn thận tránh gặp ông; nhưng chúng tôi đã ăn tối với ông và lúc đó ông tỏ cho chúng tôi thấy ông là một con người có sức mạnh tuyệt vời trong khi trò chuyện”.
Trong thời đại mà khoa học đã trở thành phổ cập, Buffon là một nhà tiên phong của khoa học phổ thông, đòi hỏi một cái nhìn mới về ngôn ngữ. Tất nhiên ông đọc sách bằng tiếng La tinh, nhưng ông viết bằng tiếng Pháp và ông coi đây là một hành vi đức tin (không viết ra những bản văn khó hiểu cho một số tiểu trí thức, mà trình bày những sự kiện cho toàn dân. “Văn là người”, ông đã tuyên bố như thế trong tác phẩm cổ điển của ông Discours sur Style “Luận về văn phong” (1753), được xuất bản vào dịp ông được chọn vào Hàn lâm viện Pháp. Ông nghi ngờ những văn sĩ trau chuốt gọt giũa câu văn và ông cho rằng tư tưởng của họ “giống như một lá kim loại dập mỏng, được đánh bóng mà mất đi chất lượng”. Rousseau gọi ông là tác giả có văn phong đẹp nhất và những đoạn văn xuôi trữ tình của ông (ông không viết văn vần) đã khiến một số người liệt ông vào số những “nhà thơ” Pháp hàng đầu của thời đại.
Bộ Lịch sử thiên nhiên (1749-1785) gồm 36 cuốn được xuất bản lúc sinh thời của ông và được bổ sung 8 cuốn (1788-1804) sau khi ông mất, trình bày mọi vấn đề về thiên nhiên từ con người và động vật tới thực vật và khoáng vật. Lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản, các sách khoa học phổ thông đã là những sách bán chạy nhất. Sách của ông bán chạy ngang với bộ Bách khoa 35 cuốn của Diderot, là dự án xuất bản thành công nhất châu Âu của thế kỷ và đã được dùng để đặt tên cho thời đại ấy. Hiển nhiên công trình của Diderot là một công trình hợp tác, trong khi tác phẩm của Buffon rõ ràng là sản phẩm của cá nhân ông.
Buffon nhắm tới thành phần độc giả là quảng đại quần chúng. Trong bài viết nổi tiếng của ông về con lạc đà, đoạn văn chỉ có một câu của ông đã tóm tắt cả một toàn cảnh sa mạc.
Bạn hãy hình dung ra một xứ sở không có cây xanh và nước, chỉ có mặt trời nóng bỏng, bầu trời luôn luôn khô ráo, những cánh đồng đầy cát, những dãy núi còn khô cằn hơn, trên đó mắt chúng ta rảo khắp mà không nhìn thấy một sinh vật nào; một mảnh đất chết, như bị bóc trần bởi gió nóng, chỉ phơi bày trước mắt những mẩu xương khô, những hòn sỏi rải rác, những tảng đá trồi lên theo chiều dựng đứng hay nằm ngang, một sa mạc không có những bí mật, nơi không một lữ khách nào hít được một làn khí dưới bóng mát hay tìm được một bạn đồng hành, hay bất cứ thứ gì nhắc họ biết họ đang sống giữa sức sống của thiên nhiên: hoàn toàn cô quạnh, cả ngàn lần dễ sợ hơn trong rừng thẳm, vì cây cối cũng là những sinh vật khác, những sự sống khác, đối với con người khi chỉ nhìn thấy một mình; cô độc hơn, trần trụi hơn, lạc lõng hơn, trong những mảnh đất trống rỗng và vô hạn này; con người nhìn vào không gian, tứ phía của mình chỉ là không gian, một không gian chết như một nấm mồ; ánh sáng ban ngày cũng u sầu như bóng tối ban đêm, chỉ được tái sinh để chiếu sáng sự trần trụi và bất lực của họ, cho họ thấy rõ hơn tình hình khủng khiếp của mình, đẩy những ranh giới đi xa hơn nữa vào cõi hư vô, mở rộng quanh họ những vực thẳm mênh mông chia cách họ với thế giới con người, một sự bao la mà họ cố gắng vượt qua một cách vô vọng, vì cái đói, cái khát và cái nóng cháy người dồn ép họ mọi lúc và trải dài giữa thất vọng và sự chết.
Nhưng những mô tả của ông về những con vật lại rất cô đọng và súc tích và thường được sưu tầm để làm những sách truyện cho thiếu nhi.
Trong khi những thuật ngữ về tính dục trần trụi của Linnaeus làm người ta giật mình, Buffon biết tìm ra sự lãng mạn trong hoạt động giới tính của các con vật mà ông mô tả. Ví dụ, ông đối chọi cách giao phối của loài chim sẻ với loài bồ câu:
ít có loài chim nào ái ân nồng nhiệt và mạnh bạo như chim sẻ; người ta thấy chúng giao phối nhiều đến hai mươi lần liên tiếp, luôn luôn với cùng sự hăm hở, cùng sự mạnh bạo, cùng biểu lộ khoái lạc; và kể cũng lạ, con mái có vẻ như nóng lòng muốn đi vào cuộc chơi trước tiên mà lại cảm thấy ít mệt hơn con trống, nhưng cũng làm nó ít vui thú hơn, vì không có những màn vuốt ve mơn trớn dạo đầu, không có những cử chỉ thay đổi; cử chỉ mạnh bạo chứ không dịu dàng, lúc nào cũng vội vàng hấp tấp, cho thấy đó chỉ là bản năng muốn thỏa mãn mà thôi. Hãy so sánh sự ân ái của chim câu với chim sẻ, bạn sẽ thấy hầu như mọi tính chất đi từ phương diện thể lý sang luân lý.
Trong khi đó, nơi loài chim câu,
Những mơn trớn dịu dàng, những cử động mềm mại, những nụ hôn rụt rè chỉ trở thành thân mật và gấp gáp vào lúc khoái cảm; nhưng cả giây phút này cũng chỉ kéo dài vài giây rồi chuyển sang những thém khát mới, những cách thức gần gũi mới; một nhiệt tình luôn luôn bền bỉ, một sở thích không thay đổi và một lợi ích còn lớn hơn, đó là sức mạnh để thỏa mãn chúng liên tục mà không chấm dứt; không nóng giận, không chán ngán, không cãi vã; cả một đời sống dành cho tình yêu và cho sự chăm sóc kết quả của tình yêu.
Tác phẩm của ông mang đậm nét một bài mô tả, “một lịch sử thiên nhiên”, chứ không phải một “hệ thống”.
Khác với Linnaeus, Buffon không có tham vọng muốn biết tạo hóa đã dựng nên bao nhiêu “loài” lúc khởi đầu. Ngược lại, ông theo đường lối của Ray và tự hài lòng bằng một định nghĩa thuần túy dựa trên kinh nghiệm.
Chúng ta có thể coi hai con vật là thuộc cùng một loài nếu, qua việc giao phối, chúng có thể bảo tồn nòi giống và duy trì những tính chất đặc trưng làm chúng giống nhau trong loài của chúng; và chúng ta phải coi chúng là thuộc hai loài khác nhau nếu chúng không thể sinh sản ra cùng nòi giống bằng cùng những phương tiện. Như thế, con cáo sẽ được coi là khác với con chó, nếu chứng minh được rằng qua việc giao phối con đực và con cái của hai con vật này không phát sinh một con vật nào; và cả khi có một con vật lai giống được phát sinh, một con la chẳng hạn, thì điều này cũng đủ để chứng minh là cáo và chó không thuộc cùng một loài - bởi vì con la này sẽ không thể sinh sản được.
Chỉ có sự giống nhau bên ngoài mà thôi không đủ để chứng minh các con vật thuộc cùng một loài. Tuy nhiên ông vẫn rất kinh ngạc trước khái niệm về loài và luôn luôn cảnh giác trước sự đơn giản hóa quá đáng những sự khác biệt giữa các loài. Sự thận trọng của ông trong điều này còn sâu xa hơn sự thận tọng của các người đi trước ông. Buffon không thể nào xác tín được rằng “loài” là một chìa khóa để hiểu về chương trình của tạo hóa hay về một chân lý thần học.
Nói chung, sự giống nhau giữa các loài (species) là một trong những màu nhiệm sâu thẳm của thiên nhiên mà con người chỉ có thể dò thấu được nhờ những thí nghiệm lâu dài, lặp đi lặp lại và khó khăn. Nếu không thử lai giống hàng ngàn lần các con vật thuộc các loài khác nhau, là sao chúng có thể xác định được mức độ giống nhau của chúng? Con la giống con ngựa hơn hay là giống ngựa vằn hơn? Chúng ta phải đặt con vượn gần hay xa con người, vì vượn giống người một cách tuyệt vời về hình dáng thân thể? Có phải tất cả các loài động vật hiện nay cũng là các loài trước kia không? Hay con số các loài đã gia tăng, hay đã bớt đi?…
Còn biết bao sự kiện nữa mà chúng ta cần phải biết trước khi có thể phát biểu (hay phỏng đoán về những câu hỏi này). Cần phải làm biết bao thí nghiệm để khám phá những sự kiện ấy, để tìm tòi, hay thậm chí để dự đoán những câu trả lời có cơ sở vững chắc.
Buffon là người đã mở ra nhãn giới cho khoa sinh vật học cận đại bằng cách đưa cả trái đất và mọi động vật và thực vật trên trái đất lên sâu khấu lịch sử. Sau Buffon, thật khó mà tin rằng có điều gì trên trái đất là bất di bất dịch. Ông đã thoáng thấy “màu nhiệm” của các loài. Bây giờ là thời để dành cho các loài động vật khác nhau xuất hiện hay bị tuyệt chủng, biến thế giới trở thành một viện bảo tàng các mẫu hóa thạch kỳ lạ. Bằng cách kéo dài niên lịch, Buffon đã mở rộng sân khấu lịch sử cho trí tượng tượng của các nhà thiên nhiên học. Việc tạo dựng có thể được quan sát không chỉ như một toàn cảnh không gian theo kiểu Linnaeus, mà còn như một sân khấu các sự kiện liên tục trong thời gian. “Thời gian là nhà sáng tạo vĩ đại của Thiên nhiên. Nó luôn luôn đi những bước đều đặn và không làm những bước nhảy vọt, nhưng từ từ, tiệm tiến và tuần tự, nó làm ra mọi sự; và những thay đổi mà nó làm ra lúc đầu khó nhận thấy - dần dần có thể nhận thấy được và cuối cùng tỏ lộ hoàn toàn nơi những kết quả hoàn hảo, không thể nhận thấy điều gì khiếm khuyết trong đó”.