Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Khoa Học >> Những phát hiện về vạn vật và con người

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 50199 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những phát hiện về vạn vật và con người
Daniel J. Boorstin

P 13 - Chương 68

Tiến tới một nền văn học quốc tế

Trong lịch sử thỉnh thoảng vẫn có những đầu óc thông minh và yêu đời muốn thử sáng tạo một thứ ngôn ngữ chung cho toàn thế giới, nhưng chưa từng có người nào hay nhà nước nào đã thành công trong việc sáng tạo một ngôn ngữ cho một nước, đừng nói gì một ngôn ngữ cho cả thế giới. Esperanto là ngôn ngữ thành công nhất, đã được sáng chế bởi Bác sĩ Ludwik Zamenhof, một bác sĩ nhãn khoa Ba Lan, năm 1887. Nhằm tạo ra một ngôn ngữ thứ hai đơn giản và hợp lý cho mọi người ở khắp nơi, ông đã thử làm một ngôn ngữ Esperanto dễ học, với ngữ pháp và phát âm đơn giản. Gần một thế kỷ sau khi được phát minh, thứ ngôn ngữ nhân tạo hấp dẫn nhất này cũng chỉ được khoảng một trăm ngàn người sử dụng rải rác trên tám mươi ba nước. Nhưng Esperanto cũng không hẳn là được phát minh hoàn toàn, vì từ vựng của nó dựa trên những từ của châu Âu và hầu hết là từ nhóm ngôn ngữ Romance. Sự thành công quá nhỏ nhoi của những ngôn ngữ nhân tạo chỉ đơn giản làm chứng rằng ngôn ngữ là một điều mầu nhiệm và khó nắm bắt.

Trên thế giới có khoảng bốn ngàn ngôn ngữ, gồm các sinh ngữ và cổ ngữ. Một cộng đồng thế giới có chung một ngôn ngữ nói, viết và in sẽ phải được thực hiện bởi các nghệ thuật phiên dịch, để làm cho mọi người có thể khám phá nền văn học thế giới qua ngôn ngữ địa phương của mỗi người.

Trong các cộng đồng trước khi có chữ viết và cả ngày nay, những người nói những ngôn ngữ khác nhau, phải hiểu nhau bằng điệu bộ, cử chỉ, dáng mặt và giọng nói. Và không gì có thể thay thế thỏa đáng người phiên dịch trực tiếp, trừ việc tự mình học ngôn ngữ kia. Như ta đã thấy, Columbus đã mang theo trong cuộc thám hiểm đầu tiên của mình một người biết nói tiếng Ả Rập, với hi vọng ông có thể nói chuyện với hoàng đế Trung Hoa.

Trong nhiều thế kỷ từ khi có những sách chép tay, nghệ thuật phiên dịch đã giúp người đọc vượt qua được rào cản ngôn ngữ. Bản dịch Kinh Thánh của thánh Jerome từ tiếng Hip ri và Hi Lạp sang La tinh Phổ thông là một ân huệ cho giới trí thức Kitô giáo. Các bản dịch Plato, Aristốt, Galen, Dioscorides và Plotêmê và các thủ bản Ả Rập về toán học, thiên văn học và y học đã đi vào cơ sở tư tưởng phương Tây.

Sách in đã giúp gia tăng số lượng độc giả tri thức vào nền văn học của những thời kỳ và những nơi xa xăm. Trước cuối thế kỷ 15, ít là đã có 20 tác phẩm bằng tiếng ẢRập được in ở châu Âu bằng bản dịch La tinh. Trong khi sự phát triển của các ngôn ngữ địa phương có khuynh hướng thu hẹp nhãn giới của những lớp học văn chương vào những tác phẩm của ngôn ngữ riêng tại mỗi quốc gia, thì những sách in đã cống hiến họ những cơ hội để trở thành quốc tế. Khi vua Francoi I ấn định tiếng Pháp của Paris là tiếng quốc ngữ chính thức, vua đồng thời cũng đích thân trả tiền cho việc dịch những tác phẩm cổ điển sang tiếng Pháp và nền văn học cổ điển đã có thể phổ cập đến những người Pháp không biết đọc tiếng Hi Lạp hay La tinh. Tại Anh đã có 43 ấn bản các tác phẩm cổ điển bằng bản dịch Anh ngữ vào giữa thế kỷ 16 và trước năm 1600 con số này đã lên tới 19. Những tác giả cổ điển tiêu chuẩn là sự đầu tư an toàn nhất cho cả nhà xuất bản lẫn người mua sách. Ở châu Âu vào cuối thế kỷ 16, khi đã có 263 ấn bản La tinh tác phẩm của Virgil, thì cũng có 72 bản dịch sang tiếng Ý, 27 sang tiếng Pháp, 11 sang tiếng Anh, 5 sang tiếng Đức, 5 sang tiếng Tây Ban Nha và 2 sang tiếng Flamand. Một số tác giả cổ điển trở nên nổi tiếng nhờ bản dịch hơn là nhờ bản gốc. Ví dụ, Plato được đọc nhiều bằng bản dịch La tinh của Marsilio Ficino (5 lần in lại ở Pháp trước 1550), rất lâu trước khi toàn bản văn bằng tiếng Hi Lạp được xuất bản ở Pháp năm 1578.

Nhận thức văn học của độc giả cũng được mở rộng tới những tác giả trước đó và đương thời qua những bản dịch từ những thổ ngữ khác. Các sách châu Âu được ưa thích thời kỳ đầu là của Pettarch, Boccaccio, Utopia của Machiavelli, Ariosto, Tasso và cuốn sách lãng mạn Amadis de Gaule, tiếp theo là những bản dịch tác phẩm Essays của Montaigne Don Quixote của Cervantes. Các tác phẩm của văn học Tây Ban Nha mà chúng ta không còn nhớ đã được phổ biến một cách lạ thường bằng tiếng Pháp, Ý, Đức và Hà Lan. Người dân trên khắp châu Âu có thể đi vào cộng đồng văn học quốc tế mà không cần phải biết tiếng La tinh. Đã bắt đầu có một kho văn học châu Âu mà mọi người có thể đọc được qua những bản kịch.

Thử tưởng tượng chúng ta sẽ bị đóng khung trong tinh thần địa phương thế nào nếu chúng ta chỉ đọc được các tác phẩm gốc viết bằng ngôn ngữ địa phương của mình. Chúng ta phải thấy được ý nghĩa to lớn biết bao của việc dịch thuật đối với nền văn minh. Cuộc Phục Hưng ở Ý đã đến nước Anh qua các bản dịch của thời đại Elizabeth. Sự phát triển của văn học Anh đã tạo điều kiện cho John Florio dịch Essays của Montaigne, Thomas Shelton dịch Don Quixote, Sir Thomas Urquhart dịch Rabelais và chúng ta cũng đã có bản dịch King James Version của Kinh Thánh. Dân Anh ở thế kỷ 18 có thể đọc những bản dịch có uy tín của Sir William Jones từ tiếng Ả Rập, Ấn cổ và Ba Tư và những người Mỹ đã mau chóng đưa vào Thư viện quốc gia của nước cộng hòa vừa được lập của họ. Các tác phẩm của Shakespeare trở thành một kho văn chương phê bình sâu rộng bằng tiếng Đức do Lessing, Goethe và Schegel và cung cấp đề tài cho biết bao tác giả từ Chekhov và Gide tới Brecht và Max Frish, cho những vở nhạc kịch của Verdi, cho nhiều vở vũ ba lê và cả những vở nhạc kịch Mỹ. Các diễn viên châu Âu được mời đóng các vai tro các kịch bản Shakespeare. Goethe cũng có một ảnh hưởng tương tự trên khắp châu lục. Bản dịch Arabian Night của Richard Burton và Rubasiyat của Edward - Fitz - Ferald đã mở rộng thế giới cho những độc giả thời đại Victoria. Trước cuối thế kỷ 19, những người châu Âu có học đều có thể dễ dàng đọc những tác phẩm lớn của châu Âu và của các châu lục khác và các tác giả có thể viết cho các độc giả trên khắp thế giới.

Các dịch giả là những người yêu nước muốn làm giàu cho ngôn ngữ riêng của nước mình. Thế mà họ ít khi được đáng giá đúng công lao của họ. Họ rất thường bị khinh rẻ với câu tục ngữ ý Traduttore traditore (người dịch là người phản bội)...

Các dịch giả là những người yêu nước muốn làm giàu cho ngôn ngữ riêng của nước mình. Thế mà họ ít khi được đáng giá đúng công lao của họ. Họ rất thường bị khinh rẻ với câu tục ngữ ý Traduttore traditore (người dịch là người phản bội). Nếu người ta không khinh bỉ họ, người ta cũng phớt lờ họ đi như những con người trí thức bị quên lãng. Những người dịch thuật là những sứ giả không thể thiếu cho một nền văn học chung, họ gánh vác một trách nhiệm phức tạp hơn trách nhiệm của người sáng tác, đó là vấn đề “điều chỉnh chữ và ý”.

Từ điển, một sự trợ giúp mới cho công cuộc khám phá, bắt đầu tồn tại như là những hướng dẫn để vượt qua rào cản giữa các ngôn ngữ khác nhau, trước khi nó trở thành những hướng dẫn cho người ta để đọc và nói tiếng mẹ đẻ của mình. Các từ điển lúc ban đầu ở châu Âu chỉ là một tập hợp, không nhất thiết xếp theo mẫu tự, những câu nói của những tác giả nổi tiếng. Một số từ điển xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 13 và 14 để giúp các sinh viên học tiếng La tinh để họ có thể đọc bản dịch Phổ Thông của Kinh Thánh. Những từ điển song ngữ này dịch nghĩa một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác. Độc giả của những từ điển loại này vẫn chủ yếu là những sinh viên đọc các tác phẩm cổ điển và tôn giáo bằng tiếng La tinh.

Cuốn từ điển đầu tiên thành công nhất và ảnh hưởng nhiều nhất là bộ từ điển đồ sộ La-Ý của một thầy dòng Âu-cơ-tinh tên là Ambrogio Calepino (1440-1510), xuất bản ở Reggio vùng Calabria năm 1502. Trong những lần tái bản, từ điển này trở nên đa ngữ. Năm 1590, khi những người kế nhiệm Calepino phát hành ấn bản mới của họ ở Basel, nó đã trở thành cuốn từ điển 11 thứ tiếng, gồm cả tiếng Ba Lan và Hungari. Calepino đã trở thành thuật ngữ tiếng Ý để chỉ cuốn từ điển, giống như từ Webster sau này trong tiếng Anh. Tinh thần của Calepino còn tiếp tục tồn tại cho tới thế kỷ 18, được nhập thể trong cuốn từ điển của nhà ngôn ngữ họ Ý Jacopo Faccicolati dưới nhan đề Từ Điển Mười Một Thứ Tiếng (1718). Lạ thay, những từ điển đầu tiên lại là những từ điển nhiều ngôn ngữ nhất.

Sau khi Caxton in cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Anh, không có tiếng địa phương mới nào phát triển hơn tiếng Anh. Đương nhiên lúc đó chưa có cuốn từ điển đầy đủ hay “có uy tín” nào. Phải đến giữa thế kỷ 18 mới có một cuốn từ điển đầy đủ về toàn thể tiếng Anh. Bây giờ cuốn Dictionary của Dr. Johnson đã chứng minh ngoạn mục sức mạnh của sách từ điển. Tác phẩm của ông có giá trị lớn không phải chỉ vì chất lượng và uy tín của nó, mà vì nó là một tượng đài của tinh thần anh hùng văn học. Năm nhà xuất bản ở Luân Đôn năm 1746 đã ký hợp đồng với một người còn ít được biết đến là Tiến sĩ Johnson để ông này soạn cho họ một từ điển tiếng Anh mà họ hi vọng sẽ hoàn tất trong 3 năm. Ông đã nhờ 6 người thư ký phụ chép lại những trích dẫn minh họa do ông lấy từ những tác giả tiếng Anh có tiếng nhất. Chính Johnson tự tay viết các định nghĩa cho 43.500 từ, rồi cho dán những câu trích dẫn vào dưới mỗi từ. Ông cắt nghĩa trong Lời Tựa, “Cuốn Từ Điển Tiếng Anh được soạn với rất ít sự giúp đỡ của các nhà trí thức và không được sự bảo trợ nào của những nhân vật lớn; nó không được viết trong một căn phòng tĩnh mịch thảnh thơi, hay dưới bóng mát của những lùm cây xanh, mà giữa sự thiếu thốn và phân tâm, giữa bệnh tật và lo âu”. Tuy bị chi phối bởi sức khỏe yếu kém và đau buồn vì cái chết bất ngờ của vợ, ông đã làm xong bộ từ điển hai cuốn vào ngày 14 tháng 6, 1755, đúng 8 năm rưỡi sau khi ông bắt đầu. Ông là người chính thức công bố tiếng Anh chuẩn - bằng sức mạnh của một cuốn từ điển được in thành sách - và đã cung cấp cho mọi nhà nghiên cứu văn học Anh một sự trợ giúp trước đó chưa từng có.

Trong ít là một thế kỷ, nhiều nhà trí thức đã từng tìm cách gọt giũa, giản lược và chuẩn hóa tiếng Anh. Từ 1664, Hoàng Gia đã từng có một dự án như thế rồi. Năm 1711, khi mới 23 tuổi, Alecxander Pope trong Tiểu Luận về Phê Bình của mình đã gióng lên nỗi lo sợ rằng:

Con cháu chúng ta không hiểu ngôn ngữ của cha ông

Chúng không hiểu Chaucer, cũng sẽ không hiểu Dryden.

Trước Dr. Johnson, các tác giả uy tín nhất vẫn cho rằng người viết chỉ cần diễn tả ý tưởng minh bạch cho người đọc, còn viết các vần của một chữ thế nào không quan trọng. Khó khăn cơ bản trong việc thống nhất luật chính tả tiếng Anh là do sự kiện bộ chữ cái tiếng Anh được vay mượn từ một ngôn ngữ khác. Bảng chữ cái La tinh không có mục đích diễn tả các âm tiếng Anh.

Hậu quả là người ta mỗi người viết một kiểu và tác giả Anh hay nhất cũng mỗi người viết theo ý mình, cho tới thế kỷ 18, khi có các danh sách các từ được in ra và những sách từ điển đơn giản được xuất bản, người ta đã hiểu ra rằng có thể và chỉ nên có một cách thống nhất để viết một từ. Năm 1750, Lord Chesterfield (1694-1773) đã cảnh giác con trai mình: “Chính tả tuyệt đối cần thiết cho một người có học, vì chỉ cần đánh vần sai một chữ, ta có thể trở thành trò cười cho thiên hạ suốt đời và cha biết một người khá giả đã đánh vần chữ wholesome thiếu chữ w mà không thể gột rửa được tiếng xấu suốt đời”. Những người Anh sống ở Mỹ hi vọng rằng biết đánh vần đúng tiếng Anh chuẩn sẽ cho họ dấu ấn của nền văn hóa đích thực. Noah Webster, ban đầu là một hiệu trưởng, đã nổi tiếng và trở nên giàu có nhờ cuốn American Spelling Book (Sách Đánh Vần tiếng Mỹ) xuất bản năm 1783 và trong thế kỷ sau đã bán ra trên 60 triệu cuốn. Nền văn học Mỹ lúc đầu còn chưa chắc chắn đã tạo ra một thị trường cho sách đánh vần của Noah Webster, nay đã tạo ra một mức cầu gia tăng đối với cuốn American Dictionary of the English Language 92 cuốn, 1828) của Webster và đã làm cho tên ông trở thành một từ đồng nghĩa với từ điển.

Một nhà từ điển học anh hùng khác là James A.H. Murray (1837-1915), người Anh, đã nảy ra sáng kiến soạn cuốn Oxford English Dictionary như là “kho báu lớn nhất của mọi ngôn ngữ trên thế giới”.

Hội Ngôn Ngữ Luân Đôn năm 1857 đã bắt đầu kế hoạch của mình cho một cuốn từ điển lịch sử. Sau nhiều lần bắt đầu thất bại, năm 1879, Murray lúc ấy còn là một phó hiệu trưởng không mấy tiếng tăm, đã nhận đảm đương kế hoạch, tạo hình thù cho nó và dẫn đưa hơn một nửa dự án to lớn này tới hoàn thành. Mục đích của từ điển này là cắt nghĩa mọi từ tiếng Anh đã được sử dụng từ trước đến nay và cho thấy những ý nghĩa thay đổi của nó. Các hình ảnh thu thập và sao chép bởi hàng ngàn người tình nguyện đầy hăng say. Trước năm 1900, những mẩu dữ liệu này đã lên tới 5 triệu mẩu được thu thập. Trong số những “tình nguyện viên” này có 11 người con của Murray và những người này cũng góp sức vào việc sắp xếp các mẩu dữ liệu thành thứ tự ABC. Trước khi Murray mất vào năm 1915, ông đã xuất bản gần một nửa công trình - 7.027 trang trong số 15.487 trang. Các người kế tục Murray đã hoàn thành công trình năm 1925.

Kết quả công trình này đã hoàn toàn không thiết lập một tiêu chuẩn cố định như Dr. Johnson và những người đi trước ông từng hi vọng, mà đã trình bày cho mọi người nhìn thấy đặc tính đáp ứng, thay đổi và khó nắm bắt của một sinh ngữ trên thế giới qua những thế kỷ. Như Murray giải thích trong bài Nhập Đề của ông:

Đối với những đầu óc cố tìm cách nắm bắt nó như một toàn thể nhất định, tập hợp bao la các từ và câu tạo thành Bộ Từ Vựng tiếng Anh cho thấy nó giống như một khối tinh vân mà nhà thiên văn thường xem, trong đó có thể thấy rõ một cái nhân chung quanh phủ đầy những bóng mờ, xuyên qua những vùng sáng mờ dần, tới một cái màng mỏng lờ mờ không nhìn thấy ranh giới đâu cả, nhưng dần dần biến mất mà ta không nhận ra trong vùng tối xung quanh.

<< P 13 - Chương 67 | P 14 - Chương 69 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 899

Return to top