Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Khoa Học >> Những phát hiện về vạn vật và con người

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 50225 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những phát hiện về vạn vật và con người
Daniel J. Boorstin

P 9 - Chương 43

Một Galileo bên Trung Quốc

Vào thời Trung cổ, những bước tiến lớn về lý thuyết quang học và sự hiểu biết về con mắt đã xuất phát từ những nhà vật lý và triết học tự nhiên Ả Rập. Al-kindi (813-873), đôi khi được gọi là triết gia Ả rập đầu tiên, đã khai triển khái niệm về các tia sáng thẳng đi tới con mắt từ một vật được chiếu sáng. Nhà thí nghiệm tiên phong là Alhazen (Ibn al-Haytham; 965-1039), đã đẩy ý tưởng trên đi xa hơn và cho rằng thị giác là sản phẩm của một tác nhân ở bên ngoài con mắt nhìn và điều này chưa được các triết gia Kitô giáo nhìn nhận. Ông còn đi xa hơn nữa để triển khai ý niệm rằng những tia sáng thẳng phát ra từ mọi điểm trên một mặt phẳng được chiếu sáng. Ông làm thí nghiệm với vấn đề lóa mắt, ghi nhận sự duy trì hình ảnh trên võng mạc và bắt đầu coi mắt như là một bộ phận của bộ máy quang học. Các nhà khoa học ả rập là những người dẫn đường cho khoa quang học.

Trong lịch sử Trung Quốc, chúng ta không gặp thấy ở đâu nhấn mạnh đến vai trò của kính viễn vọng hay kính hiển vi. Nhưng người Trung Quốc đã thành thạo các kỹ thuật chế tạo kính soi mặt ngay từ thế kỷ 7 trước C.N. Họ đã biết chế tạo kính hội tụ và kính phân kỳ từ rất sớm và đã thành thạo kỹ thuật thủy tinh ít là từ thế kỷ 5 trước C.N. và họ đã có kính đeo mắt từ thế kỷ 15.

Như chúng ta đã thấy, người Trung Quốc quan sát và ghi lại các hiện tượng của các thiên thể một cách tỉ mỉ và chính xác. Nhưng khi cha con Ricci đến Trung Quốc, ông nhận ra ngay rằng họ có một khoa thiên văn lạc hậu. Ông nhận xét rằng họ đã tính được 400 ngôi sao nhiều hơn số ngôi sao mà phương Tây đếm được, nhưng chỉ vì họ kể cả những ngôi sao mờ nhạt. “Dù vậy, các nhà thiên văn Trung Quốc không chịu khó nghiên cứu để đem những hiện tượng của các thiên thể vào trong lãnh vực toán học... họ dừng lại ở giai đoạn của khoa thiên văn mà các nhà khoa học gia phương Tây gọi là khoa chiêm tinh, lý do có thể được cắt nghĩa là vì họ tin mọi sự xảy ra trên trái đất này đều là do ảnh hưởng của các ngôi sao...

Từ Bắc Kinh, ngày 12 tháng 5, 1605 cha Ricci viết thơ về Rôma xin bề trên gởi đến cho ông một nhà thiên văn có tài để cộng tác với ông ở Trung Quốc. “Những quả cầu, đồng hồ, khối cầu, dụng cụ đo độ cao thiên thể và nhiều thứ khác nữa mà tôi đã chế tạo và sử dụng để dạy học đã tạo cho tôi một uy tín lớn đến độ họ coi tôi là nhà toán học vĩ đại nhất thế giới… nếu toán học mà tôi nói đến có thể đến đây, chúng ta có thể sẵn sàng dịch những bảng tính của chúng ta sang tiếng Trung Quốc và hiệu đính lại niên lịch của họ. Điều này sẽ làm chúng ta nổi tiếng, sẽ mở rộng cửa vào Trung Quốc và sẽ giúp chúng ta sống ở đây an toàn và tự do hơn”. Những lời này Ricci đã viết ngay cả trước khi Galileo thực hiện những quan sát kỳ diệu của mình.

Khi rốt cuộc có tin ở phương Đông về việc Galileo được các nhà trí thức Dòng Tên ở Rôma tiếp đón một cách trọng thể, sự kiện này đã củng cố quyết tâm của các cha Dòng Tên ở Trung Quốc là tạo ấn tượng về tài thiên văn của họ. Phải mất 5 năm, nhưng vào thời đó không được coi là quá lâu, để tác phẩm Sứ giả của các Vì Sao của Galileo có thể từ Rôma đến được Bắc Kinh.

Khi Galileo từ chối cung cấp cho các cha truyền giáo Dòng Tên những số liệu thiên văn, họ quay sang nhờ Kepler và ông này đã giúp đỡ họ. Tổng Quyền Dòng Tên đã cử một số nhà toán học tài giỏi sang củng cố sứ mạng ở Bắc Kinh, Cha Schall, người từng có mặt trong Hội nghị tôn vinh Galileo tại Đại học Rôma vào tháng 5, 1611, vẫn còn nhớ những thông điệp của Galileo. Nay đến ở Bắc Kinh, năm 1626 ông đã viết một cuốn sách minh họa với đầy đủ chỉ dẫn về cách chế tạo một kính viễn vọng. Trong lời tựa của sách, ông đề cao vai trò của con mắt, là dẫn đưa “từ cái xem thấy tới các không xem thấy” và nhận được sức mạnh mới từ kính viễn vọng. Năm 1634 một kính viễn vọng được chế tạo dưới sự hướng dẫn của các cha Dòng Tên và được dâng lên Hoàng Đế trong một nghi thức trọng thể.

Các cha Dòng Tên vẫn chưa biết gì về vụ xét xử và kết án của Galileo năm 1633. Khi họ biết tin này, sự phấn khởi của họ đối với kính viễn vọng vẫn không bị nao núng, nhưng họ đã thôi không đề xướng lý thuyết của Copernic về một vũ trụ nhật tâm và về một trái đất quay. Chúng ta cũng đã thấy chính Galileo đã phải chiều theo phán quyết của giáo hoàng như thế nào. Khi Galileo chết vào năm 1642, giới trí thức vẫn chưa ngả hẳn sang thuyết Copernic.

Tình hình này đã khiến cho ống kính viễn vọng khi đến Trung Quốc đã không trở thành một quảng cáo hiệu quả cho hệ nhật tâm. Mới đây, các cha Dòng Tên đã cố gắng biện minh cho việc các nhà truyền giáo của họ công khai rút lui khỏi lập trường bênh vực lý thuyết nhật tâm. Họ nói rằng, vì khoa học truyền thống Trung Quốc coi trái đất là trung tâm vũ trụ, vì thế nếu nhấn mạnh vào hệ thống mặt trời là trung tâm sẽ tạo ra mối ác cảm không cần thiết đối với các nhà truyền giáo và có thể làm cho người Trung Quốc không tin vào Kitô giáo mà các cha Dòng Tên đến để rao giảng. Giờ đây họ gợi ý là việc chuyển sang hệ thống vũ trụ Copernic đòi có những điều kiện xã hội thích hợp mà hồi đó ở Trung Quốc không có. Vào khoảng 1635, kính viễn vọng đã thực sự được dùng để hướng dẫn pháo binh ngoài mặt trận. Theo nhà viết sử Needham, một thập niên sau khi tác phẩm Sidereus Nuncius xuất bản, các “nghệ nhân đồ kính” Trung Quốc đã chế tạo một bộ máy quang học, gồm một tập hợp các kính hiển vi và những chiếc đèn thần kỳ. Trước khi Galileo chết, một số học giả Trung Quốc đã phiên âm tên của ông thành Kia-li-lê-lô và nghĩ ông là một nhà thiên văn của dân man di.

Tại các nơi khác của châu Á, việc phổ biến kính viễn vọng chỉ là qua những kênh giao thông chính thức. Một vị đại sứ Hàn Quốc trên đường đến Bắc Kinh năm 1631 đã gặp một vị truyền giáo Dòng Tên người Bồ Đào Nha, cha John Rodriguez, đang tị nạn ở áo Môn. Khi vị đại sứ bày tỏ mối quan tâm về thiên văn học và việc cải tiến niên lịch, cha Rodriguez cung cấp cho ông hai cuốn sách về thiên văn, mô tả những khám phá của Galileo và tặng ông một ống kính viễn vọng. Kính này được gọi là “gương vạn lý”, vì người ta cho rằng nó có thể nhìn xa ngàn dặm.

Kính viễn vọng đã đi thế nào từ Hàn Quốc ngang qua eo biển để đến Nhật Bản, điều này chúng ta không biết. Nhưng chúng ta biết rằng năm 1638, từ trước khi Galileo chết, đã có một kính viễn vọng ở Nagasaki, là cảng duy nhất mà người nước ngoài có thể xâm nhập, kính được đặt tại đây để giúp báo động cho quân Nhật sự xâm nhập của những vị khách không mời. Sau một nửa thế kỷ, dụng cụ này đã được sử dụng vào những mục đích khác. Một tiểu thuyết bằng tranh của Ihara Saikaku, Người Đàn Ông Suốt Đời Si Tình (1682), vẽ hình người hùng chín tuổi của câu truyện trèo lên nóc nhà và dùng kính viễn vọng của mình để ngắm nhìn một cô gái hầu đang tắm.

Cuối cùng những tư tưởng của Copernic và Galileo đã đến Nhật Bản nhờ những sách được in bởi các cha Dòng Tên ở Bắc Kinh. Trong số những nhà khoa học mà những sách này tạo được ảnh hưởng, có thể kể đến “Newton người Nhật” là Seki Kowa (1642-1708?), người đã phát minh ra bảng tính riêng. Nagasaki tiếp tục là cửa ngỏ đón nhận những tư tưởng mới. Vào cuối thế kỷ 18, lý thuyết của Copernic đã được nhiều nhà thiên văn Nhật chấp nhận và mặc dù đại đa số vẫn còn bán tín bán nghi, nhưng lý thuyết này đã được phổ biến trong sách vở của những học giả nổi tiếng. Tuy các tư tưởng Copernic đến Nhật Bản khá muộn màng, nhưng khi đến, nó gặp ít sự chống đối hơn ở châu Âu, vì vào đầu thế kỷ 19, uy tín của khoa học phương Tây đã tạo cho lý thuyết này một sức hấp dẫn đặc biệt.

<< P 9 - Chương 42 | P 10 - Chương 44 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 893

Return to top