Từ 25 thế kỷ trước đây, người Trung Quốc đã quan niệm rằng gia đình là nền tảng của xã hội. Chính Khổng Tử đã phác hoạ ra tiến trình tu thân, tề gia, trị quốc: "Dục trị kỳ quốc giả, tiền tề kỳ gia; dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân..." (Muốn trở thành người trị quốc, trước phải tề gia; muốn trở thành người tề gia, trước phải tu thân...). Trong khái niệm "tề gia", bao hàm khái niệm "lập gia" - tức hôn nhân để tiến tới xây dựng gia đình.
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung lấy bối cảnh xã hội từ thế kỷ thứ 10 đến thời Khang Hy giữa thế kỷ thứ 17 nên những vấn đề hôn nhân, gia đình cũng được tác giả nhắc đến, dù không đậm nét. Chúng ta nhớ rằng ông tốt nghiệp cử nhân luật Đông Ngô pháp học viện (Thượng Hải) nên quan niệmj hôn nhân truyền thống đã từng là những điều mà ông đã được học. Và chính những điều đó trở thành những tình huống của những nhân vật được ông xây dựng trong tiểu thuyết võ hiệp.
Hôn nhân trong đời sống người Trung Quốc dưới các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh không chỉ thuộc phạm trù luật pháp mà còn thuộc phạm trù luân lý. Người Trung Quốc cho phép anh chị em cô cậu ruột (biểu huynh, biểu muội) có quyền yêu thương nhau và lấy nhau. Trong Thiên Long bát bộ, có một cặp biểu huynh biểu muội như vậy. Đó là anh chàng Mộ Dung Phục và cô nàng Vương Ngữ Yên. Mộ Dung Phục nguyên là người gốc Tiên Tỵ, nước Đại Yên, con của Mộ Dung Bác. Mộ Dung Bác có cô em ruột lấy một người đàn ông họ Vương ở Giang Nam, nước Tống. Bà sinh ra Vương Ngữ Yên. Vương Ngữ Yên là một cô gái thông minh, suốt đời không đi ra khỏi nhà, chỉ biết có biểu huynh của mình là Mộ Dung Phục. Cô say mê Mộ Dung Phục và lòng thầm mơ một ngày cùng se tơ kết tóc với hắn. Nhưng tham vọng của Mộ Dung Phục rất xa: hắn tin mình võ công cao cường, có bọn trợ thủ đắc lực, có thể lên ngôi vua để phục hồi nước Đại Yên. Khi Gia Luật Hồng Cơ, vua nước Đại Liêu, đánh xuống tận Biện Lương (Nam Kinh ngày nay) thì giấc mơ phục quốc của Mộ Dung Phục càng thêm sôi nổi. Cho nên nghe công chúa Ngân Xuyên nước Tây Hạ treo bảng chiêu phu hắn không quản ngại khó khăn ngàn dặm tìm qua Tây Hạ mong lọt vào mắt xanh của công chúa, trở thành phò mã nước Tây Hạ. Mà có binh quyền nước Tây Hạ trong tay thì hắn có thẻ phục hồi nước Đại Yên. Thế nhưng, Vương Ngữ Yên chỉ sợ biểu ca bỏ rơi mình, chạy theo nhan sắc của công chúa Tây Hạ. Cô nhờ anh chàng dại gái, si tình Đoàn Dự phá giấc mơ của Mộ Dung Phục. Mộ Dung Phục không nghe lời cô khiến cô phải nhảy xuống giếng tự tử. Trong đáy giếng, cô gặp Đoàn Dự. Và lần đầu tiên trong đời, Vương Ngữ Yên nhân ra rằng chỉ có anh chàng Đoàn Dự mới là người yêu thương mình, rằng Mộ Dung Phục - biểu ca của cô chỉ là một con người phù phiếm. Tại đây, cô ngỏ lời thương yêu Đoàn Dự, quên mất anh chàng biểu ca.
Trong Ỷ thiên Đồ long ký cũng có một cuộc tình biểu huynh, biểu muội như vậy. Đó là cặp Vệ Bích và Chu Cửu Chân. Họ thương yêu nhau, đi đâu cũng có đôi có cặp nhưng đối xử với người khác rất tàn bạo. Kim Dung không nói rõ mối tình đó có thành hay không. Cũng trong Ỷ thiên Đồ long ký, Trương Vô Kỵ và Hân Ly là biểu huynh, biểu muội. Lứa đôi này cũng lỡ yêu nhau và Trương Vô Kỵ còn hứa lấy Hân Ly làm vợ nữa. Nhưng cô Hân Ly luyện môn Thiên châu vạn độc thủ, khuôn mặt biến dạng trở thành xấu xí. Cô đành rút lui khỏi cuộc tình, trả chàng Vô Kỵ lại cho quận chúa Mông Cổ Mẫn Mẫn Đặc Mục Nhĩ tức Triệu Mẫn.
Chẳng những biểu huynh, biểu muội đã được yêu nhau, lấy anh chị em đồng tông (cùng một ông tổ, một họ) tức đường huynh, đường muội cũng được lấy nhau. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung dàn một kịch bản tình yêu khiến người đọc muốn nín thở và cách mở nút để giải quyết vấn đề của ông cũng rất tài tình khiến người đọc cảm thấy đồng tình. Đó là mối quan hệ của Đoàn Dự với Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên, Chung Linh.
Nguyên Đoàn Chính Thuần, em ruột của Đoàn Chính Minh, hoàng đế nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay) là một gã vương gia trăng hoa. Lão có vợ chính thức là Đao Bạch Phụng, người dân tộc Bài Di (thuộc bộ tộc Thiện Thiện - Shan Shan, giáp biên giới Myanmar ngày nay). Đao Bạch Phụng sinh ra Đoàn Dự. Đoàn Chính Thuần trong những lần về Trung Quốc, đã quan hệ với vợ của Chung Vạn Cừu sinh ra Chung Linh; với Tần Hồng Miên sinh ra Mộc Uyển Thanh; với Vương phu nhân sinh ra Vương Ngữ Yên; với Nguyễn Tinh Trúc sinh ra A Tử và A Châu... Đoàn Dự lớn lên nào hay những mối trăng hoa ấy, đã gặp gỡ và thương yêu những Mộc Uyển Thanh, Chung Linh, Vương Ngữ Yên. Đoạn tiểu thuyết khiến người đọc nín thở nhất là đoạn Đoàn Diên Khánh, kẻ đồng tông với Đoàn Chính Minh và Đoàn Chính Thuần muốn chơi khăm hoàng gia nước Đại Lý, bắt Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh nhốt chung vào một nhà đá. Lão nghĩ họ là anh em cùng cha khác mẹ nên trộn Âm dương hoà hợp tán, một loại thuốc kích dục thật mạnh, cho anh em Đoàn Dự - Mộc Uyển Thanh làm trò loạn luân để bọn giang hồ đến chứng kiến! Mộc Uyển Thanh không kềm chế được dục vọng nhưng Đoàn Dự nhờ thấm nhuần đạo Nho, đạo Phật nên vẫn giữ được sự trong sáng cho em gái, cho mình. Nhưng chàng trai si tình, dại gái này thật sự tuyệt vọng khi khám phá ra cả ba người mình yêu mến: Vương Ngữ Yên, Mộc Uyển Thanh, Chung Linh đều là ... thân muội (em ruột).
Làm sao cứu vãn được những mối tình thơ ngây đó? Kim Dung đã giải quyết thế này: ông chuyển họ từ thân huynh, thân muội trở thành đường huynh, đường muội. Ông kể lại một chuyện hai mươi năm trước. Lúc bấy giờ Thái tử Đoàn Diên Khánh tranh ngôi vua nước Đại Lý với Đoàn Chính Minh không được, bản thân lại bị thương nặng, nằm thoi thóp dưới cội bồ đề trước một ngôi chùa ở thành Côn Minh chờ chết. Cũng thời điểm đó, bà Đao Bạch Phụng khám phá ra đức ông chồng Đoàn Chính Thuần của mình là một gã trăng hoa, đã chung chạ với nhiều người đàn bà khác. Mà như trên tôi đã giới thiệu, Đao Bạch Phụng là người Bài Di (không thuộc dân tộc Trung Hoa) nên cái nhìn của bà về khái niệm tiết trinh rất...Bài Di, nghĩa là rất thoáng. Bà nghĩ chồng mình đã ăn chả, thì bà phải ăn nem để trả thù. Và bà đã đem tấm thân vương phi cao quý của nớc Đại Lý hiến dâng cho gã đàn ông nằm thoi thóp dưới cội bồ đề kia.
Thiên Long tự ngoại
Bồ đề thụ hạ
Viến phương hành khất
Trường phát Quan Âm
(Ngoài chùa Thiên Long
Dưới gốc bồ đề
Hành khất phương xa
Quan Âm tóc dài...)Gã ăn mày Đoàn Diên Khánh đã thụ hưởng hạnh phúc trời cho, cái hạnh phúc mà gã chẳng bao giờ dám mơ tới. Gã không biết người áo trắng, tóc dài đến với mình, ân ái với mình là ai. Nhưng gã đã nghe bà đọc bốn câu thơ đó khi ân ái với gã. Vâng, kết quả của chuyện tình bên đường đó là một cậu quý tử ra đời: Đoàn Dự. Vậy thì, Đoàn Dự chỉ là con hờ của Đoàn Chính Thuần. Mà quả thật, Đoàn Chính Thuần không có gène sinh con trai. Sau này trước khi chết, bà Đao Bạch Phụng mới đọc bồn câu thơ bí hiểm đó cho Đoàn Diên Khánh nghe để Đoàn Diên Khánh nhận ra con mình. Và còn kề tai dặn nhỏ Đoàn Dự: "Vương cô nương, Mộc cô nương, Chung cô nương... ngươi thích ai, cứ lấy người đó". Nói cách khác, giữa Đoàn Dự và ba vị cô nương kia chỉ là anh em đường huynh, đường muội. Và họ có quyền lấy nhau, luật pháp và luân lý không hề cấm cản. Họ cùng chung họ Đoàn ở Vân Nam hết ráo!
Kim Dung sử dụng lăng kính pháp luật cổ điển để soi rọi quan hệ tình cảm của các nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Ông cho biểu huynh, biểu muội; đường huynh, đường muội cứ yêu nhau và lấy nhau thoải mái. Và lúc bấy giờ cũng không ai cấm đa thê. Thậm chí một gã Đa Long dốt nát, làm chức Tổng quản thị vệ triều Khang Hy cũng có đến tám vợ. Đa Long thú nhận với Vi Tiểu Bảo rằng lão yêu đệ bát phòng (bà thứ tám) nhất bởi vì hình như bà mới chỉ 17 hay 18 tuổi gì đó! Học theo phong cách Đa Long, Vi Tiểu Bảo có được bảy vợ: Kiến Ninh công chúa, Tô Thuyên, A Kha, Song Nhi, Tăng Nhu, Mộc Kiếm Bình, Phương Di. Đó là chưa nói chuyện lăng nhăng của gã với công chúa Nga La Tư Tô Phi Á.
Có một dạng hôn nhân khác cũng khiến cho người ta suy nghĩ, kinh dị nhưng không bị cấm cản: con làm vợ thay mẹ. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung kể chuyện Hân Lê Đình phái Võ Đang đã hứa hôn với cô Kỷ Hiểu Phù phái Nga Mi. Thế nhưng, Quang Minh tả sứ của Bái hoả giáo Trung Hoa là Dương Tiêu thấy Kỷ Hiểu Phù xinh đẹp, đã cưỡng hiếp Hiểu Phù. Hiểu Phù có mang, sinh ra con gái đặt tên là Dương Bất Hối (không hối hận). Sư phụ của Hiểu Phù biết được chuyện đó, buộc Hiểu Phù phải giết con gái. Nhưng Hiểu Phù không thể giết con được. Cô bị sư phụ đánh chết; Dương Bất Hối được Trương Vô Kỵ cứu đi, đưa về Quang Minh đỉnh (đỉnh Pobedy) trên núi Thiên Sơn, đoàn tụ với Dương Tiêu. Trên đường giang hồ, Dương Bất Hối gặp Hân Lê Đình. Khi ấy Hân Lê Đình đã bị trọng thương nằm một chỗ và Bất Hối mới chỉ 15 tuổi. Hân Lê Đình thấy mặt Bất Hối, tưởng tượng ra khuôn mặt Kỷ Hiểu Phù vì cô rất giống mẹ. Dương Bất Hối đành xin phép giáo chủ Trương Vô Kỵ và cha mình là Dương Tiêu, được thay mẹ mình làm vợ Hân Lê Đình để chuộc lại lỗi lầm của cả cha và mẹ ngày xưa. Vụ làm vợ Hân Lê Đình của cô khiến ngạch trật có vẻ lộn xộn: bình thường Vô Kỵ gọi cô là muội (em gái) nay phải gọi cô là thẩm thẩm (bà thím). Nhưng lộn xộn cũng chẳng sao, cuộc hôn nhân đó không vi phạm pháp luật phong kiến và đạo lý làm người.
Nói như vậy có nghĩa là nếu có một cuộc hôn nhân hợp với pháp luật mà không hợp với đạo lý thì người ta cũng cấm cản, khinh bỉ, lên án. Trong bộ Thần điêu hiệp lữ, Kim Dung đã xây dựng một bi kịch như vật mà hai nhân vật chính là Tiểu Long Nữ và Dương Quá. Tiểu Long Nữ là đệ tử phái Cổ Mộ, lớn lên trong động đá ở núi Chung Nam, hoàn toàn không hiểu những quy định của thế tục. Năm cô 17 tuổi thì chàng trai Dương Qua chạy vào cổ mộ để tránh sự truy sát của phái Toàn Chân, Tiểu Long Nữ coi Dương Qua là đồ đệ, đồng thời là bạn. Cô dạy cho Dương Qua học võ công; Dương Qua mặc nhiên coi cô là sư phụ của mình. Ba năm sống bên nhau, họ thầm yêu thương, nhưng chẳng ai dám nói lên lời thương yêu. Thế rồi Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình, đạo sĩ phái Toàn Chân cưỡng hiếp. Cô gái thơ ngây cứ nghĩ là Dương Qua đã ân ái với mình, lòng vừa thẹn vừa giận. Hai người tẻ trung đó ban tẩu giang hồ, hành hiệp cứu đời; giúp vợ chồng Hoàng Dung, Quách Tĩnh kháng chiến giữ thành Tương Dương, đánh quân xâm lược Mông Cổ. Nhưng cả Hoàng Dung, Quách Tĩnh và bọn hào sĩ giang hồ đều khinh bỉ mối quan hệ Dương Qua - Tiểu Long Nữ bởi vì họ cho rằng thấy trò yêu nhau là vi phạm đạo đức trầm trọng. Cả hai thầy trò đều muốn bỏ ra đi, tìm một thế giới khác không có luân lý, đạo đức khắt khe. Nhưng rồi Tiểu Long Nữ khám phá ra được sự thâtkj về chuyện cô thất trinh với Doãn Chí Bình. Đau lòng vì thấy mình không còn xứng đáng với Dương Qua, cô bỏ đi biền biệt. Và Dương Qua cũng bỏ ra một đời đi tìm hình bóng cô.
Lứa đôi đó yêu nhau say đắm, nồng nàn nhưng không thể sống thành vợ chồng vì hàng rào luân lý, đạo đức. Nhiều người đã ca ngợi nhà văn Kim Dung can đảm khi xây dựng mối tình của cặp nhân vật này. Ông đã lội ngược dòng nước luân lý của đạo Khổng, khi đạo Khổng đưa ra định đề "quân, sư, phụ" (vua, thầy và cha). Đó chính là bi kịch tình yêu của tuổi trẻ thời phong kiến. Lứa đôi đó về đâu, không ai biết, kể cả tác giả. Nhưng thôi, tìm hiểu sâu thêm nữa làm gì khi tiểu thuyết chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.