Con trâu thông thái mà tôi đề cập tới đây là Hồ Thanh Ngưu, một nhân vật thầy thuốc được xây dựng trong tác phẩm võ hiệp Ỷ thiên Đồ long ký của Kim Dung. Hồ Thanh Ngưu là giáo đồ của Minh giáo, cư ngụ trong Hồ Điệp cốc, một thung lũng cạnh hồ Nữ Sơn thuộc tỉnh An Huy. Y thuật của Hồ Thanh Ngưu thông thần nên được xưng tụng là y tiên. Kết hợp cả ngoại hiệu và tên họ, Kim Dung gọi nhân vật của mình là Điệp cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu.
Hồ Thanh Ngưu có cái phong cách của một đạo gia Lão Trang. Chẳng thế mà nhân vật này chọn chỗ ẩn thân trong một vùng hang động có nhiều bướm (điệp cốc). Ngoại hiệu của tiên sinh khiến người đọc nhớ tới hai câu thơ danh tiếng của nhà thơ Lý Thương Ẩn trong bài Cầm sắt:
Trang Chu hiểu mộng mê hồ điệp
Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên.
(Mộng sớm, Trang Chu thành bướm lượn
Lòng xuân, Thục đế gởi hồn quyên)Kim Dung mô tả Hồ Thanh Ngưu là một người trung niên mặt mũi thanh tú. Về trình độ y thuật, nhân vật này thông thái đến mức khi mới xem mạch cho Thường Ngộ Xuân, một đệ tử Minh giáo có thật trong lịch sử Trung Quốc, viên thầy thuốc đã biết ngay giáo hữu của mình bị Triệt tâm chưởng của Phiên tăng đánh và bị điểm huyệt theo phương pháp phái Võ Đang, trong khoảng giữa giờ Tý và giờ Sửu. Mới cầm đến mạch Trương Vô Kỵ , viên thầy thuốc này đã biết ngay bệnh nhân của mình trúng Huyền Minh thần chưởng, tràn đầy khí âm hàn trong tạng phủ, khiến nội thương sang tim! Tuy nhiên tiên sinh là một nhân vật kì quái, đã lập lời thề: Chỉ chữa thương cho người Minh giáo và từ chối chữa thương cho những người thuộc bang phái, môn phái khác. Thế nhưng Thường Ngộ Xuân mang nợ của phái Võ Đang, đặt điều kiện nhờ Hồ Thanh Ngưu cứu Vô Kỵ mà khỏi phải cứu mình. Hồ Thanh Ngưu chữa cho Trương Vô Kỵ nhưng trong thâm tâm, tiên sinh chỉ định chữa cho Vô Kỵ lành mạnh để khỏi làm mất uy tín 2 chữ “y tiên” của mình rồi sau đó, sẽ giết đi.
Hồ Thanh Ngưu là một nhà y học có hai công trình nghiên cứu có giá trị: bộ Đới mạch luận và Tý Ngọ châm cứu kinh. Trong thời gian được Hồ Thanh Ngưu chữa trị, chàng Vô Kỵ 15 tuổi cực kì thông minh đã học cách châm cứu, cách ra toa thuốc, học thuộc lòng hai bộ sách của Hồ Thanh Ngưu trước tác và khám phá ra phương pháp trị Triệt tâm chưởng. Thế là cậu bé vót tăm tre làm kim châm, kê toa hốt thuốc, sắc thuốc cho Thường Ngộ Xuân. Hồ Thanh Ngưu nhìn toa thuốc Vô Kỵ ra, cực kì kinh ngạc về sự thông minh của cậu bé nhưng cũng mỉm cười vì phân lạng của toa thuốc quá cao so với sức chịu đựng của Thường Ngộ Xuân. Đoán ra nụ cười ruồi đó, Vô Kỵ đã giảm tối đa phân lạng. Khi Vô Kỵ bưng bát thuốc đã sắc đến cho Thường Ngộ Xuân uống xong, Hồ Thang Ngưu mới cho biết rằng toa thuốc ấy đã làm giảm thọ bệnh nhân 40 năm!
Hồ Thanh Ngưu bị kẻ thù tìm đến tận nơi ẩn cư của mình. Biết mình trốn tránh không được, y tiên bèn ra cho Vô Kỵ một toa thuốc sau cùng: Đương qui, Viễn chí, Sinh địa, Đốc hoạt, Phòng phong, dùng Xuyên sơn giác để dẫn và phải uống cho đúng vào canh ba. Đọc toa thuốc, Vô Kỵ hiểu ra ngay được tấm lòng của y tiên: phải quay về (Đương qui), chạy cho xa (Viễn chí), sống một mình (Độc hoạt), phải biết đề phòng (Phòng phong) và nhớ canh ba đi xuyên qua núi để thoát hiểm (Xuyên sơn giác).
Cuối cùng Điệp cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu uống độc dược quyên sinh. Vô Kỵ học được y thuật của ông rồi về sau, đắc thủ võ công trong Cửu dương kinh, y thuật càng thêm thâm hậu. Anh đã ra tay cứu nhiều người thoát qua khỏi căn bệnh hoặc vết thương hiểm nghèo, trở thành một bậc danh y mà chuyên môn còn hơn cả Hồ Thanh Ngưu.