Người nhạc sĩ viết một ca khúc; ba bốn chục năm sau, một người thưởng thức nào đó còn nhớ được một vài ca từ, nghêu ngao hát lên là số phận ca khúc đó sống được trong lòng người. Một nhà thơ in cả trăm bài, chỉ cần có người yêu thơ thuộc được một đoạn hay vài câu là thơ đã sống được. Văn học, nghệ thuật là những sản phẩm tinh thần dành cho đám đông. Trong quá trình giao thoa giữa tác giả và người thưởng thức, một số câu, chữ, từ ngữ đặc biệt của tác phẩm đi luôn vào lòng người. Tác phẩm như vậy đã là thành công rồi. Còn ngôn ngữ văn chương tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đối với người Sài Gòn, người miền Nam thì sao? Khi tác phẩm Ỷ thiên Đồ long ký được Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch với tựa đề Cô gái Đồ long, Nhà xuất bản Trung Thành in và phát hành năm 1966 thì bốn chữ “Cô gái Đồ long” đã trở thành một câu hát: Có cô gái Đồ long lắc bầu cua Lắc một cái ra hai con gà mái… Trẻ con khắp hang cùng ngõ hẻm hát, người lớn cũng hát trong những dịp Tết chơi lắc bầu cua. Ngôn ngữ văn học tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đã được xã hội hóa một cách rộng rãi đến bất ngờ. Tôi rất hiểu có nhiều người không biết “Đồ long” là gì nhưng họ vẫn hát: “Có cô gái Đồ long lắc bầu cua…”. Mà cần gì phải biết, hễ cao hứng thì cứ hát. Gần như từ giai đoạn đó trở đi, một số từ ngữ trong văn chương của Kim Dung ngày càng được xã hội hóa tại Sài Gòn và miền Nam theo sự xuất hiện của các bản dịch tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung trên báo chí. Khái niệm “Tẩu hỏa nhập ma” được Kim Dung nhắc đến trong nhiều tác phẩm để chỉ một trạng thái nguy kịch có thể dẫn đến cái chết, sự điên loạn hoặc sự tê liệt hoàn toàn của một người luyện nội công sai đường. Như trong Hiệp khách hành, Cẩu Tạp Chủng (Thạch Phá Thiên) vừa có nội công Hàn ý miên chưởng (công phu chí âm của bà mẹ nuôi Mai Phương Cô truyền cho) vừa luyện Viêm viêm công (công phu chí dương của Tạ Yên Khách chỉ điểm). Đến lúc tối hậu, hai luồng chân khí âm dương đối địch nhau, mặt chàng lúc đỏ như say rượu, lúc xanh như xác chết trôi. Chàng ngã lăn trên phiến đá, giãy đành đạch mấy cái rồi nằm im, hơi thở mỏng như tơ… Đó là trạng thái tẩu hỏa nậhp ma. Giới trí thức và giới sinh viên thời ấy dùng phổ biến cụm từ này. Thí dụ “Thằng ấy đang tẩu hỏa nhập ma” có nhĩa là thằng ấy đang… khùng. Những tiếng chửi tục của bọn hào sĩ giang hồ trong Tiếu ngạo giang hồ được dân sinh viên thời ấy “mượn” tối đa. Tác phẩm có thuật chuyện bọn môn đệ Tung Sơn bị Lệnh Hồ Xung đâm mù mắt đã dụ quần hùng lọt vào hậu động Hoa Sơn, bít cửa động lại rồi giết họ. Bọn chúng có câu ám ngữ “Cút con bà mày đi” để nhận ra nhau là đồng bọn. Lệnh Hồ Xung cũng học được câu chửi ấy nên mới tự giữ mình được. Dân sinh viên dùng câu ám ngữ này như một… lời chào. Hai anh bạn gặp nhau, vừa mời nhau điếu thuốc, vừa “Cút con bà mày đi”. Báo là nơi in tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung trước tiên cho nên giới nhà báo cũng là những người được đọc Kim Dung kỹ và đầy đủ hơn mọi người. Từ say mê feuilleton, họ say mê luôn các nhân vật và dùng luôn tên các nhân vật làm bút danh cho mình. Ông Lê Tất Điều ký bút danh Kiều Phong, ông Nguyên Sa ký bút danh Hư Trúc, ông Chu Tử ký bút danh Kha Trấn Ác. Những bút danh Tiểu Siêu, Du Thản Chi… lần lượt xuất hiện trên báo chí. Một số những nhân vật khác của Kim Dung cũng được “mượn” họ tên để biểu hiện cho tính cách con người. Kẻ đạo đức giả, có thủ đoạn lừa mị thì bị gọi là “Nhạc Bất Quần”. Kẻ hay ton hót, nịnh nọt thì bị gọi là “Vi Tiểu Bảo”. Những danh từ riêng ấy qua tác động xã hội hoá, trở thành danh từ chung ám chỉ mộmt loại người. Điều ngộ nghĩnh là các ông nghị, bà nghị trong lưỡng viện Sai Gòn trước đây cũng hay sử dụng các “thuật ngữ” này để thoá mạ nhau khi đấu khẩu trước diễn đàn hay phát biểu trước công luận. Nhiều từ ngữ khác trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung thâm nhập đời sống một cách tự nhiên. Những người ăn xin thì được gọi là “Cái bang”, nhà giáo đánh học sinh một cái bạt tay được gọi là đánh một “chưởng”. Khái niệm “chưởng” được mở rộng ra để chỉ tất cả các loại phim quyền cước do Hongkong, Đài Loan sản xuất: Phim chưởng. Chữ “chiêu” được sử dụng rộng rãi nhất: “ra phố dạo mấy chiêu”, “cầm cơ bi da đánh một chiêu”, “anh đừng giở cái chiêu ấy ra với tôi”… Ngữ nghĩa chữ “chiêu” càng ngày càng được mở rộng đến nỗi nó… vượt xa tầm tay của Kim Dung. Người nhỏ tuổi gọi người lớn tuổi là “Sư phụ”, sếp cơ quan được nhân viên gọi là “Trưởng lão”, từ chối một chức vụ hay xin hưu thì gọi là “rửa tay gác kiếm”, cầm bút viết lại thì gọi là “tái xuất giang hồ”. Nhưng chưa có chữ nào được xã hội hoá rộng nhất như chữ “Ma giáo”. Trong tiểu thuyết của mình, Kim Dung hay nhắc đến Ma giáo, phát xuất từ chữ Manichéisme (Bái hỏa giáo, Minh giáo). Người Trung Hoa phiên âm là Ma Ni giáo, gọi mãi, người ta lượt bỏ chữ Ni để chỉ còn Ma giáo. Đi vào xã hội Việt Nam, chữ “ma giáo” (không viết hoa) dùng để chỉ đặc điểm của một người có hành vi lật lọng, phản bội, xấu xa: “Anh đừng có chơi ma giáo với tôi”, “ông ấy làm ăn rất ma giáo”, “con người ma giáo ấy chẳng được ai ưa”. Có thể người ta quên mất nhiều câu chuyện được kể trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Có thể người ta quên sạch các chương hồi, các tình huống, các nhân vật. Thế nhưng, một số từ ngữ đặc biệt trong văn chương tiểu thuyết võ hiệp của ông được xã hội hóa, đi vào cuộc sống thì vẫn còn mãi trong văn nói của người Sài Gòn, người miền Nam. Tuỳ theo từng cách dùng, tuỳ theo từng thời điểm, ngữ nghĩa của các từ, ngữ ấy có thể chuyển đổi một ít hoặc toàn bộ. Truyện Kiều của Nguyễn Du để lại cho ngôn ngữ văn chương Việt Nam ta những tên Sở Khanh, mụ Tú bà, máu Hoạn Thư… Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung cũng đem lại cho ngôn ngữ nói của chúng ta một số từ, ngữ mới; làm phong phú thêm ngôn ngữ nói và mở rộng thêm được một số khai niệm cần diễn đạt. Ở một chừng mực nào đó, ta có thể nói tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của ông đã giao thoa đúng tần số với một bộ phận bạn đọc Việt Nam. Đó cũng là một thành công lớn của người cầm bút về phương diện ngôn ngữ, diễn đạt.