Khi xây dựng nhân vật AQ (AQ chính truyện), Lỗ Tấn đã khai sinh ra một khái niệm có thể nâng lên thành hàng triết thuyết: thắng lợi tinh thần. Theo Lỗ Tấn, về mặt thể chất, anh có thể bị người ta đánh cho u đầu tét trán, bị người ta đè ra lột sạch tiền bạc. Về tinh thần, người ta có thể coi anh là một thức người không ra người, khinh miệt anh. Nhưng anh vẫn cúi đầu cam chịu và tự cho mình uống một liều nước đường; tự dối lòng mìn rằng anh là cha của những kẻ đã đánh anh, đã làm nhục anh. Anh coi những kẻ đó ngu hơn anh.
AQ khi bị đánh thường tụ an ủi: “Cái đời thật lạ lùng, con mà lại dám đánh bố”. Bị đánh đau hơn, bị đè đầu xuống đất, AQ lại la lên: “Tao là con trùn, được chưa nào?”. Rồi AQ mắng thầm kẻ đè đầu mình: “Đồ ngu, ngươi đánh con trùn mà cứ tưởng đánh được ta.” Thậm chí khi ở một mình, nghĩ đến trận đòn vừa qua, AQ lại tự đưa tay lên vả vào má mình và tưởng tượng ra mình đang vả vào má một ai đó! AQ áp dụng tư duy phân thân, cho rằng mình không phải là mình nữa, mình đang thắng lợi vì được vả vào má một thằng tên là AQ nào đó.
AQ của Lỗ Tấn ra đời năm 1927. Vi Tiểu Bảo của Kim Dung ra đời năm 1968. AQ là con người của bối cảnh xã hội sau Cách mạng Tân Hợi 1911 nhưng là nhân vật đại biểu của dân tộc Trung Hoa suốt mấy ngàn năm. Đây là con người cổ điển. Vi Tiểu Bảo là con người trong bối cảnh xã hội sau biến cố lịch sử Mãn Thanh xâm lược và chiến được Trung QUốc năm 1643 nhưng lại là con người rất hiện đại. Cả hai anh cổ điển và hiện đại đó đều cùng có chung một tư duy lớn: phép thắng lợi tinh thần.
Vi Tiểu Bảo ở trong Lệ Xuân viện, thành Dương Châu chỉ là một thứ tiểu lưu manh. Nghề nghiệp của Bảo là đi mua quà vặt cho các kỹ nữ và làm chuyện lặt vặt theo sự sai khiến của khách làng chơi.
Bảo thường bị người ta mắng nhiếc là quân chó đẻ, đồ súc sinh. Tất nhiên, Bảo không dám mở miệng mắng lại, vì mắng lại là bị đòn ngay. Nhưng hễ không mắng ra miện được thì Bảo lại mắng thầm: “Ngươi mới là quân chó đẻ, ngươi mới là đồ súc sinh”. Sau mỗi câu mắng thầm, Bảo cảm thấy khoan khoái như được mắng thật. Phép thắng lợi tinh thần của Vi Tiểu Bảo cao cường hơn người đồng quốc AQ mấy bực. Điều khoan khoái nhất của Vi Tiểu Bảo là năm 13 tuổi được đi đến chỗ bọn Thiên Địa hội đang hoạt động phản Thanh phục Minh ở bắc Kinh. Lần đầu tiên Bảo được gọi là “Vi gia”. Vi gia tức là ngài họ Vi. Vi Tiểu Bảo tưởng tai mình nghe lầm. Cái mặc cảm mười mấy năm bị gọi là quân chó đẻ, đồ súc sinh từng khiến Bảo cảm thấy mình thuộc lớp hạ tiện nhất thiên hạ đột nhiên biến mất bởi hai chữ “Vi gia”.
Từ thời điểm đó, Vi gia của chúng ta tự cho phép được mắng thầm tất cả mọi người, kể cả những nhân vật thượng đẳng mà chế độ quân chủ Trung Hoa từng kính trọng. Thái hậu, tức mẹ của nhà vua, bị mắng là “mụ điếm già”. Công chúa, em gái vua, bị mắng là “con đượi non”. Thượng thiện thái giám, người coi sóc tất cả các đầu bếp chuyên nấu ăn cho hoàng gia, bị gọi là “lão con rùa”. Hoàng cung, nơi đẹp nhất kinh thành Bắc Kinh và đẹp nhất nước Trung Quốc, bị coi là nơi trá nguỵ nhất thiên hạ, giá trị chỉ ngang với kỹ viện. Kim Dung viết ra một câu khiến người đọc kinh hãi: “Hoàng cung và kỹ viện là hai nơi trá nguỵ nhất thiên hạ”. Tư duy đó có thể có nhà văn chưa nghĩ đến, cũng có thể có nhà văn đã nghĩ đến nhưng chưa viết ra được. Chỉ có Kim Dung là viết ra và được phát biểu qua cái loa phóng thanh Vi Tiểu Bảo của mình.
Khái niệm kỹ viện trở thành tiêu chuẩn, thước đo mọi giá trị trên đời của Vi Tiểu Bảo. Nhìn cách thiết trí một căn phòng trong hoàng cung hay trong một nhà đại phú, Bảo lập tức so sánh ngay với cách thiết trí một căn phòng trong Lệ Xuân viện. Nhìn cách ứng xử của thái hậu, Bảo so sánh ngay với má má của mình, một kỹ nữ về già ở thành Dương Châu. Gặp mặt Kiến Ninh công chúa, Mộc Kiếm Bình quận chúa và Phương Di tiểu thư thuộc lực lượng Mộc vương phủ ở Vân Nam, Vi Tiểu Bảo cũng đem ba cô gái nhỏ tuổi này so sánh với các kỹ nữ trẻ ở Lệ Xuân viện. Dưới mắt Vi Tiểu Bảo, phụ nữ là người tầm bậy nhất thiên hạ. Khái niệm đẳng cấp xã hội ở đây không còn nữa, cái còn lại là tố chất con người, hễ ngươi là con người thì dù mang danh cao quý cũng chẳng hơn gì, thậm chí còn thua xa nhữhng kỹ nữ thành Dương Châu. Ở chừng mực nào đó, phép thắng lợi tinh thần của Vi Tiểu Bảo là có cơ sở để tin cậy chứ không lạc quan quá đánh như phép thắng lợi tinh thần của AQ.
Phép thắng lợi tinh thần tạo cho Vi Tiểu Bảo một niềm tin mãnh liệt: tin rằng mình hơn người, hơn đời, tinh rằng mình cao quý hơn thiên hạ và tin rằng mình sẽ thắng. Về võ công, Vi Tiểu Bảo chỉ học lóm, học mót; kết hợp một cách lộn xộn võ công của nhiều phái, nhiều người, bá đạo cũng có mà vương đạo cũng có. Về kiến thức văn hóa, Bảo dốt đặc, được Khang Hy khái quát trong phạm vi 5 chữ: “gã bất học vô thuật”. Về đẳng cấp xuất thân, Bảo thuộc loại hạ tiện nhất của Trug Quốc, còn thua xa cả AQ. Chỗ tựa duy nhất giúp Vi Tiểu Bảo tiến tới là phép thắng lợi tinh thần. Cứ coi thiên hạ không ra cái giống gì, cứ coi đối phương là đồ ngu dốt, cứ tự cảm thấy mình là cao quý thì sẽ thắng lợi. Và trong những tình húông cụ thể, dùng phép tiểu xảo lưu manh biến thua thành thắng. Câu nói thời danh của Bảo nghe ra vừa có vẻ huênh hoang khoác lác vừa có cơ sở để tinh cậy là câu: “Binh đến thì tướng ngăn, nước tràn thì đất lấp”.
Đánh nhau với người La Sát ở biên giới Trung-Nga, gặp tiết trọng đông, tuyết rơi ngập trắng xóa. Người La Sát đã xây dựng thành trì kiên cố, ở trong nhà có lò sưởi, chỉ đợi quân Thanh đến là giã trọng pháo xuống thì mười Vi Tiểu Bảo cũng toi mạng. Thế nhưng trong một lần trễ quần xuống đi tiểu, Vi Tiểu Bảo chợt nhận ra nước tiểu đóng ngay thành băng. Từ thực tế đó, Bảo ra lệnh cho quân làm ống thụt, đem chảo lớn nấu băng tuyết thành nước sôi, hút vào trong súng và bắn lên thành trì người La Sát. Nước bắn ra nửa chừng hoá băng lạnh, tạo htành một trận mưa băng trút xuống thành trì người La Sát, vô hiệu hóa mọi hoạt động của họ.
Cuối cùng, quân Thanh hạ được thành, bắt được tướng chỉ huy. Một chương “Vi Tiểu Bảo niệu xạ Lộc Đỉnh sơn” vừa hài hước, vừa thú vị trong Lộc Đỉnh ký tưởng đã quá đủ để nói lên phép thắng lợi tinh thần của Vi Tiểu Bào; chỉ một chút nước tiểu quý giá của Vi Nguyên soái cũng đủ làm cho thành Lộc Đỉnh đầu hàng.
Khác với Lỗ Tấn, Kim Dung đã đề xuất ra được một phép thắng lợi tinh thần tích cực. AQ khom người xuống, cam chịu, để tự huyễn hoặc mình là thứ cao quý; Vi Tiểu Bảo rướn người lên dùng tiểu xảo đạt thắng lợi cũng để tự huyễn hoặc mình là thứ cao quý. Ở mỗi thời điểm lịch sử khác nhau, mỗi thời đại khác nhau, phép thắng lợi tinh thần được thể hiện và lý giải một cách khác nhau nhưng tựu trung vẫn là thắng lợi tinh thần. Phép thắng lợi tinh thần của Kim Dung đi vào bề rộng, phép thắng lợi tinh thần của Lỗ Tấn đi vào chiều sâu. Chung cục, AQ bị giết bởi một bản án oan nhưng Vi Tiểu Bảo thì vẫn sống nhởn nhơ với một gia đình bảy bà vợ và một gia tài kếch xù bậc nhất trong các nhà hào phú Trung Quốc. Ấy bởi vì Vi Tiểu Bảo là một con người rất hiện đại.