Tôi đang ở trong phòng 301, nhà khách Đoàn T.30 của Quân khu 9. Tháng 11, đêm Cần Thơ mưa nặng hạt. Qua cửa kính, tôi có thể nhìn thấy màn mưa trắng xóa trên rạch Cái Khế, những ánh điện vàng vọt hắt xuống từ những khung cửa của các ngôi nhà ven bờ rạch bên kia. Mưa rơi thường gọi nhớ cho lòng người. Đây là một đêm phương Nam như bao đêm phương Nam khác, nhưng trời mưa khiến lòng thao thức, không ngủ được. Không ngủ được vốn là thuộc tính của tôi. Lòng tôi như một sợi dây đàn, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua là có thể rung lên thành tiếng; huống chi cuộc sống đầy những ba động, sướng khổ, vui buồn.
Bức thư kêu oan của một bà mẹ trong một xã vùng sâu huyện Châu Thành A, kể chuyện cô con gái 16 tuổi của mình bị hiếp dâm mà vụ án vẫn không bị khởi tố, bị can vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự làm lòng tôi đau nhói. Cô gái đã kể lại cho tôi nghe những giây phút kinh hoàng, đau đớn nhất đời cô. Kẻ gây án là một người có chức quyền, thuộc một tập thể sắp được lãnh huân chương. Trorng trường hợp này, danh dự của tập thể quan trọng hơn phẩm giá một người phụ nữ. Người ta đã mời cô đến, đưa một triệu đồng hỗ trợ, đưa cho mẹ cô ba triệu đồng gọi là giúp vốn về quê làm ăn. Khi cô đi khỏi miền đất tai họa của đời mình, có kẻ tự xưng là “nhà báo” viết một bài khá dài, ca ngợi kẻ hiếp dâm cô là một cán bộ năng nổ đầy tinh thần trách nhiệm; lên án cô là một thứ gái chuyên trộm cắp, đã được cho tiên2 mà còn lật lọng tố cáo vu vơ. Lẽ phải đã bị xâm phạm thô bạo, sự thật đã bị bẻ cong. Tôi có đủ cơ sở để chứng minh cô gái bị hiếp dâm và chứng minh kẻ có chức quyền kia đã phạm tội hiếp dâm. Nhưng tôi viết lên thì ai sẽ nghe tôi và liệu tiếng nói của tôi có đủ sức lay động tấm lòng của những người là công tác tố tụng để bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử kẻ phạm tội ấy?
Tôi cảm thấy nhục nhã vì chưa làm hết chức năng của một nhà báo đối với bạn đọc, với một bà mẹ nghèo và một cô gái bất hạnh đã tin tưởng gởi đơn kêu cứu đến cho tôi. Tôi cảm thấy nhục nhã bởi giữa cuộc sống mình bạch mà còn có “nhà báo” vô lương tâm, tự nguyện làm một thứ bồi bút cho đồng tiền để quay lại phóng uế vào sự thật. Tôi cảm thấy nhục nhã khi nhiều bạn đồng nghiệp ngay thẳng của tôi và cả tôi cùng đánh đồng với một thứ “nhà báo” như vậy. Thôi thì tôi trở lại với tư thế của nhà văn, đọc một cái gì đó mà mình yêu thích và viết một cái gì đó mà mình cần viết.
Có lẽ trong suốt bộ tiểu thuyết Ỷ thiên Đồ long ký, không có âm thanh nào ám ảnh tôi như tiếng gầm rú của Tạn Tốn. Kim Dung gọi đó là thần công Sư tử hống - tiếng gầm của sư tử. Tiếng gầm ấy là một vũ khí lợi hại; nó vang rền, kéo dài đập vào mang nhĩ của người nghe. Kẻ nào công lực yếu sẽ bị tiếng gầm làm cho hôn mê và chết luôn; kẻ có công lực khá hơn thì không chết nhưng mất hết trí nhớ, trở thành cuồng loạn. Trong toàn bộ tác phẩm, Tạ Tốn chỉ gầm lên một lần trên đảo Vương Bàn Sơn. Tiếng gầm của lão đã giết chết quần hùng; chỉ còn hai người sống sót nhưng cuồng loạn là Tưởng Đào và Cao Tắc Thành phái Côn Lôn; hai người sống sót trọn vẹn nhưng bị lão bắt đi làm “tù binh” là Trương Thuý Sơn phái Võ Đang và Hân Tố Tố của Bạch mi giáo. Tại sao Trương Thuý Sơn và Hân Tố Tố sống? Ấy là vì tác giả không muốn một thư sinh tài hoa, có nghệ thuật thư pháp tuyệt vời và một cô gái trong trắng, tươi đẹp, thông minh phải chết. Cái tài hoa, cái đẹp của họ là vốn quý của cuộc sống. Nhưng vốn quý ấy đồng thời cũng là mầm của tai họa, của đau đớn, của lầm than. Kim Dung gọi họ là một đôi người ngọc (ngọc nhân). Đôi người ngọc ấy phải sống, phải lưu lạc lên Băng Hỏa đảo, phải kết đôi với nhau, rồi phải trở lại Trung Nguyên để gánh chịu sự đau đớn của cái nhìn phân biệt chính tà, phải chết đi trên núi Võ Đang để giữ bí mật cho bảo đao Đồ long. Nghĩa là họ phải trả giá cho chính tài hoa và nhan sắc mà trời ban cho họ.
Tiếng rú của Tạ Tốn bao hàn đủ cả đau thương, uất hận. Một con người văn nhã, có kiến thức văn học uyên bác, có tài biện luận trôi chảy mà vợ con lại bị chính gã “sư phụ” mất dạy là Thành Khôn giết chết. Tạ Tốn coi người thầy của mình là cừu nhân, mà oái oăm thay, gã cừu nhân ấy lại có vai trò lớn hơn cả người cha (trong chế độ quân chủ theo Nho giáo). Tạ Tốn đi tìm cừu nhân, lại đánh chết một vị thần tăng mà lão thường kính trọng. Cũng như Chí Phèo của Nam Cao, Tạ Tốn của Kim Dung mong muốn được làm một con người lương thiện nhưng con đường trở về với bến lương thiện của lão đã bị chặt đứt bởi sự phân biệt ân oán, chính tà, thiện ác. Tôi cho rằng Tạ Tốn cất tiếng rú là một cách phát tiết tâm tình. Tạ Tốn rú cũng như Bạch Cư Dị làm thơ, cũng như cô kỹ nữ trên bến Tầm Dương cất tiếng hát. Tất cả chỉ là sự phát tiết.
Hân Ly, em cô cậu của Trương Vộ Kỵ, lại thương yêu Trương Vô Kỵ. Trong quan điểm của hôn nhân gia đình Trung Hoa ngày xưa, anh chị em cô cậu ruột, anh chị em bạn dì ruột được phép lấy nhau. Ở đây, người ta bỏ qua mối dây quan hệ huyết thống, chỉ chú trọng đến yếu tố bàng hệ. Vâng, Hân Ly thương yêu Trương Vô Kỵ. Nhưng khác với những thiếu nữ xuân thì, cô không muốn giữ lại tấm nhan sắc xinh đẹp của mình. Cô luyện một môn võ công độc ác với ước mong môn này sẽ giúp cô trả thù lớn cho mẹ mình. Cô dùng đôi tay hút hết chất độc của những con nhện độc vào thân thể mình và cô biết khi luyện đến một ngàn con nhện độc, chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể, dung mạo biến đổi trở nên xấu xí vô cùng. Môn võ công của cô được gọi là Thiên châu vạn độc thủ. Châu đây là con nhện. Đời cô chuyên chơi với những con nhện nên Kim Dung còn gọi cô là Châu Nhi (bé Nhện). Chất độc của nhện đã làm cho khuôn mặt cô ngày càng xấu đi; chỉ còn nụ cười với hàm răng trắng là vẫn rực rỡ. Về sau, cô bị rạch bốn nhát kiếm vào mặt; chất độc chảy ra khiến da thịt trắng trẻo lại. Nhưng một thiếu nữ bị bốn vết kiếm trên mặt thì dù trắng trẻo đến đâu cũng không thể gọi là cô gái đẹp được. Cái hạnh phúc muốn được làm duyên làm dáng trước tình quân muôn đời cô không thực hiện được.
Ỷ thiên Đồ long ký có một cái bóng thấp thoáng rất lạ. Đó là Thành Khôn, gã sư phụ mất dạy của Tạ Tốn. Gần như Thành Khôn gây nên các oán thù, xung đột trong tác phẩm nhưng người đọc không thấy rõ ràng chân tướng lão qua tác phẩm đồ sộ này. Đầu tiên, khi Trương Vô Kỵ cứu các cao thủ Minh giáo trong Tổng đàn trên Quang Minh Đính, đã giao đấu với lão, biết lão chính là kẻ cừu nhân của nghĩa phụ Tạ Tốn, đã trốn vào phái Thiếu Lâm dưới pháp danh Viên Chân nhưng chàng chỉ nghe được tiếng nói và tiếp xúc với hai bàn tay lão xuyên qua cái bao vải. Mọi người tưởng lão chết trong đám loạn quân nhưng khi kiểm tra lại các xác chết thì lão đã trốn mất. Rồi khi Trương Vô Kỵ cùng Tiểu Siêu đi vào đường hầm bí mật dưới Quang Minh Đính, bị Thành Khôn lấp tảng đá để bít kín miệng hầm, Vô Kỵ vẫn không thấy được mặt lão. Lần cuối cùng, khi âm mưu bại lộ, lão mới xuất hiện và giao đấu với Tạ Tốn tại hậu sơn chùa Thiếu Lâm. Tạ Tốn bị mù, bị lão đánh cho tả tơi. Thế nhưng, Tạ Tốn đã cố ôm lão cùng rơi xuống hầm giam tối đen. Ở đấy, người mắt sáng cũng như kẻ đui mù. Tạ Tốn cuối cùng cũng trả được mối đại thù: đam mù hai mắt Thành Khôn, phế hết võ công của lão. Kẻ cả lần cuối cùng này, Thành Khôn cũng xuất hiện dưới lớp hóa trang làm cho cả quần hùng không ai nhận ra. Chỉ có Tạ Tốn, nhờ bị mù mà nhận được tiếng nói. Rốt cuộc, chẳng ai thấy rõ Thành Khôn ra làm sao.
Có lẽ bạn đọc ngạc nhiên, tự hỏi tại sao tôi đọc lại Ỷ thiên Đồ long ký mà chỉ điểm có ba nhân vật Tạ Tốn, Hân Ly, Thành Khôn; ba nhân vật phụ. Vâng, giữa đêm Cần Thơ mưa rơi tầm tã, đêm phương Nam lặng lẽ, tôi cứ suy nghĩ mải về Tốn, Ly và Khôn. Bạn để ý ba cái tên ấy chứ? Đó là ba quẻ trong tám quẻ của kinh Dịch: Càn Khảm, Chấn, Tốn, Cấn, Ly, Khôn, Đoài. Vâng, Ỷ thiên Đồ long ký lấy ba quẻ đặt tên nhân vật. Ở một tác phẩm khác, Kim Dung lại sử dụng hai quẻ Càn và Cấn để đặt tên cho hai nhân vật phụ là Công Dã Càn và Hoa Hách Cấn. Kim Dung có ngụ ý gì khi đưa các quả của kinh Dịch đặt tên cho nhân vật mình? Tôi cứ suy nghĩ mãi điều đó nhưng chưa tìm ra được chìa khóa giải mã. Cho nên, giữa đêm mưa phương Nam, tôi cứ đọc lại Ỷ thiên Đồ long ký và đi tìm. Còn các bạn, các bạn đã tìm ra chưa?