Khái niệm khoa học - kỹ thuật là khái niệm khá mới mẻ, khái quát những phát minh sáng chế sử dụng phục vụ cho con người. Từ ngàn xưa, dân tộc Trung Hoa cũng có những phát kiến khoa học – kỹ thuật riêng của họ. Và thật thú vị khi ta gặp lại một số kỹ thuật sơ đẳng đó trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.
Kim Dung cho ta biết người Trung Hoa đã biết sử dụng chất cường toan (acid) vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Đầu tiên, chất acid dùng để viết chữ. Bộ Ỷ thiên Đồ long ký có nhắc đến sáu thanh Thánh hỏa lệnh của Bái hỏa giáo Ba Tư do 3 sứ giả của tôn giáo này đem vào Trung Quốc, dùng như một loại vũ khí, trên đó có khắc pho võ công quái dị của người Ba Tư. Trương Vô Kỵ, giáo chủ Bái hỏa giáo Trung Quốc (Kim Dung dùng từ Minh giáo – Manichéisme ) sử dụng võ công tuyệt thế đoạt lấy được các thẻ Thánh hỏa lệnh. Điều đặc biệt là các Thánh hỏa lệnh không phải bằng xương, bằng ngà, bằng thép mà bằng một lọai hợp kim rất lạ. Để viết được tâm pháp võ công trên Thánh hỏa lệnh, người Ba Tư phải nhúng thánh hỏa lệnh vào sáp, lấy cọ cứng viết chữ trên mặt sáp rồi dùng chất cường toan đồ theo nét chữ nhiều lần mới in sâu được chữ vào Thánh hỏa lệnh
Bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung đã biết dùng cường toan làm vũ khí chiến đấu. Trong Ngũ kỳ của Minh giáo Trung Quốc, có đội Hồng thủy kỳ chuyên dùng ống phun cường toan vào kẻ địch. Trên sân chùa Thiếu Lâm, họ đã biểu diển màn đánh cường toan vào bầy chó sói cho quần hùng mục kích. Bộ Tiếu ngạo giang hồ cũng nói đến kỹ thuật đánh cường toan này. Bọn giáo chúng Nhật Nguyệt giáo ngụy trang lên Hằng Sơn chúc mừng lễ nhậm chức chưởng môn của Lệnh Hồ Xung đã đem theo ống phun nước cường toan, vây hãm Lệnh Hồ Xung, Phương Chứng – trụ trì chùa Thiếu Lâm và Xung Hư – chưởng môn phái Võ Đang….
Kim Dung còn đề cập đến kỹ thuật dùng thuốc nổ. Đầu tiên thuốc nổ được dùng như một lọai pháo thăng thiên, nổ trên không trung cho ra những hình ảnh đặc biệt. Đây là cách triệu tập đồng môn, đệ tử của từng môn phái. Từ thuốc nổ làm pháo, Kim Dung bàn đến kỹ thuật chôn thuốc nổ để đánh mìn. Phái Tiêu Dao trong bộ Thiên Long bát bộ có kỹ thuật đánh mìn cực giỏi. Bọn Hàm Cốc bát hữu của phái Tiêu Dao dùng thuốc nổ làm mìn chống lại Đinh Xuân Thu. Trong Tiếu ngạo giang hồ, phái Võ Đang chôn thuốc nổ ở núi Hằng Sơn định tiêu diệt Nhật Nguyệt giáo. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Viên Chân (tức Thành Khôn) chôn thuốc nổ hòng tiêu diệt Minh Giáo. Họ đều biết cách chuyền dây dẫn, kích hỏa, tạo phản ứng nổ…
Lịch sử cho ta biết người Trung Hoa là dân tộc đầu tiên tìm ra thuốc nổ phục vụ nghề làm pháo. Điều thú vị là trong tiểu thuyết Kim Dung không có vụ nổ nào thành công bởi vì cuối cùng chẳng có ai kích hỏa. Tất cả đều kết thúc tốt đẹp, nhân vật giang hồ không ai chết tập thể vì thuốc nổ, dù đã được chôn theo đúng dự kiến.
Bộ Thiên Long bát bộ cho chúng ta biết kỹ thuật sử dụng chất lân (phosphore) làm vũ khí. Phái Tinh Tú của Đinh Xuân Thu lấy chất lân chế ra những viên đạn dùng để bắn vào thân thể người khác. Ngọn lửa xanh biếc của chất lân bám vào quần áo da thịt người bị bắn, bốc cháy khiến cho nạn nhân đau đớn kêu gào rất thảm thiết trước khi chết. Phái Tinh Tú sử dụng loại đạn này để trừng phạt các giáo đồ có âm mưu phản thầy, dối bạn đồng môn.
Sự thật của sức mạnh trong việc đánh nhau chủ yếu vẫn là vũ khí. Vũ khí càng mới mẻ, việc đánh nhau càng dễ đưa đến thành công. Trong Lộc Đỉnh ký nói đến kỹ thuật đúc súng đại bác: vua Khang hy lặng lẽ giao cho 2 giáo sĩ người Tây Dương là Nam Hoài Nhân và Thang Nhược Vọng luyện kim đúc súng đại bác. Nhà vua chuẩn bị việc đánh nhau với Bình Tây vương Ngô Tam Quế ở Vân Nam và với quân Nga ở biên giới Đông Bắc. Súng đại bác thời đó chưa có bộ phận kích hỏa, phải đốt mồi lửa sau đuôi trái đạn để tạo phản ứng nổ đẩy trái đạn bay đi. Đây là 1 dạng sử dụng thuốc bồi trong pháo binh hiện đại. Để buổi thao diễn kích thích tinh thần sĩ tốt, Nam Hoài Nhân và Thang Nhược Vọng cho xây sẵn những gò nổng làm mục tiêu, bên trong gò nổng chứa đầy diêm sinh, lưu huỳnh. Quả đạn rơi trúng mục tiêu nổ bùng khiến các chất trên bốc cháy rực trời. Bọn sĩ tốt phấn khởi, hoan hô vạn tuế muốn bể cả võ trường.
Kỹ thuật luyện kim được Kim Dung nhắc đến nhiều nhất trong các bộ tiểu thuyết võ hiệp của ông. Bọn hào sĩ giang hồ đánh nhau thường sử dụng đến 2 thứ vũ khí cổ điển là đao và kiếm. Kim Dung đề cập đến loại bảo đao, bảo kiếm như Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm (Ỷ thiên Đồ long ký) chém sắt như chém bùn. Ông cũng đề cập đến các loại trủy thủ (dao găm) chế bằng hợp kim đặc biệt như lưỡi trủy thủ của Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh ký. Loại trủy thủ này bén ngọt đến nổi Vi Tiểu Bảo đâm xuyên qua vách ván giết chết mấy Lạt ma Tây Tạng cứu thầy mình là Cửu Nạn sư thái mà người ở hiện truờng chẳng biết tại sao các Lạt ma chết đi. Trong Hiệp khách hành, ông đề cập đến một thứ lệnh bài làm bằng huyền thiết (thép đen) của Tạ Yên Khách. Tạ Yên Khách lấy kiếm chém vào Huyền thiết lệnh, kiếm gãy mà lệnh bài vẫn không suy suyển chút nào.
Nhắc đến thuật luyện kim, Kim Dung không quên khoác vào cho thuật này chất huyền bí. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, ông kể lại chuyện quần hùng Minh giáo nối lại cây đao Đồ long đã gãy. Trên ngọn lửa đỏ phừng phừng, tất cả các loại kềm gắp bảo đao nóng quá, chảy ra thành chất lỏng mà bảo đao vẫn chưa nối lại được. Trương Vô Kỵ phải cho bọn giáo chúng mượn bốn thanh Thánh hỏa lệnh kẹp bảo đao. Ngọn lửa cháy cao, một thuộc hạ của Vô Kỵ phải múa kiếm đâm bạn mình cho máu phun vào chỗ đương ráp nối, bảo đao mới lành lặn lại được. Câu chuyện nhắc ta nhớ lại huyền thoại luyện 2 thanh kiếm Can tương và Mạc gia (Mạc tà) thời Chiến quốc.
Ỷ thiên Đồ long ký cũng đề cập đến việc sử dụng dầu đá (thạch du – dầu thô lấy từ mỏ ra, chưa được chế biến) của người Trung Quốc cuối đời Nguyên. Trong đội ngũ kháng chiến của Minh giáo có đội Liệt hỏa kỳ chuyên lấy dầu thô phun qua ống thụt để đánh hỏa công. Nói đến việc lấy dầu thô là nói đến kỹ thuật khai thác quặng mỏ. Minh giáo bắt nguồn từ Ba Tư nên rất rành kỹ thuật khai thác loại dầu này.
Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng kỹ thuật lạ nhất được Kim Dung đề cập đến là kỹ thuật chưng cất rượu. Kỹ thuật này được đề cập trong Tiếu ngạo giang hồ. Đan Thanh tiên sinh ở Giang Nam đem 3 chiêu kiếm truyền cho kiếm khách Mạc Hoa Nhĩ nguời Thổ Lỗ Phồn (Thổ Phồn – Tourfan) để đổi được 4 thùng rượu Bồ đào đã cất được 120 năm. Vận chuyển loại danh tửu này từ Thổ Lỗ Phồn về đến Giang Nam phải mất bốn tháng, đường đi lại khó khăn nên đến Giang Nam chất rượu lại chua, không được thuần mỹ. Đan Thanh vào hoàng cung, bắt cóc một chuyên gia của ngự trù phòng chuyên chưng cất rượu cho vua uống đem về Giang Nam buộc gã phải chưng lại mấy thùng Bồ đào tửu cho mình. Rượu được chưng lại đúng 13 tháng thì Đan Thanh gặp được “ông trùm” uống rượu Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung mới uống một hớp Bồ đào tửu đã lấy làm lạ, nhận xét trong cái mới có cái cũ, trong cái cũ có cái mới, dường như đã 120 năm mà cũng dường như mới 12 tháng. Đan Thanh hân hoan cho biết thứ Bồ đào tửu này đã được Mạc Hoa Nhĩ 3 lần cất, 3 lần chưng, về đến Giang Nam lại chưng cất thêm một lần nữa. Cho nên vị rượu vừa 120 tuổi mà cũng vừa 13 tháng là như vậy.
Kỹ thuật sau cùng đáng quan tâm là kỹ thuật dệt kim. Kim Dung giới thiệu một loại bảo y hộ thân rất hiệu nghiệm, được dệt bằng sợi kim ty (tơ kim khí) phối hợp với tơ tằm ngàn năm trên đỉnh Tuyết Sơn. Loại áo này là nội y, mặc lót bên trong, đao kiếm đâm không lủng, quyền chưởng đánh không bị chấn động. Trong Lộc Đỉnh ký, Khang Hy mặc 1 chiếc, Vi Tiểu Bảo mặc 1 chiếc. Quả nhiên không ai chơi nổi cả vua tôi nhà này.
Nhân loại càng tiến bộ, kỹ thuật càng phát triển. Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đơn thuần là tiểu thuyết, hoàn toàn không có ý định giới thiệu sự tiến bộ trong khoa học- kỹ thuật của người Trung Quốc. Ông cứ viết vậy, chúng ta đọc và tưởng tượng. Còn tưởng tượng đến đâu là quyền chúng ta.