Đọc đi đọc lại Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung, tôi cứ thầm mong rằng cô Nhạc Linh San đơn giản chỉ là nhân vật trong tiểu thuyết, rằng cô không hề có thật ở trên đời. Tôi yêu quí nhân vật này biết bao nhiêu ở những chương hồi đầu của bộ tiểu thuyết rồi tôi lại ghét cô bấy nhiêu ở những chương hồi sau.
Nhạc Linh San là cô con gái độc nhất của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần và bà Ninh Trung Tắc. Năm 16 tuổi, cô xuất hiện trong tác phẩm tiểu thuyết của Kim Dung với bộ mặt xinh đẹp và đôi mắt to , tròn của một cô gái trong sáng, trong trắng, nghịch ngợm và thông minh. Do yêu cầu theo dõi hành tung của phái Thanh Thành khi chúng tiến đánh Phước Oai tiêu cục để tìm kiếm bộ Tịch tà kiếm phổ, Nhạc Linh San đã được “đánh” xuống phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, hoá trang thành cô gái bán rượu trong hiệu Đại Bảo mà chủ nhân của cửa hiệu là nhị sư ca của cô – Lao Đức Nặc.
Hãy trở lại một chút với ngày xưa. Mười hai năm trước, Nhạc Bất Quần nhận một chàng trai không cha, không mẹ là Lệnh Hồ Xung vào làm đại đệ tử của phái Hoa Sơn. Lệnh Hồ Xung xem Nhạc Bất Quần như cha, Ninh Trưng Tắc như mẹ, Nhạc Linh San như em gái. Vốn là người tứ cố vô thân, chàng trai này đã coi phái Hoa Sơn chính là mái ấm của đời mình. Thông minh, giàu nghị lực, Lệnh Hồ Xung gần như đã học hết được chân truyền của Hoa Sơn kiếm pháp và Hoa Sơn khí công. Khi Nhạc Linh San mới ba bốn tuổi, chàng trai đã bế bồng cô hái hoa bắt bướm, làm cho cô những đồ chơi. Lớn lên một chút Nhạc Linh San muốn hái sao trên trời. Cô may những chiếc túi nhỏ bằng vải sa để Lệnh Hồ Xung bắt đom đóm về bỏ vào túi; treo các túi chung quanh giường cô ngủ để khi nào chợt mở mắt ra, cô có thể thấy hàng trăm con đom đóm lấp lánh như ánh sao. Đến khi vào tuổi dậy thì, cô đề nghị Lệnh Hồ Xung cùng cô sáng tạo một kiếm pháp riêng. Họ rủ nhau xuống thác nước luyện kiếm, đặt tên cho đường kiếm là Xung – Linh kiếm pháp, một trò chơi của trẻ con. Oái ăm làm sao, trong Xung – Linh kiếm pháp này, Nhạc Linh San lại đề nghị đặt tên cho một chiêu thức nguy hiểm nhất là Nhĩ tử ngã hoạt (ngươi chết ta sống).
Chỗ mạnh của Lệnh Hồ Xung là lòng nghĩa hiệp, là tính trung hậu, là tâm hồn nhân ái bao la. Chỗ yếu của Lệnh Hồ Xung là rượu. Chính vì chén rượu, Lệnh Hồ Xung bị gọi là gã lãng tử thanh danh tàn tạ, là con người không biết phân biệt trắng đen phải trái kết giao với bọn tà ma. Tất nhiên, đó chỉ là nhận xét của những người đứng ngoài cuộc; còn bản chất của sự việc không phải nhưu vậy. Mà Nhạc Linh San thì chưa bao giờ nhìn ra được bản chất ấy; cô chỉ hiểu con người qua tiếng đồn, qua sự suy đoán. Và đó là con đường đưa cô đến chỗ mất Lệnh Hồ Xung, mất đi món bảo vật là mối tình đầu thơ ngây tươi đẹp để về làm vợ một gã tiểu nguỵ quân tử.
Nhạc Linh San gặp Lâm Bình Chi tại Phúc Châu. Phía trên cô và Lao Đức Nặc có nguỵ quân tử Nhạc Bất Quần đứng ra thực hiện một âm mưu sâu sắc: rình rập để phỗng tay trên bộ Tịch tà kiếm phổ mà phái Thanh Thành đang nuôi tham vọng đánh cướp của nhà họ Lâm ở Phước Oai tiêu cục. Cuối cùng rồi âm mưu của Nhạc Bất Quần cũng thành công: lão thu nhận Lâm Bình Chi làm đệ tử, chiếm được bộ Tịch tà kiếm phổ và “dẫn đao tự cung” (tự thiến bộ phận sinh dục) để luyện đường kiếm này. Cha được kiếm phổ còn con gái được gì?
Nhạc Linh San lấy được Lâm Bình Chi, hưởng được toàn bộ vàng bạc châu báu của Lâm Bình Chi đem từ phân cục của Phước Oai tiêu cục tại Trường Sa về, trở thành cháu dâu của Vương Nguyên Bá, ông ngoại Lâm Bình Chi, một nhà giàu nứt tường đổ vách tại thành Lạc Dương. Tuy nhiên, làm vợ một gã đẹp trai mà cô gái này chưa hề được biết đến lạc thú của chuyện chăn gối. Vâng, vì nôn nóng trả thù phái Thanh Thành, Lâm cũng luyện Tịch tà kiếm phổ, cũng “tự cung” như ông cha vợ. Cưới nhau xong, hai người ngủ riêng hai giường, chuyện chăn gối đối với họ thuần tuý chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nói theo ngôn ngữ tâm phân học hiện đại của Sigmund Freud, Lâm Bình Chi đã tự triệt tiêu năng lực tình dục Libido của mình.
Nhưng đó là chuyện về sau, chuyện ở cuối bộ tiểu thuyết. Vấn đề ở đây chính là nhận thức về tình yêu của Nhạc Linh San. Cô gái ấy đã yêu đại sư ca Lệnh Hồ Xung của mình bằng một tình yêu nồng thắm. Gặp các bạn đồng môn, cô hỏi thăm cả mười tiếng đại sư ca đâu rồi. Thấy cha chiếu theo môn quy đánh đòn Lệnh Hồ Xung, cô khóc. Nghe chuyện Lệnh Hồ Xung bị người khác truy tìm, cô kinh hãi. Lệnh Hồ Xung bị phạt giam trên núi cao, cô giành phần đưa cơm, lại giấu cho chàng một hũ rượu ngon để uống giải sầu. Thậm chí khi cha mẹ đi vắng, cô đã dám tìm lên ngọn núi cáo, ngủ qua đêm với Lệnh Hồ Xung trong sơn động, tất nhiên là không có việc gì bê bối xảy ra vì Kim Dung ít khi cho trai gái quan hệ tình dục trước hôn nhân. Một cô gái có mối tình đẹp như thế lại không cưỡng lại được trước gã “mặt trắng” Lâm Bình Chi. Vắng đại sư ca, cô dẫn Lâm Bình Chi đi luyện kiếm, hái nấm, dạo chơi trong núi Hoa Sơn rồi dạy Lâm học kiếm pháp. Tác giả không nói rõ trong tiểu thuyết nhưng ta vẫn biết rằng qua những ngày tháng gần gùi với Lâm BÌnh Chi, cô khám phá ra được Lâm là một tỷ phú. Ngoài trái tim chung tình ra, Lệnh Hồ Xung chẳng có gì hết. Lâm thì có nhiều thứ: cái mã đẹp trai quyến rũ phụ nữ, vàng bạc châu báu đầy bao, cháu ngoại của một hào phú giàu nhất thành Lạc Dương và khúc sơn ca Phúc Kiến lạ tai: “Chị em lên núi hái chè…”. Cho đến khi Lệnh Hồ Xung nghe được câu ca rặt âm hườnng dân ca Phúc Kiến đó, chàng mới biết Nhhạc Linh Sa đã bỏ mình đi theo mối tình mới. Khúc sơn ca Phúc Kiến nát ngọc tan vàng đã cuốn toàn bộ kỷ niệm tình yêu đầu đời trôi theo dòng nước lũ. Lệnh Hồ Xung chỉ còn biết đem niềm đau của mình kể hết cho Nhậm Doanh Doanh, người con gái ẩn thân trong ngõ Lục Trúc thành Lạc Dương nghe…
Nhưng tôi không hề phiền trách tư tưởng thực dụng trong cô gái mới 17, 18 tuổi này. Điều đáng phiền nhất là cô đã từng sống bên cạnh người đại sư ca trên mười mấy năm mà không hề hiểu được bản chất thật thà, trung hậu, ngay thẳng của Lệnh Hồ Xung. Cha cô đã vu cáo Lệnh Hồ Xung ăn cắp Tịch tà kiếm phổ nhà họ Lâm; theo gương cha, cô cũng cáo buộc Lệnh Hồ Xung đã giết bạn đồng môn, đã chém Lâm Bình Chi đến trọng thương và đã ăn cắp Tịch tà kiếm phổ của Lâm. Nói cách khác, cô hoàn toàn không hiểu được con người của Lệnh Hồ Xung. Có lẽ đó cũng là điều hết sức may mắn cho Lệnh Hồ Xung, bởi nếu chàng ta cưới một cô gái như vậy về làm vợ thì cuộc sống lứa đôi quả là sự trừng phạt không đáng có.
Toàn bộ những điều mà cô cáo buộc Lệnh Hồ Xung chỉ là những phỏng đoán. Thực sự, chính cha cô đã làm nên tất cả những màn kịch ấy. Nhưng nâng từ sự phỏng đoán trở thành niềm xác tín thì chỉ có Nhạc Linh San; cha cô không hề tham dự vào. Cho nên, khi đã thành vợ Lâm Bình Chi, hiểu được rằng chồng mình đã tự biến thành một gã tiểu thái giám, Nhạc Linh San mới rõ được tất cả. Lúc bấy giờ thì đã muộn, Lệnh Hồ Xung đã là người thuộc v6è Nhậm Doanh Doanh. Nhạc Linh San chỉ còn biết mượn bài thơ của Lý Thương Ẩn chép lên tầm lụa treo trên vách:
Phụng nữ ân cần biệt cố nhân
Tóc tơ vương vấn nợ hồng trần
Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử
Xương trắng thành tro hận chửa tan.Cô đã bị chính chồng mình là Lâm Bình Chi giết. Hắn đã trở thành kẻ bất nam bất nữ, đâu có thích phụ nữ. Khi chết đi, vị phu nhân này hãy còn là một trinh nữ…
Đọc đến đây, tôi cảm thấy xót thương cho Nhạc Linh San. Cô sống đã không có hạnh phúc, chết đi lại mang mối hận ngàn đời. Cuối cùng, con người thực dụng ấy lại quay về với bản chất làm người tốt đẹp nhất, lại biết quý chút kỷ niệm, chút tình đầu thơ ngây, trong sáng.
Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử
Xương trắng thành tro hận chửa tan.