Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 71917 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Chất hài

Trước nay, văn học thế giới đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm của các bậc thầy hài hước. Đưa nụ cười vào văn chương, tạo ra sự hứng thú cho người đọc đã có từ những vở Kỵch của Molière (Pháp), Azit Neshin (Thổ Nhĩ Kỳ), Slavemir Mrojek (Ba Lan). Và trong thời đại chúng ta, tiếng cười có nhiều trong các tờ báo chuyên hài hước, các tiểu phẩm trào phúng, châm biếm. Văn học Trung Quốc cũng đã trước bạ tên tuổi của các bậc thầy cười: Ngô Thừa Ân với siêu phẩm Tây Du Ký, Lỗ Tấn với tác phẩm A.Q Chính Truyện. Trên nền tảng cái cười Trung Quốc, Kim Dung tiên sinh cũng đưa nụ cười vào văn chương của ông, dù văn chương đó ở phạm trù văn chương kiếm hiệp.
Những tình huống trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung luôn luôn sôi động với tính chất đấu tranh, bạo lực, mưu toan, thủ đoạn. Vậy thì việc đưa tiếng cười vào trong những tình huống này quả là một điều khó thực hiện nhất là giữ làm sao cho chất cười đó không phá vỡ cái tổng thể của khái niệm võ hiệp tiểu thuyết. Kim Dung đã làm được việc đó với ngòi bút khéo léo của một bậc thầy và trong 12 bộ võ hiệp tiểu thuyết của ông, chất hài hước đã được dàn trải khắp các chương tạo ra niềm hứng thú cho độc giả.
Trong tác phẩm của ông, có những nhân vật khá hài hước về ngoại diện, tâm hồn thật trẻ thơ và hành sự rất tếu. Với bộ Xạ điêu anh hùng truyện, ta bắt gặp một nhân vật đáng yêu như vậy: Lão ngoan đồng Châu Bá Thông. Châu Bá Thông là nhân vật số 2 của phái Toàn Chân, sư đệ của Vương Trùng Dương, dưới tay có cả một đám sư điệt già nua cổ thụ nhưng tâm hồn ông vẫn là tâm hồn của một đứa bé ngây thơ, trong sáng. Ngay ngoại hiệu Lão ngoan đồng (ông già mà chơi như con nít) cũng đủ để mô tả đặc điểm tính cách nhân vật Châu Bá Thông. Theo sư huynh Vương Trùng Dương sang hoàng cung nước Đại Lý, Châu Bá Thông đã quan hệ tình dục với một cung phi của hoàng gia, đẻ ra một đứa con nhưng nuôi không được. Châu Bá Thông là một cao thủ, suốt đời chẳng biết sợ hãi ai nhưng mỗi khi nghe đến tên nàng cung phi đã lỡ thất thân với mình là ông ta chạy dài. Suốt đời Châu Bá Thông chuyên làm những việc cổ quái. Ngay đến môn võ công ông tự suy nghĩ ra cũng có cái tên kỳ dị không kém: Song thủ hỗ bác (hai tay vừa giúp nhau vừa đánh nhau). Đó là kết quả của một cách phân ý thật lý tưởng: tay trái vẽ hình vuông, tay mặt vẽ hình tròn cùng một lúc, sao cho vuông ra vuông, tròn ra tròn. Chỉ có Châu Bá Thông là làm được việc ấy và luyện thành công kỹ thuật Song thủ hỗ bác. Võ công ông ta đạt đến trình độ kinh người nhng chẳng hề giết chóc ai, hãm hại ai. Mỗi khi ông ta xuất hiện là tình huống trở nên vui nhộn.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, ta gặp rất nhiều nhân vật hài hước. Đó là Lệnh Hồ Xung, đại đệ tử phái Hoa Sơn, một nhân vật được mô tả là "lãng tử vô hạnh, thanh danh tàn tạ". Phái Hoa Sơn nổi tiếng về sự nghiêm khắc giữ gìn thanh quy giới luật nhưng khi cao hứng lên, Lệnh Hồ Xung sẵn sàng bỏ tất cả ra sau gáy. Anh đánh bạc với bọn du thủ, uống rượu xai quyền cùng anh em giang hồ hào sĩ, đánh cho bọn đệ tử Thanh Thành phải "thí cổ hướng hậu bình sa lạc nhạn" (chổng đít ra sau tan tác như nhạn rơi bãi cát). Bị mụ ni cô - vợ của Bất Giới hoà thượng, má của ni cô Nghi Lâm - cạo đầu và suýt bị thiến vì từ chối tình yêu của Nghi Lâm, Lệnh Hồ Xung đã trả thù" hết sức ngộ nghĩnh. Anh hướng dẫn cho Bất Giới đại sư cách điểm huyệt mụ, đưa mụ vào khách sạn và... cởi quần áo mụ ra làm sao mụ còn chạy thoát khỏi tay Bất Giới. Học được kinh nghiệm quái chiêu đó, Bất Giới đã quỳ xuống lạy Lệnh Hồ Xung, xưng tụng là Lệnh Hồ sư phụ, thậm chí là Lệnh Hồ gia gia!
Bất Giới hoà thượng cũng là nhân vật hài hước số một. Lỡ yêu một ni cô, ông ta cũng cạo đầu đi tu. Nhưng quy luật của Phật gia có ngũ giới cấm, trong đó có cấm tà dâm, mà mục đích của Bất Giới là đi tu để ăn ở cho được với người ni cô đó. Ông ta tự đặt cho mình ngoại hiệu là Bất Giới (chẳng cấm cản gì ráo), đã lấy được ni cô và đẻ ra Nghi Lâm. Nghi Lâm cũng đi tu, làm ni cô của phái Hằng Sơn. Cô thầm yêu trộm nhớ Lệnh Hồ Xung, ân nhân đã cứu mình ra khỏi tay dâm tặc Điền Bá Quang. Thế là Bất Giới phải đi tìm Lệnh Hồ Xung, ép buộc anh làm nhà sư để cưới Nghi Lâm vì trên đời này "chỉ có ông sư là cưới được bà vãi". Đối với Điền Bá Quang, Bất Giới trừng trị thẳng tay: cạo đầu buộc làm sư, đặt pháp hiệu là Bất Khả Bất Giới (không thể không cấm được), buộc Điền Bá Quang tôn Nghi Lâm làm sư phụ rồi buộc Điền Bá Quang làm mai "sư phụ" mình với Lệnh Hồ Xung.
Tuy nhiên, nói đến tiếng cười trong Tiếu ngạo giang hồ, người đọc vẫn nhớ đến Đào cốc lục tiên nhiều nhất. Đó là 6 anh em, tên là Đào Hoa Tiên, Đào Chi Tiên, Đào Điệp Tiên, Đào Thực Tiên, Đào Cán Tiên, Đào Căn Tiên. Họ gồm đủ hoa, nhánh, lá, cành, gốc, rễ nhưng bị cái tội hồ đồ, không phân biệt được ai là lão tam; ai là lão tứ ! Võ công cao cường, tâm ý tương thông, họ không sợ bất kỳ địch thủ nào trên đời. Suốt ngày họ đánh nhau, văng tục, cãi lộn.. Mà cái kiếu cãi lộn của anh em nhà họ Đào cũng rất hoạt kê, càng cãi câu truyện càng rối rắm. Nhìn dưới khía cạnh triết lý, Đào Cốc lục tiên chính là những nhà luận lý học hình thức (logique formelle) của phương Đông. Đào Cốc lục tiên mồm năm miệng mười, suốt ngày chỉ nói, nói và nói; đến vua nhà Tống cũng không cấm họ im miệng được.
Nhưng có một người duy nhất có thể buộc họ câm miệng. Đó là Sát nhân danh y Bình Nhứt Chỉ. Bình Nhứt Chỉ có lệ cứu được một người là ra lệnh cho người đó hoặc anh em người đó đi giết một người khác. Trong một lần Đào Thực Tiên bị trọng thương, bọn ngũ tiên bèn khiêng đến cho Bình Nhứt Chỉ chữa nhưng miệng vẫn nói thiên hô bách sát. Bình Nhứt Chỉ quát một tiếng im là năm lão im ngay bởi vì nếu không im, Bình Nhứt Chỉ sẽ buộc bọn tiên giết tên Đào Thực Tiên! Khi Lệnh Hồ Xung được đưa lên gò Ngũ Bá Cương, Bình Nhứt Chỉ thú nhận rằng không thể chữa thương cho chàng được. Bọn Đào Cốc lục tiên bèn trả thù, đặt ra câu hỏi: "Cứu một người thì giết một người. Nay không cứu được người thì giết ai?" Chính cái luận lý học hình thức của bọn lục tiên đã khiến Bình Nhứt Chỉ tự suy nghĩ và cuối cùng, tự vận kinh mạch cho đứt, chết đi để xứng với ngoại hiệu Sát nhân danh y!
Lệnh Hồ Xung, Bất Giới hoà thượng, Bất Khả Bất Giới Điền Bá Quang, Đào cốc lục tiên là cái trục hài hước của Tiếu ngạo giang hồ. Chung quanh cái trục đó còn có nhiều nhân vật hài hước khác như Hướng Vân Thiên, Quang minh tả sứ của Triêu Dương thần giáo; Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn; bọn quần ni phái Hằng Sơn; bọn giang hồ thảo khấu 36 động 72 đảo... góp thêm tiếng cười cho tác phẩm. Vì thế, Tiếu ngạo giang hồ tràn đầy tiếng cười lạc quan, ngay trong những tình huống bi thương nhất.
Chất hài hước trong kiếm hiệp Kim Dung thường xuất hiện trong những tình huống nghịch lý, thoạt tiên thì có vẻ kỳ quái nhưng đọc kỹ thấy thú vị vô cùng. Ta có thể tìm ra một hồi như vậy trong bộ Hiệp khách hành. Phái Tuyết Sơn có nội biến, bọn Tiêu Tự Lệ, Thành Tự Học, Tề Tự Miễn, Lương Tự Tiến bắt giam chưởng môn rồi quay ra đánh nhau để dành chức chưởng môn. Ai cũng tự khoe khoang võ công mình cao cường và họ đánh nhau với những chiêu thức độc ác nhất, tinh vi nhất. Giữa khung cảnh như vậy thì Trương Tam và Lý Tứ, hai sứ giả của đảo Mộc Long đến phát thiếp mời chưởng môn phái Tuyết Sơn đi ăn Lạp bát cúc ngoài biển Đông. Mà "ăn lạp bát cúc" có nghĩa là ra đi không có ngày về. Cả bọn Tề Tự Miễn, Lương Tự Tiến, Tiêu Tự Lệ, Thành Tự Học sợ quá, chẳng ai muốn tranh cái chức chưởng môn nữa. Trương Tam và Lý Tứ bó buộc bọn họ phải đấu võ cho phân thắng bại để xác định chưởng môn. Thế là anh nào anh nấy chỉ đấu cầu thua, thậm chí còn đưa tay chân của mình vào đao kiếm địch thủ để được bị thương và dĩ nhiên, càng bị thương nặng càng tốt. Trận đấu có kiếm bay, có máu chảy nhưng chất hài hước của bốn nhân vật cầu thua lại hoá giải được chất sắt máu kia và làm cho chương tiểu thuyết cực kỳ sống động, thú vị.
Trong truyện võ hiệp của Kim Dung, có những nụ cười rất nóng và có những nụ cười rất lạnh. Cười nóng là cười ha hả, cười đau cả ruột, mọi người cùng cười kể cả độc giả. Trong Thiên Long bát bộ, mỗi khi Tinh Tú hải lão ma Đinh Xuân Thu và bọn đệ tử của lão xuất hiện thì tiếng cười nóng lại rộ lên. Ấy bởi vì với phái Tinh Tú, thói nịnh là một thứ võ công hàng đầu so với những thứ võ công khác trên đời. Đã có những tên đệ tử phái Tinh Tú đem sư phụ Đinh Xuân Thu của mình so sánh với Đức Khổng Tử và kết luận Đức Khổng Tử thua Đinh Xuân Thu vì Khổng Tử không có võ công. Giá mà Đức Khổng Tử sống dậy, đọc được những dòng này, chắc hẳn ngài cũng phải bật cười khoan khoái. Ngược lại với cười nóng là cười lạnh, buồn mà cười, thương mà cười. Đó là mối tình của Du Thản Chi với A Tử.
Đoàn A Tử là cô bé ác độc, đệ tử của Đinh Xuân Thu, bắt được Du Thản Chi để hành hạ cho thoả tính tàn bạo. Cô đã ra lệnh đánh Du Thản Chi thừa sống thiếu chết rồi nướng cái lồng sắt đỏ chụp vào đầu y, biến y thành tên Thiết sửu giải trí cho cô. Nhưng oái ăm thay, ngay từ cái nhìn đầu tiên, Du Thản Chi đã say mê tấm dung nhan mỹ miều của A Tử. Hắn có thể hứng chịu cả trăm ngàn đau khổ để được nhìn thấy A Tử nở một nụ cười. Đôi mắt hắn long lên căm hờn khi có ai hướng về phía A Tử một cái nhìn thiện cảm. Hắn có một pho võ công rất kỳ bí là hàn khí của Kim tầm trùng độc làm nội công và đồ hình của Dịch Cân Kinh làm chiêu thức. Hắn đánh ai một chưởng thì người đó hoá thành băng tuyết ngay. A Tử đui hai mắt, không còn nhìn thấy gì trên đời. Thế là Du Thản Chi đi nhờ người ta tháo cái lồng sắt ra khỏi đầu mình và khuôn mặt của hắn trở thành khuôn mặt dị dạng của quỷ sứ. Hắn kiếm một cái khăn trùm đầu, tìm về với A Tử và tự đổi giọng nói, xưng mình là Trang Tụ Hiền; dẫn cô bé chu du giang hồ, khoe với cô rằng mình là kỳ nam tử, đẹp như Phan An, Tống Ngọc! Rõ ràng là khi có mặt A Tử, hắn đã đánh cho nhiều người thất điên bát đảo nên A Tử hết lòng tin cậy. Chính vì để bảo vệ bí mật cho những lời khoe khoang khoác lác đó, hắn đã phải năn nỉ nhiều người khen hộ hắn anh tuấn, đẹp trai để vừa lòng A Tử. Cái hài hước khi xây dựng cặp nhân vật A Tử - Du Thản Chi của Kim Dung tràn đầy nước mắt, bảo cười cũng được mà bảo khóc cũng không sai. Đó cũng là chất hài hước của Lỗ Tấn trong A.Q Chính Truyện khi A.Q được đưa ra pháp trường!
Được cười với những nhân vật của Kim Dung thật là một điều sảng khoái. Cái sảng khoái đó nằm trong những diễn tiến ngộ nghĩnh của câu chuyện, khiến người ta không tin cũng phải tin. Một thí dụ sinh động nhất là chuyện tuyển phu của công chúa Văn Nghi nước Tây Hạ. Công chúa Văn Nghi đã từng bị Thiên Sơn Đồng Mỗ bắt, cởi trần truồng và đem vào hầm nước đá tối thui cho nằm cạnh nhà sư Hư Trúc. Mục đích của Đồng Mỗ là phá giới Hư Trúc và quả nhiên, nhà sư trẻ đã không thoát qua khỏi vòng trần luỵ. Lòng anh vừa đau khổ nhưng cũng vừa cảm thấy hạnh phúc. Và suốt đời anh vẫn nhớ người trong mộng nhưng không biết nàng tên là gì, ở đâu. Đùng một cái, nước Tây Hạ ra bảng chiêu phu cho công chúa Văn Nghi. Những thế lực chính trị cảm thấy đây là thời cơ để phục hưng nền quân sự của quốc gia vì kẻ nào làm phò mã nước Tây Hạ là kẻ đó có thể nắm thực quyền về quân đội. Đoàn Chính Thuần nước Đại Lý buộc con là thế tử Đoàn Dự phải đi. Cô Tô Mộ Dung Phục cũng đi đến cầu hôn với hy vọng phục hưng binh lực nước Đại Yên. Hoắc Đô Vương tử nước Thổ Lỗ Phồn cũng đến tranh thủ. Chỉ có chàng Hư Trúc là đi chơi, hoàn toàn không nghĩ đến chuyện tuyển phu. Tất cả chương trình tuyển phu chỉ gồm có 3 câu: "Trên đời, người thích ai nhất? Người ấy tên gì, ở đâu?". Các Vương tử, thế tử đều đáp xong. Đến lượt, người ta đùa cợt, đẩy Hư Trúc vào. Đáp câu thứ nhất, Hư Trúc bảo: "Trên đời ta chỉ thích nàng nhất". Câu thứ hai: "Tối quá, ta không biết tên". Câu thứ 3:"Trong hầm nước đá" Và chỉ 3 câu đó, Hư Trúc tìm ra người tình nhân - Mộng Cô - của mình, trở thành phò mã nước Tây Hạ giữa sự ngạc nhiên của mọi người. Hoá ra, trò tuyển phu đó không phải là một đòn phép chính trị nhằm đối địch với ai cả. Đó chỉ là một cách để tìm ra người đàn ông mà công chúa đã từng yêu dấu và trao thân gửi phận.
Thế nhưng, không có tác phẩm nào tập trung cao độ tính hài hước bằng bộ Lộc Đỉnh ký. Từ cách xây dựng nhân vật trung tâm đến tình huống diễn tiến câu chuyện, đến ngôn ngữ nhân vật, Lộc Đỉnh ký là một bộ hài Kỵch lớn. Không chương nào của tác phẩm thiếu tiếng cười. Chuyện bắt đầu khi Vi Tiểu Bảo, một tiểu lưu manh trong động điếm Lệ Xuân viện thành Dương Châu được Mao Thập Bát, một hào khách giang hồ đem lên Bắc Kinh. Bằng thủ đoạn ma mãnh, Vi Tiểu Bảo đã giết được Tiểu Quế Tử thái giám, hoá thân làm Tiểu Quế Tử. Từ đó, hắn thân cận được với vua Khang Hy, trở thành bạn nhỏ của nhà vua, giúp vua giết được loạn thần Ngao Bái, gia nhập thiên địa hội và hoạt động gián điệp. Hắn trở thành Chánh đô thống hoàng kỳ, phong tặng tước hiệu Ba Đồ Lỗ; Khâm sai đại thần đi công cán Vân Nam; Tứ hôn sứ; Bá tước; Nguyên soái cầm quân chinh phạt quân La Sát! Công lao hắn lớn hơn bất kỳ một vị cố mệnh đại thần nào của triều Khang Hy.
Để đạt được tột đỉnh vinh quang đó, hắn chỉ áp dụng hai thứ kinh nghiệm: một là kinh nghiệm sống trong động điếm và hai là những câu chuyện truyền kỳ trong bộ Anh Liệt Truyện mà hắn nghe được thủa còn ở Dương Châu. Thông qua nhân vật Vi Tiểu Bảo, người ta nhận ra một định đề bất ngờ: "Trên đời nầy, kỹ viện và hoàng cung là hai nơi trá nguỵ nhất". Đắc thủ kinh nghiệm từ kỹ viện đến hoàng cung, Vi Tiểu Bảo trở thành nhân vật đệ nhất trá nguỵ. Nhân vật trá nguỵ ấy đã trở thành Hối minh hoà thượng, sư đệ của Hối Thông, phương trượng chùa Thiếu Lâm; rồi sau đó lại trở thành trụ trì chùa Thanh Lương trên Ngũ Đài Sơn ! Nhân vật ấy đủ sức "trị" tên đại Hán gian Ngô Tam Quế; trở thành cố vấn đặc biệt cho Sa hoàng Nga La Tư; thay mặt Khang Hy Hoàng đế quan hệ giao hảo với Mông Cổ và Tây Tạng.
Thế nhưng, nhân vật quan trọng ấy không biết chữ. Trong 3 chữ họ tên của mình, Vi Tiểu Bảo chỉ đọc được chữ Tiểu vì chữ này dễ nhận ra với 3 nét. Ấy thế mà bọn nhà văn có tên tuổi trong lịch sử văn học triều Thanh như Cố Viêm Võ, Tra Y Hoàng phục lăn phục lóc, hết lời ca ngợi. Nhân vật ấy đưa vào trong văn chương một mớ ngôn ngữ thoá mạ bình dân, tục tĩu như "con mẹ nó", "tổ bà quân rùa đen", "phường chó đẻ"... Vi Tiểu Bảo "sáng tạo" ra những thuật ngữ mà chưa một thời đại nào người ta dám đem gán ghép cho những nhân vật cao quý trong xã hội phong kiến: công chúa Kiến Ninh được coi là con đượi non, thái hậu được gọi là mụ điếm già. Mớ ngôn ngữ ấy đã được "truyền bá". Trần Cận Nam, thầy của Vi Tiểu Bảo, cũng biết gọi thái hậu là "mụ điếm già". Vua Khang Hy cũng học thứ ngôn ngữ bình dân của Vi Tiểu Bảo mà mở miệng thoá mạ "con mẹ nó". Chẳng những thế, nhà vua cũng sẵn sàng làm những việc làm hết sức "bình dân", chẳng ra thể thống một Đại Thanh Hoàng đế chút nào. Tôi cho rằng đoạn trích sau đây có thể nói lên chất hài hước cao đó của Lộc Đỉnh ký:
"Sách thánh hiền đọc nhiều quá, toàn những đoạn khô khan. Đột nhiên, nhà vua được nghe những câu "Tổ bà nó", "Té đái vãi phân", tuy thô tục nhưng cũng thấy vui vui liền bắt chước nhưng chỉ khi nói với Vi Tiểu Bảo mới đưa ra. Hôm nay, nhà vua gặp phụ hoàng, vừa hoan hỉ vừa bi thương, nhưng thân cận cha được nửa giờ đã bị đẩy ra ngoài cửa chẳng biết từ nay còn có dịp nào gặp lại, trong lòng rất là khó chịu. May có Vi Tiểu Bảo nói năng thú vị làm vơi nỗi uất ức đi nhiều. Khi bàn tới đại sự trừ phản dẹp loạn, ngài lại nổi hùng tâm.
Nhà vua đứng dậy đi ra ngoài sân mấy bớc, hai tay bê mấy hòn đá bày ra dưới đất, miệng nói:
- Hán quân có tứ vương, nào Đông Vương, nào Tây phiên, nào Bắc biên, phải phân chia ra không thể để chúng liên hiệp với nhau được. Lại còn Định Nam Vương Khổng Hữu Đức nhưng may thằng cha này chết rồi, chỉ để lại một đứa con gái thì cách đối phó chẳng khó khăn gì.
Nhà vua dứt lời, vung chân đá một hòn đá ra ngoài rồi nói tiếp:
- Cảnh Tinh Trung thần dũng hơn đời nhưng lại là kẻ vô mưu nên chẳng có chi đáng ngại. Chỉ cần làm cho hắn không liên minh được với họ Trịnh ở Đài Loan là xong.
Nhà vua lại đá một hòn đá nữa đi rồi nói tiếp:
- Thượng Khả Hỷ thì phụ tử bất hoà. Giữa hai cha con hắn cũng thành thế nước lửa nhằm khuynh loát nhau, chắc chẳng làm nên trò trống gì.
Khối đá thứ ba bị hất tung đi. Chỉ còn một khối đá lớn nhất. Nhà vua nhìn chằm chặp vào khối đá này, ngơ ngẩn xuất thần.
Vi Tiểu Bảo cất tiếng hỏi:
- Tâu Hoàng thượng ! Phải chăng đây là Ngô Tam Quế ?
Vua Khang Hy gật đầu.
Vi Tiểu Bảo mắng liền:
- Thằng giặc thối tha này. Sao mi không chết đi khiến cho Đức Hoàng Đế phải vì mi mà tổn thương cân não. Tâu Hoàng thượng ! Xin Hoàng thượng đái vào người hắn.
Vua Khang Hy cười ha hả, nổi dạ trẻ thơ, vạch quần đái vào phiến đá.
Ngài cười nói:
- Ngươi cũng đái vào đi.
Vi Tiểu Bảo cười rộ. Gã vừa đái vừa nói:
- Hồi sách này kêu bằng Vạn tuế gia cao sơn lưu thuỷ. Tiểu Quế Tử ... Tiểu Quế Tử ...
Gã chợt nhớ thầy đồ nói chuyện Tam Quốc có một hồi kêu bằng "Quan Vân Trường thuỷ yếm thất quân" liền nói tiếp:
- "Tiểu Quế Tử thuỷ yếm thất quân"
Vua Khang Hy không nín được, lại cười ha hả. Ngài vừa thắt quần lại vừa nói:
- Sau nầy mà ta bắt được tên giặc thối tha kia thật sự thì sẽ đái hẳn vào người hắn.
Vi Tiểu Bảo thấy Tiểu Hoàng Đế ra chiều căm hận Ngô Tam Quế thì trong bụng mừng thầm tự nhủ:
- Ta cùng bọn Mộc Vương phủ đánh cuộc về vụ này. Thế là phe mình ăn chắc đến quá nửa rồi."

Và gần như không có nhân vật nào trong Lộc Đỉnh ký không có tính hài hước. Công chúa Kiến Ninh cũng biết chửi tục "Con mẹ nó, té đái vãi phân" và gây ra một hành động kinh thiên động địa mà không phải người phụ nữ nào cũng dám làm: lấy súng bắn nát bộ phận sinh dục của chồng chưa cưới. Hối Thông đại sư, trụ trì chùa Thiếu Lâm, ca ngợi sư đệ của mình là Hối Minh (tức Vi Tiểu Bảo) định lực cao cường khi đối đầu với bọn Cát Nhĩ Đan Vương tử mà chẳng biết Vi Tiểu Bảo sợ quá, thở cũng không nổi và đã “đi” ra đầy cả quần. Trừng Quang đại sư cầm đầu Thập bát La hán chùa Thiếu Lâm ngây thơ đến nỗi nghe Vi Tiểu Bảo đi chơi kỹ viện (động điếm) cũng cho rằng kỹ viện là một "viện" tương đương với Đạt Ma viện của chùa Thiếu Lâm. Thậm chí khi Trừng Quang đại sư nghiên cứu võ công cũng phải nhờ Vi Tiểu Bảo chỉ điểm, hướng dẫn!
Có người cho rằng Lộc Đỉnh ký là tác phẩm của thời đại chúng ta, Vi Tiểu Bảo là con người sống trong thời đại chúng ta. Tôi nghĩ là nhận định đó hết sức nghiêm túc và hợp lý. Với chất hài hước của Lộc Đỉnh ký, thế kỷ 20 hiện thân rành rành trong tiểu thuyết võ hiệp, với những con người, những tình huống, những suy nghĩ của nó.
Không dễ đưa chất hài hước vào văn chương như đưa vào sân khấu hay thơ ca. Tôi đã đọc Kim Dung nhiều lần trong đời. Với Du Thản Chi trong Thiên Long bát bộ, tôi nhỏ nước mắt. Với Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh ký, tôi cười ha hả. Nhiều đêm, chợt tỉnh giấc ngủ, nhớ đến Vi Tiểu Bảo, tôi bật cười một mình. Con người ngộ nghĩnh, thú vị, sống rất chân thật đó đã trở thành một biểu tợng hài hước của thế kỷ thứ 20 chứ không riêng gì trong tác phẩm võ hiệp của Kim Dung.
Trong hoàn cảnh đất nước chưa hoà bình, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn nhiều nơi, lòng người hoang mang ly tán như xã hội miền Nam trước năm 1975, tác phẩm võ hiệp Kim Dung với những màn hài hước đặc sắc vụt trở nên phương tiện giải trí đắt giá. Tâm trạng chung của bạn đọc lúc đó là tìm ra một cái gì vui trong một đời sống có nhiều bế tắc và niềm bi thảm. Ta không thấy làm lạ khi người đọc đón nhận từng chương, từng hồi của tác phẩm Kim Dung đăng trên báo dưới dạng feuilleton. Tôi chưa nói đến giá trị văn học, giá trị tư tưởng, giáo dục. Chỉ một chức năng giải trí, văn chương Kim Dung đã đáp ứng đầy đủ cho người đọc. Hài hước trở thành một thang thuốc bổ, đem lại cho đời nụ cười ý vị.

<< Tình dục | Ghen >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 428

Return to top