Nhạc Bất Quần là một nhân vật lớn trong bộ tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung. Nguyên Trung Hoa có năm ngọn núi (ngũ nhạc) nổi tiếng: Tung Sơn, Thái Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn và Hoa Sơn, mỗi ngọn núi có một kiếm phái. Nhạc Bất Quần là chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, có ngoại hiệu là Quân tử kiếm.
Về ngoại hình, Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần là một "thư sinh có năm chòm râu dài, mặt đẹp như mặt ngọc, chính khí hiên ngang khiến người phải đem lòng ngưỡng mộ". Con người ấy đã trên sáu mươi tuổi nhưng nhờ tu luyện nội công nên nhìn qua, chỉ mới như cỡ bốn mươi. Ngoại hiệu của y là Quân tử kiếm cho nên không bao giờ đánh lén, đánh sau lưng người khác, ăn nói mực thước, không bao giờ lên tiếng tranh biện với ai. Ngược với cái tên Nhạc Bất Quần (không chơi với ai), y kết giao với rất nhiều bạn hào sĩ giang hồ chính phái.
Về tài năng, con người ấy là sư tôn một danh môn, có môn Tử hà công thâm hậu, sáng lập ra một Hoa Sơn kiếm pháp lấy nội công làm căn cơ, học và thấm nhuần những tư tưởng của người quân tử trong triết học đạo Nho, trở thành biểu tượng đẹp đẽ của chính phái, ghét tà phái và bọn tàn ác như kẻ cừu thù. Mỗi khi Nhạc Bất Quần xuất hiện trong phần đầu của Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung thường dùng hai chữ "tiên sinh" để ca ngợi Nhạc Bất Quần.
Thế nhưng, toàn bộ những hào quang trên đây chỉ là những điều trá nguỵ, giả tạo. Từng bước, từng bước một, Kim Dung đã lột mặt nạ của Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần, chỉ ra cho chúng ta thấy tính cách tàn bạo, thủ đoạn độc ác, âm mưu thâm hiểm của nhân vật này. Kim Dung xây dựng y như một hình mẫu "ngụy quân tử", loại người nguy hiểm và khó đối phó hơn cả "chân tiểu nhân". Tôi đã đọc 12 bộ tiểu thuyết của Kim Dung và thật sự kinh sợ nhân vậy nguỵ - Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần. Những âm mưu, thủ đoạn của Nhạc Bất Quần vượt xa những tư duy thông minh của những cái đầu thông tuệ nhất.
Nắm được nguồn tin phái Thanh Thành của Dư Thương Hải sắp tấn công Phước Oai tiêu cục ở Phúc Châu, Nhạc Bất Quần lẳng lặng cho nhị đệ tử Lao Đức Nặc dẫn con gái mình là Nhạc Linh San xuống Phúc Châu mở một quán rượu để theo dõi tình hình. Biết nhị đệ tử Lao Đức Nặc là đệ tử của Tả Lãnh Thiền chưởng môn phái Tung Sơn, vào "nằm vùng" trong nội bộ phái Hoa Sơn của mình, Nhạc Bất Quần vẫn làm ngơ như chẳng biết, lại còn giả vờ tin tưởng Lao Đức Nặc, giao cho hắn những nhiệm vụ khác. Đợi cho phái Thanh Thành tàn sát hết Phước Oai tiêu cục, bắt ông bà Lâm Chấn Nam đưa về núi Hành Sơn để tra hỏi cho ra bộ Tịch tà kiếm phổ của dòng họ Lâm, Nhạc Bất Quần âm thầm theo dõi. Nguyên Nhạc Bất Quần có một đại đệ tử tính tình rất phóng khoáng tên là Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung vì cứu nàng Nghi Lâm - một nữ ni cô thuộc phái Hằng Sơn nên phải kết giao với một tay thanh danh tàn tạ là Điền Bá Quang. Trong một dịp tình cờ, Lệnh Hồ Xung được nghe hai vị Lưu Chính Phong của phái Hành Sơn (chính phái) tấu nhạc cùng một người bạn là Khúc Dương trưởng lão của Ma giáo. Trước khi họ chết, họ đã tặng cho Lệnh Hồ Xung bộ cầm phổ và tiêu phổ Tiếu ngạo giang hồ. Lệnh Hồ Xung lại gặp và nhận lời di chúc của ông bà Lâm Chấn Nam trước khi chết: "Xin Lệnh Hồ Xung hiền điệt báo cho con ta hay dưới hầm một căn nhà cũ trong ngõ Hướng Dương có vật gì thì đó là vật tổ truyền của nhà họ Lâm, cần phải giữ gìn cho cẩn thận. Tằng tổ y là Viễn Đồ Công có để lại lời giáo huấn hết thảy con cháu bất luận là ai cũng không được mở coi mà sinh tai hoạ ghê gớm". Vật đó chính là Tịch tà kiếm phổ, một kiếm phổ ác độc của dòng họ Lâm!
Lâm Bình Chi, con trai của ông bà Lâm Chấn Nam, đi từ Phúc Châu lên Hành Sơn tìm kiếm cha mẹ. Đợi cho Lâm Bình Chi lâm nguy, Nhạc Bất Quần mới ra tay giải cứu, và nhận gã làm đệ tử của phái Hoa Sơn. Nhân danh luật lệ của phái Hoa Sơn, Nhạc Bất Quần còn ra lệnh biệt giam đại để tử Lệnh Hồ Xung trên ngọn Ngọc Nữ phong. Ở đó, Lệnh Hồ Xung học được Hoa Sơn kiếm pháp với thái sư thúc tổ Phong Thanh Dương và học được đường Độc Cô cửu kiếm oai trấn giang hồ. Loại kiếm pháp này đi ngược lại kiếm pháp của Nhạc Bất Quần: lấy kiếm thế như nước chảy mây trôi làm căn cơ (kiếm tông) trong khi Nhạc Bất Quần lấy nội công làm căn cơ (khí tông).
Biết được điều ấy, Nhạc Bất Quần vu cáo Lệnh Hồ Xung đã lấy được Tịch tà kiếm phổ, sai Lao Đức Nặc giám sát gã và sau đó ra thông báo đuổi gã ra khỏi phái Hoa Sơn vì tội "kết giao với Ma giáo" (Điền Bá Quang). Sự thật là Nhạc Bất Quần đã cướp đoạt tấm cà sa có chép Tịch tà kiếm phổ của họ Lâm. Lão nuôi tham vọng lên ngôi Minh chủ Ngũ Nhạc kiếm phái để từ đó lập ra Ngũ Nhạc phái (bỏ chữ kiếm) và sử dụng Lệnh Hồ Xung như một con cờ thí để đánh lạc hướng của các địch thủ khác. Biết Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung Sơn, cũng có tham vọng như mình, đưa Lao Đức Nặc vào nằm vùng trong phái Hoa Sơn, nên lão đã chép bản kiếm phổ giả, tạo điều kiện cho Lao Đức Nặc đánh cắp về cho Tả Lãnh Thiền luyện chơi.
Kiếm phổ giả và kiếm phổ thật khác nhau ở chỗ nào? Đó là một câu ghi trên kiếm phổ: "Võ lâm xưng hùng. Dẫn đao tự cung" (Muốn xưng hùng võ lâm, phải biết lấy đao tự thiến). Đúng như lời Lâm Chấn Nam di chúc: "Bất luận là ai cũng không được cởi mở ra coi mà sinh tai hoạ ghê gớm". Lâm Viễn Đồ (tức Viễn Đồ Công) ông nội của Lâm Chấn Nam, có con rồi mới luyện Tịch tà kiếm phổ. Khi dặn Lệnh Hồ Xung nói lại với Lâm Bình Chi câu ấy, ông Lâm Chấn Nam chỉ lo con trai mình nóng lòng trả thù cho cha mẹ, phải "dẫn đao tự cung" thì dòng họ Lâm phải tuyệt tự. Nhạc Bất Quần chép "tặng" Tả Lãnh Thiền cả bộ kiếm phổ, chỉ không chép câu "Dẫn đao tự cung" cho nên kiếm phổ của Tả Lãnh Thiền luyện là giả! Riêng Nhạc Bất Quần có kiếm phổ là lão "dẫn dao tự cung" mặc dù lão chỉ có Nhạc Linh San là con gái duy nhất. Mà với nhà nho ngày trước "Bất hiếu hữu tam,vô hậu vi đại" (bất hiếu có ba điều, trong đó không có con trai nối dõi là điều bất hiếu lớn nhất). Biết là như thế nhưng tham vọng của Nhạc Bất Quần lớn quá, lão quyết tự làm cho mình tuyệt tự.
Lệnh Hồ Xung lưu lạc giang hồ, kết bạn với một cô gái cực kỳ xinh đẹp. Cô gái ấy là Nhậm Doanh Doanh, con gái của Nhậm Ngã Hành, giáo chủ Triêu dương thần giáo (tức Ma giáo). Anh bị trọng thương mất hết công lực; Doanh Doanh phải cõng anh lên chùa Thiếu Lâm chịu để cho các nhà sư cầm tù mình để các nhà sư cứu mạng Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung được khỏi bệnh. Khi hiểu ra mối thâm tình của Doanh Doanh, anh quyết cùng bọn hào sĩ giang hồ tiến lên chùa Thiếu Lâm đòi thả Doanh Doanh ra.
Trong buổi gặp gỡ tại chùa Thiếu Lâm, lần đầu tiên trong đời, Lệnh Hồ Xung rút kiếm ra đấu với sư phụ. Độc Cô cửu kiếm của anh hơn hẳn Hoa Sơn kiếm pháp của Nhạc Bất Quần. Nhạc Bất Quần sử đi sử lại ba chiêu Lãng tử hồi đầu (chàng lãng tử quay đầu lại), Thương tùng nghênh khách (những cây tùng xanh đón khách) và Tiêu Sử thừa long (Tiêu Sử cưỡi rồng mà bay). Ý của Nhạc Bất Quần đã rõ: lão khuyên Lệnh Hồ Xung nên trở về phái Hoa Sơn và lão sẽ gả Nhạc Linh San cho Lệnh Hồ Xung để Lệnh Hồ Xung có thể ung dung khoái hoạt như Tiêu Sử cưỡi rồng mà bay. Lệnh Hồ Xung nào không hiểu ý sư phụ. Nhưng anh dứt khoát phải cứu mạng Nhậm Doanh Doanh. Và đây cũng là lần đẩu tiên trong đời, kiếm pháp do Phong Thanh Dương phe Kiếm tông truyền thụ thắng lợi trước kiếm pháp phe Khí tông của Nhạc Bất Quần. Nhạc Bất Quần giận lắm, lão đá Lệnh Hồ Xung một cước và cái đá khiến lão gãy xương cẳng chân.
Thực ra, chuyện gãy chân chỉ là một màn kịch tuyệt khéo mà chỉ có Nhạc Bất Quần mới nghĩ ra được. Lúc bấy giờ, lão đang đấu trước mặt Tả Lãnh Thiền, kẻ thù chính sau này của lão. Lão chưa tiện giở Tịch tà kiếm pháp ăn cắp của họ Lâm ra mà chỉ dùng Hoa Sơn kiếm pháp. Khi Hoa Sơn kiếm pháp bị Lệnh Hồ Xung đánh bại, lão nổi nóng đá Lệnh Hồ Xung nhưng công lực của Lệnh Hồ Xung chưa đủ để khiến chân lão phải gãy. Chuyện gãy chân đó là do lão tự vận công mà làm gãy để cho Tả Lãnh Thiền phải mất cảnh giác, cho rằng công lực của lão không đáng kể. Quả nhiên, Tả Lãnh Thiền đã rơi vào bẫy khổ nhục kế của Nhạc Bất Quần.
Vâng, mọi âm mưu thủ đoạn của Nhạc Bất Quần đều được tiến hành rất khéo, dưới một bộ mặt nhân danh người quân tử, khiến mọi người hiểu lầm. Nhưng duy nhất có một người hiểu rõ mưu đồ của lão. Người đó là bà Ninh Trung Tắc, vợ của Nhạc Bất Quần. Hơn ai hết, bà biết chồng đã "dẫn đao tự cung" để luyện Tịch tà kiếm phổ vì từ khi luyện kiếm phổ, lão không hề chăn gối với bà! Nguy hiểm hơn, bà khám phá ra tâm tình lão đang biến đổi, trở thành người ái nam ái nữ, độc ác, thủ đoạn. Sáng nào, khi rũ chăn, bà cũng thấy những sợi râu của chồng rụng, và tiếng nói của lão ngày càng trở nên eo éo, do sự biến đổi phái tính. Bà khuyên lão đừng vu cáo Lệnh Hồ Xung nữa, từ bỏ giấc mộng làm minh chủ Ngũ nhạc phái và vứt bỏ tấm áo cà sa có chép Tịch tà kiếm phổ của dòng họ Lâm. Giả vờ nghe lời vợ, Nhạc Bất Quần vứt tấm áo cà sa xuống thung lũng núi Hoa Sơn.
Nhưng tấm áo cà sa đó đã không mất. Có một người đã nhặt được tấm áo đó sau nhiều năm rình rập ở căn phòng của Nhạc Bất Quần. Người đó là Lâm Bình Chi, con của ông bà Lâm Chấn Nam. Bình Chi đã nghi sư phụ đoạt được tấm áo cà sa của nhà mình và đã luyện được Tịch tà kiếm pháp của nhà mình. Hắn âm thầm theo dõi thầy và chụp được tấm áo cà sa bị vứt bỏ. Thế là quên mất lời dặn dò của cha, hắn vội vã "dẫn đao tự cung" ngay khi mới mười chín tuổi để luyện Tịch tà kiếm phổ!
Một ngày nhìn ra hẻm núi, Nhạc Bất Quần không còn thấy tấm áo cà sa nữa. Lão biết có một ai đó đã lấy được kiếm phổ và "ai đó" chính là Lâm Bình Chi. Lão đánh tiếp một bước cờ thật cao: gả Nhạc Linh San, con gái yêu của lão cho Lâm Bình Chi. Vài đêm sau, lão dò hỏi Nhạc Linh San, hỏi con gái có "hạnh phúc" không. Nhạc Linh San nói dối lão rằng cô rất hạnh phúc. Thực ra từ khi "dẫn đao tự cung", Lâm Bình Chi đã trở thành một tay thái giám thì còn làm ăn gì được. Đêm nào hắn cũng ngủ riêng và thù ghét Nhạc Linh San ra mặt.Chính câu nói dối của Nhạc Linh San đã cứu mạng gã Lâm Bình Chi. Nếu cô nói rằng sau sau ngày cưới, Lâm Bình Chi chưa hề làm chồng cô đêm nào thì Nhạc Bất Quần sẽ biết ngay là Lâm Bình Chi đã luyện Tịch tà kiếm phổ và đã giết Lâm Bình Chi rồi.
Bộ mặt thật của Nhạc Bất Quần chỉ hiện ra trong lần đại hội Ngũ nhạc kiếm phái trên ngọn Tung Sơn. Lão đẵ sử dụng Tịch tà kiếm pháp thứ thiệt đánh với Tịch tà kiếm pháp giả mạo của Tả Lãnh Thiền, đâm mù được đôi mắt Tả Lãnh Thiền bằng những ngón tay dịu dàng như thủ pháp một cô gái đang dùng kim thêu. Lão lên ngôi minh chủ Ngũ nhạc phái, đúng như dự kiến ban đầu. Bấy giờ, Lệnh Hồ Xung đã trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn; lại được lão o bế, vỗ về khác xa với ngày đuổi Lệnh Hồ Xung ra khỏi môn phái. Bằng cái nhãn giới của người nhạy cảm, Doanh Doanh đã nói nhỏ vào tai tình lang Lệnh Hồ Xung ba tiếng nhận xét về Nhạc Bất Quần: "Nguỵ quân tử". Và chỉ đến lúc ấy Lệnh Hồ Xung mới cảm thấy cụm từ trên thật phù hợp với con người mà anh đã từng yêu mến, kính ngưỡng bấy lâu nay.
Mọi chuyện về cuộc đời Nhạc Bất Quần kết thúc đúng như tinh thần chung của tiểu thuyết phương Đông: kẻ gieo gió phải gặt bão. Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần trở thành một kẻ mất hết nhân tính, bỏ vợ, bỏ con, xa lánh học trò, rượt đuổi theo giấc mơ trở thành minh chủ võ lâm Trung Hoa. Nhưng than ôi, Tịch tà kiếm pháp của hắn không thể thắng được Độc Cô cửu kiếm mà Phong Thanh Dương đã truyền thụ cho Lệnh Hồ Xung. Để trừ hậu hoạ cho tình lang, Nhậm Doanh Doanh bóp mũi Nhạc Bất Quần, buộc lão phải há miệng uống một viên Tam thi não thần đan, thứ thuốc độc dùng để khống chế kẻ khác của Triêu Dương thần giáo. Cuối cùng lão bị tiểu ni cô Nghi Lâm đâm một kiếm qua đời. Còn Lâm Bình Chi, một kẻ tiểu nguỵ quân tử, phong cách ung dung nho nhã đúng y khuôn Nhạc Bất Quần sư phụ? Hắn cũng nổi điên, giết vợ là Nhạc Linh San. Đôi mắt bị đui mù, hắn theo Lao Đức Nặc về với Tả Lãnh Thiền. Giấc mơ Tịch tà kiếm phổ tàn lụi và thay vào đó là tiếng đàn sáo hài hoà trung chính của bộ cầm phổ-tiêu phổ Tiếu nhạo giang hồ trỗi lên.
Năm 1996, trả lời câu hỏi của nhà báo Lê Văn Nghĩa trên tạp chí Kiến thức ngày nay, nhà báo Trần Bạch Đằng phát biểu, đại ý: nếu trên một hòn đảo cô độc, ông sẽ đem theo bộ Tiếu ngạo giang hồ để làm bạn vì ông rất ghét Nhạc Bất Quần và yêu Lệnh Hồ Xung. Suy nghĩ của ông Trần Bạch Đằng cũng là suy nghĩ của thế hệ độc giả đọc Tiếu ngạo giang hồ. Nhưng than ôi, giữa cuộc sống của chúng ta, những tay "Quân tử kiếm" cỡ Nhạc Bất Quần còn khá bộn!